Tin Tức (680)


Nhà thơ Tô Đông Pha và nàng Triệu Vân

17,160

Tình Nàng Ca Kỹ

Tô Đông Pha là một danh sĩ đời Tống bên Tàu, đậu Á-nguyên lúc mới mười chín tuổi. Dưới mắt các vị Hàn Lâm thời đó, Tô Đông Pha là một thiên tài, vị Hàn Lâm chánh chủ khảo coi họ Tô là một vì sao sáng chói nhất, xuất hiện dưới bầu trời đại Tống.
     Tuy vậy với lòng tị hiềm, Tể tướng Hàn Kỳ chỉ bổ Tô Ðông Pha làm việc ở Sử quán mà thôi, ông nghĩ đây là cơ quan không có quyền lực, Tô Ðông Pha về đây chỉ lụn bại dần. Nhưng đối với Tô Đông Pha đây là dịp may mắn, ông say sưa đọc sách, dần dần ông đọc hết sách của cung đình, nhờ vào trí tuệ của người xưa để lại mà Tô Ðông Pha trưởng thành hơn.
     Sau đó Tô Đông Pha giữ chức Gián Quan, nhưng vì ông chống lại Biến Pháp của Tể tướng Vương An Thạch, với lòng cương nghị ông đàn hạch bọn tham quan ô lại quanh Tể tướng. Vì lẽ đó, con đường hoạn lộ của Ðông Pha rất long đong, cuộc đời ông chìm nổi gian truân !
     Chỉ ở thủ đô Khai Phong một thời gian ngắn, bị đổi ra Hàng Châu, tuy vậy Tô Ðông Pha cảm thấy dễ chịu, vì xa lánh đươc bọn quyền thần. Phong cảnh Hàng Châu rất đẹp, khi hậu mát mẻ, quanh năm cây cỏ xanh tươi, ở đây có dòng sông Tiền Ðường chảy qua, xanh như ngọc, những chiếc thuyền nan xuôi ngược trên sông trong buổi hoàng hôn mơ màng như tranh thủy mạc ! Trong cảnh nên thơ đó, Tô Đông Pha sáng tác nhiều, ông vẽ, ông làm thơ.
     Thiếu nữ Hàng Châu yêu kiều tha thướt, ăn mặc lịch sự, ưa nhìn, quyến rũ khách tha phương. Ai đến Hàng Châu rồi không muốn ra đi vì quyến luyến với các người đẹp Tây Hồ.
     Ðêm đêm hai bên bờ sông quanh Tây Hồ, hương hoa ngào ngạt, từ trong các trà thất dưới rặng liễu buông mành, tiếng đàn, tiếng hát tỏa ra làm ngây ngất lòng người, nhất là ai đó có chút hồn thơ lãng mạn .
     Mỗi lần ra chơi Tây Hồ, Tô Ðông Pha được các nàng ca nữ ân cần đón tiếp.
     Các nàng không nhận tiền của thi nhân, chỉ xin thi nhân một bài thơ hay một ca khúc, trong đó có nàng Triệu Vân là trẻ nhất,, tiếng ca của nàng rất lạ, ẩn sâu một nỗi sầu mênh mông, nức nở, có khi lan tỏa du dương khiến cho mặt hồ Tây gợn sóng.
     Tô Đông Pha gặp nàng và đã mến nàng, không đêm nào đi chơi mà không ghé qua trà thất Cây Liễu Hồ Tây, Triệu Vân lúc nào cũng đợi Ðông Pha để hai hồn nghệ sĩ lẫn vào nhau, thơ của Ðông Pha tuôn ra, thấm vào tiếng hát, tiếng đàn của Triệu Vân, làm cho hồn người quanh đó ngất ngây như say như tỉnh !
     Một đêm Ðông Pha đang say bên nàng Triệu Vân, có người đến mách với Vương Nhuận Chi là vợ của Tô Ðông Pha. Nhưng Nhuận Chi là một phụ nữ tuyệt vời, bà không hề nổi trận tam bành, trái lại bà ôn tồn:
     - Tôi hiểu nhà tôi, chàng yêu thanh sắc, nhưng không lụy thanh sắc. Chính thanh sắc giúp ý thơ của chàng thêm dồi dào, lời thơ thêm tuyệt mỹ, tình cảm được thâm sâu !
