Ngày 5 .
Nhìn từ cửa sổ ở tầng lầu thứ 8, những ngọn cây dọc theo đại lộ để lộ cho thấy dấu vết mùa thu trong mảng màu xanh đậm thật dài. Từ độ cao này, đỉnh cây bừng sáng màu sắc và thanh lọc ô nhiễm, tiết giảm tiếng ồn xe cộ. Chỉ duy có sắc màu xuất hiện chớ không phải những màu sắc khác nhau; chỉ duy có tình yêu chớ không phải những biểu lộ tình cảm khác nhau; nhiều khía cạnh của tình yêu thì không phải là tình yêu. Khi tình yêu chia chẻ thành manh mún, thánh thiện hoặc xác thịt, thì tình yêu không còn là tình yêu nữa. Ghen tuông là khói đen che dấu ngọn lửa, và say đắm dục lạc biến thành ngu xuẩn không một chút khổ hạnh; sẽ không có khổ hạnh nếu không buông bỏ bản ngã, và sự buông bỏ này chính là tính khiêm cung trong sự giản dị tuyệt đối. Trong lúc tầm mắt hướng về mảng màu với nhiều sắc thái khác nhau, thì xuất hiện cái thanh tịnh, dù có bị chia chẻ đến đâu; còn cái nhiễm ô, dù có được che đậy, đảo ngược, biến thể đến đâu, sẽ luôn luôn nhiễm ô, giống như bạo lực. Không có xung đột giữa thanh tịnh và nhiễm ô. Nhiễm ô sẽ không bao giờ trở thành thanh tịnh, cũng vậy bạo lực không thể nào biến thành bất bạo lực. Chỉ cần bạo lực dừng lại.
Hai con bồ câu chọn chỗ trú dưới mái lợp bằng đá bảng ở phía bên kia sân. Cả hai con ngủ đêm ở đó, con mái bay vào trước, rồi từ từ thật đỉnh đạc con trống theo sau; chúng không nhúc nhích cho đến sáng. Hôm nay chúng ra khỏi chuồng rất sớm, con trống trước rồi đến bạn đường của nó. Chúng đã dương cánh, lông láng mướt, và đậu xuống mái nhà lạnh lẽo. Chẳng bao lâu, nhiều bồ câu khác từ đâu đâu bay đến, có lẽ cả chục con, chúng gù lên, xòe đuôi, thân mật xô đẩy lẫn nhau. Và bỗng nhiên, chúng bay lên hết, trừ hai con đầu tiên. Bầu trời che kín, nặng những mây, nhưng chân trời bừng sáng mở ra một khoảng không dài màu xanh.
Thiền vô thủy vô chung; trong thiền không thành bại, không lấy cũng không bỏ. Thiền là chuyển động không mục tiêu, vượt khỏi và bao trùm cả thời gian lẫn không gian. Kinh nghiệm về thiền tức là phủ nhận thiền, vì người kinh nghiệm bị trói buộc vào thời gian và không gian, vào ký ức, kỷ niệm. Nền tảng của thiền định chân chánh là chú tâm thụ động, sự chú tâm này là giải thoát hoàn toàn khỏi thẩm quyền, khát vọng, ham muốn, sợ hãi. Không có giải thoát, không có hiểu biết bản ngã thì thiền định mất hết ý nghĩa, mất hết giá trị; không có hiểu biết bản ngã khi mà còn duy trì lựa chọn. Lựa chọn hàm ý xung đột, làm ngăn ngại sự hiểu biết cái đang là. Mộng mơ trong tưởng tượng hoặc trong hứng khởi từ đức tin thì không phải là thiền định; trí óc phải tự lột bỏ hết mọi huyền thoại, mọi ảo tưởng, mọi an ổn, và trực diện với thực tại, nhìn thấy mọi thứ trên sai lầm ra sao. Không tán tâm, tất cả đều ở trong chuyển động của thiền định. Cánh hoa là đường nét, hương sắc, và vẻ đẹp của nó nằm trong toàn thể. Dù hoa có bị xơ xác, nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, sẽ không còn hoa nữa, mà chỉ có kỷ niệm tức không bao giờ là hoa. Thiền định là toàn thể bông hoa, trong vẻ đẹp, cái chết và sức sống của nó.
Ngày 6.
Sáng sớm nay, mặt trời ẩn khuất trong đám mây, tiếng xe cộ inh ỏi chưa bắt đầu vang lên: trời mưa và bầu trời xám xịt. Mưa nện xuống khoảng sân nhỏ và cơn gió lạnh thật tươi mát. Đang đứng trú mưa, nhìn một mảng con sông trong tàng lá mùa thu, như một ánh chớp, “bờ bên kia” chợt đến, tồn tại trong vài khắc rồi biến mất. Điều đó mãnh liệt một cách lạ lùng, rất thực. Thực như là đỉnh những mái nhà với cả trăm ống khói. Có mãnh lực lôi cuốn kỳ lạ; mạnh bạo vì thanh tịnh xuất phát từ sức mạnh hồn nhiên không có gì làm suy vi được, điều đó là phép lành.
Kiến thức ngăn ngại khám phá. Kiến thức luôn luôn bắt nguồn từ thời gian, từ quá khứ, không bao giờ mang lại tự do. Nhưng kiến thức cần thiết cho hành động, cho tư tưởng; không hành động thì không thể có hiện hữu. Nhưng dù hiền triết, chơn chánh và cao thượng đến đâu, hành động sẽ không đưa đến chơn lý. Không có con đường dẫn đến chơn lý. Không một hành động nào, không một sự tinh luyện nào của tư tưởng có thể mua chuộc được chơn lý. Đức hạnh không khác chi trật tự trong một thế giới vô trật tự. Đức hạnh cần thiết bởi vì nó là chuyển động không xung đột. Nhưng không một cái gì của thứ này đưa đến cái bao la vô lượng đó. Toàn bộ phải trống rỗng mọi kiến thức, mọi hành động, mọi đức hạnh; không phải trống rỗng cốt để thụ đắc, thành tựu, trở thành. Tâm thức phải duy trì rỗng rang mà vẫn vận hành trong thế giới thường nhật của tư tưởng và hành động. Nhưng rỗng rang sẽ không mở cửa. Cần phải không cửa (vô môn) cũng không toan tính đạt đến (vô đắc). Vì vô lượng nên rỗng rang không có trung tâm; chính trung tâm mới định lượng, đo lường, lượng giá. Rỗng rang vượt khỏi thời gian và không gian; vượt trên tư tưởng, cảm thức. Nó cũng xuất hiện một cách êm dịu, cũng thầm lén như tình yêu; vô thủy vô chung. Bất hoại, vô cùng.
Ngày 7.
Cần phải ở nguyên một chỗ một thời gian; những chuyến đi thường xuyên, thay đổi khí hậu và chỗ ở ảnh hưởng đến thân thể; cần có thời gian để thích nghi và khoảng thời gian đó không làm được một cái gì “nghiêm túc”, và rồi phải lên đường trở lại. Mọi việc này thử thách thân. Nhưng sáng nay thức dậy, lúc rạng đông, trước khi mặt trời mọc, bất cần đến thân, sức lực đó hiện diện một cách mãnh liệt. Nhìn xem thân phản ứng ra sao cũng lý thú; dù thường khi mệt mỏi, thân vẫn không bao giờ lười biếng, nhưng sáng nay, dù trời lạnh, thân trở nên hoặc đúng hơn muốn hoạt động. Chỉ khi nào tâm trí lặng yên, không phải ngủ quên hoặc uể oải, mà tỉnh sáng và bén nhậy, thì “bờ bên kia” mới hiển bày. Sáng nay điều đó hoàn toàn bất ngờ, vì thân vẫn chưa thích nghi với môi trường mới.
Mặt trời mọc trên bầu trời trong sáng; bị đám ống khói che khuất nên không thấy được, những tia nắng tràn ngập cả bầu trời, bông hoa trong khoảng sân nhỏ hình như sinh ra cho đời sống, màu sắc đậm hơn, tươi hơn. Một buổi sáng chói rực một màu xanh tuyệt đẹp. Thiền định thể nhập vào màu xanh đó, bông hoa đó; chúng tùy thuộc vào đấy, khai mở lối đi ngang qua thiền định, mà không phải là một sự lãng quên. Tán tâm hay đãng trí thực ra không xuất hiện, vì thiền định không phải là chú ý tập trung, vốn là cố chấp, ngăn cách, đối kháng, và vì thế là xung đột. Tâm thức thiền định có thể tự bằng lòng mà không cố chấp, đối kháng; nhưng tâm thức tập trung chú ý không thể thiền định. Thật là lý thú để xem thiền định quan trọng hơn mọi sự ra sao; thiền định vô thủy vô chung. Thiền định giống như một giọt nước mưa, giọt nước ấy chứa đựng hết sông ngòi, biển cả và ghềnh thác; giọt nước ấy nuôi sống trái đất và con người; không có nó mặt đất là sa mạc. Không có thiền định trái tim biến thành sa mạc, đất hoang vô canh. Thiền định có một chuyển động riêng biệt; ta không thể cho nó một hướng đi, một hình dáng, cũng không cưỡng bức nó, nếu thế thì không còn là thiền định. Chuyển động này chấm dứt khi có người quan sát, người kinh nghiệm. Thiền định là một chuyển động diệt trừ con người quan sát, tức là kinh nghiệm; một chuyển động vượt trên mọi biểu tượng, tư tưởng hoặc cảm thức. Tốc độ của thiền định không thể nào đo lường được.
Nhưng mây đã ùn đống trên trời, mặc sức đối đầu với cơn gió trong một trận chiến không cân xứng. Một khoảng màu xanh thật lớn, rất xanh, và những đám mây hoang đường, đầy ánh sáng và bóng tối; những đám mây phía Bắc đã quên bẵng thời gian, nhưng chúng là chủ tể của không gian. Trong công viên Tháng Ba (Champ de Mars) mặt đất và lề đường phủ đầy lá vàng. Một buổi sáng rực rỡ và tươi mát, nhiều bông hoa lộng lẫy màu sắc mùa hè. Sau tháp Eiffel cao lớn trổ thủng, điểm thu hút chính của vùng này, một đám ma đi qua, quan tài và xe tang chất đầy hoa, có nhiều xe hơi chạy theo sau. Chúng ta muốn tỏ ra mình quan trọng cho đến chết, lòng ham muốn và kiêu hãnh của chúng ta không chỗ dừng. Mỗi người đều muốn mình là một cái gì, hoặc ít ra cũng có dính dáng đến một nhân vật quan trọng. Ai cũng ham muốn quyền hành và thành đạt, dù lớn hay nhỏ, và muốn được trọng vọng. Mất hết trọng vọng của những người khác hoặc của kẻ đang nắm quyền mình, ta mất hết lý do để sống. Vì luôn luôn được kính nể, nên quyền hành cũng trở nên khả kính. Dù có được nhà chính trị sử dụng, được bậc thánh dùng đến hay trường hợp người vợ xử sự với chồng, quyền hành vẫn luôn luôn là cái xấu. Tuy nhiên, dù xấu xa đến đâu, ai ai cũng thèm muốn nó rất mãnh liệt, và ai có được rồi đều muốn được hơn nữa. Và cổ xe tang phủ đầy hoa rất vui tươi trong ánh nắng trông thật xa xôi; ngay cả cái chết cũng không chấm dứt được quyền hành, vì quyền hành sẽ tồn tại trong một người khác. Đây là bó đuốc xấu ác truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác; cách biệt, tự do, và không hối tiếc, không có một sự tưởng thưởng nào. Tưởng thưởng là thành công, vầng hào quang chiếu ngay kẻ được người khác kính nể. Khi ta không được kính nể, khi ta đã quên đi nỗi thất bại xa xưa, không là một nhân vật gì, khi mọi nỗ lực, mọi xung đột đã dừng lại, thì phép lành xuất hiện, không bắt nguồn từ nhà chung, từ thánh thần hay con người. Trẻ em la hét, nô đùa và, khi cổ xe tang đi ngang qua chúng, bị thu hút trong trò chơi và tiếng cười, chúng cũng chẳng nhìn xem.
Ngày 8.
Trong thành phố quá sáng sủa này, ta có thể thấy được cả ngôi sao; nghe được những tiếng động khác hơn tiếng ồn xe cộ, tiếng bồ câu gù, tiếng chim sẻ ríu rít; có những mùi khác hơn mùi ô-xít chì, mùi lá úa, hương hoa. Buổi sớm hôm nay, vài ánh sao trên trời, những cụm mây nổi như bông và, kèm theo là sự thấu nhập mãnh liệt tận thâm cùng cái bất tri. Trí óc yên lặng, đến mức độ có thể nghe ra âm thanh tinh tế nhất. Vì tâm trí lặng lẽ bất động, không đủ khả năng can thiệp, một chuyển động đến từ không chỗ nơi sẽ xuyên qua nó, thấu nhập đến cái thâm cùng bất tri, nơi mà ngôn ngữ mất hết ý nghĩa, giá trị. Chuyển động này quét sạch tâm trí và tiếp tục vượt khỏi thời gian, không gian. Đây không phải là ảo ảnh, ảo mộng, ảo tưởng, mà là một thực tế đã xảy ra. Tuy nhiên, cái đã xảy ra không phải là từ ngữ, cũng không là sự mô tả. Đây là năng lực nóng bỏng, sức sống trong thoáng chốc, bùng nổ và kèm theo năng lực này là chuyển động thấu nhập đó. Giống như cơn gió kỳ lạ trên đường đi của nó gom hết sức mạnh và sức giận, phá hủy, thanh lọc, để lại cái trống rỗng vô hạn vô biên. Nhận thức toàn diện về mọi điều đó, về sức mạnh và vẻ đẹp không phải được tạo ra, và về một cái gì hoàn toàn thanh tịnh, bất hoại. Trạng thái này kéo dài đúng mười phút, nhưng lại là phi lượng.
