Thưa thầy ngồi thiền thì con có ngồi thiền, nhưng mà thưa thầy, thầy giảng cho con biết thật ra ngồi thiền là như thế nào; Ngồi thế nào mà mình biết rằng mình đang ngồi thiền?
_ Quan trọng nhất là mình phải biết cái nền tảng, chớ ngồi thiền chỉ là một trạng thái của tâm thức thôi; cuộc đời mình nó có bốn cái trạng thái của tâm thức là: khi thức, khi ngủ, khi ngồi thiền và khi chết là trung ấm; mình phải tìm cho ra được cái nền tảng của bốn trạng thái đó.
Bốn trạng thái đó nó chỉ là biểu hiện từ cái nền tảng đó ra thôi, cái nền tảng đó mới gọi là chánh định đó, chớ ngồi thiền là có xuất có nhập, nó chưa phải là chánh định, cái nền tảng đó là nó không cần xuất nhập gì hết, nó mới là chánh định; còn mình ngồi mà có giờ có giấc, đó là một trạng thái của tâm thôi.
Nói về nền tảng ngày hôm qua tới giờ mình nói nhiều lắm rồi, “Tri kiến lập tri tức vô minh bổn, tri kiến vô kiến tư tức Niết bàn”, đó là nền tảng, chớ ngồi thiền chỉ là một trạng thái của tâm thức thôi, giống như khi ngủ vậy, ngủ là một trạng thái của tâm thức có mộng, ngồi thiền là một trạng thái của tâm thức không mộng; khi thức này cũng là một trạng thái của tâm thức, phải hông? Rồi khi chết vào trung ấm hay không vào trung ấm cũng là một trạng thái của tâm thức.
Mình học là phải học cho kỹ, nó có một trạng thái là trạng thái căn bản, một cái mà nó gọi là thức căn bản đó, cái đó nó làm nền tảng cho bốn trạng thái kia, anh nắm được cái nền tảng đó, cái thức căn bản đó thì anh tự do với bốn trạng thái kia; chớ chẳng lẻ ngồi thiền miết hả, hay chẳng lẻ ngủ miết hả, anh chỉ cần nắm thức căn bản, bốn trạng thái đó là sự biểu hiện theo nghiệp của mình từ thức căn bản mà ra thôi.
Ví dụ như thầy, cái nghiệp của thầy ở đây, cái thức của thầy thấy ở đây, ông nào đi resort thì cũng từ cái thức căn bản đó mà nó biểu hiện ra là bãi biển hay là Sapa núi non này nọ, giống nhau là giống nhau ở cái thức căn bản.
Đơn giản, thầy nói ví dụ bây giờ mình bật tivi lên, thì cái căn bản là cái gì, là cái màn sáng trắng, phải hông? Phải có cái màn sáng trắng đó rồi mới có hình hiện ra, coi phim cũng vậy phải có cái màn sáng trắng vậy đó thì cái hình nó hiện ra, những cái hình hiện ra đó là cuộn phim riêng của cái nghiệp của mình thôi, người ta không giống nhau về cuộn phim đó, cha thầy khác cha của Long, mẹ thầy khác mẹ của Long; cái cuồn phim của thầy, cha mẹ thầy khác, anh em thầy nhiều hay ít hơn đó là chuyện khác, khác hết, cuộn phim khác hết; nhưng mà tất cả đồng nhất ở nơi cái tấm màn căn bản đó, hiểu hông?
Mình phải khoa học một chút, đó là cái trường căn bản, quan trọng nhất là đạt tới cái trường căn bản đó. Cái trường căn bản đó để cho tất cả vũ trụ này hiện lên, cũng như hồi nãy mình trì chú Đại Bi tuy là để phóng sanh, nhưng mà mình trì chú để mình đạt tới cái trường căn bản là cái trường từ bi, từ đó mình mới có kiểu phóng sanh, anh phải đạt tới cái trường căn bản đó.
