Để đáp lại tấm lòng của anh em trước hết thầy chúc anh em mình tu hành làm sao mỗi năm càng đi sâu vào cái chân thật đó, mỗi năm mình càng tiến bộ vô trong cái chân thật đó. Nếu cuộc đời mình không đi vào trong cái chân thật đó thì cuộc đời mình nó cũng phí lắm, nó chỉ phớt phớt những cái cảm giác thế này, một vài ý tưởng thế nọ chớ nó không đi sâu được, thành ra thầy chúc làm sao cho không phải mỗi năm mà mỗi ngày mình đi vào trong cái cách mà người xưa gọi là “Tự thọ dụng tam muội” đó. Cái tam muội mình luôn luôn thọ dụng, trong cái kinh Hoa Nghiêm gọi là: Nhập Pháp Giới đó.
Thầy thấy người xưa dạy, cho mình cũng rất là dễ, nhưng mình cảm thấy khó khăn, có lẽ là mình tự dựng cho mình những cái chướng ngại, bởi vì như ngài Tăng Xán, đệ Tam tổ của Thiền tông trong bài Tín Tâm Minh, ngài nói bốn câu đầu là:
Đạo lớn không khó,
Cốt đừng chọn lựa.
Nếu như sai lạc một mảy may,
Thì đất trời liền phân cách.
Bởi vì Đạo là nó vốn như vậy rồi, không phải mình tu là nó thành đâu, bởi vậy thầy hay nhắc đi nhắc lại, trong Phật giáo nó dùng chữ tương ưng, chữ tùy thuận, mình tùy thuận nó thôi chớ còn nó vốn như vậy, dầu mình có ra đời không ra đời thì pháp nó vẫn như vậy. Và trong kinh nói rất rõ là dù đức Phật ra đời hay không ra đời pháp nó vẫn như vậy. Vấn đề là mình phải tùy thuận pháp, tương ưng với pháp, mà tại sao mình thấy mình tùy thuận không được, bởi vì mình chọn lựa.
Mình cứ lăn xăn chọn lựa trong khi mình đừng chọn lựa gì hết, nói theo như Tín Tâm Minh của ngài Tăng Xán thì Đổng nhiên minh bạch, là nó rỗng rang minh bạch. Chỉ có bắt đầu mình chọn lựa một cái gì đó, mình toan tính một cái gì đó, mà toan tính vừa khởi niệm lên thì mình cách lìa xa nó liền, đơn giản là mình đừng có chọn lựa gì hết, mình đừng có toan tính gì cho mình hết. Bởi vì cái khổ đau của mình vì mình chọn lựa mình là một chúng sanh. Một cái tôi, một chúng sanh, một con người, rồi một cái thọ mạng nào đó, mình chọn lựa cái đó thì mình mất cái toàn thể. Mình tự phân cách mình với cái toàn thể bằng cái chọn lựa của mình, chớ mình không chọn lựa gì hết mình là cái toàn thể, vậy thôi. Một là tất cả, còn mình chọn lựa mình là một cái gì đó, một cái phần tử hữu hạn nào đó, rồi lo cho cái phần tử hữu hạn đó, càng lo thì càng trói buộc, càng trói buộc.
Đơn giản mà mình cứ buông xả, thư giãn trong cái toàn thể đó. Cái toàn thể bất sanh bất diệt, không tăng không giảm, không dơ không sạch, mình cứ thư giản, bởi vì nó vậy mình có làm trời gì nó cũng vậy thôi. Tại sao mình không chịu thư giản mình cứ chọn lựa cái thứ ngon không hà, mình lựa cho tôi, thành ra mình lựa thứ ngon, pháp này là của tôi, pháp tôi cao hơn pháp thiên hạ, đủ trò tự làm khổ mình thôi, còn nếu mình không chọn lựa thì sao? Thì cái toàn thể nó hiện tiền, nó không cần gì mình, mình có hay không tu thì nó cũng vô ích thôi.
