Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (8)


Xem mục lục

Phần 4 - chiều ngày 02.01.1998

Bây giờ chúng ta tiếp tục với phương pháp phát tâm bồ đề, gọi là bảy điểm nhân quả. Chúng ta đã thấy, nền tảng của bảy điểm này là tâm đại xả, là tâm bình đẳng đối với hết thảy chúng sinh. Sau đó, chúng ta nói về ba điểm nhân quả đầu tiên, đó là 1, tất cả chúng sinh đều đã từng là mẹ của mình; 2, nhớ lại tình thương của mẹ; 3, khởi ý nguyện muốn đền đáp ơn lớn của mẹ.

Ngang đây, quí vị phải quán chiếu sâu xa tình thương của mẹ, từ đó nguyện vọng đền đáp ơn mẹ sẽ khởi sinh một cách tự nhiên. Thấy được ơn lớn của chúng sinh đối với mình sẽ tự nhiên phát sinh cảm giác muốn đền đáp. Đền đáp có khi là tặng đồ ăn thức uống cho người đói, tặng áo quần cho người lạnh, tặng thuốc men cho người bịnh, nhưng bấy nhiêu chưa đủ. Ở đây, đền đáp ơn lớn của chúng sinh phải là một tâm nguyện sâu rộng hơn vậy nhiều. Phải nhìn thấy điều mà chúng sinh thật sự cần là thoát khỏi toàn diện mọi khổ đau, có được mọi nguồn hạnh phúc. Vậy tâm nguyện muốn đền trả ở đây là ý nghĩ "tôi phải mang lại tất cả mọi nguồn hạnh phúc mà chúng sinh mong mỏi, xóa đi tất cả mọi khổ đau". Có như vậy tâm nguyện muốn báo đáp mới thật sự sâu rộng.

Bước tiếp theo, là đại từ, là tình thương thấy được cái đẹp của chúng sinh. Ngang đây quí vị hãy nghĩ tới bất cứ chúng sinh nào, nhìn vào cái đẹp của chúng sinh ấy. Sắc tướng đẹp đẽ, vì vậy mà quí vị cảm thấy thương yêu dạt dào, chỉ muốn mang hạnh phúc lại cho chúng sinh ấy. Bất cứ gặp ai, nghĩ đến ai, cũng thấy đẹp, cũng cảm thấy thương yêu. Nói một cách đơn giản, ngang đây quí vị đang tu cái gọi là tứ vô lượng tâm, về đại từ, đại bi, đại hỉ, đại xả, là tâm địa rộng lớn muốn tất cả chúng sinh thoát khỏi khổ đau và có được hạnh phúc.

Quí vị bồi đắp cho vững chắc ước nguyện của mình: "nguyện tất cả chúng sinh tìm được hạnh phúc và mầm hạnh phúc, rời xa ý nghĩ thân gần người này, cách xa người nọ. Nguyện cho tất cả đều có được nguồn an lạc trong sáng". Thêm vào đó, quí vị cảm thấy mình có trách nhiệm: "Nguyện con đủ sức làm nên tất cả những việc này". Rồi quí vị xin đấng đạo sư giữ gìn hộ niệm cho mình đủ sức làm được như vậy.

Sau đại từ là đại bi. Đại bi là ý nghĩa "nguyện tất cả chúng sinh thoát mọi khổ đau". Tây tạng có một tông phái khi đệ tử tu phát tâm bồ đề, thường đến những nơi mổ bò mổ gà, tận mắt chứng kiến nỗi khổ của súc vật khi bị mổ thịt. Súc vật sẽ bị cắt cổ, máu chảy cho đến chết. Có khi bị bóp bổ, bị chặt ra từng phần. Có rất nhiều cách mổ thịt. Chứng kiến cảnh tượng như vậy sẽ khiến tâm rung chuyển mãnh liệt, đủ năng lực phát khởi tâm đại bi, nhưng đối tượng của lòng đại bi phải là tất cả chúng sinh, không phải chỉ là con thú trước mặt. Tất cả chúng sinh từ vô lượng thời gian đã phải chịu ba loại khổ đau luân hồi, là khổ khổ, hoại khổ và hành khổ. Nghĩ như vậy để cảm thấy xót xa muốn tất cả chúng sinh thoát khổ, đó là tâm đại bi. 

