Other (439)


Hoàng Hạc Lâu

11,999

Thôi Hiệu (704-754), người Biện Châu, huyện Khai Phong, nay là một thành phố lớn thuộc tỉnh Hà Nam. Thôi Hiệu đi chơi tỉnh Vũ Xương, trèo lên lầu Hoàng Hạc tức cảnh đề thơ. Bài thơ viết theo thể thất ngôn, lấy tựa là Lầu Hoàng Hạc, dịch âm như sau :  

Hoàng Hạc Lâu

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,
Thử địa không dư Hoàng Hạc Lâu.
Hoàng Hạc nhất khứ bất phục phản,
Bạch vân thiên tái không du du.
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ,
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu.
Nhật mộ hương quan hà xứ thị,
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.

Thôi Hiệu (thế kỷ thứ 8)

Tạm dịch nghĩa như sau:

Người xưa đã cỡi hạc vàng bay xa,
Nơi này chỉ còn trơ lầu Hoàng Hạc,
Hoàng hạc bay xa không trở lại,
Ngàn năm mây trắng vẫn trôi hoài.
Trời quang nhìn thấy cả hàng cây ở tận bến Hán Dương.
Cỏ thơm xanh rờn trên bãi sông Anh Vũ.
Chiều xuống, chẳng biết quê nhà ở phương nao,
Khói sóng trên sông khiến cho ta buồn.

Đã từng có không biết bao nhiêu thi nhân và những người yêu thơ cổ đã dịch bài thơ này, tôi chỉ xin chép ra đây một vài bài diễn nôm được nhiều người biết đến, chẳng hạn như của các cụ Tản Đà, Trần Trọng Kim, Khương Hữu Dụng.

Gác Hoàng Hạc 
     
Hạc vàng ai cưỡi đi đâu ?
Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ !
Hạc vàng đi mất từ xưa,
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay.
Hán dương sông tạnh cây bày,
Bãi xa Anh Vũ xanh dày cỏ non.
Quê hương khuất bóng hoàng hôn,
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai ?

Tản Đà dịch

Lầu Hoàng Hạc 
     
Người đi cỡi hạc từ xưa,
Đất này Hoàng Hạc còn lưa một lầu,
Hạc vàng đi mất đã lâu,
Ngàn năm mây trắng một màu mênh mông.
Hán Dương cây bóng lòng sông,
Bãi kia Anh vũ, cỏ trông xanh rì,
Chiều hôm lai láng lòng quê,
Khói bay sóng vỗ, ủ ê nỗi sầu.

Trần Trọng Kim dịch

Lầu Hoàng Hạc 
     
Ai cưỡi hạc vàng đi mất hút,
Trơ lầu Hoàng Hạc chốn này thôi!
Hạc vàng một đã đi, đi biệt ?
Mây trắng ngàn năm bay chơi vơi.
Sông tạnh Hán Dương cây sáng ửng,
Cỏ thơm Anh Vũ bãi xanh ngời,
Hoàng hôn về đó, quê đâu tá?
Khói sóng trên sông não dạ người.

Khương Hữu Dụng dịch.
 
Theo tôi bản dịch của cụ Tản Đà hay nhất, nhiều thi tính và ít gượng ép. Quả thật khó mà dịch nổi cách đối ngữ và đối ý trong bài thơ của Thôi Hiệu. Bài thơ của Thôi Hiệu có tám câu, ý và chữ đều đối nhau từng cặp hai câu và hai chữ. Kỹ thuật đạt đến mức tuyệt đỉnh. Nhạc tính của bài thơ thật phong phú. Ông mô tả thật tài tình những rung động của ông trước thiên nhiên, và những rung động đó đã khơi động trong ông một mối hoài cảm sâu xa. Nhìn khói sóng trên sông khi trời chiều buông xuống ông bỗng nhớ đến quê nhà, một nơi nào đó vạn dặm xa xôi. Trong khung cảnh trời nước bao la, ông cảm thấy mình lẻ loi và cô đơn như chiếc tháp cổ đứng trơ vơ bên bờ nước Trường giang để hoài nhớ một vị tiên đã ra đi hơn một ngàn năm trước.
 
