Trong Bích nham lục, một trong những trước tác quan trọng của văn học Thiền, có mẩu chuyện sau:
Một vị tăng hỏi Triệu Châu: "Cây cầu đá của Triệu Châu lừng danh khắp chốn, đến khi nhìn thấy chỉ là một cây cầu gỗ. Sao vậy?" Triệu Châu trả lời: "Ông chỉ nhìn thấy cầu gỗ, chưa thể nhìn ra cầu đá đấy thôi." Vị tăng hỏi: "Vậy thế nào là cầu đá?" Triệu Châu đáp: "Là nơi để lừa ngựa đi qua."
Cây cầu đá của Triệu Châu đại diện tinh thần năng động phụng sự miệt mài của Thiền - Thiền hành động - đã được truyền thừa tâm ấn từ bao thế hệ nối tiếp nhau trong lịch sử Thiền tông.
Suốt cuộc đời trường thọ chín mươi lăm năm của ông, Bác sĩ Suzuki đã sống một đời cây cầu đá đúng như ý nghĩa Triệu Châu muốn nói. Thực tế ai cũng biết là ông đã dốc sức nỗ lực diễn giải ý nghĩa của kinh nghiệm giác ngộ, satori, và tầm quan trọng của trí tuệ bát nhã (prajĩà) trong Thiền tông. Satori, nói cách khác, là thức tỉnh trí tuệ bát nhã.
Nhờ những nỗ lực đó của ông mà ngày nay không còn ai nghi ngờ tầm quan trọng của kinh nghiệm thức tỉnh trong Thiền. Cho nên hoàn toàn dễ hiểu khi, được gán cho tầm quan trọng này, đạt ngộ thường được coi là mục tiêu tối thượng của Thiền tập.
Nhưng nếu ai chỉ đơn giản lấy ngộ làm mục tiêu và thỏa mãn với điều đó, y chưa thật sự hiểu hết nội dung nghĩa lý của kinh nghiệm satori.
Như Bác sĩ Suzuki đã chỉ ra một cách chính xác, giác ngộ là quan trọng, nhưng tầm quan trọng đó nằm ở chỗ nó không đơn thuần là khoảnh khắc hoàn thành ước vọng bấy lâu của ta mà là khoảnh khắc tái sinh - sự khởi đầu cuộc sống tâm linh nơi một con người mới, để sống không phải vì mình mà với hết thảy sinh linh hữu tình cũng như vô tình, để chia xẻ với chúng những đau khổ và phiền muộn, giúp chúngợ tựu thành giác ngộ, tự giải phóng mình khỏi những hệ lụy và khổ đau, những bất an và cảm giác vô nghĩa. Nói cách khác, với sự thức tỉnh trí tuệ bát nhã, cuộc sống mới với thế nhân và vì thế nhân của họ bắt đầu đáp ứng nỗi thúc giục khôn cưỡng của lòng Đại bi, biểu hiện trực tiếp của trí tuệ bát nhã. Đó là cuộc sống của Bồ tát, mà Triệu Châu trong khái niệm Thiền chân chất và cụ thể đã gọi là ‘cây cầu đá’.
Trong nghĩa đó, sau khi trải qua kinh nghiệm chứng ngộ, Bác sĩ Suzuki đã đi con đường của Bồ tát suốt cuộc đời ông với tinh thần kiên cường không mệt mỏi. Theo cách hiểu của ông về cây cầu đá của Triệu Châu, không những lừa, ngựa đi qua mà nhiều người cả phương Tây lẫn phương Đông, bất kể những khác biệt về quốc tịch, màu da, chủng tộc, giai cấp, văn hóa, ngôn ngữ, trí thức, tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp, giàu nghèo hay những giá trị thế tục khác, đều có thể tự mình bước qua bờ vô minh mà đi đến bờ chân lý.
Ở phương Đông, khoảng thời gian ông bắt đầu viết về Thiền, thì thực tế Thiền chỉ để tu tập. Mọi minh giải bác học hay tìm cách tiếp cận thuần lý đều bị coi là báng bổ hay ít ra cũng là vô ích hoặc chướng ngại.
Đương nhiên khi kinh nghiệm Thiền càng được quan tâm, chừng nào nó còn là một cái gì đó phải được trải nghiệm, thì việc hành trì là quan trọng. Nhưng nếu không có sự diễn giải bằng trí năng, việc hành Thiền có nguy cơ rơi vào tình trạng tự mãn thần bí - một thứ Thiền bịnh - vốn là trở ngại tai hại hơn nhiều cho việc thức tỉnh thật sự trí tuệ bát nhã.
