Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

            

1.– Lục-Tổ Đại-sư tên Huệ-Năng, cha Ngài họ Lư tên húy là Hành-Thao, mẹ Lý-Thị. – Đương lúc đời Đường, niên-hiệu Võ-Đức, năm thứ ba, tháng chín, thân-phụ ngài bị giáng chức quan ra ở Tân-Châu ; mẹ ngài Lý-Thị trước khi có nghén, nằm chiêm-bao thấy trước sân hoa trắng đua nhau nở, hạc trắng bay cả đôi và trong nhà mùi hoa thơm lạ, khi thức dậy bà bèn thọ thai.

2.– Từ ấy bà tinh khiết kính thành ăn chay giữ giới, có mang đến sáu năm mới sanh ra Ngài. Chính là lúc giờ Tý, ngày mùng tám tháng hai, năm Mậu-Tuất thuộc về niên hiệu Trinh-Quán, thứ mười hai đời nhà Đường.

3.– Khi sanh Ngài ra, ánh sáng hừng trời, mùi thơm ngạt mũi, vừa rựng đông có hai vị sư-tăng(1) đến ra mắt và nói với thân-phụ ngài rằng : “Con ông mới sanh bữa hôm, nên đặt tên : trên là chữ Huệ, dưới là chữ Năng.”

4.– Thân-phụ ngài hỏi : Vì sao để tên là Huệ-Năng ?

5.– Tăng nói : “Huệ” là lấy ơn Pháp giúp cho chúng-sanh, “Năng” là làm nên việc Phật. – Nói rồi kiếu lui, chẳng biết đi nơi nào.

6.– Ngài không bú sữa mẹ(2) mỗi đêm có Thần nhơn cho uống nước cam-lộ(3) mà thôi.

7.– Khi ngài được ba tuổi thì thân-phụ từ trần, táng ở bên cạnh vườn.

8.– Mẫu-thân thủ tiết nuôi ngài, sau khi lớn lên, ngài hằng bán củi đổi gạo mà nuôi mẹ. – Đến năm hai mươi bốn tuổi thì ngài nghe kinh có chỗ xét tỏ, bèn tìm đến chùa Huỳnh-Mai đảnh lễ Đức Ngũ-Tổ. – Ngũ-Tổ biết rằng người có đạo khí, bèn truyền y-pháp, khiến nối ngôi Tổ sư ; lúc ấy chính là năm Tân-Dậu, thuộc về năm đầu, niên hiệu Long-Sóc.

9.– Từ đó ngài quay về phương Nam lánh ẩn. – Đến năm Bính-Tý là lúc niên hiệu Nghi-Phụng năm đầu tháng giêng ngày mùng tám, gặp thầy Ấn-Tông pháp-sư, gạn nói chỗ mầu-nhiệm, thầy Ấn-Tông tỏ hợp được ý-chỉ ngài. – Qua ngay rằm tháng đó, Ấn-Tông nhóm cả hàng tứ-chúng mà xuống tóc cho ngài.

10.– Kế ngày mùng tám tháng hai. Ấn-Tông pháp-sư lại vân tập các vị danh đức truyền Thọ-giới cụ-túc thì thầy Trí-Quang luật-sư ở Tây-Kinh làm Thọ-giới sư ; thầy Huệ-Tịnh luật-sư ở Tổ-Châu làm Yết ma ; thầy Thông-Ứng luật-sư ở Kinh-Châu làm Giáo-thọ ; thầy Kỳ-Đa-La luật-sư ở Trung-Thiên-Trúc làm Thuyết-giới ; thầy Mật-Đa Tam-tạng làm Chứng-giới.

11.– Giới đàn nầy gốc nơi ngài Cầu-Na-Bạt-Đà-La Tam-tạng ở đời nhà Tống sáng lập, ngài có dựng bia khắc chữ rằng : “Sau sẽ có vị nhục-thân Bồ-tát thọ-giới tại đây.”

12.– Lại thuộc về đời Lương, trong lúc niên hiệu Thiên-Giám năm đầu, có ngài Trí-Dược Tam-tạng ở nước Tây-Trúc do đường biển đi đến có đem một cây bên nước ấy sang trồng bên cạnh giới-đàn nầy, cũng có ghi lời tiên tri rằng : “Sau một trăm bảy mươi năm sẽ có vị Bồ-tát xác phàm ngồi dưới gốc cây ấy mà diễn thuyết pháp thượng-thừa, độ chúng-sanh nhiều lắm : thiệt là một ngôi pháp chủ truyền Tâm-ấn(4) của Phật.”

13.– Đến đây Lục-tổ Đại-sư xuống tóc thọ giới rồi, bèn mở bày cái tông-chỉ đơn truyền cho tứ-chúng nghe, đều y như lời hai bài sấm trước. (Tra : từ đời Lương, Đường, niên hiệu Nghi-Phụng Bính-Tý năm đầu kể đặng một trăm bảy mươi lăm năm.)