Muốn biết mình đã có tâm đại bi hay chưa, cứ xét thử xem mình đối với chúng sinh như thế nào. Tâm đại bi một khi đã phát, quí vị sẽ giống như người mẹ trăn trở khi đứa con độc nhất của mình đang bịnh nặng. Mọi năng lực, tâm trí, đều dồn hết nơi con, làm tất cả những gì có thể làm được để đứa con yêu quí của mình được khỏi bịnh. Mẹ sẽ không bao giờ thấy thư thả, cho đến khi con hết bịnh. Tương tự như vậy, khổ đau của tất cả chúng sinh chứ không chỉ một hai người, cứ liên tục khắt khoải trong tâm trí, nặng nề đến nỗi quí vị cứ liên tục nghĩ cách làm sao để giúp chúng sinh thoát khỏi khổ đau này. Ngay cả khi ăn, tâm trí của quí vị cũng dồn hết vào khổ não của chúng sinh. Một cách rất tự nhiên và liên tục, hai mươi bốn giờ một ngày, tâm trí của quí vị cứ liên tục nghĩ cách làm sao giải thoát chúng sinh khỏi khổ não.

Đó là lúc quí vị đã có được tâm đại bi. Sau đại bi là thái độ phi thường, là đại nguyện. Gọi phi thường là vì không có trong Phật giáo nguyên thủy. Phật giáo nguyên thủy có tu tâm đại bi, là ước nguyện muốn chúng sinh thoát khổ, nhưng không có đại nguyện. Đại nguyện là tinh thần trách nhiệm mãnh liệt, phát sinh nhờ tu những bước trước, là thấy ra tình thương của cha mẹ, nguyện muốn báo đáp, khởi tâm đại từ. Nhờ năng lực có được từ ba bước tu này mà quí vị không những muốn chúng sinh thoát khổ mà còn thấy mình có trách nhiệm phải làm nên việc này. Thấy đây là trách nhiệm của mình, vì từ vô lượng thời gian chúng sinh đã quá tốt đối với quí vị, vì vậy một mình mình phải gánh lấy trách nhiệm giải thoát tất cả ra khỏi khổ đau. Đại khái cái gọi là đại nguyện là như vậy.

Ngang đây quí vị sẽ thấy như vầy: "ngay bây giờ tôi không có khả năng giúp đỡ ai cả, một người thôi cũng không có khả năng giúp, đừng nói gì đến tất cả chúng sinh". Vì vậy quí vị nhìn quanh tìm xem như thế nào mới là đủ khả năng cứu độ chúng sinh. Cả những bậc A la hán đã thoát khỏi khổ đau sinh tử luân hồi, thành tựu niết bàn giải thoát, cũng không làm được điều này.

Cả chư  thiên thiện thần, Đế thiên, Phạm võng cũng còn kẹt trong luân hồi. Vậy ai mới là người có khả năng cứu độ chúng sinh? Chỉ có Phật, người đạt đến trí giác toàn hảo, tách lìa mọi phiền não ô nhiễm, mới đủ sức làm việc này.

Nếu thấy được khi thành Phật mình sẽ đủ khả năng giúp chúng sinh, khi ấy quí vị sẽ tự nhiên phát ước vọng mãnh liệt, vì lợi ích chúng sinh, tôi phải thành tựu quả vị Phật. Đây chính là tâm bồ đề. Đặc điểm của tâm bồ đề là bao gồm cả hai phương diện tự lợi lợi tha, mang lợi lạc lại cho người và đồng thời cũng chu toàn mọi nguyện vọng của mình.

Bây giờ tôi sẽ nói về phương pháp "hoán chuyển ngã tha". Trước hết quí vị phải thấy rõ ưu điểm của lòng vị tha và khuyết điểm của lòng vị kỷ, nhờ đó có được tâm bình đẳng giữa mình và người. Thấy mình và người là bình đẳng rồi, lúc ấy khởi tâm đại bi và đại từ, rồi điều phục tâm mình bằng những phương pháp thiền quán dựa trên hơi thở. Hô hấp theo pháp tu "cho và nhận", còn gọi là tonglen, quí vị lấy tâm đại từ để cho hết hạnh phúc, và lấy tâm đại bi để nhận hết khổ đau. Làm như vậy cùng với nhiều loại quán tưởng khác liên quan đến hơi thở.

