Đối với những người con Phật khắp năm châu, Phật đản là ngày lễ trọng đại được tổ chức hằng năm bởi cả hai truyền thống Phật giáo Nam tông và Bắc tông. Từ sau đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc được tổ chức hàng năm tại trụ sở của Liên Hiệp Quốc và tại một số quốc gia, lễ hội tôn giáo này được nhiều nước trên thế giới biết đến với tên gọi quen thuộc là lễ Vesak (xuất xứ từ tiếng Pâli là Vesâkha và Sanskrit là Vaiúâkha). Tại Việt Nam và một số nước theo truyền thống Phật giáo Bắc truyền, Phật đản được tổ chức chỉ để kỷ niệm ngày Đấng Giác Ngộ ra đời, nhưng theo truyền thống của các nước Phật giáo Nam truyền như Thái Lan, Myanmar, Sri Lanka v.v., lễ Vesak được tổ chức để kỷ niệm 3 sự kiện quan trọng liên quan đến cuộc đời của Đức Bổn Sư, đó là ngày Bồ tát ra đời, ngày Bồ tát thành tựu Phật quả, và ngày đức Phật giã từ thế gian vào cõi Niết bàn tịch diệt. Vì vậy, lễ Vesak còn được gọi là lễ Tam hợp hay Tam hiệp. Vào ngày Phật đản, nhiều hoạt động tôn giáo được tổ chức tại các tự viện như thực hành một đêm đầu đà, xe hoa diễu hành quanh các đường phố, từ thiện giúp người nghèo, người cơ nhỡ, v.v. Tại Myanmar, hoạt động nổi bật nhất trong ngày Phật đản là lễ tưới cây bồ đề được tổ chức khắp các tỉnh thành trong cả nước.
Buổi khai mạc lễ tưới cây bồ-đề
Thời gian tổ chức lễ tại Myanmar
Trước đây, tại Việt Nam cũng như một số nước theo truyền thống Phật giáo Bắc truyền, lễ Phật đản thường được tổ chức từ ngày 8 đến ngày 15 tháng 4 âm lịch. Nhưng sau đại hội Phật giáo thế giới lần đầu tiên tổ chức tại thành phố Colombo, Sri Lanka vào năm 1950, các thành viên từ nhiều quốc gia đến tham dự đều thống nhất chọn ngày trăng tròn tháng Năm là ngày Phật đản chung cho các nước. Đến năm 1999, để tôn vinh giá trị đạo đức, văn hóa, tư tưởng hòa bình, đoàn kết hữu nghị của đức Phật, Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc đã chính thức công nhận đại lễ Vesak là một lễ hội văn hóa, tôn giáo quốc tế của Liên Hiệp Quốc. Tại Myanmar, lễ Vesak rơi vào ngày trăng tròn của tháng Kason, tức tháng thứ 2 theo lịch Myanmar (tháng 5 dương lịch)[1]. Đây là thời điểm người dân Myanmar vừa tổ chức lễ hội đón mừng năm mới (lễ Thingyan hay lễ hội té nước), là thời gian nghỉ hè của các em học sinh, sinh viên. Vì vậy, trong khoảng thời gian này, hầu hết mọi người thường đến chùa, đến các thiền viện, tu viện để tham dự lễ tưới cây bồ đề. Ngoài ra, các Phật tử còn tham dự các khóa hành thiền, xuất gia gieo duyên, cúng dường, bố thí, v.v. Ông Barua, thành viên trong Ban hộ tự chùa Shwedagon, tâm sự: “Người Miến nói chung và Phật tử Myanmar nói riêng luôn có những hành động thiết thực vào dịp tổ chức các lễ hội tôn giáo. Lễ hội không chỉ là sự tín ngưỡng, là niềm tin đơn thuần, hay là dịp để khuếch trương tôn giáo của mình. Cái chính là chúng tôi luôn cố gắng làm một việc gì đó thiết thực như hành thiền, cúng dường, bố thí, v.v. Chúng tôi nghĩ đó chính là những vật phẩm quý giá nhất chúng tôi kính dâng lên đức Thế Tôn nhân ngày đản sanh của Ngài”.
