QUÁN SÁT VỀ TÍCH LŨY TẠO TÁC (Nghiệp-業) VÀ KẾT QUẢ TƯƠNG ỨNG (Báo-報)
1
人能降伏心
利益於眾生
是名為慈善
二世果報種
17.1
Con người ta có thể hàng phục Tâm của mình,
Điều này vốn làm lợi ích cho mọi chúng sinh.
Như thế gọi là Tâm từ (Lòng thương yêu vô hạn) và Thiện ích (Tính Thiện tự nó đã làm lợi cho tất cả),
Là kết quả tương ứng trong hai cuộc sống: quá khứ và hiện tại.*
______*"Là kết quả tương ứng trong quá khứ và hiện tại", bản Hán văn: "Nhị thế quả báo nghiệp-二世果報種", nghĩa văn bản: Là hai loại kết quả tương ứng của hai đời. Dụng ngữ "Nhị Thế-二世" ở đây thường được hiểu là "Hai đời: đời này và đời sau, kiếp này và kiếp sau". Ở đây không có lý do gì để dịch dụng ngữ "Nhị thế" theo nghĩa này, một khi chính Nagarjuna đã phủ định nó từ phẩm 16 trước và rải rác nhiều nơi khác. Hơn nữa, ý nghĩa tương quan với "Nhị Thế" là "Nhị Nghiệp-二業" ở kệ 2 tiếp theo đã được xác định rõ ràng: là kết quả tạo tác của quá trình tư duy_không liên quan gì đến "kiếp này" hay "kiếp sau" cả... "Nhị Thế" ở đây chỉ đơn giản nói về tương quan giữa hai "Quá khứ" và "Hiện tại", và ý nghĩa của luật Nhân Quả nói chung, cũng được triển khai trên cơ sở này. Tuy nhiên "Quá khứ" và "Hiện tai" trên cơ sở của những ý nghĩa liên hoàn trong "điều kiện tạo tác-Duyên-緣", "điều kiện nhận thức-Ngũ Ấm-五陰" và "quá trình tích lũy tạo tác-Nghiệp-業", thì không hạn định ở chỉ trong phạm vi quá khứ và hiện tại của một con người, ý nghĩa của nó dàn trải trong những "điều kiện" được hình thành từ muôn ngàn năm liên tục từ sinh vật đến con người nói chung, theo ý nghĩa của dụng ngữ "Thế gian nghiêp-世間業" được sử dụng ở kệ 26..(xem tiếp chú thích ở kệ 3 bên dưới)
2
大聖說二業
思與從思生
是業別相中
種種分別說
17.2
Vị thánh lớn (Phật) đã nói về quá trình tích lũy (Nghiệp-業) ở quá khứ và hiện tại:
Ý nghĩ này dựa theo ý nghĩ khác mà khởi sinh.
Như thế: Từ trong tính cách biện biệt của quá trình tích lũy này,
Dấy lên biện biệt mọi loại hạt mầm tương tác liên lũy.
3
佛所說思者
所謂意業是
所從思生者
即是身口業
17.3
Phật thuyết giảng về quá trình tư tưởng của con người,
Là quá trình tích lũy những định ý (Ý-意)
Tư tưởng dựa trên những ý thức có định hướng khởi sinh ra,
Cũng tức là quá trình tích lũy (Nghiệp-業) những điều kiện thân xác (Thân-身) và ngôn ngữ (Khẩu-口).
