Thứ nhất, mình phải tin là mình luôn luôn có chánh niệm tỉnh giác, chẳng qua là mình bỏ lơ nó thôi, mình chạy lung tung chớ luôn luôn có một chánh niệm tỉnh giác ở nơi mình, mình chỉ cần rờ tới nó là nó chánh niệm tỉnh giác liền, phải hông?
Nếu mình tin chánh niệm tỉnh giác là cái đầu mối duy nhất, là cái cửa vào duy nhất để mình có thể mở rộng ra nữa, thì mình sẽ thấy là: khi mình đi sâu vào chánh niệm tỉnh giác thì mình không thấy có một chủ thể là một cái tôi và một đối tượng nữa. Mình có nắm được cái này hông?
Lúc đó cuộc đời mình không còn giới hạn bởi một cái tôi và bên kia là một đối tượng, lúc đó là cuộc đời nó không còn giới hạn nào nữa, ăn thua là mình chánh niệm tỉnh giác có thật hay không, nó có đủ sâu hay không, chớ không phải là một ý tưởng.
Như anh Sơn chẳng hạn tham dự lần này là lần thứ mười một thầy hết chuyện nói rồi, Sơn có tin là bây giờ mình có cái đó hông?
_ Thưa thầy con tin con mới ngồi đây.
_Tin phải hông? Vậy thì bây giờ phải diễn tả cái chánh niệm tỉnh giác nó ra sao, mình phải đi sâu vào chớ, chớ chừng đó tới cuối đời mình chỉ tin tin vậy thôi, là uổng.
Anh Trọng, chánh niệm tỉnh giác là sao mình phải diễn tả ra cho mọi người sờ nắm coi.
_ Thưa thầy khi thầy dạy, con còn nhớ, tất cả đều là chánh niệm tỉnh giác, thầy nói không phải chỉ có một mình có chánh niệm tỉnh giác, mà cây cối bên ngoài cũng có chánh niệm tỉnh giác; con xin thầy giảng rõ thêm chỗ này.
_Mình phải thấy chánh niệm tỉnh giác là cái thức nền tảng của mình, cho nên trực tiếp mình thấy cái gì, cái đó chính là chánh niệm tỉnh giác; không có chánh niệm tỉnh giác mình không thấy được cái gì hết, phải hông? Mình biết cái gì thì cái đó là chánh niệm tỉnh giác, thành ra nếu mình thấy được như vậy thì mình sống được chánh niệm tỉnh giác trong từng khoảnh khắc, thấy cái gì thì cái đó là chánh niệm tỉnh giác.
Đó là một cách nói, như người xưa nói tất cả đều là tâm, phải hông? Thấy cái gì thì cái đó là tâm; không có chánh niệm tỉnh giác thì không thấy được cái gì, không biết được cái gì hết.
Chánh niệm tỉnh giác nó thường xuyên ở với mình, bằng cớ là mình nhìn một cái là mình thấy liền, mình nghe tiếng động tới lỗ tai mình thì mình nghe được liền; nó phải chánh niệm tỉnh giác mình mới nghe được chớ. Luôn luôn là như vậy, thành ra chánh niệm tỉnh giác nó luôn luôn ở với mình, dầu có tiếng hay không có tiếng, nó vẫn nghe: có tiếng thì nó nghe có tiếng, không tiếng thì nó nghe không tiếng.
Chính cái đó nó luôn luôn sống như vậy từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác, đó mới là sự sống chân thật của mình.
Nếu mình tin thì mình sống với sự sống chân thật đó từng giây từng phút cho đến khi mình chính là sự chân thật đó thôi. Tới đây, mình nắm được chưa?
Tất cả những thấy nghe hay biết của mình đều là cái biết hết, là chánh niệm tỉnh giác hết, phải hông? Chứng tỏ không có lúc nào nó rời mình hết, chắc sau này mình chết dù có gì thì đó cũng là từ cái biết mà thấy ra. Tùy theo cái nghiệp của nó phải hông? Chớ luôn luôn có cái biết có cái thân, cũng giống như bây giờ cái nghiệp mình là ở chùa này thì mình thấy bao nhiêu người ngồi đây, ăn mặc thế này, rồi cái nghiệp nó đổi khác nhưng mà cái thấy nó không có thay đổi. Hồi sáng mấy ông Cần Thơ thấy Cần Thơ là cái nghiệp ở Cần Thơ, còn bây giờ lên đây là cái nghiệp của Sài Gòn, cảnh tượng nó có khác nhau nhưng mà cái thấy không thay đổi.
Mình sống với cái chánh niệm tỉnh giác, cái thấy đó, cái nghe đó, cái biết đó đó, cái đó là hằng hữu như vậy; tất cả những pháp môn là làm sao cho mình thấy được cái đó tin được cái đó, sống được với cái đó, như anh Sơn nói là tin được cái đó rồi mình phải cảm nghiệm cái đó, sống với cái đó, mình không sống với cái đó uổng lắm. Vì nó thấy cái gì là chánh niệm tỉnh giác hiện tiền ngay đó liền, phải hông? Mà mình không sống nó cứ vất vơ vất vưởng, uổng.