Lời ông Barua nói không phải không có căn cứ. Ai đã từng đến đất nước chùa tháp Myanmar đều biết, tất cả mọi người khi đến cổng chùa đều phải đi chân đất, không có trường hợp ngoại lệ. Ngay cả vị nguyên thủ quốc gia của nước Mỹ là ông Obama khi viếng Chùa Shwedagon cũng phải đi chân đất trong khuôn viên chùa. Ngày xưa, vào thời Anh chiếm đóng thành phố Yangon, Myanmar, người Anh mang giày vào Chùa Shwedagon, dân chúng Myanmar đã đã cắm trại tại chùa để biểu tình và phản đối. Sau đó, ông Hiram Cox, đại diện người Anh tại Myanmar đã giữ đúng truyền thống của người Miến bằng cách thà không viếng chùa còn hơn bỏ giày đi chân đất. Tại sao người Miến lại nghiêm khắc trong vấn đề này? Thượng tọa Âcâra khẳng định: Một phần là lòng kính tin của người dân đối với ngôi Tam bảo, nhưng nguyên nhân sâu xa là họ sợ luật nhân quả. Có thể nói giáo lý nhân quả của Phật giáo đã ăn sâu vào trong máu thịt của người dân Myanmar, đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống của họ, giáo lý nhân quả được hiển bày qua lời nói, việc làm và suy nghĩ của họ. Liên quan đến việc không mang dép vào chùa, chú giải kinh Sa Môn Quả kể lại câu chuyện nhân quả của Bình sa vương, cũng gọi là vua Tần-bà-sa-la (Bimbisâra). Vào năm 67 tuổi, vua Tần-bà-sa-la đã bị chính con trai của mình là thái tử A-xà-thế hạ lệnh cho người thợ cạo vào khám, lấy dao bén cắt gót chân, xát muối vào rồi hơ trên lửa nóng, vua Tần-bà-sa-la quá đau đớn nên đã lìa đời. Nguyên nhân là trong nhiều kiếp trước Tần-bà-sa-la là công tử một gia đình phú hộ, vị công tử này rất cống cao ngã mạn. Ngày nọ, công tử mang dép vào chùa, được người nhiều người nhắc nhở không nên mang dép trong khuôn viên chùa, vị công tử này chẳng những không nghe mà còn dùng dép chà đạp nơi bàn thờ dâng hoa quả nhang đèn cúng Phật. Do hành động bất thiện này nên Tần-bà-sa-la phải trả quả xấu là bị cắt gót chân. Chính vì câu chuyện nhân quả này nên người dân Myanmar từ lớn đến nhỏ, khi đến cổng chùa là họ tự động bỏ dép ra. Lâu ngày, việc đi chân đất vào chùa đã trở thành một truyền thống và không có trường hợp ngoài lệ.
Hình thức lễ tưới cây bồ đề
Lễ Vesak hay Tam hợp, như đã nói, được tổ chức để kỷ niệm 3 sự kiện quan trọng liên quan đến cuộc đời của đức Phật. Tuy nhiên, theo sử Phật giáo Myanmar, ngoài 3 sự kiện trọng đại trên, ngày trăng tròn của tháng 5 (tháng Kason) cách nay vô lượng a-tăng-kỳ kiếp cũng chính là ngày ẩn sĩ Sumedha (tiền thân của đức Phật Thích Ca) được đức Phật Nhiên Đăng (Dipankara) ấn chứng sẽ thành tựu Phật quả trong tương lai. Và cũng chính vào ngày đản sanh của Bồ tát, cội bồ đề thiêng tại Bồ đề đạo tràng Ấn Độ xuất hiện như một minh chứng xác nhận Bồ tát Sĩ-đạt-ta sẽ thành tựu Phật quả trong tương lai.[2] Cây bồ đề có nhiều duyên hệ với cuộc đời của Đấng Đại giác, khi Bồ tát ra đời cây bồ đề cùng sanh, ngày Bồ tát thành tựu Phật quả cũng chính dưới tàng cây đại thọ này. Thế nên, người Miến rất quý trọng cây bồ đề, họ xem cội bồ đề như là bảo tháp, là biểu tượng của sự giác ngộ giải thoát trong đạo Phật.
