BÌNH THƯỜNG TÂM LÀ ÐẠO
(Trích từ Vô Niệm)
Nguyên Hảo
“Bình thường tâm thị đạo” đã được Mã Tổ tuyên bố lần đầu tiên. Và Mã Tổ đồng thời cũng tuyên bố rằng “Tâm là Phật.” Do đó, ta thấy bình thường tâm không phải là cái tâm lý thường tục của chúng ta trong cuộc sống não loạn thường ngày, nhưng tâm đó ví như một mặt trời soi sáng vạn hữu của thế giới đa thù mà vẫn tự nhiên. Ðây là cuộc sống của Vô Niệm.
Ngài Trường Sa nói “Khi đói thì ăn, khi mệt thì ngũ.”
Ngài Ðại Châu Huệ Hải cũng nói như vậy. Bàng Uẩn thì nói:
“Thần thông và diệu dụng,
Gánh nước và bửa củi.”
Những lối cư xử trên của Thiền Sư không mang một ý nghĩa nào của trí thức, nó phát xuất từ Vô Thức (bản thể của Vô Niệm) hay nói khác đó là những hành động tự phát. Sự tự phát này không phải theo bản năng như thú vật, nhưng có thể nói là vô thức tự ý thức về cái xuất phát tự nhiên đó: biết tự nhiên.
Một Ðạo Sĩ hỏi Ðại Châu Huệ Hải:
- Có pháp nào cao hơn tự nhiên không ?
- Có
- Pháp nào?
- Biết tự nhiên.
(Ðốn Ngộ Nhập Ðạo Yếu Môn, trang 78)
Trương Trừng Cơ gọi cái biết nầy là “Phát tỉnh thực tại” và thầy Nhất Hạnh gọi “Thắp sáng hiện hữu”
Theo những giáo lý của Ðại Thừa Phật Giáo, Pháp Thân thể hiện nơi tất cả chúng sanh, mọi sự vật, đáp ứng cho mọi hoàn cảnh, và mọi chúng sanh chưa từng rời tòa Bồ đề. Bình thường tâm là sự đáp ứng này của Pháp Thân trong những hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống.
Một vị tăng trước làm thị giả cho Thần Hội nhưng trãi qua một thời gian không thấy được Ðạo, bèn rời thầy đi hành cước khắp nơi nhưng vẫn không thỏa mãn. Rồi một ngày kia, trên đường hành cước, nghe danh tiếng của thầy mình lan truyền khắp nơi, trở lại với Thầy. Vị tăng hỏi thầy: “Thưa thầy, thầy là một người tuyệt luân như vậy sao ngày xưa thầy đã chẳng dạy gì cho con?” Thầy đáp: “Khi con ở với ta, con lo cơm nước thì ta khêu lửa, con sắp bàn thì ta lấy chén. Có bao giờ ta đối xử không phải với con đâu!.”
Thiền là một tuyệt đối khẳng định bên trong một tuyệt đối phủ định. Nói rằng vạn pháp là không nhưng là chơn không diệu hữu. Do đó thái độ của Thiền đối với cuộc sống hằng ngày là: “Có thì tự có mảy may, không thì cả thế gian này cũng không.” Và thái độ này chỉ có thể được khi nó phát xuất từ tâm điểm của cuộc sống là Tâm, là Vô Thức hay Tự Tánh, cái tánh tự nhiên sẵn có nơi mọi chúng sanh.
Nói về tánh tự nhiên thì theo các nhà tâm phân học hiện đại như Erich From thì hầu hết chúng ta đều bất bình thường về tâm lý, đã đánh mất tự thủa nào cái tánh chính thật của chúng ta. Và theo Thiền, sự khôi phục lại toàn thể con người của chúng ta chỉ có thể thực hiện với sự giác ngộ, Kiến Tánh. Kiến Tánh là soi sáng trên tánh tự nhiên của chúng ta như Huệ Hải nói: biết tự nhiên. Do đó, “bình thường tâm” tức là Vô Niệm vậy.
