TÍN
Sở dĩ tất cả những gì Phật dạy được kết tập, gọi là Kinh(8) – theo truyền thống
Hoa dịch – là vì mỗi một thành tố của những Pháp ngôn ấy đều có thể dẫn ta ra khỏi
những vũ trụ khổ đau và rốt ráo đạt tới cứu cánh thực tại. Trên phương diện phổ
niệm, mỗi một kinh ngôn đều có thể xem như là một giáo pháp tu hành. Và, xét trên
phương diện cá biệt, thì mỗi một thuật ngữ in hình tâm chứng của Phật vốn hàm
ngôn những cảnh giới triết học thâm thúy và cao siêu. Thâm thúy và cao siêu, bởi vì
tự thân của từng và chuỗi những thuật ngữ ấy chứa đựng các hệ thống nhận thức
luận xuất thế và vùng cảm thụ siêu hào quang thể (meta-halo-feeling).
Ở đây, bài viết này nhắm vào ba phạm trù TÍN HÀNH NGUYỆN mang tính khách
quan nhằm thâm nhập hành trạng của bậc đại nhân TÂY DU tầm đạo, mở đường cho
giáo pháp khai hóa tại trời Nam, Tổ sư môn của người viết - Nhẫn Tế thiền sư và hồi
ký TÂY DU PHẬT QUỐC của Ngài, và bài viết hoàn toàn ít liên hệ đến ba toà bảo tháp,
TÍN HÀNH NGUYỆN của Phật giáo Tịnh Độ tông.
Do vì, bài viết vốn là giao diện giữa Tổ sư và trò, cho nên nó quy vào tính chủ
quan nhiều hơn. Nói cách khác, bài viết thể hiện từ cơ sở “tập khí” của người viết hơn
là lý giải một pháp tu nào đó của bậc thầy mình cũng như phương diện lịch sử của nó.
Trong đời sống thường ngày, ta vốn thờ ơ với những gì ta bắt gặp chung quanh, bởi
vì chúng quá quen thuộc, đến độ mà ta chẳng cần phải vận dụng tới một chút ý thức
nào trong những hành vi của mình. Chẳng hạn, mỗi sáng ta thức dậy, làm vệ sinh, đốt
nhang lễ Phật, thậm chí tụng kinh…trong mỗi một hành vi như vậy, có thể ta ít khi nào
tự thức trên và trong chính chúng. Xét về phương diện phân tâm học, mỗi một hành vi
phi tự thức như thế, không phải là vô thức mà là thói quen của một nhận thức lười biếng
vốn ngủ quên bên dưới những hành vi này. Trong một số trường hợp, ta vẫn lầm tưởng
rằng, ta là một sinh vật được ban cho một khả năng trực quan thống kê phi thường (9)
mà không cần thiết phải vận dụng đến tư duy phân tích làm chi, y như thể rằng,
nó phải xuất hiện một cách tự nhiên như thể là ta nắm được quyền kiểm soát tính
năng đặc biệt thông tuệ này và trong một vài trường hợp ta đánh đồng trạng thái
trực quan đó với niềm tin. Nghĩa là ngay cả niềm tin về một tôn giáo nào đó mà ta
đang theo đuổi vẫn bị phủ lấy một lớp mù sương của thói quen ý thức ẩn mình – thói
quen không tự thức. Và, chung quanh những hành vi và cả niềm tin của ta sẽ sẵn
sàng phản ứng cùng những quán tính ngôn ngữ của chúng để bảo vệ tập quán mờ
mịt này, nếu như ta bị ai đó phê phán. Trong một chừng mực, phản ứng tự vệ luôn đi
cùng cái Ngã, thậm chí dù được mệnh danh là cái ngã của tôn giáo. Đặc biệt hơn, khi
một hành vi đã hoàn thành, khi tự thức, ta hay hỏi, để làm gì? Do đâu? Thói quen đề
ra một mục đích, nhớ lại (tự thức) cho một hành vi đã hoàn thành, có khuynh hướng
Quả hơn là Nhân.
Phật giáo không xem kế hoạch, hoặc kết quả là quan trọng mà Giáo pháp Phật
dạy ta tỉnh thức tại đây và bây giờ. Đó mới là kế hoạch và kết quả mỹ mãn nhất.
Trong rất nhiều bối cảnh, con người đã huy động cả một cỗ máy chiến tranh
để chứng minh cho nguyên nhân đệ nhất: con gà và, hoặc cái trứng. Chính xác hơn
là nguyên nhân đệ nhất. Trong trường hợp này, Phật giáo của một số truyền thống,
chẳng hạn Thiền Tông đã xem lập ngôn là mối họa khó lường.
Ý thức con người quả là tuyệt vời, bởi vì nó có thể tự biết chính nó. Không ai thấy
được cái lưng của mình, nhưng ý thức thì có thể, Duy Thức tông gọi trạng thái đó là
Chứng tự chứng phần. Ý thức tự thức – ký ức – đã là tuyệt vời rồi, thế nhưng, thực tại
chỉ có thể là thực tại, khi nào được ý thức vươn tới. Nghĩa là, thực tại là thành viên của
ý thức, tất nhiên, không ai có thể đạt được hay thành tựu một thực tại toàn diện cả.