Vào ngày Phật đản, khắp đất nước Myanmar từ thôn quê cho đến thành thị đều tổ chức lễ hội tưới cây bồ đề. Phật tử từ nhiều nơi trong nước tập trung đến các chùa lớn tại địa phương. Ở Yangon, lễ Phật đản được tổ chức quy mô nhất tại Chùa Shwedagon. Cờ Phậtgiáo, đèn, hoa được treo và trang trí quanh cội bồ đề. Buổi sáng chư Tôn Đức Tăng và các Phật tử tập trung tại cội bô đề ở hướng Đông Nam của chùa. Sau lễ truyền Tam quy, ngũ giới cho các Phật tử, chư Tăng tụng một thời kinh chúc phúc. Tiếp theo, Hòa thượng đại diện chứng minh công đức lành cho nam nữ Phật tử đến tham dự lễ và Ngài có một thời pháp ngắn đến toàn thể đạo tràng. Đôi khi những đoạn thơ ngắn bằng tiếng Pâli trích từ chuyện tiền thân đức Phật được các nghệ sĩ ngâm kèm theo tiếng hòa tấu của các nhạc cụ truyền thống để tán dương ân đức Phật, Pháp và Tăng. Sau đó, Hòa thượng chứng minh khai mạc lễ bằng cách tưới một chum nước thơm vào cội bồ đề, tiếp theo là chư Tăng, Ni và Phật tử. Đôi khi người ta dùng sữa tươi, các loại nước quý để tưới vào cội cây thiêng. Sư Khemacara giải thích với đoàn chúng tôi: Tưới nước vào cội cây bồ đề nhân ngày Phật đản là một hành động tỏ lòng tri ân cội cây thiêng đã từng che nắng, đỡ mưa cho Bồ tát Sĩ-đạt-ta trước khi Ngài thành tựu Phật quả.
Ở các vùng thôn quê, những làng mạc xa xôi, người dân nâng những chum nước thơm trên bờ vai lần lượt đến các tự viện trong làng nơi có đại thọ bồ đề để tưới cội cây thiêng. Ông Khin Aung cho biết thêm, tháng Tư, tháng Năm là tháng nóng nhất trong năm tại Myanmar. Nên trong khuôn khổ lễ hội Vesak, người dân nơi đây với lòng thành kính, đặt những chum nước tinh khiết trên vai đến các tự viện tưới cây bồ đề ngoài việc cảm ơn giống cây thiêng đã che chở cho đức Thế Tôn trong những ngày Ngài thiền định dưới cội cây trước khi chứng đạo và ước nguyện năng lực giải thoát của đức Phật luôn trưởng dưỡng trong họ, trợ duyên cho họ được thoát khổ sanh tử, chứng đắc Niết bàn. Đồng thời họ tưới cây để giúp cho cội bồ đề luôn được xanh tốt trong mùa nắng nóng nhất trong năm. Một vài hoạt động khác cũng được thực hiện trong ngày Phật đản như mọi người vớt những con cá, rùa từ những nguồn nước khô cạn như ao, hồ, suối nhỏ và đem chúng vào những nơi nhiều nước để cứu sống chúng.