______*Chữ "Thân-身", "Khẩu-口" và "Ý-意" trong Hán văn, cần được xác đinh trong ý nghĩa rộng nhất và khả hữu mà những khái niệm này có thể được. Kinh điển Phật giáo nói chung, và Trung Luận cũng thế, cả ba khái niệm này được sử dụng như là những nhân tố căn bản cho quá trình tích lũy tạo tác (Nghiệp-業) và được diễn giải như là những cái gì có cái gì có điều kiện và có tương tác trong quan hệ Nhân Quả (Hữu Vi Pháp-有為法). Trên cơ sở này, ý nghĩa của ba khái niệm này có thể khảo sát và dựa trên những thành tựu của những khảo sát mà chúng ta có thể có được, để minh xác những tính cách của chúng:
1. "Thân-身": Những điều kiện thuộc về thân xác, tức là những điều kiện sinh lý học, trong tương quan hổ tương với tâm lý học, không loại trừ những điều kiện khác mà hiện nay chúng ta có thể biết được như Di truyền học, Sinh lý học, Sinh hóa học...Tất cả những điều kiện này được kinh điển Phật giáo sử dụng trong một khái niệm duy nhất là "Thân Nghiệp-身業", trong đó, không loại trừ ý nghĩa "điều kiện thân xác" như là đièu kiện hình thành trong một quá trình hàng triệu năm liên tục giữa các sinh vật và con người. (xem K. Lorenz, Động vật hành động học, chư thích ở kệ 9 bên duới)
2. "Khẩu-口": Những cái gì con người ta nói ra (bao gồm cả những gì viết ra), được hình thành từ những điều kiện nhận thức (Ngũ Ấm-五陰), nghĩa rộng nhất là: điều kiện và tác động của ngôn ngữ . "Khẩu Nghiệp-口業" không chỉ giới hạn ý nghĩa trong phạm vi hẹp của những điều "tôi nói", mà còn có thể hiểu xác thực với ý nghĩa rộng hơn: điều kiện hình thành ngôn ngữ con người, từ đó hình thành Ý thức và điều kiện tư duy (xem Trần Đức Thảo, Nguồn gốc Ngôn ngữ và Ý thức, chú thích ở kệ 9 bên dưới). Hơn nữa, chúng ta cũng có thể hiểu "điều kiện ngôn ngữ" theo nghĩa khái quát nhất mà Witgenstein đã đề ra: "Hạn định của ngôn ngữ tôi, là hạn định của thế giới tôi" (The limits of my language mean the limits of my world. Stractatus Logico-Philosophicus, 5.6).
3. "Ý-意": a. Có thể hiểu khái quát nhất là "Ý thức-意識" như cách hiểu hiện nay. b. Có thể hiểu tinh tế hơn với cách hiểu của của Duy Thức Luận với: "Ý-意", tức là A-Lại-da thức ...
(a) _Với ý nghĩa "Ý Thức-意識" (Conciousness) khái quát mà chúng ta thường hiểu , lần đầu tiên được Franz Brentano (Triết gia và tâm lý gia người Đức 1838-1917), khảo sát sát như là một tác động của tâm thức, bao hàm cả "ý thức" chính nó, lần đầu tiên ông khám phá ra "Ý hướng tính" (intentionality) của ý thức: Ý thức con người không đơn thuần là cái chỉ "nhận biết" ("Thức-識", theo nghĩa của Duy Thức luận) những biểu tượng (#Tưởng-想) tri giác được, mà Ý thức luôn luôn có một ý hướng tính tiềm tại tác động vào những nội dung của những biểu tượng đó, từ đó chúng ta mới có thể phán đoán, hy vọng, ham muốn, hay sợ hãi...(ví dụ: Một người đi trong đêm, nếu anh ta đang bất, thì anh ta sẽ thấy cành cây là con rắn, và bỏ chạy). Trên cơ sở này, Edmund Husserl đã khai triển thành Hiện Tượng học (Phenomenlogy) với trọng tâm là Ý tướng tính của Ý thức: Con người ta không nhận thức sự vật một cách hoàn toàn "khách quan" như các triết gia Cận đại của châu Âu đã tin tưởng, mà "Ý thức luôn luôn là ý thức về một cái gì" trong tương quan của Ý hướng tính, và "cái gì"(thingnes) mà người ta ý thức thường không còn nguyên vẹn nữa mà méo mó bởi tác động của Ý hướng tính. Ý hướng tính này tiềm tại trong tâm thức, được cấu thành bởi những điều kiện của nhận thức cá nhân và cả điều kiện văn hóa của mỗi dân tộc.
