Chùa Thái Bình là một ngôi chùa cổ tại vùng Quảng Nam xưa, nay thuộc vùng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng. Theo Ngũ Hành Sơn lục thì “Dưới thời Hồng Đức, Vua Lê Thánh Tôn đánh Chiêm Thành, đặt đạo Quảng Nam, người Bắc kỳ đến ở đây. Phía dưới núi có hai chùa Vân Long và Thái Bình ( biển chùa ở hai làng Hóa Khuê, Quán Khái)” 1 .Như thế, hai chùa Vân Long và Thái Bình được tạo dựng từ rất sớm nhưng qua thời gian đã bị hư hại nhiều. Dưới thời pháp thuộc, ông Albert Sallet viết trong tác phẩm Les montagnes demarbre(Ngũ Hành Sơn ) cũng nói sơ lược về chùa Thái Bình như sau: “Chùa nằm ở phía Nam Thủy Sơn, cũng như chùa Vân Long, đã bị tàn phá”. Theo Albert Sallet, chùa còn một tấm bia đá được lưu giữ ở làng Quán Khái Đông, cao 0,70m, rộng 0,46m. Ông không mô tả được nhiều mặc dù chính ông đã dịch bài văn bia công bố trong tác phẩm Ngũ Hành Sơn nói trên.Những năm trở lại đây, bản dịch Việt ngữ tác phẩm của Albert Sallet đã được công bố nên nhiều người sử dụng tư liệu ấy trong việc nghiên cứu lịch sử Phật giáo tại Đà Nẵng. Một ngôi chùa thuộc vùng Ngũ Hành Sơn đã đem bản dịch văn bia trên tạc vào bia đá làm cứ liệu lịch sử về chùa cổ Thái Bình. Trong quá trình tìm hiểu lịch sử Phật giáo xứ Quảng , chúng tôi đã từng đọc tập sách cùng bài văn bia và mong muốn tìm lại nguyên tác của nó. Tiếc rằng hiện văn bia đã mất tích, đến nay chúng tôi vẫn chưa tiếp xúc được với nguyên bản. Nhân tìm hiểu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, chúng tôi phát hiện thác bản tấm văn bia mang ký hiệu 12621a,12621b được bỏ vào một túi. Hai thác bản trùng nhau, nghĩa là chúng được dập ra từ một tấm bia; người sưu tầm đã rất cẩn thận trong việc sao dập các văn bia thành các thác bản, nhất là các văn bia thuộc loại quý và có xu hướng dễ phai mờ theo thời gian. Tuy không được tận mắt thấy tấm bia nhưng theo chúng tôi văn bia được tạo tác bằng đá sa thạch vì bản in dập chữ rất mờ khó đọc, cho thấy mặt văn bia không được phẳng như các loại đá Non Nước hay đá xứ Thanh. Văn bia có kết cấu 15 hàng, mỗi hàng có số chữ không đồng đều, hàng nhiều chữ nhất gồm 30 chữ, có một số chữ đọc không ra. Trán bia trang trí mặt nhật, hai bên có hình sóng nước. Hai bên lề xung quanh và phía dưới không trang trí hoa văn. Lòng bia phần đầu đề tên bia với năm đại tự là” Thái Bình tự thạch bi”. Văn bia có thể được viết bởi Giới tử Nguyễn Phúc An pháp danh Như Minh, vừa là người soạn văn, vừa là người lập thạch; được tạc vào ngày 11 tháng 7 năm Tân Sửu niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 11(1721), nội dung nêu sơ lược tiểu sử của Thiền sư Đương Cơ Chân Dĩnh và ca ngợi đạo hạnh của ngài. Đây là văn bia cổ có ghi niên hiệu các vua Lê, tương đương với đời chúa Nguyễn Phúc Chu(1691-1725) tại Đàng Trong.
