NGƯỜI MỞ ĐƯỜNG CHO LUẬN LÝ HỌC Á ĐÔNG
PHAN KHÔI (1887-1959)
Khổng Tử và cái thuyết “chánh danh” của ngài
Nhiều lần tôi có nhắc tới cái thuyết “chánh danh” của Khổng Tử. Ở Phụ nữ tân văn số 43, trong bài nói về chữ quốc ngữ, tôi có hứa rằng chờ sau nầy sẽ viết một bài cắt nghĩa về cái thuyết ấy. Hôm nay xin làm trọn lời hứa của tôi.
Luận lý học là một khoa thuộc về triết học, dạy người ta tư tưởng theo phép tắc chánh đáng cho khỏi sai lầm. Nó sanh sản ra từ trong học giới Âu châu, nguyên tên nói theo tiếng Anh thì viết Logic, còn theo tiếng Pháp thì viết là Logique. Người Nhựt Bổn dịch ra là Luận lý học.
Nhiều nhà học giả nước Tàu ngày nay cho cái tên luận lý học là không đúng, mà bảo phải kêu Logic hay Logique bằng “Danh học”. Tuy vậy, người ta dùng chữ luận lý học quen rồi, cho đến những nhà bác học cũng dùng đến luôn luôn. Vì vậy, tôi cũng theo thói quen mà dùng như người ta.
Tại làm sao những người kia lại biểu phải kêu Logique bằng danh học? Nguyên vì danh học là một khoa học của người Tàu, phát sanh ra hồi Chiến Quốc, mà về phần tinh thần của nó thật giống với Logique của Tây. Cho nên, họ nói mình đã có khoa danh học đúng như Logique, thì cứ kêu Logique bằng danh học đi, lại còn dịch thêm một tiếng luận lý học là tiếng nghe không được ổn thỏa nữa làm chi?
Lấy lẽ gì mà nói là không ổn thỏa? Đợi có dịp khác tôi sẽ cắt nghĩa. Đây tôi phải ngó lại cái đầu đề trên kia mà nói, kẻo nó lãng đi.
Thiệt cái danh học của Tàu không biết vì cớ gì mà về sau tuyệt hẳn đi, là một điều đáng tiếc cho nền học thuật Á Đông. Ngày nay có nhiều người nhìn nhận rằng vì cớ ấy mà học thuật phương Đông mấy ngàn năm nay không có tấn bộ một mảy nào. Nhưng ở đời Chiến Quốc thì các học phái nước Tàu như trăm hoa đua nở, mà phái nào cũng có tông chỉ, có thống hệ, gần giống như cái hiện tượng của học giới Âu châu vậy. Thấy vậy, người ta mới lại nhìn nhận rằng hồi Chiến Quốc mà các học phái sản sanh ra được như vậy là nhờ khoa danh học thạnh hành, mỗi một phái nào cũng đều lấy danh học làm trụ cột để lập nên cái học thuyết của mình.
Cái vấn đề mà tôi vừa tóm tắt trong đoạn trên đây, tôi đã từng nghiên cứu qua thì thấy hay lắm, vui lắm, có thú vị lắm. Xin độc giả hẵng làm quen với những bài của tôi như bài nầy lấy ít lúc, rồi tôi sẽ viết một bài kêu là “Luận lý học với học thuật Đông Tây” mà cống hiến cho độc giả những cái sở đắc trong sự nghiên cứu của tôi. Đây tôi nói tắt về cái danh học của Tàu phát nguyên ra từ đâu.
Ai đã đọc sách Trung Quốc triết học sử đại cương của Hồ Thích, chắc có thấy nơi trang 104, nói về cái chủ nghĩa chánh danh của Khổng Tử, có mấy lời như vầy:
“Từ Khổng Tử nêu ra cái vấn đề chánh danh, rồi các nhà triết học đời xưa đều chịu lấy cái ảnh hưởng ấy: Mạnh Tử, Mặc Tử v.v… Cho nên có thể nói rằng cái chủ nghĩa chánh danh của Khổng Tử thiệt là thỉ tổ[1] của danh học Trung Hoa, cũng như cái thuyết “khái niệm” của Socrate là thỉ tổ của danh học Hy Lạp”.
Theo lời Hồ thì cái thuyết chánh danh của Khổng Tử còn có mấy phương diện, nhưng có một phương diện quan hệ với danh học, tức là cái chỗ do đó nền danh học được lập lên bởi các học giả sau ngài.