Mang nước đến chùa tưới cây bồ-đề
Lúc mới qua Myanmar, lần đầu tiên tham dự lễ tưới cây bồ đề tại Thiền viện Paditarama, Bago, trong tâm tôi từng có sự so sánh: sao người Miến đơn giản quá, nhìn bên ngoài có vẻ như họ không quan trọng ngày Phật đản. Ở Việt Nam, lễ Phật đản được tổ chức rất long trọng vậy mà tại thiền viện này, sau lễ truyền Tam quy, ngũ giới, và sau thời pháp của Hòa thượng thiền sư, tất cả thiền sinh (Tăng, Ni và Phật tử) mỗi người chỉ một gáo nước tưới vào cây bồ đề trong khuôn viên thiền viện và thế là xong. Nhưng sau này tham dự lễ Phật đản tại Thiền viện Pa Auk, Thiền viện Mahasi, và một vài thiền viện khác, tôi mới cảm nhận được lễ Phật đản tại các thiền viện tuy tổ chức đơn giản nhưng tấm lòng của những người con Phật nơi này rất chí thành, chí kính, và rất thiết thực. Họ không làm xe hoa, không tổ chức lễ đài, không trình diễn văn nghệ, nhưng những cái họ bỏ ra để cúng dường đức Thế Tôn, Phật tử các nước khác hiếm khi làm được. Đó là họ đã cúng dường thời gian, cúng dường giới pháp thanh tịnh, cúng dường sự tinh tấn, chánh niệm, v.v. Họ đã bỏ ra một tuần, mười ngày, thậm chí là một tháng hay hơn thế nữa để vào thiền viện hành thiền, họ nghĩ hoa trái của thiền tập là món quà vô giá họ kính dâng lên Đức Từ Phụ Bổn Sư nhân ngày đản sanh của Ngài!
Mỗi người một chum nước tri ân cội cây thiêng
Nguồn gốc lễ tưới cây bồ đề
Theo sử Phật giáo Myanmar, lễ hội tưới cây bồ đề có nguồn gốc từ thời đức Phật. Trong suốt 45 năm hoằng pháp độ sanh, đức Phật đã trải qua 25 mùa Hạ tại Tịnh xá Kỳ Viên, thành phố Xá Vệ. Ngôi tịnh xá gắn liền với cuộc đời của vị trưởng giả đầy nhiệt tâm Cấp-cô-độc, và đã trở thành một câu chuyện huyền thoại được nhiều người biết đến – chuyện trưởng giả trải vàng mua đất xây Tịnh xá. Chính vì đức Phật thường lưu trú tại Kỳ Viên, nên mỗi khi muốn thăm viếng và đảnh lễ bậc Đạo sư, chư Tăng, Ni cũng như Phật tử thường hướng về Kỳ Viên. Vì không có điện thoại để hỏi trước và lúc đó phương tiện đi lại cũng đâu dễ như bây giờ, các vị ở xa phải băng rừng, lội suối, đôi khi phải trải qua một cuộc hành trình vô cùng vất vả để đến viếng thăm đức Phật, nhưng khi đến nơi thì đức Phật lại có duyên sự hoằng pháp ở một trú xứ khác, các vị ấy không có duyên gặp được Phật, những lúc như vậy họ rất buồn và thất vọng.
Cảm thương cho hoàn cảnh của các vị ở xa về Kỳ Viên nhưng không gặp được Phật, trưởng giả Cấp-cô-độc bạch với Thầy A-nan, vị thị giả thân tín của đức Phật về sự việc này. Sau đó, Thầy A-nan bạch lại đức Phật và xin đức Phật để lại một vật gì đó để cho Tăng, Ni và Phật tử ở xa đến nếu không gặp Phật khi nhìn vật ấy họ có thể tưởng niệm như Ngài đang hiện diện tại Tịnh xá. Để đáp lại lời thỉnh nguyện của Thầy A-nan, đức Phật dạy Thầy A-nan chiết nhánh bồ đề từ đại thọ bồ đề ở Bồ đề đạo tràng mang về trồng trong khuôn viên Tịnh xá Kỳ Viên để cho các Phật tử chiêm ngưỡng đảnh lễ những khi đức Thế Tôn vắng mặt tại Tịnh xá. Khi đức Phật còn tại thế, Ngài không cho phép thờ hình tượng Phật, chỉ đến thời điểm này đức Phật mới cho phép trồng cây bồ đề như là biểu tượng tôn thờ Phật. Và truyền thống tưới nước cây bồ đề có từ thời điểm ấy. Cho đến ngày nay, tại một số quốc gia như Sri Lanka, Myanmar, Thái Lan, Phật tử rất tôn kính và sùng bái cây bô đề vì chính đức Phật đã tuyên bố thấy cây bồ đề như thấy Thế Tôn.
