Có câu ngạn ngữ rằng, giáo pháp chân chính cũng giống như vẻ đẹp của ánh trăng. Bài Pháp thoại này sẽ bao gồm các chủ đề về Quy y, phát triển Bồ đề tâm và Như Lai Tạng, hay còn gọi là Phật tính.
Quy y là cửa dẫn nhập vào tất cả các pháp môn khác nhau trong đạo Phật
Trước hết, tôi sẽ giải thích tầm quan trọng của Quy y. Quy y là cửa ngõ, là đường dẫn nhập vào tất cả các pháp môn khác nhau trong đạo Phật, như Theravada (Phật giáo Nguyên thủy), Mahayana (Phật giáo Đại thừa), Sutrayana (Kinh thừa hay Hiển giáo), Vajrayana (Kim Cương thừa hay Mật giáo). Đó là phương tiện đưa đến giải thoát tối thượng. Đó chính là lý do vì sao nói rằng các Phật tử đều tin vào việc Quy y Tam Bảo - Phật Bảo, Pháp Bảo, Tăng Bảo.
Quy y được phân loại tùy thuộc vào động cơ khi hành giả thọ giới nguyện Quy y. Có hai loại Quy y: Quy y thế tục (Quy y với động cơ thế gian), và Quy y xuất thế gian (Quy y với động cơ xuất thế). Quy y thế gian: mục đích người thọ Quy y chỉ muốn có được
những hạnh phúc giả tạm vô thường của cõi người hoặc cõi trời, muốn tránh đau khổ trong ba cõi thấp (địa ngục, ngã quỷ, súc sinh).
Quy xuất thế gian là bao gồm cả Quy y của các Phật tử theo Nguyên thủy Phật giáo hay Đại thừa Phật giáo.
+ Trong Nguyên thủy Phật giáo, người phát tâm Quy y do sợ khổ đau trong các cõi luân hồi sinh tử, muốn tìm sự giải thoát giác ngộ cho riêng mình, và kết quả họ có thể chứng ngộ được Cảnh giới của Thanh Văn (quả vị A La hán).
+ Trong Đại thừa, động cơ của hành giả Quy y Tam Bảo là lòng vị tha và tâm từ bi vô lượng, mong muốn giải thoát hết thảy chúng sinh khỏi luân hồi đau khổ. Nếu chỉ cảm thấy từ bi thương xót tất cả chúng sinh đang trôi lăn trong luân hồi thôi chưa đủ, hành giả còn cần phải quyết tâm thực hành Bồ Tát Hạnh để giải thoát chúng sinh khỏi biển khổ tử sinh. Bởi vậy, một người thọ Quy y Tam Bảo với động cơ giải thoát mình và vô lượng chúng sinh ra khỏi luân hồi sinh tử và ngay cả sự an lạc Niết bàn của các vị A La Hán, cho đến khi đạt được giác ngộ hoàn toàn. Sự Quy y cụ thể của Đại thừa bao gồm nhân Quy y, là sự Quy y tạm thời, và quả Quy y, là sự Quy y tối thượng.
Từ konchok trong tiếng Tây Tạng được dùng để chỉ phẩm chất cao quý của Tam Bảo, có nghĩa là “hy hữu” và “tối thượng”, giống như ngọc như ý vô cùng khó được, và điều đó cũng có nghĩa là Tam Bảo vô cùng khó gặp và quý giá. Nếu không tích lũy nhân lành từ nhiều đời trước thì không thể nào hạnh ngộ Tam Bảo, bởi vì Tam Bảo vô cùng “trân quý”. Khi được hạnh ngộ Tam Bảo, giống như chúng ta đã có được ngọc như ý, vô cùng khó tìm và vô giá.
Thấy luân hồi khổ, phát tâm Quy y
Tại sao Quy y lại là cần thiết? Bởi vì cho dù bạn có sinh ra ở bất kỳ cõi nào, cao hay thấp trong sáu đạo, luân hồi cũng vẫn còn như trong nhà lửa, như xứ Ái La Sát đầy nguy hiểm hay một hang đầy rắn độc. Nếu bạn hiểu được bản chất đau khổ của luân hồi và sợ hãi những đau khổ đó, bạn cần tin rằng Tam Bảo có khả năng chấm dứt khổ đau. Với niềm tin này bạn Quy y Tam Bảo.
