Bài Viết (49)


Xem mục lục

_Suốt cả năm mình nói về chánh niệm tỉnh giác, đã hơn sáu kỳ, thầy cũng đã nói nhiều rồi; bây giờ, Hải ôn lại Chánh niệm tỉnh giác là sao?

_Thưa thầy, thầy dạy từ đầu đến bây giờ, chánh niệm tỉnh giác là nhận biết hiện tại đang diễn ra, khả năng tỉnh giác của mình là mình bắt nhịp vào dòng trôi chảy của nó. Trước nhất, là làm sao tâm mình phải tỉnh giác, và từ sự tỉnh giác này, mình hòa vào Chánh niệm tỉnh giác đã có sẵn từ xưa tới giờ; khi biết thực hành như vậy, thì người ta biết chánh niệm tỉnh giác như thế nào, và người ta sống được với nó tương tục.

_Thứ nhất, chánh niệm là sự chú ý mà không tập trung vô đâu cả, mình làm được điều này không, mình chú ý tất cả trong căn phòng này, nhưng mình không tập trung vào cái gì hết. Không phải chú ý là mình chạy lăng xăng coi giờ này ở Sài Gòn, hay ngoài chợ xem bây giờ ra sao; mà chú ý là mình không tập trung vô cái gì hết, và tỉnh giác là sáng tỏ, trong sự chú ý nó sáng tỏ. Thành ra Chánh niệm là định, tỉnh giác và huệ; theo ngài Lục tổ Huệ Năng thì định huệ nó đi liền với nhau, khi có định thì có huệ khi có huệ thì có định. Cho nên, chánh niệm tỉnh giác là định huệ nó đồng thời cùng một lúc, mà cái đó mình phải làm ngay tại đây, không phải nghe rồi mình bỏ qua đâu, nghe rồi về nhà mới làm, mà mình phải nghe và làm ngay tại đây.

Bây giờ mình có thấy là mình đang Chánh niệm tỉnh giác không, mình có thấy mình đang định huệ đồng thời không?

Khi mình Chánh niệm tỉnh giác như vậy đó, thì mình thấy ngay được bản tâm của mình là gì; bản tâm của mình là nó trống không, không có gì hết, nhưng vì nó trống không không có gì hết; cho nên nó có tiềm năng xuất hiện tất cả mọi sự, phải không? Nếu nó có cái gì che, khi các cái khác xuất hiện; thì nó không bao giờ ghi nhận được. Cái tâm mình luôn luôn trống không, cho nên bất kỳ cái gì xuất hiện mới lạ, nó đều ghi nhận được hết; chứng tỏ cái tâm của mình không bao giờ có một cái gì xuất hiện mà nó có thể in vô trong đó được. Nó như tấm gương vậy đó, có thì nó hiện hình trong đó, mà các hình tướng không dính vô tấm gương được; nếu nó dính vô tấm gương thì cái khác tới, cái này nó che mất rồi.

Nó dính vô, và dính nhiều rồi thì tấm gương nó sẽ không là tấm gương nữa, mà nó là bức vách; vì nó dán nhiều quá nó bít hết rồi.
Mình phải thấy tâm mình như tấm gương, cái gì tới thì nó hiện bóng trong đó; nhưng tấm gương vốn không bị dính cái gì hết. Tấm gương đó luôn luôn trong sạch, luôn luôn thanh tịnh, một người tới thì nó in vô, người khác tới thì nó cũng in vô. Cái tâm mình nó luôn luôn thanh tịnh như vậy, và nếu như mình chứng nghiệm cái tâm mình luôn luôn thanh tịnh như vậy, có nghĩa là mình giải thoát, bởi vì cuộc đời sanh tử này nó đến rồi nó đi chớ nó không thể dính vào trong đó được.

Thành ra 24 tiếng từ một giờ rưỡi hôm nay, cho đến một giờ rưỡi ngày mai, là mình làm sao mình Chánh niệm tỉnh giác nơi cái gương tâm của mình. Nó luôn luôn trong sáng tỉnh lặng, nó luôn luôn trong sáng như vậy, và nó ghi nhận tất cả những hình ảnh mà nó không ô nhiễm.

Nếu mình sống được cái tâm không ô nhiễm đó, thì mình giải quyết được tất cả các sanh tử này; bởi vì nó không ô nhiễm, cho nên tâm của mình luôn luôn mới, vậy thôi, nó không có dính cái gì hết.

Còn người nào dính nhiều thì nó sẽ mang theo những kỷ niệm vui buồn gì đó, nó sẽ ghi dấu ấn nhiều thứ trên cái gương của mình, khi mình sống đời này nó dán nhiều thứ quá, thì cái tâm mình sẽ nặng nề, cuối cùng mình đi qua đời khác thì nó vẫn nặng nề như vậy. Và cái gì dính trong đời này, thì đời sau nó cũng sẽ tiếp tục, thành ra giải thoát là gì; giải thoát là tấm gương nó không bao giờ dính cái gì hết, không có vui buồn gì, bởi vì tất cả những kinh nghiệm nó điều trải qua hết; nhưng không có kinh nghiệm nào dính với nó được.

Mục đích của tất cả Phật giáo là để tìm cho ra tâm mình như tấm gương như vậy.

Tất cả thiền định, tất cả tụng kinh, tất cả sám hối; là để nhận biết tâm mình như tấm gương, nó không dính cái gì hết; quý vị có thể hình dung ra được điều đó không?