1.Sơ lược hành trạng Thiền sư Đương Cơ Chân Dĩnh
Theo văn bia, sư Chân Dĩnh họ Lưu, người Phúc Kiến, Trung Quốc. Năm 24 tuổi, sư phấn chí không mệt, giáo hóa giới tử 3.000 người cúi đầu xin quy y. Sư xây dựng am chùa, gầy dựng Phật pháp, sư có lối sống thanh nhàn được mọi người tôn xưng vào hàng “Hòa thượng”. Văn bia ca ngợi ngài “…tuổi cao đức trọng, đạo thông Tây Vực”. Ngài thọ 63 tuổi mới viên tịch, được chúa Nguyễn chu phê cấp ruộng thờ tự tại chùa Thái Bình. Có thể nhận thấy sư rất được các chúa Nguyễn ủng hộ trong công việc giáo hóa, xây dựng chùa tháp. Lúc này, chùa Thái Bình trở nên là một “công tự” tức chùa được sự ngoại hộ của các chúa Nguyễn.
Dựa vào phần ghi danh sách ruộng đất của bản tự, ta có thể biết được tông phái của sư Chân Dĩnh. Văn bia ghi: “Lâm tế chính tông cửu đại đại Hòa thượng Lưu Chân Dĩnh”. Dưới chân núi Ngũ Hành còn có ngôi tháp thờ ngài có bia đề: “ Phụng vị khai sơn viện chủ đệ nhất đại thượng Đương hạ Cơ húy Chân Dĩnh hòa thượng chi đàn vị”. Ngôi tháp được Hòa thượng Phước Thông trụ trì chùa Tam Thai cho lập lại. Có thể văn bia được sao chép lại từ một tấm bia tháp cổ. Qua đây, chúng ta biết trong vùng Ngũ Hành, ngài được xem là vị Tổ đầu tiên và còn biết thêm một hiệu nữa của ngài là Đương Cơ.
Chúng ta cần lý giải tông phái khi văn bia cho ngài thuộc chính tông dòng Lâm Tế đời thứ chin. Thế thì ngài thuộc pháp phái nào trong tông Lâm Tế? thông thường, dòng thiền Lâm Tế truyền sang nước ta thuộc hai pháp phái là Thiên Đồng và Trí Bản Đột Không; do đó, ngài có thể thuộc về một trong hai pháp phái này. Cả hai pháp phái vẫn truyền thừa tại các tỉnh Phúc Kiến, Quảng Đông, và có nhiều vị thiền sư đồng hương đồng tông phái sang hoằng pháp ở nước ta dưới thời Hậu Lê. Lần theo pháp danh của hai vị xuất hiện trong văn bia là Chân Dĩnh và tử Như Minh, chúng ta có thể truy tìm được tông phong của thiền sư. Chữ” chân” và nối tiếp là chữ “Như” chỉ thấy xuất hiện trong kệ phái Thiền sư Đột Không Trí Bản, Trung Quốc. Kệ phái như sau:
“Trí tuệ thanh tịnh,
Đạo đức viên minh.
Chân như tính hải,
Tịch chiếu phổ thông…”
Đối chiếu kệ phái, hai chữ “Chân”, “Như” xuất hiện ở đầu câu thứ ba.Tính từ chữ “Trí” đến chữ “Chân” trong kệ phái thì được chín chữ, tương đương với chín đời truyền thừa. Văn bia nói sư thuộc đời thứ chín dòng Lâm Tế có thể phù hợp với cứ liệu trên, là thuộc đời thứ chín của phái Đột Không Trí Bản trong dòng Lâm Tế. Cách tính thế hệ truyền thừa trong văn bia ở đây là một trường hợp hơi lạ. Thông thường, thế hệ của các vị thiền sư phái Lâm Tế truyền thừa tại Đàng Trong được tính từ vị Sơ tổ phái Lâm Tế là Thiền sư Nghĩa Huyền đến đời của vị kế đăng. Tiêu biểu là Thiền sư Nguyên Thiều tính từ Tổ Nghĩa Huyền thì ngài thuộc đời 33, Tổ Minh Hải Pháp Bảo, Minh Hoằng Tử Dung thuộc đời 34, Tổ Liễu Quán thuộc đời 35… Do có tương quan giữa thiền pháiThiên đồng và Thiền phái Trí Bản Đột Không, chúng ta có thể dựa theo cách tính thế hệ của phái Thiên Đồng để xác định thế hệ của ngài Đương Cơ Chân Dĩnh. Theo thiền sử Trung Quốc, Thiền sư Đột Không Trí Bản thuộc đời thứ 25 phái Lâm Tế. Tính tiếp đến Thiền sư Chân Dĩnh thì sư phải thuộc đời thứ 33, tương đương với tổ sư Nguyên Thiều(1648-1728).