Tôi đã có ý định thử dịch bài thơ này xem sao, nhưng sau khi đọc bản diễn nôm của cụ Tản Đà liền bỏ ngay cái ý định điên rồ đó. Cụ Tản đã cản lối những người đi sau mất rồi. Dịch thơ Đường thất ngôn bằng thể lục bát là một việc táo bạo, tuy nhiên cụ đã thành công không chối cải được. Chỉ thấy hai chữ trong bản dịch của cụ có thể thay đổi được:
 
- Trong câu thứ ba, chữ "đi" có thể thay bằng chữ "bay", vì chim thì bay đúng hơn là đi.
 
- Trong câu cuối, chữ "ai", có thể thay bằng chữ "ta", vì chữ "ai" tuy nhẹ nhàng nhưng hời hợt và vô tình hơn chữ "ta", chữ "ta" có vẻ thầm kín và đậm đà hơn, trực tiếp khơi lên nỗi buồn đang ray rứt trong lòng thi nhân.
 
Ngoài ra Cụ Tản còn dịch tựa của bài thơ là Gác Hoàng Hạc, thiết nghĩ chữ Gác hơi "khiêm nhường" có thể làm mất đi tầm "quan trọng" của một kiến trúc lịch sử trong một  thắng cảnh lịch sử.
 
Lầu Hoàng Hạc là bài thơ mà nhiều người cho là hay nhất của Thôi Hiệu và bài thơ ấy cũng là một trong những bài thơ thất ngôn nổi tiếng của cả thời Đường. Theo tích xưa, vào thế kỷ thứ VI trước tây lịch, có một vị tiên cỡi một con hạc vàng đến đáp ở bãi sông Trường Giang. Người sau xây một cái tháp tại nơi này để tưởng nhớ đến vị tiên ấy. Ngọn tháp bên bờ Trường giang về sau đã trở thành một danh lam. Sở dĩ nhiều người biết đến và nói đến ngọn tháp này có lẽ là nhờ vào hai bài thơ, một của Thôi Hiệu là bài Hoàng Hạc Lâu trên đây và một bài khác của của Lý Bạch là bài Nơi lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng. 
 
Thôi Hiệu sinh năm 704, Lý Bạch sinh năm 701, hai người trạc tuổi nhau. Thôi Hiệu đề thơ ở lầu Hoàng Hạc trước nhất. Sau đó khi Lý Bạch đến chơi nơi này và nhìn thấy bài thơ của Thôi Hiệu thì liền phóng bút mà phê như sau:

Nhân tiền hữu cảnh đạo bất đắc,
Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu.
 
Hai câu này ngày nay thấy khắc bằng chữ thật lớn thếp vàng trên một phiến đá thật to cạnh bên lầu Hoàng Hạc, chữ và mặt đá còn mới, chắc chắn không phải bút tích của Lý Bạch. Xin tạm dịch nghĩa hai câu ấy như sau:

Thấy cảnh đẹp trước mắt chưa tìm ra lời,
Đã thấy thơ của Thôi Hiệu đề trên đỉnh đầu.

Khen nhau đến như thế thì quả thật là siêu phàm, không mấy ai làm được và viết được. Tuy khen nhưng biết đâu trong lòng cũng tức nhau một tiếng gáy, vì sau này Lý Bạch cũng có làm một bài thơ về lầu Hoàng Hạc, viết theo thể thất ngôn tuyệt cú. Bài thơ cũng nổi tiếng không kém bài Hoàng Hạc Lâu của thôi Hiệu. Bài thơ của Lý Bạch như sau:

Hoàng Hạc Lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng

Cố nhân tây từ Hoàng Hạc lâu,
Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu.
Cô phàm viễn ảnh bích sơn tận,
Duy kiến trường Giang thiên tế lưu.