Tôi đã đọc nhiều sách nói về danh học của Tàu, sau khi quán thông lại thì nhận cho lời của Hồ là đúng lắm. Tôi bèn nắm đó mà nghiên cứu cái thuyết chánh danh của Khổng Tử về phương diện danh học.
*
* *
Hai chữ “Chánh danh” xuất từ sách Luận ngữ, thiên Tử Lộ, là thiên thứ XIV trong sách ấy, dịch ra đây cả một chương như vầy:
“Tử Lộ hỏi: Vua nước Vệ, nếu dùng thầy làm việc chánh, thì thầy sẽ làm điều chi trước?
Ngài đáp rằng: Âu là ta phải chánh danh ư?
Tử Lộ nói: Có lẽ ấy à? Thầy hu hoạt[2] làm sao. Chánh gì mà chánh?
Ngài nói: Ngươi Do mới quê mùa thay! Người quân tử với điều mà mình chẳng biết, thà chịu để thiếu đó.
Danh chẳng chánh thì lời nói chẳng thuận; lời nói chẳng thuận thì việc làm chẳng nên; việc làm chẳng nên thì lễ nhạc chẳng dấy; lễ nhạc chẳng dấy thì hình phạt chẳng nhằm; hình phạt chẳng nhằm thì dân không chỗ đặt tay chưn.
Cho nên, người quân tử kêu tên điều gì, chắc có thể nói ra được; nói ra điều gì chắc có thể làm được. Người quân tử đối với lời nói của mình, không có chỗ cẩu thả mà thôi”.
Đó, xem cả một chương đó, thấy Tử Lộ hỏi về việc chánh trị mà ngài đáp bằng cái thuyết chánh danh, thì biết cái thuyết ấy là quan hệ ngay với chánh trị; cho nên Hồ Thích nói có mấy phương diện là thế. Tuy vậy trong đó có nhiều cái lẽ rất quan hệ với danh học hay là luận lý học.
Chánh danh, nói theo tiếng ta, tức là kêu tên cho trúng, mới nghe như là không trọng yếu mấy, bởi vậy Tử Lộ mới dám vọt miệng chê ngài là hu hoạt. Nhưng xét ra, trong sự học vấn, trong sự chánh trị, mà cho trong sự gì cũng vậy, kêu tên cho trúng, là sự trọng yếu lắm, chớ nên dể dưng.
Trong một bài đăng ở số trước, tôi đã nói về hai cái nguyên tố của luận lý học, là khái niệm (concept) và danh từ (terme). Khái niệm là sự mình suy nghĩ trong lòng; danh từ là lời mình nói ra nơi miệng. Tiếng rằng hai cái, song thiệt thì có một. Vì cái lời mình nói ra đó tức là cái điều mình suy nghĩ. Cho nên, hễ nghĩ sai, tự nhiên nói ra cũng sai; và hễ thấy lời nói ra mà sai, khắc biết rằng sự suy nghĩ cũng không trúng vậy.
Chữ “danh” trong chữ “chánh danh” của Khổng Tử đây, tức là cái danh từ trong luận lý học; và chữ “danh” trong chữ “danh học” cũng tức là một chữ “danh” ấy.
Trong Luận ngữ, có một chỗ, Khổng Tử than phiền về sự danh bất chánh trong thời đại ngài. Nguyên đời xưa, có cái đồ đựng rượu, hình nó có khía, nên kêu bằng cái “cô”. – Cô nghĩa là “khía”. Nhưng hồi ngài đó thì cái đồ đựng rượu được ba thăng, bất luận có khía không khía, người ta đều kêu bằng cái “cô” cả. Bởi vậy ngài mới than rằng:
“Cái cô mà chẳng có khía, cũng kêu bằng cô được ư! cũng kêu bằng cô được ư!” (Ung dã, thiên thứ VI trong Luận ngữ).
Đó, không có khía mà kêu bằng cô, ấy là kêu tên không trúng. Vậy mà người ta kêu được, là kêu liều kêu lĩnh đó thôi, chớ theo ngài thì nghe trái tai lắm, thật là lời nói chẳng thuận.
Lại một chỗ nữa, cũng thuộc về phương diện chánh trị, song có thể đem mà chứng minh cho cái nghĩa trên kia. Ấy là chỗ Quý Khương Tử hỏi việc chánh mà ngài thưa rằng:
“Cái điều kêu bằng chánh ( 政 ) tức là chánh ( 正 ) vậy; ông lấy chánh ( 正 ) mà xướng suất, thì ai lại dám chẳng chánh ư?” (Nhan Uyên, XIII).