Quy y là một nấc thang rất quan trọng. Ví dụ, khi bị đau ốm, bạn cần phải có sự giúp đỡ từ một bác sĩ giỏi để được chữa khỏi bệnh. Khi đói, chúng ta cần thức ăn; khi lạnh, chúng ta cần áo ấm; khi đi bộ, chúng ta cần phải có lối đi; trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta cần tới sự giúp đỡ của bậc Thầy; nếu không chúng ta sẽ không thể thành tựu được bất cứ điều gì. Tương tự như vậy, để có thể thoát khỏi luân hồi thống khổ, chúng ta cần Quy y Tam Bảo. Những người bảo hộ quyền năng nhất ở cõi phàm trần cũng không thể nào giúp đỡ được những ai đang đắm chìm trong luân hồi đau khổ, bởi vì chính bản thân họ cũng đang trong tình trạng như vậy, giống như những tù nhân đang bị giam trong nhà ngục. Làm sao họ có thể giải phóng cho những bạn tù khác? Cũng giống như những người bị sa vào bãi lầy, họ không thể kéo những người khác ra khỏi bãi lầy đó. Ngay cả chư tiên thiên cũng chưa tự thoát khỏi sự trói buộc của nghiệp và vô minh do chính họ gây ra, bởi thế họ không thể nào giải thoát tất cả chúng sinh khỏi nhân quả luân hồi. Duy chỉ ngôi Tam Bảo - đã thoát khỏi ô nhiễm và xiềng xích của luân hồi sinh tử, mới có thể cứu chúng sinh vĩnh viễn thoát khỏi những kiếp sinh tử khổ đau. Bằng việc gieo những hạt giống khổ đau thì kết quả sẽ là đau khổ, đó là luân hồi.
Theo cách này chúng sinh cứ quay lộn trong trần hoàn, trôi lăn trong sáu đạo không có ngày ra khỏi
Vô minh là nguyên nhân của đau khổ. Cũng giống như những bệnh nhân không biết rõ nguyên nhân căn bệnh của mình, chẳng hạn như những người bị sốt vàng nhìn đâu cũng thấy toàn màu vàng. Mặc dù bản chất của vạn pháp là Tính Không song vì vô minh mà chúng sinh không nhận ra điều đó, cứ mãi bám chấp vào cuộc sống hiện tại và chia chẻ thành nhị nguyên. Do ngã chấp, chúng ta đắm trước vào thân mình, chúng ta mong cầu hạnh phúc và những tiện nghi cho bản thân. Đôi khi chúng ta cũng quan tâm tới hạnh phúc và tiện nghi của những người khác, thế nhưng dần dần chúng ta lại có thể trở nên ác cảm với họ. Do tâm yêu và ghét, chúng ta đã tích lũy vô số nghiệp khác nhau là kết quả của ba độc tham, sân, si. Tùy theo những nhân đã gieo đời trước mà trong đời này, chúng ta sẽ có lúc khổ đau, lúc hạnh phúc. Tâm nhị nguyên chứa đầy vô minh sẽ dẫn đến tích lũy những phiền não nhiễm ô. Nếu không có cách nào kiểm soát được tam độc chúng ta sẽ tích lũy nghiệp xấu và khi quả nghiệp chín muồi, chúng ta sẽ phải đối mặt với khổ đau mà không có lựa chọn nào khác. Cứ như vậy luân hồi trở thành một vòng quay bất tận.
Cho dù có thích hay không thích những gì đang xảy đến, chúng ta cũng chẳng có cách nào để chối bỏ hay thay đổi chúng. Đây cũng là một loại đau khổ. Thí dụ như sinh, lão, bệnh, tử - đây là bốn khổ của thân mà bạn không bao giờ muốn, nhưng bạn vẫn phải trải qua.
Bên cạnh bốn khổ của thân, bạn cũng phải chịu bốn khổ của tâm là cầu bất đắc khổ (khổ vì muốn mà không được), oán tắng hội khổ (khổ vì ghét mà phải gặp gỡ), ái biệt ly khổ (yêu thương phải chia lìa) và ngũ ấm xí thịnh khổ (khổ do sắc, thọ, tưởng, hành, thức lẫy lừng).
Chẳng điều gì xảy ra đúng như những mong cầu của bạn cả. Khi bạn mong cầu sự bình yên và hạnh phúc, hay khi bạn ước ao thoát khổ, điều đó không hề có nghĩa rằng những nguyện ước của bạn sẽ được đáp ứng, rằng sự bình yên và hạnh phúc sẽ đến với bạn hay bạn sẽ xa lìa được đau khổ. Điều này cũng giống như một chiếc lông chim bay trong hư không, nó bay theo lực đẩy và hướng đi của gió, chiếc lông chim đó chẳng hề có sức mạnh để tự kiểm soát mình.
Bản chất của vạn pháp trong vũ trụ là vô thường; bởi vậy bản chất của luân hồi là đau khổ
Hễ có sinh là có tử; hễ có hợp là có tan. Bản chất của vạn pháp trong vũ trụ là vô thường; vì vậy bản chất của luân hồi là đau khổ. Làm sao chúng ta có thể vui hưởng an lạc hạnh phúc khi chúng ta còn mắc kẹt trong luân hồi? Điều đó cũng giống như cố gắng ăn những thức ăn ngon ở giữa một nơi vô cùng bẩn thỉu khiến cho bạn cảm thấy buồn nôn, hay cũng giống khi tay bạn cứ nắm chặt một hòn đá nóng bỏng mà tâm bạn lại mong muốn được cảm giác mát lành. Vì vậy mỗi khi gặp khổ đau, chúng ta hãy nhớ đó là bản chất của luân hồi.