Do vậy, Einstein cho rằng, “Loài người là một thành phần của cái toàn thể, một
thành phần bị giới hạn trong không gian và thời gian, được chúng ta gọi là “tính phổ
quát”. Anh ta tự thể nghiệm chính mình, tư tưởng mình và những cảm giác của mình,
như một cái gì đó thoát ra khỏi phần còn lại, tức là một loại ảo tưởng của thức quang
học của mình. Ý thức này, là nhà tù của chúng ta, nhốt chúng ta lại bằng những tham
dục cá nhân và tạo hiệu ứng cho một vài kẻ quanh mình. Nhiệm vụ của ta là phải tự giải
thoát khỏi nhà tù này, bằng cách mở rộng vòng tay yêu thương với mọi tạo vật và toàn
bộ thiên nhiên trong nét tuyệt vời của nó. Tuy không ai có thể đạt đến điều này, thế nhưng
sự cố gắng cho một chiến thắng như vậy trong tự thân của nó lại là một bộ phận của giải
thoát và nền tảng cho sự thanh bình nội tại.” (10)
Ý thức không thể dựng thực tại bất động vĩnh viễn, thế nhưng chỗ nào nó đi tới,
thì chỗ đó là thực tại. Đây cũng là lý do Phật dạy, “nhất thiết duy tâm tạo.”
Một đời sống không tự thức là một đời sống phi thực, ảo hóa. Phật giáo gọi là
sống say chết mộng (túy sinh mộng tử).
Trong kinh Pháp Hoa, Phật dạy, ‘Tin là mẹ của mọi loại công đức.”
Vậy TIN (Tín - 信) là gì?
Bất cứ một lộ trình lý giải nào, thì nhà luận lý đều phải y trên ngôn ngữ, nhất là
ngữ nghĩa học; và ngữ nghĩa học phải truy đến từ nguyên của đối tượng mà nhà luận
lý muốn miêu tả hay chứng minh. Khi chạm đến thuật ngữ Phật giáo, thì người ta luôn
đứng trước hai hệ thống ngữ nghĩa học về (tôn giáo): hệ thống ngữ nghĩa học Phật
giáo Ấn Độ và hệ thống ngữ nghĩa học Trung Hoa. Tới đây, thì nhà luận học phải buộc
mình trên bàn phím của bản tổng phổ cho cả hai và người ta sẽ rút ra được những
thăng giáng lịch sử và cảm nghiệm về nó từ viễn cảnh từ nguyên.
Ngữ nguyên học của Trung Hoa, xem Tín sanh ra từ ngôn ngữ, hay nói khác hơn
– do luận giải hay do luận chứng mà người ta tin. Bằng cớ là Tín bao gồm nhân (人)
và ngôn (言). Hình ảnh TÍN của Trung Hoa cho ta biết hiện nay, văn hóa Trung Hoa đã
được hầu hết những nhà học giả lớn thế giới này quan tâm ; nét độc lập, thuần tuý và
những trầm mặc thâm sâu của nền văn hóa này, lấn lướt hẳn văn minh Tây-Âu. Ở ngữ
nguyên của Phạn văn, tín là (śraddhā). Đây là một từ phái sinh từ hai động từ hoặc
vị ngữ śrā và dhā. Srā là trui rèn, nung chín; còn dhā có nghĩa là thiết lập, dựng nên...
Xét về từ nguyên của hai ngôn ngữ Hoa và Ấn, ta thấy tín có vẻ tương đồng. Tuy rằng
ở mặt tích cực thì tín của Phạn văn kiên cố, thâm tín hơn Hoa văn. Vì ở đây, tín, phải
qua quá trình trui-rèn bao hàm cả luận giải và lý chứng, cụ thể hóa một vấn đề trừu
tượng. Do vậy, văn hóa Ấn Độ khó lĩnh hội hơn và, nhất là đối với khía cạnh «thích nói»
của loài người, thì quá trình trui rèn cụ thể ít ai chấp nhận. Người ta thích nói nhiều
hơn làm. Với Ấn Độ thì không.
Tuy nhiên, trong Phật giáo, Tín có hai mặt: trí tín và tín trí (giải tín và tín giải). Trí-
tín có nghĩa là tin trước rồi luận chứng sau - giải-tín; còn Tín-trí thì luận chứng trước
rồi tin sau – tín-giải.
Tín giải Là gì?
Như đã nói, Trí-tín, có nghĩa tin rồi lý chứng hay tin rồi luận. Điều này làm ta dễ
lầm lẫn với hiệu ứng hào quang mà ta sẽ đề cập đến. Tuy nhiên, niềm tin về tôn giáo
có hơi khác biệt với niềm tin của thế gian. Trong Phật giáo, đối với Tông Duy thức, thì
Tin mà không cần lý giải vẫn có thể giải được.
