Tin Tức (680)


Reincarnation: The Boy Lama - Hài Đồng Lama Vicki Mackenzie

867

NXB: Bloomsbury Publishing PLC, năm 1988

Vicki Mackenzie một tác giả và là nhà báo người Anh, bà tốt nghiệp từ Đại học Queensland và trở thành phóng viên của tờ Sunday Times , The Observer , Daily Telegraph , Sunday Telegraph , Daily Express , Mail on Sunday và nhiều tạp chí quốc gia.

Hài Đồng Lama là quyển sách mà Vicki Mackenzie đã viết về chú bé Osel Hita Torres, người Tây Ban Nha được chính Dalai Lama công nhận với toàn thế giới rằng chú là hóa thân của một vị sư Tây Tạng và đó cũng chính là vị đạo sư của bà - Lama Yeshe. Đây là một câu chuyện “cảm động, tràn ngập tình người, niềm tin và hy vọng về Lama Yeshe…người đã nối liền những phân cách văn hóa và chủng tộc để dòng Tuệ giác Mặt trời từ đầu nguồn Tây Tạng có thể tuôn chảy xuống vùng đất lạ Tây phương – người đã giảng dạy giáo lý tái sinh bằng sự sắp xếp cái chết của mình để có thể tái sinh như ý và làm người khác có thể nhận ra hóa thân của mình - Osel Hita Torres chú bé người Tây Ban Nha mới chào đời đã có vẻ như làm chủ một gia tài tâm linh lớn lao. ” (trang 8 - 9).

Câu chuyện Hài Đồng Lama của bà chính thức bắt đầu từ một cuộc điện thoại “Chuông điện thoại reo vang…giọng một sư cô người Úc có Pháp danh Tây Tạng Yeshe Khadro…chào Vicki, có người muốn nói chuyện cùng chị…một lát sau, từ ống điện thoại vang lên tiếng con nít u a ơ, gù gù… Tôi không biết mình phải phản ứng ra sao nữa. Yeshe Khadro nói khi nhận lại ống nghe, là Lama Osel…Lama Osel chỉ mới 20 tháng, chưa đầy 2 tuổi…chú bé người Tây Ban Nha được xem là hóa thân của vị thầy mà chúng tôi kính yêu rất mực là Lama Yeshe người đã lìa đời ở California 30 tháng trước vào ngày 8/3/1984.” (trang 14 - 15)

Sau khi nhận được cuộc điện thoại bà nghĩ “phải đến nhìn tận mắt chú bé Lama đó…nhân dịp Osel và cha mẹ chú ghé ngang London... tại cổng vào của Manjushri Centre (Trung tâm Văn Thù), một ngôi nhà đôi ở Finsbury Park, North London… Yeshe Khadro mở cửa cho tôi vào…Đứng ngay phía sau vị sư cô này là một nhóc tỳ rắn rỏi, khỏe mạnh, mặc quần áo bằng vải thô màu xanh sáng. Một đứa bé má phính, mắt màu hạt dẻ, tóc vàng hoe được cắt ngắn, vẻ thông tuệ được toát ra từ vầng trán cao.” (trang 17). Sau hai ngày gặp gỡ Lama Osel “những câu hỏi bắt đầu nổi sóng trong trí tôi…Có thật những dáng vẻ, điệu bộ và hình dáng bên ngoài, điều làm ta thường nghĩ đến một cái tên hay một nhân cách nhất định, là những thành tố cấu tạo nên căn tính chân chính của một người? Và (nếu không phải là tổng số của những thành phần tâm, sinh, vật lý, thì) một người là gì?...Có thể nào Osel là Lama Yeshe trong một hình hài khác?...Tôi quyết tâm phải tìm cho ra câu trả lời.” (trang 18-23)

Vicki bắt đầu hồi tưởng lại từ việc bà nhận lời một người đồng nghiệp tham gia khóa thiền một tháng ở Nepal. Và chuyến đi đó cũng mở đầu cho “chuyến đi của đời người – một chuyến phiêu lưu phi lý và tốn kém lại bị một điều khác lấn át; đó là một xác tín lạ thường, rằng điều tôi sắp sửa thực hiện là chuyện tuyệt đối đúng” (trang 26). Bà bắt đầu trải nghiệm những điều mới lạ từ chuyến đi khi đến “Tu viện Kopan, nằm trên một ngọn đồi nhìn xuống thung lũng Kathmandu, một địa điểm đầy vẻ quyến rũ mời gọi với những lùm tre khổng lồ xào xạc trong gió, những cây sứ trắng đầy hoa, những bụi sơn trà thoang thoảng hương, những lá cờ cầu nguyện phất phơ in hình trên nền trời xanh ngát, và phía sau tu viện là dãy Himalaya (Tuyết sơn) với những chóp núi phủ tuyết” (trang 30).

Trải nghiệm đầu tiên của bà “đó là một căn phòng beton bé xíu nhưng tôi phải san sẻ với 7 người khác…tôi nhủ thầm…chẳng giống như ở nhà tí nào cả!...Không có phòng tắm, không có bồn rửa tay, rửa mặt…Tiếp theo những trải nghiệm đó “hãy còn nhiều cái không khác nữa: không thuốc, không rượu, không quan hệ nam nữ, không nhận hoặc gửi thư…không xem báo, không được đọc những sách không liên quan đến việc tu tập và không được rời khỏi phạm vi tu viện. Về sau tôi mới hay, rằng những cái “không” này chỉ nhằm mục đích tẩy rửa thân và tâm, tạo điều kiện cho việc tu học chứ không phải là những hình thức trừng phạt”. (trang 31 -32).