     Có lần Ðông Pha đem chuyện Triệu Vân nói với nàng, và thú nhận rằng :
     "Thât khó ai tài giỏi trước mỹ nhân"
     Nghe như thế, Nhuận Chi cho chồng rất thành thật, đích thân nàng đi gặp Triệu Vân, và thương lượng với chủ trà thất chuộc Triệu Vân. Khi về đến nhà nàng hoan hỉ báo tin cho chồng rằng: Ít hôm nữa Triệu Vân sẽ về ở với ta, thiếp nghĩ về sau cô gái nầy sẽ giúp cho chàng rất nhiều !
     Vương Nhuận Chi là người đàn bà "vượng phu ích tử", luôn luôn lo cho chồng, và luôn luôn xót thương những cảnh đời phiêu bạt lầm than, nên khi Triệu Vân về lúc nào cũng cư xử như người em gái. Phần Triệu Vân được sự đùm bọc của Nhuận Chi, nàng rất yên lòng vì được thoát khỏi cảnh ca nhi nơi phòng trà. Thuở đó tuy các ca nhi có tài đàn hát, có sắc đẹp nhưng bị người đời khinh rẻ "xướng ca vô loại", chủ nhân đối xử rất tệ bạc !
     Trong một mái nhà nhỏ êm ấm, giọng ca trầm buồn của Triệu Vân không những hòa cùng trái tim của thi nhân mà còn chinh phục được tâm hồn đa cảm của Nhuận Chi. Ðôi lúc bà nhìn Triệu Vân, thấy nàng thật lớn hơn nhiều so với tuổi . Nhuận Chi thấy cảm thương người ca nhi tài sắc, cũng như cảm phục tài hoa của thi sĩ Tô Ðông Pha, nhưng Nhuận Chi rất buồn vì có linh cảm rằng cả hai sẽ chìm trong số kiếp long đong.
     Một hôm Nhuận Chi ngã xĩu trên bờ sông, Trịêu Vân dìu vào nhà, pha thuốc cho bà uống, tỉnh dậy bà âu yếm nhìn cô ca nhi mình mua về, lòng bà trở nên yên ổn, nghĩ rằng ngày nào người con gái nầy sẽ là trụ cột của gia đình họ Tô. Bà nhớ có lần nói cùng Tô Đông Pha sẽ cưới Triệu Vân cho chàng !
     Nhuận Chi bảo Triệu Vân ngồi sát bên bà và bà tâm sự :
     - Khi nào nàng lấy nhà tôi, cái vinh thì ít mà cái nhục thì nhiều.
     Triệu Vân đáp lời:
     - Nhưng, thưa bà, cái vinh của ông vua thì giả, mà cái vinh của thi nhân là thật !
     Nhuận Chi rất bất ngờ về câu trả lời của Triệu Vân và đem hỏi Ðông Pha, được chàng giải thích:
     - Khi vua có quyền lực trong tay, ai dám không cúi đầu. Sự tôn vinh nầy không phát sinh từ cõi lòng. Còn thi nhân đâu có quyền hành, chỉ có ngòi bút tuôn ra chữ nghĩa, chữ nghĩa kết thành dòng, thành những bài thơ, gây bao xúc động cho lòng người. Người ta yêu quý thi nhân, lòng yêu quý ấy mới là thật !
     Có lúc Ðông Pha đi xa, Nhuân Chi bảo Triệu Vân đàn cho bà nghe vài bản mà Tô Ðông Pha vừa sáng tác. Triệu Vân so dây đàn và nói:
     - Em biết bà buồn và đang nhớ thi nhân lắm.
     Nhuận Chi im lặng, thầm nghĩ vì sao cô gái nầy hiểu rõ cả nỗi lòng của ta.
     Triệu Vân chọn những bài vui đàn để Nhuận Chi khuây khỏa nỗi lòng, nhưng nước mắt Nhuận Chi vẫn chảy, sau khi tiếng đàn của Triệu Vân ngưng, Nhuận Chi nói :