Mặt trời mọc lên vinh quang giữa những đám mây sinh động lạ lùng, màu sắc đậm đà. Tiếng ồn của phố thị chưa vang lên, bồ câu, chim sẻ đã thức dậy. Tâm trí nông cạn một cách kỳ cục; tuy tư tưởng tinh tế và sâu sắc luôn luôn phát sinh từ cái nông cạn đó. Tư tưởng dính líu đến thời gian, và thời gian thì nhỏ hẹp; chính tính nhỏ hẹp đó làm lệch lạc cái nhìn. Nhìn, cũng như hiểu biết, luôn luôn tức thì, và tâm trí do thời gian tạo nên làm ngăn ngại và lệch lạc cái nhìn. Thời gian và tư tưởng không rời nhau; chấm dứt được cái này thì cái kia cũng không còn. Ý muốn không thể giải trừ tư tưởng vì ý muốn là tư tưởng đang hành động. Tư tưởng là một việc và trung tâm từ đó nó phát xuất là một việc khác. Tư tưởng là ngôn ngữ, và ngôn ngữ là sự tích lũy của ký ức, kinh nghiệm. Có loại tư tưởng nào không là ngôn ngữ? Có một chuyển động không phải là từ ngữ, không từ nơi tư tưởng. Tư tưởng có thể mô tả chuyển động này, nhưng chuyển động không cùng bản chất với tư tưởng. Có chuyển động này khi tâm trí hoạt dụng nhưng bất động, và chẳng bao giờ tư tưởng có thể dò tìm được.
Tư tưởng là ký ức hợp thành từ một khối các phản ứng của chúng ta. Tư tưởng dù vẫn tưởng mình là tự do, luôn luôn bị ước định. Tư tưởng thì máy móc, dính liền với trung tâm kiến thức của chính nó. Phạm vi mà tư tưởng bao trùm tùy thuộc vào kiến thức, và kiến thức luôn luôn là cặn bã của ngày hôm qua, của một chuyển động đã chết. Tư tưởng có thể dự phóng tương lai, nhưng lại dính chặt vào kinh nghiệm của quá khứ, tư tưởng dựng nhà tù cho chính nó và giam mình trong đó, dù nó đang ở trong tương lai hoặc trong quá khứ, dù được sơn son thếp vàng hoặc tầm thường không ra gì. Vì bản chất là động, phóng tới và thối lui không ngừng nghỉ, nên tư tưởng chẳng bao giờ im lìm bất động được. Ồn ào, lăng xăng hoặc im hơi, kín tiếng, hiện nổi hay ẩn chìm, cơ chế của tư tưởng luôn luôn vận hành. Cơ chế này không biết mệt. Tư tưởng có thể tự tinh luyện, kiểm soát những cuộc phiêu lưu lang thang của chính nó; nó có thể chọn lựa hướng đi và thích nghi với môi trường.
Tư tưởng không thể vượt khỏi chính nó; nó có thể vận hành trong phạm vi rộng lớn hoặc nhỏ hẹp, nhưng luôn luôn bị chứa đựng trong cột mốc của ký ức, và ký ức thì luôn luôn bị giới hạn. Ký ức phải chết đi trên phương diện tâm lý, bên trong, và chỉ vận hành bên ngoài. Nội tâm cần có cái chết và ngoại giới cần có sự bén nhậy với mọi thách đố, mọi phản ứng. Tư tưởng bận rộn bên trong nội tâm sẽ ngăn ngại hành động.
Ngày 9.
Một ngày quá đẹp mà phải ở trong thành phố thì uổng làm sao; không một gợn mây trên trời, nắng ấm và đàn bồ câu trên mái nhà thỏa thích làm sao, nhưng tiếng ồn trong thành phố vẫn kéo dài một cách khó chịu. Cây cối thoảng mùi gió thu. Lá vàng từ từ héo úa một cách thờ ơ. Đường phố đầy rẫy những kẻ chỉ luôn nhìn các cửa hàng, ít khi nhìn lên trời; họ nhìn thoáng qua, nhưng cái làm cho họ bận tâm là chính con người họ, hình dáng họ, cảm tưởng do họ tạo tác; dù có trang điểm, bề ngoài có chăm sóc, lòng khao khát và sợ hãi luôn luôn có mặt. Thợ thuyền nhọc mệt thì ủ rũ và bất mãn. Và cụm cây phía trước bức tường Viện Bảo Tàng cảm thấy thực sự đầy đủ; cả con sông cũng lãnh đạm một cách tuyệt đối, khúm núm trong bờ đê bằng xi măng và đá. Có quá nhiều bồ câu vênh vang với phẩm cách quen thuộc của chúng. Và như vậy một ngày trôi qua, trên đường phố, ở sở làm. Thế giới của đơn điệu, của thất vọng, nơi mà nụ cười tan biến nhanh chóng. Chiều xuống, dinh thự và đường phố được thắp sáng, nhưng cái trống rỗng thì bao la vô tận, đau khổ thì không chịu đựng nổi.
Một chiếc lá vàng bên lề đường… nó vừa rơi rụng, hãy còn đầy sức sống mùa hạ và luôn luôn đẹp đẽ trong cái chết; không một cái gì nơi nó lụi tàn, nó vẫn giữ nguyên nét diễm lệ thanh xuân, nhưng nó đang vàng úa và sẽ héo tàn trước khi chiều xuống. Sáng sớm nay, khi mặt trời ló dạng chút chút trên bầu trời trong vắt, bờ bên kia chợt đến như tia chớp, với phép lành, và vẻ đẹp tồn tại. Không phải tư tưởng đã nắm bắt và giữ yên nó, nhưng nó đã để lại dấu vết trên tâm thức. Tư tưởng luôn luôn chia chẻ, ký ức cũng thế, và cái gì mà tư tưởng nắm giữ cũng luôn luôn phân đoạn vụn vặt. Tư tưởng không thể quan sát cái toàn thể; cái phân đoạn chia chẻ không thể nhìn ngắm cái toàn diện, dấu vết của phép lành thì khó tả, không một từ ngữ, không một biểu trưng nào có thể diễn đạt. Tư tưởng luôn luôn thất bại trong mưu toan khám phá, chứng nghiệm cái gì vượt trên thời gian và không gian. Trí óc, cơ chế sản sinh ra tư tưởng, có thể tự an bình; một tâm trí rất sinh động có thể yên lặng, nhưng cơ chế của nó sẽ vận hành rất chậm. Điều thiết yếu là tâm trí phải yên lặng, mặc dù nó rất ư bén nhậy. Chỉ lúc đó tư tưởng mới có thể giải tỏa, dừng nghỉ. Trí óc dừng nghỉ không phải là chết; chỉ lúc đó mới có thể xuất hiện cái an nhiên, cái tươi trẻ; một tính chất mới mẻ cho tư tưởng. Chính tính chất mới mẻ đó chấm dứt khổ đau, tuyệt vọng.
Ngày 10.
Một buổi sáng không mây, hình như mặt trời đã đuổi đi hết. Tất cả đều bình an, nhưng tiếng ồn xe cộ vẫn kéo dài dù hôm nay là chúa nhật. Đàn bồ câu sưởi ấm trên mái nhà bằng thiếc, gần như toàn màu xám. Không một hơi gió, dù không khí trong mát.
Bình an hiện hữu bên trên tư tưởng, cảm thức. Không phải là hòa bình của nhà chính trị, của thầy tu, hoặc của người nào tìm kiếm. Ta không thể tìm kiếm hòa bình. Cái ta tìm kiếm phải là cái đã biết, và cái đã biết không bao giờ là thực tại. Hòa bình không phải dành cho người có được đức tin, dành cho triết gia chuyên khảo cứu trong lý thuyết. Hòa bình không phải là phản ứng, đáp trả, đối chọi lại với bạo động. Hòa bình không có cái đối chọi; mọi cái đối chọi, xung đột nằm trong nhị nguyên phải dừng bặt. Có nhị nguyên, sáng và tối, nam và nữ… v.v.. nhưng xung đột giữa những cái đối chọi thì tuyệt đối không cần thiết. Xung đột chỉ sinh khởi trước nhu cầu, bổn phận phải làm tròn, nhu cầu phái tính hoặc sự đòi hỏi tâm lý được an ổn. Như vậy xung đột chỉ sinh khởi giữa những đối chọi; sự tìm cầu hòa bình theo giáo hội hoặc luật lệ không khác gì sự trốn chạy trước những đối chọi là ràng buộc và thoát ly. Luật lệ có thể mang lại trật tự phiến diện, và đang hiện hành như thế; bình an do nhà thờ và đền chùa mang đến là ảo tưởng, đó là huyền thoại, là nơi cho một tâm hồn bấn loạn có thể trú ẩn, nhưng đó không phải là bình an. Cần phải diệt trừ biểu tưởng, ngôn ngữ, không phải để cho hòa bình hiện đến, mà vì những thứ này ngăn cản sự hiểu biết. Hòa bình không phải bán rao, không phải vật để trao đổi. Cần phải dừng bặt xung đột dưới tất cả mọi hình thức, và lúc đó hòa bình có thể xuất hiện. Cần phải phủ định tuyệt đối, dừng bặt hết mọi yêu cầu, mọi đòi hỏi; chỉ lúc đó xung đột mới chấm dứt. Trong cái rỗng không là khai sinh. Tất cả cơ cấu nội tại của đối kháng và an toàn phải biến mất; chỉ lúc đó cái trống rỗng mới xuất hiện. Chỉ duy nơi đó mới có hòa bình mà đức hạnh chẳng còn giá trị, chẳng còn lợi ích.
Sáng nay có mặt rất sớm, cùng với ánh nắng nhập vào bầu trời sáng sủa, màu trắng sữa, tuyệt vời, tuyệt đẹp; phép lành không đòi hỏi gì, hy sinh cũng không, môn đệ cũng không, đức hạnh cũng không, thức khuya dậy sớm cầu nguyện cũng không. Phép lành ở đó, tròn đầy và chỉ có thể được tiếp nhận trong cái tròn đầy của tâm, của trí. Phép lành vượt khỏi mọi suy lường.
Ngày 11.
Công viên đầy đặc người; nơi nơi đều có người, mọi chủng tộc, trẻ con, vú em; họ nói chuyện, la lớn, nô đùa, có vòi nước phun lên. Người trưởng viên chắc chắn là có khiếu; biết bao bông hoa, biết bao màu sắc lẫn lộn. Thật là ly kỳ, một không khí lễ hội vui nhộn. Buổi trưa thật dễ chịu và mỗi người đi ra ngoài với bộ trang sức đẹp đẽ nhất. Băng ngang công viên và chạm góc với đại lộ, một con đường yên tĩnh có viền cây với những căn nhà cũ kỹ sạch sẽ khang trang; ánh nắng xiêng liếm sát con sông, cụm mây. Hứa hẹn ngày hôm sau cũng đẹp trời như vậy, và sáng nay, những tia nắng đầu tiên lướt qua và nhuộm vài đám mây một màu hồng sáng tươi. Thời khắc thuận lợi cho sự yên lặng, cho thiền định. Yên lặng và ù lì không đi đôi với nhau; yên lặng đòi hỏi cường lực, thiền định; lúc đó tâm không lang thang, mà rất bén nhậy đầy sức mạnh. Thiền định không phải là sự theo đuổi tư tưởng, ý niệm; thiền định là bản thể của tư tưởng ý niệm, có nghĩa là vượt qua mọi tư tưởng, mọi cảm thức. Như vậy thiền định là chuyển động trong cái bất tri.
Trí thông minh không phải chỉ thuần là khả năng thêu vẽ, gợi nhớ, truyền thông; trí thông minh còn hơn thế nữa. Ta có thể học hỏi rất cao và có tài khéo trong một vài lãnh vực nào đó trong cuộc sống, và hoàn toàn mù tịt trong những lãnh vực khác. Kiến thức, dù sâu và rộng đến đâu, không bắt buộc là dấu hiệu của trí thông minh. Năng khiếu không phải là thông minh. Thông minh là nhận thức bén nhậy về toàn bộ đời sống; đời sống với những vấn đề, những đối kháng, khổ và lạc. Nhận biết hết mọi điều trên, không lựa chọn, không bị giam hãm trong bất cứ một vấn đề nào, lưu chuyển trong dòng sống toàn diện, đó là thông minh. Trí thông minh này không phải là hậu quả của ảnh hưởng và môi trường chung quanh; vì không là tù nhân của cả hai, nên nó có thể hiểu biết và ngay đó thoát ly cả hai. Lộ diện hoặc ẩn tàng, tâm thức đều bị giới hạn, và hoạt động của nó, dù bén nhậy đến đâu, vẫn bị giam hãm trong ranh giới của thời gian; đối với trí thông minh thì không phải như vậy. Trí thông minh là nhận thức bén nhậy, không lựa chọn, về cuộc sống toàn diện. Trí thông minh này không thể dùng để kiếm sống, kiếm tiền, dù là cho cá nhân hay cho tập thể. Trí thông minh này là hủy diệt, do đó hình tướng không quan trọng, và cải tổ chỉ là thoái bộ. Không hủy diệt, mọi sự thay đổi chỉ là điều chỉnh cái tương tục. Sự hủy diệt tâm lý của mọi thứ đã có – và không chỉ là thay đổi bên ngoài – là cốt tủy của trí thông minh. Mọi hành động vô minh dẫn đến đau khổ, rối loạn. Đau khổ là vô minh.