Nhưng những khó khăn về nơi ăn chốn ở không làm bà chán nản vì “cuộc phiêu lưu không tính toán thiệt hơn của mình quả thật đầy mê hoặc và thú vị…một diễm phúc mà khó nhiều người có được, khi đứng yên lặng trên sườn đồi ngắm nhìn mặt trời bình minh vàng ổi từ từ mọc lên từ những đỉnh cao phủ đầy băng tuyết trắng xóa của dãy Himalaya…tham dự vào những buổi lễ của đạo Phật Tây Tạng với những âm thanh lạnh xương sống khi tiếng niệm chú hòa lẫn với giọng khàn đục của kèn, tù và cùng tiếng não bạc nhức óc” (trang 33). Vicki chính thức bắt đầu khóa tu tập được gọi là “Lam Rim hay Tiệm đạo – vạch ra từng chặng đường, từng giai đoạn tu tập từ thấp lên cao để đi đến sự giải thoát toàn diện, hợp nhất với cái Vô Cùng” (trang 34).

Vị Thầy Tây Tạng đầu tiên mà bà gặp và cũng là “người gặp chúng tôi thường xuyên suốt trong khóa tu học - Lama Zopa Rinpoche…Qua ông, lần đầu tiên tôi biết thế nào là một bậc thầy tâm linh đúng nghĩa…đó là một người đàn ông gầy như que tăm, bé nhỏ, mang kính cận và lưng như gẫy gập xuống , vì bệnh lao mà ông mắc phải trên đường vượt thoát sau khi Tây Tạng bị người Trung Hoa chiếm đóng…Trong mảnh y phục hai màu vàng (tượng trưng cho trí huệ) và đỏ nâu (tượng trưng cho lòng từ bi) đơn giản, con người đó bắn ra quanh mình một hỗn hợp mãnh liệt của uy quyền tuyệt đối và sự khiêm cung cùng độ, một thứ uy quyền kỳ lạ không có dấu vết của sự kiêu ngạo làm mê hoặc tất cả mọi người…chúng tôi bị ông chinh phục hoàn toàn” (trang 35).

Với những khó khăn về mặt ngôn ngữ “nhưng lạ lùng thay, chỉ sau đôi ba ngày kiên nhẫn, tất cả chúng tôi đều chợt nhận ra rằng mình đã bắt trúng tần số, nghe rõ mọi điều ông nói…Thế rồi Lama Zopa nói về Lam Rim, điều đã được đức Phật giảng dạy cách đây hơn 2500 năm – rằng đời người quý báu, không nên xem thường, vì khi đã qua thì nó hiếm khi trở lại, và những thành tựu có thể đạt được trong đời này rất là lớn lao. Rồi cái chết, điều chắc chắn nhất của đời người nhưng lại đến bằng những cách thế, trong những thời điểm và tại những nơi chốn bất ngờ nhất…Ông cũng nói về báo ứng của Nghiệp (nghiệp báo), định luật nhân quả chi phối toàn thể vũ trụ, và cho biết rằng, vì mỗi hành động, lời nói và ý nghĩa đều tạo ra những phản tác động nên chúng ta bị trói chặt trong vận hành của nhân quả, của vòng xoay sinh tử tử sinh liên miên bất tuyệt. Sau đó là những lời giảng về Tâm hay tâm thức và sự vận chuyển như một dòng chảy bất tuyệt từ vô thủy đến vô chung của Tâm…tùy thuộc vào các khuynh hướng bị Nghiệp chi phối, Tâm sẽ mang lấy những dạng sinh hoạt tâm, sinh và vật lý mới. Đây là lý thuyết về tái sinh. Sự hiển lộ của những dạng sinh hoạt tâm lý, sinh lý và vật lý này tương đương với những tầng cấp khác nhau của Thiên đường và Địa ngục, được ông mô tả cụ thể và chi tiết…Tôi bị chấn động vì sự trong sáng và vững chắc cực độ của giáo lý này…đây không phải là lời nói suông vì đằng sau chúng là một truyền thống hành trì nghiêm ngặt và không gián đoạn từ cả ngàn năm qua” (trang 36 -37).

Sau khi trở về từ Nepal, trong những tuần đầu tiên Vicki “cảm nhận một niềm yên bình và hạnh phúc nội tâm tưởng chừng không thể nào có được. Có ai biết rằng sự thiền tập lại đưa đến một điều lợi vô giá như thế!... Tôi tưởng chừng như suối đang reo, chim đang hót và cây cỏ đang đâm chồi nẩy lộc trong nội tâm…suối nguồn thực và duy nhất của hạnh phúc chỉ có trong lòng người…Ở giữa một cảnh sống điên đảo nhưng tôi biết mình đã tìm ra điều thật sự ổn định.” (trang 40 – 41). Nhưng rồi những cảm nhận ấy “không thể đương cự lại với những điều kiện sống duy vật vội vàng và những thói quen tinh thần đã tích lũy trong cả đời người” (trang 41). Vicki muốn tìm lại cảm giác của sự thiền định một lần nữa nên bà tìm đến “một trung tâm mang tên của một vị Bồ tát nổi bật về trí tuệ giác ngộ Manjushri Institute (Trung tâm Văn Thù), một lâu đài đáng sợ xây với kiến trúc hỗn hợp Gotic và Victoria nằm bên bờ Morecambe ở Ulverston, Cumbria, vừa được các đệ tử của Lama Yeshe ở đấy thành lập. Trung tâm này là một nỗ lực liên tục và lâu dài đưa đạo Phật Tây Tạng vào đời sống Tây phương” (trang 42).