Trong kinh điển nói Pháp thân không phải Pháp thân của Phật nào hết, mà nó nói Pháp thân của tất cả chư Phật, chớ chư Phật đâu có chọn lựa. Đó là cái toàn thể Pháp thân của tất cả chư Phật, chớ đâu có chia riêng Pháp thân của vị Phật này Phật kia, còn mình chúng sanh thì mình chọn lựa mình tự giới hạn mình vào trong một cái thân xác này và tâm này cho nên cuối cùng mình lọt hẳn hoàn toàn. Còn như một người mà họ chứng kiến một cách bình thản, y như coi phim, nếu không chọn lựa nhân vật nào hết thì coi hết cuốn phim thôi. Còn mình chọn lựa nhân vật nào đó mình tự đồng hóa mình với một nhân vật trong đó bắt đầu mình trồi sụt lên xuống theo cái khổ đau hạnh phúc của nhân vật đó. Nhân vật đó mà tới bờ vực thì mình cũng sợ lọt xuống rồi mình chết đi.
Thật sự thân mình nó cũng đồng nhất với tất cả những thân khác nghĩa là một tướng này nó đồng nhất với tất cả tướng khác. Có nghĩa là mình thật sự đồng nhất với vũ trụ này. Và cái tâm mình vô niệm và cái vô niệm vô tâm của mình nó cũng đồng nhất với tất cả giải thoát của tất cả mọi sự.
Trong Đại Thừa Khởi Tín nói: một niệm bất giác, là một niệm không có giác, mình là cái toàn thể mình chọn lựa mình là cái gì đó. Y như một tấm gương lớn trong đó nó có đủ thứ hình tướng màu sắc, có đủ thứ hết, cõi người có cõi Atu la có cõi ma cõi gì gì cũng có hết mà mình chọn lựa một cái trong đó, thì đang còn một tấm gương bỗng nhiên thành một hình bóng nào đó, cứ lên xuống theo cái hình bóng đó. Không thể nào mà làm cái toàn thể được, cứ đơn giản là đừng có chọn lựa. Đạo lớn không khó, cốt đừng chọn lựa, mà chọn lựa quá nhiều càng chọn lựa thì cái tôi của mình, cái tù ngục của mình nó càng dày, vì chọn lựa là thu vô, thu vô nó càng dầy một chập rồi nó chật luôn. Thành ra ngồi thiền, buông tất cả mọi cái đó để làm gì? Để mà mình trở lại cái con người thật của mình, con người đó đó nó là mười phương ba đời cũng ở trong nó hết. Thành ra khi có một người hỏi Tổ Triệu Châu là:
_Đạo lớn là gì?
Ngài nói:
_Cửa Đông, cửa Tây, cửa Nam, cửa Bắc.
Đạo lớn nó không có phương hướng nào hết, mình chọn một phương hướng từ cái phương hướng đó mình chẽ ra thành cái nhà, thành cái thân này, chớ đạo lớn nó không có phương hướng.
Đạo lớn nó như đức Quan Thế Âm ngàn mắt ngàn tai, hướng nào nó cũng có hết, mà mình chọn lựa cho nên càng ngày mình càng rút vô, rồi từ sai lầm đó nó đi tới sai lầm khác, tu hành là mình muốn lấy cái hữu hạn của mình đây mà nhồi nhét, bóp nặn nó sao để cho nó thành cái vô hạn, cái đó là cái sai.
Ở đời là mình chọn lựa mình là cái thân tâm nào đó. Là ở đời mình cũng đua tranh, thân tâm này hơn những thân tâm khác, phải giàu có hơn, thân tâm này nhà phải to hơn nhà thân tâm khác. Đã khổ rồi nhiều khi vô tu hành lại tiếp tục làm theo sự hướng dẫn của cái tôi hữu hạn đó, vô trong này rồi thấy người này tu hơn mình rồi mình phải rượt cho bằng, đó là một cái tà kiến mà Phật giáo cái đầu tiên là chánh kiến, thành ra ngài Lâm Tế ngài nói từ đầu đến cuối ngài nói bằng ngôn ngữ rất dữ dội nhưng mà ngài chỉ nói một cái là: “kiến giải chân chánh”, cái thấy hiểu chân chánh, khi mà mình đứng trong tâm hữu hạn, mình chọn cái gì, mình làm cái gì đều sai hết.