Lý Bạch 
 
Tạm dịch nghĩa như sau:

Tiễn bạn từ biệt hướng tây nơi lầu Hoàng Hạc,
Tháng ba hoa khói, đi Dương Châu.
Cánh buồm cô độc khuất xa trong vùng núi biếc,
Chỉ thấy dòng Trường Giang chảy mãi tận chân trời.

Sau đây là hai bản diễn nôm của các cụ Ngô Tất Tố và Trần Trọng Kim:

Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng

Bạn từ lầu Hạc lên đường 
Giữa mùa hoa khói Châu Dương xuôi dòng 
Bóng buồm đã khuất bầu không 
Trông theo chỉ thấy dòng sông bên trời
  
Ngô Tất Tố dịch

Tiễn Mạnh Hạo Nhiên ở Hoàng Hạc Lâu đi Quảng Lăng

Phía tây bạn biệt Hạc Lâu
Tháng ba trẩy xuống Dương Châu thuận dòng.
Cánh buồm bóng hút màu không,
Trông xa trắng xóa nước sông bên trời.

Trần Trọng Kim dịch
 
Bình luận và vạch cái "hay" của Đường thi thì vô tận, chưa kể những thêu dệt quá lố của một số phê bình gia. Không biết bao nhiêu sách Tàu và sách Ta nói đến thơ Đường. Ngay cả trong các sách Tây, có những tác giả chỉ cần nghiên cứu, giải thích và bình luận một bài thơ Đường duy nhất cũng viết thành một quyển sách. Trước hết tôi xin trích ra đây vài chi tiết liên quan đến việc diễn nôm tìm thấy trong một ít sách Ta như sau:
 
Trong câu thứ nhất của bài thơ có hai chữ khá khó hiểu là "tây từ" (từ biệt hướng Tây), các phê bình gia và thi nhân của Ta, trong số này có cụ Trần Trọng Kim đều hiểu rằng "giã biệt ở hướng Tây lầu Hoàng Hạc". Riêng cụ Ngô Tất Tố thì không thấy nhắc đến hướng Tây trong câu thơ dịch của cụ, tuy nhiên trong phần ghi chú thì cụ có giải thích rằng Mạnh Hạo Nhiên đi lên phía Tây. Nếu tra cứu kỹ hơn, như trong quyển "Đường thi tam bách thủ" của Lưu Đại Trừng (do một người bạn gốc Hoa thuật lại cho tôi) thì diễn nghĩa của câu một phải là "Bạn cũ đi về hướng Đông, từ biệt nhau ở bên lầu Hoàng Hạc", có lẽ như thế hợp lý hơn vì Mạnh Hạo Nhiên từ biệt phía Tây đi về hướng Đông tức là Dương Châu. Trong một câu thơ cô đọng như thơ Đường mà có đến hai túc từ xác định cùng một nơi chốn, vừa chỉ định Lầu Hoàng Hạc lại còn xác định thêm ở phía Tây của lầu Hoàng Hạc, như thế có lẽ dư. Chẳng lẽ Lý Bạch lại không nhận thấy điều ấy hay sao ? Mặt khác, ta biết rằng Quảng Lăng và Dương Châu là một, tức ở vào hướng Đông, thuộc tỉnh Giang Tô ngày nay. Mạnh Hạo Nhiên từ biệt hướng Tây đi về hướng Đông. Thơ Đường quả thật tinh vi và bí hiểm, tính cách bí hiểm chẳng qua vì bài thơ quá cô đọng và các câu thơ thì lại quá ngắn và ít chữ.
 
