Bữa nay, bữa thứ mười hai là đúng một năm rồi đó, cũng vẫn là chủ đề chánh niệm tỉnh giác. Bây giờ mọi người đều biết chánh niệm tỉnh giác như thế nào rồi, và mình thử chánh niệm tỉnh giác trên chính cái bản tâm của mình, quý vị có hiểu không?
Nói theo Đại Ấn là: “Nhìn thẳng tâm”, khi mình nhìn thẳng tâm mình thấy tâm không có một vật nào hết, không có một biên giới nào hết. Khi mình chánh niệm tỉnh giác trên cái bản tâm của mình thì mình thấy nó không có một biên giới nào hết.
Bây giờ mình thử làm đi, không có một vật nào hết không có một ý tưởng nào hết.
Và khi mình nhìn thẳng bản tâm như vậy đó là cái mà Thiền tông hay gọi là thấy Tánh, bởi vì nhìn bản tâm, bản tâm không có một vật nào hết, không có một hình tướng nào hết, không có một ý tưởng nào hết và không có một biên giới nào hết; thì đó chính là thấy Tánh.
Thấy trực tiếp cái bản tâm của mình, đó là cái mà Vipassana nói là quán tâm đó. Quán niệm thân, quán niệm thọ, quán niệm tâm, quán niệm pháp. Khi mình chánh niệm tỉnh giác trên cái tâm, thật sự chánh niệm tỉnh giác trên cái tâm mình thấy tâm mình như bầu trời, như hư không vậy, nó hông có cái gì hết, hông có màu sắc: xanh vàng tím đỏ, nó không có một biên giới nào và nó cũng không có một ý tưởng nào. Chẳng qua là mình không chịu nhìn thấy nó, chớ mình nhìn nó, khi mình nhìn thật sự nó không có một ý tưởng nào hết.
Và mình không nhìn nó thì nó mới khởi ý tưởng, phải hông? Bây giờ mình thử nhìn cái tâm của mình coi. Nhìn trực tiếp bản tâm của mình, thì lúc đó mình không có ý tưởng nào hết, chẳng qua ý tưởng bắt đầu khởi là khi mình không nhìn nó.
Chớ nhìn thấy tận cùng của nó, không có đáy có gì hết, đó là trực tiếp nhìn thẳng tâm của mình.
Tất cả mọi pháp môn, tất cả ngồi thiền, tụng kinh hay gì gì đó, để mình nhìn trực tiếp cái bản tâm của mình. Cái đó nói theo kinh điển: nó là vô tướng, không có một cái tướng nào hết. Nó là Không vô tướng và vô tác: nghĩa là nó không do cái gì tạo lập ra hết. Cái bản tâm của mình từ xưa tới nay nó như vậy thôi, tạo lập là cái nghiệp của mình.
Nghiệp là cái hành động, hành động tạo lập, chớ còn bản tâm đó không do ai tạo lập được hết, mình thì có tạo lập cũng không được nữa.
Bây giờ mình có tin được điều đó hông? Nhìn thẳng cái tâm của mình mình sẽ không thấy một ý tưởng nào hết, ý tưởng chỉ khởi lên khi mình không nhìn nó thôi. Chớ còn mình nhìn trực tiếp cái bản tâm của mình, nhìn trực tiếp cái bản tâm của mình thì lúc đó không có một ý tưởng nào hết, và không có một hình tướng nào hết, nó như hư không vậy đó. Nó như hư không không có một hình tướng nào hết, thì tu hành là vậy thôi. tu hành là mình nhìn trực tiếp cái bản tâm của mình đó là cái mà Đại Ấn nói, đó là quán niệm về tâm, một trong bốn niệm xứ.
Cái quán niệm về tâm của bên Vipassana là nó quán niệm trên những tư tưởng, trên những cái tướng của tâm, tâm tôi đang buồn, tâm tôi đang vui, mình quán tưởng những cái đó; còn bây giờ đây cũng quán niệm trên tâm, nhưng mà quán trực tiếp tâm.
Nếu như mình tin như vậy thì mình cứ trực tiếp mình quán nó đi. Trực tiếp thấy cái tâm mình, thấy y như thấy bầu trời vậy đó, nó không có cái gì trong đó hết, hông có cái ý tưởng nào của mình hết, khi mà mình không dòm bầu trời mình dòm cái cây, cái lá; thì ý tưởng khởi lên.