Nghiệp là định luật nhân quả của vũ trụ. Không thể nào loại bỏ được cái khổ này. Trong kinh Đức Phật dạy: “Hiện tại là quả của quá khứ”. Bất kỳ hành động thiện hay bất thiện nào chúng ta làm trong quá khứ đều mang lại quả khổ đau hay an lạc tương ứng trong đời này. Đức Phật còn dạy rằng: “Nếu muốn biết đời sau bạn tái sinh vào đâu, hãy nhìn vào những gì bạn đang làm trong đời này”. Bạn sẽ tái sinh vào cảnh giới cao hay thấp hoàn toàn phụ thuộc vào những hành động thiện, ác bạn đang tạo trong đời này. Những nghiệp thiện bạn đang làm trong đời này có thể không cho phúc báo ngay hiện đời, nhưng khi đầy đủ điều kiện nhân duyên chín mùi, nó sẽ trổ quả. Ví dụ, bạn không thể nhìn thấy được bóng của con chim khi nó đang bay trên trời, nhưng khi nó hạ cánh xuống mặt đất, bạn sẽ thấy được cả thân lẫn bóng của nó. Khi bạn tích lũy nghiệp, dù là thiện hay ác, nó sẽ không bao giờ mất đi và sẽ chín khi đầy đủ nhân duyên. Nếu bạn chưa từng gieo nhân thiện hoặc ác cho một tình huống cụ thể nào đó thì tình huống đó sẽ không bao giờ xảy ra. (Chẳng hạn có những người suốt đời mong cầu lên được chức vị, song vì đời trước họ chưa từng gieo nhân cho phúc báo quan chức, nên trong đời này họ không thể lên được chức vị mà họ mong muốn). Chính vì thế mà chúng ta phải tin sâu quy luật về nghiệp, và cẩn trọng mỗi khi mình tạo nghiệp thiện hay bất thiện. Chúng ta nên tránh gieo nhân khổ bằng cách loại bỏ ngay khi nó còn là nhân.
Đức Phật đã dạy: “Chúng ta cần hiểu rõ bản chất của khổ để loại trừ nhân đau khổ.”. Khi bị bệnh, chúng ta cần phải biết nguyên nhân căn bệnh, nếu không bệnh của chúng ta sẽ không bao giờ được chữa khỏi. Thế nhưng dù có biết nguyên nhân mà chúng ta không chịu uống thuốc thì cũng không lợi ích gì. Vì vậy Đức Phật dạy: “Chúng ta cần biết cách thoát khổ và thực hành pháp để chấm dứt khổ đau.” Bằng cách đó, tất cả khổ đau sẽ được loại trừ và các cấp độ trí tuệ thực chứng sẽ được chứng ngộ. Đây chính là bài pháp đầu tiên mà Đức Phật đã dạy (Tứ diệu đế).
Phật là Bậc Minh Hạnh Túc viên mãn trọn vẹn Công đức và Trí tuệ
Phật là bậc viên mãn trọn vẹn công đức và trí tuệ. Ngài đã đạt được sự giải thoát khỏi mọi phiền não chướng, sở tri chướng và các chủng tử tập khí. Căn bản trí toàn tri của Ngài là vô song. Thông qua sự tự chứng ngộ giải thoát tuyệt đối, Ngài đã thành tựu Pháp thân. Dù đã thoát khỏi tam giới song vì tâm từ bi vô hạn, Ngài đã không nhập Niết bàn để lợi ích chúng sinh. Từ cảnh giới tối thượng của Pháp thân, chư Phật an trụ trong Báo thân tuyệt hảo và rồi thị hiện trở lại thế giới bất tịnh này trong hình tướng Hóa thân để tùy cơ cứu độ hữu tình. Chừng nào còn chúng sinh lặn ngụp trong biển khổ luân hồi, thì chừng đó các Hóa thân của chư Phật còn tiếp tục những công hạnh lợi tha để giải thoát cho hết
thảy hữu tình không trừ một ai. Giống như mặt trời, chúng ta tưởng rằng mặt trời chỉ ở đó và không làm việc gì lợi lạc cả, song thực tế mặt trời vẫn luôn tỏa những tia sáng xua tan màn đêm tăm tối cho trái đất này. Tương tự như vậy, những công hạnh của chư Phật cũng tỏa sáng khắp muôn phương. Các Báo thân và Hóa thân vẫn hiện diện để lợi ích cho chúng sinh. Nhờ sự cứu độ của các Ngài, chúng sinh mới có thể thực chứng được bản chất của Nhị Trí (Căn bản Trí, Hậu đắc trí) và Tam Thân (Pháp Thân, Báo Thân và Hóa Thân).
Giáo Pháp phải được thực hành để đạt đến giải thoát
Khi Đức Phật đi trên con đường giải thoát, Ngài đã thực hành Sáu công hạnh Ba la mật và đã chứng quả vị giải thoát nhờ pháp thực hành này. Đúng như một người dẫn đường hoàn hảo có thể chỉ ra con đường chân chính, Đức Phật đã dạy: “Ta sẽ chỉ cho các con con đường giải thoát.”. Để chứng ngộ Niết bàn và loại bỏ tất cả nghiệp sinh tử thì giáo pháp về Chân lý vũ trụ chính là con đường dẫn tới giải thoát Tuyệt đối. Tuy vậy, nếu hành giả không tự mình bước đi trên con đường đó thì sẽ không bao giờ có thể tới được đích. Tương tự, nếu như không tự thân thực hành, bạn sẽ không thể nào chứng đạt quả của tuệ giác. Vì vậy mà Đức Phật đã dạy: “Pháp phải được thực hành để đạt đến giải thoát.”