Phật giáo nói đầy dẫy đó, Như Lai Tạng đó là trường căn bản, Phật tánh đó là trường căn bản, Căn bản thức A lại da đó là trường căn bản, Bạch tịnh thức đó là trường căn bản, Bạch là trắng tịnh là nó luôn luôn thanh tịnh, còn chuyện của mình đó là chuyện của mình.
Thì trường căn bản đó ngày hôm qua tới giờ mình nói rồi. Trường căn bản đó là cái thấy biết căn bản chung nhất giữa mình với chư Phật, tri kiến lập tri tức vô minh bổn, cái tri kiến, cái thấy biết căn bản đó đó, là cái chỗ đồng nhất giữa mình và tất cả các bậc giác ngộ, đó là trường căn bản, hiểu hông? Rồi chính từ nơi cái trường căn bản đó và cái thấy biết hiện giờ đây nó đồng nhất với tất cả các bậc giác ngộ hết. nhưng mà từ cái thấy biết này mình lập tri, mình phân biệt, mình cái này cái nọ, nó thành cuồn phim riêng của mình, nhưng mà dầu mình có thành chúng sanh cỡ nào đi nữa, thì cái trường căn bản ở nơi mình nó vẫn như vậy, trường căn bản đó nó đồng nhất với mọi chúng sanh và tất cả chư Phật.
Khi tin cái đó, thì anh phải lo chứng nghiệm cái trường căn bản đó đi, chớ thiền định chỉ là một đoạn phim trong đó thôi, nó là một trạng thái của tâm thức chớ nó không phải là thức căn bản, nếu như thiền định mà đạt tới thức căn bản thì khi nào cũng thức căn bản hết, chớ không có cái thiền định riêng và thức riêng nữa; trạng thái thức, trạng thái thiền định nó đều nằm trên cái thức căn bản đó hết.
Đó mới chính là Đại định, ngay cả đức Phật hay ngay cả những bậc giác ngộ hay là ngay cả những đại Bồ tát có phải luôn luôn ngài ngồi thiền đâu. Ngài cũng có ngồi thiền, nhưng mà chỉ có giờ nào trong đêm thôi, nhưng mà ban ngày ngài làm việc, thuyết pháp gì đủ thứ hết, người ta thỉnh trai thì mình đi, rồi mình thuyết pháp, đó là cái giờ thức của ngài nó nhiều hơn cái giờ ngồi thiền, đầu hôm làm một cử, sáng làm một cử, còn bao nhiêu là trạng thái thức của ngài thôi, nhưng mà trạng thái thức đó nó nằm trên cái thức căn bản.Tất cả mình học bao nhiêu năm nay là để đạt đến cái thức căn bản đó, sáng giờ mình nói là nói về cái thức căn bản đó, cái thấy biết bây giờ của mình đó chính là cái thấy biết đồng nhất giữa mình và chư Phật, nó luôn luôn như vậy, nó không biến đổi, nó không sanh không diệt, không tăng không giảm.
Cuồn phim mình có tăng có giảm đó là chuyện khác, cuồn phim của ông nào đó nhiều nhân vật, cuồn phim của thầy ít nhân vật, đó là cái nghiệp của thầy, phải hông? Nhưng mà cái thấy biết đó không thay đổi, bởi vậy chúng sanh mới bình đẳng được với những bậc giác ngộ, nó đã có sẵn rồi cái thấy biết nó không thay đổi, chỉ có thấy cái gì, biết cái gì, cái đó thay đổi tùy theo cái nghiệp của mỗi người.Tôi ăn ngọt tôi sẽ thấy biết đồ ngọt, ông ưa ăn chua thì ông thấy biết đồ chua, còn cái thấy biết đó là nó vô thủy vô chung, đó chính là bổn lai diện mục của mình, từ trước khi anh sinh ra cái thấy biết đó đã như vậy rồi; chính nhờ cái thấy biết căn bản đó, cái nghiệp của anh mới đi theo cái đó để anh làm một con người có đầy đủ nghiệp lực như thế này.
