(Trích: Để Sống Đời Sống Có Ý Nghĩa)
Dalai Lama
Nguyên Hảo dịch
Tôi thường đi nhiều nơi trên thế giới, và mỗi khi tôi nói chuyện với người nào, tôi đều nói chuyện với cảm tưởng rằng tôi là một phẩn tử trong gia đình của họ. Mặc dù chúng ta có thể gặp nhau chỉ lần đầu, tôi đều coi mọi người là bằng hữu. Thật sự, chúng ta đã từng quen biết nhau, một cách sâu xa, với tư cách là những con người cùng chia sẻ những mục tiêu căn bản chung. Tất cả chúng ta đều đi tìm hạnh phúc và đều không muốn khổ đau.
HAI ĐƯỜNG LỐI HẠNH PHÚC
Có hai cách đi tìm hạnh phúc. Cách thứ nhất là đi tìm bên ngoài. Bằng cách có được chỗ ở tốt hơn, áo quần tốt hơn và bạn bè tốt hơn, chúng ta có thể tìm thấy một mức độ hạnh phúc và thỏa mãn nào đó. Cách thứ hai là bằng sự phát triển tâm hồn để tìm thấy niềm hạnh phúc nội tâm. Tuy nhiên, hai cách đi tìm hạnh phúc nầy không giống nhau về tính chất vững chãi. Hạnh phúc bên ngoài không thể giữ dài lâu mà không cần đến những phần tử tương ứng với nó. Nếu có điều gì đó thiếu mất trong khung cảnh cuộc sống hiện tại - nếu có cái gì đó mất mát trong tâm hồn bạn – thì dù cho sống trong một khung cảnh xa hoa cùng cực, bạn cũng không thể nào cảm thấy hạnh phúc. Tuy nhiên, nếu bạn có được sự bình an trong tâm hồn, bạn vẫn sẽ tìm thấy hạnh phúc trong những hoàn cảnh khó khăn nhất.
Chỉ có sự tiến bộ về vật chất thôi đôi khi chỉ giải quyết được một vấn đề nhưng phát sinh những vấn đề khác. Ví dụ, có một số người giàu có, có học vấn và địa vị xã hội cao, nhưng không có được hạnh phúc. Họ phải dùng thuốc ngủ và uống nhiều rượu. Có cái gì đó bị thiếu thốn, có cái gì đó vẫn còn chưa được thỏa mãn, do đó những người nầy phải nương tựa vào thuốc ngủ hay rượu. Mặt khác, có một số người có ít tiền của để phải lo âu lại hưởng được nhiều sự an bình trong tâm hồn. Ban đêm, họ ngủ ngon giấc. Mặc dù nghèo về vật chất, họ vui vẻ và hạnh phúc. Họ chứng tỏ đã được ảnh hưởng từ một đời sống tâm linh tốt. Chỉ phát triển về mặt vật chất thôi sẽ không giải qưyết trọn vẹn vấn đề về sự đau khổ của con người.
Trong cuốn sách nầy, tôi sẽ cống hiến bạn những kỹ thuật trong truyền thống Tây Tạng, nếu được thực hành mỗi ngày, sẽ đem lại sự bình an cho tâm hồn. Khi bạn tạo cho tâm hồn mình có được sự an tĩnh, những náo động và lo âu của bạn sẽ tự nhiên lắng xuống, và bạn sẽ hưởng được nhiều hạnh phúc hơn. Những mối tương quan của bạn với những người khác sẽ phản ảnh những thay đổi nầy. Và là một con người tốt hơn, bạn sẽ là một công dân tốt hơn của đất nước, và cuối cùng là một công dân tốt hơn của hành tinh.
