Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

Một trong những điểm nổi bật nhất trong bài kinh trên đây là tánh không không nhất thiết chỉ là một luận thuyết đơn thuần triết học mà còn mang tính cách vô cùng thực dụng và thiết thực, ứng dụng trực tiếp vào sự tu tập nhằm mang lại sự giải thoát. Do đó tánh không có thể được hình dung dưới ba khía cạnh khác nhau:

1- tánh không là một đối tượng của sự chú tâm hay thiền định

2- tánh không là bản chất hay đặc tính của tất cả mọi hiện tượng

3- tánh không là một phương tiện giúp người tu tập đạt được sự giải thoát

Bài kinh trên đây bao gồm và trình bày toàn diện cả ba khía cạnh này dưới những hình thức ứng dụng trực tiếp và thực tiễn, không nêu lên một sự biện luận mang tính cách siêu hình nào cả. Thanassaro Bikkhu phân tích và phân chia bài kinh này thành bảy cấp bậc hay bảy giai đoạn luyện tập khác nhau. Buddhadasa Bikkhu trong quyển sách"Cốt lõi của cội Bồ-đề" cũng đã phân chia phép tu tập về tánh không thành bảy cấp bậc từ thấp đến cao đúng với bài kinh này. Dù sao cũng xin lưu ý về một chi tiết nhỏ là bài kinh gốc trong Trung A Hàm mang tính cách liên tục, sở dĩ Thanassaro Bikkhu đã phân chia thành bảy phân đoạn là chỉ nhằm vào mục đích giúp người đọc dễ theo dõi. Vậy cũng xin mạn phép ghép thêm một vài ghi chú nhỏ nhằm giải thích thêm từng cấp bậc như dưới đây.

1- Cảm nhận về sự hoang dã, tiếng Pa-li là arannasanna (aranna có nghĩa là rừng, sanna là sự cảm nhận). Ở cấp bậc sơ khởi này Đức Phật dạy người hành thiền hãy hình dung ra một cảnh tượng hoang dã mênh mông và an trú trong cảnh hoang dã đó: tất cả đều trống không, không có sự hiện diện của một người nào cả trong ngôi làng cũng như trong khu rừng. Trong cảnh giới đó không có một nhân dạng nào hay một sự vật nào hiện hữu có thể mang lại mối bận tâm và sự xao lãng cho người hành thiền. Tuy rằng cách hình dung ra sự vắng mặt của mọi nhân dạng và mọi sự vật ấy chỉ biểu trưng cho một thể dạng "thô thiển" nhất của tánh không, thế nhưng cũng đủ để cho người hành thiền tìm thấy cho mình một sự giải thoát đích thật nào đó trong cấp bậc tiên khởi của quá trình luyện tập. Nên hiểu rằng một sự luyện tập sai lầm có thể đưa đến những thể dạng lệch lạc của sự nhận định về tánh không.

2- Cảm nhận về đất, tiếng Pa-li là pathavisanna (pathavi có nghĩa là đất). Ở cấp bậc này bài kinh giảng thật rõ: người hành thiền hình dung ra chung quanh mình chỉ toàn là đất và "xóa bỏ" tất cả những gì liên hệ đến đất, từ núi đồi đến cây cỏ, từ sông ngòi đến biển cả. Thí dụ mà Đức Phật đưa ra trong bài kinh để nhấn mạnh thêm đối tượng thiền định này thật hết sức điển hình và dễ hiểu: khi trông thấy một con bò thì cũng chỉ nhìn thấy một tấm da căng thật thẳng bằng một trăm cái cọc, không còn dính một chút mỡ nào cả. Ngoài tấm da căng thật thẳng thì con bò bằng xương bằng thịt đang gặm cỏ đã bị loại ra khỏi tâm thức của người hành thiền và hoàn toàn biến mất. Người hành thiền xóa bỏ tất cả những gì mà tâm thức diễn đạt khi phóng nhìn vào cảnh tượng chung quanh, tương tự như lấy một cục gôm (cục tẩy) xóa bỏ những nét bút chì trên một tờ giấy trắng mà sự vận hành của xung năng và tác ý trong tâm thức xui khiến mình vẽ lên đấy.

