AI TRI ÂM ÐÓ MẶN MÀ VỚI AI
Thiền là Bát Nhã. Và Bát Nhã là giải thoát. Ðạo Phật, dầu nhìn ở mức độ nào hay khía cạnh nào cũng phải có căn bản là giải thoát. Phật là người giải thoát khỏi tam giới. Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma, nếu không vác cây gậy trên vai đi qua biển sanh tử mà không ướt gót chân thì đã không được gọi là Tổ Sư Thứ Nhất của Thiền Ðông Ðộ.
Biết mọi pháp thế gian đều là Phật Pháp, nhưng nếu có một pháp nào không từ gốc vô trụ, thì pháp đó là phi pháp, là pháp phạm giới. Kinh Duy Ma Cật, phẩm Quán Chúng Sanh dạy: “Tùng vô trụ bổn, lập nhất thiết pháp.”
Cho nên giải thoát là giới hạnh của một vị Thầy. Giới của một Thiền Sư, không phải là những bó buộc, câu thúc trong một loại hình đời sống vật chất nào đó. Không thể dùng giới luật theo nghĩa thế tục là những bó buộc câu thúc để áp dụng cho một người đã giải thoát. Ðã giải thoát sao còn phải bó buộc vào những hình tướng không giải thoát? Ðối với người giải thoát, giới luật của vị ấy chính là sự giải thoát. Ðối với người thật sự tự do, thì giới luật của họ chính là niềm tự do vô thượng đó.
* * *
Nhóm “Thất Tử” chúng tôi, kẻ thì ở xa, người ở gần thì lại mới được yêu cầu đóng góp một bài viết về Thầy Tịch Chiếu Thiền Sư. Bảy người chúng tôi thế nào cũng phải có một cái gì, dù nhỏ nhoi, để có mặt trong tập san, để gọi là nhớ ơn Thầy. Kẻ viết bài nầy phải đành liều đại diện cho đàn anh, vì hắn nhỏ tuổi nhất mà cũng ít gần Thầy hơn hết. Với thời gian quá gấp rút, người viết chỉ giới hạn vào một nét của Thầy, đó là tính cách giải thoát của Thầy, mà Thầy thì biết bao nhiêu là tính cách, như ngọc ma ni đủ vạn màu, Hồ đến hiện Hồ, Hán đến hiện Hán. Những điều nói ra đây của người viết chỉ là vì ngại mình yếu sức không thể đại diện đàn anh, kẻ tại gia không thể đại diện cho người xuất gia, và cũng sợ những thiếu sót không nêu lên được những tính cách và trạng huống nổi bậc trong hành trạng giải thoát của Thầy. Và nếu nhớ ơn Thầy bằng một bài viết nhỏ thì lại là người phản bội. Ôi, phải chăng dám mạnh dạn đảm đương trách nhiệm và bổn phận là một tính cách giải thoát mà người viết học được ở Thầy?
Nói đến chuyện trả ơn, từ lâu anh em chúng tôi đã quan niệm rằng, nếu Thầy đã cho chúng ta đường đi và sự sống trên đường đạo, thì chúng tôi cũng trả lại cho cuộc sống gồm những ai đó, đường đi và sự sống đã tạo ra con người mình. Ánh sáng thì không cần ai trả ơn, nhưng ta có thể trả ơn ánh sáng bằng cách tự thắp lên ánh sáng ở nơi mình, và từ ngọn đèn tự tâm ấy, thắp lên ánh sáng ở những người khác. Ðó là nghĩa Vô Tận Ðăng trong Kinh Duy Ma Cật.
Khi giới hạn bài viết trong vài câu chuyện nhỏ biểu lộ tính cách giải thoát của Thầy, tôi chỉ xin nói trong quan hệ giữa Thầy và đệ tử, còn những mối quan hệ khác thì xin không đề cập đến vì không biết gì.
Tính cách giải thoát là hòn đá thử vàng trong Ðạo Phật. Dựa vào mức độ giải thoát, có thể hiểu được mức độ tu chứng của một người tu Ðạo. Mà giải thoát là giải thoát khỏi bốn tướng: ngã, nhân, chúng sinh và thọ mạng. Cho nên khi muốn hiểu Thầy, không nên xem ở hình tướng ăn uống, y phục… mà nên xem ông đã giải thoát khỏi cái tướng ta, tướng người, tướng chúng sanh, và tướng thọ mạng hay chưa?