Với những câu hỏi cháy bỏng về Thiên Chúa bà đã tìm đến Manjushri Institute “khi nghe tin Lama Yeshe đến Anh quốc để hướng dẫn một khóa tu học mùa hè ở Manjushri Institute… Lama Yeshe vẫn tỏa chiếu ra sự thánh thiện, tốt lành, khiêm tốn và cái phẩm chất lạ thường không thể định nghĩa, tạm gọi là chứng đắc…Một điều gì đó rất gần và rất giống với cái đạo Phật gọi là sự sống giác ngộ cuồn cuộn trào ra từ lời nói, tiếng cười, điệu bộ và cử chỉ của ông… Một người tỉnh thức hay người đang đứng bên bờ tỉnh thức, đang ở đây giữa chúng tôi” (trang 43). Và với câu trả lời của Lama Yeshe “Thiên Chúa là Tâm, Phật là Tâm, cả hai là một, là tâm toàn tri bao la và hoàn toàn rộng mở, bao trùm hết thảy” (trang 44) vẫn chưa làm bà thỏa mãn nhưng rồi “tôi tình cờ đọc được một bản sao bài nói chuyện ngắn của Sư nói về Tâm và những yếu tố tinh thần. Chẳng những cho thấy sự thâm sâu khôn lường trong sự hiểu biết của ông, bài giảng còn có thêm những manh mối về Thiên Chúa. ‘Bấy giờ chúng ta có hai sự kiện: thứ nhất là thực tại của những hiện hữu, tức là thực tại của thế giới khách quan; thứ hai là thức, có nghĩa là sự nhận thức hay là những khái niệm của ta về thế giới khách quan, về những hiện hữu…Và quan niệm của Tây Tạng là như thế này: thế giới khách quan và sự nhận biết về nó hay đối tượng của nhận thức và thức, bao trùm lấy nhau. Tuy hai mà một!...Người Thiên Chúa giáo nói Thượng đế là ở khắp mọi nơi, phải thế không? Thượng đế ở khắp nơi, hoàn toàn bao trùm lấy mọi hiện hữu…Còn đạo Phật nói là Tâm thức có mặt khắp nơi, được chứa đựng trong thực tại và hoàn toàn bao trùm lấy thực tại, cả bên trong cũng như bên ngoài. Ý niệm này, lý thuyết này nghe có vẻ đơn giản lắm, nhưng chắc chắn là khó hiểu đối với tâm trí người Tây phương. Hãy kiểm nghiệm! Hãy kiểm nghiệm!’” (trang 45 -46).

Vicki cảm thấy bà và Lama Yeshe “trở nên sâu xa, gắn bó hơn… và tôi sẵn lòng chấp nhận Lama Yeshe như là một vị đạo sư của tôi…Trong ngày thuyết giảng tại October Gallery, nằm trên đường Old Gluorcester. Với câu nói ‘Tôi chỉ muốn có tấm lòng của cô thôi’…tôi ngẩn người không nói nên lời. Dâng cho tấm lòng là sự hàng phục tối hậu, một điều khó khăn vô cùng, nhưng lại là tặng vật có ý nghĩa nhất…Một bậc đạo sư hơn hẳn theo nghĩa một bậc thầy thông thường. Một vị thầy chỉ truyền đạt cho ta kiến thức trong giới hạn của ngôn ngữ. Nhưng đối với một bậc đạo sư đúng nghĩa là người đưa đường chỉ lối, là người thổi luồng linh thức giác ngộ sống động của ông vào cuộc đời ta.” (trang 48 – 50).

Qua nhiều năm tháng, Vicki được nghe những câu chuyện về Lama Yeshe khi ở Hồng Kông, Úc châu, Mỹ…đã phác họa cho bà “một hình ảnh đầy đủ hơn về con người Sư và càng làm cho tôi tin tưởng rằng Sư quả là một bậc phi thường… Một con người thật vĩ đại, muốn truyền đi thông điệp mang tính phổ biến của mình cho tất cả mọi người, vượt qua mọi lần ranh phân chia chủng tộc, địa lý và tư tưởng… Giống như một nhà nhân học, Lama Yeshe thay dạng đổi hình, hòa mình vào môi trường sinh hoạt của chúng ta để nghiên cứu, xem ta thuộc giống loài nào, có những thói quen và tập tục kỳ lạ về ăn ở, giao tiếp ra sao. Sức thuyết phục mãnh liệt của Lama Yeshe một phần nằm trong sức sống vỡ bờ và năng lượng vô tận toát ra từ cử điệu, từ tia nhìn và từ lời nói của ông. Sư tiết ra sự sống. (Nào ai biết được Sư đang bị bệnh bất trị từ bao nhiêu năm dài!... ” (trang 51 – 60).

Trong câu chuyện của mình Vicki đã cho chúng ta biết thêm “một trong đặc điểm nổi bật của Lama Yeshe là rất thông hiểu và coi trọng nữ giới…khi cần thiết Sư biến thành một người hoàn toàn ‘mềm mỏng’, ‘tế nhị’, ‘dịu dàng’, và ‘đầy tình cảm’, những đức tính rất khó tìm ở một người đàn ông, đặc biệt một người đầy nam tính như Sư…Sư đã trở thành một con người tâm linh chân chính, người đã phát triển những khía cạnh âm dương của con người đến cùng độ” (trang 69).