Giá trị tâm linh của cây bồ đề trong đạo Phật
Cây bồ đề có tên khoa học là Ficus religiosa, người Ấn gọi là cây Pippala (tất-bát-la). Do sự kiện đức Bô tát Sĩ-đạt-ta thành tựu đạo quả giác ngộ giải thoát dưới cội cây này nên nó được gọi là cây bồ đề (giác ngộ). Loài cây này rất phổ biến trên đất Ấn, dọc các nẻo đường, các thánh tích chỗ nào chúng ta cũng thấy bóng dáng của cây bồ đề. Đây là một loại cây thiêng theo tín ngưỡng Ấn Độ vì họ tin rằng loài cây này là nơi trú ngụ của các vị thần linh. Ngày nay, loài cây này không còn lạ gì trong mắt người Việt, nhất là đối với các Phật tử, cây bồ đề luôn ẩn hiện trong lòng mọi người một cảm giác thiêng liêng, không phải bị ảnh hưởng bởi tín ngưỡng Ấn Độ mà vì nó liên quan đến cuộc đời của Đấng Từ Phụ Bổn Sư.
Trong lần chiêm bái thánh tích tại Ấn Độ, đứng dưới tàng đại thọ bồ đề tại Bồ đê đạo tràng, Thượng tọa Rakkhita nói: Mặc dù ngày nay tại Ấn Độ nói riêng và khắp thế giới nói chung có rất nhiều cây bồ đề, có thể có tuổi thọ lâu năm hơn cả cây bồ đề tại Bồ đề đạo tràng như cội bồ đề tại cố đô Anuradhapura, Sri Lanka, do Ni sư Sanghamitta, con gái vua A-dục trồng, có tuổi thọ trên 2.250 năm, nhưng có thể nói không một cây bồ đề nào có giá trị lịch sử và tâm linh quan trọng như đại thọ bồ đề tại Bồ đề đạo tràng, vì nó chính là hậu thân nhiều đời của cây bồ đề thủy tổ, cây đã từng che mưa đỡ nắng cho bồ tát Sĩ-đạt-ta trong suốt thời gian Ngài tu tập trước khi thành tựu quả vị giác ngộ giải thoát.
Sử sách ghi lại cây bồ đề tại Bồ đề đạo tràng đã bị chặt phá nhiều lần, trong đó có 4 lần đáng nhớ nhất: Lần thứ nhất vào thế kỷ thứ III trước Tây lịch, do ái phi của vua A-dục sai người lén chặt và thiêu hủy cả gốc vì bà nghĩ rằng nơi cội cây ấy có một tiên nữ đã làm mê muội nhà vua nên hằng ngày vua luôn đến thăm cây bồ đề, chăm sóc cây với cả tấm lòng ưu ái và kính trọng, và xem cây bồ đề như một báu vật quốc gia. Sau đó vua A-dục đã cho người qua Sri Lanka chiết nhánh từ cội bồ đề tại Anuradhapura mang về lại Ấn Độ trồng. Lần thứ hai vào đầu thế kỷ thứ VII, vua Sasanka xứ Ganda (Bengal) ra lệnh đốn cây thiêng đồng thời đem đốt toàn bộ gốc rễ làm cho tuyệt giống linh thọ bồ đề. Đến cuối thế kỷ VIII, vua Purnaverma của Ma-kiệt-đà, đã cho trồng lại cây bồ đề khác. Lần thứ ba vào thế kỷ XII, quân đội Hồi giáo đánh chiếm Ấn Độ, họ đã phá hủy toàn bộ các thánh tích Phật giáo, trong đó cây bồ đề tại Bồ đề đạo tràng cũng chịu chung số phận. Sau đó, nơi gốc cây bị tàn phá, một chồi non đã phát triển và cội bồ đề lại được xanh tươi. Lần thứ tư vào năm 1875, cây bồ đề bị khô chết và sau một cơn bão cây bồ đề đã bị gió cuốn phăng đi. Nhưng may mắn thay, thời gian sau chính tại nơi đó một chồi non đã nảy sanh và phát triển, nhánh bồ đề này đã phát triển và tồn tại cho đến ngày nay. Nếu tính về niên đại thì cây bồ đề tại Bô đề đạo tràng nhỏ hơn nhiều so với cội bồ đề tại cố đô Anuradhapura, Sri Lanka. Tuy nhiên, đứng về giá trị lịch sử thì cội bồ đề tại Ấn Độ vẫn quý hơn dù nó chỉ là hậu duệ, nhưng chính tại nơi đó đức Thế Tôn đã thành tựu Phật quả.