* Image capture from Trí Cantho Vidéo camera (Mùng 2 tháng 2 năm con Mèo gỗ - 2011)
Lần đầu lên chùa, tối đó nơi nhà khách, trong ánh đèn dầu lù mù, Thầy dạy: “Mình đi đụng đầu vào mấy cây cột rồi mình giận, đập cây cột. Ðâu phải lỗi cây cột!” Mỗi thái độ phiền não ở đời là do mình. Do tâm thức mình tạo ra tướng ta, người, chúng sinh, thọ mạng. Bốn tướng ấy xung đột nhau, nghĩa là mình tự khởi dấy nó lên: đây là ta, kia là người… Xung đột, mâu thuẫn, gây ra đau khổ triền miên. Nên đau khổ cũng chính là sự mắc kẹt vào các xung đột, mâu thuẫn. Giải thoát là giải thoát khỏi những hư vọng do chính mình tạo ra. Bởi thế, Thầy thường nói: “Ai trói buộc ông?”
Có lần Thầy nói: “Cái không của ông chỉ bằng cái chén, còn cái không chân thật thì bao gồm núi, sông, trời, đất. Hay là ông sợ cái không ấy mà không dám giải thoát?”
Sự giải thoát của Thầy là sự giải thoát của Trí Tuệ Bát Nhã: Tất cả là Không. Từ đó là sự vô trụ đối với tất cả: gia đình, đệ tử, chùa chiền, và cả Ðạo nữa. Tất cả các pháp là không, nên không nắm giữ, không buông bỏ, không tạo tác, không tìm cầu, không tăng, không giảm. Cái Không chân thể ấy mình không “quán” được, không tạo ra nó được, không làm sạch, bôi dơ nó được. Khi tôi cố gắng đêm đêm ngồi thiền, Thầy bảo: “Tại sao lại phải tạo lập một bầu trời trong bầu trời?”
Toàn tướng vốn không, vậy tìm cầu, thêm bớt, nắm bắt làm gì? Dụng công để đạt Ðạo là trò ngồi đợi hoa đốm ở không trung biến thành trái chín!
Lúc mới về chùa, Thầy dạy tôi giải câu: “Ðương thể không tịch.” Phải gần một năm tôi mới thưa vơí Thầy: “Trong tánh không tịch, chỉ có tự tánh tự chiếu, không có tướng ta, tướng người, tướng chúng sanh, tướng cảnh giới.” Tôi biết tu từ đó.
Nhớ lại lời Thầy kể chuyện Sư Ông trong một kỳ thi ở Tây Tạng, có vị sư dự thi được gọi lên, giám khảo đưa ra một cái chén ngọc, vị sư đưa tay cầm, vị giám khảo thả rơi cái chén bể tan tành.
Thể của Ðạo Phật là Không, tu trong Ðạo Phật là Nhẫn. Trong Kinh Nhân Vương Hộ Quốc Bát Nhã Ba La Mật Ða, Bồ Tát đạt đến Tánh Không bằng 13 cấp bậc Nhẫn, từ Tam Hiền đến Thập Ðịa đều ở trong Nhẫn mà hành. Vì Vô Sanh mà Nhẫn, vì Nhẫn nên Vô Sanh. Ðó là Ðệ Bát Ðịa Bồ Tát Vô Sanh Pháp Nhẫn.
Nếu không Nhẫn, Thầy làm sao sống được giữa cõi ác thế? Không thấu suốt Tánh Không làm sao thản nhiên trước mọi dư luận? Nếu không ở trong Vô Trụ, làm sao Thầy có thể lập nên các pháp điên đảo mà không ra ngoài Phật Pháp? Chỉ có người thấu đạt Tánh Không mới “nhậm vận thịnh suy vô bố úy”, ở giữa thăng trầm mà vẫn thản nhiên. Có lần Thầy nói với một đệ tử: “Ông thích làm thầy lắm, nhưng ai ra trước là thầy, chứ thầy bà gì. Mọi danh tướng chỉ là hoa đốm. Ðại dương là đại dương không cần gọi tên là sóng hay nước.”