Thành ra Đại Toàn Thiện ngồi thiền nhìn bầu trời là vậy đó. Mình nhìn cái gì là cái tâm mình là cái đó, mình nhìn bầu trời thì tâm mình nó cũng rỗng rang như bầu trời. Không có biên giới không có ý tưởng, không có gì hết. cho nên quan trọng là mình phải chứng nghiệm cái điều này, mình thử đi. Tu hành là vậy đó, cứ nhìn trực tiếp cái tâm của mình, thì mình thấy tâm mình không có cái gì hết.
Nó là Không, vô tướng, vô tác. Thì Phật giáo chỉ là như vậy thôi.
Tu hành người ta hay nói là “về nguồn”, về nguồn là gì? Là về với cái bản tâm đó. Bản tâm đó nó không có cái gì hết; và bởi vì nó không có gì hết, nó không có ý tưởng gì hết, nó không có hình tướng nào hết, nó không có cái màu sắc nào hết, nó không có giới hạn ranh giới nào hết; cho nên cái đó chính là giải thoát.
Bản tâm đó chính là giải thoát, và mình càng nhìn bản tâm mình càng nhiều thì nó càng giải thoát chừng đó. Bởi vì mình nhìn thấy hình tướng nhiều quá, nhìn thấy đủ thứ ý tưởng của mình thì nó càng cứ cuộn vô trong đó; còn mình nhìn trực tiếp cái bản tâm của mình mình thấy trong đó không có cái gì hết.
Nói theo ngài Lục Tổ Huệ Năng, là “Bổn lai vô nhất vật” (xưa nay không một vật) thì đó là giải thoát. Cho nên vấn đề giải thoát không phải là mình lập ra một cái gì, hay cái gì khó khăn đâu, mình cứ trực tiếp mình nhìn vào đó. Mình thấy vậy đó, mình có thiền định trời gì đó thì nó cũng chừng đó, Mình có làm trời trăng gì nữa thì nó cũng chừng đó.
Và khi mình đã nhìn thấy bản tâm rồi, y như bầu trời vậy đó, dầu cho cái tư tưởng nó khởi lên, y như những đám mây, thì những đám mây đó nó không có nghĩa lý gì với bầu trời hết. Bởi vì lâu nay mình sống trong sanh tử, mình sống trong này mình cứ dòm mấy đám mây thôi, cứ cái gì động lay là mình dòm theo đó thôi. Còn cái bầu trời vẫn vậy, mây có nhiều có ít, có xanh có đỏ gì đó thì cái bầu trời nó vẫn như cũ. Nó không bao giờ thay đổi hết, mà cái tâm mình là nó vậy, chính vì nó không thay đổi mình mới giải thoát còn mình chạy theo cái thay đổi này thì mình đều không giải thoát hết. Thường thường sanh tử của mình là mình chạy theo những thay đổi. Nó vốn là mình mà mình không nhận lấy mà mình chạy theo những thay đổi, để cho nó cứ chạy theo cái này hết lại chạy theo cái khác.
Bầu trời nó không thay đổi, và khi mình trực tiếp nhìn thấy bầu trời của tâm mình rồi đó, mình thấy trực tiếp, mình tin, và mình sống được trong đó rồi; thì ở đời này mình có giàu mình xây nhà lầu một ngàn tầng đi nữa thì bầu trời cũng không thay đổi. Có bao nhiêu nó cũng không thay đổi, thành ra đừng có sợ giàu hay nghèo. Cái vấn đề là cái tâm đó nó không thay đổi, nó không thể biến theo một cái gì hết, cho nên anh có thêm bao nhiêu nó cũng không thay đổi anh không có gì nó cũng không thay đổi, giàu nó cũng không thay đổi mà nghèo nó cũng không thay đổi. Chỉ có mình chạy theo cái giàu cái nghèo nó mới thay đổi thôi chớ bầu trời của tâm mình là không thay đổi.
Thì tất cả những cái pháp môn của Phật giáo để đưa về cái bản tâm đó, thành ra trong kinh Lăng Nghiêm có một câu nói nghe rất khủng khiếp lắm: “Đối với một người về nguồn, thì tất cả thế giới này tiêu hoại hết”. Bởi vì sao? Bởi vì nó không chứa cái gì hết.
