Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (16)


Xem mục lục

Ðịnh nghĩa cuối cùng

Tột cùng mà nói, mỗi người chúng ta, từ đời vô thỉ, đã có một tánh, thường được gọi là bổn tánh (của tâm), thực tánh của các Pháp hay Ðại Thủ Ấn, và tánh này không khác với cái tánh đạt được sau khi hoàn toàn giác ngộ.

Ðại Thủ Ấn căn là cái mà tất cả chúng sanh đều có, nó là nền tảng trên đó hành giả bắt đầu mọi sự tu tập thiền quán. Sau khi nhận ra thực tánh của tâm, tiếp tục cho đến Thập Ðịa Bồ Tát, gọi là Ðại Thủ Ấn đạo. Sau cùng, khi hoàn toàn tỉnh thức thoát khỏi giấc ngủ triền miên của vô minh, tánh thanh tịnh tối hậu của thực tại được chứng đạt, gọi là Ðại Thủ Ấn quả.

Ðại Thủ Ấn căn, đạo và quả tương quan tương duyên, không thể hiện hữu riêng biệt, giống như trường hợp của một em bé, người lớn và ông lão. Ta không thể nào là một ông lão nếu chưa bao giờ đã là một em bé hay người lớn. Cũng vậy Ðại Thủ Ấn quả tự nhiên đến, sau khi trải qua Ðại Thủ Ấn căn và đạo.

Thấy được tánh thanh tịnh bất diệt của thực tại, thoát khỏi mọi khái niệm về vật sở quán và thức năng quán, gọi là Cái Thấy về Ðại Thủ Ấn. Suy nghĩ quán chiếu về Cái Thấy này không xao lãng, gọi là Thiền Quán về Ðại Thủ Ấn.

Tu tập cần phải phối hợp đầy đủ Cái Thấy (chánh kiến) và thiền tập (chánh định). Có thiền tập mà thiếu chánh kiến, chẳng khác người mù đi trên đồng trống. Có chánh kiến mà không thiền tập, chẳng khác người bần tiện, sự hiểu biết không đem lại ích lợi nào cho mình và cho người cả. Nếu đầy đủ cả hai, sẽ giống như chim đủ hai cánh bay nhanh đến giác ngộ.

Sau đó, hành giả được khuyến khích khai triển một trong bốn công việc, trong lúc làm không khởi khái niệm về việc được làm và người đang làm. Ðây là Hoạt Ðộng về Ðại Thủ Ấn.

Bốn công việc này là: làm hạnh lành, mật hạnh, làm trong đám đông và đem lại thành công trong mọi ngành.

Hãy thành tâm tin tưởng, kính mến các vị Thầy (Lamas). Dứt bỏ và xa lìa những cám dỗ của cuộc đời. Luôn tập trung tâm ý không để xao lãng. Chặt đứt sợi dây ích kỷ chỉ muốn hưởng lợi cá nhân. Bất cứ dấu hiệu nào xảy đến trong thiền tập cũng không chán nản, phải tinh cần tiếp tục.

Hành giả cần nhận định rõ ràng sự khác biệt giữa kinh nghiệm nhất thời và kinh nghiệm thâm nhập. Nếu còn thấy đây là một tâm năng chiếu và kia là đối tượng quán chiếu, đó là kinh nghiệm nhất thời.

Những kinh nghiệm nhất thời và ba trạng thái an lạc vẫn còn đượm màu nhị nguyên (dualité).

Trực nhận được tánh bất nhị, trong đó không có người đang thiền và đối tượng thiền quán, đấy gọi là thâm nhập.

Tuy ba trạng thái (an lạc, sáng suốt, vô niệm) không phải là tối cao nhưng chúng là nền tảng của Thiền Quán. Nếu gia tăng, trau giồi chúng một cách không dính mắc, chắc chắn sự thâm nhập sẽ đến tự nhiên.

Trong bốn loại ấn, Hoạt Ðộng Ấn thích hợp cho hàng độn căn. Qua ấn này, ta có thể chứng đạt những năng lực thần thông của Dục giới.