(b)_Với ý nghĩa "Ý-意", như là A-Lại-da thức, là ý thức tiềm tàng khó nhận biết và thường xuyên tác động vào tâm thức hơn những thức khác. Các nhà Duy Thức Ấn độ khai triển ý nghĩa của A-Lại-da thức như là một nơi lưu giữ kết quả của quá trình tích lũy tạo tác (Nghiệp-業). Đây là căn cứ đề các nhà Duy thức Ấn độ minh chứng cho luận điểm: Quá trình tạo tác (Nghiệp-業) thông qua những điều kiện tạo tác (Duyên-緣) với tương quan nhân quả, không phải là cái gì sinh khởi ra để hoàn toàn biến mất trong hoại diệt, mà được lưu giữ lại trong tâm thức con người (dưới dạng A-Lại-da thức), căn cứ để chúng minh mắc xích Nhân 1ủa Luân hồi tồn tại liên tục. Với ý nghĩa này, A-Lại-da thức có những điểm mà nhiều người cho là tương đồng với quan niệm của s. Freud về "Vô thức", và một số điểm tương đồng với Ý hướng tính của Brentano.
Dù với ý nghĩa (a) hay (b) thì ý thức luôn luôn tiềm tàng trong nó một định hướng nào đó, chứ không đơn thuần là nó. Với ý nghĩa này bản dịch Việt ngữ ở đây sử dụng từ "Định Ý" hay "Ý hướng", hay "Ý thức có định hướng" đề chuyển ngữ từ chữ "Ý-意" trong Hán văn______
4
身業及口業
作與無作業
如是四事中
亦善亦不善
17.4
Quá trình tích lũy tạo tác từ điều kiện thân xác (a), điều kiện ngôn ngữ (b),
Quá trình tích lũy tác tạo có ý thức (c) và tác tạo không ý thức (d),
Tất cả bốn tính cách tạo tác này,
Đều có thể là "Thiện", cũng như có thể là "Bất Thiện".
5
從用生福德
罪生亦如是
及思為七法
能了諸業相
17.5
Theo đó (a, b, c, d), có thể tạo tác ra phúc đức (e),
Cũng như có thể tạo tác ra tội lỗi (f).
Cùng với những định ý (g) là bảy cách tạo tác,
Có thể làm nên những tính chất của quá trình tich lũy tạo tác (a, b, c, d, e, f, g).
6
業住至受報
是業即為常
若滅即無業
云何生果報
17.6
Nếu quá trình tích lũy (Nghiệp-業) tồn tại cho đến lúc thụ nhận kết quả tương ứng (Báo-報),
Thì nghĩa là: Quá trình tích lũy hằng có, ___Liên kêt ý nghĩa với 7, 8
Nếu nó tiêu mất đi, thì nghĩa là: Chẳng có quá trình tích lũy,
Vậy thì làm sao có được "quả báo"?
7
如芽等相續
皆從種子生
從是而生果
離種無相續
17.7
Như hạt giống khởi sinh ra
Kế tiếp là mầm non..v.v..
Kế tiếp như thế cho đến quả
Thì quả và hạt giống ly cách nhau, không liên tục nhau.
8
從種有相續
從相續有果
先種後有果
不斷亦不常
17.8
Từ hạt giống có kế tục (đến mầm non...),
Từ sự kế tục mà có quả,
Từ cái đầu tiên là hạt giống (nguyên nhân), đến cái sau cùng là quả (kết quả),
Không đứt đoạn, cũng không liên tục.
9
如是從初心
心法相續生
從是而有果
離心無相續
17.9 (Suy diễn từ 7)
Cũng như thế: Từ tâm thức của trẻ sơ sinh*,
Kế đó là những điều kiện tâm thức liên tiếp nhau,
Theo đó kế tiếp cho đến khi hình thành kết quả,
Thì kết quả đó đã lìa xa tâm thức sơ sinh, không liên tục nhau.