Như trong chuyện Tây Du Ký, anh Tôn Ngộ Không là anh rất nghịch ngợm, anh đòi nhảy ra khỏi bàn tay của Phật; nhảy lần thứ nhất cũng không ra nổi, lần thứ nhì cũng không ra nổi, lần thứ ba từ cái đằng vân giá vũ của anh đó; Tôn Ngộ Không hơn tất cả loài người này hết, anh phi thân một cú là lên tới cõi trời nào chớ không như mình đâu. Lần thứ ba anh cũng nhảy tới nơi, anh cũng chắc ăn rồi anh thấy có cái cột trụ gì đó anh bậy vào đó để anh làm dấu cũng như mấy đứa trẻ con, mà khi anh về lại anh thấy vẫn không ngoài bàn tay Phật.
Thành ra mình không bao giờ ra khỏi cái thức căn bản đó hết, không bao giờ ra khỏi cái Phật tánh của mình hết.
_ Tin hông?
_Dạ con tin.
_ Tin thì hỏi chi nữa?
Anh có thiền định cỡ tứ thiền, rồi không vô biên xứ, thức vô biên xứ nó cũng không thể ra ngoài cái thức căn bản đó được, không thể ra ngoài cái Phật tánh của anh được; chẳng qua là việc ngồi thiền của anh, anh lập ra cái gì trong cái không gian bao la của Phật tánh thôi, chớ nó không có nghĩa gì hết.
Nói theo Phật giáo, có nguyên lý rõ ràng: cái gì có sanh ra cái đó có diệt, cái gì có lập ra được cái đó có diệt, cái thiền của mình là thiền lập ra chơi vậy thôi, phải hông. Mà cái gì có lập ra thì y như chiếc xe mình làm ra, xài năm năm mười năm thì mình để cho tới đời con đời cháu thì nó cũng hư, cái gì có lập ra cái đó sẽ tiêu diệt, còn cái này không sanh không diệt cho nên nó không tiêu diệt, nó nằm ngoài cái sanh và diệt, còn cái thiền của mình chẳng qua là mình lập ra cái bong bóng nước trong cái đại dương vậy thôi, bong bóng trong đại dương nó đâu có ăn nhằm gì với đại dương đó.
Đạt tới đó, đức Phật mới nói là: cánh cửa bất tử đã mở ra. Chớ đâu có phải là ai cũng ngồi thiền đâu, cái quan trọng nhất là mình phải tìm ra được cái gì nó xuyên suốt cả bốn trạng thái, trạng thái thức là bây giờ này, trạng thái ngủ, trạng thái ngồi thiền này, và trạng thái chết.
Chết, trung ấm nó thấy cái gì, thấy cũng như trong giấc mộng vậy, mình phải tìm ra được cái xuyên suốt đó, cái nền tảng cho bốn trạng thái đó. Con người chỉ có bốn trạng thái đó thôi, không có người nào có trạng thái thứ năm nữa, mà mình làm chủ cái nền tảng đó tức nhiên là mình làm chủ bốn trạng thái.
Bởi vì Long không tin nổi chớ, Long có tin là cái thiền mình lập ra chỉ là làn sóng trên đại dương hông? Thì nó chỉ là làn sóng trên đại dương thôi, cái đại dương mới là cái căn bản, chớ không phải làn sóng đâu, làn sóng nó nhô lên vài tiếng, cùng lắm là nó chìm xuống, cái đại dương là cái căn bản, là nền tảng của tất cả các sóng, bây giờ Long thấy Long có thân hông?
_Bây giờ con cũng còn có thấy.
_Có thì cái cảm nghiệm, cái thấy có thân đó cũng chỉ là một làn sóng trên đại dương đó mà thôi, bữa nào đó rồi ông muốn không thấy thân nữa tự nhiên ông chết thì ông không có thân thôi, chẳng qua chỉ là một trạng thái.