Chú giải Tăng Chi Bộ kinh viết rằng: “Cây bồ đề phải được thờ kính, chỉ trừ trường hợp nếu nhánh cây bồ đề làm chướng ngại mái nhà, bàn thờ, hoặc bị mục, hoặc chim đậu dựa trên cây làm dơ bẩn chốn tôn nghiêm chùa chiền thì mới được phép cắt bỏ đi”. Do đấy, người Sri Lanka, Myanmar rất quý kính cây bồ đề, họ không dám tự ý chặt hay mé nhánh cây thiêng. Theo luật của người Sri Lanka trình cho chính phủ Hà Lan vào cuối thế kỷ XVIII: Nếu ai phá hủy chùa chiền, cây bồ đề cùng những tài sản thuộc tôn giáo thì sẽ bị chính phủ Sri Lanka quy tội chết. Có thể nói người Sri Lanka rất sùng bái cội bồ đề, đặc biệt là cây bồ đề trên 2.250 năm tuổi do Ni sư Sanghamitta trồng. Ngày 24/5/2014, Tổng thống Sri Lanka là ông Mahinda Rajapaksa đã tiến cúng huân chương vàng, không phải cho một nhân vật quan trọng nào, mà là cho đại thọ bồ đề linh thiêng tại cố đô Anuradhapura, và vị tổng thống này đã thành tâm chiêm bái lễ tạ cội bồ đề biểu tượng của sự giác ngộ giải thoát trong đạo Phật.
Cây bồ-đề trên 2.250 năm tuổi tại cố đô Anuradhapura, Tích Lan
Tại Myanmar, hầu hết các cây bồ đề cổ đều đuợc trồng từ hạt giống hoặc là của cây bồ đề tại Bồ đề đạo tràng hoặc là từ cây bồ đề tại cố đô Anuradhapura ở Sri Lanka. Bằng chứng lịch sử sớm nhất của việc trồng cây bồ đề ở Myanmar là vào thời vua Narapatisithu của triều đại Bagan, khoảng thế kỷ XII. Thời ấy, trưởng lão Kassapa của Myanmar đã sang Sri Lanka chiêm bái, khi trở về Ngài đã mang một số hạt giống bồ đề từ cội bồ đề thiêng tại Anuradhapura. Những thế kỷ sau, các vị đế vương Myanmar đều giữ gìn truyền thống trồng và nhân giống cây bồ đề, năm 1340 vua Uzana của triều đại Pinya đã trồng cây bồ đề tại kinh đô ở Sagaing, năm 1442 vua Narapati của triều đại Inwa đã gieo hạt bồ đề tại kinh thành Inwa (cách Mandalay khoảng 30km), năm 1471, vua Dhammazeti của triều đại Mon đã gieo hạt bồ đề trên một ngọn đồi gần trung tâm Yangon, ngày nay đuợc biết là cây bồ đề ở hướng Tây Bắc của Chùa Shwedagon. Năm 1800, vua Bodawpaya của triều đại Konbaung đã gởi một phái đoàn sang Bồ đề đạo tràng, Ấn Độ để tìm hiểu và tham cứu cội cây thiêng, khi về nước họ đã mang những hình vẽ miêu tả cây bồ đề tại Bồ đề đạo tràng và hai cây non do các vị tỳ kheo ở Bồ đề đạo tràng gởi tặng. Vua Bodawpaya đã trịnh trọng đích thân trồng các cây non này ở ranh giới chùa Mingun phía Tây Nam của cung điện. Đến thế kỷ XIX, vua Mindon, vị đế vương hộ pháp của Phật giáo Myanmar, người đã đứng ra tổ chức và tài trợ cho lần kiết tập Tam tạng Kinh điển lần thứ 5 tổ chức tại Mandalay, Myanmar, cũng đã đích thân trồng cây bồ đề do chính phủ Sri Lanaka gởi tặng tại kinh thành Mandalay.