Sự thực hành Sáu Ba la mật chính là con đường giải thoát mà chúng ta cần nương theo. Nếu như chỉ nương vào lòng Từ của Tam Bảo để đạt tới giác ngộ mà không chịu thực hành thì chúng ta sẽ không thể nào tận diệt được những phiền não ô nhiễm và ám chướng vô minh. Điều này đã được nhắc tới trong Kinh điển: “Đức Phật chưa bao giờ tịnh hóa nghiệp bằng cách dùng nước rửa, và vì thế chúng sinh đang khổ đau cũng không thể nào diệt trừ nghiệp bằng tay. Sự giác ngộ của Đức Phật không thể ban cho chúng sinh khác”. Chư Phật thương xót chúng sinh trong luân hồi bình đẳng như nhau, với lòng từ bi vô lượng không phân biệt họ tốt hay xấu. Nhưng các Ngài cũng không thể tịnh hóa ác nghiệp hay loại trừ khổ đau hộ chúng sinh. Mỗi chúng ta phải tự có trách nhiệm tu tập để tịnh hóa và tiêu trừ nghiệp cho chính mình. Bản chất giác ngộ Nguyên thủy của Như Lai không thể được ban cho chúng sinh. Như đã nói trong Kinh: “Giáo pháp của Đức Phật chỉ có thể hướng đạo cho chúng sinh trên con đường giải thoát.” Chư Phật ba đời Quá khứ, Hiện tại và Vị lai giảng dạy giáo pháp về con đường giải thoát trong Tam thừa phù hợp với căn cơ của mỗi chúng sinh, và nếu tu tập đúng cách thì chúng sinh có thể đạt được tự tính tâm bản lai và giải thoát khỏi sinh tử luân hồi.
Tăng có nghĩa là những người thực hành theo chính Pháp
Tăng có nghĩa là những người thực hành theo chính Pháp. Có hai loại Tăng: Trụ trì Tăng bảo và Xuất thế Tăng bảo. Trụ trì Tăng bảo là những vị xuất gia tu hành giữ phạm hạnh thanh cao, thay Phật truyền dạy giáo pháp cho chúng sinh, nhưng các Ngài chưa chứng ngộ được bản chất Phật tính nơi mình. Xuất thế Tăng bảo là những vị Bồ Tát đã đạt được quả vị đầu tiên trong mười cấp độ giác ngộ. Chúng ta Quy y Phật là nương tựa vào bậc Thượng sư, Quy y Pháp là nương tựa vào Con đường Giải thoát và Quy y Tăng là nương tựa vào những Bằng Hữu Tâm Linh trên con đường giải thoát. Thí dụ, ai đó nói với bạn rằng có một thành phố tuyệt đẹp là “Lhasa” và chỉ cho bạn đường tới thành phố đó. Cũng như vậy, Đức Phật là bậc Thượng sư, Ngài dạy chúng ta rằng có một cảnh giới vô cùng hỷ lạc và an bình, đó là Phật quả tối thượng, và Ngài dạy cho chúng ta những phương pháp để đạt được trạng thái tối thượng này, đó là cách tích lũy công đức và trí tuệ bình đẳng, cách diệt trừ phiền não nhiễm ô, định kiến và tà kiến v.v... Đức Phật chỉ cho chúng ta con đường dẫn tới Phật quả tối thượng. Chúng ta Quy y Đức Phật tôn kính vì Ngài là bậc hướng đạo tối thượng. Khi chúng ta muốn đi đến một thành phố khác, chúng ta cần phải đi trên một con đường, và khi muốn qua sông, chúng ta cần có thuyền. Cũng như vậy, để đạt được Phật quả viên mãn, sự thực hành của chúng ta cần phải nương theo một phương thức đúng đắn được gọi là chính đạo hay Pháp. Pháp là phần chính yếu của Quy y. Chúng ta vẫn phải nương vào Giáo Pháp cho tới khi đạt được giác ngộ hoàn toàn.
Khi muốn đi đến một nơi xa lạ, chúng ta cần sự trợ giúp của một người dẫn đường để có thể đến đích an toàn. Cũng giống như vậy, việc đi trên con đường giác ngộ cùng với những bạn tâm linh đồng hành, sẽ trợ giúp chúng ta an toàn hơn cho đến khi đạt được quả vị giác ngộ. Nếu không có sự hướng đạo tâm linh chân chính, chúng ta sẽ không thể nào xua tan được tà kiến và nghi ngờ, chúng ta sẽ không thể phân biệt được giáo pháp của Phật với những tín ngưỡng ngoại đạo khác. Tà kiến và nghi hoặc là những chướng ngại chính trên con đường tâm linh. Với sự trợ giúp của một bậc đạo sư, những tà kiến và nghi hoặc sẽ được tiêu trừ, giúp chúng ta có thể nhanh chóng nhập vào con đường giác ngộ tối thượng.