Bước ngoặt cuộc đời của Lama Yeshe diễn ra vào năm 1959, “khi quân Trung Hoa xâm chiếm Tây Tạng…cướp phá chùa chiền, hủy hoại những tác phẩm nghệ thuật vô giá, bắt bớ, giam cầm, tra tấn, đầy ải, giết hại tăng ni…lần đầu tiên vị tăng sĩ 25 tuổi Lama Yeshe tự lấy quyết định cho đời mình. Ông muốn thoát đi…Sư vào một trại tị nạn lớn nhưng cay nghiệt ở Buxaduar, nằm ở phía Đông Bắc Ấn Độ…Tinh thần kỷ luật được đào luyện qua hai mươi năm ở Sera bây giờ trở nên đắc dụng…tiếp tục việc tu hành ngay trong trại. Bên cạnh những kinh điển và ngữ lục tiêu chuẩn, Lama Yeshe còn vùi đầu vào việc nghiên cứu thi ca và học Anh ngữ” (trang 74 – 76).

Cũng chính tại nơi đây “Sau khi nhập trại được khoảng hai năm, Lama Yeshe thu một vị Lama tái sinh còn trẻ tuổi là Zopa Rinpoche làm đệ tử…Cuộc đời của Zopa Rinpoche cũng là một chuyện ly kỳ…Lúc lên 3 tuổi, đưa bé sau này sẽ là Lama Zopa bỗng nhiên biến mất trong một đêm dài… Nhưng rồi người chú cũng tìm thấy đứa cháu của mình trong hang Lawudo. ‘Cháu là Lama Lawudo’, ông nói một cách ương ngạnh với người chú… và ông nằng nặc đòi tiếp tục sống cuộc đời thiền định và tụng niệm…ông công khai thử thách bởi một bậc thầy thuộc tông phái Nyingma (Cổ phái mũ đỏ) là Ngawang Samden…Đứa bé vượt qua được mọi cuộc khảo nghiệm và cuối cùng được thừa nhận là hóa thân của Lama Lawudo – là một du già đại hành giả lừng danh... Trước khi chết, Lama Lawudo hứa sẽ tái sinh để giúp đỡ người trong vùng nhiều hơn và hữu hiệu hơn (và đúng như lời hứa, Lama Zopa – hóa thân của ông đã thành lập trường Mount Everst, dành riêng cho trẻ em sơn cước Sherpa, hiện đang phát triển mạnh)” (trang 77- 78).

Vào năm 1965, một sự nhầm lẫn đầy bất ngờ nhưng cũng là duyên nợ giữa hai vị Lama và Tây Phương bắt đầu khi “Zina Rachevsky – đệ tử người Tây phương đầu tiên của Sư - một vị công nương xinh đẹp với mái tóc bạch kim, thuộc giòng dõi quý phái ở Nga…đến để tìm Domo Geshe Rinpoche…cô nghĩ đó là Lama Zopa…không biết mình lầm lộn…sau đó cô mời chúng tôi sang Tích Lan thăm cô…Thế là Lama Yeshe và Lama Zopa khởi sự chuyển bánh xe Pháp cho Tây phương… Trong 9 tháng liền, họ truyền cho Zina Rachevsky những giáo lý mà cô tha thiết mong cầu… điều Zina không có là sự hiểu biết về chính mình, về cuộc sống nội tâm; không hiểu là mình có khả năng sống an lạc, cứ nghĩ rằng hạnh phúc đến từ bên ngoài. Không phải như thế! Hạnh phúc chỉ tìm trong lòng ta mà thôi” (trang 79 – 83).

Zina đã mua đồi Kopan – “một vùng đất rộng trên ngọn đồi nhìn xuống Đại tháp Kathmandu” và tại nơi đây Lama Yeshe bắt đầu thu nhận những đệ tử khi “Lời tiên tri của bậc thánh tăng Ấn sống ở Tây Tạng vào thế kỷ thứ 8 là Padmasambhava dường như đã đến lúc ứng nghiệm. Ngài nói rằng: ‘Khi nào chim sắt biết bay và ngựa chạy trên những bánh xe thì dân Tây Tạng
sẽ bị tàn phá như kiến khắp mặt đất và Chính pháp sẽ truyền đến đất của người da đỏ (người Tây phương)’…Sư khởi sự truyền giảng những giáo lý cao quý cho đám người tìm đạo kỳ cục này với sự quyết tâm và khéo léo đặc thù của mình…Sự thái thậm của ông đã lay tỉnh họ…Sự nhẫn nại, ân cần và lòng thương của ông đối với họ thật là hiếm có… Lama Yeshe có thì giờ để hòa mình sống với các đệ tử, tạo nên một liên hệ thắm thiết… Càng gặp nhiều người Tây phương, tôi càng thấy họ vượt trội về trí thức, hiễu dễ dàng giáo pháp của Đức Phật. Tuy nhiên họ thiếu sự thực chứng giáo lý, điều chỉ có thể đạt được qua thiền định và thiền quán; chỉ khi tập thiền người ta mới biết mình thể nhập chân lý hay mới chỉ hiểu biết suông; rồi từ kinh nghiệm nội chứng đó người ta mới có thể áp dụng cái hiểu biết trí thức vào đời sống thường ngày…vì đối tượng của đạo Phật vốn không phải là ma, quỉ, thần, hay các ý niệm triết học, mà là con người. Và đạo Phật dạy ta phải vượt qua mọi giới hạn của những khái niệm triết học” (trang 85-99).