Vì ngay cả tri thức - Vijĩàna (Thức) trong thuật ngữ Phật giáo - là một trong những chức năng của bát nhã, không còn là trở lực nếu nó không tự phụ khẳng định uy thế siêu việt của nó và được vận dụng trong chức năng thích đáng bởi một người đã hoàn toàn tự chủ với sự thức tỉnh trí tuệ bát nhã. Trái lại, tri thức sẽ được sử dụng như một công cụ đắc lực nhất để nhận thức bản chất của kinh nghiệm chứng ngộ và đưa đến sự hiểu biết đúng đắn về việc hành trì Thiền.
Đúng là bạn không thể làm cho con ngựa hết khát nước, nhưng ít ra bạn có thể dẫn nó tới chỗ có nước. Mọi nỗ lực, do đó, vận dụng các phương tiện và thủ đoạn - upàya - để dẫn nó tới chỗ có nước là rất có ý nghĩa vì ta cho nó cơ hội uống khi nó khát. Trong ý nghĩa đó, sự diễn giải Thiền của Bác sĩ Suzuki qua hàng loạt trước tác của ông đã soi sáng và giúp ích nhiều người đang cần sự hướng dẫn và chỉ bảo. Văn phong Nhật ngữ của ông cực kỳ giản dị, rõ ràng và dễ hiểu. Không sử dụng những thuật ngữ Phật học khó hiểu, tác phẩm của ông vẫn thấm đượm trí tuệ uyên thâm. Ông viết với lòng nhiệt tình phản ánh tính cách con người ông, làm cho mọi người cảm thấy gần gũi với tinh thần Thiền tự bản chất đã có nơi họ nhưng họ lầm tưởng nó là một cái gì huyền bí bất khả lãnh hội chỉ có nơi vài người xuất chúng.
Sự tiếp cận bằng trí năng của ông càng thu hút và hướng dẫn giới trẻ Nhật bản vốn được nuôi dạy bởi đường lối giáo dục duy lý Tây phương, khó lòng cộng hưởng với không gian truyền thống đầy uy lực của Thiền tông, dù họ trân trọng giá trị của nó.
Nói chung sách của ông không những khơi gợi cảm hứng nơi giới tăng lữ mà còn giúp công chúng hiểu giá trị của Thiền như một tài sản truyền thống tiếp dưỡng chính cuộc sống của họ. Đóng góp của ông trong lĩnh vực này có ý nghĩa vô cùng trong hiện trạng của nền văn hóa Nhật đang bị ‘hiện đại hóa’ dưới ảnh hưởng mạnh mẽ của Tây phương, bởi lẽ không có sự thay đổi nào có thể thành tựu mỹ mãn trong bất cứ quốc gia nào mà không hòa hợp với giá trị văn hóa nền tảng vốn gắn liền trong tâm khảm người dân.
Đối với Tây phương nơi lề lối tư duy biện biệt là truyền thống phổ biến thì phương pháp phân tích để minh giải của ông hầu như không xa lạ; nhưng nó xa lạ đối với Đông phương. Tuy thế ông lại giới thiệu một chủ đề rất không quen thuộc với tâm thức Tây phương. Do đó không lạ gì khi người Tây phương thoạt đầu xem điều ông nói chỉ là một sản phẩm bí truyền nào đó của Đông phương huyền bí.
Một trùng hợp ngẫu nhiên đầy thú vị khi, vào năm 1900, Bác sĩ Suzuki cho xuất bản ở Mỹ tác phẩm đầu tiên về Thiền bằng Anh ngữ của ông, quyển Đại thừa Khởi tín luận của Azvaghowa (Mã Minh), thì Freud cũng đồng thời xuất bản tác phẩm đầu tay của ông về Phân tâm học, cuốn Giải thích về Mộng.
Có lẽ điều này không lạ hay bất ngờ lắm, vì dù họ không hề quen biết nhau và không nhận thức mình đã cùng có chung cái gì, song họ đã khởi xướng cùng một trách vụ: sự phê phán bịnh lý học của nền văn hóa Tây phương hiện đại, đặc biệt là sự thắng lướt của lý trí mà cả hai đều đưa ra những phương pháp sửa chữa theo cách riêng của mình. Freud chú trọng ý nghĩa của vô thức, sức mạnh của cảm xúc, là đối lực của ý thức và sức mạnh của lý trí, và mâu thuẩn của chúng chính là nguồn gốc những rối loạn tâm thần. Bác sĩ Suzuki đặc biệt làm sáng tỏ bản tính nhị nguyên và phân biệt của lý trí là nguồn gốc những phiền não con người.