Tông Duy Thức đề ra học thuyết Chủng Tử (bīja). Học thuyết này cho biết rằng,
bất kể hoạt động nào, dù là vật chất (vật lý) hay tinh thần (tâm thức) đều sinh ra từ
chủng tử và kết quả của mọi hoạt động này cũng sẽ trở thành là chủng tử. Chủng tử
ở đây, giống như năng lượng hay lượng tử. Nó tồn tại dưới dạng vật chất siêu nhiên
và được lưu giữ nơi tâm thức của chúng ta. Nếu như cái lưu giữ ấy không phải là tâm
tạng vô hình vô bóng, thì ta làm sao mà cất chứa vô số hình thái niệm tưởng của
mình. Vậy thì, mọi hành vi của chúng ta đều hình thành từ nơi nhân của quá khứ hay
chủng tử sở huân - sự tích lũy lượng tử hay năng lượng. Sự hoạt động nào thành tựu
thì hoạt động đó hình thành một năng lượng mới gọi là tân huân. Do vậy, tân huân
và sở huân là hiệu ứng nhân quả của chủng tử, làm nên dòng bộc lưu của tâm thức,
làm nên hệ di truyền của nhân loại trong vũ trụ của chính tân huân và sở huân này. Và
sau hết tân huân và sở huân, trên khái niệm vừa nêu là NGHIỆP CẢM của chúng ta.
Nếu tân huân và sở huân thuộc tịnh nghiệp A Di Dà, thì ta đắc sinh Tịnh Độ và
nếu ngược lại thì di truyền của ta là di truyền của thế giới này; thay vì là di truyền hay
chủng tử Phật. Tuy vậy, tất cả chúng ta, theo Phật giáo đều có chủng tử Phật, vì nếu
ta y theo lời Phật dạy, thì ta sẽ có thể thành Phật như Phật.
Vậy, theo tông Duy Thức, Niết Bàn của Phật là một dạng vật chất siêu việt, còn
Tánh Không cũng là một liên hệ siêu vật chất, mà là vật chất.
Trong một bản kinh, người ta nói rằng khi Ngài Cấp Cô Độc nghe đến danh hiệu
Phật, Ngài liền rúng động và thao thức suốt cả đêm, không chờ đến bình minh Ngài
đã được thần minh dẫn đường kiến Phật. Đoạn kinh này nhiếp về phép ẩn dụ - chỉ
cho thiện nghiệp quá khứ, sở huân - được tích tập – trong tàng thức của Ngài, rồi
qua vô số kiếp, đến giờ nghe đến tôn hiệu Phật, các chủng tử thiện này hiện hành,
khiến cho Cấp Cô Độc lên đường gặp Phật mà không cần phải lý giải vì sao mà mình
lại rúng động và tôn kính như vậy đối với một nhân vật mà Ngài chưa từng biết đến.
Như vậy thì, theo Tông Duy Thức, chẳng có gì là tự nhiên nhi nhiên cả. Mọi thứ
đều có nguyên nhân và kết quả của chúng. Nhân và kết quả này là do ta kết tập bằng
những hoạt động của mình và chúng ta « thừa tự » bằng chính những hành vi ấy. Vũ
trụ cũng vậy, nó hoạt động theo chu kỳ nghiệp của nó và hoàn toàn tương ứng với
Nghiệp hay hoạt động của chúng ta. Chúng ta hoạt động, nói theo triết học, là hoạt
động theo ý hướng tính nào, thì thế giới mà ta gọi là khách quan này sẽ ứng hiện như
là ý hướng tính ấy. Sự mặc định đã cho in tuồng như là định mệnh của mỗi chúng
ta, có nhiễm-tịnh song hành. Vũ trụ mà ta đang sống, chính là vũ trụ của kết quả ý
hướng tính đó. Và, tất nhiên, sự hình thành ấy vẫn thuộc về thế giới của vật chất,
thậm chí là siêu vật chất, thế nhưng chúng có thể chuyển hóa theo hướng tích cực
nào đó, mà trên hết là chuyển hóa theo những pháp tu của Phật giáo. Do vậy, số
mệnh hay thiên mệnh không phải là hằng hữu, bất biến và hoàn toàn phi tất định.
Tóm lại, Trí-tín hay Tín-trí là nhất thể, còn ngôn ngữ tư biện chỉ là cái đến sau, để
ta dễ dàng chấp nhận mà thôi.
Từ chỗ này, những gì mà ta gọi trước mặt là tương lai, thật ra nó chỉ ở sau lưng
của ta. Nếu như ta không tự tỉnh thức, thì cả đời mình, ta chỉ sống bằng quá khứ mà
thôi.