Thông thường chúng ta luôn tự nhiên lo cho mình nhiều hơn lo cho người khác, là vì chúng ta thấy mình quan trọng. Một cách rất tự nhiên chúng ta quan tâm đến bình an hạnh phúc của chính mình nhiều hơn của người khác, luôn lo lắng cho mình trước, phần mình suông sẻ rồi mới nghĩ tới người khác. Đó là vì thói quen thấy mình quan trọng hơn người.

Từ vô lượng kiếp chúng ta đã quen như vậy. Thói quen thấy mình quan trọng hơn người ăn sâu vào tâm thức, ai cũng vậy. Ở đây chúng ta phải cố gắng loại bỏ thói quen này, vì đây là một thói quen rất tai hại. Nếu quí vị thấy hạnh phúc của mình là chuyện quan trọng như vậy, thử nghĩ lại xem, mình chỉ có một, còn người khác lại nhiều vô lượng. Quí vị chỉ là một chúng sinh, người khác nhiều hơn biết bao nhiêu mà kể. Thấy mình quan trọng hơn người là điều vô lý, tôi chỉ có một, người khác lại nhiều vô hạn. Không những vậy, mong được yên vui, thoát khổ đau, là điều ai cũng muốn. Không ai muốn khổ bao giờ. Tôi muốn hạnh phúc, người khác cũng vậy. Vì vậy dù thấy mình hơn người là thói quen tự nhiên, đây cũng vẫn là điều sai lầm, rất nên bỏ.

Nói tóm lại, quí vị phải ráng thấy mình và người hoàn toàn bình đẳng, phải thấy mình không quan trọng gì hơn người khác. Ngang đây, quí vị hãy nghĩ về khuyết điểm của lòng vị kỷ chỉ biết quan tâm cho mình, và lợi điểm của lòng vị tha biết quan tâm đến người khác. Tất cả đau đớn, khổ não, chướng ngại, những việc bất như ý như bịnh tật, thất bại trong đời, tất cả đều đến từ lòng vị kỷ. Lòng vị kỷ là nguyên nhân của tất cả những việc bất thường, nguồn gốc của mọi khổ đau. Còn tất cả mọi tốt lành xảy ra trong đời đều đến từ lòng vị tha. 

Ví dụ hoàn cảnh tài chánh của quí vị, nếu có thiếu hụt mất mát, tất cả đều vì trong quá khứ đã phạm mười ác nghiệp, sát sinh trộm cắp v.v... Phạm mười ác nghiệp là vì sao? Vì lòng vị kỷ. Vì vị kỷ mà giết, cắp, dối láo v.v..., và nghiệp ấy là nhân, sẽ mang lại quả là những việc bất như ý trong đời. Tất cả những việc bất thiện như sát sinh, dối láo, trộm cắp, tà dâm, ác ngữ v.v..., đều bị tác động bởi tâm vị kỷ, thấy người khác không quan trọng bằng mình. Chúng ta xâm phạm gia đình người khác vì cho rằng hạnh phúc của mình là quan trọng hơn, đến nỗi chẳng còn chút quan tâm đến người khác.

Chúng ta làm đủ chuyện đại loại, vì vậy mà tự mang về cho mình đủ chuyện bất như ý. Nếu quí vị xét lại lời ăn tiếng nói của mình, bao nhiêu lời nói dối, nói thô ác, nói chia rẽ, ngồi lê đôi mách, tất cả đều đến từ cùng một gốc: thấy mình quan trọng hơn người khác. Nói tóm lại là vì lòng vị kỷ. Đem tâm dòm ngó tài sản của người khác, muốn hại người khác, tất cả những việc làm bất thiện đều đến từ một gốc là lòng vị kỷ. Ngài Chopa đã từng nói như sau, "nói tóm lại lòng vị kỷ là cánh cửa là gốc rễ của mọi điều bất như ý". Cả bệnh ung thư cũng phát từ lòng vị kỷ [đã có trong quá khứ, kiếp này hay kiếp trước]. Chúng ta luôn quá xem trọng chính mình, luôn xem trọng hạnh phúc của mình hơn tất cả nên mang vào trong mình biết bao nhiêu thứ bất lợi cho sức khỏe về lâu về dài, có khi dẫn đến chứng ung thư.