LÒNG LÂN MẪN
Tất cả chúng ta ra đời đều nhờ sự giúp đỡ. Nếu không có lòng thương yêu của cha mẹ, chúng ta sẽ không thể sinh tồn, sẽ ít toàn vẹn hơn nhiều. Khi trẻ con lớn lên trong sự sợ hãi liên tục, không có ai để nương tựa, chúng sẽ đau khổ suốt đời. Bởi vì tâm hồn của trẻ con rất mong manh, nhu cầu về lòng lân mẫn rất rõ ràng.
Những người trưởng thành cũng cần lòng lân mẫn. Nếu có người chào tôi với một nụ cười tử tế, và bày tỏ một thái độ thân thiện chân thật, tôi cảm ơn vô cùng. Mặc dù có thể tôi không quen biết người đó hoặc hiểu ngôn ngữ của họ, họ lập tức làm cho trái tim tôi vui lên. Mặt khác, nếu không có sự lân mẫn, ngay cả người có cùng nền văn hóa với tôi mà tôi đã quen biết nhiều năm, tôi cũng sẽ cảm nhận được thái độ đó. Lòng lân mẫn và tình thương, ý nghĩa chân thật của tình huynh đệ, rất quí giá. Chúng làm cho tập thể có được và sống còn và do đó là những điều sống còn của xã hội.
Mỗi chúng ta đều có một cảm thức có giá trị về “bản ngã”. Chúng ta cũng chia sẻ những mục tiêu căn bản chung: chúng ta muốn hạnh phúc và không muốn khổ đau. Loài thú vật và côn trùng cũng muốn hạnh phúc và không muốn khổ đau, nhưng chúng không có khả năng đặc biệt để nhận biết làm thế nào để đạt được hạnh phúc sâu xa hơn và vượt qua khổ đau. Là con người, được ban cho khả năng tư duy, chúng ta có được tiềm năng nầy, và chúng ta phải sử dụng nó.
Ở mỗi mức độ - là cá nhân, và là thành phần của một gia đình, một cộng đồng, một quốc gia và một hành tinh - điều tạo ra nhiều xáo trộn nhất là lòng sân hận và vị ngã. Loại vị ngã mà tôi đề cập ở đây không chỉ là nói về cái “tôi”, mà là một sự quy hướng vào bản thân được cường điệu. Không có ai nói rằng họ được hạnh phúc khi tức giận. Bao lâu mà sự tức giận thống trị tính khí của chúng ta thì không thể có được hạnh phúc. Ðể có được sự thanh bình, an tỉnh và tình huynh đệ thật sự, chúng ta phải giảm trừ lòng thù hận và trau dồi lòng lân mẫn và một tấm lòng ấm áp. Ðiều nầy có được bằng những phương pháp tu tập mà tôi sẽ trình bày trong cuốn sách nầy.
Phát triển một tấm lòng ấm áp nơi chúng ta cũng có thể làm cho người khác chuyển hóa. Khi chúng ta trở thành một con người tử tế hơn, hàng xóm của chúng ta, bạn bè của chúng ta, cha mẹ, vợ hay chồng và con cái của chúng ta sẽ bớt đi những sự giận dữ. Họ trở nên những con người có trái tim ấm áp hơn, từ mẫn và hòa điệu hơn. Không khí trở nên hạnh phúc hơn, đưa đến sức khỏe tốt, thậm chí còn tăng thêm tuổi thọ.
Bạn có thể giàu có, có quyền lực, và học vấn cao, nhưng nếu không có những tình cảm lân mẫn và từ ái lành mạnh nầy thì sẽ không có sự bình an ở nơi chính bản thân, nơi gia đình – ngay cả những trẻ con cũng bị đau khổ. Lòng tốt là nền tảng của sự bình an tâm hồn. Như bạn sẽ thấy trong những trang tiếp theo, phương pháp trọng tâm để đạt đến một đời sống hạnh phúc hơn là thực tập hằng ngày làm sao cho những tính xấu giảm dần và những đức tính tốt mạnh lên.