Trong khái niệm về Tín trí vừa nêu, khế hợp với giáo pháp Tứ Bất Y của Phật: y
pháp bất y nhân. Pháp ngữ này dạy rằng, ta dựa vào pháp để tu hành nghiệm chứng,
rồi mới xác nhận pháp đó là ưu việt, thù thắng, đáng tin, đưa tới an lạc ; không
nhất thiết là vì pháp đó do Phật thuyết mà ta vội tin ngay – ta không tin pháp qua
Phật hay bất cứ ai. Chẳng hạn, khi nghe người ta nói anh chàng ca sỹ nào đó là ông
hoàng nhạc Rock, ta cũng phải nói theo đó là ông hoàng nhạc Rock, nếu ta không
công nhận điều đó, hóa ra ta là người lạc hậu sao. Phật giáo theo kiểu đó, thì chỉ là
một Phật giáo hình thức mà thôi. Để chỉ cho thái độ ấy, Kahnemen, giải Nobel 2002,
gọi là halo effect (hiệu ứng hào quang) ; còn Einstein gọi nó là optical delusion of
consciousness (ảo giác quang học của ý thức) và, Phật giáo gọi trạng thái đó là cảm
thọ - thức của ta xét vạn hữu thường bằng cảm thọ ngã - của mình. Chính trạng thái
«cả tin» từ cái «ngã tưởng» hướng hạ như vậy đã đánh lừa ta và luôn nhấn chìm ta vào
bể khổ. Nói theo Kahnemen, một diễn giả nào đó hảo tướng, có vẻ rất tự tin khi bước
lên diễn đàn, thì thính giả liền có cảm tình ngay với bài phát biểu ấy, bất luận nó hay
dở hoặc tư cách của người đó như thế nào. Thật thế, cảm thọ theo khuynh hướng
đám đông như vậy sẽ là bẫy rập của chúng ta. Nó ở bên trong chớ chẳng ở bên ngoài.
Do vậy tự thức là bước ban đầu tu tập của Thiền Vipaśyanā hay được mệnh danh
là Thiền Minh Sát Tuệ. Hành giả tu pháp thiền quán này, hằng ngày có thể nhớ được
hàng tỷ hoạt động thân, khẩu và ý của mình – cơ sở tiến vào thực tại tối hậu và thần
thông về những kiếp quá khứ và tương lai.
Và lộ trình Tín-trí này làm chiếc tàu vượt đại dương đưa bậc đại nhân là Nhẫn
Tế thiền sư nhập đất Phật, ngay trong đoạn đầu tiên của NHẬT KÝ, «Ngày giờ thấm
thoát, phút đã qua năm Ất Hợi (1935), tháng hai, ngày mười chín, dương lịch là 1er Avril
1935. Nghĩ rằng : tiền lo cũng đủ, tham học cũng vừa thông thông. Nay cũng nên nhất
định, bèn làm đơn trình quan Chủ-tỉnh, xin giấy xuất dương. Sự tích Tây Du Phật Quốc
sơ dẫn từ đây. »
Trong đoạn mở đầu này, ta thấy có hai ý thú quan trọng, đó là «tham học cũng
vừa thông thông,» và «Nay cũng nên nhất định.»
Hai đoạn hành ngôn trên, cho phép ta hiểu tổ rằng: Tín giải của Ngài đã viên
mãn, cho nên nhất định viễn hành.
Thật vậy, những ai đã viên thành tín giải, thì HÀNH sẽ là một tiến trình tất yếu và
hiện thực luôn ở tại đây và bây giờ.
HÀNH
Trong đời sống tu hành, bất kể là tại gia hay xuất gia, thì ba Pháp Bảo là Tín Hành
Nguyện là cơ cấu nhất thể đưa tới quả vị Bồ-đề và, nhất là đối với Tịnh Độ tông, Tín
Hành Nguyện là bộ khung, cỗ xe lớn đưa hành giả về cõi nước A-Di-Đà Phật.
Ở đây, do âm đọc cho thuận tai, nên HÀNH, đã được đọc là HẠNH. Tuy nhiên,
Hạnh và Hành khác nhau rất xa .
HẠNH, theo Câu Xá luận, chỉ cho Diệu Hạnh, tức là các hoạt động mang tính từ
thiện, các thiện sự nhằm đưa đến may mắn, hạnh phúc... Hạnh, vì có tính giới hạn
của nó, cho nên Phật giáo, không cho nó là cứu cánh hay nguyên lý đưa đến trí tuệ
giải thoát. Hạnh này, thường mang đến sự hài lòng của giác quan, do vậy, nó có tính
chất nguy hiểm vì thường gắn cùng hay đi sau đó là cái ngã của vị kỷ, tham dục và mê
mờ. Tuy nhiên không có thiện hạnh, thì không có hành vô nhiễm. Cả hai như là thế giới
vi mô và vĩ mô, nghĩa là các thế giới có hoạt động, có sự sống và cuối cùng là đưa tới
những cấu trúc. Về mặt nhận thức, chúng có vẻ tách biệt, thế nhưng, với công phu tu
tập, thì diệu hạnh, lại là nấc thang dẫn đến HÀNH. Hoạt động của các chủng tử diệu
hạnh mà có sức gia trì thì nó nhất quán với chủng tử HÀNH.
Vì lẽ đó các chư Tăng hay khải phát vô số thiện sự hữu hạn cho chúng sinh thực
hiện, vừa mang lại hiệu quả rộng và hẹp cho chính mình và cho muôn loài.