Vì sự vạch trần vấn đề một cách táo bạo và không thương xót của Freud, tâm thức Tây phương dần mở mắt trước sự tha hóa của con người tách khỏi con- người-toàn-diện của nó được phơi bày qua hình thức vô số bịnh án về những rối loạn tâm thần. Những người đi trước Freud như Nietzche, Marx, và Kierkegaard đã tiên đoán hiện tượng này cho dù nó từng được che đậy khéo léo bằng vinh quang của những thành tựu duy vật chất được gọi là tiến bộ.
Freud tiến đến giải pháp cho vấn đề bằng phương pháp phân tâm học. Nó được hướng dẫn bởi nguyên tắc chuyển vô thức thành ý thức, cái phi lý vào địa hạt lý trí, hay nói theo cách của ông, "ở đâu có bản ngã (id), ở đó có tự ngã (ego)."
Theo nghĩa này ông vẫn còn trong phạm trù văn hóa duy lý truyền thống của Tây phương. Tuy nhiên, với tất cả thành quả lao động vĩ đại của ông trong ngành phân tâm học, ông đã đạt đến kết luận bi quan về tương lai của văn minh nhân loại vì, qua sự quan sát có tính phê phán, ông đã nhìn thấy khuynh hướng tự hủy mà ông cho là có sẵn nơi bản tánh con người. Ông cũng kết luận, bằng lối tư duy duy lý, rằng tôn giáo là một ảo giác và là một thứ chủ nghĩa ấu trỉ.
Đóng góp của Bác sĩ Suzuki trong lãnh vực này, hiển nhiên, là phương pháp Thiền. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thức tỉnh và cũng dùng chữ "ý thức" như Freud đã dùng. Tuy nhiên với ông "ý thức" có nghĩa khác với quan niệm của Freud là chuyển vô thức dục tính thành ý thức. Dụng ngữ của Suzuki là làm sao ý thức về "cái Vô thức Vũ trụ", thành tựu bằng sự thức tỉnh trí tuệ bát nhã.
Vì Phật giáo chủ yếu phát sinh từ sự quán sát thực tế và từ nhận thức về cảnh trạng của nhân loại là đau khổ thân, nên có thể đồng quan điểm với Freud ở chỗ nói rằng cảnh trạng hiện hữu của con người là bi quan trong hiện tại cũng như tương lai chừng nào nó còn bị thúc đẩy bởi khuynh hướng tự hủy vốn cắm sâu gốc rễ trong vô minh của nó.
Phật giáo hiểu rằng, cảnh trạng hiện sinh đau khổ của con người vì hai loại vô minh liên kết nhau bất khả phân. Thứ nhất là vô minh không biết mình đang bị tha hóa tách rời Phật tánh và thứ hai là vô minh không biết rằng Phật tánh hiện hữu trong hết thảy chúng sinh là sự thật. Tóm tắt, con người mê muội vô minh không biết Phật tánh vốn có sẵn nơi mình. Và chính vì sự không biết này mà con người mù quáng đầu hàng những thôi thúc bản năng vốn bị điều động bởi các nguyên lý, theo cách nói của Freud, khoái lạc và cái chết. Càng bị thúc đẩy bởi những động lực này và đeo đuổi thỏa mãn chúng, dù có sự cưỡng lại của lý trí qua những ức chế, con người càng bị tha hóa tách rời thực tánh của mình. Phương cách để tự giải phóng mình khỏi sự tự vong thân tha hóa, theo Thiền không phải là ức chế hay thăng hoa bằng lý trí, mà phải đột phá vô minh và nhận chân Phật tánh bằng kinh nghiệm tỉnh thức trí tuệ bát nhã. Như thế, ngay cả khi Thiền, một trường phái của Phật giáo, chia xẻ cùng quan điểm với Freud về cảnh trạng hiện sinh của loài người, nó khởi sự phát triển học thuyết riêng về sự giải phóng khỏi điểm nơi mà Freud kết thúc bằng chủ nghĩa bi quan. Thiền giúp con người khám phá bản lai diện mục của mình, theo diễn đạt của nó, giúp tái sinh làm một con người toàn diện và cho phép nó đạt đến một cuộc sống tâm linh mới vượt khỏi những nguyên lý khoái lạc và chết, đồng thời siêu việt tính phân đôi của lý trí. Trải nghiệm điều này và sống trong nó, giúp người khác giác ngộ, đó là đời sống tôn giáo của Thiền tông. Với Bác sĩ Suzuki, tôn giáo mà ông tin tưởng và thực hành không phải là một ảo giác hay chủ nghĩa ấu trỉ. Tôn giáo đối với ông là con đường thuần thục và là chủ nghĩa hiện thực với ý nghĩa người ta có thể sống cuộc đời của mình trọn vẹn với nó như một tồn tại toàn diện mới mẻ và giúp người khác phục hồi cái toàn diện của họ.
