_Bây giờ có vị nào hỏi gì thì cứ hỏi đi, rồi thầy trả lời.
_Thưa thầy con hỏi về định nghĩa Chánh niệm tỉnh giác, Chánh niệm tỉnh giác là chú tâm không có đối tượng, thông thường con người khi chú tâm vào đối tượng, nếu họ không biết chánh niệm tỉnh giác thì, thí dụ như có tiếng máy bay bay qua, người ta chú tâm vào tiếng máy bay, tức là họ luôn luôn chú tâm có đối tượng. Còn thầy dạy chánh niệm tỉnh giác là chú tâm không có đối tượng, là chỉ nhận biết cái tâm đang sáng tỏ mọi thứ đó, mình chỉ chú tâm vào cái sáng tỏ đó thôi, mọi đối tượng có hay không có, tự cái sáng tỏ đó nó giải quyết phải không thầy?
_Khi mình chú tâm không có đối tượng, thì đó là Chánh niệm tỉnh giác; mà Chánh niệm tỉnh giác thật sự, nên nhớ là nó tự giải thoát lấy chính nó, như đám mây bay trên trời, mình chú tâm là chú tâm vào bầu trời; còn đám mây mình không cần làm cái gì với nó hết. (Thầy đang chỉ ra ngoài trời).
Chú tâm không có đối tượng là: mình thấy bầu trời, chớ không phải nhìn thấy đám mây, đám mây nó tự tan hà. Nên nhớ, chuyện này nó diễn ra hằng ngày, mà tâm mình nó lộn xộn, mình không để ý thôi. Tất cả những tư tưởng khi nó khởi lên, nó có mặt đó, rồi cuối cùng nó tiêu tan phải không? Có tư tưởng nào, ngay cả khi mình niệm Phật đi nữa, chưa chắc mình niệm liên tục năm phút đâu. Nó khởi lên Nam Mô A Di Đà Phật, Nam Mô A Di Đà Phật, rồi nó cũng khởi cái khác.
Thành ra mình phải thấy được bản chất của tư tưởng, bản chất của tư tưởng là nó khởi lên, rồi nó tiêu tan; như mình có thương ai, mình có ghét ai mình không bao giờ giữ nó được năm phút.
Vậy, bản chất của tư tưởng là gì?
Là nó khởi lên rồi nó diệt mất!
Nếu mình biết như vậy, là mình giải thoát; bởi vì tư tưởng nó vốn giải thoát. Bây giờ mình có ghét ông nào mình cố nghĩ ghét ổng năm phút cũng không ghét nổi, có ghét ông nào, giỏi lắm ghét khoảng một phút, là nó bắt đầu khởi lên chuyện khác rồi. Thành ra tư tưởng nó vốn giải thoát, chẳng qua mình chạy theo nó quá nhiều rồi mình tưởng nó có thật; chớ nó như đám mây đó (thầy chỉ ra ngoài trời). Hồi nãy đám mây đó, bây giờ đám mây nó khác rồi; chỗ kia hồi nãy có mây, bây giờ tiêu đâu mất rồi.
Mình không thấy bản chất của ý tưởng, bản chất của tư tưởng, mình tưởng nó còn mãi đó; thật sự ra bản chất của tư tưởng là nó tự giải thoát lấy nó thôi, không có cái ý tưởng nào kéo dài cả một ngày, năm phút còn không được nữa.
Khi nó tiêu tan thì sao?
Khi nó tiêu tan thì tâm mình nó vẫn như tấm gương, nó vẫn như bầu trời không ô nhiễm!
_Thưa thầy, con có ý kiến về Chánh niệm tỉnh giác không có đối tượng giống như một vị thầy dạy trong một lớp học, vị thầy quan sát cả lớp học, thầy bỏ qua thành kiến với một hai đối tượng cá biệt nào đó, thầy không chú ý nhiều đến các đối tượng này để thầy quan sát lớp học tốt hơn có phải không thầy?
_Thì đúng như vậy, nên nhớ rằng Chánh niệm tỉnh giác này lần lần vốn là Chánh niệm tỉnh giác của bản tâm mình, chớ không phải mình tạo ra Chánh niệm tỉnh giác.