Ngu si không phải là thiếu kiến thức, mà là thiếu hiểu biết về chính mình; không hiểu biết về chính mình thì không một chút gì có trí. Ngược lại với kiến thức, sự hiểu biết chính mình không tích lũy gì cả; học hiểu là từ sát na này đến sát na khác. Đây không phải là một tiến trình tích lũy; trong tiến trình tích lũy có tạo ra một trung tâm, trung tâm đó là kiến thức, là kinh nghiệm. Trong tiến trình này, dù tích cực hay tiêu cực, cũng không thể có hiểu biết. Chuyển động của tư tưởng, của cảm thức ta không thể hiểu biết được, và không thể hiểu biết chính mình khi còn tồn tại ý định gom chứa hoặc kháng cự. Không có trí tuệ nếu không có tự tri. Tự tri là một thực tại sống động, không phải là phán đoán; mọi tự phê đều hàm ý tích lũy, lượng giá từ trung tâm của kinh nghiệm và của kiến thức. Chính quá khứ này làm ngăn trở sự hiểu biết thực tại sống động. Theo đuổi sự tự tri là một hành động thông minh.
Ngày 12.
Một thành phố dù đẹp đẽ đến đâu cũng không là một nơi chốn dễ chịu. Con sông rất sạch, những khoảng trống rộng rãi, những bông hoa, tiếng ồn, sự nhớp nhúa, và cái tháp sừng sững, bồ câu và người ta, mọi thứ này và bầu trời làm cho thành phố vui tươi, nhưng đó không phải là miền quê, đồng cỏ, khu rừng và không khí trong lành; đồng quê thì luôn luôn đẹp đẽ, xa hẳn khói mù và tiếng ồn xe cộ, thật xa với mảnh đất mầu mỡ và đại lượng. Trong tiếng ồn xe cộ không ngớt, chúng tôi đi dọc theo con sông, con sông như chứa đựng hết mặt đất; bị siết chặt trong đá, xi măng, tuy nhiên nó rộng lớn và dung chứa hết nước của tất cả sông ngòi từ trên núi đổ xuống đồng bằng. Nó nhuốm màu mặt trời lặn, tất cả sắc màu mà mắt chưa bao giờ biết đến, những màu sắc lộng lẫy và mong manh. Cơn gió lạnh ban chiều đùa giỡn với tất cả, mùa thu lướt qua từng chiếc lá. Vòm trời quá gần, ôm lấy mặt đất trong một sự bình an vượt quá sức tưởng tượng. Và đêm xuống, thật chậm.
Thức dậy sáng nay; mặt trời còn nằm dưới đường chân trời; bình minh đã bắt đầu và thiền định tự dâng cho bờ bên kia mà phép lành là sức mạnh và sáng suốt. Bờ bên kia đã ở đó chiều hôm qua, ngay lúc mặt trời lặn, rất sáng, bất ngờ. Nhiều ngày nay nó đã không xuất hiện. Thân tự điều hòa theo nhịp độ cuộc sống phố thị và, khi bờ bên kia đến, nó biểu lộ với một vẻ đẹp, một cường lực đến đỗi mọi sự đều im lìm bất động; nó tràn ngập căn phòng và còn vượt qua đó nữa. Thân thể, tuy duỗi thẳng, nhưng in dấu một sự mềm dẻo nào đó hoặc đúng hơn là bất động. Chắc chắn nó còn tồn tại hết ban đêm cho đến thức giấc nó vẫn còn đó, tràn ngập căn phòng và vượt qua đó nữa. Mọi toan tính mô tả lại việc này đều không có một ý nghĩa nào cả, vì không bao giờ ngôn ngữ có thể diễn đạt cái bao la vô tận, cái đẹp của nó. Mọi sự đều dừng lại khi nó hiện diện và kỳ lạ thay, trí óc với tất cả sinh hoạt của nó đột ngột yên tĩnh, một cách tự giác, không một phản ứng, không ký ức, không lưu ký cái gì xảy ra. Nó rất bén nhậy, nhưng tuyệt đối im lìm bất động. Mọi điều đó quá bao la đối với sự tưởng tượng, và dưới mọi khía cạnh tưởng tượng đều ngu đần và thiếu trưởng thành. Việc đã xảy ra quả thật rất là sinh động và quan trọng đến đỗi mọi ảo tưởng, mọi tưởng tượng đều vô nghĩa.
Hiểu biết nhu cầu có tầm quan trọng rất lớn. Có nhu cầu bên ngoài, những sự đòi hỏi thiết yếu, cơm ăn áo mặc nhà ở; nhưng ngoài ra còn có cái gì khác không? Mỗi người đều bị mắc vào cơn bão nhu cầu nội tâm, nhưng ta có thể nói đó là thiết yếu hay không? Nhu cầu về phái tính, thành tựu, lòng khao khát bắt buộc từ khát vọng, ham muốn, tham lam, có phải tùy thuộc vào đời sống hay không? Ai cũng đã chấp nhận điều đó suốt cả ngàn năm nay; đời, đạo đều tôn trọng những nhu cầu này và còn tôn vinh một cách cao cả. Nhận chịu lối sống đó hoặc đã bị ước định theo đó quá mức, ai cũng uốn mình theo, chống trả một cách yếu ớt với dòng đời, thối chí ngã lòng, tìm cầu lối thoát. Và những lối thoát càng trở nên quan trọng hơn cả thực tại. Nhu cầu tâm lý là cơ chế tự vệ đối với một cái gì đó thực hơn và quan trọng hơn. Nhu cầu về thành tựu, để làm cho mình quan trọng, phát sinh từ sợ hãi trước một cái gì chơn thực hơn nhưng bất tri, mà ta không có kinh nghiệm. Thành tựu, làm cho mình quan trọng, cho dù trên danh nghĩa vì tổ quốc, vì đảng phái hoặc vì một niềm tin thỏa ý, đều là trốn chạy trước cái vô nghĩa của chúng ta, cái rỗng không, cô đơn của chúng ta, những hoạt động của chúng ta cô lập chúng ta với kẻ khác. Nhu cầu nội tâm hình như là vô tận, tăng bội, thay đổi, kéo dài. Đây chính là căn nguyên của dục vọng nóng bỏng, đối nghịch.
Dục vọng luôn luôn hiện diện: đối tượng của nó thay đổi, giảm hoặc tăng, nhưng nó luôn luôn ở đó. Bị kềm chế, dằn vặt, chối bỏ, thừa nhận, dập tắt, loại trừ, được tự do biểu lộ hoặc ràng buộc với sợi dây quanh cổ, dù mạnh hay yếu, dục vọng luôn luôn có mặt. Cái gì xấu xa trong dục vọng? Tại sao có trận chiến không ngớt với nó? Dục vọng gây phiền nhiễu, đau đớn, đưa đến mê lầm và đau khổ, và tuy thế vẫn dai dẳng, dù mạnh hoặc yếu, nó luôn luôn có mặt. Hiểu biết dục vọng một cách toàn vẹn, không dập tắt nó cũng không bắt nó vào khuôn phép đến đỗi không nhận ra nó nữa, chính là hiểu biết nhu cầu. Nhu cầu và dục vọng liên kết với nhau, cũng như được với mất. Không có dục vọng thanh cao hoặc hèn hạ, nhưng chỉ có dục vọng, thường xuyên xung đột với chính nó. Dục vọng thiêu đốt nhà ẩn dật cũng như người cầm đầu đảng phái chính trị; những người này đặt tên khác cho nó nhưng nó vẫn ở đó, gặm nhấm tận xương tủy mọi sự. Khi nhu cầu ngoại giới lẫn nội tâm được hiểu biết một cách toàn vẹn thì dục vọng không còn là nỗi ray rứt dằn vặt. Lúc đó dục vọng mang một ý nghĩa khác hẳn, một ý nghĩa vượt qua sức dung chứa của tư tưởng rất xa, cũng vượt qua tình cảm, với những xúc động, huyền thoại, ảo tưởng. Với sự hiểu biết toàn vẹn về nhu cầu chớ không phải định giá lượng và phẩm của nó, dục vọng sẽ thành ngọn lửa chớ không còn là sự dày xéo. Không có ngọn lửa này đời sống sẽ mất mát thua thiệt. Chính ngọn lửa này thiêu hủy sự vô nghĩa về mục đích cuộc đời, đốt cháy biên giới, rào cản đã áp đặt vào cuộc sống. Lúc đó, dục vọng sẽ được tô điểm với một cái tên tùy chúng ta lựa chọn, tình yêu, sự chết, chơn mỹ, và sự hiện diện của nó sẽ vô tận.
Ngày 13.
Ngày hôm qua thật là lạ lùng. “Bờ bên kia” thường xuyên hiện diện suốt buổi đi dạo ngắn ngủi và vào lúc nghỉ, lại càng mãnh liệt hơn trong khi nói chuyện, duy trì, kéo dài gần hết đêm và vẫn còn đó lúc thức dậy sáng nay, sau một giấc ngủ ngắn. Thân thể mệt nhừ, cần được nghỉ ngơi, lại trở nên yên tĩnh một cách lạ lùng, nhưng phần nhỏ nhất của thân vẫn tỉnh táo và bén nhậy.
Xa mút tầm mắt những mái nhà trải dài với những cột ống khói ngắn dựng đứng không một chút khói, vì trời thật nóng; đường chân trời thật xa, mù mờ, nhạt nhòa; thành phố như trải rộng đến vô tận. Cây cối dọc đại lộ đang chờ đợi mùa đông, vì mùa thu đã từ từ hiện đến. Bầu trời xám bạc thật sáng bóng, và ngọn gió nhẹ làm gợn sóng mặt sông. Những con bồ câu sáng nay hoạt động thật sớm, đang sưởi ấm trên mái nhà bằng thiếc. Tâm là một cái gì kỳ lạ; tâm tàng chứa trí óc, tư tưởng, tình cảm và chí đến mỗi cảm xúc tinh tế nhất, ảo tưởng, tưởng tượng… Tâm không phải là cộng chung hết cả những yếu tố trên, tuy nhiên không có chúng thì tâm không có; tâm còn hơn hẳn cái nó tàng chứa. Không có tâm thì những yếu tố nó tàng chứa cũng không có nốt; chính qua tâm mà chúng có mặt. Trong cái rỗng rang của tâm, lý trí, tư tưởng, tình cảm và tất cả ý thức đều có mặt. Cây không phải là tiếng diễn tả được chính nó, cũng không phải lá, cành hoặc rễ; cây là toàn thể những cái đó mà lại không phải là một thứ gì trong những cái đó. Tâm là cái rỗng rang đó và chính ngay trong lòng tâm những sự vật hiện hữu, nhưng những sự vật này không phải là tâm. Từ cái rỗng rang đó sinh ra không gian, thời gian. Nhưng trí óc và những thuộc cấp của nó bao trùm hết cả phạm vi của sự sống; trí óc bận rộn với vô số những vấn đề, bản thể của tâm vượt khỏi tầm tay của trí óc, vì chính trí óc vận hành một cách chia chẻ và những mảnh vụn, dù nhiều đến đâu, cũng không tạo thành cái toàn thể được. Tuy nhiên, trí óc tự mình sử dụng những mảnh vụn đối nghịch, tập hợp lại để cấu tạo cái toàn thể. Cái toàn thể thì không bao giờ là đối tượng của sự tập hợp.
Hoạt động của ký ức, kiến thức đang vận dụng, xung đột của dục vọng đối chọi nhau, tìm cầu tự do đều luôn luôn bị rào kín trong giới hạn của trí óc; trí óc có thể thanh lọc, mở rộng, tích lũy những ham muốn của nó, nhưng đau khổ sẽ tồn tại. Khi mà tư tưởng chỉ là sự đáp trả của ký ức, của kinh nghiệm, thì sẽ không chấm dứt được đau khổ. Trí óc là một “suy tư” phát xuất từ cái rỗng rang toàn vẹn của tâm; cái rỗng rang này không có trung tâm do đó có khả năng hoạt động vô hạn. Từ cái rỗng rang này sáng tạo sinh ra, nhưng đó không phải là tài khéo của con người. Sáng tạo phát sinh từ cái không, và đó chính là tình yêu và sự chết.
Lại thêm một ngày lạ lùng. Vào mọi lúc, đều có mặt “bờ bên kia”, dù đi đến đâu, làm việc gì. Trí óc, rất yên tĩnh, không mê ngủ, nhưng tỉnh táo và bén nhậy, hình như tự chuyển động trong chính nó. Có cảm tưởng là quán sát từ một chiều sâu vô hạn. Tuy nhọc mệt, thân vẫn thức tỉnh một cách lạ lùng. Một ngọn lửa cháy sáng không dứt.