     - Ta biết ta yểu mạng, ta muốn cưới nàng cho nhà ta, nhưng ta sợ em phải đau khổ !
     Triệu Vân nghe vậy, nàng gục đầu khóc, không biết là những giọt nứơc mắt đau khổ hay hạnh phúc ?
     Những ngày thơ mộng ở Hàng Châu thật qua mau, vì Tô Ðông Pha được lệnh chuyển về Mật Châu. Ðây quả là chốn địa ngục, đất đai toàn sỏi đá, ruộng đất bạc màu. Vừa đến Mật Châu cả gia đình Ðông Pha bị cắt lương thực, lâm vào cảnh bị thiếu ăn. Ngày ngày Triêu Vân phải vào các khu vườn hoang nhặt rể linh chi cho gia đình ăn đỡ đói !
     Bấy giờ Nhuận Chi đau ốm luôn, Triệu Vân trở nên là trụ cột của gia đình họ Tô, chính nàng đích thân chăm sóc cho Vương Nhuận Chi. Trong những ngày đói khổ tại Mật Châu, Nhuận Chi lại thuyết phục Ðông Pha cưới Triệu Vân. Thật sự Ðông Pha rất quý người ca nhi nầy và cũng yêu nàng nữa, nhưng chàng ngại chỉ vì tuổi nàng quá trẻ so với chàng. Mãi một lúc lâu Ðông Pha bước đến bên cạnh Triệu Vân và khẻ hỏi :
     - Nàng có muốn sống với ta chăng ?
     Triệu Vân im lặng và gật đầu !
     - Nàng có biết rằng nàng sẽ khổ suốt đời không ?
     Triệu Vân ôm chặt Ðông Pha và thì thầm :
     - Thiếp chỉ khổ vì không được sống cùng thi nhân thôi !
     Trong một lễ cưới rất đơn giản, Nhuận Chi nắm tay Triệu Vân nước mắt lưng tròng và nói :
     - Ðám cưới của em chị lo không đủ ba mâm chị buồn lắm !
     Triệu Vân đáp:
     - Em thấy trong cõi đời nầy ít ai tốt như chị, ...trong cảnh khốn cùng của chúng ta ngày nay, lo cho em như vậy là quá sức rồi !
     Ba hôm sau lễ cưới Nhuận Chi chết !
     Bây giờ trọn gánh gia đình đặt lên vai người ca nhi mới hơn mười tám tuổi. Ở Mật Châu ngoài việc quán xuyến gia đình, Triệu Vân còn nuôi nấng, bảo bọc hơn bốn mươi trẻ mồ côi, lo cho chúng khỏi chết đói, dạy cho chúng học. Ðứa nào cũng gọi Triệu Vân là Mẹ; thật tiếng gọi ấy đẹp và thiêng liêng biết bao !
     Rồi Tô Ðông Pha phải rời Mật Châu đi trấn nhậm Hồ Châu, nơi đây là một đồng bằng thuộc lưu vực sông Dương Tử, cây cối quanh năm xanh tươi, ao hồ luôn tươi mát, ven những con sông nhỏ, các thôn trang bốn mùa hoa rực rỡ. Nhiều hôm sau việc công đường, Ðông Pha lẩn thẩn đi qua những khu rừng, lên những ngọn đồi cảnh trí nên thơ, khiến hồn thi nhân đắm chìm vào mộng, chàng ngủ quên dưới gốc cổ thu. Triệu Vân ở nhà đợi mãi, lo lắng ...đi tìm, bắt gặp chàng thi sĩ đang ngủ say; lần nào nàng cũng lên tiếng đỡ lời : Cảnh ở đây đẹp quá, nếu thiếp có ở đây thiếp cũng ngủ. Ðông Pha nhìn nàng, chàng rất hối hận, vì đã làm cho nàng lo lắng.