Mà cái đúng là sao? Là thân tâm này chẳng phải là thân tâm. Vậy thôi.
Thì thân tâm chúng sanh này là thân tâm Phật vậy thôi. Trong kinh nói rất rõ ràng, mình không chịu chẳng phải mà cứ nhất định cái này là phải, còn tất cả mọi cái khác mình cho là chẳng phải, mà chính cái đó nó tách lìa mình ra khỏi cái khối toàn thể kia. Khối toàn thể đó nó không sanh không diệt, không tăng không giảm, không dơ không sạch, mà khi mình chưa phát hiện nó rồi mình làm đủ thứ, có làm gì thì cái bọt biển mà nó có hiện trời hiện đất thì nó cũng cái bọt biển thôi. Vấn đề là anh phải thấy anh, cái bọt biển đó với tất cả đại dương là một. Anh là tất cả đại dương, anh không phải là bọt biển, mà tất cả đại dương thì nó không cần tu gì hết, bọt biển nó mới tu với không tu. Thành ra nhiều khi mình sai lầm là mình tu mình tự cho công phu của tôi là mười năm, hai mươi năm gì đó. Mình tự cho mình là cái gì đó, thì cũng là trang hoàn cho cái bọt biển đó thôi, chớ đại dương đâu có tu, nó không sanh không diệt, không tăng không giảm, không có cái dơ nào hết, mà mình có tu trời đất gì thì đại dương vẫn là đại dương, Phật vẫn là Phật thôi chớ không phải mình tu là Phật lớn thêm ra đâu.
Thành ra cái sai lầm của mình là mình tự tách lìa ra khỏi cái toàn thể để làm một phần tử. Kinh Pháp Hoa gọi là chàng cùng tử thôi. Một cái anh nghèo cùng, đói khát, vì nó tự tách lìa. Cái nhà của anh mà anh tách lìa ra, thậm chí anh có thể làm giang hồ, tay sát thủ số một, ai cũng sợ anh hết nhưng nó vẫn là lạc loài, bởi vì nó đã tách lìa ra rồi. Bên Thiên Chúa giáo cũng vậy đó, khi mà Adam ra khỏi vườn địa đàng, là ra khỏi thiên đàng, bởi vì nó tách lìa ra. Trong khi chúa sau này mới lập lại cái đó, bởi vì chúa cha với con là một là vậy. Còn ban đầu Adam tách lìa và quyết tâm đi ra.
Mình thấy mọi sự vật nó đang hài hòa với nhau, không gian nó đang hòa với không gian, không gian hòa hợp với thời gian, không gian thời gian hòa hợp với con người, hài hòa với mọi sinh vật. Nó hài hòa một cách tự nhiên, nếu nó không hài hòa nó đâu thể còn nằm đó, nó phải biến mất thôi, phải hông? Tất cả mọi cái hài hòa với nhau chỉ có mình là gây ra xung đột. Tất cả mọi cái hài hòa với nhau mà trong kinh Hoa Nghiêm gọi là sự sự vô ngại. Sự này nó hài hòa với cái kia chỉ có mình phân cách mình ra, bằng thủ phạm chính là tâm phân biệt của mình, đó là vô minh, cả vũ trụ bao la nhưng tôi sống một mình thôi. Tôi lo cho mình tôi thôi, cái gì cũng tôi thôi. Mình phân cách với vũ trụ, vũ trụ vốn nó là hài hòa. Tất cả mọi cái nó hài hòa với nhau, nhưng mình không chịu hài hòa, mình tự cho mình riêng biệt, cái đó nó vùng vẫy nó làm đủ thứ, tới chừng tu cũng một mình nó tu thôi. Thật ra anh trở lại cái sự hài hòa đó chính là tu. Còn bây giờ anh tách riêng ra làm một phần tử nhỏ bé nào đó mà anh có làm trời làm trăng gì cũng là một phần tử nhỏ bé thôi. Mà làm càng nhiều thì càng tách lìa cái khối toàn thể đó. Trong khi tất cả mọi sự đều hài hòa cả cái thân mình đây bao nhiêu tỷ tỷ tế bào, nó hài hòa với nhau, nó làm một cách rất hài hòa, nó đâu có kêu la gì đâu, nó đâu nói nhờ công của tôi mà ông mới sống. Không. Nhưng mà ngày nào nó không hài hòa là mình sinh bệnh liền.