Ngày 14.
Trời đã mưa suốt đêm, thật là dễ chịu sau nhiều tuần nắng và bụi. Mặt đất khô cứng nứt nẻ; một lớp bụi dày phủ trên lá cây, mưa đã tưới thảm cỏ. Những ngày vừa qua nắng chói không mưa, thật là khó chịu trong một thành phố dơ bẩn và đông đúc; khí trời nặng nề; bây giờ mưa mới rơi được vài giờ. Riêng có những chú bồ câu là không bằng lòng; chúng đậu nơi nào tùy ý, nhưng chúng buồn bã và không gù gù nữa. Bầy chim sẻ thường tắm chung với chúng, giờ đây trốn mất; nhút nhát và mạnh dạn bay đến sân thượng, nhưng trận mưa to đã tưới ướt khắp nơi và mặt đất đẫm nước.
Một lần nữa, gần như suốt đêm, phép lành hiện diện dù trong cơn buồn ngủ; nhận được khi thức giấc, mạnh bạo, khẩn thiết, dai dẳng, phép lành như được duy trì suốt cả đêm. Theo phép lành luôn luôn có chơn mỹ cao cả không thêu dệt với những hình ảnh, tình cảm, tư tưởng. Chơn mỹ không là tư tưởng, cũng không là tình cảm: chơn mỹ không liên hệ chút nào với cảm xúc hoặc tính đa cảm.
Có nỗi sợ hãi. Sợ hãi không bao giờ có ngay lúc này, mà hiện đến trước hoặc sau giây phút hiện tại. Nó có còn là sợ hãi hay không khi nó hiện hành trong lúc hiện tại đang vận hành? Sợ hãi ở đó, ta không thể lẫn tránh được, không thể trốn thoát được. Nhưng ngay lúc hiểm nghèo, dù mang tính vật lý hay tâm lý, khi có chú tâm toàn vẹn thì không có sợ hãi. Chính sự tán tâm đưa đến sợ hãi; sợ hãi phát sinh khi nó trốn né hay có ý định tránh thoát khỏi sự kiện thực tế; trong trường hợp này chính trốn tránh là sợ hãi.
Sợ hãi dưới mọi hình thức, tội lỗi, lo âu, hy vọng, thất vọng, đều có mặt trong tất cả mối tương giao; sợ hãi ở đó trong bất cứ sự kiếm tìm an ổn nào cũng như trong cái gọi là tình yêu, thương mến; sợ hãi cũng có mặt trong khát vọng và thành công, trong sự sống và cái chết, lan nhiễm đến cả sự vật vật lý lẫn yếu tố tâm lý. Sợ hãi hiện hữu dưới biết bao hình thức và ở mọi tầng lớp ý thức của chúng ta. Chính sợ hãi sinh ra tự vệ, tính đề kháng và cự tuyệt. Có sợ hãi bóng đêm, ánh sáng; sợ đi, sợ đến. Sợ hãi xuất hiện và biến mất trong ước muốn được an ổn trong lòng hoặc bên ngoài, ước muốn được bền vững, thường tồn. Sự tương tục thường tồn này, người ta tìm kiếm khắp nơi, trong đức hạnh, tương giao giữa con người với nhau, hành động, kinh nghiệm, kiến thức, trong những sự vật nội tâm hoặc ngoại giới. Tìm cầu được an ổn là khát vọng miên trường. Chính lòng khao khát thường trực này sinh ra sợ hãi.
Nhưng nội tâm hay ngoại giới có thường tồn hay không? Có thể có cho đến một mức nào đó, ít nhất là ở ngoại giới, dù thế nào đi nữa cũng vẫn mong manh. Vẫn còn có những cuộc chiến, cách mạng, sự tiến bộ, những tai nạn rủi ro hoặc động đất. Người ta cần cơm ăn, áo mặc, nhà ở; đó là nhu cầu bức thiết cho tất cả mọi người. Dù chúng ta có tìm kiếm sự thường tồn một cách mù mờ, không phải là không có lý, có chăng một sự bền vững, một sự tương tục nội tâm, một sự thường tồn? Điều đó không có. Sợ hãi là đào thoát trước sự thật này. Sự bất lực của chúng ta khi chạm trán với sự thật này nuôi dưỡng mọi hình thức hy vọng và thất vọng.
Chính tư tưởng là nguồn gốc của sợ hãi. Tư tưởng là thời gian; dự phóng ngày mai có thể là vui hay khổ; nếu vui sướng tư tưởng sẽ theo đuổi, lo sợ vui sướng này chấm dứt; nếu khổ cực, tư tưởng tránh né và chính sự kiện này là sợ hãi. Lạc cũng như khổ đều là nguyên nhân đưa đến sợ hãi. Hiểu biết hiện tượng của tư tưởng, cơ chế của ký ức, của kinh nghiệm mới chấm dứt được sợ hãi. Tư tưởng là cả toàn bộ tiến trình của tâm ý thức, hữu thức cũng như tiềm thức; tư tưởng không chỉ là đối tượng mà còn là căn nguyên của chính tâm thức. Tâm thức không chỉ là đức tin, tín điều, ý tưởng hoặc lý trí, tâm thức còn là trung tâm từ đó những thứ trên phát sinh. Trung tâm này là căn nguyên của mọi nỗi sợ hãi. Nhưng có chăng một kinh nghiệm gì về nỗi sợ, hoặc một sự nhận thức về nguyên nhân nỗi sợ mà tư tưởng có thể phơi phới nhẹ nhàng? Về mặt vật lý tự bảo vệ là bình thường và lành mạnh, nhưng về nội tâm mọi hình thức tự bảo vệ đều là kháng cự, tự bảo vệ luôn luôn thu gom và tích chứa một năng lực, năng lực đó là sợ hãi. Nhưng sợ hãi nội tâm sẽ biến nhu cầu về an toàn ngoại giới thành một bài toán về giai cấp, về uy tín, về quyền lực, và hậu quả là có đấu tranh tàn bạo.
Chính sự quán sát tiến trình của tư tưởng, của thời gian và nỗi sợ hãi, rõ biết toàn diện tiến trình này, chớ không phải chỉ một ý tưởng hoặc một định thức tri thức, sẽ chấm dứt được sợ hãi, trên mặt ý thức lẫn tiềm thức. Tự tri là tỉnh thức và là chấm dứt sợ hãi.
Và khi sợ hãi chấm dứt, cũng chấm dứt luôn quyền lực phát sinh ra ảo tưởng, huyền thoại, những ảo ảnh cùng đoàn tùy tùng là hy vọng và thất vọng, và chỉ lúc đó mới bắt đầu một chuyển động vượt lên trên tâm thức, tâm thức đó là tư tưởng và tình cảm. Đó là sự đoạn diệt trong những lằn nếp sâu kín nhất của dục vọng, của nhu cầu ẩn khuất thâm cùng. Lúc đó, khi cái rỗng rang tròn đầy, khi thực sự không còn một chút gì, không ảnh hưởng, không giá trị, không ranh giới hoặc ngôn ngữ, lúc đó, trong cái vắng lặng toàn bộ của thời gian và không gian, sẽ xuất hiện một cái không tên tuổi.
Ngày 15.
Một buổi tối đẹp, bầu trời trong sáng và sao đêm lấp lánh, dù ánh sáng lờ mờ từ thành phố; trong khi ngọn tháp chìm trong vùng sáng từ khắp nơi rọi đến, ta có thể thấy đường chân trời từ xa, và thấp hơn, những đốm sáng rớt trên con sông; một buổi tối an bình, dù có tiếng ồn âm thầm của xe cộ lưu thông. Tựa như ngọn sóng bao trùm những hạt cát, thiền định xuất hiện. Không phải là thiền định mà trí óc có thể nắm bắt trong những cạm bẫy ký ức của nó; nhưng ở đây trí óc hoàn toàn buông thả, không một chút đề kháng. Thiền định vượt hẳn lên mọi định thức, mọi phương pháp; mọi thức này cũng giống như sự lặp đi lặp lại sẽ hủy diệt thiền định. Chuyển động bao la của thiền định trùm khắp tất cả, các vì sao, tiếng động, cái yên tĩnh và rộng lớn của mặt nước. Nhưng lại không có người thiền định, vì người thiền định, người quán sát, phải không có mặt để cho thiền định hiện hữu. Vắng bóng con người thiền định là thiền định, và chỉ khi con người thiền định biến mất thì thiền định mới là một cái gì khác hẳn.
Sáng nay thật sớm, Orion đã xuất hiện ở chân trời, Thất Tinh Quân gần như ngay thiên đỉnh. Tiếng ồn của phố thị đã im bớt, còn điểm sáng nơi cửa sổ, gió đông thật mát lạnh, dễ chịu. Khi có chú tâm toàn vẹn, thì không có kinh nghiệm. Chỉ có kinh nghiệm nếu không chú tâm. Chính không chú tâm gom góp kinh nghiệm, gia tăng ký ức, dựng lên những bức tường đối kháng; cũng chính không chú tâm tạo lập những hoạt động quy ngã. Không chú tâm là tập trung, tức là đào thải, phân chia. Tập trung biết được tán tâm và cũng biết đến mối xung đột triền miên của chế ngự và kỷ luật. Trong trạng thái không chú tâm, mọi phản ứng đối với thách thức không sao chính đáng được. Sự thiếu kém này lập thành kinh nghiệm. Kinh nghiệm sinh ra tính vô cảm, làm cứng ngắt cơ chế của tư tưởng, làm dày đặc thêm bức tường của ký ức; tập quán và thói quen sẽ biến thành tiêu chuẩn. Kinh nghiệm, không chú tâm đều không có tính giải phóng. Thiếu chú tâm là già cỗi từ từ.
Chú tâm toàn vẹn không có kinh nghiệm, vì không còn trung tâm để cho kinh nghiệm lao mình vào, cũng không có phạm vi để cho kinh nghiệm đóng khung. Chú tâm không phải là tập trung thu nhỏ lại, có giới hạn. Chú tâm toàn vẹn trùm khắp, không bao giờ loại trừ. Chú tâm một cách phiến diện cạn cợt lại là không chú tâm; chú tâm toàn vẹn bao hàm bề mặt hiện nổi cũng như chỗ thâm cùng sâu kín, quá khứ, ảnh hưởng của quá khứ trên hiện tại, chuyển động của quá khứ đến tương lai. Tất cả tâm ý thức đều từng phần, cục bộ, tù hãm, trong khi chú tâm toàn vẹn bao trùm ý thức với những giới hạn của nó; do đó chú tâm có khả năng xóa bỏ biên cương và giới hạn. Mọi tư tưởng đều bị ước định, và tư tưởng không có năng lực để cởi bỏ ước định. Tư tưởng là thời gian và kinh nghiệm. Tư tưởng là hậu quả chủ yếu của sự không chú tâm.
Cái gì có thể tạo ra chú tâm toàn vẹn? Không một phương thức nào, không một hệ thống nào. Những thứ này hứa hẹn kết quả. Nhưng chú tâm toàn vẹn không phải là một kết quả, tình yêu cũng không phải thế; chúng ta không thể khơi dậy sự chú tâm, không một hành động nào có thể khêu gợi sự chú tâm. Chú tâm toàn vẹn là phủ nhận những kết quả do sự không chú tâm gây ra, nhưng sự phủ nhận này không phải là hành vi của sự chuyên chú có ý thức. Cái sai phải được loại bỏ, nhưng không phải vì chính cái đúng đã được hiểu biết trước đó, không còn sai khi đã biết đúng. Cái đúng thật không phải là đối nghịch của cái lầm giả; tình yêu không phải là đối nghịch của hận thù. Hiểu biết hận thù không đưa đến hiểu biết tình yêu. Loại bỏ cái lầm giả, loại bỏ cái có quan hệ với sự không chú tâm không phải là kết quả của ý muốn đi đến chú tâm toàn vẹn. Thấy biết cái lầm giả như đang là, cái đúng thật như đang là và cái thật trong cái giả không phải là hậu quả của sự so sánh. Thấy biết cái giả như giả là chú tâm, nhưng cái giả sẽ không được thấy là giả khi còn có ý kiến, phán đoán, lượng giá, trói buộc v.v… Mọi thứ này là hậu quả của sự không chú tâm. Chú tâm toàn vẹn là quán chiếu vào mọi cơ cấu của sự không chú tâm. Tâm có chú tâm là tâm rỗng rang.
Tính thanh tịnh của “bờ bên kia” là cái lớn lao vô hạn, là sức mạnh khôn cùng của nó, nó ở đó sáng nay, trong sự tĩnh lặng dị thường.
Ngày 16.
Đêm trong suốt, sáng ngời; không một gợn mây. Tuyệt hảo một cách không ngờ trong một thành phố. Mặt trăng nằm dưới vòm của ngọn Tháp, toàn cảnh quá giả tạo đến nỗi như phi thực. Khí trời thật êm dịu, dễ chịu như một đêm hè. Trong cái lặng im, trên bao lơn, mọi tư tưởng đều rút lui, và thiền định như ấn dấu của một chuyển động tự nhiên, không phương hướng chính xác. Tuy vậy vẫn có một hướng không bắt đầu từ đâu và đi về cái rỗng rang vô cùng, trụ xứ của bản thể vạn vật. Trong cái rỗng rang có một chuyển động bành trướng, nổ bùng, và sự bùng nổ này chính là sáng tạo và hủy diệt. Tình yêu là thực chất sáng tạo này.
