Tới đây, có một thắc mắc: chàng trai Uggasena trong khoảnh khắc trở thành A La Hán, như thế Bồ Đề Đạt Ma, sơ tổ Thiền Tông, theo truyền thuyết ngồi 9 năm nhìn vách đá trên núi Thiếu Thất. Chúng ta thường nghe, thường đọc rằng pháp tu của Thiền Bồ Đề Đạt Ma truyền dạy là không có pháp nào để tu hết, vì là buông nhất thiết pháp… Vậy thì, Ngài ngồi làm gì?
Sáu Cửa Vào Động Thiếu Thất, nơi Cửa Thứ Ba là Nhị Chủng Nhập, phần Xứng Pháp Hạnh có bài kệ, với 4 câu đầu là:
Ngoại tức chư duyên
Nội tâm vô ĐOAN
Tâm như tường bích
Khả dĩ nhập đạo.
(Ghi chú để xin một số trang web và nhà xuất bản dò lại giùm: trong câu thứ nhì nêu trên, chữ "ĐOAN" không có dấu nặng; một số trang web tiếng Việt đánh máy sai chính tả là: nội tâm vô ĐOẠN.)
Tạm dịch:
Ngoài, dứt hết các duyên
Trong, không tư lường dính mắc
Tâm hệt như tường vách
Mới có thể vào đạo.
Khi dạy như thế, Ngài Bồ Đề Đạt Ma đã vâng lời Đức Phật, rằng: hãy để tâm lặng lẽ, không dính gì tới trong hay ngoài, và đó là kết thúc sinh già bệnh chết. Thế nào là “tâm như tường vách”? Vô tướng mới thực là tường vách, vì vô tướng là lìa sanh diệt, bất khả hư hoại.
Trong Trung Bộ, Kinh MN 138, bản tiếng Việt của Hòa Thượng Thích Minh Châu ghi lời Đức Phật dạy ngắn gọn:
"Thế Tôn nói như sau:
—Này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo cần phải quán sát một cách như thế nào để thức của vị ấy đối với ngoại trần không tán loạn, không tản rộng, tâm không trú trước nội trần, không bị chấp thủ quấy rối. Này các Tỷ-kheo, nếu thức đối với ngoại trần không tán loạn, không tản rộng, tâm không trú trước nội trần, không bị chấp thủ quấy rối, sẽ không có tập khởi, sanh khởi của khổ về sanh, già, chết trong tương lai.
Thế Tôn nói như vậy. Nói như vậy xong, Thiện Thệ từ chỗ ngồi đứng dậy rồi bước vào tinh xá." (4)
Bản Anh dịch của Ni Trưởng Uppalavanna, đọc y hệt 4 câu kệ trên của Bồ Đề Đạt Ma:
“…the Blessed One said thus. `Bhikkhus, in whatever manner the bhikkhu examines, he finds his external consciousness is not scattered, internally is not settled and without a holding is not worried. Bhikkhus, when the bhikkhu's external consciousness is not scattered, internally is not settled and without a holding is not worried, there would not be to him future arisings of birth, decay, death and unpleasantness,' The Blessed One said thus, got up from his seat and went to his dwelling...” (4)
Trong khi HT Thích Minh Châu trong đoạn trên dùng chữ “thức” để chỉ hướng ra ngoài và chữ “tâm” chỉ hướng vào trong, các bản Anh văn chỉ dùng một chữ “consciousness” (thức) cho cái biết về cả ngoài và trong.
Bản của Thanissaro Bhikkhu dịch là: “…his consciousness neither externally scattered & diffused, nor internally positioned…” (thức của vị đó không phân tán và phan duyên ra ngoài, mà cũng không trụ bên trong…)
Như thế, Đức Phật nơi kinh này dùng chữ “thức” thay cho chữ chúng ta thường gọi là “niệm” (thought) – tức một đơn vị diễn biến của tâm.
Bài kệ của Bồ Đề Đạt Ma và Kinh MN 138 dẫn trên cho thấy chỉ để tâm lặng lẽ, trong ngoài không vướng như thế thôi, là tròn đầy giới định huệ. Tâm lặng lẽ là định, thấy rõ trong ngoài mà không vướng là huệ. Nếu tâm không được như thế, bấy giờ mới bàn chuyện phải tu cái gì, phải hành cái gì.
Lục Tổ Huệ Năng cũng nói tu pháp vô tướng nghĩa là không vướng gì tới tất cả trong ngoài. Kinh Pháp Bảo Đàn, bản dịch của Thầy Thích Duy Lực, Phẩm Tọa Thiền viết:
“Thiện tri thức, nếu người tu theo pháp chẳng động, khi thấy mọi người mà chẳng thấy tất cả thị phi, thiện ác, lỗi lầm của người, tức là tự tánh chẳng động… Thiện tri thức, sao gọi là THIỀN ĐỊNH? Bên ngoài lià tướng là THIỀN, bên trong chẳng loạn là ĐỊNH.” (4)
Thực sự, trong với ngoài chỉ là tạm nói, vì khắp thế giới trong ngoài chi là những gì hiện ra trong kinh nghiệm của tâm mình thôi.