14.– Mùa xuân năm sau, Tổ từ giã tứ-chúng mà về chùa Bửu-Lâm, thì thầy Ấn-Tông cùng kẻ tri người bạch, trót hơn ngàn người, đưa Tổ đi thẳng đến Tào-Khê.

15.– Thuở ấy, thầy Thông-Ứng luật-sư ở Kinh-Châu cùng học-giả cả vài trăm người đều nương ở với Tổ. Khi Tổ đến Tào-Khê vào chùa Bửu-Lâm, xem lại bề thế chật hẹp, chẳng đủ dung nạp tăng chúng, nên muốn mở rộng thêm ra, bèn đến yết-kiến người chủ đất trong làng là Trần-Á-Tiên mà rằng : “Hôm nay Lão tăng đến nhà thí chủ muốn cầu một chỗ đất vừa cái tọa-cụ đặng chăng ?”

16.– Á-Tiên nói : “Tọa-cụ của Hòa-thượng rộng ước bao nhiêu ?”

17.– Tổ đưa cái tọa-cụ ra coi, thì Á-Tiên vâng chịu.

18.– Đoạn rồi Tổ lấy cái tọa-cụ bung ra, thì trùm cả bốn phía đất Tào-Khê, lại có bốn vị Thiên-Vương hiện thân ngồi trấn bốn hướng. – Đến nay tại cảnh chùa ấy có núi Thiên-Vương, là nhơn đó mà đặt tên vậy.

19.– Á Tiên thấy vậy nói rằng : “Tôi cũng biết Hòa-thượng pháp lực rộng lớn, nhưng vì phần mộ của ông bà tôi đều nằm trong đất nầy ; vậy ngày sau có tạo tháp, xin chừa lại ngôi mộ ấy, còn bao nhiêu thì tôi tình nguyện cúng hết, để vĩnh-viễn làm nơi Bửu-phường.”

20.– Nhưng chỗ đất nầy vẫn là chỗ sanh long bạch tượng đến kết mạch, chỉ nên bình-thiên không nên bình-địa. – Đến sau chùa kiến-trúc đều y theo lời nói cả.

21.– Mỗi khi Tổ dạo chơi trong cảnh ấy, gặp chỗ nào non nước tốt đẹp, thì ngài dừng chơn ở nghỉ rồi sau mấy chỗ đó đều thành nơi Lan-nhã, tính có mười ba sở, nay gọi là “Hoa-quả-viện”, đều nhập tịch về của chùa.

22.– Còn chùa Bửu-Lâm cũng gốc hồi trước ngài Trí-Dược Tam-tạng ở Tây-vức, từ Nam-Hải sang qua cửa Tào-Khê, múc nước mà uống, thấy thơm ngon lạ thường, mới nói với kẻ đồ đệ rằng : “Khí vị nước nầy không khác gì với nước bên Tây-Thiên, thì trên dòng khe nầy chắc có chỗ tốt, đáng làm một cảnh Lan-nhã.” – Nói rồi ngài liền đi theo dòng nước, tìm tận đến nguồn, xem thấy bốn phía, non nước bao la, núi cao xinh đẹp, bèn khen rằng : “Cảnh nầy mường tượng như núi Bửu-Lâm bên Tây-Thiên.”

23.– Ngài lại nói với dân cư trong làng Tào-Hầu rằng : “Núi nầy nên dựng một cảnh chùa, cách sau một trăm bảy mươi năm sẽ có vô thượng pháp-bửu diễn hóa ở nơi đó kẻ đắc đạo nhiều như rừng rậm, nên để hiệu chùa Bửu-Lâm.”

24.– Thuở ấy có quan Mục nơi Thiều-Châu là Hầu-Kính-Trung, theo mấy lời tiên tri đó, dâng biểu tâu vua. – Vua y lời tấu thỉnh, sắc tứ biển-ngạch là “Bửu-Lâm”, rồi thành một chỗ điện Phật đầu hết ; lúc ấy thuộc về niên hiệu Thiên-Giám, năm thứ ba, đời nhà Lương.

25.– Trước đền chùa có một sở đầm, rồng khi lặn mọc trong đó, rúng động cả rừng cây. – Một bữa nọ rồng hiện hình lên rất lớn, sóng nổi sôi trào, mây mù tối mịt, các đồ chúng thảy đều sợ hãi. – Tổ nạt rồng và rằng : “Nhà ngươi chỉ hiện được hình lớn, chớ không hiện được nhỏ. – Nếu quả là thần-long, thì nhỏ hiện ra lớn, lớn hiện lại nhỏ, đều có thể biến hóa được cả.” – Tổ nói dứt lời, thì rồng thoạt nhiên lặn mất trong giây phút, rồi hiện lại hình nhỏ nổi lên mặt đầm.