Sau khi đã Quy y Phật, hành giả không nên Quy y bất cứ vị chư thiên phàm tình hay các thế lực tà thần, cho dù họ có thể giúp đỡ được chúng ta rất nhiều trong các hoạt động thế tục, song họ không thể được coi là Quy y tối thượng. Sau khi đã Quy y Pháp, hành giả không dùng thân và khẩu của mình để gây tổn hại tới chúng sinh, bao gồm cả các loại côn trùng, loài kiến cũng như những chúng hữu tình nhỏ bé khác. Sau khi đã Quy y Tăng, hành giả không nên đồng hành với những ai không có niềm tin về nhân quả và tái sinh hoặc những người thích làm hại chúng sinh, cho dù họ có thể là người thân hay bạn bè thì mình cũng không nên gần gũi họ.
Sau khi Quy y Phật, hành giả cần một lòng tâm niệm về tâm từ bi của Đức Phật, bất kể trong thời gian và hoàn cảnh nào, hành giả cũng nên cúng dường và đỉnh lễ Phật. Sau khi Quy y Pháp, hành giả cần tôn kính mọi giáo pháp, kinh điển linh thiêng và loại bỏ mọi tà kiến và tư tưởng phân biệt, đồng thời tôn kính, trân quý Pháp. Đức Phật từng dạy: “Trong 500 năm cuối cùng trước thời Pháp diệt, ta sẽ thị hiện dưới hình tướng những giáo điển linh thiêng, vì vậy các con cần tôn kính các giáo điển đó”. Sau khi Quy y Tăng, hành giả không được khinh khi hay có tâm phân biệt đối với bất cứ chư Tăng trong tự viện nào; trái lại hành giả cần tôn kính mỗi vị tu sĩ trong tự viện như là hiện thân của một vị Bồ Tát.
Tâm từ bi là cội nguồn của cả hạnh phúc thế gian và hạnh phúc xuất thế gian của hết thảy chúng sinh
Ở bất cứ nơi đâu, bất cứ thời đại nào, tâm từ bi vẫn vô cùng quan trọng. Đó là cội nguồn của cả hạnh phúc thế gian và hạnh phúc xuất thế gian của hết thảy chúng sinh. Mọi chúng hữu tình đều vốn sẵn bản chất từ bi, thậm chí kể cả hổ báo, chó sói cũng sẵn có bản chất này, điều này thấy được khi chúng cho con ăn. Trừ một số ít, còn ngay cả đến những người ích kỷ và độc ác nhất cũng quan tâm tới gia đình và bạn bè của họ bằng tình yêu thương và lòng bi mẫn. Đối với bản thân chúng ta, chúng ta vô cùng tri ân cha mẹ đời này, đặc biệt với mẹ là người đã sinh thành và chăm sóc chúng ta từ khi mới chào đời cho đến ngày khôn lớn. Mặc dù vậy, do sự khác biệt về văn hóa nên có một số người sống trong các xã hội phương Tây có thể không đồng tình lắm về việc họ rất cần tri ân người mẹ, trong khi ở phương Đông và đặc biệt là ở Tây Tạng, đa số mọi người thường cảm thấy vô cùng tri ân người mẹ. Họ còn cảm thấy rằng con cái cần phải đền đáp tình yêu thương của người mẹ. Nếu như chúng ta không yêu kính mẹ mình thì thật vô cùng đáng hổ thẹn và không thể chấp nhận được. Phẩm hạnh này cũng được dạy trong giáo pháp của Đức Phật.
Vậy thì khi quán tưởng và thực hành tâm từ bi, trước nhất chúng ta cần nghĩ tới tình yêu thương của người mẹ, và rồi dần dần phát triển tâm từ bi đó tới gia đình và những người bạn thân thuộc của chúng ta, rồi sau đó tới cả những người xa lạ mà chúng ta không hề quen biết, và cuối cùng là tới kẻ thù của chúng ta. Nếu chúng ta thường xuyên tu tập quán tưởng như vậy thì tâm Bồ đề - tâm Giác ngộ sẽ dễ dàng được trưởng dưỡng. Chính vì vậy mà trong mọi lời cầu nguyện đều được dẫn “Tất thảy chúng sinh mẹ...” Tâm Bồ đề hay tâm Giác ngộ của chúng ta là tinh túy của căn bản Pháp tu Đại thừa; đó chính là nhân chính để thành tựu Phật quả viên mãn. Đức Phật đã dạy: “Trưởng dưỡng động cơ tâm Bồ đề thanh tịnh là con đường chân chính chứng ngộ Phật quả. Nếu không có tâm Bồ đề thì hành giả sẽ không bao giờ chứng được Phật quả.”. Không có một Đức Phật nào trong quá khứ đã chứng quả giác ngộ mà không trưởng dưỡng Bồ đề tâm, vì vậy những vị Phật của hiện tại và vị lai, bao gồm cả những người sẽ thành tựu tâm nguyện thành Phật, đều phải nương theo việc phát triển Bồ đề tâm để đạt tới Phật quả viên mãn.