Có nhiều trình độ giải nghĩa về bốn ấn. Ở đây, Hoạt Ðộng Ấn, Karmamudra, chiếu theo sự tu tập về các: 1) hoạt động an bình để giải trừ bịnh tật và trù ếm, 2) hoạt động làm gia tăng tuổi thọ, phẩm hạnh và phước đức, 3) hoạt động nhằm chứng đạt quyền năng sai khiển đồ vật, 4) hoạt động dữ dằn để giải trừ điều ác, chướng ngại.

Giới Ấn và Pháp Ấn là con đường thích hợp cho hàng trung căn. Với hai ấn này, ta có thể chứng đạt những thành tựu cao nhất của cảnh giới luân hồi, cõi trời Akanistha (Og-minn).

Giới Ấn, Samayamudra, là sự tôn trọng các giới luật đã thọ. Pháp Ấn, Dharmamudra, là quán tưởng tự thân dưới hình tướng của một Thần Linh Quán. Áp dụng hai ấn này, mà chưa thực hiện được Không tánh có thể dẫn tới đỉnh của tam giới nhưng không đến giác ngộ.

Ðại Thủ Ấn (Mahamudra), con ấn lớn của Không tánh, là con đường của hàng lợi căn, dẫn đến sự thành tựu tối thượng của giác ngộ.

Ðại Thủ Ấn là tánh bất nhị của cảnh vật và Không tánh, của an lạc và Không tánh, của Thức và Không tánh, của sáng suốt và rỗng lặng, vượt khỏi mọi đối đãi tâm linh về có và không. Nó không phải một vật có thể chỉ bày bởi một vị Thầy, không thể hiểu được bằng trí khôn của người đệ tử, không thể diễn tả được bằng lời. Nó cũng không phải cái này hay cái kia. Ðó là một sự Ðại An Lạc, chỉ có thể tự chứng nghiệm chứ không thể định nghĩa. Không có gì mà nó không thấu suốt, dù đó là cảnh vật, sinh tử hay Niết Bàn... Nó vừa là tâm vừa là ý niệm, vừa là Pháp thân, và đã có mặt từ đời vô thỉ.

Sự tan hòa, hợp nhất của tâm, ý niệm và Pháp thân không giống như trộn cát lẫn với xi măng, mà giống như hòa nước với nước vậy. Tánh của ý niệm (hiện khởi) chính là tánh của tâm: cả hai cùng là Pháp thân. Những ý niệm, mặc dù không thực và mê hoặc nhưng ta không cần xả bỏ hay ngăn chặn chúng; khi nhận ra được tánh thì tự chúng trở thành thanh tịnh.

Tâm, ý niệm và Pháp thân cả ba cùng có từ đời vô thỉ. Nếu đặt câu hỏi: "vô minh có trước hay giác ngộ có trước?" chẳng khác chi hỏi: "gà (con) có trước hay trứng có trước?". Không phải trước tiên có giác ngộ rồi sau đó thành vô minh, cũng không phải vô minh trước rồi sau mới giác ngộ. Song le, một đức Phật không còn vọng tưởng nữa, thế nghĩa là sao? Ý niệm (vọng tưởng) thấm nhuần trong Pháp thân, do đó không thể nói là đức Phật đã trừ bỏ ý niệm. Ðức Phật đã nhận ra ý niệm chính là Pháp thân nên tất cả hành động tạo tác và hóa hiện của Phật hoàn toàn vô niệm, tự nhiên và lợi ích cho tất cả chúng sanh.

Giòng truyền thừa của Ðại Thủ Ấn bắt nguồn từ đức Phật Vajradhara xuống đến Tilopa, Naropa, Marpa, Milarépa, Gampopa và sau đó tỏa ra nhiều giòng truyền từ các đệ tử của Gampopa gồm giòng truyền Ðại Thủ Ấn Shang, Barom, Drikhung Kagyu, Pagmo Drupa. Từ Pagmo Drupa lại chia ra các giòng Tag-Lung, Tchugna, Maryé, Shub-séoua, Tropu, Yazang và Drukpa Kagyu. Riêng ở đây, giòng Karma Kamtsang Kagyu đã được truyền từ Gampopa, rồi Tusum Khyenpa (Karmapa đệ I) xuống đến Bổn Sư của ta là Keuntchok Yenlag (Shamar Rinpoché đệ V). Nếu tu tập đứng đắn, chắc chắn sẽ chứng đạt nhiều kinh nghiệm và trí huệ.

Xem mục lục