Nếu mình thấy trực tiếp cái tâm của mình như vậy, thì mình giải thoát, mình không giải thoát bởi vì những cái mình còn chứa trong tâm, còn cái tâm đó nó không chứa gì hết, có thì nó cũng vậy, mà không có thì nó cũng vậy thôi.
Nó không chứa cái gì hết, nó không in cái gì hết, lúc này cái tâm mình luôn luôn nó như cái tấm gương sáng vậy đó.
Cả Thiền tông, cả Đại Toàn Thiện, cả kinh điển đều nói cái tâm mình như tấm gương sáng, những hình bóng đó nó in vô, nó phản chiếu vô trong gương, nhưng mà mình tưởng là nó phản chiếu vô tấm gương thì những hình ảnh đó nó in vô tấm gương vậy, nó chết cứng ở đó; nhưng thật sự nó không bao giờ in vô được, nó phản chiếu vô tấm gương chớ nó không thể in vô tấm gương. Mình phải thấy rõ ràng như vậy, nếu như mình thấy, nhìn cho rõ ràng nhìn cho kỹ, quán sát cho kỹ; là tâm mình y như tấm gương, phải hông? Và mình có quán sát kỹ như vậy thì mình thấy nó không dính vô cái gì hết. Vì tấm gương nó phản chiếu tất cả mọi hình ảnh, nhưng mà nó không dính hình ảnh nào; cho nên tấm gương đó luôn luôn nó giải thoát. Bởi vì cái vô minh của mình là mình tưởng nó dính trong đó chớ thiệt ra nó đâu có dính.
Nó chỉ phản chiếu, có cái gì nó phản chiếu cái đó, thành ra câu thiền ngữ nào nói là: “Hồ tới thì hiện Hồ, Hán tới thì hiện Hán” là vậy đó. Tấm gương đó anh Hồ chắc là anh Ấn Độ tới anh đen thui thì nó hiện anh đen, anh Hán vàng vàng thì nó hiện vàng vàng, vậy thôi; nhưng mà không có dính anh nào hết.
Thành ra tu hành là làm sao mình nhận ra được cái bản tâm của mình như tấm gương đó, nó không dính, không dính cái gì hết. Nó có nhưng mà nó không dính. Nó có chiếu nhưng mà nó không dính. Cũng như không gian này nó có các vị đây, nhưng mà chút nữa các vị đi, ngày mai một giờ rưỡi là ở đây nó trống rỗng, nó không dính cái gì hết. Có không có nó vẫn vậy, còn mình chạy theo hình tướng nên thấy có thấy không, thấy lên thấy xuống, chạy qua chạy về; còn cái không gian, cái hư không đó nó không có dính cái gì hết.
Cái thực hành của mình là làm sao thấy được cái tấm gương tâm đó làm sao thấy được cái tâm như hư không của mình, và mình phải kinh nghiệm cho nó nhiều, thí nghiệm cho nó nhiều, coi nó có dính thiệt hay không; hay là cái tấm gương đó nó vẫn như hư không, y như bầu trời không bao giờ nó thay đổi mà nó không có biên giới gì hết.
Khi mình thí nghiệm cho đủ rồi, thì mình tin, té ra cái tâm mình nó vốn giải thoát như vậy. Mình càng sống với nó càng nhiều chừng nào thì mình càng giải thoát chừng đó; Còn mình sống với hình tướng, với âm thanh thì càng ngày mình càng mắc kẹt.
Cho nên trong Kinh Pháp cú có câu, như chim bay trong hư không vậy đó, trong không gian nó không để lại dấu vết gì hết. Không gian nó không lưu lại dấu vết gì hết, từ vô thủy đến vô chung nó không dính cái gì trong đó hết.
Cái quan trọng nhất là mình phải tin điều đó, mình phải thấy trực tiếp cái tâm của mình là nó không dính cái gì hết, rồi cuối cùng là mình sống thường trực với nó, để thường trực giải thoát. Sống thường trực với nó là để mình chánh niệm tỉnh giác thường trực nó, là mình giải thoát.