Trong lúc Tây phương bắt đầu được tô vẻ bằng khái niệm màu hồng về tiến bộ trên nền tảng tin tưởng vào sự ưu việt của lý trí, đúng lúc ấy một thông điệp đã được gởi đến từ phương Đông. Thiền tuyên bố khi ý thức được hiện trạng tự vong thân của mình do sự ưu thắng của lý trí, con người có thể tự giải thoát mình khỏi vô minh để tỏ ngộ Phật tánh trong mình. Hiểu như vậy không có gì phải sợ bị phơi trần trước sự rỗng không và vô nghĩa của hiện hữu con người, vì nó được xem như bước ngoặt mở ra con đường thức tỉnh tối hậu cho trí tuệ bát nhã đã được chuẩn bị trong Thiền. Đó là thông điệp của Bác sĩ Suzuki gởi tới khắp thế giới - một thông điệp về sự phục sinh của chính con người.
Có lẽ hơn ai hết, những người bận tâm điều trị những con bịnh rối loạn tinh thần sẽ trở nên nhạy bén trước căn bịnh của văn minh Tây phương như hệ quả trực tiếp từ những quán sát của họ trong các văn phòng của họ. Trong khi những nhà trị liệu phái Freud ít nhiều còn tiêu cực và hoài nghi hay thờ ơ trước Thiền vì định hướng về dục tính của họ, thì những nhà tâm trị hay tâm lý trị liệu với đầu óc chưa bị gò bó bởi lý thuyết và cởi mở trước thực tại tâm linh lại tỏ ra quan tâm đến những điều Suzuki nói. Trong số đó Jung là người đầu tiên đã nhận thấy và đánh giá cao ý nghĩa của kinh nghiệm Thiền. Trong lời tựa viết cho cuốn Dẫn nhập Thiền tông của Suzuki, ông nói: "Phong trào duy nhất bên trong nền văn minh của chúng ta vốn có, hay hẵn phải có, kiến giải nào đó về những nỗ lực này chính là liệu pháp tâm lý". Ông đã so sánh kinh nghiệm Thiền với những kinh nghiệm thần bí của Meister Eckhart và John Ruysbroeck và diễn giải chúng như một tiến trình cá thể hóa, thuật ngữ của ông thay cho ‘trở thành tổng thể’. Tuy thế ông vẫn dự phòng hữu lý khi nói "Vĩ đại thay giá trị của Thiền tông để hiểu rõ quá trình tiến hóa tôn giáo, công dụng của nó đối với Tây phương vẫn có vấn đề". Cho dù công dụng của nó đối với Tây phương có vấn đề hay không nó vẫn là câu hỏi phải giải đáp trong tương lai. Nhưng nếu Suzuki không cảm nhận được giá trị của công dụng đó đối với Tây phương về mặt ‘trở thành tổng thể’, thì đâu là ý nghĩa của sự nghiệp đời ông dành cho sự truyền bá Thiền sang phương Tây? Cá nhân tôi vẫn muốn nhấn mạnh một phát biểu khác của Jung, "Tôi tin chắc kinh nghiệm chứng ngộ có xảy ra ở phương Tây". Bởi lẽ tôi tin là, chừng nào cái Vô thức Vũ trụ còn tâm trong đó chứng ngộ, satori, diễn ra, nó còn là bao quát và không biên giới vượt ngoài những dị biệt về văn hóa. Ngay cả khi bị ước định bởi văn hóa, con người vẫn có tiềm năng cố hữu để thực hiện một bước nhảy và tự giải phóng mình khỏi sự ràng buộc vào những định kiến