_______*"Tâm thức của trẻ sơ sinh", Hán văn: "Sơ Tâm-初心", từ này dễ bị làm với thuật ngữ Thiền tông "Sơ tâm: kẻ mới bắt đầu học đạo". Ở đây, ý nghĩa của từ này được liên kết với ý nghĩa chung từ kệ 7 đến 9: tâm thức đầu tiên từ lúc mới được sinh ra (cũng như hạt giống vừa mới nẩy mầm, ở kệ 7). Dụng ngữ này được sử dụng đơn thuần với ý nghĩa đơn giản nhất của hai từ này "Sơ-初"+ "Tâm-心": cái tâm thức nguyên sơ của con người, cũng tương đồng với dụng ngữ "Tabula Rasa-Tờ giấy trắng" mà John Locke quan niệm: Con người ta sinh ra, cũng vốn như một tờ giấy trắng, không có gì trên đó cả. ... Tuy nhiên, với những thành tựu khoa học đương đại, quan niệm này của Locke cũng đã được tranh luận sôi nổi từ thập niên 30 của thế kỷ trước đến nay. Trọng tâm luận tranh xoay quanh vấn đề về khởi nguyên của tâm thức và những quá trình tích lũy kinh nghiệm trong nhận thức luận: Có thật là con người ta sinh ra hoàn toàn không có gì như một tờ giấy trắng -theo kinh nghiệm luận của John Locke, hay con người ta sinh ra vốn đã có sẵn một số khả năng bẩm sinh có trước (A Priori) quá trình tích lũy, theo quan niệm của E, Kant:
1. Jean Piaget (1896-1980, nhà Tâm lý học nhi đồng), trong luận tranh với N. Chomsky, cho rằng: Con người ta sinh ra hoàn toàn không có gì đặc biệt so với các loại động vật khác, nhận thức có được là kết quả của quá trình tích lũy kinh nghiệm cá nhân và giáo dục xã hội...Điều kiện tâm thức cũng giống như điều kiện của một máy tính, có một quá trình tích lũy và được "lập trình" theo những điều kiện trên. (Quá trình tích lũy-Nghiệp-業 trong tương quan với Cộng Nghiệp-共業)
2. N. Chomsky (sinh 1928, nhà Ngôn ngữ học thiên tài người Mỹ), trong luận tranh với J. Piaget, cho rằng: Con người ta sinh ra không hoàn toàn như tờ giấy trắng, mà vốn đã được trang bị một số khả năng bẩm sinh mà các động vật khác không có như: Khả năng liên kết những ý nghĩa rời rạc thành một câu có nghĩa, do đó trẻ em có thể hiểu được những từ do người lớn nói mà không cần phải dạy chúng văn phạm. Khả năng này biểu hiện ra ở tất cả mọi trẻ em trên thế giới trong cùng một độ tuổi, được cho là bẩm sinh. (Một dang tác nhân tạo tác vốn có sẵn trong điều kiện nhận thức-Ấm-陰 của con người)
3. Konrad Lorenz (1903-1989, người Áo, bác sĩ phẫu thuật và Tiến sĩ Động Vật học, ông tổ của ngành Động vật-hành vi học (Animal Behavior_Ethology), được giải Nobel 1973 do những khảo sát của ông trong nghành này), trong luận tranh với N. Chomsky, cho rằng: Nhận thức con người ta, cũng như tất cả các động vật khác, là cái gì hình thành trong quá trình ứng xử với đồng loại thông qua cách "truyền thừa" ("ỉmpinting"_dụng ngữ của Lorenz) giữa sinh vật con và cha mẹ; và mỗi một loại động vật trong đó có cà con người, đều phát triển trong một hệ thống những điều kiện riêng cho loài ấy, để hình thành những cơ năng nhận tri (Căn-根, hay "apparatus" "thiết bị") riêng biệt cho loài ấy, và điều kiện nhận tri, nhận thức (Ấm-陰) riêng cho loài ấy. Mỗi một loài có một tập tính, tập quán riêng,một dạng thức "ngôn ngữ" riêng để thông tri với nhau, hạn định trong một "thế giới' riêng. (Có thể gọi là một dạng "Cộng Nghiệp-共業" hay "Thế gian nghiêp-世間業"(kệ 26), giới hạn trong mỗi tập đoàn sinh vật, cộng đồng thể, và cả nhân loại và sinh vật nói chung)