Thế nhưng tại sao cấp bậc này lại cao hơn cấp bậc thứ nhất trên đây. Cấp bậc cảm nhận về sự hoang dã thật ra dưới một khía cạnh nào đó chỉ là một cách tự đánh lừa mình. Đấy chỉ là một cách "tưởng tượng" ra trong gian nhà, trong ngôi làng, trong khu rừng, tất cả đều trống không. Ở cấp bậc thứ hai người hành thiền nhận thấy trực tiếp các hiện tượng bên ngoài thế nhưng không tạo ra bất cứ một sự diễn đạt nào, tương tự như khi trông thấy con bò nhưng thật ra trước mặt mình chỉ là một tấm da căng thật thẳng không còn dính một chút mỡ nào.

3- Cảm nhận về không gian vô tận, tiếng Pa-li là akasananacayatana (akasa là không khí, không gian, bầu trời...,nanaca: không có gì cả, yatana: sự cố gắng, sự cảm nhận). Trong cấp bậc này người hành thiền chỉ duy nhất cảm nhận "một bầu không gian vô tận", bầu không gian đó trống không và vắng lặng không hàm chứa và chuyển tải bất cứ gì cả, kể cả ngôi làng trống không, khu rừng hoang dã và cả mặt đất mênh mông và bằng phẳng. Người ấy an trú trong cảnh giới vô tận và "bầu không gian trống không đó".

Trong ba cấp bậc vừa kể người hành thiền cố gắng xóa bỏ các đối tượng vật chất và cụ thể, tức là các hiện tượng thuộc vào lãnh vực hình tướng (rupavacara bhumi). Nên hiểu rằng không gian cũng là một thành phần mang tính cách "cụ thể" và "hình tướng", không phải là tánh không. Tuy nhiên chúng ta vẫn có thể nhận thấy một sự thăng tiến tuần tự và tinh tế nào đó trong ba cấp bậc trên đây: cấp bậc thứ nhất là sự vắng mặt của các đối tượng mang tính cách thật cụ thể như nhân dạng, ngôi làng, khu rừng; đối tượng của cấp bậc thứ hai là mặt đất bao la, không còn con người, làng mạc, núi đồi, cây cỏ, sông ngòi gì cả...; sau cùng là cấp bậc thứ ba, và đối tượng của cấp bậc này là không gian bao la. Sự trống không của không gian cũng tượng trưng cho một sự chuyển tiếp khi phép thiền định chuyển sang các đối tượng thuộc lãnh vực phi-hình-tướng trong các cấp bậc tiếp theo sau đó.

4- Cảm nhận về tri thức vô biên, tiếng Pa-li là vinnanacayatana (vin có nghĩa là tự nhiên như thế, không sáng tạo hay tạo dựng ra gì cả): là cách hướng tư duy vào sự vô tận của tri thức, không dừng lại ở một đối tượng tâm thần nào cả, chỉ cảm nhận được tri thức của mình mở rộng ra trong bầu không gian bao la của tâm thức. Bắt đầu từ cấp bậc này người hành thiền chuyển sang một lãnh vực tinh tế và khác hẳn so với ba cấp bậc trước đây, người hành thiền bắt đầu tập cảm nhận các hiện tượng phi-hình-tướng có nghĩa là các đối tượng thuộc lãnh vực tâm thần (arupavacara bhumi / lãnh vực vô sắc giới). Khi đã tiếp cận với lãnh vực vô sắc thì người hành thiền cũng sẽ không còn cảm nhận được các hiện tượng thuộc lãnh vực của sắc giới nữa - tức là thuộc vào ba cấp bậc đầu tiên.

5- Cảm nhận thể dạng hư vô, tiếng Pa-li là akincannayatana (akincanna: không có gì gần bên cạnh): trong thể dạng này người hành thiền không còn cảm nhận được tri thức của mình tỏa rộng trong một bầu không gian vô tận, mà chỉ cảm nhận được một bầu không gian hoàn toàn trống không, một sự trống không tuyệt đối. Sự trống không ấy không phải là một đối tượng nhận biết mang tính cách một "thực thể", chẳng hạn như không gian hay tri thức, mà chỉ là một "tên gọi", một sự " chỉ định" (pannatti / designation / appellation) của tâm thức và do tâm thức "hình dung" ra. Bầu không gian trống không và vô tận đó không phải là một thực thể gọi là không gian mà chỉ là một sự "chỉ định" hay một sự "nhận biết" bởi tri thức (a mental index). Trong cái không gian trống không đó không hàm chứa hay tồn lưu bất cứ gì cả, mà đơn thuần chỉ có cảm tính về sự trống không.

