Bài Viết (49)


Xem mục lục

(Đây là bài thầy giảng về đạo tràng trích trong kinh Duy Ma Cật nhân dịp anh em chúc tết thầy, ngài Duy Ma Cật dạy công dụng của đạo tràng trong mọi hoạt động của một vị Bồ tát, chúng ta học để thấy biểu hiện rất phong phú và đa dạng này; và chỉ cần một biểu hiện chúng ta tu hành nó cho đến thuần thục như lời dạy thì chúng ta sẽ thâm nhập đạo tràng, và khi thâm nhập càng sâu thì diệu dụng của nó càng hiệu quả và phong phú, từ đạo tràng mà biểu hiện thì tất cả là công đức)

Để mấy vị ngồi xuống rồi đầu năm thầy giảng một bài trong kinh Duy Ma Cật. Thầy giảng trong kinh cái đoạn nói về đạo tràng. Đạo tràng là vậy đó, mỗi người sẽ có cái đạo tràng riêng, đạo tràng là nơi mình tu hành chớ không có gì hết, thí dụ bên Mật tông đạo tràng gọi là mạn đà la, đi vào đạo tràng là đi vào mạn đà la, nhưng mà cái mạn đà la nó lớn lắm chớ không phải như cái mạn đà la như mình thấy trên kia đâu. Những cái vị càng cao chừng nào thì đạo tràng của vị đó nó trùm khắp cái vũ trụ này, đó là những vị Đại Bồ tát, thành ra mình phải biết cái đạo tràng của mình, cái mạn đà la của mình, và mình làm sao càng ngày cái mạn đà la đó càng trang nghiêm ra, cái đạo tràng của mình nó càng trang nghiêm ra nó càng sáng tỏ ra, thì đó là ý nghĩa của đạo tràng.
Bây giờ thầy nói trong kinh nói về công đức của đạo tràng, vô đó thì mình có những công đức gì, trong đạo tràng có những phẩm chất gì, cái gì gì đó, thầy đọc cái phần nói về đạo tràng đó rồi thầy sẽ giảng từng đoạn từng đoạn.

Phật bảo Đồng Tử Quang Nghiêm: “Ông đi đến thăm bệnh ông Duy Ma Cật.”
Quang Nghiêm bạch Phật rằng: “Thưa Thế Tôn! Con không kham nhận được việc đến thăm bệnh ông ấy. Tại sao thế? Nhớ lại trước kia, con đi ra thành lớn Tỳ Da Ly thì ông Duy Ma Cật vừa đi vào thành. Con liền lễ chào và hỏi rằng: “Cư sĩ từ đâu đến đây?”
Trưởng giả đáp: “Tôi từ đạo tràng lại.”
Con hỏi: “Đạo tràng là ở đâu?”
Ngài đáp: “Trực tâm là đạo tràng, vì không hư giả vậy. Phát hạnh là đạo tràng, vì có thể phụng sự vậy. Thâm tâm là đạo tràng, vì tăng thêm công đức vậy. Bồ đề tâm là đạo tràng, vì không sai suyễn vậy.
“Bố thí là đạo tràng, vì chẳng mong phước báo vậy. Trì giới là đạo tràng, vì các thệ nguyện được tròn vậy. Nhẫn nhục là đạo tràng, vì với chúng sanh tâm không ngại vậy. Tinh tấn là đạo tràng, vì chẳng biếng lười vậy. Thiền định là đạo tràng, vì tâm điều nhu vậy. Trí huệ là đạo tràng, vì thấy rõ các pháp vậy.
Trưởng giả đáp tôi từ đạo tràng mà lại có nghĩa là tôi từ trong bản tánh của tâm mà ra, đạo tràng đó nó không phải ở ngoài nữa mà nó chính ở trong tự tâm mình, tự tánh mình, Phật tánh của mình. Từ đạo tràng lại có nghĩa là từ Phật tánh của mình mà đi đến, cho nên cái quan trọng của người tu hạnh Bồ tát là phải làm sao ở trong đạo tràng càng sâu chừng nào thì càng đi đến có lợi lạc cho chúng sanh chừng đó.
Thì mình thấy ví dụ như bây giờ ai hỏi mình từ đâu đến mình nói từ đạo tràng lại, có nghĩa là từ tự tâm của mình ra, từ Phật tánh của mình ra, trong khi từ Phật tánh đó, từ đạo tràng mà lại mình ra mình ban rải cho chúng sanh tất cả những cái gì trong đạo tràng, tất cả cái gì trong đạo tràng đó có nghĩa là tất cả những tài sản trong đạo tràng mình đem ra.
Tất cả những tài sản của đạo tràng là gì?