Một điều khác cũng rất rõ ràng, quí vị sớm muộn gì cũng phải hiểu, đó là tầm vóc tai hại ngoài sức tưởng tượng của lòng vị kỷ. Tác dụng của từng loại phiền não như tham lam, giận dữ, mê muội, kiêu mạn hay tật đố, tất cả đều khởi nguồn từ tâm địa vị kỷ. Chúng ta không đủ thì giờ để giải thích từng điểm một, nhưng quí vị phải cố gắng tìm hiểu cho thật tận tường, thấy đường đi nước bước của mỗi việc bất thiện. Vì quan tâm đến mình nên hễ có ai hơn mình là ganh ghen, hễ thấy ai bằng mình thì sanh thói cạnh tranh, hễ thấy ai thấp hơn mình thì sanh thói khinh mạn.

Nói tóm lại, mọi phiền não, mọi khuyết điểm, mọi lầm lẫn chúng ta phạm phải, đều bắt rễ từ tâm địa vị kỷ, lo cho mình hơn lo cho người. Lý do vì sao từ vô lượng thời gian chúng ta không thể điều phục tâm thức, không từng tìm được an lạc, đó chỉ vì lòng vị kỷ. Liều thuốc hay nhất để điều phục tâm thức, là mang tất cả mọi chiến thắng lợi lạc tặng hết cho người khác, và nhận về phần mình tất cả mọi mất mát thua thiệt. Đó là phương pháp hữu hiệu nhất để bình tâm. 

Bây giờ phải nói tới lợi điểm của tâm địa vị tha. Ngài Chopa cũng đã từng nói rằng cánh cửa của mọi điều tốt lành là lòng vị tha, lo cho người khác hơn cả chính mình. Vì người mà quên mình, đây rõ ràng là một điều thật đáng ngạc nhiên. Thỉnh thoảng đôi lần có người biết quên mình vì người là cả thế giới nói tới, ngợi khen và kính trọng. Vì sao? Vì lòng vị tha rất hiếm và rất quí. 

Chúng ta phải hiểu rõ điều này, thật sự phải cố gắng để hiểu cho thật rõ giá trị của lòng vị tha, và sự tai hại của lòng vị kỷ. Ngang đây có thể bước vào phương pháp tu này, hoán chuyển ngã tha. Hoán chuyển ngã tha không có nghĩa là quí vị lấy chỗ của người khác và đặt người khác vào chỗ của mình. Quí vị phải chuyển hóa tâm, phải thay đổi thái độ hành xử của mình. Cho đến bây giờ quí vị luôn lo lắng cho mình nhiều hơn cho người khác, vậy bây giờ quí vị cố gắng thấy người khác quan trọng hơn chính mình. Thầy nói như vậy quí vị thấy rõ chưa?

Nói tới hoán chuyển ngã tha là nói tới một trạng thái tâm thức, quan tâm lo lắng cho người khác như hiện giờ quí vị vẫn quen quan tâm lo lắng cho chính mình. Ở đây, để luyện tâm đại bi quí vị nguyện nhận về tất cả khổ đau của người khác, và để luyện tâm đại từ, quí vị nguyện cho đi tất cả mọi điều tốt lành mình đang có.

Khi tu theo phương pháp cho và nhận, còn gọi là Tonglen, quí vị quán về lòng đại bi đối với tất cả chúng sinh, nghĩ tới khổ não của chúng sinh, quán tưởng khổ đau này trổ quả nơi quí vị.

Quí vị nhận khổ đau về phần mình, sao cho khổ đau đổ hết về nơi quí vị. Tiếp theo quí vị quán tâm đại từ, mang hết mọi công đức, tài sản, tất cả mọi điều bình an tốt lành mình đang hưởng, mang ra cho hết. Người mới tu học sẽ không đủ khả năng nhận khổ đau của người khác về phần mình, vì vậy cần phải bắt đầu với phương pháp Bảy điểm nhân quả chuyển hóa tâm như đã nói trong phần trên. Cần phải chuyển hóa tâm từ từ. 

Đầu tiên, quí vị hít vào, quán tưởng đớn đau khổ não mình đang phải chịu hiện thành luồng khói đen. Hít luồng khói đen này vào lỗ mũi bên trái, vào tận giữa tim. Một khi đã quen nhận về đớn đau khổ não của chính mình, mở rộng ra một chút, nhận về khổ đau chướng ngại mình sẽ gặp trong những năm sắp tới. Cứ như vậy, tập cho tâm quen từ từ.