Mạnh Hạo Nhiên (689-740) là người Tương Dương, tánh tình phóng khoáng, không màng danh lợi, ẩn cư đọc sách ở núi Lộc Môn, cỡi lừa ngao du sơn thủy, nhất định không đi thi. Năm 35 tuổi, xuôi dòng Trường Giang đi về phía Đông du ngoạn vùng Chiết Giang, đến năm 39 tuổi mới quay về Tương Dương. Năm 40 tuổi ông lên Tràng An và tại chốn kinh đô tài thi phú của ông đã làm chấn động cả giới thi nhân thời bấy giờ. Theo quyển sách của Cheng W.F. và  Collet H. tựa là "Lý Bạch, vị tiên bị đày xuống hạ giới uống rượu một mình dưới trăng" (Li Po l’immortel banni buvant seul sous la lune, nhà xuất bản Moundarren, ấn bản lần thứ tư, 1990) thì Lý Bạch làm bạn với Mạnh Hạo Nhiên lúc ông mới 28 tuổi, Mạnh Hạo Nhiên lúc ấy đã 40. Có lẽ hai người gặp nhau ở kinh đô Tràng An. Vậy thì họ từ biệt nhau ở lầu Hoàng Hạc vào thời điểm nào, và Lý Bạch làm bài thơ tiễn Mạnh Hạo Nhiên vào năm nào ? Có lẽ vào những năm hai người mới quen nhau và cùng du ngoạn ở vùng Ba Hẻm Vực trên sông Trường Giang và sau đó thì từ biệt nhau bên Lầu Hoàng Hạc ?
 
Trong câu thứ hai, chữ "yên hoa" (hoa khói) không ai biết đích xác là gì. Trong các bài thơ diễn nôm của các cụ Trần Trọng Kim và Ngô Tất Tố, thì cụ Kim bỏ lững không dịch hai chữ "yên hoa", cụ Tố thì dịch thẳng là hoa khói. Có sách thì giải thích hoa khói là mưa bụi, tuyết khói lấm tấm như hoa v.v. và v.v. Tôi dốt đặc chữ Hán, chỉ biết dùng một chút xúc cảm của riêng mình để đưa tôi đến gần với Lý Bạch mà thôi. Nếu đứng ở lầu Hoàng Hạc nhìn ra Trường Giang thì chỉ thấy có sóng và nước, nên tôi trộm nghĩ "yên hoa" ở đây là khói trên mặt sóng, hoặc khói sóng như hoa trên mặt nước tức là bọt sóng, như thế vừa phù hợp với cảnh vật và cả ý thơ : chữ yên (khói) trong thơ Tàu thường đi đôi với cảnh sông nước, và con thuyền của Mạnh Hạo Nhiên thì lướt trên hoa sóng của Trường Giang để đi Dương Châu. Hai chữ "yên hoa" cũng gợi lại hình ảnh khói sóng trên sông trong bài thơ Lầu Hoàng Hạc của Thôi Hiệu.
 
Trong câu ba thì hầu hết các sách Tàu và sách Ta đều giải thích các chữ "bích không tận" là "màu trời xanh vô tận" (cánh buồm mất hút trong màu trời xanh vô tận). Riêng sách của Lưu Đại Trừng chép là "bích sơn tận", có lẽ tác giả dựa vào những bài thơ ký sự của Lục Du (1125-1210) và cho rằng chữ sơn mới đúng là chữ mà Lý Bạch đã dùng. Dù sao thì chữ sơn cũng có vẻ hay hơn chữ không (cánh buồm xa dần trong vùng núi biếc), và cũng tránh được sự lập đi lập lại với chữ "thiên tế" (chân trời) trong câu bốn tiếp theo sau. Dầu sao thì cũng khó biết được chữ nào mà Lý Bạch đã dùng, trừ trường hợp sau này người ta khám phá được những di cảo thật xưa và đáng tin cậy.
 
Sau đây là bản dịch bài thơ của Thôi Hiệu sang Pháp văn tìm thấy trong quyển sách tiếng Pháp đã trích dẫn trên đây :

Au Pavillon de la Grue jaune, adieu à Meng Hao Jan qui part à Kuan ling

Mon vieil ami quitte l’ouest au Pavillon de la Grue jaune
Dans la splendeur des nuées de fleurs au trosième mois, il descend vers Yang chow
La voile solitaire, lointaine silhouette, dans l’azure disparaît
On ne voit plus que le Long Fleuve couler au bord du ciel.