4. Giáo sư Trần Đức Thảo, trong cuốn "Khảo sát về Khởi nguyên của Ngôn ngữ và Ý Thức" (Recherches sur L'origine du Langage et de la Concience, xuất bản ở Paris 1973) và trong một số luận tranh giữa ông và Jean Paul Sartre, Triết gia Hiện sinh-Pháp, cho rằng: Trong quá trình hình thành mỗi cá thể con người, có cả quá trình hình thành của nhân loại từ buổi đầu sơ khai hàng triệu năm trước, và quá trình hàng triệu năm này để lại dâu vết trên quá trình hình thành mỗi cá nhân. Trong đó, khái niệm ngôn ngữ , ngôn ngữ và Ý thức được hình thành từ sinh hoạt cộng đồng thể của con người nguyên thủy (như đi săn tập thể...) trong giai đoạn tiền ngôn ngữ: như cách ra dấu hiệu bằng động tác hay biểu tượng, kí hiệu , cách hò hét với một "ý nghĩa" riêng biệt. Điều này cũng lập lại trong giai đoạn tiền ngôn ngữ ở trẻ sơ sinh hiện tại qua "ngôn ngữ bé thơ" (baby talk), những tiếng "u" , "ơ" của bé không phải là cái hoàn toàn vô nghĩa, mà có "ý nghĩa" riêng biệt, cùng một tính cách với tiếng la hét của người tiền sử , trong buổi "sơ sinh" của nhân loại. (Một dạng thức "Thế gian nghiêp-世間業"-kệ 26- vốn có từ sơ thủy)
Những luận tranh trong đề tài này vẫn cứ đang tiếp diễn và không đi đến kết luận thống nhất. Tuy nhiên, cho dù giải thích dưới quan điểm khoa học, và nhận thức luận như nào đi nữa, thì mệnh đề của Nagarjuna đưa ra ở bài kệ 9 này vẫn có ý nghĩa. Cấu trúc luận lý trong suốt của nó không bị "lỗi thời" dưới nội dung và hình thức tri thức nào. Ở mỗi thời đại, người ta có thể hiểu nó theo khả năng tính (posibility) mà thời đại đó có thể.
______
10
從心有相續
從相續有果
先業後有果
不斷亦不常
17.10 (Triển khai từ với 8 và 9)
Từ tâm thức của trẻ sơ sinh có kế tục (với những điều kiện tâm thức...)
Từ sự kế tục mà có kết quả,
Từ quá trình tích lũy (Nghiệp-業) cho đến kết quả tạo tác (Quả-果),
Không đứt đoạn, cũng không liên tục.
11
能成福德者
是十白業道
二世五欲樂
即是白業報
17.11
Con người ta có thể thành tựu phúc đức,
Qua mười cách làm trắng quá trình tích lũy.
Đem lại niềm vui thú trong quá khứ và hiện tại,
Là kết quả của sự làm trắng những tích lũy.
12
若如汝分別
其過則甚多
是故汝所說
於義則不然
17.12 (Ý kiến đối lập)*
Nếu như chỗ biện biệt phân giải của ông,
Thì có rất nhiều chỗ sai sót,
Vì thế cách thuyết giải của ông,
Có ý nghĩa không thỏa đáng.
______*Chưa xác định được ý đối lập này được đưa ra trong trường hợp nào: do từ những hệ phái đối lập, hay chỉ là một cách giả định trong luận lý để khai triển vấn đề.
13
今當復更說
順業果報義
諸佛辟支佛
賢聖所稱歎
17.13 (Đáp lại:)
Tôi lại phải nói thêm lần nữa,
Với ý nghĩa thuận với quá trình tích lũy tạo tác và kết quả của nó,
Đó là điều mà chư Phật và Bich Chi Phật,
Cùng các bậc hiền thánh từng tán thán.
14
不失法如券
業如負財物
此性則無記
分別有四種
17.14
Như một khế ước: Những gì tạo tác ra không hề mất đi,
Quá trình tạo tác như món nợ phải trả,
Những tính chất cụ thể của chúng không được ghi rõ,
Chỉ phân biệt được bốn loại nợ phải trả ấy.*
______*"Bốn loại nợ phải trả"_gồm: 1. Dục giới hệ; 2. Sắc giới hệ; 3 Vô sắc giới hệ; 4. Vô lậu hệ.
15
見諦所不斷
但思惟所斷
以是不失法
諸業有果報
17.15
Không phải bởi kiến giải là có thể đoạn tuyệt được,
Mà chỉ duy có suy xét ngọn nguồn mới có thể đoạn tuyệt được,
Vì đó là những cái không hề mất đi,
Mọi tích lũy tạo tác đều có kết quả tương ứng.