Quan điểm của Thiền là phóng sâu trực giác Bát Nhã vào thực tại để nắm bắt thực tại, hiện tiền trong hiện tiền. Một Thiền Sư dạy: “Khi hỏi, các ông phạm lỗi, khi không hỏi, các ông phạm lỗi.” Một vị Tăng bước đến đảnh lễ, Sư đánh. Vị tăng hỏi: “Tại sao Thầy đánh tôi?” Câu trả lời là: “Nếu để cho nhà ngươi mở miệng, tất cả sẽ trôi qua!”(D.T. Suzuki, The Zen Doctrine of No mind, trang 109). Vâng, tất cả sẽ trôi qua một cách mơ màng và lơ đảng nếu tâm trí chỉ ràng buộc vào trí thông minh của những khái niệm. Bình thường tâm tức là nắm bắt ngay thực tại, không để nó trôi qua trong ánh sáng mơ màng của ảo tưởng, của sự vô ý thức. Một Thiền sư dạy: “Trong việc học Phật, không cần phải biết nhiều về những vấn đáp trong Thiền, cũng không cần rút các câu văn trong các kinh điển coi là chân lý cao tột nhất. Bàn luận về những vấn đề như vậy nên để dành riêng cho những người luyện trí. Sự khôn ngoan kia không giải thoát người ta ra khỏi sinh tử được. Nếu muốn hiểu thật sự chân lý của Thiền, hãy tìm nó trong những lúc đi, đứng, nằm, ngồi, khi nói chuyện, khi im lặng, hoặc lúc làm bất cứ việc gì. Làm như vậy, các ông sẽ thấy rõ chân lý các ông đang theo, kinh điển các ông đang học.” (D.T. Suzuki, The Zen Doctrine of No mind, trang 110)
Ðến đây ta thấy tính chất tự nhiên và thụ động của giáo lý bình thường tâm. Tính chất nầy cũng được thấy ở nhiều tôn giáo khác.
Về tính chất thụ động, những hành động thụ động là những hành động nẩy ra từ bóng tối của im lặng, từ cõi miền ẩn mật của vô thức. Những hành động này được thực hành không có một dụng ý nào, những hành động của sự phó mình cho Chúa, Chúa thực hiện những hành động đó chớ không phải con người thực hiện. Chúa ở đây là Tự Tánh, là thức vũ trụ. Những hành động như vậy ra ngoài thiện và ác.
Trong Phật Giáo, thụ động tính đi đôi với tính kham nhẫn. Kham nhẫn là chấp nhận sự sống như thế là như thế. Thiền dạy phải cầu Phật bên trong, không cầu Phật bên ngoài, phải y theo Tự Tánh. Mà Tự Tánh vốn sẵn ở hiện tại, bây giờ và ở đây, và hàm tàng trong vạn pháp. Chấp nhận có nghĩa là sống với cái hiện tiền, bây giờ và ở đây.
Ngài Lâm Tế dạy: “Người tu đạo chân chính không làm gì hết mà tiếp tục sống với mọi cơ duyên của cuộc sống trần gian này. Buổi sáng, y lặng lẽ thức dậy, vận y phục và ra ngoài làm việc. Khi muốn đi dạo, y liền đi dạo, khi muốn ngồi y liền ngồi. Y không làm Phật, không nghĩ tưởng xa vời. Sao lại có thể thế? Cổ nhân nói nếu bạn chuyên tâm tinh tấn cầu Phật quả, Phật của bạn thật tình là căn nguyên của luân hồi miên viễn.”
Trong thụ động tính nầy, tôi muốn nhắc đến trường hợp chứng đạo của các Thiền Sư. Huệ Khả đã bao năm cần cầu tìm kiếm chân lý nhưng không thấy, rồi một hôm đến với Bồ Ðề Ðạt Ma cầu an tâm, Ðạt Ma dạy: “Ðưa tâm ông đây ta an cho!” Huệ Khả tìm mãi không ra tâm: “Con tìm mãi mà không thấy tâm ở đâu cả.” Ðạt Ma kết luận: “Ta an tâm cho ông rồi đó.” Thế là cái tâm đau khổ của Huệ Khả chỉ do ông tạo ra. Huệ Khả có lẽ lúc bấy giờ mới biết là đời sống Ðạo không phải là đời sống cần cầu, cố gắng làm Phật chỉ là một thái độ “trên tâm lại sinh thêm một cái tâm nữa” (tâm thượng sinh tâm). Và dĩ nhiên, cái tâm chỉ là ảo tưởng.