Câu hỏi lớn được đặt ra là chúng ta có thể thực tập lòng tốt và sự bình an hay không. Nhiều vấn đề của chúng ta bắt nguồn từ những thái độ như đặt chúng ta vào hàng đầu bằng mọi giá. Từ kinh nghiệm riêng, tôi biết rằng chúng ta có thể thay đổi những thái độ nầy và cải thiện tâm hồn. Mặc dầu nó không có màu sắc, không có hình dáng, và đôi khi yếu đuối, tâm hồn của con người có thể trở nên cứng hơn thép. Ðể huấn luyện tâm hồn, bạn phải thực tập tính nhẫn nại và quyết định cần thiết cho việc tôi luyện khối thép đó. Nếu bạn thực hành việc cải thiện tâm hồn với một ý chí mạnh mẽ và tính chịu đựng bằng sự cố gắng, cố gắng và cố gắng, cho dù gặp bao nhiêu khó khăn lúc ban đầu, rồi bạn sẽ thành công. Với sự nhẫn nại, thực hành và thời gian, sự thay đổi sẽ xảy đến.
Đừng bao giờ bỏ cuộc. Nếu bi quan từ đầu, bạn sẽ không thể thành công. Nếu giữ niềm hy vọng và tâm quyết định, bạn sẽ luôn luôn tìm thấy sự thành tựu. Thắng được huy chương vàng hay không không thành vấn đề. Bạn sẽ cố gắng hết sức mình.
MỐI LIÊN HỆ HỔ TƯƠNG
Phần lớn thế giới ngày nay được nối với với nhau bằng một mạng lưới web thông tin điện tử và tin tức tức thời. Trong thế kỷ hai mươi mốt, nền kinh tế toàn cầu đã làm cho các quốc gia và dân chúng tương thuộc rất nhiều vào nhau. Vào thời xưa, sự trao đổi giữa các quốc gia không cần thiết. Ngày nay, không thể nào giữ sự cô lập được nữa, do đó nếu các quốc gia không tôn trọng lẫn nhau, những khó khăn sẽ xảy đến. Mặc dù có những dấu hiệu trầm trọng về sự rắc rối giữa những nước giàu với những nước nghèo, và giữa những nhóm cộng đồng nghèo và giàu trong cùng một quốc gia, những rạn nức về kinh tế nầy có thể được chữa trị bằng một tinh thần mạnh mẽ hơn về sự liên hệ hỗ tương và trách nhiệm toàn cầu. Công dân của một quốc gia cần phải coi công dân của những quốc gia khác như những người anh chị em có trách nhiệm đối với sư tiến bộ của đất nước họ.
Mặc dầu các nhà lãnh đạo thế giới đã có những cố gắng tối đa, các cuộc khủng hoảng vẫn liên tục xảy ra. Các cuộc chiến tranh đã và đang giết chết những người dân vô tội; người già và trẻ em của chúng ta tiếp tục chết. Nhiều người lính đang chiến đấu không phải do họ chủ động; những đau khổ thực sự mà những người lính vô tội nầy phải gánh chịu rất là thê thảm. Việc bán vũ khí – hàng ngàn và hàng ngàn loại súng ống và đạn dược – do các nhà máy trong các quốc gia lớn chế tạo tiếp nguồn cho sự bạo động, nhưng điều nguy hiểm hơn cả súng đạn là lòng thù hận, không có lòng thương, và không có sự tôn trọng quyền lợi của người khác. Bao lâu mà sự thù hận vẫn còn trong nhân loại, nền hòa bình thực sự sẽ không thể xảy ra.
Chúng ta phải làm tất cả những gì có thể để ngăn chận chiến tranh và giải phóng thế giới ra khỏi mối đe dọa của vũ khí nguyên tử. Khi tôi viếng Hiroshima, nơi mà trái bom nguyên tử đầu tiên được thả xuống, khi tôi chứng kiến và nghe những câu chuyện về những người còn sống sót, tim tôi chấn động sâu xa. Biết bao nhiêu người đã chết trong một khoảnh khắc! Biết bao nhiêu người đã bị thương! Biết bao nhiêu đau đớn và tiêu điều do cuộc chiến nguyên tử gây ra! Và hãy nhìn vào số tiền chi phí cho những vũ khi giết người hàng loạt. Thật là kinh hoàng, một sự bất hạnh không cùng.