Tình yêu thương và lòng bi mẫn thế tục rất hạn hẹp và có điều kiện
Tình yêu thương là gì và lòng bi mẫn là gì? Giải thích về “tình yêu thương”: Tình yêu của một người mẹ đối với đứa con độc nhất của mình có nghĩa là bà luôn luôn mong cầu cho đứa con khỏe mạnh và không bao giờ đau ốm, và đứa trẻ sẽ luôn hạnh phúc và suốt cả cuộc đời không bao giờ phải chịu khổ đau. Người mẹ sẽ luôn luôn chất chứa mong nguyện che chở bảo vệ cho đứa con. Đó chính là “tình yêu thương”. “Lòng bi mẫn” là khi người mẹ thấy đứa con trai độc nhất của mình bị ốm, bà mong cầu rằng bệnh sẽ lành, đứa trẻ sẽ sớm bình phục. Lời mong cầu cho đứa con trai được chấm dứt tật bệnh đau khổ có thể được giải thích là “lòng bi mẫn”. Nhưng tình yêu thương và lòng bi mẫn đó là tình cảm thế gian và có sự phân biệt, bị thúc đẩy bởi vô minh, sân giận và tham ái. Thí dụ như thật dễ dàng để có tình yêu thương và lòng bi mẫn với gia đình của mình cũng như với bạn bè, và mong ước cho họ hạnh phúc, giải thoát khỏi khổ đau, song chúng ta lại không thể nào mong nguyện được điều đó cho kẻ thù của mình. Vì vậy mà tình yêu thương và lòng bi mẫn thế gian là tâm hạn hẹp và có điều kiện. Tình yêu thương và lòng bi mẫn được dạy trong Pháp Phật vô cùng bao la và rộng lớn; tình cảm đó hoàn toàn không phân biệt và không hề chịu sự chi phối thúc đẩy của sân giận hay tham ái. Tâm nguyện cho mọi chúng sinh đều đạt được hạnh phúc và sự an lạc, tâm nguyện cho mọi chúng sinh đều được giải thoát khỏi đau khổ và nguyên nhân gây ra đau khổ - đó chính là tình yêu thương và lòng bi mẫn vô điều kiện mà chúng ta đang bàn tới. Chẳng có một chúng sinh nào lại không mong muốn được đón nhận tình yêu thương và lòng bi mẫn, cho dù là người thân hay kẻ thù, bạn bè hay người xa lạ.
Mọi chúng sinh đều mong cầu được giải thoát khỏi khổ đau và được hưởng hạnh phúc. Tuy nhiên, thông thường chúng ta chỉ quan tâm tới bản thân ta chứ không phải tới những người khác. Đây là bởi chúng ta không thể nào cảm nhận được những đau khổ của người khác. Khi lợn, vịt hay những con vật khác bị giết mổ, chắc chắn chúng cảm thấy vô cùng đau đớn và sợ hãi, song chúng ta lại không hề cảm thấy phẫn nộ đối với hành động sát sinh dã man đó, bởi vậy chúng ta không khởi phát tình yêu thương và lòng bi mẫn tới chúng. Còn đối với bản thân mình, nếu chỉ bị đâm một cái kim vào người thôi, chúng ta có thể kêu thét lên vì đau đớn. Sự phân biệt và bất công trong cách đối xử giữa ta và người là do chúng ta luôn thấy mình cao hơn, quan trọng hơn những người khác. Chính vì vậy, để phát triển tâm từ bi, chúng ta cần thường xuyên đặt mình vào hoàn cảnh của người khác. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể trưởng dưỡng được tâm từ bi chân chính. Chúng ta cần luôn đặt mình vào hoàn cảnh của người khác, cần phải chấm dứt gây tổn hại đến những cuộc sống khác và bắt đầu giúp đỡ và lợi ích cho chúng hữu tình. Điều này vô cùng quan trọng.
Tâm dẫn khởi hành động giúp chúng ta phân biệt được hành động thiện hay ác
Điều gì sẽ giúp phân biệt được hành động thiện hay ác. Đó là tâm phát khởi hành động (động cơ). Đức Phật đã nói: “Động cơ phát khởi hành động là tốt hay xấu sẽ quyết định hành động đó thiện hay bất thiện, bất kể là nhỏ hay lớn”. Chính vì thế mà động cơ và hành động được phân chia thành bốn nhóm: động cơ tốt nhưng hành động không tốt; động cơ xấu nhưng hành động tốt; cả động cơ và hành động đều tốt; cả động cơ và hành động đều xấu.
Đối với nhóm đầu tiên, chúng ta có thể lấy thí dụ một người mẹ muốn sửa đổi những hành động không tốt của con nên đã phạt con. Đối với nhóm thứ hai, thí dụ có thể là kẻ thù mời chúng ta ăn một bữa thật ngon nhưng trong các món ăn lại trộn sẵn thuốc độc. Đối với nhóm thứ ba, chúng ta có thể lấy thí dụ về một người thực hành công hạnh bố thí vì lợi ích người khác. Đối với nhóm thứ tư, chúng ta có thể thí dụ những kẻ hành động độc ác có chủ ý hãm hại người khác.