     Tô Đông Pha thầm nghĩ, không ngờ đời mình có những ngày tháng đẹp như thế nầy, bên cạnh Triệu Vân người thiếp trẻ đẹp, tài hoa, nhân hậu. Hỏi lại lòng, Ðông Pha nay đã yêu Triệu Vân như yêu một người vợ hiền thục tuyệt vời. Tuy còn trẻ, nhưng Triệu Vân rất bình tỉnh can trường trước những tai ương của Tô Ðông Pha như bị giáng chức, tù đày, nàng hiểu rõ nước mắt chỉ làm yếu lòng người tri kỷ của mình mà thôi !
     Những ngày vợ chồng bị đày ra Hoàng Châu, chẳng những ngày ngày cùng chàng lo xây dựng cuộc sống, đêm đêm nàng ngồi cạnh chồng học tới khuya. Nàng thường giục Ðông Pha làm việc phúc đức cho đời, cụ thể là đến phủ đường gặp viên Thái thú xin bỏ tục lệ giết đứa con thứ tư (mỗi gia đình chỉ có 3 đứa con, nếu sanh đứa con thứ tư thì đứa bé nầy bị nhận nước chết). Lời thỉnh cầu nầy được chấp nhận và Tô Ðông Pha được cử làm hội trưởng hội bảo vệ trẻ em !
     Có lúc Ðông Pha được trở về triều, làm việc trong Hàn Lâm Viện, và lãnh chức Thị độc, chuyên giảng sách cho vua Triết Tôn. Sáng nào Triệu Vân cũng dậy sớm lo cho chồng ăn sáng, rồi dắt con bạch mã ra cổng, giúp cho bọn người hầu thêm dài giấc ngủ. Thời gian nầy, nàng thấy được ít hạnh phúc len vào đời sống hai người. Thỉnh thoảng nàng cùng Tô Ðông Pha ra phố vào những hàng tơ lụa, nàng chỉ ngắm cho no mắt nhưng không hề mua sắm.
     Hai người thích xem tranh, thường dạo qua các phòng tranh để thưởng ngoạn và bàn luận; có lần nàng chỉ tay vào bức tranh "đàn cò đang sải cánh lúc hoàng hôn", hỏi Ðông Pha:
     - Ðố chàng biết tranh nầy của ai ?
     Ðông Pha cười đáp:
     - Tranh của Triệu Vân chớ của ai !
     Triệu Vân cười và kề sát Ðông Pha nói thật êm :
     - Không phải !
     - Không phải của Triệu Vân thì của Ðông Pha vậy !
     Triệu Vân thật xúc động, nghe rõ tiếng tình yêu len vào tận đáy lòng mình.
    Trong phòng tranh, có nhiều tác phẩm của các danh họa thuở đó; theo nhận xét của Triệu Vân thì: Mễ Phế đầy ấn tượng, Lý Long Nhân tài hoa, Hoàng Đình Kiên nhẹ nhàng, Tô Đông Pha đầy chất thơ. Nghe Triệu Vân nói như vậy, Tô đông Pha cười ra tiếng.
     Với Ðông Pha, Triệu Vân, là người phụ nữ được chàng quý trọng nhất, mặc dù tuổi nàng chỉ bằng tuổi con trai đầu lòng của ông. Ngoài giọng ca đặc sắc, gợi mở cho Ðông Pha nhiều ý thơ lạ, còn là người có lòng bao dung, nhân hậu hiếm có.
     Lúc ở Mật Châu, nàng đã lập nên một cô nhi viên để nuôi trẻ mồ côi, nay nàng xin tiền các nhà giàu lập nên nhà dưỡng lão. Nàng thường nói với Tô Đông Pha rằng:
     - Thi bá Tô Đông Pha vang danh, người thiếp Triệu Vân, không có danh nhưng có tấm lòng bao la như biển !
     Triệu Vân lúc nào cũng bận rộn tất bật, phần lo cho dưỡng đường, phần lo cho Ðông Pha. Lúc nầy có mang đứa con đầu lòng. Niềm vui sắp làm mẹ, khiến nàng quên hết mọi khó nhọc; nàng tính từng ngày cho đứa con ra đời, nhưng trong một đêm mưa gió, Triệu Vân ngã té giữa đường, nàng lâm nạn, đứa con phải sanh non rồi chết. Cũng từ đó người phụ nữ nhân hậu nầy không bao giờ sinh con nữa !