6- Cảm-nhận-không-cảm-nhận, tiếng Pa-li là nevasannanasannayatana (sanna-na-sanna: cảm-nhận-không-cảm-nhận): là một thể dạng tâm thức không-cảm-nhận vô cùng tinh tế. Tuy nhiên người hành thiền cũng không phải là đã trút bỏ hay đã hoàn toàn đình chỉ được sự cảm nhận. Cũng dễ hiểu bởi vì thể dạng không cảm nhận đó luôn luôn phải đi kèm với một sự "ghi nhận" hay "nhận biết" tâm thần (a mental index). Nói cách khác thì dù đấy là một tư duy thăng bằng trụ vào một sự suy tư duy nhất đi nữa - trong trường hợp này là thể dạng không-cảm-nhận - thì đấy cũng là một tư duy đang vận hành, đang "nhận biết" được thể dạng ấy, tức là thể dạng cảm-nhận-không-cảm-nhận.

7- Cảm nhận tánh không tối thượng, tiếng Pa-li paramanuttarasunnata (para: một thứ gì khác / another, anuttara: không vượt hơn được / insurpassable, sunnata: tánh không) Buddhadasa gọi thể dạng này là "tánh không tối thượng không có gì vượt hơn được", Thanassaro Bhikkhu và Môhan Wijayaratna thì gọi là một sự "tập trung tâm thần không chủ đích" (concentration sans indice / theme-less concentration / nimitto-ceto-samadhi) tức là tập trung tâm thức thật mạnh nhưng không hướng vào một đối tượng nào cả.

Trong thể dạng này tư duy sẽ trút bỏ được tất cả mọi sự diễn đạt và nhờ đó sẽ đạt được sự hiểu biết về mọi sự vật đúng như thế, nói cách khác là quán thấy được hiện thực và đấy cũng là cách loại bỏ vô minh. Khi vô minh đã bị loại bỏ thì sự vận hành của uẩn thứ tư (sankhara / formation karmique / "hành", tức là sự hình thành của tác ý, và còn gọi là sự tạo nghiệp) cũng sẽ bị đình chỉ. Sự đình chỉ của uẩn thứ tư này sẽ không làm phát sinh ra uẩn thứ năm tức là tri thức (vinnana / consciousness / "thức"), do đó "cái tôi" và cái "của tôi" cũng sẽ không có. Đấy là sự Giải Thoát.

Bài kinh cũng cho biết rằng trong từng cấp bậc thuộc quá trình trên đây "tư duy của người tu tập cũng sẽ cảm thấy thích thú nơi ấy, trụ vào nơi ấy, tìm thấy sự giải thoát cho mình trong cảnh giới ấy", điều này cho thấy rằng người tu tập trong các giai đoạn đầu cũng đã thừa hưởng được kết quả mang lại từ trình độ luyện tập của mình, chẳng hạn như ngay trong cấp bậc thứ nhất khi mới hình dung ra được sự trống không của gian nhà, của ngôi làng và của khu rừng, thì người hành thiền cũng đã có thể an trú trong những nơi ấy để tìm cho mình một sự giải thoát nào đó, dù đấy chỉ là một hình thức thật thô thiển của tánh không.

Ở mỗi cấp người hành thiền đều "hội nhập vào tánh không đích thật, không sai lầm và tinh khiết", điều này cho biết rằng tánh không không phải là một thứ gì huyền bí và linh thiêng nằm bên ngoài tâm thức của người tu tập, mà đấy chỉ là một thể dạng tâm thức mà chính mình phải tạo ra cho mình và cái thể dạng đó gồm có nhiều cấp bậc khác nhau. Cấp bậc cao nhất là "sự đình chỉ vận hành của sankhara"(uẩn thứ tư, tức là quá trình diễn đạt các cảm nhận của ngũ giác tạo ra sự hình thành của tác ý còn gọi là sự tạo nghiệp)", là "sự tập trung cao độ của tâm thức không hướng vào một chủ đích nào", là "tánh không tối thượng không có gì vượt hơn được", là "tánh không của tánh không", là "niết-bàn".

Xem mục lục