“Trực tâm là đạo tràng vì không hư giả vậy”.
Nên nhớ chữ trực này là trực chỉ, nó thẳng tắp nó trực tiếp, không có cách hở trong đó mới gọi là trực tâm, còn cái tâm nó cách hở cái gì gì đó thì không phải là trực tâm nữa.
Trực tâm chính là đạo tràng vì không hư giả vậy, bởi vì cái bản tánh của mình nó không hư giả cho nên khi mình trực tâm thì mình đang ở trong đạo tràng.

“Phát hạnh là đạo tràng vì có thể phụng sự vậy”. Đạo tràng không phải mình ở trong đạo tràng một mình mình hưởng thụ trong đó mà phải đem cái đạo tràng đó ban phát cho tất cả mọi người hiểu biết, thì phát hạnh là mình phát khởi cái hạnh, và phát khởi đó chính là đạo tràng vì có thể phụng sự vậy.
Mình phụng sự được, và tốt hơn nữa ở trong đạo tràng mà phụng sự, đó là những vị Bồ tát, không lìa cái tánh mình mà phụng sự, ở trong đạo tràng có nghĩa là không lìa cái tự tánh của mình mà để phụng sự, thì lúc đó, phụng sự của mình nó hiệu quả lắm.

“Thâm tâm là đạo tràng vì tăng thêm công đức vậy”.
Thâm tâm đây là cái bản tánh của tâm, tâm sâu sắc nhất, sâu xa nhất đó là cái bản tánh của tâm, vì tăng thêm công đức vậy, mình càng ở sâu ở trong bản tánh của tâm chừng nào thì công đức mình càng lớn chừng đó.

“Bồ đề tâm là đạo tràng vì không sai suyễn vậy”.
Bồ đề tâm là cái sự phát nguyện để đạt đến Phật tánh của mình, để đem lại lợi lạc cho chúng sanh, thì Bồ đề tâm đó là đạo tràng, cái chuyện thành Phật độ chúng sanh đó là Bồ đề tâm.
Thành ra mình càng tiến gần tới cái Phật tánh Phật quả trọn vẹn chừng nào thì mình càng cứu độ chúng sanh càng có hiệu quả chừng đó, và đó chính là đạo tràng.
Bởi vì đạo tràng không phải là cái đạo tràng bất động, vì đạo tràng đây là đạo tràng hoạt động vì đạo tràng đây là đạo tràng của Bồ tát mà, chính trong khi giúp đỡ cứu độ chúng sanh đó, mình vẫn ở trong đạo tràng thành ra khi mình giúp đỡ cho chúng sanh khi đó mình ở trong đạo tràng mà mình càng sâu sắc thấm nhuần thì đi đâu mình bưng đạo tràng đi đó.