văn hóa - sản phẩm của tính phân biệt, bằng cách nhận thức được cái Vô thức Vũ trụ vốn phổ quát. Theo sau Jung là Karen Horney; sau những tiếp xúc cá nhân và đàm đạo với Bác sĩ Suzuki, bà đã quan tâm sâu sắc đến Thiền tông. Sự tiếp cận tổng thể của bà với chính con người và quan niệm căn bản của bà về chân bản ngã với sự nhấn mạnh tầm quan trọng của trực giác trong liệu pháp, tất cả đã thúc đẩy bà nghiên cứu và hấp thụ một cách nồng nhiệt những thành tựu của Thiền. Trong chuyến đi Nhật của bà cùng với Suzuki, kỷ niệm vẫn còn sinh động trong tâm trí tôi, bà đã gặp và trao đổi ý kiến với rất nhiều Thiền sư. Cho dù bà được coi là một trong những người lãnh đạo nhóm các nhà văn hóa, nhân cách của bà còn vĩ đại hơn học thuyết của bà nhiều. Vì tự cảm thấy thích hợp và có nhiều tương đắc với Thiền, bà mong mỏi khai triển ý tưởng của mình bằng sự khuyến khích tư tưởng được trải nghiệm ở Nhật Bản. Thật không may, cái chết đột ngột của bà đã khiến những điều bà đạt được trong chuyến đi này trở thành dang dở. Sau khi bà mất, Suzuki đã tổ chức các buổi thuyết trình và hội thảo với nhóm của bà do Harold Kelman lãnh đạo.
Năm 1957, Erich Fromm mời Suzuki đến dự một hội nghị ở Mexico. Cuộc gặp gỡ này của họ đã hình thành tác phẩm Thiền và Phân tâm học. Đây là một sự kiện đầy ý nghĩa vì, mặc dù bắt nguồn từ những nền văn hóa khác nhau và vào những thời đại khác biệt, Thiền và Phân tâm học vẫn cùng chung một nhiệm vụ khôi phục con người như một hữu thể toàn diện trong thời đại phân hóa nhân cách và ưu tư khắc khoải này, và họ đã trực tiếp tiếp xúc vì sự hợp tác nhằm khẳng định mục tiêu chung của họ.
Cứ thế, những hoạt động không ngừng của ông để giải thích và truyền bá Thiền ở Đông cũng như Tây phương bắt đầu kết trái vào cuối đời ông. Sự kiện nổi bật nhất chính là trong suốt những năm dài tiên phong hoạt động, trên thực tế ông đã hoạt động đơn độc. Nghĩa là ông chỉ có một mình và tự lo lấy, dù ông cũng có sự trợ giúp đắc lực và chăm sóc cá nhân của cô Mihoko Okamura cho đến khi nhắm mắt. Con đường do ông mở ra đã được tiếp bước và vun xới bởi những người như R.H. Blyth, Alan Watts, R. De Martino, P. Kapleau.
Một buổi chiều, khi đang cùng với ông ở Ipswich, gần Boston, trong lúc đàm đạo tôi bất chợt hỏi ông: "Câu nói của Bách Trượng ‘ngồi một mình trên đỉnh Đại hùng’ nghĩa là sao?" Như để trả lời, bất chợt ông đứng dậy với sự nhanh nhẹn lạ kỳ, rồi ngồi xuống kiết già trên ghế. Tôi không bao giờ quên được hình ảnh toàn thể con người ông vào lúc đó bổng trông như lớn hơn và rạng ngời ánh sáng của một sức mạnh siêu phàm. Chính ở đấy tôi đã chứng kiến tính chất mạnh mẽ và cao quí của sự đơn độc nơi ông.