Cheng W.F. và Collet H., tháng 5, 1988 (Sách xuất bản lần thứ nhất)
 
Theo bản dịch này ta thấy rõ là Mạnh Hạo Nhiên rời hướng Tây nơi Lầu Hoàng Hạc và hoa khói có nghĩa là hoa xuân trong tháng ba. Tác giả còn thêm tĩnh từ rực rỡ (splendeur) để chỉ hoa khói (nuées de fleurs), tĩnh từ rực rỡ chẳng những đã không có trong câu thơ của Lý Bạch lại không phù hợp với ý và xúc cảm của toàn bài thơ, vả lại không hợp lý nữa vì thuyền của Mạnh Hạo Nhiên lướt đi trên mặt nước Trường Giang chứ không phải trên hoa xuân rực rỡ. Câu ba không nhắc đến chữ "sơn" hay chữ "không", chỉ nói là bóng con thuyền cô độc mất hút trong màu trời xanh. Hai tác giả Cheng và Collet có lẽ cũng không hiểu rõ bốn chữ yên hoa tam nguyệt nên đã dịch bốn chữ này là hoa xuân (hoa vào tháng ba), theo tôi thì tháng ba là một túc từ chỉ thời gian không liên hệ gì đến khói sóng trên mặt nước Trường giang. 

Tôi xin mạn phép góp thêm vài lời dịch vụng về như sau :

Hoàng Hạc Lâu tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng lăng

Tiễn bạn rời Tây lầu Hoàng Hạc,
Tháng ba hoa nước mờ chân sóng,
Xuôi mái Dương Châu xa cố nhân.
Cánh buồm hun hút vùng núi biếc,
Trường Giang chảy mãi tận chân trời.

Hoang Phong dịch tại Lầu Hoàng Hạc
Ngày 09.09.2001
 
Bài thơ của Lý Bạch hết sức cô đọng, không thể dịch bằng cách tóm tắt trong bốn câu theo nguyên bản, vì thế tôi xin mạn phép dùng đến năm câu mới lột hết ý của bài thơ. Tôi không quan tâm đến thi luật mà chỉ cố gắng trình bày một chút xúc cảm và nhạc tính cảm nhận được trong bài thơ của Lý Bạch mà thôi. Xin chân thành tạ lỗi với cụ Lý và những người đọc các dòng này.
 
Lầu Hoàng Hạc nguyên thủy được dựng lên trên một bãi sông gần núi Xà Sơn thuộc Vũ Xương tỉnh Hồ Bắc, sau được dời đến gần đầu cầu Vũ Xương thành phố Vũ Hán. Cây cầu Vũ Xương bắc ngang sông Trường Giang, khá đồ sộ do người Nga xây giúp. Cầu có hai tầng, một tầng dành riêng cho xe lửa, một tầng cho xe ô-tô, các loại xe khác và người đi bộ. Gần bên chiếc cầu là khách sạn Holiday Inn cao ngất và sang trọng, dành cho du khách đến xem lầu Hoàng Hạc. Phía sau khách sạn là bến đò dùng làm nơi đưa đón du khách ngược sông Trường Giang đi vào vùng Ba Hẻm Vực. Quả thật người sau cũng biết chọn chỗ để làm ăn lắm, không biết họ có nghĩ đến công lao của Thôi Hiệu nặn óc để làm thơ giúp cho lầu Hoàng Hạc được nổi tiếng hay không ?
 