Bởi vì, nói theo Phật giáo cái gì có sanh ra cái đó có diệt mất. Nếu như Chánh niệm tỉnh giác đó mà do mình sinh ra, thì nó sẽ diệt mất, cái tỉnh giác của mình sẽ đi tới một cái tỉnh giác vừa có huệ vừa có định đồng thời. Cái định huệ mà có trước khi mình sinh ra kìa, còn cái định huệ mà mình lập, dầu mình có ngồi thiền suốt một tuần lễ, nhập định suốt một tuần lễ; mà cái đó là do mình sanh ra, và cái gì có sanh ra thì cái đó sẽ diệt mất. Thành ra người ta hay nói đến nhập định, định nào có nhập thì cái đó phải có xuất, cái nào có ngồi thì có đứng dậy, cho nên Chánh niệm tỉnh giác của mình lần lần mình phải đi tới một cái Chánh niệm tỉnh giác đã vốn có sẵn, như hư không nó vốn có sẵn như vậy, chẳng ai làm ra nó được và nó vốn không ô nhiễm, còn nếu như hư không mà mình làm ra nó thì nó phải tiêu tan.
Đạo Phật có một nguyên lý là: cái gì có sanh ra thì cái đó sẽ diệt mất. Cái này như tấm gương, cái gương Không đó nó không sanh ra và không diệt mất. Thành ra Chánh niệm tỉnh giác sẽ lần lần đi tới cái Chánh niệm tỉnh giác không sanh ra không diệt mất đó, thì Phật giáo nói là: “không sanh không diệt, không dơ không sạch, không tăng không giảm”. Đó chính là giải thoát, mà cái giải thoát đó nó có ngay tại đây và bây giờ; bởi vì, nếu như mình chánh niệm tỉnh giác cho kỹ, mình sẽ thấy cái gương tâm của mình cũng không sanh không diệt, vì cái gì sanh ra cũng diệt liền.
Khi có nhiều người thì cái gương tâm nó cũng như vậy phải hôn, và ít người thì nó vẫn vậy, và không có ai hết thì nó vẫn vậy thôi, nó không vì bất kỳ đối tượng, hay hình bóng nào trong gương mà có thể làm cho tấm gương đó thay đổi. Thì Chánh niệm tỉnh giác của mình, lần lần mình thấy được cái Chánh niệm tỉnh giác này là cái bản tánh, nó vốn định vốn huệ, vốn không sanh không diệt, không dơ không sạch, không tăng không giảm.
_thưa thầy con có một câu hỏi, khi thầy giảng về Chánh niệm tỉnh giác thì phải thực hành, mà thực hành thì phải ngồi thiền, đầu tiên ngồi thiền là chú ý vào hơi thở và khi đạt một mức độ nào đó rồi, mình sẽ thiền trong đi đứng nằm ngồi, thưa thầy chú ý vào hơi thở đó để làm gì?
_Thì chú ý hơi thở để cho mình khỏi loạn tâm thôi, và khi tâm mình không loạn thì mình dễ thấy tấm gương; ngồi thiền để chú ý vào hơi thở, nó là một phương tiện; chớ ngồi thiền anh không thể tạo ra tấm gương đó được. Nên nhớ như vậy, cái tấm gương đó nó có trước khi mình ngồi thiền, bởi vì sao? Trước khi mình khởi một niệm gì, thì đó vẫn là cái tỉnh giác bất sanh bất diệt, phải hôn? Trước khi mình ngồi thiền nó đã có cái đó rồi, khi mình ngồi thiền mình cũng ngồi trên cái tỉnh giác bất sanh bất diệt đó, và khi mình ra thiền mình cũng ở trong cái tỉnh giác đó.
