Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (30)


Xem mục lục

Tâm bất giác vô minh tạo ra cái Ta rồi cho cái Ta là nó (tâm). Cái Ta (bản ngã) trở thành một ký sinh trùng của tâm và nằm ngay trong tâm nên rất khó trừ.

Giống như người nghiện rượu. Ban đầu không biết uống rượu, nhưng tập dần rồi thành nghiện, khi nghiện rồi thì rất khó bỏ vì nó trở thành một tánh mới của mình. Không uống rượu thì miệng khô, cổ khát, trong người bứt rứt khó chịu vô cùng. Người nghiện rượu đã quên mất cái tánh ban đầu (bổn tánh) của mình là không nghiện rượu. Cai rượu tức là tập trở về cái tánh không nghiện ban đầu.

Tướng tùy tâm sinh

Ban đầu tâm khởi vọng tạo ra cái Ta trong ý tưởng, kế đó tâm tạo ra thân để cho cái Ta nương vào hiện hữu. Chính tâm tạo ra năm uẩn, năm lớp vọng tưởng kiên cố. Thức uẩn là lớp vọng tưởng điên đảo vi tế thứ nhất, hành uẩn là lớp vọng tưởng vi tế thứ hai, tưởng uẩn là lớp vọng tưởng thứ ba, thọ uẩn là lớp vọng tưởng thứ tư, và sắc uẩn là lớp vọng tưởng kiên cố ù lì thứ năm. Do đó thân hình của ta đẹp hay xấu, cao hay thấp đều do tâm làm chủ. Sách tướng có câu “tướng tùy tâm sinh, tướng tùy tâm diệt”, tướng giàu sang hay nghèo hèn đều từ tâm phát sinh. Người có tâm tốt thì những chủng tử tốt sẽ tạo ra một thân thể đẹp đẽ. Người có tâm xấu thì những chủng tử xấu sẽ hiện hành ra một thân thể xấu xí. Nói đúng ra tướng người là do nghiệp sinh, và nghiệp là do tâm tạo nên nói tướng tùy tâm sinh. Ngay cả đời này lỡ có tướng xấu vì đời trước tạo nghiệp ác, nhưng bây giờ hiểu đạo biết tu tâm sửa tánh thì hình tướng cũng từ từ thay đổi. Trước kia là kẻ gian ác mà nay biết hồi đầu tu hành, từ từ tướng mạo trở nên đoan nghiêm, dễ mến (tướng hảo quang minh). Đức Phật có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp là do ngài tu hành trải qua vô lượng kiếp, tích tụ công đức, phước huệ đầy đủ, nên tâm tạo ra một thân hình trang nghiêm, thanh tịnh, đẹp đẽ.

Trong kinh Tiểu nghiệp phân biệt, kinh thứ 135 của Trung Bộ Kinh, đức Phật nói:

Người sống lâu là do đời trước có tâm từ bi, không sát sinh, thường cứu mạng chúng sinh.

Người chết yểu là do đời trước có tâm ác độc, thường giết hại chúng sinh.

Người có thân thể khỏe mạnh là do đời trước không não hại chúng sinh, thường chăm sóc kẻ bệnh hoạn.

Người có thân thể ốm đau bệnh tật là do đời trước thường não hại, đánh đập chúng sinh.

Người có thân hình xinh đẹp là do tâm dịu hiền, nhu nhuyến, không sân hận.

Người có hình tướng xấu xí là do tâm xấu ác, sân hận, ganh tị, bất mãn, thâm độc.

Tâm, ta, phiền não

Bình thường mỗi khi gặp đau khổ, chúng ta thường đổ lỗi cho người hoặc hoàn cảnh bên ngoài và không biết rằng nguyên nhân chính là tâm. 

Khi tâm khởi lên cái Ta thì tức khắc sinh ra năng và sở, ta và người (nhị nguyên). Tâm tự đồng hóa với cái Ta (năng duyên), còn những gì ngoài cái Ta đều thuộc về cảnh (sở duyên), tức là người và sự vật. 

Mọi phiền não đều bắt nguồn từ sự trái ý Ta. Khi Ta muốn cái này cái kia mà không được như ý thì Ta giận tức, buồn phiền, ganh tị, v.v...

Khi cái Ta khởi lên trong tâm, nó liền ngăn che bổn tánh thanh tịnh của tâm, nên gọi là sở tri chướng.

Khi cái Ta tiếp tục hiện hữu trong tâm thì nó khởi đủ loại ý niệm ích kỷ, ngã chấp, ngã kiến, ngã ái, sinh ra phiền não khổ đau làm chướng ngại sự bình an vắng lặng của tâm, nên gọi là phiền não chướng.

Vì có Ta nên mới có ái dục, nếu không có Ta thì ai yêu, ai ghét? Ai thích tình dục? Ai thích ngũ dục? Ai thích dục lạc? Ai thích ăn thịt, uống rượu?

Vì ái dục nên Ta luôn ham muốn, thèm khát, tạo nghiệp và trôi lăn trong sinh tử.

Muốn giải thoát sinh tử thì phải đi ngược dòng. Muốn diệt trừ ái dục thì phải diệt trừ cái Ta (ngã). Muốn diệt trừ cái Ta thì phải trở về tâm (hay chân tâm).