Biết tôi thích ngôi nơi cửa sổ nhìn ra hàng trúc, có chiều Thầy đem cái quần rách phơi che tầm nhìn, rồi cười cười đi vào. Ðã là không thì có gì là dơ sạch, đẹp xấu… Thậm chí làm gì có sanh có diệt.
Ngày xưa Sư Ông bảo Thầy trồng cây mít. Khi cây lớn lên, Sư Ông bảo chặt nó đi. Thấy có tướng là có vướng mắc, có sanh tử luân hồi. Không tướng thì giải thoát.
Có lần một đệ tử hỏi Thầy “Sao Thầy cứ hắc hủi hai thằng ấy để nó bỏ đi hoài vậy?” Thầy bảo Thầy đạo tạo đệ tử để lợi ích cho đời, chứ có nhằm gì đến Thầy đâu. Thầy chẳng hề mong chờ ở đệ tử điều gì cả.
Khi có người hỏi Thầy: “Tại sao Thầy để anh ấy ra đi mặc dù Thầy đã nói anh ấy là một đệ tử có thể nối Pháp?” Thầy bảo: “Thầy như người đi đường, không nhớ tới ai, ai hỏi thăm thì trả lời, xong rồi thì thôi.”
Có lần một vị Sư hỏi: ‘Thầy dụng công như thế nào? Khi nào tụng Kinh, khi nào ngủ?” Thầy đáp: “Tôi ngủ cả ngày. Tụng Kinh cũng ngủ, ăn cũng ngủ, đi cũng ngủ, ngồi cũng ngủ, ngủ cũng ngủ.” Ôi Na già, định vô phân biệt. Bình thường tâm là Ðạo! Thật ra với Thầy thì đóng được, mở được. Trải ra được, thâu lại được. Như thế mới tự tại. Như thế mới Bát Nhã. “Ai hay không có có không thế nào!”
Có một vị Sư hỏi Thầy “Bây giờ là thời mạt pháp …” Thầy bảo “Pháp mạt hồi nào?” Chỉ người thấu đạt Pháp mới không thấy tăng giảm, dơ sạch… Ðệ tử ca ngợi Thầy như nước đổ lá môn, đệ tử ghét giận Thầy như trồng hoa trên đá. Trơn như hư không, cứng như kim cương, như thế là vô tâm chăng?
Có lần tôi hỏi “Tre xanh đâu chẳng phải là Pháp Thân, hoa vàng đâu chẳng phải là Bát Nhã, là thế nào?” Thầy cầm một cộng lông lên thổi phù. Nào Tánh, nào Tướng, tào lao hết!
Những khi Thầy đi một mình trên con đường từ rẫy về chùa, khuôn mặt Thầy là nỗi hân hoan của trời đất, là vẻ xanh tươi của cây cỏ bốn mùa… Thầy nói: “Người thấy Tánh thì nhìn một chiếc lá rụng cũng thấy vui tràn bờ.” Có những lúc Thầy ngồi một mình trong vườn, không quá khứ, không hiện tại, không tương lai, vô niệm, vô tướng, vô trụ … như Bát Nhã, đích thực là Bát Nhã vậy.
Một người bạn có lần hỏi Thầy về một đoạn kể trong Pháp Bảo Ðàn Kinh, sau khi trả lời xong, Thầy đưa hai tay lên trời nói: “Có gì đâu!” Nhìn Thầy trong tư thế ấy, quần cụt, ở trần, bên hàng rào dây thép gai, hai tay đưa lên khoảng không, đầu nghiêng nghiêng, lắc lắc, mới thấy được hình ảnh của Bát Nhã là gì.
Ðó là một vài sự kiện mà tôi có thể nói được về Thầy. Người đọc có thể suy nghĩ: gần gũi Thầy trên 10 năm mà chỉ có thế thôi sao? Thưa bạn, có những điều về Thầy mà không thể nói được. Tốt nhất là mỗi người tự tiếp xúc với Thầy và tự mình tìm hiểu lấy. Bởi vì Ðạo học là cái gì của riêng mình, chân thật nhất của mình.
Thầy chưa hề đặt chiếc dép lên đầu mà đi ra cửa như Tổ Triệu Châu. Nhưng trong từng cử chỉ của Thầy trong đời sống hàng ngày, không cử động nào mà không phải là Bát Nhã, không sự việc nào mà chẳng vô sanh.