Cho nên thiền định là một phương pháp để mình thể nhập vào cái tấm gương đó, cái bầu trời đó; chớ mình không thể lập ra cái gì hết, bởi vì như thầy nói đó, nó không thể lập ra được bởi vì: cái gì có sanh ra thì có diệt mất. Thành ra khi đức Đạt Lai Lạt Ma, ngài trả lời một người mà người đó tu theo Nam tông hỏi ngài về chú tâm vào hơi thở. Ngài nói: khi ông ngủ, ông không có hơi thở thì lấy đâu ông tu, Phải không? Khi ngủ mình không thể nào chú tâm vào hơi thở được, thì mình lấy đâu mình tu, khi chết mình không có hơi thở thì mình lấy đâu mình tu? Thành ra chú tâm vào hơi thở chỉ là một phương tiện thôi, chớ nó không phải là cứu cánh.
Trong khi không có hởi thở là cái gì, khi có hởi thở là cái gì, khi hơi thở tiêu mất là cái gì? Mình phải thấy chỗ này để chú tâm, chớ mình chú tâm vào hởi thở là cứu cánh, thì không thể là cách tốt nhất được.
Nên nhớ là người ta tìm đối tượng càng cao chừng nào, và càng phổ quát chừng nào để tham thiền thì người ta thực hành được mọi lúc mọi nơi; chớ kiếm đối tượng càng giới hạn vào thời gian không gian bao nhiêu, thì đối tượng đó càng bị giới hạn trong thực hành bấy nhiêu.
Như lấy đối tượng là hơi thở, Chánh niệm tỉnh giác trên hơi thở, thì trong một ngày mình sẽ chánh niệm tỉnh giác rất ít trong hơi thở. Như hồi nãy mình chặt cây phải hông, lúc đó thở hồng hộc, làm sao chánh niệm tỉnh giác trên hơi thở được, phải hông?
Thành ra mình phải chánh niệm tỉnh giác trên tánh giác, tánh giác bất sanh bất diệt luôn luôn sáng tỏ đó, bởi vì tánh giác đó, nó sẽ có mặt với mình khi thức, có mặt với mình khi ngủ, có mặt với mình khi thiền định và có mặt với mình khi trung ấm: là khi chết.
Thì cái Chánh niệm tỉnh giác thầy nói là Tánh giác, nó là nền tảng cho bốn trạng thái đó, con người chỉ có bốn trạng thái đó thôi, phải hông? Trạng thái thức là đây này, trạng thái ngủ, trạng thái thiền định, và cuối cùng là trạng thái trung ấm khi chết. Thì Chánh niệm tỉnh giác mà mình nói, nó là nền tảng cho bốn trạng thái này, bốn trạng thái này nó phát sanh từ nền tảng tánh giác đó; nhưng khi nó phát sanh là do cái nghiệp của mình, tư tưởng nó khởi lên, mình không biết, mình tưởng là thiệt mình chạy theo nó mình đánh mất tỉnh giác.
Cũng như thầy là ông chủ ở đây chớ gì? Tánh giác là ông chủ ở đây, bây giờ thầy thấy ông khách nào tới mình lo chạy theo ổng, mình không là ông chủ nữa, còn ông chủ là luôn luôn ở đây, thường trụ ở đây, đó là ông chủ. Tánh giác của mình luôn luôn thường trụ trong cái tâm của mình, và cái lao xao đó chỉ là khách thôi, phải không, nó tới rồi đi, tới rồi đi, phải hông? Mà mình lao xao chạy theo các người khách đó thì mình không còn là chủ nữa.
Thành ra tu hành, chỉ là luôn luôn làm chủ, luôn luôn ở trong cái tánh giác của mình, đó là ông chủ, chớ khách tới kệ nó, khách tới thì mình biết, rồi nó đi, chớ mình đi theo nó làm chi?
Tánh giác là cái ông chủ thường trụ của mình, phiền não cũng từ đó khởi ra, hạnh phúc cũng từ đó khởi ra, khi mình làm chủ được ông chủ đó thì mình làm chủ được tất cả, khổ đau cũng là một người khách, có ai khổ miết đâu? Mà hạnh phúc cũng là một người khách, chỉ có cái Tánh giác đó là vĩnh viễn thường trụ mà mình không biết chuyện đó mình lo chạy theo khách. Khi hạnh phúc thì mình chạy theo, như chiều nay mình đi ngắm cảnh ở bến Bạch Đằng, vui lắm đẹp lắm, khách khác rủ vô Chợ Lớn thì mình chạy theo, chạy theo một chập rồi tối nay đi Sing Ga Po nữa, mình lo chạy mà bỏ mất cái thường trụ.