Thân chỉ là một trạng thái đó thôi, cái nền tảng của thân là cái gì? Chính là cái mà mình nói từ trước tới giờ, nói mãi mãi cho tới khi ông đạt cái đó thôi; đừng có quý trọng cái thân, thân này nó có cái nghiệp của nó, nó nhô lên như làn sóng một chập nó chìm xuống, mà nhô lên chìm xuống vô đâu? Vô cái nền tảng đó, từ nền tảng đó lên rồi xuống.
Ngay cả một ý nghĩ của mình, mình phải dò xét cho kỹ một ý nghĩ thôi chớ không cần phải thiền định gì cho lắm hết, một ý nghĩ nó xuất phát từ đâu? À, nó xuất phác từ cái nền tảng đó nó lên, sanh trụ, mình thấy nó ở đó, rồi dị là nó biết khác ra, hồi nãy mới nghĩ ông này nó ra ông khác rồi, rồi diệt là nó chìm xuống.
Tư tưởng mình nó lên xuống lên xuống y như sóng trong đại dương vậy thôi nhưng mà nó lên xuống trong cái nền tảng đó, có khổ là mình không tin, mình đọc kinh mà mình không biết cái nền tảng đó, nó lên xuống lên xuống trong nền tảng đó, lên xuống thì kệ nó, cái quan trọng là anh có phải là đại dương hay không? Anh là đại dương thì bão cấp mười hai thì sóng nó lên cấp mười hai thước, thì anh cũng thế thôi, đại dương cũng thế thôi, đó tu hành là nhắm vô cái nền tảng đó đó, chớ còn mình nhắm ba cái sóng làm chi!
Rồi tư tưởng của mình nó uốn éo nó lên xuống y như sóng, cả ngày nó cứ lên xuống, lên xuống bây giờ mình đè nó xuống, mình lấy cái bàn ủi thiền định của mình mình ủi cái sóng đó xuống… anh chỉ cần biết là những cái tư tưởng của anh, ý tưởng của anh, nhìn cho kỹ cái bản chất của một ý tưởng, bản chất của nó là gì?
Hồi sáng thầy nói rồi, cái nền tảng đó vô sanh, nên tất cả mọi tư tưởng của mình phát xuất từ cái nền tảng đó đều vô sanh hết; cho nên tư tưởng chính là giải thoát, không có o ép gì hết. Anh phải đạt, anh phải thấy cái nền tảng vô sanh đó; thì các tư tưởng của anh cũng cùng một bản chất vô sanh, y như sóng cùng một bản chất với nước vậy đó.
Cho nên mình thấy ở những cuốn sách cao cấp thì nó nói ý tưởng của mình chính là giải thoát; mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; như mình nói rồi: cúng hương đó, là một tinh minh chia làm sáu phần hòa hợp, cái tinh minh đó chính là cái nền tảng mà nãy giờ mình nói đây; chính là cái thấy biết từ chiều hôm qua mình nói đây.
Tinh minh đó, một cái nền tảng đó nó chia làm sáu phần là: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; và tinh minh đó nó vốn giải thoát cho nên mắt tai mũi lưỡi thân ý vốn là giải thoát, chớ đè ép cái gì (khi ngồi thiền). Dòm cái bức vách này có thấy giải thoát hông, hay là muốn xin thầy tiền sơn màu khác nó mới giải thoát, hay là viết lên cái chữ giải thoát lên nó mới giải thoát? Tất cả tư tưởng của anh: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; tất cả những gì anh nhìn thấy, tất cả những gì anh nghe, tất cả những gì anh ngửi tất cả những gì anh đụng chạm, và tất cả những ý tưởng của anh, tất cả đều giải thoát vì nó sinh ra từ cái nền tảng giải thoát, nền tảng đó là vô sanh.