Nguyên chữ “chánh ( 政 ) (nghĩa là chánh trị) có chữ “chánh” ( 正 ) một bên (nghĩa là ngay). Cho nên ngài cắt nghĩa chánh trị tức là người trên phải ăn ở cho ngay thẳng để mà xướng suất kẻ dưới. Đó là một cách chánh danh nữa: cái tên chánh trị, là do từ sự chánh trực mà ra.
Vậy nếu trong việc chánh trị mà không theo lẽ chánh trực, tức như khi trong một nước, trên có vua đần, dưới có quan tham lại nhũng, mọi việc đều làm bậy bạ hết, thì có gọi là chánh trị được đâu. Nếu gọi là chánh trị thì cũng như cái không có khía mà gọi là cái cô, theo ngài, ngài cho là tầm bậy cả. Họa loạn sanh ra là ở đó, cho nên nói rằng dân không chỗ đặt tay chưn.
Trong sách Xuân thu của Khổng Tử, cũng thấy được cái nghĩa chánh danh. Về năm vua Hy Công thứ 16, sách ấy có chép rằng:
“Xuân Vương tháng giêng, ngày Mậu thân, sóc, rơi đá ở nước Tống năm hòn. Tháng ấy, sáu con chim ích bay thùi lui, qua đô thành nước Tống”.
Đoạn sách nầy, mới nghe qua thật là vô vị, hầu như một đoạn trong quyển nhựt ký của cậu học trò nhỏ nào, hay là giống cái dọng biên sổ chi tiêu việc làng việc họ. Nhưng để coi, coi Công Dương truyện giải ra có ý nghĩa lắm:
“Sao lại nói rơi trước mà nói đá sau? Rơi đá, là chép theo sự nghe: Nghe cái độp, coi lại thì là đá; rồi mới đếm, thì là năm hòn. Sao lại trước nói sáu con mà sau nói chim ích? Sáu con chim ích bay thùi lui, là chép theo sự thấy: Ngó lên thì thấy sáu con; coi kỹ lại thì là chim ích; thủng thẳng coi kỹ lại nữa, thì là bay thùi lui…”
Sách Xuân thu phồn lộ của Đổng Trọng Thơ, giải nghĩa điều trên đó cũng nói rằng:
“Sách Xuân thu phân biện cái lẽ của mọi vật để kêu trúng tên nó, kêu tên vật nào y như sự thiệt của vật ấy, chẳng sai một mảy lông mùa thu. Cho nên nói về rơi đá thì nói năm hòn ở sau, nói về chim ích bay thùi lui thì nói sáu con ở trước; Thánh nhân ngài cẩn thận sự chánh danh dường ấy”.
Theo đoạn sách Xuân thu dẫn trên đây thì thật là ngài muốn đính chánh cái ý nghĩa của từng tiếng từng chữ nữa. Sự đó chẳng những quan hệ với luận lý học, mà lại cũng quan hệ với văn pháp (grammaire).
Luận lý học của Tây dạy rằng mỗi khi biện luận về một sự vật gì, trước hết phải cấp cho sự vật ấy một cái định nghĩa, hoặc kêu là cái giới thuyết (définition). Cái giới thuyết hoặc cái định nghĩa đó, là cốt làm cho cái danh và cái thiệt của sự vật ấy tương đương với nhau, rồi mới có đường mà biện luận. Bằng chẳng vậy, một bên nói trời một bên nói đất, cãi nhau hết hơi mà rốt lại chẳng vỡ ra lẽ gì, chẳng ích lợi gì. Cho biết sự định nghĩa hay là lập giới thuyết là sự cần lắm cho người ta trong khi biện luận.
Lại, trong một câu văn, một cái danh từ dùng lặp hai lần mà lần trước với lần sau khác nghĩa, cũng là một sự cấm kỵ lớn trong luận lý học. Bởi vậy luận lý học có đặt ra sáu điều luật về phép tam đoạn luận (Sillogisme) mà điều thứ ba là điều hệ trọng nhứt, như vầy: Cái trung danh từ (le terme-médian) phải cho châu diễn (collectif) ít nữa cũng phải châu diễn một lần. Vả lại cái trung danh từ ở trong hai cái tiền đề (les deux prémisses) phải là đồng một nghĩa với nhau. Ai phạm đến điều cấm kỵ ấy, kêu là “phá luật”. Đã phá luật thì sự lập ngôn của mình sai lầm rồi, không còn đứng được nữa.