Quan trọng nhất là phải tin, không có vất vơ theo những hình bóng, theo nghiệp của mình, mỗi người mỗi nghiệp, mỗi người thấy mỗi cái khác nhau, nhưng mà cái chánh niệm tỉnh giác, cái thấy đó, cái biết đó, nó luôn luôn có đó. Nghiệp nào nó thấy có nghiệp đó, mà không có nghiệp nó thấy không có nghiệp; nó luôn luôn thấy, luôn biết, luôn luôn nghe.
Thành ra mình tham dự những buổi như vậy, mình ngồi thiền mình tụng kinh nên nhớ ngồi thiền hay tụng kinh gì đó luôn luôn là để nhắc nhở mình, tụng kinh không phải là bằng cái miệng đâu, bằng chính cái chánh niệm tỉnh giác, khi mình chánh niệm tỉnh giác mình tụng kinh, là tụng những lời Phật thì nó trở lại, y như cái vòng nó trở lại vậy, tâm lại quay về tâm, chánh niệm tỉnh giác lại quay về chánh niệm tỉnh giác, không mất mác gì hết.
Đó là cái mà các vị thiền sư đời xưa hay nói: “Trước ba ba, sau ba ba” là vậy, nó không mất mát gì, không sanh không diệt, không dơ không sạch, không tăng không giảm; thì mình sống được cái chánh niệm tỉnh giác mà không sanh không diệt không dơ không sạch, không tăng không giảm đó là mình giải thoát vậy thôi. Còn mình cứ sống theo sanh diệt là mỗi người có mỗi kiểu sanh diệt khác nhau, phải hông? Tăng giảm mỗi kiểu khác nhau không có ai giống ai hết, bảy tỷ người có ai giống ai dấu vân tay hông? Làm chứng minh nhân dân mới in dấu tay mình vô, không ai giống ai trên trái đất này hết. Mỗi người mỗi khác nhau nhưng mà cái biết nó luôn có đó, sự thay đổi là thay đổi theo cái nghiệp của mình thôi, mà cái nghiệp thì nó cũng vô thường lắm, phải hông? Nó thay đổi nhưng mà có khi nó thay đổi tới lúc nào đó nó biến đâu mất, nhưng cái biết đó nó vẫn luôn luôn có mặt, luôn luôn hiện diện, cho nên mình tham dự những buổi bát quan trai như vậy để làm gì? Để mình thấy cho ra được là cái biết đó nó luôn luôn hiện diện, bất chấp mình có nghĩ ngược nghĩ xuôi gì nó cũng hiện diện. Đó, chút nữa mình lên tụng kinh thì nó cũng hiện diện, cái gì biết mình sẽ lên tụng kinh, nó chớ ai nữa, phải hông? Và mình tụng kinh cho lắm vô, ngồi thiền cho lắm vô, bây giờ vậy chớ tới chiều nó cũng vẫn vậy hà. Nó không tăng không giảm, không dơ không sạch gì hết, phải hông? Cái biết đó nó không tăng, không giảm không dơ không sạch, mình có đọc thêm cuốn sách nó vẫn vậy hà, mình có thí nghiệm rồi mình biết, mình có thêm kiến thức, có thêm cái này cái nọ nhưng mà cái biết căn bản nó vẫn vậy. Sống cái biết đó vẫn vậy, mà chết cái biết đó vẫn vậy; mình sống với cái biết đó thì mình thoát khỏi sanh tử, vậy thôi.
Chớ đã sinh ra có hình tướng, có này có nọ, thì nó phải thay đổi thôi, cái đó là do cái duyên cái nghiệp nó tạo ra vậy thôi, còn cái biết thì không thay đổi.
Cái biết của mình nó giống như một tấm gương vậy, tấm gương đó nó là mênh mông vô hạn, và tất cả cái duyên của mình nó in vô trong đó, nhưng mà cái duyên nó in vô nhưng nó không dính trong đó được, cái gương nó vẫn muôn đời là gương, thì mình phải tin hiện giờ mình đang có cái gương đó. Rồi mình phải thực tập, rồi mình sống lần lần để cái niềm tin của mình càng ngày nó càng rõ ràng ra, mình phải tìm hiểu, từ đây tới chiều là tuổi thọ mình tăng lên mấy tiếng đồng hồ phải hông? Nhưng mà cái gương đó nó không tăng không giảm đâu. Nó, cứ để chiều rồi biết, rồi mình ăn cơm hồi trưa thì bụng mình nó no lên, bây giờ nó giảm đâu mất rồi, mình muốn uống vô cái gì rồi, đó. Nó có tăng có giảm nhưng mà cái đó nó không tăng không giảm, thì đó chính là cánh cửa giải thoát.
Cánh cửa giải thoát đó chẳng phải nơi lời nói của thầy, chẳng phải nơi kinh điển; mà nó ở ngay cái chỗ mình chánh niệm tỉnh giác ngay giây phút hiện tại này, đó chính là giải thoát. Bởi vì cái sanh diệt nó cứ dơ sạch tăng giảm lên xuống, còn cái đó là nó không thêm bớt gì hết. Rồi mình sẽ thấy, có người nào muốn thêm muốn bớt cứ để cuối đời, khi mà nằm dài thỏng tay ra rồi mới biết, té ra nó không thêm bớt gì; mình có xây tòa nhà một trăm tầng hay ở nhà cấp bốn nó cũng không thêm không bớt.