Sư Chân Dĩnh viên tịch lúc nào thì văn bia không cho biết, chỉ hay khi đó sư thọ 63 tuổi. Chắc chắn, sư phải viên tịch trước năm lập văn bia, nghĩa là trước năm Vĩnh Thịnh thứ 11, để học trò có thể ghi lại sơ lược hành trạng, ca ngợi công đức tu hành cùng ghi chép về số điền thổ của chùa dùng lo hương hỏa cho sư. Ta có thể lấy khoảng năm 1721 làm năm sư viên tịch; suy ra sư phải sinh vào khoảng năm 1657. Như thế, niên đại của sư tương đương với Tổ Nguyên Thiều, có thể tạm kết luận rằng việc suy đoán sư thuộc đời thứ 33 phái Lâm Tế là có cơ sở.
Theo các tư liệu còn được biết, phái Trí Bản Đột Không có sự phát triển mạnh tại Đàng Trong và có sự truyền thừa trước phái Thiên Đồng. Theo Chuyết Chuyết tổ sư ngữ lục thì các Thiền sư Chuyết Công và Minh Hành đều có thời gian hành đạo tại Quảng Nam. Quyển một và quyển hai của bộ Ngữ lục ghi chép bài thuyết pháp của Chuyết Công tại ngôi chùa Hàm Long thuộc địa phương Quảng Nam. Hiện chưa xác định được vị trí của chùa Hàm Long thuộc địa phận nào trong tỉnh, cùng hang với Tổ sư Chuyết Công có hai Thiền sư Đại Thâm Viên Thật, Lục Hồ Viên Cảnh hành đạo tại Triệu Phong. Chính Thiền sư Minh Châu Hương Hải người Quảng Nam đã thụ học đạo nghiệp với hai vị sư trên. Pháp phái của hai vị Chuyết Công và Hương Hải lại nở rộ trên đật Bắc Hà nhưng có một giai đoạn pháp phái này ảnh hưởng đến Phật giáo xứ Quảng. Theo các tư liệu thì pháp phái truyền đến chữ “Tính, Hải, Tịch…” mà không thấy truyền thừa tiếp. Có thể pháp phái truyền đến giai đoạn cuối thời các chúa Nguyễn, Tây Sơn thì không có người kế tục.
2.Tình hình ruộng đất và phản ánh địa danh làng xã xưa tại Quảng Nam.
Ruộng đất chùa Thái Bình gồm hai loại: ruộng đất công và ruộng đất tư. Ruộng đất công bao gồm diện tích đất do chính các chúa Nguyễn chuẩn cấp, đặc biệt được miễn tô thuế. Trong đó, chúa Hiền( tức chúa Nguyễn Phúc Tần) chuẩn tô thuế 41 mẫu; chúa nghĩa ( tức Nguyễn Phúc Thái) chuẩn thuế 42 mẫu. Ruộng đất do các chúa cấp tất cả 83 mẫu, quá lớn đối với một ngôi chùa. Từ đó suy ra chùa Thái Bình lúc này thịnh đạt và phát triển cực mạnh. Văn bia còn ghi lại đương kim quốc vương tức chúa Nguyễn Phúc Chu cấp cho 27 tiền 13 quan 5 mạch để lo hương hỏa cho Tổ Chân Dĩnh.
Số ruộng đất thuộc về các xã trong bản xứ như sau:
“Ruộng xã Mông Lãnh 5 mẫu 6 sào. Ruộng xã Dưỡng Mông 10 mẫu 2 sào. Đất ruộng xã Bãi Hồng tây 3 mẫu 2 sào. Ruộng xã Quán Khái 5 sào. Ruộng thôn Tân An 1 mẫu. Đất xã Vân Quật 5 sào. Ruộng xã Hóa Khuê đông 1 mẫu 7 sào. Hội Thống cúng ruộng xứ Bà Đa 7 mẫu”.
