Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (14)


Xem mục lục

Doe Khyentse đã cứu độ vô số người, thường bằng những phương thuốc kỳ khôi nhất. Một trong những học trò đặc biệt của ngài là Dodrup Chen đệ nhị (22), thân tái sinh của Dodrup Chen đệ nhất, mà vị này lại là thầy dạy của Doe Khyentse. Dodrup Chen đệ nhất mất năm 1821. Vài chục năm sau, tâm thức từ bi của ngài trở về trái đất và được các Lạt-ma cao cấp nhận biết. Và số phận kỳ diệu đưa đẩy, chàng Dorup Chen thứ hai lại theo học với Doe Khyentse vốn ngày xưa là học trò của mình.

Một vị tái sinh thường chỉ cần ít thời gian để phát huy lại khả năng sẵn có của mình và vì vậy thường làm cho thầy bạn xung quanh kinh ngạc. Dorup đệ nhị là một trong những thần đồng, với sự hướng dẫn đúng đắn, có thể phát triển nhanh chóng và sớm đạt những điều then chốt trong đời. Dorup đệ nhị là một thanh niên trẻ khi chàng vừa thiết lập một tu viện Dorup Chen tại Golok. Tất nhiên người ta đã hướng dẫn chàng thành Tăng sĩ và nghĩ vị tái sinh của đạo sư phái Đại Thành sẽ thành viện trưởng. Thế nhưng, dù có nhiều người thất vọng, chàng cương quyết từ chối, không theo qui định Tăng sĩ, không chịu mọi hạn chế gì nữa. Tuy thế người ta vẫn một lòng tin nơi vị tái sinh trẻ tuổi mặc cho chàng từ chối, tu viện vẫn cứ để chàng yên. Tới lúc Dorup đệ nhị lấy vợ và lui tới với vợ ngay cả trong viện thì tu viện mới mời chàng đi nơi khác, mặc dù ai cũng biết chàng trai này có nhiều quyền thuật và nhất là biết cách truyền tâm thức cho người chết lên một cõi cao hơn, giỏi hơn bất cứ người nào.

Sau đó, Dorup đi Dartsay-Doe, một thị trấn gần biên giới Trung Quốc và trở thành đạo sư của lãnh chúa vùng đó. Thời gian sau, một bệnh dịch lan tràn làm nhiều người chết. Dorup Chen liền tìm mọi cách có thể để tìm hiểu nguyên nhân và chận đứng dịch bệnh. Cuối cùng, không có kết quả, chàng dùng phép Tonglen(36), thời đó là một bí truyền. Với phép đó, hành giả tự đặt mình vào người bệnh và rước bệnh qua mình. Bệnh dịch biến mất nhưng Drdrup Chen bây giờ mang bệnh đậu mùa. Trước khi chàng chết, nhiều vị Lạt-ma của tu viện DodrupChen ngày trước tới bên giường, dường như muốn tiễn đưa người bạn đồng môn lần cuối. Thực tế là các vị đó đến xin Dodrup Chen khi chết đừng biều diễn thần thông gì, đừng tỏ vẻ gì là một vị đắc đạo, để tu viện khỏi mang tiếng xấu đã đuổi một vị đắc đạo ra khỏi cửa, chỉ vì ngày xưa chàng xử sự không đúng phép tắc. Dodrup gật và hứa với các vị Lạt-ma điều đó. Các vị sắp sửa lên đường về Golok thì dân vùng thị trấn Dartsay-Doe xin các vị ở lại vài ngày để làm lễ an táng cho Dodrup với đầy đủ nghi thức. Không bao lâu sau triệu chứng sắp chết xuất hiện. Dodrup thân nóng hổi, lăn qua trở lại trên giường bệnh. Chàng cào cấu khắp nơi và cuối cùng chết trong sự kiệt sức. Các vị sứ giả của tu viện Dodrup Chen cúi đầu xấu hổ. Các vị tỏ vẻ tiếc tuổi chàng chết quá sớm, nhưng thực tế là vui mừng vì tu viện không phải mang tiếng xấu. Họ vừa định ra khỏi phòng, định làm một lễ hỏa táng nhỏ thì bỗng nhiên Doe Khyentse tung cửa đi vào. Như mọi lần, lúc nào ngài cũng mặc áo da và cầm một khẩu súng trong tay. Các vị Lạt-ma sợ hãi bước lui một bước nhưng Doe Khyentse không thèm nhìn tới. Ngài đã hiểu ngay sự tình, đưa mắt nhìn tử thi, hỏi lớn: “Hê, ngươi nghĩ thế nào đây. Thật sự ngươi muốn là một tên lây bệnh vô tích sự nằm chết ở đây hay sao?” Doe Khyentse bật lên tiếng cười và nói tiếp: “Nghe đây, không một đạo sư Đại Thành nào của trường phái chúng ta lại chịu chết như ngươi cả. Nào, ngồi đây, ngồi đây ngay ngắn xem. Hãy bày tỏ sự thật của nội tâm ngươi.”