Những tiến bộ về khoa học và kỹ thuật làm lợi cho loài người rất nhiều, nhưng không phải không trả giá. Khi chúng ta được hưởng sự phát triển của máy bay phản lực, cho phép chúng ta du hành khắp thế giới một cách dễ dàng, những vũ khí tàn phá ghê gớm cũng đã được chế tạo. Dầu cho đất nước họ có tốt đẹp hay xa cách, nhiều người sống trong sự sợ hãi liên tục về một mối đe dọa rất thật: hàng ngàn hàng ngàn đầu nổ sẵn sàng tấn công. Nhưng nút bấm phải được bấm do một người nào đó, và ý hướng của con người chịu trách nhiệm hoàn toàn.
Một đường lối duy nhất để đạt được một nền hòa bình lâu dài là sự tin tưởng, tôn trọng, thương yêu và lân mẫn đối với nhau. Chỉ có một đường lối duy nhất. Những nỗ lực để có được sức mạnh toàn cầu với mục đích khống chế kẻ khác bằng sự cạnh tranh về vũ trang – có thể là nguyên tử, hóa học, sinh học, hoặc theo lối cổ điển – là phản tác dụng. Làm sao một thế giới với đầy dẫy sự thù hận lại có thể có được sự thanh bình? Sự thanh bình bên ngoài không thể có được nếu không có sự thanh bình bên trong. Ðương nhiên việc tìm giải pháp cho sự hòa bình bên ngoài là một việc làm tốt, nhưng những giải pháp nầy không thể thực hiện thành công bao lâu mà con người vẫn còn sự hiềm thù và sân hận trong tâm hồn. Ðây là chỗ cho sự thay đổi sâu xa bắt đầu. Về phần cá nhân, chúng ta phải làm sao để thay đổi những nền tảng mà cảm giác của chúng ta tùy thuộc vào. Chúng ta chỉ có thể thực hiện việc nầy bằng sự tu tập, bằng cách dấng thân vào việc thực hành với mục đích từ từ chuyển hướng cách chúng ta nhìn chúng ta và người khác.
Tình trạng vô vọng của thế giới kêu gọi chúng ta hành động. Mỗi chúng ta đều có trách nhiệm cố gắng tiếp tay vào những mức độ sâu hơn của nền nhân bản chung của chúng ta. Không may, loài người rất thường bị hy sinh để bảo vệ ý thức hệ. Việc nầy tuyệt đối sai lầm. Các hệ thống chính trị lẽ ra phải đem lại những lợi ích cho nhân loại, nhưng giống như tiền, chúng lại điều khiển chúng ta thay vì phục vụ chúng ta. Nếu với một tấm lòng ấm áp và kiên nhẫn, chúng ta có thể để ý đến những quan điểm của người khác và trao đổi tư tưởng trong sự thảo luận bình tỉnh, chúng ta sẽ tìm ra những điểm đồng thuận. Ðó là trách nhiệm của chúng ta – với tình thương và lòng trắc ẩn - để tìm sự hài hòa giữa các quốc gia, các ý thức hệ, các nền văn hóa, các nhóm chủng tộc, và các hệ thống kinh tế và chính trị. Khi chúng ta thực sự nhận thấy tính duy nhất của toàn thể loài người, động năng tìm kiếm hòa bình của chúng ta sẽ nẩy nở mạnh hơn. Trong ý nghĩa sâu xa nhất, chúng ta thật sự là anh chị em của nhau, do đó chúng ta phải chia sẻ những đau khổ cho nhau. Tôn trọng lẫn nhau, thành tín và quan tâm đến sự lợi ích của kẻ khác là niềm hy vọng lớn nhất cho nền hòa bình lâu dài của thế giới.