Một tổ chức Phật giáo đã được Sư thành lập “Tổ chức này được gọi với một cái tên dài lê thê: Foundation for The Preservation of the Mahayana Tradition (Hội bảo tồn Truyền thống Đại Thừa, viết tắt là FPMT)…FPMT là viễn ảnh về một toàn thể có tính vũ trụ…Sư đã tóm tắt ý nghĩ của mình như sau…Người nào cũng có cái tôi riêng thì không làm nên chuyện gì được; thay vào đó chúng ta nên tạo dựng một hệ thống có tính vũ trụ…Trung tâm này thuộc về cộng đồng thế giới. Không nên có những bức tường phân cách. Đó là sự thực tập hạnh từ bi…Gần 5 năm sau ngày Sư chết, FPMT tiếp tục phát triển với một tốc độ rất đáng lưu ý. Có tất cả 50 trung tâm và tổ chức phụ nằm trong 15 quốc gia khác nhau bao gồm Nepal, Ấn Độ, Anh, Tây Ban Nha, Hòa Lan, Ý, Pháp, Đức, Mỹ, Úc, Tân Gia Ba, Hồng Kông…Cơ duyên đã đủ để đạo Phật đi vào Tây phương; có quá nhiều khổ đau về tinh thần, có lẽ vì quá nhiều tiện nghi vật chất. Phải có chuyện để cái tâm con vượn ở yên với chính nó…những giáo lý chính yếu như Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, Tánh Không, Từ Bi rất hợp lý và thực tiễn; các giáo lý đó thích hợp ở mọi thời vì nói về tính chất cơ bản của nhân loại và những vấn đề khổ đau và hạnh phúc”(trang 106-111).

Lần cuối cùng Vicki gặp được Lama Yeshe khi bà đưa người bạn thân của mình đến Kopan “là mùa Thu năm 1983…bây giờ là lúc thích hợp để về thăm lại chốn cũ…và để đưa một người khác vào cuộc phiêu lưu tới những miền đất kỳ thú và lạ lùng của nội tâm…và tôi cứ mong ngóng chờ đợi Lama Yeshe xuất hiện…một hy vọng rất mong manh…Sư bệnh nặng và đang trong thời kỳ nhập thất ẩn tu để chóng bình phục…Nhưng Lama Yeshe đã về lại Kopan vào một buổi mai đẹp trời và hây hây lạnh…Như một người hoàn toàn khỏe mạnh, Lama Yeshe giảng giải liên tục trong bốn giờ liền và chỉ ngưng lại một đôi lần…Quà tặng cuối cùng của ông là đây: sự hiến tặng hoàn toàn cho người khác, không nghĩ đến bản thân mình; đó là sự vắng mặt của cái ngã, hoa trái của điều quý báu nhất trong mọi giáo lý…Trong ngày cuối, khi đến lượt mình thuyết giảng, Sư chọn đề tài về Phát Bồ Đề Tâm, nghĩa là phát tâm mong cầu giác ngộ và nếu thật như thế thì phải phát triển lòng Từ bi đối với muôn loài...sự quan trọng của tình thương và bản chất của Từ bi, tình thương vị tha hay vô phân biệt…là tinh túy của mọi tôn giáo, là điều quý báu nhất, là con đường tốt nhất cho người Tây phương…Sư tiếp tục giảng giải về những điều vừa nói theo quan niệm của Đại thừa giáo, rằng Từ bi chỉ có thật và có hiệu quả khi chế ngự được chính mình ‘Làm sao một người đang chết đuối có thể cứu với người khác được?...Lời tôi là bệnh, hành động của tôi là bệnh, tâm của tôi là bệnh! Tôi muốn giúp mẹ, nhưng tôi tệ hại hơn mẹ tôi!...Tôi phải cương quyết, cố gắng thật nhiều để kiểm soát, chuyển hóa cái tâm tiêu cực của mình, để làm chính mình hả hê sung sướng. Đó là cách giúp tất cả mọi người… Có sẵn lòng từ bi nhưng để làm nó hiển lộ, phải tìm cách phát triển khả năng thương yêu thành một tình thương vượt qua ranh giới chật hẹp của cái ngã. Và chỉ có cách tập thiền’…Một lần nữa ông đã vượt qua mọi ranh giới văn hóa, chủng tộc và tín ngưỡng để đi đến tận cùng của tính phổ biến trong thông điệp của Đạo. Một kết thúc tuyệt diệu…Đó là lần cuối cùng tôi gặp Sư…20 phút trước bình minh ngày 3 tháng 3 năm 1984…quả tim của Lama Thubten Yeshe ngừng đập. Ông chỉ mới 49 tuổi. Ông chết cũng ly kỳ như chính cuộc đời của mình” (trang 113 -121).