Tính thụ động này là một hậu quả tất nhiên của học thuyết Tính Không của Phật Giáo Ðại Thừa mà Thiền là một cách diễn tả sâu sắc của giáo lý nầy. Học thuyết Tính Không là sản phẩm của lý thuyết duyên khởi. Và với Thiền, giác ngộ rồi nhưng vẫn không tách rời định luật nhân quả. Một ông lão hỏi Bách Trượng: “Người Giác Ngộ rồi có lạc vào nhân quả không?” Bách Trượng trả lời: “Bất muội nhân quả.” Bất muội nhân quả có nghĩa là tùy thuận theo lý nhân quả vậy. Ðó là thụ động tính trong đời sống Thiền. Bình thường tâm là cái tâm hoạt động chìu theo dòng hiện tượng xảy ra theo định luật nhơn duyên trong mỗi ngày. Và cũng do đó, Bách Trượng mới có thể tách lìa truyền thống của giáo đoàn mà chủ trương đem cần lao vào cuộc sống Thiền.
Ði sâu xa hơn vào tính thụ động trong đời sống Ðạo nầy, ta có thể giải nghĩa tính chất nầy với một câu trong Thánh Kinh: “Ý cha được nên.” (Que ta volontée soit faite) (Tân ước). Người đạt được chân lý, những hành động của họ không phải họ làm, mà là tâm thức vũ trụ làm trong sự đáp ứng hoàn cảnh, những hành động tự phát từ Vô thức. Vì vậy hành động nầy không có liên hệ gì với những vấn đề đức lý, không thể đánh giá là thị hoặc phi. Một nhà thần bí Cơ Ðốc nói: “Trong bản thể của tôi, tôi hiện hữu với Thượng Ðế sẵn có. Chính tôi, tôi không kỳ vọng cũng không yêu thương, và tôi cũng không tin, không cậy vào Thượng Ðế… Bao lâu mà con người còn có khuynh hướng về đức lý và muốn làm cho Thượng Ðế trở thành tốt đẹp, người ấy vẫn chưa được toàn hảo, vẫn còn bị ngoại vật làm quấy rầy….(con người toàn hảo) không bao giờ tin được vào đạo đức, tăng giá trị hoặc phạm tội…” (D.T. Suzuki, The Zen doctrine of no mind, trang 113)
Tuy nhiên ta không nên quan niệm tâm thức vũ trụ hay vô thức là một quyền năng có thật sai khiến những hành động. Nói rõ ràng hơn, những hành động thụ động kia là những hành động của Tánh Không. Lý thuyết Tánh Không như ta biết là toàn thể của Thiền Tông và giác ngộ là thể nhập vào Tánh Không, không trụ vào chỗ nào để sinh tâm, như một tấm gương đã sạch bụi, phản chiếu sự vật y như thật mà tâm không khởi một móng niệm. Kinh nghiệm này Phùng Hữu Lan gọi là “ kinh nghiệm thuần tuý,” tính chất của nó theo Lão giáo gọi là “tri vong thị phi” (biết quên điều phải trái). Kinh nghiệm thuần túy này tạo cho con người một cái thấy như thực, một cái thấy mà trong đó, núi thật là núi và sông thật là sông.
Ðây là bình thường tâm. Cái thấy của người giác ngộ không khác với cái thấy của người phàm phu, núi họ vẫn thấy là núi và sông họ vẫn thấy là sông. Tuy nhiên từ thâm sâu vẫn có sự khác nhau, cái thấy của người giác ngộ mang một ý nghĩa thiêng liêng hơn: khi người giác ngộ thấy núi, thấy sông thì họ biết rằng họ thấy núi, thấy sông, và núi sông kia hiện ra trong tâm thức họ y như thực tướng của chúng, trong khi những người phàm phu thấy núi, thấy sông không y như thực tướng của chúng mà qua cặp kiến màu của ý niệm.
