Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

VII. VIÊN THÔNG VỀ NHÃN CĂN

Kinh : Ông A Na Luật Đà liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, thưa rằng : “Tôi lúc mới xuất gia, thường thích ngủ nên Phật la tôi là loài súc sanh. Tôi nghe Phật mắng, khóc lóc tự trách, suốt bảy ngày không ngủ, hư cả hai con mắt.
“Đức Thế Tôn dạy tôi tu pháp Lạc Kính Chiếu Minh Kim Cương Tam Muội. Tôi chẳng do con mắt, xem thấy mười phương rỗng suốt rõ ràng như xem trái cây trong bàn tay. Như Lai ấn chứng cho tôi, thành A La Hán. 
“Phật hỏi Viên Thông, như chỗ chứng của tôi, thì xoay cái Thấy trở về Bản Tánh, đó là Thứ Nhất”.

Thông rằng : Ông A Na Luật Đà là con Vua Bạch Phạn(19), với Phật là anh em chú bác. Trong đời quá khứ dâng cho một vị Bích Chi Phật một bữa cơm, cảm ứng được chín mươi mốt kiếp có cái Vui Như Ý. Phật thường la rằng “Ôi, ôi, sao lại ngủ. Như loài ốc, loài sò ngủ một giấc cả ngàn năm, chẳng nghe tên hiệu của Phật”. Từ đó, ông cố gắng đến mù cả mắt, bèn được một nửa phần Thiên Nhãn.

Đại Trí Luận nói “Thiên Nhãn của Ông A Na Luật do tứ Đại tạo sắc, thanh tịnh được một nửa. Thiên Nhãn của Phật cũng là tứ Đại tạo sắc mà thanh tịnh khắp cả”.

Cái Tam Muội Lạc Kiến Chiếu Minh Kim Cang là pháp môn xoay cái Thấy trở về nguồn Tánh. Minh thuộc Sở, Chiếu thuộc Năng. Trong chỗ Minh, cái Chiếu thường soi tỏ. Trong chỗ Chiếu, cái Thấy thấy suốt. Chiếu từ đâu mà lại ? Thấy từ đâu khởi ra ? Cho đến chỗ thấy mà không có chỗ thấy, chiếu soi mà không có chỗ chiếu soi, liền được Kim Cương Tam Muội. Đó là Thể của cái Chiếu, Nguồn của cái Thấy vậy. Kim Cương phá nát tất cả, Thấy và Chiếu đều tiêu vong, ấy là Tam Muội Chánh Định, tức là cái Bản Thể Tịch Chiếu vậy. Vui theo cái quán chiếu này, nghĩa là xoay cái Thấy trở về nguồn Tánh. Cho đến được Thiên Nhãn, thì cũng chẳng phải chỗ luận bàn đến được.

Ngài Đức Sơn khi mới đến Tổ Long Đàm, tuốt vào pháp đường, nói : “Lâu nay vang tiếng Đầm Rồng (Long Đàm), nay đến nơi, đầm lại chẳng thấy, mà rồng cũng chẳng hiện”.

Tổ Đàm tiến lên, nói : “Ông đã đích thân đến Long Đàm (Đầm Rồng). Căn cứ vào cơ duyên lúc mới đến này thì đáng nhận y bát của Long Đàm”.

Một buổi tối, đang đứng hầu Tổ. 

Tổ Long Đàm nói : “Khuya rồi sao chẳng về nghỉ?” 

Đức Sơn chỉnh tề bước ra rồi trở lui, nói : “Ngoài tối lắm”. 

Tổ Đàm đốt cây đuốc giấy đưa cho Ngài Đức Sơn, Ngài định cầm lấy, Tổ Đàm liền thổi tắt. Đức Sơn hoát nhiên đại ngộ, bèn lễ bái.

Tổ hỏi : “Ông thấy cái gì ?”

Ngài Sơn nói : “Từ nay trở đi, không còn nghi cái đầu lưỡi của Lão Hòa Thượng trong thiên hạ nữa”.

Hôm sau, Tổ Long Đàm lên tòa giảng, nói với đại chúng : “Trong đây có một gã răng như đao kiếm, miệng như chậu máu, một gậy đánh cho chẳng quay đầu, mai kia hướng lên đỉnh núi cô cao, lập đạo ta ở đó”.

Đức Sơn đem bộ Sớ Sao kinh Kim Cương, Ngài đã viết từ trước, chất trước pháp đường, cầm cây đuốc mà nói rằng : “Có cùng tột các lý lẽ diệu huyền cũng như một mảy lông để giữa thái hư ! Thấu suốt hết các mấu chốt của đời cũng nhưng một giọt nước rơi vào biển cả !”
Rồi đốt sạch, làm lễ từ giã Tổ mà ra đi.

Như cái pháp nhãn mà Ngài Đức Sơn đắc, so với Ông A Na Luật Đà nhiều ít giống nhau.
Tổ Lâm Tế lúc sắp tịch, nói bài kệ :

“Theo dòng không dứt, hơi đâu hỏi tại sao
Chân chiếu vô biên, lấy chi nói ta-người 
Cái lìa tướng, lìa danh kia, người chẳng nhận
Kiếm bén đứt lông, dùng rồi phải gấp mài”.

Tổ lại nói với đại chúng : “Sau khi ta diệt độ, không được diệt mất Chánh Pháp Nhãn Tạng của ta”.

Ngài Tam Thánh bước ra, thưa : “Sao dám diệt mất Chánh Pháp Nhãn Tạng của Hòa Thượng !”
Tổ Tế nói : “Về sau, có người hỏi, ông nói thế nào với họ ?”

Ngài Thánh liền hét.

Tổ nói : “Ai biết Chánh Pháp Nhãn Tạng của ta, hướng về con lừa mù ấy mà diệt mất”.
Ngài Thiên Đồng tụng rằng :

“Nửa đêm y bát truyền Huệ Năng
Rối loạn Hoàng Mai, bảy trăm tăng
Một chi Lâm Tế, Chánh Pháp Nhãn 
Lừa mù diệt mất, người đắc đâu ?
Tâm Tâm ấn nhau
Tổ Tổ truyền đăng
Khỏa bằng núi, biển
Biến hóa đại bàng
Chỉ danh ngôn ấy khó suy lường
Đều là thủ đoạn thoát bay lên !”.

Đến chỗ này thì Chánh Pháp Nhãn Tạng còn lại diệt mất, huống gì là Thiên Nhãn kia ?  

Xem mục lục