Một khi đã quen, lại mở rộng ra với những kiếp về sau. Cho đến khi đã quen nhận vào toàn bộ khổ não, bịnh tật, việc bất như ý của chính mình, khi ấy có thể từ từ chuyển qua những người thân gần như cha mẹ, bạn bè, vợ chồng, con cái v.v... Rồi thật chậm, thật thật chậm, quí vị mở rộng từ từ đến người lạ, người không quen, rồi dần dần mở ra đến tất cả mọi loài chúng sinh trong cuộc sống. Nếu trước đây quí vị tu tâm đại từ có kết quả, thì ở đây sẽ thấy không mấy khó khăn.

Mở rộng được ra với mọi loài chúng sinh rồi, quí vị có thể bắt đầu quán thêm chi tiết. Nghĩ đến một loại khổ đau nào đó trong sáu cõi tái sinh trong luân hồi. Bắt đầu bằng địa ngục. Nghĩ tới cái khổ vì lửa hỏa ngục của chúng sinh nơi đó, để nhận về phần mình nỗi khổ đau tột độ này, cùng với mọi nguyên nhân tạo khổ đau. Làm như vậy với địa ngục lạnh. Rồi với nỗi khổ của quỉ đói [ngạ quỉ], đói khát ngoài sức tưởng tượng. Rồi với súc sinh, với con người, với chư thiên. Lần lượt nhận vào tất cả mọi khổ đau, cùng với nguyên nhân tạo khổ đau.

Nếu quí vị tu được như vậy, lợi ích thật không thể nghĩ bàn. Tóm lại quí vị mở rộng lòng ra với toàn thể chúng sinh. Mở ra với người tu theo Tiểu thừa, hãy còn nghĩ đến an lạc giải thoát của chính mình. Mở ra với những vị bồ tát trên khắp mười địa, trước khi đạt quả vị Phật hãy còn chướng ngại nhỏ nhiệm. Mở ra như vậy cho đến bồ tát tận cùng địa vị, chỉ ngoại trừ Phật và đấng đạo sư của quí vị, vì không có khổ đau nào ở đây để nhận về cả.

Nếu quí vị có thể tu theo như vậy, lợi ích thật không thể nói hết. Một khi quí vị tu theo phương pháp này đã thành thục, tâm đã quen nhận về khổ đau của tất cả chúng sinh, từ đó về sau, bất cứ chuyện gì xảy ra cho mình dù bịnh tật chướng ngại khó khăn đến đâu chăng nữa, tâm của quí vị cũng đã rất khác. Quí vị sẽ thấy vui vẻ chịu đựng khó khăn, vì nội dung tu hành của quí vị là nhận về khó khăn của người khác, quí vị sẽ thấy những gì mình đang phải trải qua là rất tốt. Quí vị sẽ vẫn cảm thấy hạnh phúc dù có phải chịu nhiều khó khăn.

Quí vị sẽ có được sức mạnh tự tại. Tâm của quí vị sẽ vô cùng dũng mãnh, vì quí vị biết khó khăn đó thật ra chỉ là quả của nghiệp mình đã gieo trong quá khứ. Một khi nghiệp đã gieo, chính mình sẽ lãnh quả, không ai khác có thể lãnh dùm, người khác không thể, hòn đá ngoài kia cũng không thể, môi trường xung quanh cũng không thể. Chỉ chính mình phải lãnh chịu tất cả mọi kinh nghiệm đến từ nghiệp đã gieo trong quá khứ, vậy khó khăn này sẽ xóa sạch nghiệp cũ. Vì vậy quí vị không ngại mà còn mong khó khăn xảy đến nhiều hơn cho nghiệp chướng mau chóng thanh tịnh. Tâm quí vị nhờ vậy rất tự tại dũng mãnh. Càng gặp việc khó khăn, quí vị lại càng an lạc. Có nhiều chuyện trong đời tôi có thể chứng minh cho điều này.

Tiếp theo, quí vị thở ra luồng ánh sáng trắng, là tất cả mọi căn lành công đức đã tích tụ được, tất cả mọi điều tốt lành, mọi tài sản, có được cái gì tốt quí vị cho đi tất cả. Quán tưởng những điều này khi thở ra, cho đi tất cả, nghĩ rằng những thiện nghiệp tốt lành này hoàn toàn tách lìa khỏi mình, quí vị cho người khác. 