Cái thân mình mình phải thấy nó như vũ trụ nó cũng hài hòa, mình thấy mình có ăn nhiều nó cũng làm việc, ăn ít nó cũng làm việc. Chỉ có cái ý thức của mình tách biệt ra khỏi sự hài hòa đó. Càng tách biệt chừng nào thì nó càng khổ đau chừng đó. Bởi vì nó đã xa đi cái cội nguồn của nó, đã xa đi cái Một ban đầu. Thành ra mình cứ coi lại, đơn giản nếu mình ngồi đây mà mình không khởi một niệm phân biệt nào hết thì đó chính là hài hòa từ đầu chí cuối.
Còn mình sinh sự mình phải xuống ngồi thiền, ông kia ông ngồi thì mình phải ngồi hơn ông, mình phải nhập định. Không cần sự nhập định nào hết, tất cả nó vốn định rồi nên nó mới hài hòa như vậy, chỉ có mình là muốn tách lìa ra để làm một vương quốc của riêng mình thôi, cái vương quốc tách ly đó là vương quốc của khổ đau. Mọi sự là hài hòa hết.
Sai lầm của mình tu hành là mình tự thiết lập cho mình một vương quốc riêng, mà chính sự thiết lập vương quốc riêng đó là khổ đau. Trong khi đó mình học hằng ngày là: Thiên thủ thiên nhãn vô ngại đại bi tâm Đà la ni. Cái tâm đại bi là nó hài hòa vô ngại với tất cả mọi thứ thậm chí nó vô ngại với những cái mà mình cho là xấu nữa. Không phải tâm đại bi nó dành cho những anh tốt thượng lưu nó không dành cho anh xì ke, ma túy cả những anh có thể rớt xuống địa ngục nữa. Bởi vì nó có sự hài hòa, phải hông? Đại bi là vậy nó mới vô ngại được, còn mình là cứ ngại, mà thật sự ra cái vũ trụ này, pháp giới nó vốn vô ngại, nó vốn hài hòa, chỉ có mình mới sinh sự ra thôi. Mà không ngờ càng làm thì biệt lập càng nhiều, thành ra nó phân mảnh là vậy, nó vốn là một nó vốn là cái này cái nọ mà chỉ là sự chọn lựa của mình, đây là tôi, đây là chùa của tôi, đây là cuốn sách của tôi, đây là bàn ăn của tôi, cái gì cũng tôi hết, cuối cùng con người mình nó thu lại chỉ còn có vài chục thước vuông.
Thầy hay nói trên không gian nhìn xuống thấy trái đất này nó liền, nó không có biên giới, khi nào dưới này cấm cọc, đánh nhau ở dưới này nhiều khi cái cọc đó xích ra chỉ có một trăm thước thôi.
Lỗi lầm của con người mình là gì, là sự phân biệt đầu tiên hết, mình khác biệt với người khác, mình khác biệt với trời, với đất, mình khác biệt với vũ trụ này, rồi từ những khác biệt đó, càng ngày mình càng tạo ra những khác biệt nữa. đến cái hồi càng khác biệt chừng nào mình càng thấy cô đơn chừng đó.