D.T. Suzuki viết:
“Khi ‘cái tôi’ là một ảo ảnh, tất cả những gì tiếp nối trong nhãn hiệu này cũng phải đều là ảo hóa, bao gồm những tội lỗi, đạo đức, các thứ cảm tình, các thứ dục vọng, địa ngục và thiên đường. Bằng sự xóa bỏ những ảo tưởng này, thế giới với tất cả những sự vật đa thù của nó sẽ biến mất, và nếu một cái gì ở bên cạnh có thể tác động, cái này sẽ tác động với sự tự do tối thượng, với sự vô úy, giống như đấng Pháp Vương, thật sự như cái Một.” (When “I” is an illusion, all that goes on in the name of this agent must be an illusion too, including moral, sins, various kinds of feeling and desires, and hell and the land of bliss. With the removal of this illusion, world with all its multiplicities will disappear, and if there is anything left which can act, this one will act with utmost freedom, with fearlesnesess, like the Dharma King himself, indeed as the One). (The Zen doctrine of no mind, trang 115)
Chỗ khác D.T.Suzuki viết:
“Trong lý thuyết ảo tưởng, tưởng tượng hay phân biệt là một mô giới phát sinh nhiều thứ tội lỗi và vì vậy sinh ra sự khốn khổ. Pháp tuyệt đối vô tri về mọi sai biệt, đức lý, tâm lý, nhận thức luận, có nghĩa là vô thức, những người tìm kiếm sau đó là phải siêu vượt tâm phân biệt ở mọi hình thức và thấy sự vận hành của chính Trí Bát Nhã. Khi điều đó được thực hành, vô tâm sẽ thể hiện, không có ‘niệm tưởng’ trong mọi hành động của chúng ta, đó là trạng thái vô tâm; đó là một cuộc sống không cố gắng để cho Vô Thức sống cuộc sống của nó.” ( In the illusionist teaching, imagination or discrimination is the creating agency of all kinds of evils, and hence of misery. As the Dharma is the absolutely unaware of all distinctions, moral, psycological, and epistemological, which means the Unconcious, the seekers after it are to trancend discrimination in all its forms and to see into the funtioning of Prajna itself. When this is done, mushin (wu shin) is realised, there is no ‘mind’ in all our doings which is the so called state of ‘no-mindness’; this is a life of effortlessness, letting the Unconcious live its life). (The Zen doctrine of no mind, trang 116)
Vô thức tự sống cuộc sống của nó chớ không phải con người của tham sân si, của những giả duyên sống trong những hành động tự phát kia.
Và như trên đã nói, cuộc sống với “bình thường tâm” siêu vượt mọi hình thức thị phi nên nó mang một sự tự do tuyệt đối, thông dung vô ngại. Như một cơn gió thổi qua và lôi đi bao mái nhà, như ngọn lửa vô tình thiêu rụi cánh đồng cỏ khô, người đạt dược bình thường tâm mang một phong cách như Thần Hội diễn tả:
“Người nào có được kinh nghiệm của Tâm giữ được vô niệm ngay cả khi thân thể của y bị chặt đứt thành nhiều mãnh trong cuộc hổn chiến. Người ấy cứng rắn như kim cương, vững chãi và bất động. Ngay cả khi chư Phật nhiều như số cát sông hằng xuất hiện cũng không một móng vui mừng khởi lên trong tâm y. Ngay cả khi hằng hà sa số chúng sanh cùng lúc biến mất, cũng không một niệm sợ hãi khởi lên. Người ấy an trú trong niệm Không và sự bình đẳng tuyệt đối.” (Gernet, Entretiens du maitre de Dhyana Chen Houei)
Ðó là sự thể hiện của Vô Niệm trong cuộc sống hằng ngày. Bình Thường Tâm như vậy là hành xử, tiếp vật trong tâm Vô Niệm, trong niệm của Không Tánh chứ không phải tự bản năng do sự vô ý thức. Ðó là sự thể hiện của tính vô ngã nơi tâm người Phật Tử. Người Phật Tử này vẫn hành xử giống như mọi người vì tâm y không còn sự phân biệt, nhưng trong hành động của y mang một tính chất thiêng liêng. Vì vậy Bàng Uẩn gọi những hành động của ông như gánh nước và bửa củi là thần thông, diệu dụng và Mã Tổ đã gọi những công việc trong đời sống hằng ngày là những việc Ðạo:
Thần thông và diệu dụng
Gánh nước và bửa củi
(Thần thông cập diệu dụng
Vận thủy cập bàn sài)
Một vị tăng hỏi Triệu Châu:
- Tổ Ðạt Ma qua từ Tây Trúc có ý gì?
Triệu Châu đáp:
- Cây tùng ngoài sân.
Tuy mẫu đối thoại trên có một dụng ý là đập tan tính chất tù túng và chướng ngại của khái niệm để hiển bày Vô Niệm, câu trả lời không ăn nhập gì với câu hỏi. Tuy nhiên, ta cũng phải nhận thấy ở đây một sự chấp nhận nào đó về ý nghĩ thiêng liêng của những sự vật tầm thường nhất ta vẫn gặp thường ngày. Một nhà Thần học lớn thời Trung Cổ đã nói:
“Những hiểu biết của tôi về khoa Thần học và Thánh kinh, tôi đã học được trong rừng cây, trong đồng nội bằng cầu nguyện và suy tưởng. Tôi không có những vị Thầy khác hơn là những cây giẻ, những cây sồi.”