Tôi rất tiếc rằng vì sự cần mà đây tôi phải kể đến luật lệ lôi thôi của luận lý học, làm cho nhức đầu độc giả, nhứt là những ai chưa hề thiệp liệp đến cái học ấy. Song xin hẵng bỏ qua nó, đừng nghĩ mà làm chi cho mệt não, để trong một bài khác tôi sẽ kiếm cách đưa độc giả đến chỗ dễ hiểu những luật lệ ấy như chơi, mà lại vui lắm nữa.
Đây tôi kể ra mấy điều cốt yếu của luận lý học trên đó để cho biết rằng Khổng Tử, ngài ở hơn hai ngàn năm trước cũng đã thạo những điều ấy rồi, không phải như bọn ta bây giờ phải cặm đầu vào mà học mới biết, hay là không thèm học mà cũng không thèm biết nữa!
Có một lần, “Tử Trương hỏi: Kẻ sĩ như thế nào thì gọi là “đạt” được?
Ngài hỏi lại rằng: Nhà ngươi kêu bằng “đạt” đó là nghĩa làm sao?
Tử Trương thưa rằng: Ở nước ắt có tiếng đồn (văn); ở nhà ắt có điếng đồn (văn).
Ngài nói rằng:Thế là “văn”, chớ không phải “đạt”….” (Nhan Uyên, XII).
Cái đó, nếu lúc bấy giờ Tử Trương hỏi về “đạt” mà ngài không hỏi lại Tử Trương, cứ theo nghĩa chữ đạt trong ý ngài mà đáp lại, thì chắc Tử Trương không hiểu, vì trong ý va nghĩ khác. Ngài trọng sự chánh danh lắm, nên ngài mới biểu Tử Trương lập cái giới thuyết cho chữ “đạt” đi. Quả nhiên Tử Trương cắt nghĩa “đạt” thành ra “văn”. Nối theo đó ngài bèn đính chánh lại cho Tử Trương và bắt đầu cắt nghĩa làm thế nào cho được đạt. (Ai muốn biết rõ hơn thì đọc Luận ngữ).
Cái cách ngài lập luận đó hiệp với pháp thức luận lý học dạy phải lập giới thuyết trước; và cũng hiệp với luật thứ ba của tam đoạn luận. Vì chữ “đạt” trong câu hỏi của Tử Trương và chữ “đạt” trong câu ngài sẽ trả lời, ta nên coi là một danh từ mà dùng lặp hai lần; nếu nghĩa của nó khác nhau thì tất nhiên là phải phá luật vậy.
Còn như điều sắp kể dưới nầy thì hình như ở ngoài cái thuyết chánh danh, nhưng mà ở trong phạm vi luận lý học, ta chẳng nên bỏ qua.
Theo luận lý học thì cái điều lập cho sự vật một cái công lệ là điều khó lắm và ta nên thận trọng lắm. Muốn làm sự ấy thì phải theo phương pháp quy nạp (induction) dùng những phép khái quát (généralisation) (statistique) luật nhân quả (causalité)… mà sau mới làm nổi. Trong đời có người ưa lấy một nửa lời mà lập công lệ cho sự vật, như nói: Muốn nước cho mạnh thì phải hợp quần; muốn duy trì phong hóa thì phải bảo tồn Hán học. Tôi dám nói những lời mà họ cho là khuôn vàng thước ngọc đó là không có giá trị; mà theo luận lý học hay là theo Khổng Tử, cũng nói như tôi.
Lần kia, “Định Công hỏi: Có một lời nói mà có thể dấy nước được chăng?
Ngài thưa rằng: Lời nói không có thể trông mong dễ dàng như vậy.
Định Công lại hỏi: Có một lời nói mà có thể mất nước được chăng?
Ngài cũng thưa rằng: Lời nói không có thể trông mong dễ dàng như vậy”. (Tử Lộ, XIII).
Định Công hỏi đó, là muốn lập cho sự dấy nước và sự mất nước một bên một cái công lệ. Phải như ai, thì đã làm thánh làm tướng, lựa một vài lời oai vệ mà đáp phăng cho rồi. Nhưng ngài thì ngài dùng một câu bác trước đi đã, rồi mới đáp sau. Ngài đáp câu hỏi thứ nhứt của Định Công rằng:
“Người ta có nói: “Làm vua khó, làm tôi chẳng dễ”. Vậy nếu biết làm vua là khó, chẳng ngõ hầu một lời nói mà dấy nước ư?”
Đáp câu hỏi thứ nhì rằng:
“Người ta có nói: “Ta không vui gì sự làm vua, duy có nói ra mà chẳng ai trái ta”. Nếu nói phải mà chẳng ai trái, thì chẳng cũng là hay; bằng nói không phải mà chẳng ai trái, thì chẳng ngõ hầu một lời nói mà mất nước ư?”