Chẳng hạn, Tổ sư chúng ta là Hòa thượng Nhẫn Tế, lên đường về đất Phật mà cô
Diệu Nhẫn, ở Lái Thiêu mang xe đến, đưa tổ đi, thì đấy là diệu hạnh, còn Tổ khai sơn
của chúng ta lên đường tìm về đất Phật, thì mới đúng là HÀNH (saṃskāra/行). Hành
này mang tính vô hạn, chứa cả nguyên lý thế gian và siêu thế, tức là Hành đó, mang
yếu tố giải thoát.
HÀNH, ở đây, tức là hành thâm bát Nhã Ba La Mật Đa (āryā va lokitesvaraboddhisattvo
gaṃbhīrāyāṃ prajñāpāramītāyāṃ caryāṃ caramāṇo vyavalokayati sma – Quán Tự Tại
bồ tát HÀNH thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa thời chiếu kiến...)
Theo tiếng Phạn, đoạn kinh trên được dịch từng chữ ra tiếng Việt, thì nó có nghĩa
là: (Quán Tự Tại Bồ tát thực hành sự tu tập – tu hành – trong Tuệ giác Ba La Mật thâm
sâu và Ngài đã thấy...).
Hành vi vyavalokayati sma của Bồ tát, được Huyền Tráng dịch là chiếu kiến – tham
chiếu - tức là phân tích và so sánh đối chiếu.
Trên phương diện ngữ nguyên của Phạn văn, HÀNH (saṃskāra / caryāṃ) phái
sinh từ động từ saṃ-kṛ hoặc car, có nghĩa là đặt chung lại với nhau (to put together)
hay hợp tạo (join together) hoặc tổng thể hóa (compose). Saṃskāra còn có một
nghĩa quan trọng nữa: chuẩn bị (prepare), tịnh hóa, tinh lọc (refine)... và, car có nghĩa
là thực hiện hay dấn bước tương đương với Hán ngữ 行. Vậy thì ở đây, HÀNH, là đem
tất cả những tín giải, giải tín, công phu tu tập đặt chung lại với nhau làm động cơ lên
đường về xứ Phật, như đoạn văn sau đây, được Tổ sư tuyên bố :
Gió êm, biển lặng bóng trăng lồng,
Đáy nước, bầu trời, một Hóa-công.
Đuốc nguyệt, đèn sao trên dưới tỏ,
Thiên, Long hội yến tiễn bần-tăng.
Kệ rồi, xây lưng, sắp xuống hầm, trực ngó một lớp lính sơn-đá, nằm ngủ trên bong
và khách Ấn-độ, một đôi người sắp lớp, kẻ ngang, người dọc ngáy ro ro. Tôi dừng bước,
nhìn đó mà nghĩ rằng: «Kiếp con người đến bao nhiêu đó là cùng. Ngày thức, như kiếp
sống, bôn ba tranh cạnh, bỉ thử lấn xô, hồ, cáo cấu xé, bất quá bảo tồn cái ngã và ngã
sở, nuôi sống xác thân. Đêm ngủ, như giấc chết tạm, xả rồi mọi sự, ngã ấy bất quá bản
thân, cũng quên, cũng bỏ. Kẻ nghịch, đến giết cũng không hay không biết. Hà tất ngã sở,
vợ con, nhà cửa, của tiền, vân vân...
Tuy thân còn tại thế, mà trong giấc ngủ, đủ rồi buông bỏ; sự mất còn, phú đó cho
rủi-may. Huống chi là trong giấc ngủ ngàn thu của xác thịt... Một mình nghĩ đến đó, một
mình thở ra, rồi thẳng xuống phòng; thấy đồng hồ đã quá 3 giờ.»
Trong Phật giáo, ta vẫn thường nghe chuỗi thuật ngữ, từ bi và trí tuệ, chớ người
ta không nói trí tuệ và từ bi, tại sao vậy ? Bởi vì, trí sinh ra từ đại bi, thì trí ấy sẽ tạo
nên nhiều phương tiện thiện xảo đưa tới giải thoát, còn bi sinh ra từ trí, thì bi ấy, có
khi là bi vị ngã. Cũng vậy, khi ta nói, giáo pháp Phật là cỗ xe lớn (bất luận là Tiểu hay
Đại Thừa), là vì đây là một cỗ xe không có hoặc không dẫn đến «tai nạn giao thông».
Thật thế, khi ta thực tu bất cứ giáo pháp nào của Phật, thì cứu cánh của nó sẽ là
an lành, bởi vì, người ta nói, đức Phật sinh ra từ Đại bi.
Ở đây, phát xuất từ TÍN, HÀNH mà khai tổ đã phát đại bi tâm và HÀNH của Quán
Thế Âm Bồ-tát, như ta biết, đó là HÀNH của Trí trụ trong Bi.