Khi mà cái tôi của nó bị đóng khung, càng đóng khung chừng nào thì nó càng khổ chừng đó tới khi mà nó không còn liên lạc gì với thế giới này nữa, thì nó phải tự tử thôi. Đó là cả một quá trình càng ngày càng tách biệt, trong khi đạo nó vốn là một. Khoa học nó nói rất rõ, tất cả mình đây cùng chia sẽ với nhau cái nguyên tử đầu tiên của vụ nổ cách đây mười bốn tỷ năm. Nhưng mà cái ý thức của mình là nó cứ phân biệt, hồi đó thầy đọc thầy hiểu té ra giữa mình với hột gạo hơn nhau có mấy gien, mình 100 thì hột gạo nó cũng 97 hay 98 gien, rồi giữa mình và con sâu nào đó, số gien nó không khác biệt với mình. Sự khác biệt trong quá trình tiến hóa thì rất ít, nhưng mà mình tự tách biệt mình ra, càng thông minh chừng nào thì càng tách lìa, càng xác định chừng nào thì mình càng khác biệt chừng đó, trong khi đơn giản là mình có cách biệt với vũ trụ này đâu. Bằng cớ là mình nín vài hơi thở là nó chết. Thật sự mình nhờ không khí này mình mới sống chớ. Mà mình cứ tưởng là mình sống một mình mình không. mình sống là nhờ đất nước lửa gió, giữa mình và không khí với đất nước có gì là khác biệt đâu.
Mình sống là luôn luôn không bao giờ tách biệt với thế giới này hết, nhưng mà mình luôn luôn tưởng sai lầm, mình biệt lập. Không ai có thể biệt lập với vũ trụ hết, bây giờ tôi nhốt ông nào trong cái bao ni lông, biệt lập với không khí ở ngoài, trong vòng mười lăm phút là ông chết liền. Mình không biệt lập với vũ trụ này, nhưng ý thức của mình nó nghĩ mình biệt lập, nó nghĩ mình là cái gì tối cao tối thượng, chỉ cần biệt lập với cái không khí này là mình chết.
Cho nên cái thấy tối thiểu của mình là mình không thể biệt lập với thế giới này. Nhưng mà mình luôn luôn sống trong tà kiến là mình biệt lập với thế giới vũ trụ này. Cái tà kiến đó nó càng ngày càng lớn lớn, đến độ là hết thuốc chữa luôn. Thành ra tu không để tạo ra cái gì hết, tu là để trị cái tà kiến đó thôi. Mọi sự nó vốn vô ngại mà mình thì cứ đòi phải có một cái tôi, một cái ngã thôi.
Tánh Hải Kính ghi
Bây giờ mình muốn thấy tánh Không thì ít ra mình có cái quán tưởng sơ sơ tánh Không là gì?Mình thấy kinh mà mình vẫn tụng hằng ngày là sắc tức
Đời sống là nghệ thuậtChúng ta sống nơi này, phút giây này nhưng vẫn ‘ly dị’ với nơi này phút giây này; tâm cứ nghĩ đến nơi khác, phút giây khác, một
Đạo đức nghề nghiệp được con người nhìn nhận từ xa xưa và là chuẩn mực để đánh giá nhân cách, là thước đo của sự thành công. Trong cuộc sống hiện
Shiratori Haruhiko ông sinh ra tại thành phố Aomori, học khoa Triết học, Tôn giáo và Văn học tại Trường Đại học Tự do Berlin, Đức. Trong cuốn sách này, ông đã
_Thưa thầy, thậy dạy lúc trước đến giờ con có một thắc mắc đó thầy? như nói tâm khi nó tịch diệt, thì nói tịch diệt tức là lúc đó tâm nó
QUAN HỆ THẦY TRÒ Theo Tinh thần Kinh Kế thừa Chánh pháp Thầy, vầng mây bậc, thong dong, núi cao biển rộng Con, cánh nhạn chiều, chân trời sải cánh, dõi theo Thầy,
Giữ giới là lựa chọn tự do Giới luật của Phật giáo có nghĩa là: “Anh đừng tự làm thương tổn mình, anh đừng tự làm hại mình”. 1. Tự do của lệ thuộc
Đạo Phật là gì Lama Zopa and Lama Yeshe Khi bạn tìm hiểu về đạo Phật tức là bạn đang tìm hiểu về con người thật của mình, về bản chất của tâm trí
Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa(VHPG) Mọi kinh nghiệm của chúng ta, kể cả giấc mộng, khởi lên từ vô minh. Đây là một tuyên bố làm hoảng hốt