Bởi vì mình ngồi thiền mình sẽ thấy tâm mình khi thiền định là nó trống lỏng và nó sáng như tấm gương vậy, cái này mình phải thực hiện chớ không phải là ngồi nói không thôi đâu. Cả ngày mà mình sống như tấm gương, là cả ngày mình không bị ô nhiễm gì hết; ngày nào mình sống như tấm gương là ngày đó mình giải thoát, vậy thôi. Giờ nào mình sống như tấm gương, thì giờ đó mình giải thoát, giây phút nào mình sống như tấm gương thì giây phút đó mình giải thoát.
Cái quan trọng nhất là: mình có tin nổi tâm mình nó không ô nhiễm như tấm gương hay không? Khi tin rồi, mình sẽ thực hiện niềm tin này; bằng cách là: mình sẽ chứng nghiệm nó bằng thiền định, bằng trong công việc hằng ngày.

Mình thấy vậy đó, như tám giờ sáng mình làm gì, mình thấy nó không có dấu vết gì trong tấm gương tâm của mình hết, phải không; Nó thấu thoát nhưng nó không có dấu vết, không cái gì có thể in vào trong đó được. Rồi chiều nay, mình làm cái gì đó, và sáng mai, mình nhớ lại mình làm cái gì đó chiều hôm trước, nó cũng thấu thoát; không có một hình ảnh nào mà nó chụp vô trong đó được. Điều đó Kinh Kim Cương nói là “Tâm quá khứ chẳng thể đắc”, bây giờ mình nhớ lại tám giờ sáng này, mình có muốn nắm bắt nó cũng không được nữa rồi! Nó có đâu mà nắm bắt, phải không, nó thoáng qua như mình coi phim vậy đó; nó thoáng qua, mình không bao giờ nắm bắt được.

“Tâm hiện tại bất khả đắc, và tâm tương lai cũng bất khả đắc”, khi nào mà mình chứng nghiệm một cách rõ ràng cái gương tâm của mình nó không thể đặt cái gì vào trong đó, không thể dính cái gì hết, thì lúc đó mình giải thoát. Và giải thoát không có nghĩa là mình đi tới chỗ này, đi tới chỗ nọ; giải thoát nghĩa là mình đang sống ngay tại đây, và mình không dính cái gì hết, thì ngay đó mình giải thoát.
Còn người đeo mang nặng nề cái nghiệp, nghiệp là cái nó dính vô, mà bỏ ra không được; thì mình phải dùng sám hối để lột nó ra; để cho gương tâm của mình nó trong sáng như vậy đó, nó không có dấu vết gì trong đó hết.

Thành ra trong kinh nói là: người giải thoát y như con chim bay trong hư không, nó không để lại dấu vết gì trong đó hết. Rồi ngài Thiền sư Hương Hải (thiền sư Việt Nam) ngài có nói vậy đó: “Nhạn quá trường không”, là con chim nhạn nó bay qua khoảng không, cái ảnh của nó thấy rõ ràng in trên mặt hồ nước; nhưng mà con nhạn nó bay qua rồi, thì cả hồ nước và hư không, không có ghi lại dấu vết nào hết.
Cho nên một trong những câu trong tham thiền Công án là: “Không có tung tích”, không tung tích là: không dấu vết, nếu mình sống trên đời này không dấu vết, bởi vì mình là tấm gương không dấu vết gì để lại hết, thì mình giải thoát.

Thành ra người xưa họ nói là đi vào rừng không động cỏ, bước vào nước không dậy sóng; còn mình khi đi vào rừng là động cỏ, bước vào nước thành dậy sóng; là mình làm cho cuộc đời này nó trở thành một trường hỗn loạn ở trong này.

Những vị giải thoát, họ luôn mang tới sự an lành, bởi vì họ đi không động nước, bởi vì họ không gây một ảnh hưởng nào hết, còn mình đi thì mình gây cho người này, người kia, đủ thứ khó chịu hết; cho nên cuộc đời của mình nhiều khi nó gây nghiệp là vậy. Cả cuộc đời của mình, mình gây cho người này, người nọ sự khó chịu, mà gây cho người ta khó chịu thì mình sẽ lãnh lại sự khó chịu đó thôi.

Bây giờ 24 tiếng này là mình phải làm sao, thứ nhất, là mình phải tin cái tấm gương đó, và mình phải thực hiện cho được mình là tấm gương; khi nào mình thực hiện mình là tấm gương, khi đó mình giải thoát. Giải thoát nó không phải đến khi nào đó, mà giải thoát ở bất kỳ khi nào, trong một khoảnh khắc nào mình là tấm gương, khoảnh khắc đó mình giải thoát; thành ra, người xưa nói: “Giải thoát trong từng niệm niệm” là vậy đó.
Đó là toàn văn bài giảng của thầy trong kỳ thứ bảy này.

Xem mục lục
Top Bài Viết
Quan Hệ Thầy Trò
Niệm Tự Bạch

QUAN HỆ THẦY TRÒ Theo Tinh thần Kinh Kế thừa Chánh pháp Thầy, vầng mây bậc, thong dong, núi cao biển rộng Con, cánh nhạn chiều, chân trời sải cánh, dõi theo Thầy,

33,235
Giữ giới là lựa chọn tự do
Phật học Ứng Dụng

Giữ giới là lựa chọn tự do  Giới luật của Phật giáo có nghĩa là: “Anh đừng tự làm thương tổn mình, anh đừng tự làm hại mình”. 1. Tự do của lệ thuộc

32,675
Đạo Phật là gì?
Niệm Tự Bạch

Đạo Phật là gì Lama Zopa and Lama Yeshe Khi bạn tìm hiểu về đạo Phật tức là bạn đang tìm hiểu về con người thật của mình, về bản chất của tâm trí

32,571
Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa
Tìm Hiểu & Học và Hành

Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa(VHPG) Mọi kinh nghiệm của chúng ta, kể cả giấc mộng, khởi lên từ vô minh. Đây là một tuyên bố làm hoảng hốt

32,344
Chùa Việt
Sách Đọc