     Họa vô đơn chí, Chương Ðôn lên làm Tể tướng, là một kẻ bạo tàn, hắn học cùng thầy với Ðông Pha, nhưng hắn ganh ghét tài năng của Ðông Pha, nay có quyền trong tay, hắn làm cho Ðông Pha khốn khổ đến cùng cực! Trước tiên hắn đưa Ðông Pha về Anh Châu, khi vừa ổn định, hắn ra lệnh cho Ðông Pha về Ðàm Châu rồi Huệ Châu, Lôi Châu, cuối cùng đày ra hoang đảo Hải Nam !
     Trước hoàn cảnh bức bách như vậy mới thấy Triệu Vân là người rất chu đáo, quán xuyến mọi việc, lo cả cho vợ chồng Tô Mai là con của Đông Pha. Nàng chọn ra những gì cần thiết mang theo, những vật nào phải bỏ lại. Nhưng với sách vở nàng không bỏ lại quyển nào, đặc biệt là các bản thảo của Ðông Pha. Nàng nâng niu quý trọng ngay những bài thơ Ðông Pha không vừa ý vứt đi.
     Một lần Ðông Pha hỏi :
     - Thơ tôi vứt đi mà thiếp giữ lại làm gì ?
     Triệu Vân đáp :
     - Sau nầy hậu thế cũng muốn biết phác thảo một bài thơ thành danh chứ ! Ông cũng đã từng đọc những phác thảo thơ của Ðổ Phủ, ông đã phải khen nức nở là gì ?
     Ðông Pha đắc ý cười và lớn tiếng:
     - Đúng, đúng, phác thảo là tự tâm chảy ra, chưa bị gọt đẻo. Tiếp đó Ðông Pha mở giọng chân thành :
     - Ai cũng bảo tôi có phúc, mà thực sự tôi có phúc thật, như thi hào Bạch cư Dị, mới bị giáng chức thì người thiếp bỏ đi lấy chồng, còn tôi được thiếp lo cho hết lòng !
     Tô Đông Pha nhìn đôi mắt đẩm lệ của Triệu Vân, giờ nầy ông thấy rõ Triệu Vân là một viên ngọc quý mà chính Vương Nhuận Chi đã tìm ra.
     Ðông Pha đứng lên đốt hương cho Nhuân Chi, rồi trở lại ngồi cạnh Triệu Vân, ôn tồn nói :
     - Thơ của Bạch Cư Dị nhờ lão ăn mày sưu tầm cất giữ, còn tôi nếu sau nầy thành danh là nhờ ngưòi yêu quý của tôi là Triệu Vân !
     Triệu Vân không nói một lời, nhưng nưóc mắt lưng tròng, nàng nghe như hạnh phúc tràn lên khóe mắt. Ðối với nàng, lời nói vừa rồi của Ðông Pha đáng giá ngàn vàng, vì Ðông Pha hiểu đựơc tấm lòng của nàng .
     Tô Đông Pha là một kẻ sĩ đầy khí phách, luôn luôn ông chống lại cường quyền, thơ văn của ông là vũ khí khuynh loát kẻ bạo tàn, bọn tham quan ô lại; nay thất thế, ông nghĩ chỉ một mình ông chịu khổ là phải, cớ sao lại bắt cả gia đình và Triệu Vân đi theo ra hoang đảo !  Ðông Pha nhìn Triệu Vân nghiêm trang nói :
     - Thiếp đừng khóc nữa ... án tử hình tôi đã có, chung thân cũng có rồi, có điều bắt cả nhà gian khổ cùng tôi là không phải !
     Triệu Vân đáp :