16
若見諦所斷
而業至相似
則得破業等
如是之過咎
17. 16
Nếu cho rằng:Đoạn tuyệt đơn giản chỉ bằng kiến giải,
Thì tích lũy tạo tác và cả những gì tương tự,
Phải có được những phương cách giải phá___(như thể chơi cờ)
Vậy thì rất sai lầm.
17
一切諸行業
相似不相似
一界初受身
爾時報獨生
17.17
Tất cả những tích lũy tác vi tạo tác,
Dù kết quả có giống hay không giống cái tạo tác ra nó*,
Như thoạt sinh ra ở một cõi,
Đến lúc phải báo đền, chỉ mỗi mình chịu thôi.
______*"Dù kết quả có giống hay không giống cái tạo tác ra nó"
Bản Hán văn: "相似不相似-Tương tự bất tương tự"17b: Giống như thế, hoặc không giống như thế. Câu này ý nghĩa bị bỏ lững, không có túc từ để có thể xác định là cái gì giống như cái gì, ý nghĩa bị trống giữa chừng. Khả năng có thể nghĩ tới là ý nghĩa “bị trống” này đã được nói đến rồi, và ở đây nó được mặc định, thủ pháp này vẫn thường được sử dụng trong Trung Luận.
Liên kết ý nghĩa với câu cuối của kệ 15 "Chư nghiệp hữu quả báo-諸業有果報: Mọi tích lũy tạo tác đều có kết quả tương ứng", thì chúng ta thấy khả năng túc từ của 17b chính là "Quả báo-報-Báo": kết quả tương ứng. Như thế, thì câu 17b có thể hiểu được là: "Dù kết quả tương ứng có giống với cái tạo tác ra nó, hay không giống".
Ý nghĩa này cũng có khả năng liên kết với nghĩa của câu 18a cũng đang bị bỏ lững: "Hai loại tích lũy tạo tác như thế- Như thị nhị chủng nghiệp-如是二種業". Liên kết ý nghĩa củacủa 15d và hai câu tối nghĩa 17b và 18a, chúng ta có một cách giải thích cho cả hai chỗ bỏ lững này:
"Hai loại tích lũy tạo tác như thế"(18a) chính là:
1. Tích lũy tạo tác có kết quả giông với nó-“nisiyanda phala”: (ví dụ: Giết người thì bị người giết).
2. Tich lũy tạo tác có kết quả không giống với nó-purusakara-phala: (Trộm cướp thì phải sống trốn lánh).
Tương quan này chính là tương quan đồng nhất giữa Nhân và Quả (“sarvatraga hetu” và “nisiyanda phala”) và tương quan dị biệt giữa Nhân và quả ( “Sampravukata-hetu”) và “purusakara-phala”).
Về điểm này (câu 18a), Thanh Biện và Thanh Mục cũng không thống nhất ý kiến với nhau, Thanh Biện cho hai loại đó là Tác-作 và Vô Tác-無作, Thanh Mục thì cho là Khinh Nghiệp-輕 業 và Trọng Nghiệp-重業. Hai cách giải thích này đều có vẻ không thỏa đáng:
1. Nếu là Tác và Vô Tác, ý nghĩa này đã có nói đến ở kệ 4b (Tác dữ vô tác nghiệp-作與無作業), tuy nhiên theo ý này thì chính Nagarjuna đã phân làm 7 loại như ở kệ thứ 5 tiếp theo đó, chứ không phải là 2 loại.