Thầy thường nói với tôi là Thầy rất thích kinh Viên Giác. Yếu chỉ của Viên Giác là: Tri huyễn tức ly, ly huyễn tức giác. Và khi tôi nói thích câu: “Huyễn nhân tác vi, bổn nhi vô tác” thì Thầy cũng thích lắm. Có phải rằng khi chơi đùa mà không biết trò đùa là gì thì vào địa ngục nhanh như tên bắn. Khi vọc lửa mà không biết tánh lửa là gì thì thế nào cũng bỏng tay!
Thầy, một nông dân suốt đời cày ruộng bằng chiếc cày không lưỡi. Sáng sáng chiều chiều vác cái cuốc không cán qua rẫy múa may. Con nuôi, con thật đầy đàn mà cứ vặt lông rùa đem về buôn bán sinh nhai. Ai có hỏi điều gì thì đem lông rùa ra mà thổi. Ai có hỏi pháp yếu thì dựng đứng cây chổi lên trời lặng im không nói. Ai có hỏi con đường ngàn thánh không truyền thì cầm cây gậy vạch vạch lên không trung. Ngồi nói chuyện với ai thì tay cầm cây gõ, gõ bàn, gõ ly, gõ chén … Nghe chăng? Không nghe chăng? Dẫu làm những trò quỷ thuật như thế mà chẳng che dấu được con cháu. Dẫu Thầy có phủi tay, ta không có một pháp để dạy người thì vạn tượng đã rành rành, không thể che dấu. Cho nên dù có bày trò ma mị đến đâu thì linh cốt xá lợi vốn đã nằm nơi từng thước cây, tấc đất. Dẫu không nói một lời nào thì lưỡi đã tuột ra ngoài khe suối, ngọn cây.
Ôi! Có Tịch mà không Chiếu thì khô định mgoại
Có Chiếu mà không Tịch thì loạn hụê phàm phu.
Vừa Tịch vừa Chiếu là lời của đứa con nít vo ve học đòi định huệ song tu.
Không Tịch không Chiếu là cảnh giới vô gián địa ngục.
Vậy thì Thầy ở đâu??
- Ðế quán pháp vương pháp. Pháp vương pháp như thị.
- Rành rành trăm ngọn cỏ, rành rành ý Tổ sư!
Tìm Tây Tạng ở đâu??
- Hãy kiếm Tạng ở miền Nam Cực.
Bây giờ và ngàn sau nữa tìm Thầy ở đâu??
- Hãy tìm Thầy ở nơi chốn mà Tổ Triệu Châu đã chỉ:
Nơi nào có Phật hãy đi qua, nơi nào không** có Phật đừng đứng lại.
* * *
Một lần lang thang trên phố Ðà Nẳng, tôi thỉnh được một pho tượng nhỏ Ðức Di Lặc bằng đá màu hồng, tôi đem về tặng Thầy. Thầy đặt tượng trên bàn Tổ.
Hồi đó, tôi không biết tại sao tôi thích tượng Di Lặc và tại sao Thầy lại quí nó và đặc vào một chỗ riêng như thế. Bây giờ đã 10 năm qua, tôi đã hiểu hơn. Tôi và Thầy đều thích tượng đó như một lời hẹn hò thầm lặng. Kính mến Ðức Di Lạc tức là kính mến tương lai.
Ðứng trên căn bản trí vô phân biệt thì quá khứ, hiện tại, tương lai đều bất khả đắc. Nhưng trong căn bản trí có hậu đắc trí hay sai biệt trí. Và với hậu đắc trí thì quá khứ, hiện tại, tương lai đều có ý nghĩa riêng của nó. Nếu tương lai có ý nghĩa thì bổn phận của chúng ta là tìm ra ý nghĩa đó và sống với ý nghĩa đó. Tương lai không phải của riêng mình mà là của thời đại và dân tộc mình.
Với quá khứ Tây Tạng là Sư Ông, hiện tại là Thầy, tất cả chúng ta hân hoan xác tín sự rực rỡ của tương lai.