Dĩ nhiên, các nhà lãnh đạo thế giới có một trách nhiệm đặc biệt trong lãnh vực nầy, nhưng mỗi cá nhân phải khởi động, bất cứ là người theo tôn giáo nào. Với tư cách là con người, với sự tìm kiếm hạnh phúc và xóa bỏ khổ đau, bạn là người công dân của hành tinh nầy. Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn.
Ðể có được một thái độ thân hữu, một tấm lòng ấm áp, tôn trọng những quyền hạn của người khác, và quan tâm đến hạnh phúc của họ, bạn phải huấn luyện tâm hồn của mình. Trong cuốn sách nầy, tôi sẽ trình bày những thực hành từ truyền thống Tây Tạng hữu ích trong việc thực hiện mục tiêu nầy. Mục đích căn bản của việc thực hành hằng ngày là rèn luyện một thái độ từ bi và an tỉnh - một trạng thái tinh thần đặt biệt cần thiết trong xã hội loài người ngày nay vì nó có sức mạnh tạo ra sự hài hòa thật sự giữa các quốc gia, chủng tộc, những người theo các hệ thống tôn giáo, chính trị và kinh tế khác nhau.
TẠO RA SỰ HÀI HÒA
Sự hài hòa và tinh huynh đệ mà chúng ta cần có trong gia đình, quốc gia và thế giới chỉ có thể đạt được bằng tình thương và lòng lân mẫn. Bằng sự giúp đỡ lẫn nhau, với sự quan tâm và tôn trọng, chúng ta có thể giải quyết được nhiều vấn đề một cách dễ dàng. Sự hài hòa không thể phát triển trong bầu không khí cạnh tranh nghi ngờ, gian dốì, hiếp đáp và nhỏ nhen. Thành công bằng khủng bố và bạo động chỉ là tạm thời; những gặt hái nhỏ nhoi của nó chỉ tạo ra những khó khăn mới. Ðó là lý do hai thập niên sau tấn thảm kịch lớn lao của loài người là trận Thế Giới Chiến Tranh Lần Thứ Nhất thì trận Thế Giới Chiến Tranh Lần Thứ Hai lại xảy ra, và thêm hàng triệu người đã bị giết chết. Nếu chúng ta khảo sát lịch sử thù hận dài lâu của chúng ta, chúng ta thấy sự cần thiết hiển nhiên của việc tìm kiếm một đường lối tốt hơn. Chúng ta chỉ có thể giải quyết những vấn đề của chúng ta qua những phương tiện hòa bình thật sự - không phải chỉ bằng những lời nói hòa bình nhưng với một tâm thức và trái tim hòa bình. Bằng cách nầy chúng ta sẽ có một thế giới tốt hơn,
Ðiều nầy có thể thực hiện được không? Chiến tranh, lừa đảo và khủng bố đã nhốt chúng ta vào những hoàn cảnh như hiện nay; giờ đây chúng ta cần rèn luyện những thói quen mới để tìm con đường thoát ra. Nó có thể có vẻ không thực tiễn và quá lý tưởng, nhưng chúng ta không có một sự lựa chọn nào khác hơn lòng từ bi, chấp nhận giá trị của con người và sự nhứt thể của nhân loại. Ðây là con đường duy nhất để đạt đến sự hạnh phúc lâu dài.
