(TNO) Người dân ở các quốc gia Mỹ Latinh “hạnh phúc nhất thế giới”, còn “ít hạnh phúc nhất thế giới” thuộc về người Singapore, theo kết quả khảo sát của Công ty Gallup (Mỹ) công bố ngày 19.12.
Cuộc khảo sát của Công ty khảo sát Gallup được tiến hành trên 1.000 người từ 15 tuổi ở 148 quốc gia trên thế giới thông qua điện thoại hoặc phỏng vấn trực tiếp cùng 5 câu hỏi, theo hãng tin AP.
Theo số liệu của Gallup, 7 trong 10 nước hạnh phúc nhất thế giới thuộc châu Mỹ Latinh.
Panama và Paraguay, đứng đầu trong bảng danh sách các nước hạnh phúc nhất thế giới, với tỷ lệ 85% số người tham gia khảo sát ở hai nước này trả lời “có” cho cả 5 câu hỏi khảo sát.
Sau Panama và Paraguay là El Salvador (84%); Venezuela (84%); Trinidad, Tobago, Thái Lan (83%); Guatemala, Philippines (82%); Ecuador, Costa Rica (81%).
Singapore (46%) xếp hàng đầu trong top 10 nước ít hạnh phúc nhất thế giới, tiếp đó là Armenia (49%); Iraq (50%); Georgia, Yemen, Serbia (52%); Belarus (53%); Lithuania, Madagascar (54%)
Kết quả khảo sát này có thể làm ngạc nhiên những nhà phân tích và lãnh đạo các nước trên thế giới, vì họ vốn tập trung vào yếu tố kinh tế để đo đạc mức độ hạnh phúc hoặc lạc quan.
Chẳng hạn, Panama xếp hàng 90 trên thế giới trong bảng xếp hạng theo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quy đổi theo sức mua tương đương (PPP) bình quân đầu người, nhưng lại là quốc gia hạnh phúc nhất.
Trong khi, Singapore xếp hàng thứ 5 thế giới trong bảng xếp hạng này lại là quốc gia “ít hạnh phúc nhất thế giới”.
Gallup cho biết thu nhập cao chưa chắc không thể đảm bảo cuộc sống hạnh phúc cho người dân khắp thế giới.
Phúc Duy
Mỹ La tinh hạnh phúc nhất thế giới
Công ty khảo sát Gallup của Mỹ công bố kết quả thăm dò cho thấy khu vực Mỹ La tinh chiếm 7 trên 10 nước dẫn đầu về mức độ hạnh phúc.
Theo AP, cuộc khảo sát được thực hiện với gần 150.000 người tại 148 nước, vùng lãnh thổ với các câu hỏi về mức hạnh phúc và sảng khoái. Dẫn đầu là Panama và Paraguay với 85% số người được hỏi cảm thấy vui vẻ với cuộc sống.
Đáng chú ý là các nền kinh tế mạnh như Mỹ, Trung Quốc hay Nhật Bản chỉ đứng trong nhóm trung bình. Singapore đứng chót bảng với chỉ 46 điểm. Tại Việt Nam, 59% người được hỏi thấy hạnh phúc, thấp hơn Thái Lan (83%), Philippines (82%), Malaysia (80%), Indonesia (79%), Lào (72%) và Campuchia (66%). Tuy nhiên, AP dẫn lời một số chuyên gia cho rằng kết quả nói trên không hoàn toàn chính xác do cảm nhận về hạnh phúc còn phụ thuộc nhiều yếu tố như văn hóa, truyền thống xã hội…
Bích Huệ