Phàm sự gì không chắc thì không được dùng lời quả quyết, ấy cũng là một điều dạy trong luận lý học. Trong hai câu trả lời trên đó, mỗi câu ngài dùng chữ ngõ hầu, thiệt là đúng với Luận lý học lắm.
Trên đây, từ chỗ dẫn sách Xuân thu về trước, là tôi lấy ở triết học sử của Hồ Thích; còn hai điều sau là tự tôi đã tìm ra. Còn nhiều điều khác nữa hiệp với cái thuyết chánh danh và đủ chứng minh rằng Khổng Tử là người mở đường cho danh học tức là luận lý học bên Trung Quốc, nhưng bài nầy đã dài rồi, cử ra nội mấy điều trên đó cũng đã vừa.
Kể ra thì cái nền danh học lập nên bởi các học giả sau ngài, như Mặc Tử, Công Tôn Tử, Tuân Tử, v.v… thì cũng chỉ có cái tinh thần mà thôi, chớ về hình thức thì còn khiếm khuyết nhiều lắm, có đâu bằng luận lý học bên Âu châu, và cũng còn kém Nhân minh học bên Ấn Độ[3]. Vậy thì biết rằng cái người mở đường ra đó, sự tri thức của người về cái học ấy chắc không được hoàn toàn lắm; mà điều ấy ta không thể trách. Cho nên ta xem Khổng Tử đối với danh học cũng như Socrate đối với Luận lý học phương Tây, chẳng qua là ông tổ khai sơn mà sau đến Aristotle lập ra sáu điều luật nói trên kia, rồi cái nền luận lý học mới thành lập được vậy.
Mà thật vậy, cũng trong một sách Luận ngữ, tôi có tìm thấy chỗ ngài nói như là không đúng với luận lý học, ra ngoài cái thuyết chánh danh của ngài. Vì cớ ấy, kêu tên cái “chánh danh”, Hồ Thích kêu bằng cái chủ nghĩa, mà tôi kêu bằng cái thuyết, vì tôi cho là chưa trọn vẹn, chưa đáng kêu là chủ nghĩa vậy.
[1] Thỉ tổ: cũng là “thủy tổ”
[2] Theo tiếng Bắc, đọc hai chữ nầy là “vu khoát” (nguyên chú của Phan Khôi)
[3] Nhân minh học tức là Luận lý học ở Ấn Độ (nguyên chú của Phan Khôi)
Nguồn: triethoc.edu.vn
Nam Kinh, Trung Quốc – Ngày 12-6, qua truyền hình và Internet, hàng triệu người ở Trung Quốc đã theo dõi các nhà lãnh đạo Phật giáo và nhà khảo cổ
Bây giờ mình bàn vô cái chủ đề là Bản tâm tự nhiên, như ngày hôm qua thầy gợi ý, đó là bản tâm, là cái tâm căn bản của mình; và
Ly kì chuyến vượt biển cầu pháp của vị Quốc sư Nhật Bản Từ năm 18 tuổi, Viên Nhĩ Biện Viên đã là một danh tăng trên đất Nhật, được mọi
Mọi người đều có sự kích thích trở thành giới tinh hoa. _ Alfre Woodard🍀 Bí mật tương lai của bạn được che giấu trong thói quen hàng ngày của bạn. _
KHẢ NĂNG KHOA HỌC VÀ TOÁN HỌC CỦA BẠN---*---Đoạn kết của cuốn tiểu thuyết Don Quixote của nhà văn Miguel Cervantes, người bạn tri kỷ thời thơ ấu của Quixote là Sancho
QUAN HỆ THẦY TRÒ Theo Tinh thần Kinh Kế thừa Chánh pháp Thầy, vầng mây bậc, thong dong, núi cao biển rộng Con, cánh nhạn chiều, chân trời sải cánh, dõi theo Thầy,
Giữ giới là lựa chọn tự do Giới luật của Phật giáo có nghĩa là: “Anh đừng tự làm thương tổn mình, anh đừng tự làm hại mình”. 1. Tự do của lệ thuộc
Đạo Phật là gì Lama Zopa and Lama Yeshe Khi bạn tìm hiểu về đạo Phật tức là bạn đang tìm hiểu về con người thật của mình, về bản chất của tâm trí
Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa(VHPG) Mọi kinh nghiệm của chúng ta, kể cả giấc mộng, khởi lên từ vô minh. Đây là một tuyên bố làm hoảng hốt