2. Nếu là Khinh Nghiệp và Trọng Nghiệp, thì ý nghĩa này không có tương quan nào với câu kệ nào trong phẩm này và cả các phẩm khác, và đối với cấu trúc luận lý của Nagarjuna đề ra thì sự phân biệt ra “Khinh” và “Trọng” Nghiệp ở đây không có ý nghĩa nào, nếu không nói là hoàn toàn vô nghĩa. Đây chỉ là một ý kiến riêng của Thanh Mục thôi (có vẻ như Thanh Mục chỉ quan tâm đến mỗi chữ mỗi câu, chứ không hề quan tâm đến Nagarjuna và toàn thể Trung Luận muốn nói gì: sự phân biệt “Khinh” Nghiệp và “Trọng” Nghiệp, thậm chí có thể là một kiến giải thứ sinh nào đó khó có thể tìm được căn cứ trong kinh điển chính thống, nó gần với Hình luật hơn là Phật học).
18
如是二種業
現世受果報
或言受報已
而業猶故在
17.18
Như thế có hai loại tích lũy tạo tác* (1. Tạo tác ra kết quả giống với nó, 2. Tạo tác ra kết quả không giống với nó)
Phải nhận chịu kết quả tương ứng ở cuộc sống này.
Với cách nói mê hoặc rằng mình đã nhận hết quả báo rồi,
Thì tích lũy tạo tác do đó mà được tác tạo ra thêm.
______*” Như thế có hai loại tích lũy tạo tác (1. Tạo tác ra kết quả giống với nó, 2. Tạo tác ra kết quả không giống với nó)”, xem chú thích ở kệ 18.
19
若度果已滅
若死已而滅
於是中分別
有漏及無漏
17.19
Nếu: Kết quả tạo tác tan biến sau khi đã vượt qua bờ bên kia (Giải thoát khỏi Sinh Tử),
Hoặc nếu: Nó chỉ chấm dứt sau khi chết,
Vậy thì cần phải phân biệt hai điểm khác nhau này:
Một cái không dò rỉ (tự nó tan biến mất) và một cái bị dò ri (từ luật nhân quả).*
_______*"Một cái không dò rỉ (tích lũy tạo tác tự nó triệt tiêu, vì đã chứng đắc Giải thoát)-Vô lậu-無漏 và một cái bị dò ri từ luật nhân quả (bởi cái chết làm đứt đoạn) -Hữu Lậu-有漏.
20
雖空亦不斷
雖有亦不常
業果報不失
是名佛所說
17.20
Ra khỏi chỗ hư không, nó cũng không hề đứt đoạn,
Ra khỏi những gì tồn tại, nó cũng không thường hằng,
Tích lũy tạo tác và kết quả tương ứng của nó không mất đi.
Đó là điều chư Phật đã dạy.
21
諸業本不生
以無定性故
諸業亦不滅
以其不生故
17.21
Mọi tích lũy tạo tác vốn không hề sinh khởi,
Bởi vì nó không có tự tính nhất định.
Mọi tích lũy tạo tác cũng không hề triệt tiêu,
Bời vì tự nó vốn không hề sinh khởi.
22
若業有性者
是則名為常
不作亦名業
常則不可作
17.22
Nếu như tích lũy tạo tác có tự tính của nó,
Thì tất nhiên phải gọi nó là cái hằng thường.
Điều này cũng như: Gọi tích lũy tạo tác là cái không có tác tạo,( Tự mâu thuẩn)
Vì cái gì hằng thường thì không có tác tạo.
23
若有不作業
不作而有罪
不斷於梵行
而有不淨過
17.23
Nếu tồn tại một cái gì tích lũy tạo tác mà không hề tác tạo,
Thì cũng có nghĩa là: Không làm gì cũng có tội,
Dù có cuộc sống phạm hạnh không ngừng nghỉ,
Mà cũng cứ có lỗi lầm bất tịnh.
24
是則破一切
世間語言法
作罪及作福
亦無有差別
17.24 (Như thế thì:)
Có nghĩa là đã phá hủy tất cả mọi khái niệm phân biệt,
Mà thế gian đã thiết lập trong ngôn ngữ:
Con người ta dù có làm nên "Tội" hay "Phúc",
Thì cũng không khác nhau.