Ngày nay, lễ tưới cây bồ đề tại Myanmar đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa Phật giáo nói riêng và văn hóa dân tộc nói chung. Tại Việt Nam, Phật đản chỉ là lễ hội riêng của những người con Phật, nhưng tại Myanmar, lễ Phật đản đã trở thành lễ hội của quốc gia, là ngày nghỉ lễ của cả nước. Ông Zaw Moe Aung cho biết tại Yangon và Mandalay, hai thành phố lớn ở Myanmar, vào ngày Phật đản tất cả các gian hàng, các khu mua sắm quanh thành phố đều đóng cửa, hầu hết mọi người đều tập trung tại các Thiền viện, tu viện để tham dự lễ tưới cây bồ đề, và thực hành các việc phước thiện như cúng dường, tụng kinh, hành thiền...
LIÊN HIẾUChú thích:
[1]. Mười hai tháng theo lịch Miến Điện: (1) Tagu (tương đương tháng Tư dương lịch), (2) Kason (tháng Năm), (3) Nayon (tháng Sáu), (4) Waso (tháng Bảy), (5) Wagaung (tháng Tám), (6) Tawthalin (tháng Chín), (7) Thadingyut (tháng Mười), (8) Tazaungmon (tháng Mười một), (9) Nadaw (tháng mười hai), (10) Pyatho (tháng Giêng), (11) Tabodwe (tháng Hai), (12) Tabaung (tháng Ba).
[2]. Khi Bồ tát sinh ra đời, có 7 người và vật sinh cùng thời với Đức Bồ-tát: (1) Công chúa Da-du-đà-la (Yassodharâ), (2) Ngài A-nan (Ânanda), (3) Người giữ ngựa Xa-nặc (Channa), (4) Trưởng lão Ca-lu-đà-di (Kāḷudāyī), (5) Ngựa Kiền-trắc(Kaṇḍaka), (6) Cây bồ đề (Mahâbodhi) tại Bồ-đề-đạo-tràng, (7) Bốn kho báu trong kinh thành Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavatthu).
Quyết định quan trọng nhất về những mục đích của bạn không phải là bạn sẳn sàng làm việc để thành tựu chúng, mà là bạn sẳn sàng từ bỏ. – Dave
SỎI MẬT Nghe qua khó tin nhưng là việc thật. Bỡi thế người Trung Hoa thường bảo “người Việt nam chết trên cây thuốc” là vậy. Vào thời điểm những năm sau 1975, đời sống kinh
Vẫn giữ vững những quyết định của bạn, nhưng phải linh hoạt mềm dẻo trong cách tiếp cận của bạn._Tony Robbins.🤹 Những nguyên tắc quan trọng có thể và phải linh hoạt._Abraham
Thông thường, nhắc đến các vị Thiền sư đời Trần, chúng ta vẫn chỉ nghe nhắc đến Trần Thái Tông, Huệ Trung thượng sĩ, Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang.
Sống trên đời, ai không mong cầu hạnh phúc? Thế nhưng có mấy ai được mãn nguyện, ngược lại số người không hạnh phúc thì vô kể, đâu cũng có. Mà những
QUAN HỆ THẦY TRÒ Theo Tinh thần Kinh Kế thừa Chánh pháp Thầy, vầng mây bậc, thong dong, núi cao biển rộng Con, cánh nhạn chiều, chân trời sải cánh, dõi theo Thầy,
Giữ giới là lựa chọn tự do Giới luật của Phật giáo có nghĩa là: “Anh đừng tự làm thương tổn mình, anh đừng tự làm hại mình”. 1. Tự do của lệ thuộc
Đạo Phật là gì Lama Zopa and Lama Yeshe Khi bạn tìm hiểu về đạo Phật tức là bạn đang tìm hiểu về con người thật của mình, về bản chất của tâm trí
Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa(VHPG) Mọi kinh nghiệm của chúng ta, kể cả giấc mộng, khởi lên từ vô minh. Đây là một tuyên bố làm hoảng hốt