Lama Yeshe đã đưa ra một bài học không lời tuyệt diệu qua cái chết của Sư “Trạm dừng chân cuối cùng của Lama Yeshe là một nơi chốn xa lạ nhất trong một thế giới vốn xa lạ với ông…Bệnh viện Cedars Sinai lạnh lẻo, vô tình, máy móc…những ánh chiếu lấp loáng của những thành tựu kỹ thuật mới mẻ và tinh xảo nhất nước Mỹ…nhập viện được hai ngày thì Lama Yeshe chết…một cái chết hoàn toàn Tây phương…khi thân thể Sư bị giật bắn lên vì luồng điện truyền vào. Trong con mắt của người Tây Tạng thì đây quả là một cách chết đáng sợ. Theo giáo lý, sự đình chỉ của nhịp tim không phải là dấu hiệu của cái chết, ngay lúc đó, hành giả đang nhập vào một cấp bậc thiền định quan trọng nhất, cuộc hành trình rời khỏi thân xác của thần thức chỉ mới bắt đầu…Khởi đầu họ thấy rằng thân thể trở nên nặng nề và chờ đợi một huyễn cảnh giống tính cách của một ảo giác xuất hiện; kế đó, chất lỏng thân thể bắt đầu khô kiệt và thiền giả sẽ thấy một huyễn cảnh như có như không, như sương như khói; rồi thiền giả sẽ thấy ‘những cú đá’ bằng con mắt thứ ba của mình khi thân thể trở nên giá lạnh, cuối cùng hơi thở ngưng lại và một huyễn cảnh nữa xuất hiện, huyễn cảnh ‘ánh nến chập chờn’…dù tắt thở ta vẫn còn sống, vẫn còn thêm 4 huyễn cảnh nữa. Bốn huyễn cảnh này là một sự biến đổi liên tục, từ Bạch cảnh (như đang ở trong ánh trăng) trở thành Hồng cảnh (như trong ánh mặt trời bình minh) rồi hóa thành Hắc cảnh (như trong bóng tối hoàn toàn) và cao điểm là kinh nghiệm trong Thanh quang hay Tịnh quang, một sự an lạc không thể mô tả bằng ngôn ngữ, hơn hẳn mọi kinh nghiệm liên hệ đến thân xác…những hành giả đã đạt sử dụng năng lượng kinh khủng phát sinh từ kinh nghiệm này để quán tưởng về Tánh Không, tức là quán tưởng về thực tại tối hậu trong đó không có gì có thực chất độc lập kể cả cái được gọi là bản ngã; trong giai đoạn này, kinh nghiệm Không quán được mô tả cực kỳ mãnh liệt, như một phản ứng hạt nhân đập tan mọi chướng ngại còn lại để tiến tới một trạng thái tỉnh thức hoàn toàn: Tâm toàn trí hay quả vị Phật, không hơn không kém!...Hầu hết những người thường, những kẻ không đo lường được khả năng tâm linh của Sư, không biết rằng ngài là một đại hành giả ẩn mật, Sư luôn luôn nghỉ một hai giờ sau bữa trưa, ở đâu Sư cũng làm thế…đó là những thời khóa thiền quán nhất định, qua đó Sư quán tưởng Tịnh quang. Sư là một du già hành giả không lộ bản tướng, chưa bao giờ ngài ngủ cả…Bằng cách chết vì bệnh tim, Sư cho ta thấy bản chất con người, cho thấy nhân tính của mình… rằng chết chỉ là một điều bình thường, không có gì để sợ hãi…Trong cái chết, khi Tịnh quang xuất hiện, ta sẽ ở trong an lạc tuyệt đối bao trùm thực tại, không phải thực tại cục bộ xây dựng trên những điều quen thuộc và của khái niệm mà là thực tại vũ trụ…cái chết chỉ là sự buông bỏ một thân xác đã tàn tạ và mòn mỏi, tâm thức vẫn tiếp tục sống mãi…Lama Yeshe, trong hình dáng mà mọi người đã biết, không còn tồn tại nữa…”(trang 133 - 162).

Với những câu chuyện đầy huyền bí về sự tái sinh của các vị Lama mà Vicki đã được nghe như “Tsongkapa – người sáng lập tông phái Gelug (Hoàng giáo)…Lama lừng danh Apo Rinpoche ở Manali, được xem là hóa thân của thánh tăng thi sĩ Milarepa, Song Rinpoche… quan sát những diễn biến huy hoàng, không phải của cái chết mà là sự thách thức với cái chết…điều mà Phật giáo Đại thừa cho ta thấy không chỉ đơn giản là tái sinh…mà là sự tái sinh chủ động và những thành tựu của các đại sư, các bậc thầy Tây Tạng…hay đúng hơn là sự tiếp diễn dòng tâm thức của họ, sẽ hiển lộ hoài hoài trên cõi đời này. Cuộc tìm kiếm hóa thân của họ được bắt đầu ngay khi thân xác cũ bị thiêu đốt thành tro bụi. Khi được thừa nhận, cái biết đặc biệt của họ đã thủ đắc trong kiếp trước sẽ được chăm sóc, tô bồi và làm hiển lộ để một lần nữa giúp đỡ người khác trong hình dạng mới…trí tuệ của họ không chỉ phát sinh từ sự nghiên cứu sách vở mà còn kinh nghiệm tự thân, điều chính họ đã kinh qua và nghiệm lại. Đó là lý do họ được gọi là những người đã đạt; vì chân lý không còn là những điều nằm trong chữ nghĩa hoặc sản phẩm của trí óc nữa, mà đã thành xương thành thịt, luân lưu trong huyết quản của họ. Và cũng do đó mà những đại Lama tái sinh được gọi là Rinpoche, Đấng Quý Báu” (trang146 -155).