Sự tìm cầu của chúng ta thường bắt nguồn từ sợ hãi. Nếu chúng ta không sợ hãi, chúng ta sẽ tìm kiếm không động cơ. Sự tìm kiếm này không phát sinh từ bất mãn; không hài lòng về mọi hình thái của tư tưởng, của cảm thức, thấy được sự vô nghĩa của chúng đều không phải từ bất mãn. Bất mãn sẽ được xoa dịu dễ dàng khi tư tưởng, tình cảm tìm được nơi trú ẩn dưới hình thức là thành công, là vị trí ưu đãi trong xã hội, là đức tin, để rồi ngay sau đó khi nơi trú ẩn này bị hăm dọa, bị lung lay hoặc sụp đổ, sẽ lại tái phát. Hy vọng, rồi thất vọng, chu kỳ này quen thuộc với hầu hết chúng ta. Tìm kiếm mà động cơ là bất mãn chỉ có thể dẫn đến một dạng thức của ảo tưởng, cá nhân hoặc tập thể, và ảo tưởng này sẽ là tù ngục với muôn ngàn thứ hấp dẫn. Nhưng có sự tìm kiếm không với một động cơ nào. Vậy có phải đó là sự đuổi bắt? Đuổi bắt có phải là không hàm ý một đối tượng, một mục tiêu đã biết trước, đã cảm nhận hoặc định thức trước? Nếu mục tiêu đã định thức, thì đó là do tư tưởng tính toán và gom góp mọi việc đã biết trước hay đã sống qua; muốn đuổi bắt người ta dàn dựng những phương pháp, những hệ thống. Điều này chắc chắn không phải là tìm kiếm, đó chỉ là lòng ham muốn thọ nhận một phần thưởng hay chỉ muốn đào thoát trong viễn ảnh hoặc trong hy vọng do một chủ thuyết hay một tín ngưỡng ban cho. Điều này không phải là tìm kiếm. Khi sợ hãi, bất mãn, đào thoát đã mất hết ý nghĩa, thì sự tìm kiếm sẽ còn lại cái gì? Khi động cơ của mọi sự đuổi bắt biến mất, bất mãn và sự đòi hỏi thành công chết hẳn; thì lúc đó có sự tìm kiếm hay không? Nếu không, thì ý thức có bị hư hoại không? Có bị giam hãm không? Ngược lại, sự tìm kiếm, vì lôi kéo con người hết vào cuộc dấn thân này đến cuộc dấn thân khác, từ nhà thờ này đến thánh đường nọ, đã làm tiêu mòn năng lực cốt yếu để hiểu biết cái “đang là”. “Cái đang là” luôn luôn mới mẻ, không bao giờ đã là và không bao giờ sẽ là. Sự giải phóng năng lực này chỉ có thể được khi mọi hình thức đuổi bắt dừng hẳn.
Một buổi sáng không mây, trời còn rất sớm, thời gian như dừng lại. Bây giờ là 4g30, nhưng thời gian hình như mất hết ý nghĩa. Cũng như hôm qua, ngày mai, hoặc giây phút sắp đến đều không có. Thời gian bất động và cuộc sống trôi chảy không một hình bóng, cũng không tư tưởng hoặc cảm thức. Thân vẫn ở đó trên sân thượng. Trước mặt, ngọn tháp cao với ánh đèn pha, vô số ống khói. Trí óc nhìn thấy những thứ trên nhưng vẫn ở ngang đó. Thời gian, đồng hóa với sự lượng giá, với tư tưởng, với cảm thức, đã dừng lại. Không có thời gian; tất cả mọi vận hành đều dừng bặt, nhưng tuy vậy không có một cái gì bất động im lìm. Trái lại có cả một cường lực dị thường, một sự bén nhậy, một ngọn lửa bừng cháy không hơi nóng, không màu sắc. Phía trên là cụm Thất Tinh Quân, và phía dưới hướng Đông, trên đỉnh những mái nhà, “Orion” và Sao Mai. Và với ngọn lửa ấy là niềm vui và ân phúc. Không phải ta hân hoan, nhưng sự ngất ngây bao trùm, dù ta không đồng hóa với nó, bởi vì thời gian dừng bặt. Ngọn lửa ấy không thể đồng hóa, cũng không liên kết với bất cứ thứ gì. Ngọn lửa ở đó vì thời gian đã dừng bặt. “Orion”, Thất Tinh Quân rồi Sao Mai đều biến mất khi bình minh đến.
Ngày 17.
Ngày nóng bức, ngột ngạt, ngay như bồ câu cũng lẫn trốn. Trong thành phố, khí nóng này thật là không dễ chịu chút nào. Trong cái tươi mát ban đêm thấy được vài ngôi sao, ánh đèn phố xá không làm lu mờ nổi vẻ lấp lánh của chúng, cường lực dị thường của chúng.
Đó là một ngày của “bờ bên kia”; nó tiếp tục một cách nhẹ nhàng, tỏa sáng, đôi lúc mãnh liệt, để rồi dịu xuống và tiếp tục duy trì. Sự hiện diện của “bờ bên kia” mạnh đến đỗi mọi cử động đều không thể có được, bắt phải ngồi xuống. Thức giấc nửa đêm, sự hiện diện này thật là mãnh liệt và mạnh bạo. Và trên sân thượng, khi tiếng ồn náo của phố xá bớt chói tai, mọi hình thức thiền định đều trở nên không thích đáng, vô ích trước cái tròn đầy của sự hiện diện này. Đó là phép lành, và mọi thứ khác đều có vẻ như ngu xuẩn và trẻ con. Vào những lúc như thế, trí óc luôn luôn tĩnh lặng nhưng không bao giờ ngủ quên, và toàn thân không một cử động. Thật là một điều kỳ dị.
Con người thay đổi thật là quá ít ỏi. Có thay đổi vì áp lực bắt buộc, áp lực bên ngoài hoặc bên trong, nhưng thực sự họ chỉ có làm một việc là tự sửa sai. Một thế lực, một lời nói, một động tác thúc đẩy con người biến chuyển – nhưng quả là ít ỏi – cả khuôn mẫu của thói quen. Tuyên truyền, một tờ báo, một biến cố, đôi khi thay đổi dòng sống đang trôi chảy đến một mức độ nào đó. Sợ hãi, ban thưởng bẻ gãy được một thói quen của tư tưởng để rồi sẽ nổi lên trở lại thật là dễ dàng dưới một hình thức khác. Một phát kiến mới, một tham vọng mới hoặc một tín ngưỡng mới quả có đưa đến một vài biến đổi, nhưng những biến đổi này chỉ trên bề mặt và có tác dụng như ngọn gió mạnh thổi trên mặt nước; không xoáy sâu, không tàn phá, không căn để. Mọi biến chuyển có động cơ đều không phải là biến chuyển chút nào. Cách mạng xã hội và kinh tế là phản ứng, và mọi biến đổi do phản ứng gây ra không phải là biến đổi tận căn để; đó chỉ là biến đổi một khuôn mẫu, một sự sửa sai, một ước muốn máy móc được tiện nghi, được an toàn, một vấn đề đơn sơ về kế sống vật chất.
Vậy cái gì có thể đưa đến chuyển hóa tận căn để? Tâm ý thức, nổi hoặc chìm, mọi cơ chế của tư tưởng, của cảm thức, của kinh nghiệm, đều tiến hành trong giới hạn của thời gian và của không gian. Tâm thức là một toàn thể không chia chẻ được; phân chia tâm thức ra hữu thức và tiềm thức chỉ cốt tiện dụng cho ngôn ngữ, cho truyền thông, nhưng không phải là sự thật. Tầng lớp mặt trên của tâm thức, có thể tự điều chỉnh, tự hiệu chính, tự sửa sai, thu nhập những kiến thức mới, kỹ thuật chuyên môn mới và sự kiện thực tế; tầng lớp tâm thức này có thể tự biến đổi để tự thích nghi với hoàn cảnh xã hội, kinh tế mới, nhưng những thay đổi kiểu này phiến diện và không bền chắc. Qua những giấc mộng, vô thức tức tiềm thức có thể gợi ra, chỉ cho thấy dấu vết và đòi hỏi của nó, những ước muốn chôn kín của nó và sự kiện thực tế. Những điềm mộng phải được giải mã, nhưng người đoán mộng luôn luôn bị ước định. Những giấc mộng sẽ vô ích, không nghĩa lý khi những giờ đang thức có sự sáng suốt không phân biệt, có thể hiểu biết được hành trình của mỗi tư tưởng, mỗi cảm thức; giấc ngủ lúc đó sẽ mang ý nghĩa khác hẳn. Sự phân tích cái gì tiềm ẩn hàm ý có người quan sát và đối tượng bị quan sát, người phê phán và đối tượng bị phê phán. Việc này không những cho thấy có xung đột, mà sự diễn giải, lượng giá cũng không bao giờ có thể đúng được, lý do là sự ước định của người quan sát; vì vậy luôn luôn là sai lầm, lệch lạc. Như thế phân tích, dù được thực hiện bởi chính mình hoặc một người nào khác có tài giỏi đến mấy, có thể mang lại vài thay đổi bề mặt, một sự hiệu chính trong mối tương giao với người khác, nhưng sẽ không gây ra một biến chuyển nào tận căn để trong tâm thức. Phân tích không làm chuyển hóa tâm thức.
Ngày 18.
Những tia nắng xiên cuối cùng chiếu sáng con sông và những chiếc lá hoe đỏ trên hàng cây dọc đại lộ thẳng dài; màu sắc rất chói chang và phong phú; đường băng nước như bừng cháy. Người ta đứng thành đuôi dài trên bến sông đợi xuống đò, tiếng xe cộ ồn ào dễ sợ. Cả thành phố lớn gần như không chịu đựng nổi dưới sức nóng như thế; trời trong sáng, nắng thật khốc liệt. Nhưng sáng nay thật sớm trên sân thượng, khi sao “Orion” thật cao trên bầu trời, lúc những chiếc xe hơi chạy ngang qua bến sông, một sự lặng yên, thiền định trong sự rộng mở toàn vẹn của tâm và trí tiếp chạm đến bờ mé của cái chết. Chết là hoàn toàn mở rộng, là tuyệt đối tổn thương. Chết không có một nơi nào để nương náu; chỉ có trong bóng tối, trong những góc kẹt kín đáo của tư tưởng và dục vọng là có thể ẩn náu được. Chết luôn luôn ở đó trong một trái tim co rúm vì sợ hãi và hy vọng; chết luôn luôn ở nơi nào mà tư tưởng chờ đợi và theo dõi. Trong công viên một chim cú hót lên, tiếng hót thật dễ thương, rõ ràng, trong mát như buổi sáng tinh sương; ta nghe được từng chập, và chim cú chắc phải yêu tiếng hót của mình, bởi lẽ không một thứ gì cất tiếng đáp lại.
Thiền định làm rơi rụng những biên cương của tâm thức; thiền định bẻ gãy cơ chế của tư tưởng cũng như cảm thức do tư tưởng gây ra. Thiền định bị giam hãm trong một phương thức, một hệ thống về ban thưởng hoặc hứa hẹn, sẽ làm tê liệt và ngăn cản năng lực. Thiền định là sự khai phóng dồi dào năng lực, kiểm soát, kỷ luật và trấn áp sẽ làm hư hoại tính thanh tịnh của thiền định. Thiền định là ngọn lửa cháy sáng thật mãnh liệt không lưu lại tro tàn. Từ ngữ, cảm thức và tư tưởng đều để lại tro tàn, và cuộc sống của toàn thể thế giới đều đặt để trên mớ tro tàn đó. Thiền định là mối nguy, vì hủy bỏ hết, triệt để không còn một thứ gì, không còn ngay đến một thoáng dục vọng và, trong cái rỗng rang thênh thang vô tận đó, có sáng tạo và tình yêu.
Chúng ta hãy tiếp tục: phân tích, dù do chính mình hay một chuyên gia thực hiện, đều không mang lại sự chuyển hóa của tâm thức, không một nỗ lực nào có thể làm biến chuyển; nỗ lực là xung đột, chỉ có củng cố những thành lũy của tâm thức. Không một luận cứ nào, dù duy lý và lành mạnh đến đâu, khai phóng nổi tâm thức, vì lý trí chính là ý tưởng thêu dệt bởi ảnh hưởng, kinh nghiệm và kiến thức, và những thứ này lại là con đẻ của tâm thức. Khi ta hiểu được sự lầm lẫn này, đường tiệm cận giả hiệu sát với sự chuyển hóa này, tức bác bỏ cái không ngơ của tâm thức. Chân lý không có cái gì đối nghịch, kể cả tình yêu; chỉ có sự buông bỏ cái đối nghịch mới dẫn đến chơn lý, chớ không phải sự theo đuổi cái đối nghịch. Không có sự buông bỏ nào lại là kết quả của hy vọng và khao khát. Buông bỏ đích thật chỉ có được khi vắng bặt ban thưởng, trao đổi. Chối bỏ chỉ xảy ra khi hành động chối bỏ không liên kết với sự gom vào. Bác bỏ cái sai giả, tức là giải thoát khỏi cái có và cái đối nghịch với cái có. Cái có là quyền lực, và kèm theo là sự chấp nhận, phục tùng, mô phỏng, và kinh nghiệm với kiến thức.