“Bố thí là đạo tràng vì chẳng mong phước báu vậy, trì giới là đạo tràng vì các thệ nguyện được tròn vậy, nhẫn nhục là đạo tràng vì với chúng sanh tâm không ngại vậy, tinh tấn là đạo tràng vì chẳng biếng lười vậy, thiền định là đạo tràng vì tâm điều nhu vậy, trí huệ là đạo tràng vì thấy rõ các pháp vậy”
Cái đạo tràng đó nó gồm có sáu ba la mật trong đó, bố thí, trì giới, tinh tấn, nhẫn nhục, thiền định, trí huệ. Mỗi cái mình thấy giúp đỡ chúng sanh mình thấy rõ đạo tràng của mình, mà đạo tràng gì? Trí huệ là đạo tràng vì thấy rõ các pháp vậy. Mình thấy rõ các pháp mình mới giúp đỡ người ta nhiều được, thành ra phải thấy rõ các pháp.
_Theo Bình thấy rõ các pháp là sao?
_Theo con là thấy rõ các pháp là thấy các sự vật hiện tượng là Phật pháp.
_Cũng chưa êm.
Thấy rõ các pháp là nó có hai cái: thấy rõ các pháp là tất cả pháp đều là Không, đó là thấy tánh của tất cả các pháp, nhưng mà đồng thời với vị Bồ tát hoạt động không phải là chỉ thấy tánh Không thôi đâu mà còn thấy tướng sai biệt của các pháp nữa, bởi vì mình chữa bệnh mình cứ nói ông nào cũng dùng một thứ thuốc đâu có được. Mình phải thấy cái sai biệt của các pháp nữa, thành ra phải thấy tướng của các pháp, hai cái đó nó không tách lìa nhau, mà trong kinh có nói rất rõ ràng là chỉ có một vị Phật mới vừa thấy được trọn vẹn tất cả các pháp là tánh Không cho nên ngài tự do vô ngại.
Thứ hai nữa là ngài thấy tướng sai biệt của các pháp mà không bị cái sai biệt đó nó lôi cuốn đi, thành ra thấy rõ các pháp là vậy đó. Rõ tánh của nó là tánh Không không sai biệt và đồng thời cũng rõ tướng của nó có sai biệt. Thì đó mới là thấy rõ các pháp, vì vừa thấy tánh của nó vừa thấy tướng của nó, tướng nó không lìa tánh, cái sai biệt đó nó không lìa cái tánh Không vô sai biệt, thì như vậy mới giải thoát được chớ thấy cái sai biệt mà nó tách lìa cái tánh Không vô sai biệt đó thì mình sẽ chạy theo cái sai biệt thôi.
Ví dụ như bây giờ tinh tấn là đạo tràng, mình phải đạt tới cái tinh tấn mà nó không phải tinh tấn của thân tâm mình nữa, mà đây là tinh tấn của pháp, của cái tánh, tinh tấn của cái tánh là nó không hở sót, nói theo như kinh Phổ Hiền Hạnh Nguyện là nhất giả lễ kính chư Phật, lễ kính cũng không hở sót, lạy cũng không hở sót. Thì người nào mà ở thuần thục ở trong đó thì nó không hở sót cái gì hết. Nhị giả xưng tán Như Lai, nếu như mình xưng tán bằng cái miệng mình không thì nó phải hở sót bởi vì làm một chập nó mệt, tụng một chập nó mệt nó phải ngưng thôi hà. Nhưng mà cái bản tánh của tâm thì nó liên tục, nó không hở sót, đạt tới cái đó là đạt tới Phật tánh.
Thành ra tinh tấn là vậy đó, tinh tấn là bắt đầu là mình tinh tấn ở cái chân lý tương đối là tinh tấn của mình có khi làm có khi không làm, phải hông? Thân mình thì có khi làm có khi không làm, chớ làm cả ngài chịu không nổi, tụng là có khi tụng có khi không tụng, cái tinh tấn ba la mật có nghĩa là gì? Tinh tấn ba la mật có nghĩa là luôn luôn nó thường trực như vậy. Bởi vậy trong kinh Đại Bát Niết Bàn nói Phật tánh là thường lạc ngã tịnh là vậy, nó thường như vậy mới gọi là tinh tấn hoàn toàn được, chớ còn cái thường của mình có khi mệt thì mình phải ngưng thôi, chỉ có cái tâm nó mới thường như vậy được, còn ngoài ra cái kia nó chỉ là biểu lộ của cái tánh thôi. Thì cái biểu lộ đó nó có thể đứt đoạn hay là gì đó, nhưng mà cái tánh thì nó vẫn thường như vậy, đó là tinh tấn ba la mật, mà đó mới gọi tinh tấn là đạo tràng, như hồi nãy có nói mình không lìa đạo tràng thì đó mới tinh tấn là đạo tràng, chớ mình tinh tấn là có lúc tinh tấn có lúc không, thì từ đầu chí cuối tinh tấn đó chỉ có một vị thôi, tinh tấn là một vị thôi. Nó không qua vị khác được, nó không biến đổi thành vị thế gian được nó chỉ một vị đó thôi, đó mới là tinh tấn, mà tinh tấn đó mới gọi tinh tấn là đạo tràng.

Tánh Hải
Kính ghi

Bài còn dài nên mình chia ra đăng nhiều lần, các bạn đón đọc.

Xem mục lục
Top Bài Viết
Quan Hệ Thầy Trò
Niệm Tự Bạch

QUAN HỆ THẦY TRÒ Theo Tinh thần Kinh Kế thừa Chánh pháp Thầy, vầng mây bậc, thong dong, núi cao biển rộng Con, cánh nhạn chiều, chân trời sải cánh, dõi theo Thầy,

33,235
Giữ giới là lựa chọn tự do
Phật học Ứng Dụng

Giữ giới là lựa chọn tự do  Giới luật của Phật giáo có nghĩa là: “Anh đừng tự làm thương tổn mình, anh đừng tự làm hại mình”. 1. Tự do của lệ thuộc

32,675
Đạo Phật là gì?
Niệm Tự Bạch

Đạo Phật là gì Lama Zopa and Lama Yeshe Khi bạn tìm hiểu về đạo Phật tức là bạn đang tìm hiểu về con người thật của mình, về bản chất của tâm trí

32,571
Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa
Tìm Hiểu & Học và Hành

Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa(VHPG) Mọi kinh nghiệm của chúng ta, kể cả giấc mộng, khởi lên từ vô minh. Đây là một tuyên bố làm hoảng hốt

32,344
Chùa Việt
Sách Đọc