Tôi đi nhiều nơi từ nước nầy sang nước khác với một tâm thức nhứt thể. Tôi đã rèn luyện tâm tôi trong nhiều thập niên, do đó khi tôi gặp những người từ những nền văn hóa khác nhau, tôi thấy không có sự ngăn cách. Tôi tin rằng mặc dù những nền văn hóa khác nhau, những hệ thống chính trị và kinh tế khác nhau, chúng ta căn bản như nhau. Càng gặp nhiều người, tôi càng tin tưởng mạnh mẽ hơn rằng tính nhất thể của nhân loại, được xây dựng trên sự hiểu biết và tôn trọng, là một nền tảng có thực và vững chãi cho sự cư xử của chúng ta. Bất cứ nơi nào tôi đi đến, đây là điều tôi nói ra. Tôi tin tưởng rằng sự thực hành hạnh từ bi – một ý thức chính thống nhất về tình huynh đệ - là một tôn giáo toàn cầu. Dù bạn là người Phật Giáo hay Thiên Chúa Giáo, Hồi Giáo hay Ấn Giáo, hoặc bạn không theo một tôn giáo nào cũng không là vấn đề. Vấn đề là cảm nhận của bạn về sự nhất thể với nhân loại.
Bạn có đồng ý như vậy không? Bạn có nghĩ rằng việc nầy là vô nghĩa không? Tôi không phải là một ông vua thần thánh như một số người gọi tôi. Tôi chỉ là một tu sĩ Phật Giáo. Những điều tôi đang nói phát xuất từ sự tu tập của chính tôi, nó có giới hạn. Nhưng tôi cố gắng thực hành những tư tưởng đó trong đời sống hằng ngày, nhất là những khi tôi đối diện với những vấn đề khó khăn. Dĩ nhiên, đôi khi tôi thất bại. Ðôi khi tôi cũng nổi cáu. Thỉnh thoảng tôi có nặng lời, nhưng mỗi khi tôi làm như vậy, lập tức tôi ý thức “ồ, sai rồi.” Tôi cảm thấy như vậy bởi vì tôi đã tạo thành ý thức bên trong về việc tu tập từ bi và trí tuệ - cốt lõi của cuốn sách nầy. Những sự tu tập hằng ngày nầy rất cần thiết và rất hữu ích trong đời sống của riêng tôi. Vì vậy, biết rằng bạn và tôi đều có tâm hồn và trái tim như nhau, tôi chia sẻ chúng với bạn.
I. Tổng Quát Về Thần ChúI.1/ Nguồn gốcThần chú có nguồn gốc từ Kinh Vệ Đà của đạo Hindu ở Ấn Độ, xuất hiện cách đây khoảng 3500 năm.Theo tinh thần của
Tại hội thảo Sách và chấn hưng giáo dục tổ chức ở TP.HCM ngày 6.5 do IRED (viện Nghiên cứu giáo dục) phối hợp với bộ Văn hoá – thể thao và
Hành trình chinh phục 'đường lên trời' của Thiền sư VN đầu tiênKhi biết phía trước còn Tây Tạng, nơi Phật giáo đứng đầu so với những tôn giáo khác, ông lại
Tất cả mọi bệnh hoạn của mình là vì sao, bởi vì mình không đưa những biểu hiện bệnh hoạn này tới nền tảng. Mình nói mình tà kiến, mình làm biếng
AI TRI ÂM ÐÓ MẶN MÀ VỚI AI Thiền là Bát Nhã. Và Bát Nhã là giải thoát. Ðạo Phật, dầu nhìn ở mức độ nào hay khía cạnh nào cũng phải có
QUAN HỆ THẦY TRÒ Theo Tinh thần Kinh Kế thừa Chánh pháp Thầy, vầng mây bậc, thong dong, núi cao biển rộng Con, cánh nhạn chiều, chân trời sải cánh, dõi theo Thầy,
Giữ giới là lựa chọn tự do Giới luật của Phật giáo có nghĩa là: “Anh đừng tự làm thương tổn mình, anh đừng tự làm hại mình”. 1. Tự do của lệ thuộc
Đạo Phật là gì Lama Zopa and Lama Yeshe Khi bạn tìm hiểu về đạo Phật tức là bạn đang tìm hiểu về con người thật của mình, về bản chất của tâm trí
Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa(VHPG) Mọi kinh nghiệm của chúng ta, kể cả giấc mộng, khởi lên từ vô minh. Đây là một tuyên bố làm hoảng hốt