Tiếng quát tháo của Doe Khyentse làm mọi người chạy đến. Họ chen chúc bên cửa và chứng kiến một chuyện lạ. Doe Khyentse nhìn tử thi la lối lần nữa. Một phút trôi qua mà chưa có gì xảy ra. Bỗng nhiên xác chết nhảy dựng lên, tréo chân ngồi theo thế liên hoa, nhấc bổng khỏi đất khoảng nửa mét. Quanh đầu người chết, ánh sáng ngũ sắc tỏa ra, có tiếng nhạc êm dịu hầu như phát ra đâu đó. Trong vòng một dặm, không gian hầu như biến đổi, có những rung động kỳ lạ, thiên giới hình như nghiêng mình xuống chào hỏi. Các người hiện diện bắt đầu nức nở. Doe Khyentse vỗ tay, tiếng vang như sấm.

Sau đó tu viện Dodrup Chen nghe tin này, họ nửa cười nửa khóc. Dodrup Chen đệ nhị đã chết như một vị đại sư đắc đạo và được an táng đúng nghi thức, dù cho các bạn đồng môn không hề biết hết sự đóng góp của người chết. 

 64. Nha sĩ Tây Tạng

Tu viện Sera gần kinh đô Lhasa Tây Tạng là một tu viện lớn nhất thế giới cho đến năm 1959. Có lúc tu viện này chứa hơn bốn ngàn Tăng sĩ. Nhiều vị Lạt-ma và y sĩ (Geshe) ngày nay còn sống đều đã tu học trong viện này. Thubten Yeshe cũng tu tại đó, ông là Lạt-ma đầu tiên nhận học trò người phương Tây.

Lúc lên mưòi bốn, Thubten Yeshe chỉ là một tiểu tăng trong viện, có lần bị đau răng kinh khủng. Hàm chàng sưng vù lên, không ăn không nói gì được, cuối cùng chàng được đưa tới một vị hiền nhân trong viện để chữa. Thubten Yeshe miễn cưỡng vào trong một góc nhỏ rách nát của viện, trong đó có một vị Tăng già sống đã lâu, nghe nói ông yên tâm hơn nếu người ta gửi chàng đến một y sĩ có học hành đàng hoàng, vừa có kiến thức y khoa, vừa có tu học tâm linh, phối hợp với nhau mà chữa cho chàng. Nhưng thời bấy giờ chưa ai có ai học ngành răng cả, vì thế mà Thubten đành phải tới cụ già nhà quê này.

Cụ già hầu như cả mấy năm không tắm gội, trông rất dơ bẩn. Cụ cười chào chàng thân thiện, mời chàng uống trà nóng và miệng lẩm bẩm thần chú gì không rõ. Nhìn chén trà, Thubten Yeshe muốn lợm giọng. Răng chàng lúc đó lại càng đau nhức dữ dội, chàng thấy không còn giải pháp nào khác. Thubten quỳ xuống tấm thảm bẩn thỉu và để chén trà lên môi. Cụ già bỗng nhoài người ra, thổi vào chỗ đau bằng một hơi thở không lấy gì thơm tho.Thubten Yeshe muốn nhảy dựng lên vì ghê tởm, nhưng chàng cắn răng ngồi yên không phản đối. Cụ già thổi ba lần như thế. Sau đó Thubten Yeshe ra về, nghe dặn ngày mai phải đến lại nữa. Một tuần liền, cụ già thổi chỗ sưng nhức đó chỉ bằng hơi thở của mình.