Nếu có thể quán tưởng chi tiết được lại càng tốt. Đầu tiên quí vị quán cảnh chúng sinh cõi địa ngục, như địa ngục nóng. Quí vị thở ra tất cả mọi gốc rễ điều lành của mình, thành suối mưa tắm mát tất cả mọi ác nghiệp phiền não, gốc rễ của khổ đau cõi địa ngục. Với địa ngục lạnh, quí vị thở ra gốc rễ điều lành của mình, thành ánh sáng ấm áp, thành ánh mặt trời, hay rất nhiều mặt trời, sưởi ấm chúng sinh cõi địa ngục, làm chảy tan băng đá khổ đau, chảy tan khổ đau phiền não và tan hết gốc rễ của khổ đau.

Cho loài quỉ đói [ngạ quỉ], quí vị thở ra gốc rễ điều lành của mình thành thức ăn, nước uống, phong cảnh tươi đẹp v.v..., mang lại bình an thỏa mãn cho chúng sinh cõi này. Cho loài súc sinh, quí vị thở ra trí tuệ phá tan mây mờ mê muội trong trí chúng sinh cõi này, nhờ đó chúng thôi không phải đấu tranh nhai nuốt lẫn nhau, liên tục sống trong sợ hãi. Cho loài trời và a tu la, quí vị cho đi tất cả những gì chúng sinh cõi này muốn ví dụ như áo giáp. Cho loài người, quí vị thở ra tất cả những gì chúng sinh cõi này cần, nhà cửa, tài sản, tất cả. Thở ra gốc rễ điều lành của mình, biến thành sắc tướng của tất cả những gì chúng sinh cần và mong cầu, thanh tịnh hết thảy mọi nghiệp chướng phiền não trong tâm trí chúng sinh, và mọi gốc rễ của khổ đau. 

Tu như vậy cũng tương tự như khi cúng Chod [một nghi thức cúng dường theo mật tông Tây tạng], quí vị tặng cho chúng sinh tất cả những gì chúng sinh cần và mong cầu. Tặng thực phẩm cho người cần thực phẩm, tặng cửa nhà cho người cần nơi cư trú, tặng phong cảnh đẹp cho người cần phong cảnh đẹp, v.v... Quí vị chuyển gốc rễ điều lành của mình thành tất cả những gì chúng sinh cần.

Đó là phương pháp tu bảy điểm nhân quả và phương pháp hoán chuyển ngã tha. Hai phương pháp này phải giải thích riêng ra, nhưng khi tu, khi thật sự ngồi xuống quán chiếu, thì lại phải kết hợp thành một pháp tu mười một giai đoạn phát tâm bồ đề. 

Tôi hôm qua có nói khi ngồi xuống tu quán, trước hết quí vị phải thu xếp chỗ ngồi. Quét dọn lau chùi cho sạch sẽ, vừa quét vừa nghĩ rằng tâm mình đang quét sạch nghiệp chướng phiền não của mình và của người khác, đặt gối ngồi, bày biểu tượng thân miệng ý thanh tịnh của Phật. Tiếp theo ngồi xuống trong tư thế thoải mái, tốt nhất là tư thế kiết già, rồi soát lại tâm mình. Phát khởi tâm nguyện trong sáng, rồi bắt đầu thiền quán. Muốn tu phát tâm bồ đề thì bước đầu tiên phải phát tâm đại xả, sau đó nhìn nhận tất cả chúng sinh đều đã từng là mẹ của mình, rồi nhớ lại tình thương của mẹ.

Ngang đây có thể thêm vào sự nhớ nghĩ đến tình thương của tất cả chúng sinh. Hiểu được chúng sinh nào cũng đã từng là mẹ của mình rồi, lại thấy tất cả chúng sinh đều tốt với mình, không nhất thiết phải là mẹ. Nghĩ rằng chúng sinh bao giờ cũng đặc biệt tốt. Trong cuốn Hành Bồ Tát Đạo, ngài Tịch thiên có câu "Người tu thường rất kính ngưỡng sùng bái Phật, là người đã vạch ra con đường giác ngộ, vậy tại sao lại không biết cám ơn chúng sinh, chúng sinh cũng như vậy, cũng cho người tu cơ hội thành tựu giác ngộ."