Sự kiện Osel - một chú bé người Tây Ban Nha ra đời với những hiện tượng kỳ lạ “Trời đất cũng chuyển động ở bên ngoài; những tia chớp lóe lên và mưa trút xuống không ngớt, tràn ngập cả đường xá, làm thành những dòng sông nước cuồn cuộn chảy…Osel Hita Torres sinh vào ngày 12 tháng Giêng năm 1985 tại nhà bảo sanh thuộc bệnh viện quốc gia ở Granada, Tây Ban Nha. Chú bé chào đời với đôi mắt mở lớn, không cất tiếng khóc như bao đứa trẻ khác…đứa bé được gọi là Osel, “Tịnh Quang”, nghĩa là ánh sáng trong suốt của cảnh giới thiền định tối cao, theo Tạng ngữ…Đứa bé được sinh ra để trở thành một nhà lãnh đạo tinh thần lạ lùng nhất của thời đại, vì chẳng bao lâu nữa Osel Hita Torres được đích thân đức Dalai Lama chính thức thừa nhận như là hóa thân của Lama Thubten Yeshe, vị sư đã chết ở California 11 tháng trước đó”(trang167 – 168).

Cuộc tìm kiếm hóa thân của các vị Lama tái sinh hết sức khó khắn “Lama Zopa để hết tinh thần vào việc tìm kiếm xem vị đạo sư quý báu của mình đã đầu thai nơi nào…Lúc đến Osel – Ling (Tịnh Quang địa) vào mùa thu năm 1985, ông thấy Osel đang bò trên sân chánh điện. Đứa bé người Tây phương, có đôi mắt sáng sâu thẳm…Lama Zopa đứng dậy, bế Osel đưa lên pháp tòa với ông để nhìn kỹ hơn. Đúng lắm, đây là đứa bé trong giấc mơ!...Osel đang tựa vào người ông giống như cách Lama Yeshe đã làm khi Sư rũ người ra vì một cơn đau tim…Osel thỉnh thoảng đưa tay lên xoa xoa đầu; đó là một thói quen của Lama Yeshe… Lama Zopa bị chấn động vì những phát biểu khác lạ của Lama Yeshe qua băng video khi Sư đến Tây Ban Nha ‘Osel – Ling thật là một nơi đẹp đẽ, làm tôi nhớ đến Himalaya thật nhiều. Trong tương lai, tôi sẽ rất thích được ở đây lâu dài. Những lời Sư ngợi khen Maria và Paco cha mẹ của Osel còn đáng lưu ý hơn nữa. Tôi sẽ không bao giờ quên ơn anh chị, có chết đi thì tôi vẫn không quên. Chúng ta có nhiều duyên nợ với nhau lắm’…Trường hợp Osel càng lúc càng đáng chú ý. Lama Zopa liền viết thư cho Dalai Lama…Hai tháng sau đó, Đức Dalai Lama lại thông báo cho Lama Zopa biết, rằng cái tên thường xuyên xuất hiện trong những lần ngài quán tưởng là Osel…Sự tin tưởng của Lama Zopa bây giờ đã được phê chuẩn bởi người mà ông và 14 triệu Phật tử xem như thiêng thánh nhất trên đời: Một vị Hoạt Phật đức Phật sống Dalai Lama” (trang 177 -181).

Tuy đã xác nhận được Osel là hóa thân của Lama Yeshe nhưng “Osel còn phải qua những cuộc khảo nghiệm theo đúng quy định dành cho những Lama tái sinh…đem một số vật tùy thân của Lama Yeshe ra, bỏ chúng vào chung với những vật khác cùng loại và bảo Osel chọn những vật tùy thuộc về chú… Osel đã vượt qua được cuộc khảo nghiệm và chính thức xác nhận là Lama Thubten Yeshe tái sinh…Một vị tái sinh người Tây Ban Nha còn đỏ hỏn vừa được chính thức xác nhận…Và một trong những lần hiếm hoi “khi chỉ có hai mẹ con với nhau trong phòng tắm, Osel bỗng kể cho Maria nghe về chuyện tiền kiếp, rằng trước đây chú có một chiếc xe đẹp ở bên Mỹ. Thế à? Maria sửng sốt và gặn hỏi lại. Xe màu gì? Osel im lặng, chú không nói ra được…chú đảo mắt nhìn vào mọi vật trong phòng tắm rồi ngưng lại ở những vòi nước. Màu kia, chú đưa tay chỉ và lộ vẻ nhẹ nhõm vì tìm được cách diễn đạt…Lama Yeshe quả có một chiếc xe màu bạc mà ông thường sử dụng mỗi khi lưu lại California. Rồi chị hỏi chú, điều gì xảy đến cho Lama Yeshe. ‘Lama Yeshe pupa, pupa, pupa’ – từ chú đặt cho tất cả mọi điều liên quan đến sự đau đớn và bệnh hoạn…chú vừa nói vừa chỉ vào nhiều nơi trong người và nhăn nhó ra vẻ đau đớn. ‘Rồi thì chết chém’, chú nói tiếp và ngã người về một bên như một kẻ vừa gục chết. Trong sự kinh ngạc cực độ vì những thố lộ bất ngờ từ miệng con mình, Maria buộc miệng hỏi tiếp: ‘Bây giờ Lama Yeshe đang ở đâu?’ Osel vui vẻ đáp: ‘Lama Yeshe nhỏ, nhỏ, chơi suốt. Rồi to lên, to lên. Lớn!’...linh tâm của Lama Osel là sự tiếp diễn của tâm Lama Yeshe…Đây là bằng chứng sống về sự liên tục của tâm thức, trước mắt chúng tôi là dòng tâm thức của Lama Yeshe nhưng trong hình hài mới, trở lại cuộc đời vì lòng Từ bi vô độ muốn dẫn dắt chúng tôi trên đường đến bờ giác ngộ…Nếu Osel quả thật là hóa thân của Lama Yeshe, chắc chắn chú bé đang thực hiện – trong cách thế đạo Phật gọi là vô hành, làm thật nhiều mà tựa hồ không làm gì cả - sứ mạng đưa đạo Phật tới cho người phố thị Tây phương của thế kỷ 20 trong một kích thước thật rộng lớn; chú chỉ mới được 22 tháng, nhưng đã kích thích trí tưởng tượng của biết bao người trên khắp mặt địa cầu. Dù là ai đi nữa thì Osel cũng là một người phi thường, không thể nghi ngờ gì được. Nhưng danh tiếng càng lớn thì trách nhiệm càng nặng; thế giới càng chờ đợi chú trở thành một vị thánh sống, một gánh nặng quá sức đối với đôi vai bé bỏng như thế.” (trang 186 -322).