Thì bây giờ cứ tu làm sao cho thấy, chớ thầy nói một chập rồi thầy nổi bực á. Nói quá trời nói rồi, bây giờ mình muốn kiểm nghiệm lại thì mình ngồi thiền mình coi tư tưởng mình khởi xuất từ đâu?
_Theo Long một tư tưởng nó phát xuất từ đâu?
_Có lần con thấy nó không từ đâu, tự nhiên mình bắt nó khởi lên rồi bắt nó dẹp xuống luôn.
_Không từ đâu, mà nó cũng không ở đâu, mà nó tiêu tan cũng không về đâu; cho nên nó chính là giải thoát, đơn giản vậy thôi. Bây giờ anh muốn làm chuyện nghịch đời là trồng cây mà trồng cái đọt nó xuống, cái rễ nó lên trời thì sao nó sống được, cây tự nhiên nó mọc vậy thôi, ý tưởng là phải vậy thôi; thành ra cái vấn đề là vậy đó, vấn đề không phải thiền định để mà gì hết, là mình biết cái ý tưởng của mình là y như con chim nó đậu trên cột buồm, mà cái cột buồm đó nó đang ở giữa đại dương vậy đó, nó có bay trời trăng gì nữa rồi cuối cùng nó phải trở về cái cột buồm đó, cái tâm anh mà nó lớn như một đồng cỏ thì anh không sợ lạc một con cừu nào hết, cứ thả ra nó cứ chạy trên đồng cỏ đó thôi hà, không chạy ra ngoài được, cái ý tưởng, cái tư tưởng của mình nó có chạy trời vì nó cũng nằm trong nền tảng đó, rồi nó cũng tiêu tan trong nền tảng đó, tội gì phải rượt bắt nó cho mệt.
Thành ra sở hữu cái nền tảng đó, cái Phật tánh đó là anh sở hữu tất cả, vấn đề có vậy thôi, vì vậy, dẹp ý tưởng là nó có nhiều cấp độ trong đó, nhưng mà ở đây mình làm ở cấp độ chiến lược chớ không phải chiến thuật.
Chiến thuật là anh đánh lộn với một tư tưởng, anh dẹp nó là anh nhốt nó trong một không gian hẹp, còn ở đây anh để nó tự do nhưng mà không gian rộng nó không thể chạy ra ngoài được, không chiếc máy bay nào bay ra khỏi cái bầu trời này được.
Nếu mình cảm thấy mình chưa nắm được nó thì mình phải lo tìm kiếm ra, phải thể nghiệm nó.
Nói theo kinh điển một chút, một ý tưởng của mình, mình thể nghiệm nó mình sẽ thấy nó là không, vô tướng, vô tác; nó chính là tánh Không, nó chính là tánh Không nên một ý tưởng nó giải thoát ngay. Có khổ là mình cứ làm biếng mình thấy nó ra rồi mình đè đè một chút, rồi đè không nổi thôi ngồi dậy xoa chân, bóp tay; rồi ra là nó hoành hành.
Cái gì là mình phải thấy rõ, bữa này rõ một chút, mai rõ một chút, đừng có ngồi mà tưởng bản lai diện mục cái quái gì, bản lai diện mục của một tư tưởng là gì, anh chỉ cần nhìn ra được bản lai diện mục của một ý tưởng thôi, là anh giải thoát tất cả mọi ý tưởng, chỉ đơn giản vậy thôi.
Bây giờ phải nhìn cho ra, đừng có ngồi mà tưởng ra một cái bản lai diện mục mênh mông bao la gì đó, rồi mình ngồi mình tưởng tượng, không có gì hết… Anh phải làm việc trên sự việc cụ thể, cụ thể là tôi mới khởi ra ý tưởng của tôi là cái cột này nè, tôi phải làm việc trên cái ý tưởng là tôi mới nghĩ về cây cột.
Phải coi lại, mình phải điều tra tội phạm chớ, biết điều tra tội phạm hông? Anh phải bắt cho được cái thằng thủ phạm đó cuối cùng anh sẽ biết là sao.