Trong Phật giáo HÀNH là như vậy - biến một mơ ước, một lý tưởng, một khái
niệm thành hiện thực vi diệu; hoạt động đó gọi là tu hành. Tu (修), do ngữ nguyên
bhūभू, mà ta có bhāvanaभावन, ngụ chỉ cho hành giả thực tại hóa một khái niệm, hay
một ý tưởng ; nói cách khác, tu, theo Phạn ngữ, có nghĩa là ta biến một cái gì đó
thuộc về thế giới trừu tượng, thành một vật thể có thực, lợi lạc cho muôn loài ; bởi
vì bhāvanaभावन có nghĩa là thực tại hóa. Chẳng hạn, Niết-bàn được đức Phật tuyên
thuyết, là cái mà ta có thể đạt tới. Do vậy, Niết bàn thực sự là vật chất, nhưng mà một
loại vật chất tối tinh vi – siêu vật chất – chính là ý này. Thêm nữa, nếu Niết-bàn Phật
là một cái gì đó mơ hồ, bất thực, thì chẳng có ai dám theo, thậm chí chẳng có ai dám
bỏ công tu hành làm chi cho mệt.
Đối với một Phật tử, Niết-bàn là cứu cánh tối hậu mà họ cần phải đạt đến. Do
vậy, trong Đại Tỳ Bà Sa, quyển bốn, dạy: «Có người hỏi rằng, Tu có nghĩa là gì ? Đáp :
Bao quát hết gọi là tu. Trui rèn liên tục gọi là tu. Xông ướp gọi là tu. Học (pháp) gọi là tu.
Luôn thanh tịnh gọi là tu. Trong chuỗi tu tập này, ta nên biết rằng, hiện tại, tu tập được
hiện thực hóa (sở hiển), gọi là tu. Tương lai, tu tập thành tựu, gọi là tu. Lại nữa, tích luỹ
(tập) gọi là tu. Tương lai, đắc (thành tựu) gọi là tu. Hơn thế, hiện tại, thụ dụng gọi là tu.
Tương lai dẫn phát gọi là tu. Lại nữa, hiện tại thông suốt mọi sự gọi là tu (dụ như người
làm tạp vụ trong tự viện). Tương lai phát triển nguyện ước gọi là tu. Lại nữa, hiện tại cái
thân giới hạn này gọi là tu. Tương lai, đắc tự tại gọi là tu. Lại nữa, cái trước mặt gọi là tu.
Tương lai, thành tựu gọi là tu.(11)
Vượt lên trên tất cả, bản văn SỰ TÍCH TÂY DU PHẬT QUỐC, là một bản văn ẩn và
ấn dấu tâm bồ-đề trong đại bi kỳ vĩ của một HÀNH trạng từ TÍN NGUYỆN SÂU XA của
Sơ tổ, như đoạn văn sau đây:
«Nghĩ vì, bần tăng lắm nhờ Phật lực, xuôi cho huỷnh đem đi Tây Tạng, muôn điều
xuôi xếp, lại đặng nhập Long-thiền đảnh lễ Lama Quốc Vương, đặng vào các tự hành
hương, đặng gần Quan tứ trụ, thong thả vào ra, phố phường biết mặt, không trở ngại
một điều chi, không bị nhục ném đá quăng gạch như người Anglais kia tự thuật trốn đi
Lhassa cực khổ thân hình, tốn bạc ngàn mà làm đầy tớ cho cho kẻ tùng nhơn Hindou,
mướn làm hướng đạo. Cực lực mà đến lúc tới Lhassa thì chỉ dừng bước đặng có một
ngày, rồi sáng ra phải theo vòng binh xuất ngoại. Nghĩ vậy, bần đạo so lại thân này hèn
mọn, nhờ Phật lực nên đặng vua quan dân-giả, tăng tục đều hỷ kiến, cho phép các chùa
hành hương, khắp nơi thăm viếng. Thì dầu cho tốn hao chút ít thật chẳng phiền, vui
lòng nhịn ăn, nhịn mặc để tiền cúng dường mà cầu phúc cho Đàn-na và xử sự cùng
người thi ân cho mình, dường ấy mới sạch nghiệp hậu lai, mới giũ trần bất nhiễm.
Có câu : Nhất trần bất nhiễm hà tham hà thọ.»
Sở dĩ tôi nói Sơ tổ của chúng ta là bậc đại nhân, kỳ vĩ của một HÀNH trạng, xuất
phát từ TÍN NGUYỆN SÂU XA, là vì đọc trọn vẹn bản văn, ta chưa từng thấy Ngài đề
cập đến tâm chứng sở chứng của mình như thế nào, mà cơ hồ như toàn bộ bản văn
tưởng như thể là ghi chép lại một hành trình TÂY DU PHẬT QUỐC. Thế nhưng, với
một chút trầm mặc nghĩ suy, ta sẽ thấy rằng ẩn chứa bên dưới chính là việc thể ngộ
vô song về đạo pháp của Ngài. Bởi vì, sự thể ngộ ấy, một cách thực tiễn là Ngài đã
nhập vào những hoạt động của chư Thánh nơi Tây Tạng và cuối cùng, là Ngài đắc
Pháp Danh, như đoạn văn trên mô tả một cách rạch ròi. Và, theo tôi cái ẩn dấu, cái
điềm đạm thanh thoát, tính nhẹ nhàng vô chấp trong lối văn tự thuật tự nhiên như
thế, nếu chẳng phải là một tâm chứng, một khải ngộ tuyệt vời, được thúc đẩy bằng
TÍN NGUYỆN SÂU XA, thì nó chẳng thể được như thế.