Tu hành nghĩa là mình thấy ở nơi mình, nói theo kinh Lăng Nghiêm: cái gì sanh diệt và cái gì không sanh không diệt. Nếu mình chọn cái bất sanh bất diệt thì mình giải thoát, còn mình chọn lấy cái sanh diệt thì mình ráng chịu thôi. Anh chọn thì anh ráng chịu thôi, chớ ai chịu đâu, phải không? Anh chọn thì anh phải chịu thôi, mình đừng có trách ai hết, mình chọn thì mình chịu thôi.
Tôi chọn cái bất sanh bất diệt thì tôi bất sanh bất diệt, còn tôi chọn cái sanh diệt thì tôi phải sanh diệt theo miết thôi.
Thành ra, chánh niệm tỉnh giác càng sâu sắc thì mình sẽ thấy cái lẽ đời là cái gì, cái lẽ thật nó là cái gì? Bây giờ mình thấy Chánh niệm tỉnh giác của mình nó cạn lắm, cho nên mình tu Chánh niệm tỉnh giác mình thấy làm biếng, tôi Chánh niệm tỉnh giác thì cũng là Chánh niệm tỉnh giác chứ gì nữa, nhưng mà cũng cạn lắm!
Chánh niệm tỉnh giác của mình nó cạn, thành ra mình không thấy được bản chất của sự vật, không thấy được bản chất của ý tưởng, cho nên mình phải chánh niệm tỉnh giác, cho đến khi mình thấy rõ ràng ý tưởng của mình chỉ là một đám mây thôi, chớ nó đâu có thật mà nói là tôi phải đối phó nó bằng cách gì đó.
Không cần đối phó! Chỉ năm phút sau là nó biến dạng rồi, cần gì mà đối phó, nó như đám mây, nó không có, nó chỉ là những hạt ly ty của nước thôi.
Kính ghi Tánh Hải
_Xin thầy chỉ dạy về bố thí như thế nào là công bằng? Thí dụ người giàu thì bố thí một lượng rất nhiều, người nghèo thì bố thí một lượng rất
Tính cách nhân bản và thực tiễn của đạo Phật Đạo Phật, với muôn ngàn hướng đi, không gì khác hơn là làm cho con người càng ngày càng thực hiện được tính
_Thưa thầy khi nói chuyện với anh em ở đây con mới thấy có một vấn đề, trong tham thiền phần lớn anh em chỉ chú trọng tới trạng thái của tâm,
_Thưa thầy, trong kinh Lăng Nghiêm dạy, có những cấp bậc tu sẽ có những tà kiến cản trở con đường đi của mình, nếu lòng bi và trí huệ của mình
Tang lễ cố Trưởng lão HT.Thích Minh Châu:Thông tin đặc biệt: Lễ tưởng niệm và nhập bảo thápGNO - Trực tuyến lễ tưởng niệm và nhập bảo tháp cố Trưởng lão HT.Thích
QUAN HỆ THẦY TRÒ Theo Tinh thần Kinh Kế thừa Chánh pháp Thầy, vầng mây bậc, thong dong, núi cao biển rộng Con, cánh nhạn chiều, chân trời sải cánh, dõi theo Thầy,
Giữ giới là lựa chọn tự do Giới luật của Phật giáo có nghĩa là: “Anh đừng tự làm thương tổn mình, anh đừng tự làm hại mình”. 1. Tự do của lệ thuộc
Đạo Phật là gì Lama Zopa and Lama Yeshe Khi bạn tìm hiểu về đạo Phật tức là bạn đang tìm hiểu về con người thật của mình, về bản chất của tâm trí
Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa(VHPG) Mọi kinh nghiệm của chúng ta, kể cả giấc mộng, khởi lên từ vô minh. Đây là một tuyên bố làm hoảng hốt