Theo: http://www.searchvn.net/TayTang/AiTriAmDo.html
(*) Đây là bài viết của một cư sĩ trong và cho nhóm bạn hữu gồm Bảy người (gọi đùa là Thất tinh - Bảy Vì sao -) như Mr Thanh (Bình Thạnh), Lê-văn-Nhữ (Quận 3), Bs Quách-thế-Hùng, Trần-đức-Phi-Bằng (Thị Giới), Tỳ Kheo Thích Đồng Nguyên (Thị Thịnh - Chùa Thanh Long - Đại Tùng Lâm, đã tịch), Mr Khuê (Mất 2010 ?!) .v.v.. Người post bài cho là đã được viết vào khoảng giữa hay đầu thập niên 80; sau đó tác giã đã nhanh chóng xuất gia với Thầy Tây Tạng Bình Dương nên mới có tên là Thầy Minh Diệu.
Vậy đúng ra là phải để Thế danh mới phải. Tuy nhiên cũng vì Trang nhà chúng ta nghĩ là chuyện "tâm sự" riêng tư trong Nhóm; mà, cũng chưa xin phép Thầy Minh Diệu để trích đăng bài. Hơn nữa, thiết nghĩ con người dù muốn hay không vốn phải đeo mang cùng lúc trên người nhiều, rất nhiều tư cách khác nhau như là công dân, ông bà, cha mẹ, đệ tử, anh em chồng vợ, huynh đệ. v.v.. Nên cũng nhân đây xin phép Tác giả, Thầy, Sư huynh, anh... hoan hỹ cho trích đăng lại bài -với tên Thầy thay cho Thế danh - như là thay cho lời muốn nói. Mong lắm thay. Đa tạ !!!
(**) Thêm chữ “không” (so với nguyên bản copy). Những chữ in Nghiên hay Đậm cũng là từ Nguyên bản copy và không có thêm bớt chỉnh sửa lại.
(&) Cũng được biết bài viết trên vốn chưa được đầy đủ; vì vào thời điểm ấy người đánh máy chữ vì lý do nào đó (?!) đã bỏ bớt đi vài đoạn. Và hiện những đoạn không có trong bài viết rất khó lòng tìm lại được. Hy vọng sự mất mát này không ảnh hưởng gì nhiều đến toàn văn và sẽ được bổ túc sau khi có đủ duyên.
* Ảnh (trên cùng) là của Trang Nhà
_Thưa thầy, thầy dạy lúc trước đến giờ con có một thắc mắc đó thầy? như nói tâm khi nó tịch diệt, thì nói tịch diệt tức là lúc đó tâm nó
Theo Quách Tấn,tìm về núi cũ xem mai nởTìm về núi cũ xem mai nở Mộng bén ngàn xa hạt điểm canh. Quách Tấn 1.Trong một bài viết về tác phẩm nước non Bình Định
Trong thời gian khủng hoảng nghiêm trọng này, chúng ta đang phải đối mặt với các mối đe dọa đối với sức khỏe của chúng ta và những nỗi đau buồn về
I. Thiền Lâm TếNhư trước đã trình bày, Thiền Lâm Tế là Thiền từ Đạt Ma theo tinh thần bốn “tiêu thức” – “Giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự, trực
Quan niệm của Phật giáo về cuộc đời và hạnh phúc Cũng cùng một đời sống, cùng hít thở không khí, cùng ăn uống ngủ nghỉ, cùng một sinh hoạt của cuộc
QUAN HỆ THẦY TRÒ Theo Tinh thần Kinh Kế thừa Chánh pháp Thầy, vầng mây bậc, thong dong, núi cao biển rộng Con, cánh nhạn chiều, chân trời sải cánh, dõi theo Thầy,
Giữ giới là lựa chọn tự do Giới luật của Phật giáo có nghĩa là: “Anh đừng tự làm thương tổn mình, anh đừng tự làm hại mình”. 1. Tự do của lệ thuộc
Đạo Phật là gì Lama Zopa and Lama Yeshe Khi bạn tìm hiểu về đạo Phật tức là bạn đang tìm hiểu về con người thật của mình, về bản chất của tâm trí
Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa(VHPG) Mọi kinh nghiệm của chúng ta, kể cả giấc mộng, khởi lên từ vô minh. Đây là một tuyên bố làm hoảng hốt