NGUYỆN
Tâm thức chúng ta vốn vô cùng thuần khiết, cho nên nó rất dễ bị bôi lem hay
nhiễm ô. Hình ảnh thuần tịnh này, y như những người từ các vùng vệ sinh về, họ hay
bị lây nhiễm và thường nhuốm bệnh - sạch dễ nhiễm hơn là ô trược. Tính thanh tịnh
này của tâm thức lại là một nguồn lợi vô cùng cho tu tập. Bởi vì, bản chất của nhiễm
ô chỉ là một loại bệnh mà thôi, chắc chắn nó không phải là định mệnh của đời ta mà
định mệnh của đời ta chính là sự thuần tuý của tâm từ lúc ta chưa sinh ra đời. Chỉ cần
loại bỏ lớp sơn huyễn hóa đó thì ngay lập tức ta trở về với cái chân thường, cái bổn
lai lúc cha mẹ chưa sinh ta ra.
Do vậy, một số thuật ngữ xem chừng như quá rắc rối của Phật giáo, như phiền
não, ô nhiễm, đọa lạc, luân hồi v.v... hoàn toàn không phải là những gì vốn gắn liền
với đời sống của ta, chúng là những cái do ta «chiêu cảm» mà thôi. Vì chưa rõ bản
chất của chúng, cho nên ta thường xem chúng như là định mệnh của mình – sanh là
khổ, tử là khổ. Chư Phật và các Đại Bồ tát ra đời chỉ có một NGUYỆN duy nhất là gỡ
hết chuỗi duyên sinh như thế vốn gây khổ lụy cho chúng sinh không biết bao nhiêu
đời kiếp mà thôi.
NGUYỆN làm cho chúng sinh thành Phật và, NGUYỆN làm cho một vị Phật mãi
là chúng sinh.
NGUYỆN làm Quán Thế Âm Bồ tát mãi làm thân Bồ tát.
Do NGUYỆN này mà chúng sinh niệm Phật, Phật đi vào trong tâm tưởng họ và
nhờ NGUYỆN này mà chúng sinh nhập vào tính tạng Như Lai.
Ở đây, NGUYỆN, là một đặc chất của
Phật giáo, nhất là Phật giáo Đại thừa. Sở dĩ Phật gọi là Phật, Bồ tát thành Phật là do
NGUYỆN này.
Nếu xét về toàn bộ tôn giáo trên thế giới, thì tôn giáo nào cũng có Nguyện cả.
Thế nhưng, mỗi ước nguyện của các tôn giáo trên thế giới này, chỉ giới hạn trên sự
thoát khổ, sự cứu chuộc hay đem lại thanh bình cho thế giới mà thôi.
Đối với Phật giáo, NGUYỆN độ chúng sinh thoát khổ, là NGUYỆN thành Phật...
NGUYỆN thành Phật là NGUYỆN độ hết thảy chúng sinh khỏi mê đồ. Cả hai khái
niệm ấy gắn chặt cùng nhau như là một lời vàng đá sơn minh hải thệ.
Bao giờ tất cả chúng sinh thành Phật thì ta mới thành Phật, hoặc « hư không hữu
tận, ngã NGUYỆN vô cùng». Đấy là NGUYỆN của Phật giáo.
Như đã nói, tâm thức vốn thuần tịnh, cho nên chúng sinh là bình đẳng. Vì là bình
đẳng, cho nên ai tu cũng đều thành Phật. Nói cách khác, ai tu cũng đều được giải
thoát cả. Cho nên Phật giáo là một tôn giáo của Đại Bình Đẳng.
NGUYỆN vốn vô ngôn, nhưng do tập khí chúng sinh mà NGUYỆN thành lời.
NGUYỆN vốn thành lời, vì thế giới vốn duyên sinh.
NGUYỆN đến độ VÔ NGUYỆN như trong kinh Kim Cang, đức Phật thuở tiền thân
NGUYỆN độ vị vua tàn ác đã róc thịt xương Ngài.
Như đã nói tâm thức chúng ta vốn tinh ròng thuần khiết, cho nên nó rất dễ bị
nhiễm ô, vì vậy, TÍN, HÀNH và trên hết là NGUYỆN, sẽ là một chất liệu y học để mọi
yếu tố gây bệnh bị diệt trừ.
Vì NGUYỆN vốn vô ngôn, cho nên ta đọc từ đầu đến cuối của bản văn TÂY DU
PHẬT QUỐC, ta không thấy bất cứ đoạn nào nói về NGUYỆN cả. Tuy nhiên, nếu ta
để ý đến trang 294 đến trang 295, hoặc từ 297 - 299 thậm chí từ trang đầu tiên đến
trang cuối cùng của SỰ TÍCH, ta sẽ thấy, đại nguyện của Sơ tổ ta bàn bạc phổ hóa
khắp nơi.