Thành ra mình thực hành 24 tiếng này như bên Tây Tạng không dịch là chữ thiền định, mà dịch là chữ làm quen. Làm sao trong 24 tiếng này mình làm quen, làm quen với nó cho tới khi mình thấy rõ ràng như tôi thấy ông Châu vậy thôi. Phải hông? Làm quen nhiều quá một chập dòm thấy là biết ông chớ đâu có lôi thôi gì.
Khi mình đã làm quen đến thân thuộc rồi thì cái gì cũng là tâm mình chớ không có lôi thôi gì hết, nhìn cái bóng nào cũng thấy đó là gương; chớ không phải gương là chùi sạch bóng, không có đâu. Khi mà mình thuần thục rồi thì tấm gương nó chứa bao nhiêu bóng nó cũng vậy, và cái bóng nào ở trong gương, bóng đó cũng là gương hết; sắc tức thị không, là vậy; sắc nào cũng là không hết.
Khi cái không mình nó thôn tín mọi thứ sắc, cái không mình đã thật sự rồi là nó thôn tín, nó ăn, nó thực dân hết mọi thứ sắc. Thành ra sắc đối với nó vô nghĩa, bởi vì sắc nào cũng là Không hết; sắc nó không đẩy mình tới, mình cũng không đẩy nó đi.
Thì bữa nay là mình làm chánh niệm tỉnh giác lần thứ mười hai. Thầy nói lại chánh niệm tỉnh giác của mình là chánh niệm tỉnh giác trên cái tâm. Bất kỳ khi nào mình chánh niệm tỉnh giác trên tâm, thì mình nhận ra cái tâm là cái gì liền. Nó không có hình tướng nào hết, nó không có ý tưởng nào hết, và nó không có gì hết; cho nên nó sẵn sàng chấp nhận mọi ý tưởng, nó sẵn sàng chấp nhận mọi hình tướng; mà có chấp nhận trời gì thì nó cũng vậy thôi, cái gương có đông người tới rọi vào mặt nó thì nó cũng là tấm gương, mà đi hết thì nó vẫn là tấm gương.
Đó chính là cái mà mình hay nói: “Phật Pháp Tăng thường trụ” là vậy. Chính cái đó thường trụ, chớ không có ông Tăng nào thường trụ nổi hết. Thành ra có câu nói của ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ: “Phàm thánh trời người như điện phất”.
Bởi vì mình ở trong đó mình thấy phàm thánh trời người như điện phất vậy thôi.
Tánh Hải Kính ghi
Phân tâm học là ngành tâm lý học chiều sâu do Sigmund Freud (1856 – 1939) sáng lập, mặc dù trước ông có những nhà tâm lý học đi theo hướng này,
Tôi chơi Facebook cũng hơn một năm, được tiếp xúc với rất nhiều bạn bè, tôi nhận ra nhiều người bạn chưa nhận rõ kiến tánh là như thế nào, phần lớn
Padmakara, đạo sư của Uddiyana, ngụ ở Samye sau khi được vua mời qua Tây tạng. Ngài ban nhiều lời dạy cho vua,các lãnh chúa, và các thiện nam tín nữ nơi
Vậy thì vai trò của các tôn giáo chính thống trong việc hình thành ý thức mới là gì? Nhiều người đã nhận thức được sự khác biệt giữa tâm linh và
Hồi nãy mình đã nói cái gì? Niệm. Bây giờ đối xử với niệm làm sao? Niệm phải hông? Theo thầy niệm là những làn sóng nó khởi lên trên đại dương
QUAN HỆ THẦY TRÒ Theo Tinh thần Kinh Kế thừa Chánh pháp Thầy, vầng mây bậc, thong dong, núi cao biển rộng Con, cánh nhạn chiều, chân trời sải cánh, dõi theo Thầy,
Giữ giới là lựa chọn tự do Giới luật của Phật giáo có nghĩa là: “Anh đừng tự làm thương tổn mình, anh đừng tự làm hại mình”. 1. Tự do của lệ thuộc
Đạo Phật là gì Lama Zopa and Lama Yeshe Khi bạn tìm hiểu về đạo Phật tức là bạn đang tìm hiểu về con người thật của mình, về bản chất của tâm trí
Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa(VHPG) Mọi kinh nghiệm của chúng ta, kể cả giấc mộng, khởi lên từ vô minh. Đây là một tuyên bố làm hoảng hốt