Điểm khác nhau chỉ ở chỗ Phật tốt là vì Phật chỉ cho quí vị con đường giác ngộ, rồi chỉ cho phương pháp tu giác ngộ. Nhưng nếu không có chúng sinh, làm sao có thể tu? Phương pháp dẫn đến giác ngộ mà quí vị phải theo, thiếu chúng sinh thì không còn hiệu quả nữa. Thiếu tâm bồ đề, sẽ không cách gì có thể bước đến quả vị Phật. Tâm bồ đề là một thái độ hành xử rất đặc biệt, phát sinh từ tâm đại từ đại bi. Đối tượng của đại từ đại bi là chúng sinh. Nếu không có chúng sinh, làm sao có thể có lòng đại bi? Không những vậy, tất cả những công phu về sau cũng đều dựa trên căn bản của tâm bồ đề. Sáu hạnh toàn hảo, trong đó có hạnh thí. Để tu hạnh thí, phải có chúng sinh để tập san sẻ bố thí. 

Giới cũng vậy. Nhẫn cũng vậy, đều lấy chúng sinh làm đối tượng. Nhìn như vậy có thể khẳng định chúng sinh và Phật có tầm quan trọng ngang nhau, đều giúp chúng ta thành tựu quả vị Phật. Vậy chúng sinh không những rất tốt vì đều là mẹ của mình, mà còn cực kỳ tốt là vì đều tặng cho mình cơ hội đạt giác ngộ.

Ngay cả trên phương diện thế tục thông thường, bất cứ điều gì chúng ta có được, thực phẩm, nhà cửa, áo quần, đều có nhờ người khác. Chúng ta có thể nghĩ mình có được nhà cao cửa rộng, phong cảnh hữu tình, chỉ là nhờ vào sức lực khả năng của mình mà thôi. "Vì tôi giỏi nên tôi mới có nhà đẹp như vậy, toàn là nhờ khả năng của tôi". Nghĩ như vậy là lầm. Bất cứ cái gì có được cũng đều nhờ lòng tốt của người khác. Nhờ người đào đất đắp cát, nhờ người nung gạch, nhờ người vẽ nhà, nhờ người xây, nhờ người đắp hồ, nhờ người sơn quét, nhờ người đặt hệ thống điện v.v... Tất cả những điều này không tự nhiên xảy ra chỉ vì chúng ta có đó. Tất cả đều đến từ công sức của người khác.

Ngay như bữa cơm mình ăn, áo quần mình mặc, đều đến từ người khác. Nếu xét lại đồ vật từ đâu mà ra, sẽ thấy suốt quá trình chế tạo đều phải nhờ vào công lao của người khác. Không có người khác quí vị sẽ không thể mua về những món ấy được. 

Ví dụ nếu là áo dệt bằng vải gòn, quí vị thử quán tưởng trọn quá trình sản xuất chiếc áo, tưởng tượng lại từ đầu chí cuối. Đều là nhờ người khác mới đến được kết quả là tấm áo đẹp khoát lên người.

Quí vị có thể nghĩ rằng "nói vậy, nhưng tôi là người làm việc cực nhọc để có tiền mua chiếc áo này về. Đâu phải vì ai tốt lành gì đâu, chỉ nhờ công lao tôi làm việc khó nhọc kiếm tiền mua thôi". Dù là vậy, có tiền được cũng phải nhờ người khác. Người khác cho quí vị việc làm, dù khả năng cao đến đâu cũng phải phụ thuộc vào người khác. Phải có người khác mới có thể kiếm tiền và tiêu tiền, chẳng phải cứ tự mình cho mình mà được. Nếu chịu khó quán xét cho thật kỹ, sẽ thấy tất cả những gì mình có được đều nhờ người khác. Thử nhìn lại người làm việc trên ruộng để quí vị có được hạt cơm ăn, nghĩ tới súc vật bị giết, hay người phải giết súc vật, để quí vị có được miếng thịt trong bữa cơm.

Tất cả những gì quí vị hưởng, tài sản áo quần lương thực, đều có nhờ người khác. Phải nhìn cho kỹ, rồi quí vị phải có cảm giác biết ơn chúng sinh. Ngang đây, kết hợp lòng biết ơn chúng sinh với tâm đại từ đại bi. Rồi lại kết hợp với phương pháp cho và nhận, lấy đại từ cho đi hạnh phúc, lấy đại bi nhận về khổ đau. Kết quả sẽ là tâm bồ đề. Như vậy phương pháp đặc biệt này phối hợp cả hai phương pháp bảy điểm nhân quả và hoán chuyển ngã tha vào trong cùng một buổi ngồi quán.

Vậy là chúng ta vừa xem qua hai yếu tố chính của con đường tu chứng, đó là tâm buông xả [tâm cầu giải thoát] và tâm bồ đề.

Xem mục lục