     - Không ai lo cho chồng bằng vợ ông ạ, xin ông cho thiếp theo ông, thiếp sẵn sàng cam chịu vạn nỗi gian truân với người đi đày ! Ông ơi, với một người vợ hiền không hạnh phúc nào bằng hạnh phúc được cùng chồng chung nỗi đắng cay, ông còn nhớ nàng Mạnh Khương, chồng là quan đại thần, chỉ vì không chịu đốt " tứ thư " mà bị cách chức, bị đày đi xây vạn lý trường thành. Nàng đi hơn mười ngàn dặm, tới nơi thì chồng đã chết. Nàng quyết kiên nhẫn tìm cho được xác chồng, nhưng nàng kiệt sức ngã gục, nước mắt của nàng khiến cho bức trường thành đổ xuống ,chôn vùi nấm xương tàn của người thiếu phụ chung thủy ngoan cường. Có ai biết rằng tại đây nàng đã gặp được chồng !
     Tô Đông Pha im lặng nghe nàng kể, mắt chàng đầy lệ, chàng vô cùng xúc động, thầm khen nàng thấu đáo chuyện đời, tuy xuất thân từ một ca nhi nhưng phẩm hạnh cao quý hơn các tiểu thư con nhà quyền quý, chồng vừa mất chức, bị đi đày như Ðông Pha thì các bà ruồng bỏ !
     Một đêm trước ngày phải xuống thuyền ra hoang đảo, chủ một quán trọ tụ họp được một số người mến phục Ðông Pha, tổ chức một buổi tiệc tiễn đưa. Trong tiệc nầy Triệu Vân so dây đàn dạo mấy khúc sầu ly biệt, làm cho không khí buổi tiệc trở nên buồn thảm ...nửa chừng Tô Đông Pha nghe sao tiếng hát của nàng đứt khoản, nghẹn ngào, bất chợt tiếng đàn im bặt; Triệu Vân ngước nhìn Ðông Pha rồi gục trên đàn và tắt thở ! Ðông Pha ôm chặt lấy Triêu Vân và khóc, thầm nghĩ làm sao chàng có thể kéo lê cuộc sống đọa đày nơi hoang đảo, mà không có Triệu Vân.
     Trong hoàn cảnh tù đày, Ðông Pha không thể lo mồ yên mã đẹp cho người vợ hiền, chàng rất đau lòng. May viên Thái thú Huệ Châu, là người mến phục Ðông Pha đã ân cần nói :
     - Tôi không thể giữ Ðại phu ở lại Huệ Châu được, vì lệnh Tể tướng buộc đưa ngài ra đảo gấp, xin ngài đừng lo, tôi sẽ chọn một mảnh đất tốt trên đồi cho phu nhân an nghĩ, tôi cũng sẽ dựng bia hoàn chỉnh cho bà .
     Nghe thế, Ðông Pha thấy có phần an ủi và tỏ lời cùng Thái thú:
     - Mai sau nếu tôi có chết xin Ngài thương tình nhặt nắm xương tàn của tôi về chôn cạnh mộ Triệu Vân, người vợ hiền yêu quý của tôi !
     Ra hoang đảo, Ðông Pha và con sống một cuộc đời cùng cực ...ngày ngày Ðông Pha nhìn về đất liền thuơng nhớ Triệu Vân, nghe tiếng sóng đại dương dường như có tiếng hát của Triệu Vân ẩn hiện lẩn vào thật não nùng !
     Trong sự cô đơn gian khổ, sức khỏe của Ðông Pha suy kiệt dần. Mãi đến lúc vua Triết Tôn mất, Huy Tôn lên nối ngôi, ngài ra sắc chỉ sưu tập lại tất cả tranh và thơ văn của Ðông Pha, ngài cũng ra lệnh trả tự do cho Ðông Pha.
     Khi thuyền đón Ðông Pha cập bờ, mọi người ra đón ông rất vui mừng. Thái thú Huệ Châu đưa Ðông Pha lên đồi thông viếng mộ Triệu Vân. Ông cũng đã chuẩn bị hương hoa cúng trước mồ, đoạn Ðông Pha sụp xuống ôm lấy bia, khóc thảm thiết và gục chết trên mộ nàng. Cả đoàn người ra đón Đông Pha đều kinh hoàng... Lá ngô đồng ngập vàng lối đi , mưa thu đổ lất phất như khóc cho một chuyện tình nghệ sĩ của hai khách tài hoa !