Nghi vấn

1. Nếu tất cả cảnh và người đều là mộng vậy nếu làm ác như giết người thì có tội không? Luật nhân quả còn đúng không?

- Trong cơn mộng, khi bạn thấy mình bị đánh đập chửi rủa thì bạn có đau đớn khổ sở không? Tất cả tuy là mộng, không thật có, nhưng những hành động trong đó vẫn gây ra khổ đau và sung sướng. Vì thế những hành động nào gây khổ đau cho mọi người là ác nghiệp, gây hạnh phúc cho kẻ khác là thiện nghiệp. Trong giấc mộng, bạn giúp đỡ ai thì người đó hoan hỷ cám ơn bạn, nếu bạn đánh chửi người thì bị người đánh chửi lại. Luật nhân quả vẫn đúng trong giấc mộng.

2. Con người chết đi về đâu?

- Con người gồm có thân và tâm. Chết là sự ngưng thở và tan rã của thân. Còn tâm không đi không đến. Thân chết, nhưng tâm không bao giờ chết.

Thí dụ: ban đêm ngủ nằm mộng, tôi thấy tôi sinh ra và lớn lên ở Việt Nam. Sau đó khoảng 70 năm tôi chết và tái sinh ở Mỹ. Sống ở Mỹ 50 năm tôi chết và tái sinh ở Pháp. Đang sống ngon lành ở Pháp được 30 năm thì bỗng nhiên đồng hồ báo thức reng lên làm tôi tỉnh dậy. Thế là 70 năm ở Việt Nam, 50 năm ở Mỹ và 30 năm ở Pháp bỗng tan theo mây khói, không còn một chút dấu vết. Như vậy thì tôi có thật sống ở Việt Nam và chết đi qua Mỹ không? Tôi có thật sống ở Mỹ rồi chết đi qua Pháp không?

Trong giấc mơ tôi thấy rõ là tôi chết ở Việt Nam rồi sinh qua Mỹ. Sau đó chết ở Mỹ và sinh qua Pháp. Nhưng thật ra tâm không hề đi qua Việt Nam rồi đi qua Mỹ, qua Pháp. Tâm đã tạo ra những cảnh giới, quốc độ, và tạo ra một nhân vật chính để đồng hóa vào đó. 

Mỗi một kiếp sống là một giấc mơ dài (đại mộng), một sự phóng chiếu của tâm (mind’s projection). 

3. Tại sao tâm lại phóng chiếu?

- Vì đó là bản chất năng sinh năng khởi của tâm. Bổn tánh năng sinh vạn pháp (xem chương trước). Tam giới duy tâm. Tâm không bao giờ ngưng hoạt động. Nếu tâm ngưng hoạt động dù chỉ một giây thôi thì cả thế giới vũ trụ này đều tan biến. 

Khi ngủ mê (không mơ) hay chết giấc thì đó chỉ là sự ngưng hoạt động của ý thức, chứ A-lại-da thức và Mạt-na thức vẫn hoạt động. A-lại-da thức duy trì căn thân và thế giới. Mạt-na thức duy trì bản ngã (cái Ta).

Tâm năng khởi, phóng chiếu, tạo ra những giấc đại mộng (kiếp sống) để thu tập những đức tính và kinh nghiệm sống. Tâm là chủ nhân vẽ ra vở kịch và chính nó tự biên tự diễn. Nếu trong kiếp sống này bạn là người đau khổ, hay tự ti mặc cảm, nhút nhát, giận hờn, v.v...đó là do kiếp trước tâm của bạn đã khởi lên những tư tưởng tự ti mặc cảm, nhút nhát, giận hờn, để rồi kiếp này tâm của bạn tạo ra một người (đó là bạn) để đóng vai tự ti mặc cảm, nhút nhát, giận hờn. Cũng trong kiếp sống này, nếu bạn tỉnh ngộ nhận ra mình đau khổ vì tâm vô minh, không hiểu biết, đã ngu si dại dột nuôi dưỡng những ý tưởng tự ti mặc cảm, nhút nhát, giận hờn thì bạn quyết chí thay đổi tâm mình. Khi tâm thay đổi thì con người (chánh báo) và hoàn cảnh (y báo) sẽ thay đổi, sớm thì ngay trong kiếp này, trễ thì kiếp sau.

Cứ thế trải qua bao kiếp sống, tâm tiếp tục tạo ra y báo và chánh báo, tức là tạo ra cảnh giới và một cá nhân để tu tập thăng hoa hoặc phóng túng trầm luân.

Nếu phóng túng, không hiểu đạo, không biết trở về bổn tánh thì tâm tiếp tục tạo ra những y báo khổ đau như sáu cảnh luân hồi (địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, người, a-tu-la, trời) và tạo ra thân một chúng sinh (nhục thân) để cảm thọ những khổ đau đó.

Nếu hiểu đạo, tu tập, từ bỏ tập khí chấp ngã, ích kỷ thì dần dần tâm trở thành trong sáng (thanh tịnh). Khi tâm thanh tịnh thì nó vẫn tiếp tục tạo ra một y báo thanh tịnh, đó là cảnh giới tịnh độ của chư Phật và Bồ tát, và một chánh báo thanh tịnh, đó là thân Phật hay thân Bồ tát.

Xem mục lục