TÍN HÀNH NGUYỆN, thật vậy, nếu ta nhìn theo chiều thẳng, thì mỗi một phạm
trù đều có một thứ minh triết đơn. Nếu như ta nhìn chúng theo hàng dọc, thì mỗi
một phạm trù sẽ giao nhau như thế giới của Hoa nghiêm phức thể đồng thời tương
tức và nếu như ta nhìn từ trên xuống, thì ba phạm trù này là nhất tướng, hiện ra con
đường giải phóng định nghiệp của chúng sinh và đưa người tác nguyện về xứ Phật,
thành Phật.
Cũng vậy, TÍN HÀNH NGUYỆN của Sơ tổ ta, xét từ SỰ TÍCH TÂY DU PHẬT QUỐC,
là một chuỗi nhất thể ẩn mình dưới những công hạnh thường ngày của bất cứ vị tăng
nào. Tuy nhiên, vẻ thanh thoát của nó, tính nhiệm mầu của nó, có lẽ ta phải đi qua
hàng bao nhiêu kiếp mới có thể chạm được.
Nói như vậy, có nghĩa là SỰ TÍCH TÂY DU PHẬT QUỐC sẽ là một thông điệp
muôn đời cho những ai muốn tìm đường giải thoát cho mình và cho tất cả chúng
sinh. Và, tất nhiên, hiệu ứng đó sẽ thành là một dòng truyền thừa bất tận.
CHÚ-THÍCH
8 Theo Phạn văn, sū tra सूत्र là nguyên lý đo lường, hay là tuyến tính trí tuệ. Ý nghĩa này chỉ cho sự liên hệ
đến phân tích, suy nghiệm, và sau đó là dẫn vào trí tuệ hơn là hiểu theo nghĩa KINH (經) của Trung Hoa.
Trong tiếng Do Thái, KINH là ETZ HAYIM , cũng chỉ cho loại trí tuệ tuyến tính này.
9 Thinking Fast and Slow, p. 1-10.
10 THE MIND’S OWN PHYSICIAN P. 55.
11 大毗婆沙論一百六十三卷四頁云:問:何故名修?答:遍修故名修。數習故名修。熏故名修。
學故名修。令常淨故名修。應知此中,現在、習修所顯;未來、得修所顯。復次現在、習故名
修。未來、得故名修。復次現在、受用故名修。未來、引發故名修。復次現在、辦事故名修。
未來、與欲故名修。復次現在、在身中故名修。未來、得自在故名修。復次現在、現前故名
修。未來、成就故名修。
Nguyện, ngữ nguyên là Praṇidhānaप्रणिधान, được Monier Williams dịch: sự
trầm mặc tôn giáo thâm thúy (profound religious meditation) hay là sự dâng hiến
đời mình cho một lý tưởng cao xa nào đó.
Pháp Hiền cư sỹ
KỆ CÚNG THẦY(Sư Ông soạn)Con đứng trong giá lýDâng bát cơm tỏ ý đền ơnTánh Không trong cõi tuần hoànChúng sanh sẵn có không hơn thua gìHạt cải ngậm núi Tu DiTiêu
Lời giới thiệu ngắn gọn dưới đây là sự hướng dẫn cơ bản cho những người mới nhập môn và Phật tử theo truyền thống Tây Tạng Nó có thể
Khi nhắc đến THIỀN, người ta thường nghĩ ngay đến các Tu Viện, Các Chùa và Đạo tràng hay liên tưởng về các tôn giáo tín ngưỡng. Ít ai có thể hình
_Suốt cả năm mình nói về chánh niệm tỉnh giác, đã hơn sáu kỳ, thầy cũng đã nói nhiều rồi; bây giờ, Hải ôn lại Chánh niệm tỉnh giác là sao?_Thưa thầy,
Sức sống và sự phát triển tốt đẹp của xã hộiKhông ai không muốn xây dựng xã hội mình đang sống thành một xã hội ổn định, có sức sống, phát triển
QUAN HỆ THẦY TRÒ Theo Tinh thần Kinh Kế thừa Chánh pháp Thầy, vầng mây bậc, thong dong, núi cao biển rộng Con, cánh nhạn chiều, chân trời sải cánh, dõi theo Thầy,
Giữ giới là lựa chọn tự do Giới luật của Phật giáo có nghĩa là: “Anh đừng tự làm thương tổn mình, anh đừng tự làm hại mình”. 1. Tự do của lệ thuộc
Đạo Phật là gì Lama Zopa and Lama Yeshe Khi bạn tìm hiểu về đạo Phật tức là bạn đang tìm hiểu về con người thật của mình, về bản chất của tâm trí
Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa(VHPG) Mọi kinh nghiệm của chúng ta, kể cả giấc mộng, khởi lên từ vô minh. Đây là một tuyên bố làm hoảng hốt