Phạm Văn Tốt
Portland-Oregon

17,160

BÀI THUYẾT GIẢNG VÀ THÔNG ĐIỆP CỦA ĐỨC DALAI LAMA VỀ TÂM ĐẠI BI

BÀI THUYẾT GIẢNG VÀ THÔNG ĐIỆP  CỦA ĐỨC DALAI LAMA VỀ TÂM ĐẠI BI Mục Đích Của Cuộc ĐờiMột câu hỏi lớn xuyên qua kinh nghiệm của cuộc đời dù chúng ta

27,999
LÀM SAO HÀNG PHỤC VỌNG TÂM

_Rồi, bây giờ mình bàn tiếp cái chuyện hồi hôm, chuyện hồi hôm mình bàn xong chưa? Chưa xong!Chuyện ông sư cõng cô gái qua suối, mà ông kia trách móc ông

737
Tinh thần Đại thừa trong sự phát triển của một quốc gia

Tinh thần Đại thừa trong sự phát triển của một quốc giaTinh thần Đại thừa là mong muốn người khác được hạnh phúc và làm việc cho hạnh phúc của những người

13,131
TỪ BI VÀ ÁI KIẾN ĐỒNG HAY KHÁC?

_Thưa thầy, thầy giảng Bồ Tát hạnh và từ bi, thì con thấy mình rất dễ rơi vô từ bi mà ái kiến, vì vậy mình làm sao thực hành Bồ Tát

958
Chùa Hội Khánh

Chùa Hội Khánh Tên thường gọi: Hội Khánh Địa Chỉ: 35 đường Yersin, phường Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một, Bình Dương. ĐT: 0650 824043. Chùa Hội Khánh toạ lạc ở

1,433
Top Bài Viết
Quan Hệ Thầy Trò
Niệm Tự Bạch

QUAN HỆ THẦY TRÒ Theo Tinh thần Kinh Kế thừa Chánh pháp Thầy, vầng mây bậc, thong dong, núi cao biển rộng Con, cánh nhạn chiều, chân trời sải cánh, dõi theo Thầy,

33,392
Giữ giới là lựa chọn tự do
Phật học Ứng Dụng

Giữ giới là lựa chọn tự do  Giới luật của Phật giáo có nghĩa là: “Anh đừng tự làm thương tổn mình, anh đừng tự làm hại mình”. 1. Tự do của lệ thuộc

32,813
Đạo Phật là gì?
Niệm Tự Bạch

Đạo Phật là gì Lama Zopa and Lama Yeshe Khi bạn tìm hiểu về đạo Phật tức là bạn đang tìm hiểu về con người thật của mình, về bản chất của tâm trí

32,720
Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa
Tìm Hiểu & Học và Hành

Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa(VHPG) Mọi kinh nghiệm của chúng ta, kể cả giấc mộng, khởi lên từ vô minh. Đây là một tuyên bố làm hoảng hốt

32,508
Chùa Việt
Sách Đọc