Lầu Hoàng Hạc chẳng những đã thay đổi vị trí mà còn được xây đi xây lại không biết bao nhiêu lần qua mười mấy thế kỷ nay rồi. Ngày xưa, lầu cất bằng cây nên thường bị cháy. Lầu mới ngày nay dùng thêm vật liệu cứng như gạch đá, và được xây dựng vào thời nhà Thanh, cách nay một hay hai trăm năm là nhiều. Chiếc lầu mới có trang bị thêm cả thang máy cho du khách lớn tuổi hay những người lười trèo cầu thang. Vé vào cửa có băng từ tính đọc bằng máy để dễ kiểm soát từng chặng, giá 30 yuẩn (nhân dân tệ) tức độ chừng 28 quan Pháp. Nếu dùng thang máy đi lên thì du khách phải trả thêm 2 yuẩn ; nếu dùng thang máy trở xuống thì rẻ hơn, chỉ phải trả thêm 1 yuẩn thôi.
 
Mỗi ngày có hàng ngàn du khách từ xa đến viếng Lầu, vừa tốn kém cho họ lại vừa mất thì giờ chờ đợi vì quá đông người. Họ ồn ào, tấp nập, tuy nhiên họ vẫn kiên nhẫn xếp hàng mua vé và nối đuôi nhau chờ đến lượt lên lầu. Người xưa thì phải khổ sở xây đi xây lại không biết bao nhiêu lần cái Lầu Hoàng Hạc, dời hết chỗ này đến chỗ khác. Tất cả chẳng qua cũng vì một vài xúc cảm nhỏ nhoi của thi nhân mà ra cả. Vỉ thế người ta cũng có thể nghĩ đến cảnh một nhà sư Tây Tạng ngồi trong một hang núi phát động lòng từ bi của mình để trải rộng ra tám phương trời mười phương Phật, hướng vào từng sinh vật nhỏ nhoi trên hành tinh này và tất cả chúng sinh trong không gian vô tận, cũng biết đâu có thể mang lại một chút tác động nào đó trong không gian mênh mộng và trong đáy tim nhỏ bé của của nhà sư. Mọi hiện tượng chung quanh ta, thuộc thế giới vật chất hay phi vật chất, kể cả sự sống, xúc cảm, tư duy cho đến hành động của mỗi cá thể đều liên đới với nhau, tác động chằng chịt với nhau, phát hiện và biến dạng không ngừng.
 
Lầu Hoàng Hạc không cao lắm, tôi quên đếm nhưng hình như có năm tầng kể cả tầng trệt, cầu thang cũng dễ đi, người đông chen lấn nhau. Trên tầng cao nhất, người ta có thể nhìn thấy cây cầu do người Nga xây cất, bắc ngang sông Trường Giang, xe cộ tấp nập trên cầu. Khói ô nhiễm của thành phố tỏa rộng mù mịt trên sông và phố xá. Các tòa nhà chọc trời san sát nhau trên hai bờ sông, nhiều vô kể. Phải có một chút tâm hồn thi sĩ và nhất là phải nhắm mắt lại mới thấy được hàng cây xanh ở bến Hán Dương và cỏ thơm trên bãi Anh Vũ. Nếu cố gắng tưởng tượng mạnh hơn một chút nữa thì may ra sẽ có thể thấy được cánh buồm của Mạnh Hạo Nhiên mất hút ở chân trời trong vùng núi biếc.
 