Năm 1952, trong các diễn thuyết của mình ông vẫn chủ yếu nhấn mạnh tầm quan trọng của Trí (Prạjĩà, bát nhã). Nhưng theo thiển kiến, trên thực tế ông lại dạy chúng ta Bi (Karuịà) qua lối sống thường nhật của ông. Một buổi tối tôi đang kể ông nghe kinh nghiệm của tôi về một bệnh nhân; người này đã cố gắng cùng cực chịu đựng sự đau đớn, tôi bỗng lặng người khi thấy ông khóc. Một lát sau, Suzuki nói: "Tôi cảm thấy mang ơn ông biết bao vì những việc ông đã làm." Tôi cảm nhận được mối liên hệ thiết thân của ông với nỗi đau của con người. Tự thâm tâm ông cảm thấy mang ơn bất cứ sự giúp đỡ nào giải thoát con người khỏi khổ đau của họ. Do đó ông đã bày tỏ lòng tri ơn thay cho bệnh nhân của tôi là người đối với ông không hề xa lạ mà là một người thân thuộc theo nghĩa người ấy cũng đang tồn tại và đang băn khoăn khổ cầu giác ngộ về Phật tánh của chính mình. Lúc đó tôi vô cùng xúc động trước ước vọng chân thành của ông - biểu hiện của lòng đại Bi - muốn giải thoát mọi người khỏi khổ đau và sự vô minh của họ. Lời ông nói thấm xâu vào lòng tôi và âm vang của nó còn rung động mãi bên tai nhắc nhỡ tôi ý nghĩa thật sự của nghề lương y của mình.
Về cuối đời, ông ngày càng trình bày rõ nét ý nghĩa của đại Bi trong các thuyết giảng và luận văn của mình. Nhất là sau khi dịch ra Anh ngữ tác phẩm Giáo hành tín chứng (Kyô-gyô-shin-shô) của Shinran (Thân Loan), một trong những trước tác quan yếu nhất của Phật giáo Tịnh độ, ông đã nhấn mạnh ý nghĩa của Đại hành, biểu hiện sinh động của đại Bi vốn là sự vận hành của Trí tuệ bát nhã giúp con người hồi sinh như một hữu thể toàn diện.
Di ngôn của ông trên giường bịnh là "Đừng lo!", "Cảm ơn", "Xin cảm ơn". Trong giây phút cuối đời, ông không muốn người ta lo lắng vì sự đau đớn cùng cực mà ông phải chịu đựng bởi cơn bịnh, và ông không ngớt tri ơn mọi sự đã diễn ra, ngay cả cái chết. Trong ý nghĩa đó, bản thân ông đã minh họa cho những gì ông vẫn khuyên dạy chúng ta trong suốt cuộc đời: lòng đại bi và đại nguyện.
Ông đã khép lại đời mình trên thế giới này. Nhưng, hãy nhìn! Với những ai có thể nhìn ra, thì cây cầu đá của Triệu Châu vẫn thường hiện hữu.
A. K.
+ Ảnh trên Internet
Save
Chánh Niệm Tỉnh Giác nơi tánh nghe là phương pháp và mục đích mà thầy dạy trong thực hành tu một ngày kỳ ba này.Trong kinh Lăng Nghiêm nói “Một tinh minh
CHỈ CÓ TÔN GIÁO MỚI NÓI: THỜI GIAN LÀ ẢO TƯỞNG. (MAYA) Tất cả loài người dù sống ở đâu, dù mang quốc tịch nào, màu da nào, đều có một ý thức
Có rất nhiều kỹ năng quản lý thời gian mà bạn trẻ nên rèn luyện để đạt kết quả học tập và làm việc tốt hơn.⏰ Ưu tiên công việcTrước tiên, điều
Sáu mươi lăm năm kể từ ngày Sư Ông dịch xong Lăng Nghiêm Tông Thông. Sáu mươi lăm năm không lâu hơn nửa hơi thở của Sư Ông. Không lâu hơn một
QUANG MINH CỦA TÂM - DUDJOM DORJEEKhi chúng ta nhìn vào tâm ở trạng thái tự nhiên của nó, đặc trưng định tính đầu tiên mà chúng ta thấy là sự quang
QUAN HỆ THẦY TRÒ Theo Tinh thần Kinh Kế thừa Chánh pháp Thầy, vầng mây bậc, thong dong, núi cao biển rộng Con, cánh nhạn chiều, chân trời sải cánh, dõi theo Thầy,
Giữ giới là lựa chọn tự do Giới luật của Phật giáo có nghĩa là: “Anh đừng tự làm thương tổn mình, anh đừng tự làm hại mình”. 1. Tự do của lệ thuộc
Đạo Phật là gì Lama Zopa and Lama Yeshe Khi bạn tìm hiểu về đạo Phật tức là bạn đang tìm hiểu về con người thật của mình, về bản chất của tâm trí
Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa(VHPG) Mọi kinh nghiệm của chúng ta, kể cả giấc mộng, khởi lên từ vô minh. Đây là một tuyên bố làm hoảng hốt