26.– Tổ dở cái bát thử rồng và nói : “Nhà ngươi chắc không dám chun vào cái bát của Lão-tăng nầy.” – Nói vừa rồi, thì rồng hớn hở bơi đến trước mặt Tổ. – Tổ lấy cái bát hứng rồng ; rồng không thể vùng vẫy được nữa. – Tổ bưng bát về chùa thuyết-pháp cho rồng nghe rồng liền cởi xác mà thăng mất. – Bộ xương dài cỡ bảy tấc, đầu đuôi sừng cẳng đủ cả, còn lưu truyền lại trong chùa. – Sau Tổ lấy đất và đá lấp cái đầm ấy, hiện nay ở trước mặt điện về phía bên tả có cái tháp bằng sắt để tọa trấn tại đó, tức là chỗ đầm rồng ngày trước. (Bộ xương rồng ấy, qua niên hiệu Chi-Chánh, năm Kỷ-Mão, chùa mắc phải nạn binh hỏa, không biết thất lạc về đâu.)

27.– Tổ có một viên đá trụy yêu, chạm tám chữ : “Long-Sóc nguyên niên Lư cư-sĩ chí.” – Đá ấy trước để tại viện Đông-Thiền, huyện Huỳnh-Mai. Đến đời Minh niên hiệu Gia-Tịnh, có người sĩ hoạn ở Việt-Trung tới Huỳnh-Mai thỉnh đem về Tào-Khê nay hãy còn.

28.– Lại quan Hữu-thừa là Vương-Duy ở đời Đường có đại bút cho thầy Thần-Hội mà làm bài ký Tổ-sư rằng : “Đại-sư chung lộn với bọn lao động đến mười sáu năm, sau gặp thầy Ấn-Tông giảng kinh, nhơn đó mới xuống tóc.”

29.– Lại quan Thái-sử Liễu-Tông-Nguyên làm bài bia thụy hiệu Tổ-sư có nói rằng : ”Tổ vưng chịu tín y rồi lánh mình ở ẩn trên mé Nam-Hải trọn mười sáu năm, tính lúc nên ra hành đạo, mới về ở Tào-Khê làm thầy người mà truyền pháp-Phật.”

30.– Lại quan Thừa-tướng là Trương-Thương-Anh làm bài ký-Ngũ-Tổ có nói rằng : “Ngũ-Tổ diễn dạy nơi viện Đông-Thiền, thuộc về huyện Huỳnh-Mai ; vì muốn tiện bề phụng dưỡng mẹ già, nên trong niên hiệu Long-Sóc năm Dần, truyền y-pháp lại cho Lục-Tổ, rồi giải tán đồ chúng mà vào cất am ở núi Đông-Sơn có kẻ cư dân là Phùng-Mậu tình nguyện hiến núi cho Ngũ-Tổ làm nơi đạo tràng.”

31.– Do đó mà xét, thì trong lúc Lục-Tổ đến Huỳnh-Mai, thừa thọ y-pháp của Ngũ-Tổ, chính là lúc niên hiệu Long-Sóc Tân-Dậu năm đầu, qua đến niên hiệu Nghi-Phụng năm Bính-Tý, thì tính đúng mười sáu năm, Tổ mới đến chùa Pháp-Tánh xuống tóc ; chí như bổn khác nói là Tổ đến chùa Huỳnh-Mai trong năm niên hiệu Hàm-Hanh, e không nhằm.



(1) Hai vị sư-tăng : Có lẽ là ngài Cầu-Na-Bạt-Đà-La và ngài Trí-Dược Tam-tạng hiện thân báo điềm, vì hai ngài nầy đã có lời huyền ký trước.

(2) Không bú sữa mẹ : Vì sữa mẹ là chất tinh-huyết chẳng sạch cho nên không bú. Đó là biểu lộ cái tánh cách siêu phàm từ lúc bé, thì đủ rõ rằng : những bực chuyển thân hóa đạo khác hẳn với đám tùy nghiệp thọ báo kia.

(3) Nước cam-lộ : Là món ăn của Thiên nhơn, vị ngọt như mật.

(4) Tâm ấn : “Tâm” là tâm Phật, “ấn” là cái ấn ; nhưng lấy ấn mà ịn vào khoảng trống thì ấn chẳng thành chữ, còn ịn vào vật gì thì ấn chẳng thành pháp, cho nên lấy tâm ịn tâm thì tâm tâm ịn nhau. Bởi vì bổn-ý của Thiền-tông chẳng lập ra văn tự và cũng chẳng nương theo lời nói, chỉ chẳng lấy tâm làm ấn, cho nên gọi là “tâm-ấn”.

 

Xem mục lục