Đứng trên Lầu Hoàng Hạc, ngưởi ta chẳng thấy có gì là thật cả. Trước mắt không phải cái quang cảnh mà Thôi Hiệu và Lý Bạch đã thấy. Kể cả cái lầu cũng không phải cái lầu mà Thôi Hiệu và Lý Bạch đã trèo lên để làm thơ. Chẳng qua tôi "thấy" những chuyện xưa ở trong đầu của tôi mà thôi, bằng cái trí tưởng tượng của mình. Cái thấy méo mó đó chắc gì đã đúng với "cái thấy" của Thôi Hiệu và Lý Bạch từ hơn 12 thế kỷ trước. Ấy là chưa nói đến cái "thấy" của hai ông cũng đã bị lệch lạc vì những xúc cảm trong lòng hai ông. Cảnh thật của Lầu Hoàng Hạc không biết ở đâu. Quả thật khó mà tìm, có thể là không có ?  Nhưng nếu không có thì làm sao lại có hai bài thơ được truyền tụng đến ngày nay ? Vậy muốn tin là « không có » thì trước hết phải « có » cái đã, nhưng nếu ta cho rằng « có » thì lại sai, vì cái Lầu Hoàng Hạc là cái lầu nào đây ? Có phải là cái lầu mà tôi đang đứng trên tầng cao nhất để nhìn ra chiếc cầu do người Nga bắc ngang dòng Trường Giang hay không ? Nhất định là như thế vì tôi đang đứng trên nền gạch hoa mòn nhẵn vì vết chân của du khách trên tầng cao nhất của Lầu Hoàng Hạc để nhìn khói mây ô nhiễn tỏa mù trên thành phố và trên mặt nước Trường giang.
      

Bures-Sur-Yvette, 28.10.2001

Hoang Phong 

Theo : thuvienhoasen

11,999

NHỊ NGUYÊN

Tôi hoàn toàn nghĩ rằng chúng ta có một tương lai trên hành trình này. Tôi chỉ nghỉ chúng ta phải nên từ bỏ lối suy nghỉ của Tây phương, nó được

1,136
Vấn Đề SỐNG CHẾT Trong Thiền Học Việt Nam - GS. Nguyễn Đăng Thục

Trên đây chúng ta thấy Cứu Chỉ bất mãn với Khổng Mặc và Trang Lão và cả hai chủ trương Hữu vi và Vô vi đều không giải quyết cho Sư vấn

1,092
Nói với tuổi trẻ - Duncan Sheik, Ca sĩ, nhạc sĩ người Hoa Kỳ

Trong mười năm kể từ ngày đó, lòng yêu kính Đạo Phật của tôi ngày càng thêm sâu sắc. Có lẽ quan trọng hơn, việc thực hành Đạo Phật của cá nhân

14,457
ĐỨC TÁNH CỦA MỘT NGƯỜI BẠN ĐÍCH THỰC - BHIKKHU BODHI

Tỷ-kheo Bodhi, thế danh là Jeffrey Block, sinh năm 1944 tại Brooklyn, New York. Ngài là một tu sĩ Phật giáo theo truyền thống Theravāda.Từ những năm ở lứa tuổi đôi mươi, Phật giáo đã có sức thu hút

959
NHU CẦU

NHU CẦUAbraham Maslow♻️ Cái một người có thể là, nó phải là. Nhu cầu này chúng ta có thể gọi là tự thực hiện mình.♻️ Một người có thể trở lại để

1,047
Top Bài Viết
Quan Hệ Thầy Trò
Niệm Tự Bạch

QUAN HỆ THẦY TRÒ Theo Tinh thần Kinh Kế thừa Chánh pháp Thầy, vầng mây bậc, thong dong, núi cao biển rộng Con, cánh nhạn chiều, chân trời sải cánh, dõi theo Thầy,

33,376
Giữ giới là lựa chọn tự do
Phật học Ứng Dụng

Giữ giới là lựa chọn tự do  Giới luật của Phật giáo có nghĩa là: “Anh đừng tự làm thương tổn mình, anh đừng tự làm hại mình”. 1. Tự do của lệ thuộc

32,798
Đạo Phật là gì?
Niệm Tự Bạch

Đạo Phật là gì Lama Zopa and Lama Yeshe Khi bạn tìm hiểu về đạo Phật tức là bạn đang tìm hiểu về con người thật của mình, về bản chất của tâm trí

32,704
Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa
Tìm Hiểu & Học và Hành

Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa(VHPG) Mọi kinh nghiệm của chúng ta, kể cả giấc mộng, khởi lên từ vô minh. Đây là một tuyên bố làm hoảng hốt

32,489
Chùa Việt
Sách Đọc