Như thế, tổng số ruộng đất lên đến 27 mẫu 27 sào. Đây là ruộng tín cúng tức ruộng tư của chùa. Cả ruộng đất công và tư lên đến 100 mẫu và 27 sào. Diện tích đất đai như thế là khá lớn đối với một ngôi chùa thuộc Đàng Trong.
Trong danh sách số ruộng đất đó, chúng ta bắt gặp các địa danh được ghi lại trong văn bia. Văn bia ghi được sáu xã thôn như Mông Lãnh, Dưỡng Mông, Quán Khái, Hóa Khuê,Vân Quật, Tân An.Trong Ô Châu cận lục được biên soạn vào đời Mạc, có ghi tên ba xã Mông Lãnh , Vân Quật, và Hóa Khuê. Có thể sách ghi chép thiếu các xã như Dưỡng Mông, Tân An và Qúan Khái vì các xã này tương truyền được lập vào thời vua Lê Thánh Tông. Đến sách Phủ biên tạp lục, được biên sọan sau văn bia, Lê Quý Đôn đã ghi lại rõ từng xã thuộc các tổng, huyện, phủ…như xã Qúan Khái đông thuộc tổng Hà Khúc; xã Hóa Khuê đông thuộc tổng Lỗ Giản,huyện Hòa Vang,phủ Điện Bàn,các xã Mong Lãnh Vân Quật thuộc tổng Mông Lãnh huyện Diên Khánh,xã Dưỡng Mông thuộc huyện Duy Xuyên,phủ Thăng Hoa.Riêng xã Bãi Hồng Tây và thôn Tân An chưa xác định được tổng huyện nàoCòn xứ Bà Đa thì thuộc xã Hóa Khuê đông. Đến thời Pháp thuộc,sách Đồng Khánh dư địa chí,phần tỉnh Quảng Nam cho biết xã Vân Quật thuộc tổng Mậu Hòa trung;Dưỡng Mông thuộc tổng Tân An huyện Duy Xuyên.Quán Khái xã đông giáp (còn gọi Quán Khái Đông) thuộc tổng Phú Triêm hạ;Hóa Khuê Đông, thôn Tân An thuộc tổng An Lưu hạ đều về huyện Diên Phước phủ Điện Bàn. Xã Mông Lãnh thuộc tổng Xuân Phú huyện Quế Sơn phủ Thăng Bình.Hiện nay,các xã thời xưa tương đương với các thôn làng bây giờ như Mông Lãnh, Dưỡng Mông thuộc địa phận huyện Quế Sơn;Vân Quật thuộc xã Duy Thành huyện Duy Xuyên tỉnh Quảng Nam.Hóa Khuê Đông, Quán Khái Đông lại thuộc địa phận thành phố Đà Nẵng.
Tóm lại, qua việc đi sâu tìm hiểu văn bia chùa Thái Bình, chúng ta đã bóc tách nội dung bài văn bia. Văn bia ghi lại vài nét về Thiền sư Chân Dĩnh, một vị tổ sư đã đến rất sớm , hành đạo tại vùng Ngũ Hành Sơn. Tuy hành trạng đưa ra không nhiều nhưng bổ sung một số cứ liệu về sự truyền thừa dòng phái Đột Không Trí Bản tại Đàng Trong, mở ra cái nhìn về sự truyền thừa đạo Phật tại vùng đất mới. Văn bia ghi chép số đất đai cùng một số địa danh làng xã thuộc xứ Quảng Nam. Đây là cứ liệu để nghiên cứu về địa danh học trong giai đoạn các chúa Nguyễn hoặc có thể truy xa hơn, tạo cơ sở cho các nhà nghiên cứu tiếp xúc đối chiếu với các tư liệu ghi chép về địa dư chí, làm nền móng cho công việc tái hiện tên làng xã tại tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng bây giờ.
