Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (8)


Xem mục lục

 

 

Chương V: Đạo đế (Chân lý về con đường thoát khổ)


Nếu ta chấp nhận rằng giải thoát là mục tiêu có thể đạt đến, thì làm thế nào để có thể đạt đến? Câu hỏi này đưa chúng ta đến với Chân lý thứ tư, nói về đạo chân thật.

Theo sự giải thích của Trung quán tông thì đạo chân thật nên được hiểu theo ý nghĩa là sự phát triển một chứng ngộ trực giác về tính không. Lý do là vì chứng ngộ trực giác về tính không trực tiếp đưa tới sự đạt được trạng thái tịch diệt. Tuy nhiên, để có được một sự chứng ngộ như thế, hành giả phải có một nền tảng trong pháp thiền định nhất tâm, bởi vì điều này dẫn tới một tri kiến thể nghiệm về tính không. Địa vị của hành giả khi đạt tới tri kiến thể nghiệm đó[86] được xem là khởi điểm của Lộ trình nối tiếp hay Lộ trình chuẩn bị, và khi hành giả đạt được sự trực giác về tính không thì được gọi là Lộ trình tri kiến.

Tri kiến thể nghiệm về tính không lại phải dựa trên cơ sở tri thức hiểu biết về tính không, được phát triển thông qua suy luận. Quả thật, không có sự suy luận đó thì không thể đạt tới một sự thể nghiệm dựa trên thiền định về tính không. Giai đoạn khởi đầu sự phát triển tri thức hiểu biết được gọi là Lộ trình tích lũy. Điểm khởi đầu của lộ trình này là khi hành giả phát triển một tâm nguyện chân thật hướng đến sự giải thoát – và đây được xem là khởi điểm tối sơ của Phật đạo.[87]

Xem mục lục