Tới ngày thứ bảy thì chỗ viêm đó nứt và chảy mủ ra. Cụ già cười vui thích, thổi mạnh lần nữa và sau đó chỗ viêm biến mất. Vài giờ sau thì Thubten Yeshe hoàn toàn bình phục, còn cái răng thì vẫn nguyên vẹn không phải mổ. Trong năm đó tiếng đồn vang xa, nhiều y sĩ xem xét thấy vết sẹo còn sót lại trong miệng chàng. Sau đó một ngày kia vết sẹo cũng biến mất. Thì ra Lạt-ma Thubten Yeshe đã tự phát triển khả năng chữa bệnh nằm ngay trong người mình. Ngài cũng đã truyền phép đó cho nhiều người tầm đạo phương Tây. Sau đó ngài mất đi trong sự tỉnh giác hoàn toàn và cách đây không lâu, tái sinh lại nơi một vùng đất xa, đó là nước Tây Ban Nha. 

 65. Vị toàn năng bất tử

Kangyur Rinpoche là một đại sư của phái Đại Thành, sinh tại Riwoschee, miền đông Tây Tạng, cuối thế kỷ 19. nhiều đại sư thời đó đã truyền cho ông nhiều tri kiến riêng. Suốt nhiều năm, ông thực hành thiền định, viễn ly. Nhờ đó ông có thể tiếp nhận được nhiều giáo pháp của nhiều đạo sư vô hình. Sau khi tu học đựoc một loạt các giáo pháp đã thất truyền và tìm kiếm một số bí lục cất giấu trong vùng rừng núi Tây Tạng, ông được xem là người “tìm của báu”.Năm 1975 ông  mất trong tu viện mà ông đã sáng lập tại Darjeeling.

Trong thời niên thiếu, chàng Kangyur Rinpoche nghe các mẩu chuyện về một vị toàn năng (Shiddha), sống hoang dại trong rừng núi Tây Tạng và đã đắc đạo từ mấy năm trước, nhưng lại không rời bỏ thế giới và từ bỏ tấm thân tứ đại này. Người ta đồn rằng, vị đạo sư hoang dại đó được Yeshe Tsogyal (37) thân truyền cho kinh Bát-nhã ba-la-mật(38) cách đây mười một thế kỷ. Bà truyền cho vị này bằng cách đọc nhỏ vào tai, theo cách truyền giáo của thời đó, thầy đọc cho trò nghe khi tới thời. Yeshe Tsogyal lại là học trò nữ xuất sắc của Liên Hoa Sinh và đựoc Liên Hoa Sinh đích thân truyền cho kinh Bát-nhã ba-la-mật. Kangyur nghe chuyện vị toàn năng hoang dại này một cách khâm phục, và ngược lại với nhiều ngưòi khác, chàng tin có thật. Chàng cùng với một người bạn thân, một Lạt-ma trẻ khác, tìm hiểu về vị toàn năng nọ, nhưng không ai trả lời rõ vị đó bây giờ bao nhiêu tuổi, sống ở đâu, có ai gặp chưa. Người ta chỉ biết, nếu có thật thì vị ấy tất già và lui tới đâu đó trên miền núi cao Đông Tây Tạng. Hai vị tin tưởng và quyết lên đường tìm vị toàn năng huyền bí nọ và sẽ xin ngài đích thân truyền cho bài kinh đó. Cả hai vừa tụng đọc vừa kéo nhau vào rừng, mang theo thực phẩm và y phục mùa đông cho nhiều tuần. Kangyur không có chút nghi ngờ gì mình sẽ đạt được mục đích, một mục đích mà kẻ minh triết nhất cũng không dám mơ tói. Suốt tuần, hai chàng đi hết vùng hoang dã của Hi-mã-lạp sơn và tập trung tâm trí lên vị tu sĩ toàn năng đó bằng phép thần giao cách cảm. Một ngày nọ, hai người  thấy một đàn sơn dương chạy trên sườn núi không xa. Giữa đàn dê núi là một bóng, rõ là bóng người, da như da thú, bờm tóc dài như ngựa, chạy bằng bốn tay chân và biến mất theo đàn thú. Đó là một dáng người gớm ghiếc mà hai ngưòi đã từng thấy qua, có thể so sánh với các hung thần trong các bức tranh Thanka (39) Tây Tạng. Hai người thấy xong đều sợ hãi, pha lẫn với niềm tin tràn trề. Họ vội chạy theo đàn sơn dương, dọc trên các sườn núi, và vừa nhận ra rằng bóng người đó tách ra khỏi đàn thú và biến mất trong một khe đá.Lòng đầy kính trọng, hai người từ từ đến khe đá. “Chúng tôi tới để xin ngài truyền tri kiến”, họ gọi lớn. “Xin hãy cho thấy mặt và nhận chúng tôi làm đệ tử”.