Phải chịu khó lên một chút, mình cứ ngồi chơi chơi làm sao được, chữa một cái bệnh người ta phải quét tới quét lui; citi, rồi nội soi, nhiều khi còn sai nữa; ở đây mình bắt một thằng đó thôi, chỉ cần bắt một anh này thôi, là biết tất cả mọi manh mối của nó; biết hết, thành ra phải tha thiết là vậy đó.
Còn thầy thấy kiểu chơi chơi như vậy, bởi vì mình không tha thiết; thấy có cũng được, không cũng được; thầy nói mình làm cái này nhiều khi mình làm biếng hơn chuyện ở đời nữa, ở đời mình học bao nhiêu năm có bằng kỹ sư hay cử nhân nhiều khi ra mình kiếm việc làm không được, trật lên trật xuống. Còn mình làm cái chuyện này chơi, như hồi sáng thầy có nói, trong kinh Lăng Nghiêm trì chú liên tục trong bảy ngày chuyên chú, là anh có thể đạt tới quả vị đầu tiên là nhập lưu. Một vị tham thoại đầu anh có làm liên tục bảy ngày tham thoại đầu anh cũng sẽ ngộ, anh phải làm thôi, chớ bây giờ mình không chịu làm gì hết rồi làm sao, phải làm với một sự bức xúc, tại sao tư tưởng nó hành mình dữ vậy nè? Ý tưởng nó hành mình quá trời quá đất đi!
Ý tưởng nó hành mình từng giây phút một mà mình không lo, không lo bắt thủ phạm này coi nó là cái gì; vậy thôi, tại sao mình thờ ơ với nó như vậy? Nó hành mình từng giây phút một mà mình không để ý gì hết, nó cột mình thì mình phải coi nó là cái gì; mà khi anh coi nó anh thấy nó rồi, thì đó là giải thoát; bởi vì không có cái gì trói buộc anh được nữa.
Tánh Hải Kinh ghi
Năm giới là quyền lợi của mỗi con ngườiMục đích chính yếu của pháp luật là bảo vệ quyền lợi của mỗi con người. Sự trừng phạt của pháp luật là trừng
À, bây giờ mình phải nhìn thấy cái nền tảng của nguồn gốc sinh ra những tư tưởng đó, khi mà mình đã nhìn thấy cái nền tảng đó rồi; nhưng mà
Tự học, theo một nghĩa tự bạn học không có ai dạy, thì có một giá trị khổng lồ. _Robert Kraft📚 Chỉ trong toán học và vật lý học mà qua tự
Đời sống tốt đẹp thì được cảm hứng bởi tình thương và được hướng dẫn bởi hiểu biết._ Bertrand Russell⚜️ Tri thức là quyền lực._ Francis Bacon⚜️ Kiến thức thì không có
(Trên con đường tu hành, khi chúng ta chưa thật sự làm quen và sống bằng tánh giác, chúng ta chỉ thấy tâm thanh tịnh trong những giờ công phu thiền định,
QUAN HỆ THẦY TRÒ Theo Tinh thần Kinh Kế thừa Chánh pháp Thầy, vầng mây bậc, thong dong, núi cao biển rộng Con, cánh nhạn chiều, chân trời sải cánh, dõi theo Thầy,
Giữ giới là lựa chọn tự do Giới luật của Phật giáo có nghĩa là: “Anh đừng tự làm thương tổn mình, anh đừng tự làm hại mình”. 1. Tự do của lệ thuộc
Đạo Phật là gì Lama Zopa and Lama Yeshe Khi bạn tìm hiểu về đạo Phật tức là bạn đang tìm hiểu về con người thật của mình, về bản chất của tâm trí
Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa(VHPG) Mọi kinh nghiệm của chúng ta, kể cả giấc mộng, khởi lên từ vô minh. Đây là một tuyên bố làm hoảng hốt