Từ những nhận định trên, ta thấy trong đời sống Thiền, thiên nhiên giữ một vai trò quan trọng, nhưng ta nên nhớ rằng thiên nhiên ở đây mang một ý nghĩa nội tại như ta sẽ thấy. D.T. Suzuki viết:
“Ðời sống nội tại của chúng ta được hoàn hảo khi nó đắm mình vào thiên nhiên và trở thành một với thiên nhiên.” (Our inner life is complete when it merges into Nature and become one with it). (Studies in Zen, trang 203)
Nói một cách rõ ràng, tánh tự nhiên đơn sơ xuất hiện từ tâm Vô Niệm của Thiền giả và ứng hợp tự nhiên với cuộc sống. Ðiều tôi muốn nói là cái thiên nhiên nhưng là siêu nhiên và ngược lại cái siêu nhiên là cái thiên nhiên. Kinh nghiệm hết sức bình thường, nền tảng và đơn sơ là Tâm Ðạo trong ý nghĩa nầy. Vì vậy, ta thấy lối tiếp xử của Thiền với cuộc đời rất sâu xa và thanh thoát. Ðứng trước một đối tượng, Thiền giả hòa mình vào đối tượng bằng cái kinh nghiệm căn bản và nguyên sơ kia.
D.T.Suzuki gọi các Thiền Sư, những người sống cuộc đời với ý nghĩa thiêng liêng đó là những nghệ sĩ của cuộc sống:
“Tất nhiên trời sinh chúng ta không đều là khoa học gia, nhưng trời sinh chúng ta ai cũng có thể là nghệ sĩ - tất nhiên, không phải là thứ nghệ sĩ đặt biệt nào đó như họa sĩ, điêu khắc gia, nhạc sĩ, thi sĩ v.v… Mà là những nghệ sĩ của đời sống….
“Một trong những Thiền Sư vĩ đại nhất đời Ðường nói: “Với một người làm chủ được chính mình thì bất cứ ở đâu hắn cũng cư xử thành thật với chính mình.” Và người ấy tôi xin gọi là bậc nghệ sĩ chân chính của đời sống.” (Thiền và Tâm phân học, Như Hạnh dịch, trang 46)
Ðến đây ta thấy chìa khóa của Thiền mở vào cuộc sống là “biến cuộc sống đầy vô vị, một cuộc sống toàn những cái thường tình buồn tẻ, chán nản, thành một nghệ thuật đầy sáng tạo tính nội tâm chân chính.” (Thiền và Tâm phân học, trang 46)
Và đến đây ta cũng hiểu tại sao Thiền lại ảnh hưởng mạnh đến những nền văn hóa mà nó lan tràn đến như Trung Hoa, Việt Nam và nhất là Nhật Bản. Ở Nhật Bản ngày nay ta thấy những nghệ thuật như cắm hoa, uống trà, đánh kiếm, bắn cung, hội họa, v.v…ảnh hưởng sâu xa tinh thần Thiền.
Tóm lại, Thiền có thể nói là một nghệ thuật sống. Nghệ thuật này là sự giao tiếp với cuộc sống một cách sáng tạo và phong phú, và vì vậy tự nhiên và bình thường nhất trong một thể nghiệm nền tảng và nguyên sơ nhất. Với Thiền, mọi sự vật ở trần gian đều mang một ý nghĩa thiêng liêng vì Ðạo bàng bạc mọi nơi trong những sự vật đó. Và kinh nghiệm về cuộc sống của Thiền này xuất phát từ nền tảng sâu xa nhất là Tự Tánh, nó là một trực giác rất thuần túy gọi là Bát Nhã. Vì vậy, bình thường tâm tức là Ðạo.
Ðể kết luận, ta đọc mẫu đối thoại sau đây:
Triệu Châu hỏi Nam Tuyền: Ðạo là gì?
Ðáp: Ðạo là tâm bình thường của ta.
Triệu Châu: Vậy thì có cần tu không?
- Nếu có ý muốn tu tức là trái với đạo.
Hỏi: Nếu không có ý muốn tu, làm sao biết là Ðạo?
Ðáp: Ðạo không phải ở chỗ biết hay không biết. Nếu là biết thì cái biết đó chỉ là vọng giác. Còn nếu không biết thì có khác chi vô trí. Nếu đạt tới chỗ không còn nghi nan thì cũng như mở ra một vòm thái hư rộng lớn trong đó có muôn vật dung hợp, làm sao có thể phân biệt hay phê phán thị phi được.”