Sơn nhân đó không phản ứng gì, sau khi hai người khẩn cầu nhiều lần. Kangyur và bạn liền ngồi trước cửa hang và bắt đầu tụng niệm, đầu cúi lạy hang đá. Sau đó cũng không thấy động tĩnh gì, các vị đó bèn tụng Kinh tán thán, Kinh nào nhớ được là các vị đó cứ tụng và cuối cùng họ tụng bài tụng tán thán Kinh Bát-nhã ba-la-mật, tán thán tính Không, tán thán Chân như mênh mông tuyệt đối, nay diệu dụng và từ bi. Cuối cùng hai người cử hành nghi lễ Mật tông. Họ đọc danh hiệu chư Phật, chư Bồ-tát và các vị thánh ba đời và cầu mong các ngài chứng giám nghi lễ. Thình lình, vị toàn năng đó chui ra khỏi hang đá, hầu như ngài cảm thấy khi mình đã nghe lời cầu xin thì mình cũng phải chứng giám. Sau một phút im lặng đầy kính sợ, vị Kangyur trẻ tuổi hỏi: “Ngài tên gì?”

“Ngài tên gì”, sơn nhân đáp lại và đứng thẳng ngưòi lên.

“Ngài bao nhiêu tuổi, bạch bậc Toàn năng?” “

“Ngài bao nhiêu tuổi, bạch bậc Toàn năng?” người đó lại trả lời.

Cuối cùng cả hai đều biết rằng con người trần truồng có cặp mắt giác ngộ của Phật đó chỉ biết lặp lại câu hỏi chứ không nói lời nào. Hai vị Lạt-ma đưa tặng người đó thứ nước “Chắt lọc chân như”, đó là một loại bia đựng trong cái sọ người, theo đúng truyền thống của Mật tông. Sau đó cả hai bỗng cất tiếng ca bày tỏ lòng thiết tha muốn học hỏi. Sơn nhân đó vừa nghe qua, bỗng cũng cất tiếng ca. Ngài ca rằng hơn mười năm qua chưa từng nói tiếng người; ngài cho biết trong mình chẳng mang tí tri kiến nào cả, vì thực tế chẳng có gì để trao truyền, từ ngài cũng không mà từ bất cứ người nào khác cũng không, không có gì để chứng đạt. Rồi thì bất ngờ thay – hai vị Lạt-ma tóc dựng đứng – người đó đọc kinh Bát-nhã ba-la-mật, đọc như một nguồn nước tuôn trào. Người đọc bất tận, khi lên khi xuống như một dòng sông uốn lượn, cho đến cuối cùng của bài kinh thần thánh. Rồi chợt tỉnh cơn mê, sơn nhân nhìn hai thính giả đang ngẩn ngơ, và ông đột nhiên mở mắt lớn, vùng chạy lên triền núi, đuổi theo đàn dê.

Kangyur và người bạn trở về thế giới loài người và cố kể lại những gì mình nghe thấy. Hai vị cũng kể tên sơn nhân cho thế nhân biết: Samma Drubtschen. Ôi, ngày nay chỉ tên gọi Samma Drubtschen đã làm nhiều người tóc dựng đứng, rởn ra gà khi nghĩ về một điều tri kiến cổ xưa được nhắc lại. Người ta cho rằng, ngày nay Samma Drabtschen vẫn còn sống trong núi rừng Tây Tạng.

Xem mục lục