Hài Đồng Lama là một quyển sách đầy ý nghĩa khi đã truyền tải rất nhiều thông điệp chỉ với hơn 300 trang sách. Làm cho chúng ta suy ngẫm nhiều hơn những khía cạnh của Phật giáo “Đạo Phật không phải để an ủi, xoa dịu mà là lay tỉnh!... Đây là một câu chuyện về tình yêu, lòng Từ bi, phép lạ của tâm thức và của hy vọng” (trang 233 - 306) về một con người của quá khứ - Lama Thubten Yeshe và một con người của hiện tại và tương lai Osel Hita Torres “Chú đã làm cho chúng ta thấy được một tầng thâm sâu hơn của lý nhân quả, rằng có sự tiếp diễn của sự sống từ đời này sang đời kia, cái chết chưa phải là sự chấm dứt tối hậu và những hành động của ta hôm nay sẽ góp phần tạo nên chúng ta ngày mai…và theo đó có nhiều điều đáng phải lưu tâm hơn là lợi danh, thu góp và thụ hưởng. Chắc chắn không có gì cao đẹp và quý báu hơn sự hiển lộ thành hình tướng của cái Thiện, điều Lama Yeshe đạt được và hy vọng Osel cũng sẽ có. Có lẽ trong thế giới không ngừng biến chuyển này vẫn còn một điều vững bền.” (trang 321)

Viên Từ

867

ERIK ERIKSON VÀ HỌC THUYẾT VỀ SỰ PHÁT TRIỂN CON NGƯỜI

Đời người có 8 giai đoạn. Mỗi giai đoạn được đặc trưng bởi một dạng khủng hoảng tâm lý xã hội xuất phát từ sự xung đột giữa nhu cầu của cá

1,215
Vài suy nghĩ trong một chuyến về quê - Nguyên Hảo

Nói như Verner Z. Reed, mỗi thành phố đều có một cái hồn*. Điều này không ngoại lệ  đối với Saigon. Và trong cái hồn của Saigon đó, phải kể đến 2

1,580
Đức Dalai Lama thuyết giảng tại Bodh Gaya ngày 5-1-2010.

BÍ QUYẾT THU HÚT GIỚI TRẺ TOÀN CẦU CỦA ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA  Thích Minh Trí dịch Bodh Gaya, Ấn Độ - Ở tuổi “xưa nay hiếm”, đức Dalai Lama, không

12,729
BIẾT VỌNG

_Con hỏi, mình ngồi thiền mình biết vọng không theo rồi mình còn cái gì?_Mình còn cái mình!Mình phải đi sâu hơn nữa, chớ biết vọng không theo thì còn cái thằng

925
Katherine CỨU SỐNG HÀNG TRIỆU TRẺ EM KHỎI CĂN BỆNH SỐT RÉT TỪ LÚC 5 TUỔI

5 tuổi, Katherine đã có thể tự gây dựng nên quỹ riêng nhằm hỗ trợ trẻ em Châu Phi chống lại căn bệnh sốt rét quái ác, cô bé Katherine khiến hàng

842
Top Bài Viết
Quan Hệ Thầy Trò
Niệm Tự Bạch

QUAN HỆ THẦY TRÒ Theo Tinh thần Kinh Kế thừa Chánh pháp Thầy, vầng mây bậc, thong dong, núi cao biển rộng Con, cánh nhạn chiều, chân trời sải cánh, dõi theo Thầy,

33,392
Giữ giới là lựa chọn tự do
Phật học Ứng Dụng

Giữ giới là lựa chọn tự do  Giới luật của Phật giáo có nghĩa là: “Anh đừng tự làm thương tổn mình, anh đừng tự làm hại mình”. 1. Tự do của lệ thuộc

32,813
Đạo Phật là gì?
Niệm Tự Bạch

Đạo Phật là gì Lama Zopa and Lama Yeshe Khi bạn tìm hiểu về đạo Phật tức là bạn đang tìm hiểu về con người thật của mình, về bản chất của tâm trí

32,719
Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa
Tìm Hiểu & Học và Hành

Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa(VHPG) Mọi kinh nghiệm của chúng ta, kể cả giấc mộng, khởi lên từ vô minh. Đây là một tuyên bố làm hoảng hốt

32,508
Chùa Việt
Sách Đọc