25
若言業決定
而自有性者
受於果報已
而應更復受
17.25
Nếu nói một các xác quyết về tích lũy tạo tác rằng:
Tự nó có tự tính của nó. (=nó là cái gì thường hằng)
Thì có nghĩa là: Sau khi thụ nhận kết quả tương ứng rồi,
Con người ta lại phải mãi mãi thụ nhận thêm kết quả của nó.
26
若諸世間業
從於煩惱生
是煩惱非實
業當何有實
17.26
Nếu mọi quá trình tích lũy tạo tác của thế gian,*
Đều khởi sinh từ phiền não.
Phiền não là cái gì tự nó vốn không thật sự tồn tại,
Vậy thì tích lũy tạo tác làm sao có thể thực sự tồn tại?
______*"Mọi quá trình tích lũy tạo tác của thế gian", Hán văn: "Chư thế gian nghiệp-諸世間業, có thể hiểu dụng ngữ này trong ý nghĩa rộng nhất mà ngữ nghĩa có thể có được, như đã chú thích ở kệ 9 theo những luận điểm của: 1. 1. Jean Piaget: Tất cả những điều kiện về giáo dục, văn hóa, xã hội... được "lập trình" trong nhận thức của con người (Quá trình tích lũy-Nghiệp-業 trong tương quan với Cộng Nghiệp-共業); 2. N. Chomsky: Những điều kiện bẩm sinh mà con người sinh ra vốn đã có (Một dang tác nhân tạo tác vốn có sẵn trong điều kiện nhận thức-Ấm-陰 của con người); 3. Konrad Lorenz: Tất cả những điều kiện nhận thức của con người trong tương quan tương tác với đồng loại (Một dạng thức "Cộng Nghiệp-共業", giới hạn trong mỗi cộng đồng thể, và cả nhân loại nói chung) ; 4. Trần Đức Thảo: Tất cả những điều kiện hình thành từ khời thủy của nhân loại, vốn tiềm tàng trong mỗi con người (như là một Cộng Nghiệp-共業 vốn có từ sơ thủy).
27
諸煩惱及業
是說身因緣
煩惱諸業空
何況於諸身
17.27
Thân được xem như là nhân tố tạo tác,
Tác tạo ra mọi phiền não cùng tích lũy tạo tác.
Phiền não và tích lũy tạo tác đều không thực sự tồn tại,
Thì còn nói chi đến thân?
28
無明之所蔽
愛結之所縛
而於本作者
不即亦不異
17.28
Cái bị Vô minh che lấp,
Cái bị ham thích trói buộc,
Chẳng gì khác hơn ngoài chủ thể tạo tác,
Mà cũng chẳng gì vốn là chủ thể tác tạo.
29
業不從緣生
不從非緣生
是故則無有
能起於業者
17.29
Tích lũy tạo tác không từ những điều kiện tạo tác mà khởi sinh,
Cũng không từ chỗ không điều kiện tạo tác mà sinh khởi.
Vậy thì nó không có khả năng
Sinh khởi ra tác tạo nào được tích lũy.
30
無業無作者
何有業生果
若其無有果
何有受果者
17.30
Không có tích lũy tạo tác, cũng không có tác tạo nào được tích lũy,
Thì làm sao có kết quả khởi sinh từ tích lũy tác tạo?
Nếu đã không có kết quả sinh ra,
Thì làm sao có người thụ nhận kết quả đó?
31
如世尊神通
所作變化人
如是變化人
復變作化人
17.31
Cũng như việc Thế Tôn dùng thần thông,
Hiển thị ra một kẻ huyễn hóa,
Rồi chính kẻ huyễn hóa,
Lại huyễn hóa thêm ra một kẻ huyễn hóa...
32
如初變化人
是名為作者
變化人所作
是則名為業
17.32
Như thế: Kẻ huyễn hóa đầu tiên,
Được gọi là kẻ tác tạo;
Kẻ được huyễn hóa ra kế tiếp,
Được gọi là cái được tạo tác (Nghiệp-業)...
33
諸煩惱及業
作者及果報
皆如幻與夢
如炎亦如嚮
17.33
Mọi tích lũy tạo tác và não phiền,
Kẻ tác tạo và kết quả tạo tác,
Đều như giấc mộng, như ảo giác,
Như quáng nắng, như tiếng vang...