Buông bỏ, tức là sống độc cư, một mình; một mình giải thoát khỏi ảnh hưởng, truyền thống, nhu cầu và lệ thuộc, và từ đó là trói buộc. Một mình là từ bỏ sự ước định, hậu trường. Khuôn mẫu trong đó tâm thức hiện hữu và tận trích cốt tủy của nó lại là sự ước định; một mình tức là nhận biết, không lựa chọn phân biệt về sự ước định và loại bỏ một cách triệt để. Tâm thái một mình không phải là cô đơn buồn bã, một sự bận bịu vị ngã. Một mình không phải là rút lui khỏi cuộc đời; trái lại đây là cuộc sống hoàn toàn thoát khỏi xung đột, đau khổ, sợ hãi và cái chết. Một mình là sự chuyển hóa của tâm thức; sự biến đổi toàn triệt về cái đã là. Tâm thái một mình là rỗng rang chớ không phải là trạng thái có hiện hữu hoặc không hiện hữu. Tâm thái một mình là rỗng rang; trong ngọn lửa không này, tâm trở về tươi trẻ và an nhiên. Và chỉ có tính an nhiên này mới có thể nhận được cái phi thời gian, cái mới mẻ không ngừng tự chết đi. Sự chết đi chính là sinh tạo. Không có tình yêu thì không có sự chết đi.
Bên kia thành phố lớn và rộng này là những cánh đồng, rừng và đồi.
Ngày 19.
Có tương lai hay không? Vì có ngày mai cho nên ngày mai đã được tổ chức với những việc cần phải làm xong; sau ngày mai cũng vậy, biết bao bổn phận cần đến, rồi tuần tới, năm tới. Mọi sự này không thể thay đổi được, không thể sửa đổi chút nào đừng nói chi hoàn toàn thay đổi, nhưng những ngày hôm sau vẫn có, ta không thể chối bỏ được. Có khoảng không gian từ chỗ này đến chỗ kia, gần hoặc xa; khoảng cách tính bằng cây số; khoảng không giữa hai thực thể; khoảng đường do tư tưởng vận hành trong một chốc lát; bờ sông bên kia và mặt trăng tận đằng xa. Thời gian để đi hết khoảng không, khoảng đường, thời gian để băng ngang con sông; từ đây đến kia đều cần có thời gian, có lẽ một phút, một ngày, một năm. Thời gian này, do giờ giấc và mặt trời ấn định, là một phương tiện để đạt tới. Điều này thật là dễ hiểu và rõ ràng. Có chăng một tương lai độc lập với thời gian niên đại, cơ học? Có chăng một kết quả, một mục tiêu tối hậu trong đó cần đến thời gian?
Những chú bồ câu sáng nay đã đậu trên mái nhà thật sớm; chúng gù lên, rỉa lông, quay vòng xe và đuổi bắt nhau. Vầng thái dương vẫn chưa lên, và cụm mây nhẹ mỏng rải rác trên nền trời, chưa nhuốm màu sắc nào; tiếng ồn náo của xe cộ cũng chưa nổi dậy. Còn một thời gian khá lâu nữa những tiếng động quen thuộc mới vang lên; ẩn sau bên kia các bức tường là vườn tược. Chiều hôm qua đã cấm không cho ai bước lên thảm cỏ, đương nhiên là trừ mấy chú bồ câu và vài cô chim sẻ, cỏ thì xanh mướt, xanh một cách lạ lùng, bông hoa thì ngời sáng. Khắp nơi chỗ nào cũng vậy, con người với những sinh hoạt, công việc không bao giờ kết thúc. Và ngọn tháp, rất ư kiên cố đã được lắp ghép thật tinh xảo, mọi thứ này sẽ sớm bị ánh sáng tràn ngập. Cỏ chóng úa, hoa chóng tàn, mùa thu có mặt khắp nơi. Nhưng trước khi đàn bồ câu đáp xuống sân thượng rất lâu, thiền định là hỷ lạc. Trạng thái siêu xuất này không có lý do – hỷ lạc có lý do thì không còn hỷ lạc nữa – hỷ lạc ở đó thật là đơn giản, và tư tưởng không thể sử dụng để tạo thành kỷ niệm; hỷ lạc quá mạnh mẽ và quá sinh động đến nỗi tư tưởng không thể làm trò với nó được. Tư tưởng và cảm thức cũng trở nên yên tĩnh và lặng lẽ. Trạng thái siêu xuất đến từng đợt liên tiếp, thật là sinh động mà không một thứ gì có thể kềm giữ, với hỷ lạc là phép lành. Mọi việc này vượt quá tầm mọi tư tưởng, mọi yêu cầu. Có sự thành đạt nào không? Có thành đạt tức có đau khổ, có bóng tối của sợ hãi. Có sự thành đạt nội tâm, một mục tiêu để tiến đến, một cái gì cần phải sở đắc chăng? Tư tưởng đã ấn định một mục tiêu, Thượng Đế, hạnh phúc, thành tựu, đức hạnh v.v... Nhưng tư tưởng chỉ là phản ứng, sự đáp trả của ký ức, và tư tưởng dẫn đến thời gian để bao trùm không gian giữa cái đang là và cái phải là, có nghĩa là lý tưởng tức ngôn từ, lý thuyết, và phi thực. Thực tại thì không có thời gian; không có mục tiêu để nhắm đến, không có đoạn đường để vượt qua. Thực tại là cái đang là, và cái khác không phải là cái đang là. Không có thực tại nếu không để chết đi lý tưởng, sự thành tựu, mục đích; lý tưởng, mục tiêu, đều là trốn chạy trước thực tại. Thực tại thì vượt ngoài thời gian, không gian. Vậy thì có sự chết hay không? Có hiện tượng suy thoái; cơ chế của thân thể thoái hóa và suy mòn, đó là chết. Nhưng điều này không thể tránh né được, như sự mài mòn cây viết chì này. Đây có phải là nguyên nhân của sợ hãi? Hoặc sợ hãi nằm trong cái chết của thế giới của sự trở thành, của cái được, cái thành? Thế giới này không có giá trị thực sự; đây là thế giới của hư giả, của đào thoát. Thực tại tức cái đang là, và cái phải là là hai thứ hoàn toàn khác nhau. Cái phải là hàm ý thời gian và không gian, đau khổ và sợ hãi. Những thứ sau này chết đi chỉ để lại thực tại, tức cái đang là. Và thực tại thì không có tương lai; tư tưởng vì dẫn đến thời gian, nên không tác dụng đến thực tại được; vì không có năng lực để thay đổi thực tại, nên tư tưởng chỉ có đào thoát khỏi thực tại. Khi đòi hỏi đào thoát này chết đi, thực tại sẽ chịu một chuyển hóa dị thường. Nhưng phải để cho chết đi hết mọi tư tưởng, tức là thời gian. Khi thời gian dưới dạng thức là tư tưởng không còn nữa, thì thực tại, tức cái đang là có hiện hữu hay không? Khi thời gian, tư tưởng được buông bỏ, thì không còn vận hành theo bất cứ khuynh hướng nào, không còn khoảng không phải bao trùm, mà chỉ có cái lặng lẽ của cái không. Đó chính là sự đoạn diệt tuyệt đối thời gian của ngày hôm qua, ngày hôm nay, ngày mai, thời gian theo nghĩa ký ức của sự tương tục, của sự trở thành.
Sống thì vượt ngoài thời gian, sống là hiện tiền sinh động, nhưng hiện tiền này không lệ thuộc vào thời gian. Sống là chú tâm, không nằm trong biên cương của tư tưởng, trong giới hạn của cảm thức. Từ ngữ dùng để thông tin và, cũng như hình tượng, ngay chính chúng không có một ý nghĩa nào. Cuộc đời luôn luôn là hiện tiền sinh động, thời gian luôn luôn thuộc vào quá khứ, và vì thế vào tương lai. Để cho thời gian chết đi tức là sống trong hiện tiền. Chính lối sống này là bất tử chớ không phải cách sống trong ý thức. Thời gian là tư tưởng trong tâm thức, tâm thức thì bị đóng khung. Mạng lưới của tư tưởng, của cảm thức, luôn luôn hằn dấu sợ hãi, đau khổ. Đau khổ sẽ chấm dứt khi thời gian chấm dứt.
Ngày 20.
Ngày nóng bức và không khí thật ngột ngạt trong căn phòng rộng chật ních người. Tuy vậy, tuy nhọc mệt, khi thức giấc lúc nửa đêm, bờ bên kia có mặt trong phòng; ở đó, thật mãnh liệt, tràn ngập căn phòng và lan rộng ra xa, và cũng thâm nhập tận cùng tột trí óc, cùng tột đến nỗi như xuyên qua, vượt qua tư tưởng, không gian, thời gian. Mạnh mẽ đến nỗi không thể tưởng tượng được, với một năng lực quá đỗi không cho phép nằm nán lại và, trên sân thượng, trong làn gió mát, cường lực của bờ bên kia duy trì gần suốt một giờ. Điều này tiếp tục hết cả buổi sáng. Đây không phải là một ảo tưởng, dục vọng thì dùng hình thức cảm giác khoái lạc; tư tưởng thì không thể gầy dựng từ những biến động quá khứ; không một sức tưởng tượng nào lĩnh hội được bờ bên kia. Thật kỳ diệu, cứ mỗi lần như thế là hoàn toàn mới, bất chợt, bất ngờ. Tư tưởng, vì đã cố thử, nên hiểu rằng chính mình không có khả năng gợi nhớ lại thêm nhiều lần khác việc gì đã xảy ra, cả đến khơi dậy lại những biến cố sáng nay cũng không nổi. Việc này vượt quá tầm mọi tư tưởng, mọi dục vọng, mỗi tư tưởng, quá rộng lớn để mọi thứ trên có thể làm cho sống lại, quá bao la để cho trí óc có thể gợi dậy lần nữa. Đây không phải là một ảo tưởng.
Điều càng ngạc nhiên hơn nữa là ta không cảm thấy có liên quan đến; thật là dửng dưng dù cho việc này chợt đến không mời gọi, hoặc không chợt đến. Ta không đùa giỡn với vẻ đẹp và sức mạnh của nó, ta không mời đến cũng không khước từ. Nó đến và ra đi tùy ý.
Sáng nay thật sớm, trước bình minh một chút, thiền định, chỗ mà mọi nỗ lực đã dứt bặt từ lâu, trở thành im lặng, một sự im lặng bị lột trần trung tâm, tức cả chu vi. Thiền định chỉ là im lặng. Không tính chất, không vận hành, không chiều cao cũng như chiều sâu. Tuyệt đối bất động. Sự bất động này mang một chuyển động trải rộng đến vô cực, mà ta không thể đo lường trong thời gian và cả không gian. Bất động bùng nổ, lan rộng không dứt. Nhưng sự bất động này không có trung tâm, nếu có một trung tâm thì không còn là bất động nữa, mà là một sự phân hóa tù hãm; sự bất động này hoàn toàn không dính líu đến những cái phức tạp của trí óc. Tính chất của sự im lặng do trí óc tạo nên hoàn toàn khác với cái im lặng của buổi sáng nay. Im lặng không một cái gì có thể khuấy động, vì không có sự đề kháng; tất cả đều ở nơi nó và nó vượt qua hết mọi sự. Tiếng ồn của những chiếc xe tải tiếp tế đầu tiên chạy trên đường sáng nay không làm rộn một chút nào đến sự im lặng này, cả đến những chùm tia sáng từ tháp cao cũng vậy. Im lặng ở đấy, vượt khỏi thời gian.
Khi mặt trời lên, một cụm mây lộng lẫy bắt được ánh nắng và phóng chiếu lên nền trời những tia sáng màu xanh. Ánh nắng đùa giỡn với bóng tối, trò chơi tiếp tục cho đến khi cụm mây kỳ ảo biến mất sau hằng ngàn cột khói. Dù được giáo hóa một cách thông thái và khôn ngoan đến đâu, trí óc cũng vẫn còn hạn hẹp. Nó vẫn luôn luôn hạn hẹp dù có làm gì đi nữa. Trí óc có thể lên đến mặt trăng và hơn thế nữa, hoặc đi xuống tận cùng quả đất; trí óc có thể sáng chế, tạo dựng những máy móc phức tạp nhất, những máy vi tính có khả năng chế ra những chiếc máy khác; trí óc có thể hủy diệt, tái tạo trở lại, nhưng vẫn luôn luôn hạn hẹp dù có làm gì đi nữa. Vì trí óc chỉ có hoạt động được trong thời gian và không gian, nên quan điểm triết lý của nó bị hạn cuộc do sự ước định của chính nó; lý thuyết và tư biện của nó bị mắc lưới do chính tính quỷ quyệt của nó. Dù có làm gì đi nữa trí óc cũng không thoát ra khỏi chính nó. Thượng đế, đấng cứu rỗi, bậc thầy và đạo sư của nó cũng nhỏ bé và hạn hẹp như chính nó. Nếu nó ngu xuẩn, nó sẽ cố lập mưu mà ta đánh giá bằng từ ngữ của thành công. Không ngừng đuổi bắt và bị đuổi bắt, bóng tối của nó lại làm nó đau khổ. Dù có làm gì đi nữa, trí óc vẫn luôn luôn hạn hẹp.