Trong bốn nhóm động cơ và hành động này, tồi tệ nhất là các nhóm thứ hai và thứ tư vì được xếp vào những hành động hoàn toàn bất thiện và nhất thiết nên tránh xa. Nếu bạn thực hiện một hành động xấu với động cơ tốt thì cũng không hoàn toàn xấu. Còn nếu bạn thực hiện hành động tốt với động cơ tốt thì đúng là rất đáng được cổ vũ. Còn những ai thực hiện những hành động bất thiện với động cơ bất thiện thì nghiệp quả mà họ đón nhận chắc chắn sẽ là nghiệp ác và đầy đau khổ. Còn những ai có động cơ xấu nhưng hành động tốt hay ngược lại, thì nghiệp quả sẽ có một phần tốt và một phần xấu. Còn đối với những ai vừa có động cơ tốt vừa thực hành thiện hạnh thì chắc chắn sẽ có quả tốt.
Như vậy điều chúng ta cần phải tránh xa là những hành động bất thiện với động cơ bất thiện; những hành động bạo lực hoặc gây tổn thương như sát sinh hay đánh đập những người khác; những lời nói hoặc ý nghĩ xấu khiến cho người khác cảm thấy bất an, lo lắng, sợ hãi, sân giận hay những cảm xúc tiêu cực khác. Tất cả những điều này đều được coi là hành động bất thiện gây tổn thương tới những chúng sinh khác và vì vậy đã phạm vào lời nguyện Quy y. Chúng ta phải luôn luôn thực hiện những hành động chân chính và bất bạo lực. Cho dù chúng ta có thể cảm thấy thương xót những chúng sinh đang đau khổ vì đói, thiếu quần áo, bệnh tật hay nghèo khó, chúng ta lại không có khả năng đồng cảm với những chúng sinh không phải chịu đau khổ vì những thiếu thốn vật chất. Điều này cũng là do thiếu tình yêu thương và lòng bi mẫn vô điều kiện. Nếu như quán chiếu thật sâu sắc, chúng ta sẽ hiểu rằng những người lúc này không đau khổ thì cũng sẽ phải chịu đau khổ trong tương lai vì bản chất của luân hồi là vô thường. Trong luân hồi, hạnh phúc luôn vô cùng ngắn ngủi. Cứ khi nào có được một chút hạnh phúc thì trạng thái đó sẽ rất nhanh chóng chuyển thành khổ đau. Cho dù một người có giàu có và quyền lực đến đâu hay có là một người nổi tiếng thì cũng vẫn phải đối diện với cái chết; chính vì thế mà chúng ta cần biết cảm thương tới mọi chúng sinh.
Đối với những người muốn trưởng dưỡng tâm từ bi, họ cần phải có động cơ lợi tha để thực hành công hạnh lợi ích hữu tình. Sự trưởng dưỡng tâm từ bi này không chỉ trên lời nói. Chẳng hạn như khi bạn nhìn thấy những người rất nghèo khó, chẳng có gì để ăn, chẳng có gì để mặc hoặc đang sắp chết vì thiếu thốn vật chất, sẽ chẳng có nghĩa lý gì nếu chỉ nói rằng những người này thật vô cùng đáng thương. Nhưng nếu mang cho họ thức ăn và quần áo của chúng ta thì đó mới là cách thực tế hơn để giúp đỡ họ. Sự thực hành tâm từ bi trong mọi hoạt động của bạn không chỉ có ích đối với thực hành Pháp mà còn có ý nghĩa về mặt thế gian. Tuy vậy, sự bố thí về vật chất chỉ có thể làm nhẹ bớt khổ đau trong nhất thời mà không thể mang lại sự an lạc bền vững và tối thượng. Chính vì vậy mà điều vô cùng quan trọng là phát triển tâm từ bi vô lượng tới mọi chúng sinh mẹ vô biên như hư không và mong cầu cho hết thảy được hạnh phúc, an lạc và giải thoát khỏi khổ đau. Đây không phải là điều không thể thực hiện được.
Bằng cách phát nguyện lợi tha không phân biệt như vậy, bạn sẽ có thể giảm bớt những cảm xúc tiêu cực của chính mình và với động cơ lợi tha thanh tịnh, cho dù bất cứ hành động gì bạn thực hiện cũng đều là sự thực hành giáo pháp Đại thừa. Điều này sẽ dẫn bạn đạt tới mục đích tối thượng chính là Phật quả toàn giác, đó là nguồn cội cho lợi ích bản thân và hết thảy chúng hữu tình. Để tiến xa hơn một bước, đối với những người mong nguyện phát triển tâm Bồ đề, họ cần thấu hiểu rằng mọi chúng hữu tình trong các đời trước đều từng là mẹ của mình. Hãy hình dung tới tình yêu thương của mẹ trong cảnh giới súc sinh, ngay đến chim chóc, côn trùng nhỏ bé hay những con vật khác, những con thú mẹ bao giờ cũng cho con của chúng tình yêu thương và sự chăm sóc cao cả nhất. Vậy người mẹ của chúng ta trong đời này yêu thương và chăm sóc chúng ta ra sao, thì tất cả những chúng sinh đã từng là mẹ của chúng ta cũng yêu thương và chăm sóc chúng ta đúng như vậy. Nếu suy nghĩ theo hướng đó, bạn sẽ phát khởi tâm nguyện đền đáp ân đức của những chúng sinh mẹ trong ba đời đang chịu khổ đau trong luân hồi, và để giải thoát cho họ chúng ta tha thiết muốn thành tựu Phật quả giải thoát. Như Đức Phật Di Lặc vị lai đã dạy: “Bồ đề tâm được phát triển vì lợi ích của những người khác, chỉ qua đó mới có thể thành tựu được giác ngộ tối thượng”.