Cái sai lầm, cái vô minh của mình là mình tưởng mình thêm bớt được gì cho nó, chớ thật sự ra không cần thêm bớt gì nữa; mình phải lo chứng nghiệm bây giờ đi, chờ cuối đời mình mới thấy không thêm không bớt thì mất biết bao cơ hội rồi.
Một ngày mình có biết bao nhiêu ý tưởng nó cũng thấy vậy chớ nó có thêm cái gì đâu? Cũng như là bầu trời, ngày bay biết bao nhiêu máy bay nhưng mà bầu trời vẫn vậy thôi, có khi rớt ít chiếc máy bay nó cũng vẫn vậy thôi. Nó không thêm không bớt, đó là cái tánh biết của mình, cái tâm của mình nó không thêm không bớt. Mình sai lầm là mình cứ nghĩ có thêm có bớt, cho nên mình tha hồ mình làm đủ thứ hết, ngồi thiền không phải là để thêm cho nó cái gì hết, ngồi thiền là để nhận ra cái không thêm không bớt đó. Và cái không thêm không bớt đó mình bình đẳng với các bậc thánh, mình bình đẳng ở chỗ đó đó, chớ còn mình không có bình đẳng được ở chỗ nào hết á, ngoài ra không có cái cửa nào để mình bình đẳng được hết á, và mình bình đẳng với các chúng sanh bậc thấp hơn mình nữa, mình bình đẳng bởi vì tất cả đều ở trong cái không thêm không bớt đó.
Mình vô minh mình chạy theo thời gian rồi mình nói tôi tu để tôi thêm cái này tôi bớt cái kia, chớ thật sự ra mình có tu cả đời cũng không thêm không bớt đâu.
Người xưa nói cái đó là: “Pháp nhĩ như thị”, pháp vốn như vậy, không có thêm bớt gì hết. Thành ra vấn đề là mình phải tin có cái đó, rồi bằng thiền định, bằng đủ mọi thứ, mình khám phá ra nó lần lần, mình khám phá ra cái không thêm không bớt; chớ có khám phá ra thêm điều gì đâu?
Nên nhớ tam bảo là Phật Pháp Tăng, Tăng thì có thêm có bớt, Tăng có khi đông khi ít, nhưng mà Pháp không thêm không bớt; cho nên mới nói Pháp là thường trụ là vậy. Bởi vậy trong kinh nói giống như hư không, có bao nhiêu cái gì chất vô cũng không thêm, mà cả vũ trụ này nó có tiêu tan cũng không bớt cái gì hết.
Hư không là hư không, vậy thôi.
Tánh Hải Kính ghi
Thiền Sư Minh Châu Hương Hải(1628-1715) là một tác giả văn học Phật giáo thời Hậu Lê. Ngữ lục cho biết sư biên soạn, biên dịch được 20 tác phẩm. Hầu hết
KINH:“Lại nữa, Tu Bồ Đề! Bồ tát ở nơi pháp hãy không chỗ trụ mà hành bố thí. Nghĩa là chẳng trụ sắc mà bố thí, chẳng trụ thanh hương vị xúc
Bồ Tát HạnhPosted on Tháng Chín 11, 2017 Mặc dù chỉ riêng một mình sự phát khởi về phương diện ước nguyện của Bồ đề tâm thì rất đáng kể, nhưng chỉ có một thiện hạnh không thôi thì tự nó sẽ không hoàn thành được mục đíchthành
Vĩnh Phúc: Truyền quán đảnh A Di Đà tại Tịnh viện Vân SơnNgày 15/04/2013, Đức Nhiếp Chính Vương cùng Tăng đoàn Truyền thừa quang lâm đến Tịnh Viện Vân Sơn-Tam Đảo. Tịnh
Ngày 9-11, đạo sư Drupon Sonam Jophel Rinpoche (Tây Tạng) đã đến thuyết giảng với đạo tràng chùa Tây Tạng. Toàn thể đạo tràng hân hoan lắng nghe lời thuyết giảng của
QUAN HỆ THẦY TRÒ Theo Tinh thần Kinh Kế thừa Chánh pháp Thầy, vầng mây bậc, thong dong, núi cao biển rộng Con, cánh nhạn chiều, chân trời sải cánh, dõi theo Thầy,
Giữ giới là lựa chọn tự do Giới luật của Phật giáo có nghĩa là: “Anh đừng tự làm thương tổn mình, anh đừng tự làm hại mình”. 1. Tự do của lệ thuộc
Đạo Phật là gì Lama Zopa and Lama Yeshe Khi bạn tìm hiểu về đạo Phật tức là bạn đang tìm hiểu về con người thật của mình, về bản chất của tâm trí
Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa(VHPG) Mọi kinh nghiệm của chúng ta, kể cả giấc mộng, khởi lên từ vô minh. Đây là một tuyên bố làm hoảng hốt