Hành động của trí óc chính là phi hành động (bó tay, bất lực) trong sự đuổi bắt chính nó; sự cải thiện của nó luôn luôn kêu gọi những sự cải thiện khác. Nó bị kềm giữ bởi chính hành động cũng như phi hành động của nó. Không bao giờ trí óc ngủ im, và những giấc mộng của nó đều do tư tưởng đánh thức. Dù trí óc có năng động, cao thượng hay hèn mạt, nó vẫn luôn luôn nhỏ hẹp. Tính nhỏ hẹp của trí óc không chấm dứt được. Trí óc không thể trốn chạy chính nó; đức hạnh của nó cũng ty tiện như đạo đức của nó. Nó chỉ có thể làm được một việc duy nhất: tuyệt đối hoàn toàn im lặng. Im lặng này không phải là ngủ quên, cũng không là biếng nhác. Trí óc thì bén nhậy, và để giữ nó đừng phản ứng quen thuộc theo kiểu tự vệ, đừng quen thói phán đoán, kết án hay tán dương, điều duy nhất mà trí óc có thể làm được là tuyệt đối im lặng, có nghĩa là duy trì một tình trạng từ bỏ, phủ nhận toàn bộ những hoạt động của nó và ngay cả chính nó. Trong trạng thái phủ nhận này, trí óc không còn nhỏ hẹp ty tiện nữa; lúc đó nó không còn cố thu gom để thành công, tự thành tựu, trở thành. Trí óc lúc đó là chính nó: tự động, sáng tạo, tính toán, tự vệ. Một chiếc máy toàn hảo không bao giờ ty tiện, máy sẽ tuyệt vời khi nó vận hành ngay tầm mức của nó. Như mọi loại máy, trí óc cũng hao mòn và liệt chết. Trí óc trở nên ty tiện khi nó sử dụng để học hỏi cái bất tri, cái vô lượng. Chức năng hoạt động của nó nằm trong cái hữu tri, nó không thể hoạt động trong cái bất tri. Những sáng chế của nó ở trong phạm vi hữu tri, nó sẽ không bao giờ nắm bắt được sự sáng tạo của cái bất khả tri, dù cho dùng đến ngôn ngữ hay nghệ thuật. Trí óc không thể biết đến chơn mỹ. Chỉ trong lặng im tuyệt đối, vô ngôn, một sự vô hành không tạo tác, không chuyển động, thì cái bao la vô hạn mới xuất hiện.
Ngày 21.
Con sông tiếp nhận ánh nắng ban chiều, và trên cầu dòng lưu thông cuồn cuộn chảy. Trên lề đường đám đông người bước vội về nhà sau một ngày làm việc trong công sở. Sông lấp lánh, từng ngọn sóng nhỏ đuổi bắt nhau, ta có thể nghe tiếng sóng nếu không có tiếng ồn điên khùng của xe cộ. Phía xa nơi hạ lưu, ánh nắng trên mặt nước đổi màu, trở nên sâu đậm hơn, chẳng bao lâu trời tối. Phía bên kia ngọn tháp vĩ đại mặt trăng ló dạng thật dị thường, có vẻ nhân tạo, phi thực, tương phản với kiến trúc tháp cao ngất; có đông người trên mái bằng, nhà hàng ăn đã thắp đèn và mở cửa cho thực khách. Trong hơi sương đêm, những chùm sáng quét lên bầu trời còn rực rỡ hơn cả ánh trăng. Mọi vật trông như rất xa, ngoại trừ ngọn tháp. Chúng ta biết về chính mình thật là ít ỏi. Hình như chúng ta thông thạo về những vấn đề khác, khoảng cách từ đây đến cung trăng, bầu khí quyển sao Vệ Nữ, sự thiết lập những bộ óc điện tử phức tạp nhất, sự phân rã của hạt nhân, của vật chất vi ti nhất. Nhưng về chúng ta, chúng ta rất ít hiểu biết. Đi lên cung trăng quả thật thích thú hơn là đi vào chính mình; phải chăng tính lười biếng, nỗi sợ hãi kềm giữ chúng ta lại, hay đơn giản chỉ là do việc sau này không mang lại cho chúng ta danh tiếng, và lợi lộc vật chất cũng không? Đây là một cuộc hành trình quá đỗi dài so với đi lên mặt trăng; không có bộ máy nào có thể dẫn dắt chúng ta, và cũng không một ai, một quyển sách nào, một đạo sư nào, cũng không một lý thuyết nào có thể giúp đỡ chúng ta. Chúng ta tự mình thực hiện. Việc này đòi hỏi nhiều năng lực hơn sự sáng tạo và sự lắp ráp một chiếc máy lớn. Và năng lực này không thể có được từ bất cứ loại thuốc men, hay tác động hỗ tương trong mối tương giao, từ bất cứ thứ kỷ luật hay sự từ bỏ nào. Không một vị thần thánh, không một nghi thức tập tục nào, không một tín ngưỡng hay lời cầu nguyện nào có thể khơi dậy được năng lực này. Ngược lại, chính hành vi lìa bỏ và ý thức cao độ đến tầm mức những thứ trên, mà năng lực này sẽ thâm nhập vào ý thức và vượt qua ý thức.
Ta không thể đạt được năng lực này qua sự tích lũy kiến thức về chính mình. Mọi hình thức tích lũy, mọi sự trói buộc vào tích lũy sẽ làm suy giảm và hư hỏng năng lực. Kiến thức về chính mình sẽ cột chặt, làm cho trì trệ, tê liệt; không còn tự do để chuyển động, và lúc đó, con người hành động và chuyển động trong giới hạn của kiến thức. Học hiểu về chính mình không phải là tích lũy kiến thức về chính mình. Học hiểu là một thực tại sống động, tri kiến là quá khứ; người nào học để tích lũy kiến thức thì không còn học hiểu nữa; tri kiến thì không sinh động, ta có thể thêm vào hoặc lấy bớt, điều này không thể áp dụng cho hành vi học hiểu vì học hiểu là sinh động, và không lúc nào có sự tích lũy được. Hiểu biết, học hiểu về chính mình vô thủy và vô chung, trong khi tri kiến có khởi và có dứt. Tri kiến thì chấm dứt được, còn hành vi học hiểu và hiểu biết không có sự chấm dứt.
Bạn là sản phẩm của sự tích lũy từ đời sống hằng bao thế kỷ, với những hy vọng, dục vọng của con người, cộng thêm lầm lỗi, lo âu, tín ngưỡng và thánh thần, được và mất; bạn là mọi thứ trên với những thêm thắt mới đây. Học hiểu để biết điều này, tận chiều sâu cũng như bề mặt, không chỉ đơn giản là phát biểu những điều hiển nhiên, những kết luận. Học hiểu là kinh nghiệm trực tiếp hoặc đầy cảm xúc về những sự kiện; là nhập cuộc tiếp chạm với chúng, không phải trên lý thuyết hay trên ngôn từ, mà thực sự như một người đang đói.
Không thể học hiểu được khi có mặt người học hiểu; con người này tượng trưng cho sự tích lũy, quá khứ, kiến thức. Có sự phân hai, và như thế có xung đột giữa người học và đối tượng bị học. Xung đột sẽ hủy hoại, làm suy giảm năng lực cần thiết để học hiểu cho đến tận cùng cơ cấu toàn diện của tâm thức. Chọn lựa là xung đột và đối chọi với sự quán sát, kết án, phê phán cũng thế. Khi có quán sát, hiểu biết sự kiện thực tế, không phải trên ngôn từ cũng không trên lý thuyết, khi sự kiện này được thấy biết như thị, thì có học hiểu từ thời khắc này đến thời khắc sau, và hành vi này vô tận; chính điều này quan trọng hơn hết chớ không phải những sự thất bại, thành công hay lầm lỗi. Chỉ có cái thấy, chớ không phải người thấy và đối tượng bị thấy. Tâm thức bị giới hạn, chính bản chất của tâm thức cũng hạn hẹp; tâm thức vận hành trong khung cảnh của chính nó, đó là kinh nghiệm, ký ức, kiến thức. Học hiểu về sự ước định này sẽ phá tung khung cảnh này; tư tưởng và cảm thức lúc đó có vai trò bị giới hạn; chúng không thể can dự vào những vấn đề bao la và sâu xa của đời sống. Nơi nào cái ngã dứt bặt, với những mánh khóe lộ liễu hay âm thầm, những đòi hỏi hay nhu cầu bức thiết, vui và khổ, thì sẽ khai mở một sức sống chuyển động vượt khỏi thời gian và nanh vuốt của thời gian.
Ngày 22.
Một chiếc cầu nhỏ dành cho khách bộ hành bắc ngang con sông; chỗ này hơi yên tĩnh được một chút. Nước sông chan hòa ánh nắng, một chiếc xà-lan chạy ngược lên, chở đầy cát biển; một loại cát mịn và sạch. Một đống cát đã chất cao trong công viên cho trẻ con. Vài đứa đang đào bới thành đoạn đường hầm dài, chúng xây một tòa lâu đài to lớn có hào mương vây quanh và tha hồ nô đùa. Đó là một ngày dễ chịu khá mát mẻ, nắng không gắt lắm, và trong không khí có hơi mát. Ta ngửi được hương vị mùa thu, nhiều cây mới nhuốm vàng, ngả sang màu nâu. Cây cối đang chuẩn bị sang đông; nhiều cành đã trụi lủi, sắc màu đen so với nền trời tái nhạt; mỗi cội cây có màu sắc riêng, độ đậm thay đổi, đi từ nâu đỏ đến vàng nhạt. Tất cả, dù đang chết khô, đều tuyệt đẹp. Buổi chiều đầy ánh nắng và an bình, dù có tiếng ồn ào của xe cộ.
Có vài bông hoa trên sân thượng, những đóa hoa màu vàng tươi và chói hơn bao giờ hết sáng nay; trong tia nắng đầu ngày chúng như có vẻ thức tỉnh hơn và đậm màu hơn những đóa bên cạnh. Phương đông từ từ sáng lên, và “bờ bên kia” tràn đầy căn phòng; nó đã ở đấy vài giờ. Ban đêm, khi thức giấc, sự hiện diện của “bờ bên kia” hoàn toàn có thực, khách quan, không một tư tưởng, không một giấc mơ nào có thể khơi dậy sự hiện diện đó. Buổi sáng toàn thân triệt để bất động, giống như trí óc, không một chút động đậy. Chẳng hề mơ màng, trí óc hết sức tỉnh thức, quan sát không một lời giải thích. Đây là sức mạnh thanh tịnh không thể với tới, và theo đó là một năng lực đột ngột, bất ngờ. Năng lực ở đấy, lúc nào cũng mới mẻ, thấu nhập. Không chỉ hiện diện trong căn phòng hoặc trên sân thượng, mà tận bên trong lẫn bên ngoài, nhưng không phân chia. Tâm trí toàn thể đều bị thu nhiếp, và không còn hiện hữu.
Không có đức hạnh nếu không có khiêm cung; khi năng lực ở đó tất cả đều là đức hạnh. Luân lý xã hội không phải là đức hạnh; đó chỉ là một sự sửa sai theo định ước, và thay đổi theo thời đại, theo khí hậu. Luân lý xã hội không phải là đức hạnh, dù được xã hội tôn trọng, tôn giáo có tổ chức kính nể. Nền luân lý được giáo hội thừa nhận, xã hội chấp thủ không phải là đức hạnh; đó là một mô hình xây dựng để thích nghi; có thể mang ra dạy dỗ và thực hành; có thể lấy sự thưởng, phạt, cưỡng bức, thuyết phục tạo dựng. Nền luân lý này được đào luyện bởi ảnh hưởng và tuyên truyền. Cơ cấu xã hội gồm có những trình độ luân lý khác nhau và mang nhiều sắc thái. Nhưng đó không phải là đức hạnh. Đức hạnh chẳng phải là thời gian cũng chẳng phải là ảnh hưởng; đức hạnh không thể được đào luyện; nó không phải sinh ra từ sự kềm chế, từ kỷ luật; vì không có nguyên nhân nên không phát xuất từ một cái gì. Đức hạnh không phải được làm cho tôn trọng cũng không chia ra thành lòng tốt, bác ái, tương trợ v.v… Đức hạnh không phải là kết quả của hoàn cảnh chung quanh, của thế đứng trong xã hội, cũng không phải là kết quả của nghèo khó, của một tu viện hay một giáo điều nào. Đức hạnh không phải phát sinh từ một bộ óc khôn lanh. Đức hạnh không phải là kết quả của tư tưởng hoặc cảm xúc; càng không phải là một sự nổi loạn chống với luân lý xã hội, với sự tôn kính nền luân lý đó; nổi loạn là phản ứng, tức là một sự tương tục được sửa sai của cái đã là.