Tài liệu tham khảo:
1.Albert Sallet, Ngũ Hành Sơn,(bản dịch của Nguyễn Duy Sinh), Nxb Đà Nẵng,1996.
2.Ngũ Hành Sơn Lục, bản chép tay.
3. Ô châu cận lục tân dịch hiệu chú của Dương Văn An, Nxb Thuận Hóa, Huế,2001.
4.Phủ biên tạp lục,tập 1,trong Lê Quý Đôn toàn tập của Lê Quý Đôn,bản dịch của Viện Sử học,Nxb KHCH,H.1977.
5. Đồng khánh dư địa chí,tỉnh Quảng Nam,bản chép tay, kí hiệu A.537/18,Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
6.Minh Hành biên tập,Chuyết Chuyết tổ sư ngữ lục,bản in.
7.Văn bia Thái Bình tự thạch bi,kí hiệu 12621a,12621b thác bản Viện Nghiên cứu Hán Nôm.Tham khảo phần ảnh trong Tổng tập khác bản văn khắc Hán Nôm, tập 13,Nxb Văn Hóa Thông Tin, H.2005, tr.626, 627.
8.La Thành Tỵ Lược sử Phật giáo thành phố Đà Nẵng,Nxb Đà Nẵng, 2009.
Chú thích:
1.Ngũ Hành Sơn lục,bản chép tay,tờ 3a
2.Tiêu biểu La Thành Tỵ,Lược sử Phật giáo Đà Nẵng.
3.Văn bia tiếng việt được lắp gần tháp Thiền sư Chân Dĩnh.
4.Theo văn bia ghi:’ “Tam Thai tự sắc chuẩn trụ trì hiệu Phước Thông trùng lập”, lạc khoản bên trái đề “Tuế thứ Kỷ Hợi quí thu cát đát”. Năm kỷ Hợi chính là năm làm lại ngôi tháp này.
Đồng Dưỡng
Theo: Tạp chí VHPG 120
Đạt Lai Lạt Ma truyền Đại giớiDharamsala, India, March 15th 2010 – Hôm 15/03 Đức Đạt Lai Lạt Ma đã truyền giới cho một số sư thầy như những tu sĩ cụ
Di Ngôn - Lễ Tưởng Niệm Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ - Ngày 18-04-2020(Hoa Sen Audio Thực Hiện trên Youtube)CÔNG TRÌNH SÁNG TÁC VÀ DỊCH THUẬT:Nguyên Thủy Phật Giáo
Đức Đạt Lai Lạt Ma nói về sự hủy diệt của Phật giáo tại Ấn Độ Bài Phỏng vấn của Thomas Laird H.H The XIV Dalai Lama Trong suốt thời gian từ năm
Thầy ôn lại chánh niệm tỉnh giác từ lần đầu tiên, nếu mà chúng ta thực hành nghiêm túc trong chín tháng qua thì chúng ta đã nhận ra chánh niệm tỉnh
Lễ hưng công xây dựng Đài Phật Mẫu Chuẩn Đề Vương Bồ Tát Sáng ngày 28/5 Ban quản lý công trình tượng đài Phật Mẫu Chuẩn Đề Vương Bồ Tát đã làm lễ
QUAN HỆ THẦY TRÒ Theo Tinh thần Kinh Kế thừa Chánh pháp Thầy, vầng mây bậc, thong dong, núi cao biển rộng Con, cánh nhạn chiều, chân trời sải cánh, dõi theo Thầy,
Giữ giới là lựa chọn tự do Giới luật của Phật giáo có nghĩa là: “Anh đừng tự làm thương tổn mình, anh đừng tự làm hại mình”. 1. Tự do của lệ thuộc
Đạo Phật là gì Lama Zopa and Lama Yeshe Khi bạn tìm hiểu về đạo Phật tức là bạn đang tìm hiểu về con người thật của mình, về bản chất của tâm trí
Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa(VHPG) Mọi kinh nghiệm của chúng ta, kể cả giấc mộng, khởi lên từ vô minh. Đây là một tuyên bố làm hoảng hốt