Mọi chúng sinh đều vốn sẵn Phật tính
Mọi chúng sinh, cho dù là nam hay nữ, giàu hay nghèo, đều vốn sẵn Như Lai Tạng, tức Phật tính. Kinh điển đã dạy: “Mọi chúng sinh đều vốn sẵn Phật tính.”. Ví như bơ đã tồn tại sẵn trong sữa, nhưng nếu không chế biến sữa thì chúng ta sẽ không thể có được bơ. Giống như vậy, Phật tính của chúng ta đang bị phiền não nhiễm ô che lấp nên vẫn chưa hiển lộ mà còn tiềm ẩn. Lại như khi tấm gương bị bụi mù che phủ, bạn sẽ chẳng thể nhìn thấy hình bóng phản chiếu trong gương. Nhưng khi bạn lau sạch gương đi, bạn có thể nhìn thấy hình của bạn chiếu trong đó thật rõ ràng.
Mỗi chúng sinh đều có một tiềm năng nội tại để thành Phật, bởi lẽ bản chất của tâm vốn quang minh rực rỡ, không hề có phiền não nhiễm ô. Thế nhưng tính Phật hiện thời bị che phủ bởi vô minh phiền não và sự ô trược, ánh sáng tự tâm không thể nào chiếu suốt. Để có thể tịnh hóa hết nhiễm ô, chúng ta cần phải tích lũy rất nhiều công đức và trí tuệ. Những ai hoàn toàn giải thoát khỏi những bất tịnh nhiễm ô được gọi là Phật, những ai còn nhiễm ô bất tịnh thì vẫn là chúng sinh. Chính vì vậy mà mặc dù ở mức độ thế tục tương đối, vẫn còn có những chúng sinh tốt và chúng sinh xấu, vẫn có những sự phân biệt giới tính khác nhau, nhưng ở mức độ tuyệt đối, sẽ không còn có sự khác biệt giữa tốt hay xấu, lớn hay nhỏ. Vì mọi chúng sinh đều vốn đầy đủ Phật tính nên hết thảy đều bình đẳng như nhau. Nhiễm ô và uế trược là vô thường không bản chất, vì vậy chúng có thể được tiêu trừ. Nếu chúng là cố hữu tồn tại thì sẽ không thể nào tiêu trừ được, cũng giống như chúng ta không thể nào tách rời lửa khỏi thuộc tính tự nhiên là cháy. Thật may mắn khi những bất tịnh nhiễm ô đang che phủ Phật tính tự nhiên của chúng ta chỉ là tạm thời, điều này cũng giống như những đám mây che phủ mặt trời, gió có thể thổi xua tan mây và tự tính của mặt trời cũng giống như Phật tính tự nhiên, sẽ lại có thể chiếu sáng rực rỡ. Khi đó Phật tính bản lai của chúng ta sẽ không còn bị che mờ nữa. Cho dù mặt trời có bị mây mù che phủ hay không thì bản chất của mặt trời cũng không bao giờ thay đổi. Vì thế những bất tịnh nhiễm ô chỉ tồn tại tạm thời và chúng có thể bị tiêu trừ.
Trước hết, hành giả mới tu tập cần thực hành Bồ đề tâm thế gian để loại bỏ những quan niệm cho rằng bản thân mình lớn hơn và quan trọng hơn những người khác, trưởng dưỡng tâm không phân biệt và thực hành Bồ Tát đạo với chính kiến và động cơ thanh tịnh. Dần dần, điều này sẽ dẫn tới sự thực hành Bồ đề tâm tối thượng và kết quả là sự tịnh hóa hết thảy phiền não nhiễm ô, chứng đạt được cảnh giới giác ngộ tối thượng.
Mọi pháp thực hành đều phải tuyệt đối tích lũy công đức và phát triển trí tuệ, đôi khi cần tới các phương tiện thiện xảo. Đức Phật đã nói: “Tuệ giác thiếu phương tiện thiện xảo, hay ngược lại, đều là chướng ngại cho thực hành Bồ đề tâm.”. Chính vì vậy trong thực hành Đại thừa và Kim Cương thừa, để lợi lạc nhất, cần thực hành những phương tiện hợp nhất với trí tuệ hoặc tính không hợp nhất tâm từ bi. Sự thực hành này sẽ mang lại quả vị giác ngộ giải thoát cho chính mình và cho muôn loài hữu tình đau khổ.