Tính khiêm cung không thể được đào luyện, nếu thế nó chỉ là tính kiêu căng ngụy trang thành khiêm cung để được kính mộ. Tính kiêu căng không thể biến thành khiêm cung, cũng như tình yêu không thể thành hận thù. Bạo lực không thể thành bất bạo lực; mà phải dừng bặt. Tính khiêm cung không phải là một lý tưởng cần đạt đến; các lý tưởng đều không thực tế; chỉ có cái đang là là thực. Tính khiêm cung không phải đối nghịch với tính kiêu căng; tính khiêm cung không có cái đối nghịch. Có mối liên kết với những gì đối nghịch với nhau và tính khiêm cung lại không dính líu gì với tính kiêu căng. Tính kiêu căng phải dừng bặt, không phải vì khẳng quyết, vì kỷ luật hay lợi lạc; tính kiêu căng chỉ biến mất trong ngọn lửa chú tâm chớ không phải trong sự đối kháng và trong cái vô trật tự của sự tập trung tư tưởng. Thấy biết được tính kiêu căng dưới nhiều bộ mặt ngoại giới lẫn nội tại, tức là chấm dứt. Thấy biết chính là chú tâm ở mỗi chuyển động của tính kiêu căng; không có sự lựa chọn phân biệt trong chú tâm. Tính khiêm cung chỉ có trong hiện tiền sống động, và không thể tập luyện hay hành trì; nó sẽ thành một trò quỷ quyệt khác của trí óc, và sản phẩm đó của trí óc không phải là tính khiêm cung. Chỉ có chú tâm khi tâm trí, tuy vẫn tỉnh giác và nhậy cảm, vẫn tuyệt đối im lặng. Chú tâm không bắt nguồn từ một trung tâm nào, trong khi tập trung tư tưởng có một trung tâm có khả năng loại trừ. Chú tâm, quán sát toàn diện và tức khắc tính kiêu căng và tầm mức của nó, sẽ chấm dứt tính kiêu căng. “Trạng thái” tỉnh thức này là khiêm cung. Chú tâm là đức hạnh, vì nó đơm hoa tình thương, bác ái. Nếu không có khiêm cung sẽ không có đức hạnh.
Ngày 23.
Trời nóng khá ngột ngạt, ngay cả trong vườn; hơi nóng kéo dài khá lâu, kể cũng lạ và bất thường. Một trận mưa và một chút hơi mát chắc là dễ chịu. Người ta tưới thảm cỏ, cỏ thật xanh, lấp lánh, và bông hoa thật tráng lệ; nhiều cây nở hoa trái mùa, tuy sắp lập đông. Nơi nơi chim bồ câu nhút nhát và sáng suốt tránh xa đám trẻ con, vài đứa trong bọn chúng rượt đuổi bầy chim để nô giỡn. Mặt trời đỏ rực trong bầu trời nặng nề ủ ê. Màu sắc duy nhất là của bông hoa trong cỏ. Con sông xanh lục trôi lừ đừ.
Vào giờ này thiền định là tự do, mở ngõ vào thế giới bất tri của chơn mỹ, của vắng lặng. Một thế giới không hình tướng, không biểu tượng và vô ngôn, không cả những đợt sóng của ký ức. Tình yêu là cái chết từng sát-na, và mỗi cái chết là tình yêu mới dậy. Tước bỏ hết dây mơ rễ má, tình yêu không còn trói buộc; nở hoa không nguyên nhân, và đó là ngọn lửa thiêu đốt ranh giới, rào cản đã được tâm thức dựng lên một cách chu đáo. Tình yêu là chơn mỹ vượt khỏi tư tưởng và cảm thức. Tình yêu không do ngôn từ phác thảo ra, cũng không phải chạm khắc trên đá. Thiền định là hỷ lạc, và với thiền định phép lành xuất hiện.
Kể cũng lạ khi ta nhận thấy đến mức độ nào con người khao khát quyền lực, quyền lực của tiền tài, của địa vị, của tài năng, của kiến thức. Chiếm hữu quyền lực dẫn đến xung đột, rối rắm và đau khổ. Mọi người đều tìm kiếm quyền lực, vị ẩn sĩ, nhà chính trị, bà nội trợ, và nhà khoa học. Họ có thể giết hại nhau, hủy diệt nhau để có được quyền lực. Những vị khổ hạnh muốn đạt được quyền lực bằng cách từ bỏ bản ngã, chế ngự ngã tính, đè nén dục tình; chính trị gia cố chiếm hữu quyền lực bằng lời nói, tài năng, và khôn xảo; trong sự thống trị người này đối người kia, người chồng lẫn người vợ đều cảm nhận quyền lực, cũng vậy đối với vị giáo sĩ khi đã gánh vác trách nhiệm về sự hiện hữu thượng đế của mình. Mỗi người đều tìm cầu và, một cách lầm lẫn, để được kết hợp với quyền lực thần thánh hoặc thế gian. Quyền lực đưa đến uy quyền, từ đó kéo theo xung đột, vô trật tự và đau khổ. Uy quyền làm hư hỏng kẻ nào lao đầu vào đó, cũng như kẻ nào tiến đến hoặc tìm cầu. Quyền lực là xấu xa, dù đó là của một nhà tu hay của bà nội trợ, của nhà lãnh đạo hay nhà tổ chức có hiệu năng, dù xuất phát từ bậc thánh hay từ một chính trị gia bản xứ. Tính xấu xa tăng theo tỷ lệ của quyền lực. Đây là chứng bệnh mà mỗi người đều là nạn nhân, dù họ có tôn kính hay bảo thủ. Dù chứng bệnh này luôn luôn có kèm theo xung đột, vô trật tự và đau khổ, không ai từ chối hay tránh xa.
Cùng với quyền lực là khát vọng, thành công và bạo tàn được chấp nhận vì đã được tôn trọng. Mỗi hội đoàn, mỗi đền thờ, mỗi giáo hội đều tặng cho quyền lực phép lành, như thế tình yêu bị thui chột, hủy hoại. Và ham muốn được tôn sùng, tranh đoạt lại thích hợp với luân lý. Nhưng với những thứ này là sợ hãi, là chiến tranh, là đau khổ, và tuy thế không ai muốn từ bỏ. Từ bỏ quyền lực dưới mọi hình thức là bắt đầu có đức hạnh; đức hạnh là trong sáng; đức hạnh xóa tan xung đột và đau khổ. Năng lực hư hỏng này (tức quyền lực) với những hoạt động xảo quyệt không dứt không thế nào không kèm theo vô trật tự, đau khổ; vòng lôi kéo này vô tận. Năng lực này dù có bị hạn chế và sửa sai bởi luật pháp hay công ước luân lý, ngay cả được che giấu đi nữa, cuối cùng cũng tự buộc mình. Vì nó hiện diện trong hang hóc kín đáo của tư tưởng, của dục vọng chúng ta. Cần phải quán sát và hiểu rõ những thứ này hầu chấm dứt xung đột, vô trật tự và đau khổ. Mỗi người tùy nơi mình mà tự làm lấy, chớ không phải qua người thay thế của một hệ thống thưởng phạt. Mỗi người phải nhận thức về cơ cấu do mình tự dựng lên. Thấy biết cái đang là tức chấm dứt được quyền lực.
Sự chấm dứt triệt để quyền lực, chấm dứt cái vô trật tự, xung đột của nó và đau khổ do nó mang đến, sẽ đặt mỗi người trước cái thực sự người ấy đang là, một mớ những kỷ niệm, mỗi nỗi cô đơn luôn luôn sâu thẩm. Tham muốn quyền lực, thành công là trốn chạy trước nỗi cô đơn và mớ tro tàn kỷ niệm. Để vượt khỏi tro tàn kỷ niệm, phải nhìn kỹ chúng, đối mặt với chúng, bất cứ trường hợp nào cũng không được né tránh, dù phải lên án chúng, hoặc vì sợ cái đang là. Sợ hãi chỉ xuất hiện ngay trong hành vi chạy trốn sự thực, cái đang là. Cần phải tự nguyện, nhẹ nhàng từ bỏ quyền lực và thành công, từ bỏ tuyệt đối và toàn diện. Lúc đó, trong sự chạm trán này, sự quán sát, sự sáng suốt không chọn lựa này, tro tàn kỷ niệm và nỗi cô đơn sẽ mang một ý nghĩa hoàn toàn khác hẳn. Sống với một cái gì là thương yêu cái đó chớ không phải ràng buộc vào cái đó. Cần phải có một sức lực trường viễn để sống được với mớ tro tàn cô đơn, và sức lực này sẽ phát sinh khi không còn sợ hãi nữa.
Khi bạn đã vượt qua được nỗi cô đơn này, như là đi qua một cánh cửa, bạn sẽ nhận ra là bạn và nỗi cô đơn đó chỉ là một, là bạn không phải người quan sát loại tình cảm bên kia ngôn từ. Bạn là điều đó và không còn có thể trốn thoát như trước nữa, dù có biết bao đường lối tinh vi. Bạn là nỗi cô đơn đó; không có cách nào để tránh né, không gì có thể che đậy hay khỏa lấp nó. Như vậy chỉ có cách hãy sống với nó; nó thuộc về bạn; nó là tất cả sức sống của bạn, là tất cả con người bạn. Hy vọng hoặc thất vọng đều không thể xua đuổi nó được, ngay cả thái độ vô sĩ hoặc mọi thứ mưu mô trí thức cũng vô hiệu. Bạn là nỗi cô đơn này, là mớ tro tàn của ngọn lửa đã dập tắt. Đây là nỗi cô đơn toàn diện, không cứu vãn được, qua khỏi tầm của mọi phạm vi hoạt động. Từ nay về sau tâm trí không còn đủ sức tìm đường và tìm cách trốn chạy; tâm trí là đấng sáng tạo nỗi cô đơn này, vì những hoạt động không ngừng cốt được một mình, để tự vệ và tấn công. Khi tâm trí nhận thức được, một cách phủ định, không một chút lựa chọn, nó sẽ thuận với cái chết, đồng với sự bất động tuyệt đối.
Từ nỗi cô đơn này, từ mớ tro tàn đó, một chuyển động mới mẻ phát sinh. Đó là chuyển động của con người sống một mình. Trạng thái này hiện hữu khi mọi ảnh hưởng, mọi ép buộc, mọi hình thức tìm kiếm và thành tựu đã chấm dứt hoàn toàn một cách tự nhiên. Đó là sự chấm dứt cái hữu tri. Chỉ lúc đó mới có cuộc hành trình vô tận của cái bất tri. Lúc đó có năng lực, và tinh hoa của năng lực này là sáng tạo.
Ngày 24.
Ở đây thảm cỏ được chăm sóc tuyệt đẹp, không lớn lắm, một màu xanh không thể tưởng; có hàng rào sắt bảo vệ và là đối tượng canh chừng kỹ lưỡng; thảm cỏ được tưới đẫm, hình dáng xinh đẹp, sinh động một cách uy nghi, lấp lánh trong vẻ mỹ miều. Có lẽ từ nhiều trăm năm nay, vì cách xa và được rào cao tường chặt bảo vệ, nên không một vật gì, không cả một chiếc ghế được đặt trên đó. Ở ngoài kia, trên một lùm cây lẻ loi, một đóa hồng độc nhất màu đỏ nở to. Tấm thảm nhung này, đóa hồng độc nhất đều như một phép lạ; chúng ra khỏi thế giới ồn ào, hỗn độn, đau khổ này; tuy vậy được con người đặt vào đấy, chúng là những sinh vật đẹp đẽ nhất, trội hơn ngọn tháp, viện bảo tàng từ xa và đường cong diễm lệ của những nhịp cầu. Chúng thật uy nghiêm trong cái một mình cao cả. Chúng là cái chúng đang là, là cỏ và hoa, không là gì khác. Từ chúng toát ra vẻ đẹp cao vời, sự tĩnh lặng, và cả một phẩm cách thanh khiết. Buổi trưa thật nóng, không một hơi gió, không khí nhiễm đầy mùi xe cộ bốc lên, nhưng ở đây, mùi cỏ được nhận ra, và ta cũng ngửi được hương thơm của đóa hồng cô độc.
Trí óc có đặc tính khác hẳn lúc thức dậy, thật là tinh mơ đến đỗi như ánh trăng rằm còn tràn ngập căn phòng. Tâm trí không ngủ vùi cũng không uể oải vì buồn ngủ, mà quan sát thật là tỉnh táo; nó không tự quan sát chính nó, nhưng có một cái gì đó vượt lên trên. Trí óc thật sáng suốt, nhận biết được sự tham dự của chính mình vào chuyển động toàn bộ của tâm. Trí óc vận hành trong cái manh mún, từng phần, chia chẻ. Nó tự chuyên môn hóa. Nó không bao giờ là cái toàn thể, cái mà nó muốn nắm giữ, muốn hiểu biết nhưng vô hiệu. Vì chính bản chất của nó, nên tư tưởng luôn luôn không toàn vẹn, cảm thức cũng thế; tư tưởng, phản ứng của ký ức, chỉ có thể vận hành trong cái đã biết, hoặc lý giải từ kiến thức. Trí óc là sản phẩm của sự chuyên môn hóa. Nó không thể vượt lên trên chính nó. Nó chia chẻ và tự chuyên môn hóa thành nhà khoa học, nghệ sĩ, giáo sĩ, luật gia, kỹ thuật gia hay nông gia. Nó hoạt động bằng cách phóng chiếu lên giai cấp xã hội, đặc quyền, quyền hành, uy thế của nó. Sự vận hành não bộ và giai cấp xã hội liên kết với nhau chặt chẽ, vì trí óc là một cơ quan tự bảo vệ. Chính từ nhu cầu này mà những yếu tố đối nghịch và chống trái của xã hội phát sinh. Nhà chuyên môn thì không có khả năng nhìn được toàn diện.