Động Cơ Của Việc Học Pháp.
Trước khi các con nghe về pháp Ngondro ta sẽ giảng đôi điều quan trọng và cần thiết đối với người Phật tử. Khi học Giáo pháp cần phải nhớ hai điều rất quan trọng:
- Điều thứ nhất là động cơ - động cơ học tập Giáo pháp.
- Điều thứ hai là kỷ luật - kỷ luật của việc học tập Giáo pháp.
Động cơ của chúng ta phải là tâm Bồ-đề. Tâm Bồ-đề là gì? Có thể tạm giải thích bằng những tâm nguyện như sau:
1. Nguyện cho chúng sinh hữu tình thoát khỏi luân hồi sinh tử.
2. Nguyện cho tất cả chúng sinh luôn hạnh phúc và thoát khỏi mọi cội nguồn đau khổ.
3. Nguyện cho chúng sinh thoát khỏi được 3 gốc rễ của đau khổ (tham, sân, si).
4. Nguyện đạt đến Phật quả để độ tất cả chúng sinh.
Trước hết, phải phát nguyện tu tập để đạt giác ngộ giải thoát – Phật quả – vì lợi ích của tất cả chúng sinh. Và đây chính là tâm nguyện Bồ-đề (phát nguyện). Tâm nguyện Bồ-đề này chỉ mới dừng lại ở mức độ mong muốn. Mong muốn không thôi thì chưa đủ mà phải có sự thành tựu – Phật quả. Muốn đạt Phật quả thì phải có hành động – đó là tâm hạnh Bồ-đề (áp dụng thực hành).
Ví như chúng ta muốn đến chiêm bái Bồ- đề Đạo Tràng, thì việc mong ước, phát nguyện không thôi là chưa đủ, mà còn cần đến rất nhiều thứ như là: tiền, xe cộ, bản đồ, vật dụng, và các chuẩn bị khác. Tất cả những thứ vừa kể trên đều là phương tiện, và khi đã chuẩn bị đầy đủ các phương tiện ta mới bắt đầu lên đường.
Cũng tương tự như vậy, sau khi phát tâm nguyện Bồ-đề thì chúng ta phải áp dụng tâm nguyện ấy vào thực hành - tâm hạnh Bồ-đề – có nghĩa là thực hiện tâm nguyện Bồ-đề cho đến khi viên mãn.
Đối với một hành giả Mật tông, phương tiện để đạt tới Phật quả là gì? Nếu chúng ta không biết rõ phương tiện của mình thì không thể “lên đường” đúng cách. Phương tiện của hành giả Mật Tông chính là thân, khẩu, ý. Hành giả Mật tông trước hết phải nỗ lực tinh tấn – nghĩa là dùng hết khả năng của thân, khẩu, ý để hành trì – và điều đó còn được gọi là thực hành Pháp.
Hiển nhiên, một hành giả Kim Cang thừa đồng thời cũng phải là hành giả Đại thừa – tức là phải phát triển Sáu hạnh toàn thiện (Lục Ba-la-mật). Đồng thời phải trưởng dưỡng tâm Bồ-đề và tích lũy công đức. Tích lũy công đức và phát triển tâm Bồ-đề chính là nhân ban đầu của Phật quả. Quy luật cốt lõi của toàn bộ vũ trụ là luật nhân quả. Muốn đạt được quả Phật thì phải gieo nhân thích hợp, và nhân duy nhất để thành tựu quả Phật chính là tâm Bồ-đề. Tâm Bồ-đề là nhân, là điều kiện tất yếu để thành tựu quả Phật.
Động cơ tu tập là điều quan trọng nhất đối với một người tu, vì động cơ quyết định hết thảy. Động cơ cần phải trong sáng. Các con phải luôn quán chiếu tâm mình. Ta làm việc ấy với động cơ gì? Có phải với tâm Bồ-đề hay không?
Dù làm bất cứ việc gì, thế tục hay Phật sự,hành trì, đều cần có tâm Bồ-đề. Không có tâm Bồ-đề thì việc tu hành không thể đạt được kết quả nào cả. Tâm Bồ-đề cũng là một dạng thức của tâm, nhưng nó hoàn toàn khác với những tâm chúng sinh bình thường khác. Những ai cótâm Bồ-đề chính là Bồ Tát; tâm Bồ-đề chính là sự khác biệt giữa Đại thừa và Tiểu thừa. Nếu chúng ta tu theo Đại thừa thì phải thực hành theo hạnh Bồ Tát: thật lòng chăm lo cho tất cả chúng sinh.
Đức Phật từng dạy rất nhiều phương pháp để phát triển tâm Bồ-đề. Trong đó có một cách rất hữu hiệu là quán chiếu tất cả chúng sinh hữu tình đều đã từng là mẹ của ta.
Trong các kinh của cả Hiển giáo và Mật giáo đều ghi rõ rằng: tất cả chúng hữu tình từ vô lượng kiếp trước đến nay ít nhất cũng đã một lần là mẹ của ta. Hãy tự suy ngẫm: mẹ của mình đã chịu vất vả, đau khổ như thế nào để sinh thành, nuôi dưỡng và dạy dỗ mình ngay từ tấm bé. Khi mình lớn lên thì mẹ đã phải vất vả thế nào để bảo vệ mình trước những nguy hiểm rình rập, cũng như lo lắng chăm sóc cho mình nên người. Hãy suy ngẫm đến tình yêu vô biên, bất tận của người mẹ đối với mình. Khi suy ngẫm đến công ơn của mẹ như vậy, chúng ta sẽ phát khởi một lòng biết ơn, kính quý sâu sắc và ta sẽ mong muốn đền đáp công ơn của mẹ.
Từ người mẹ ruột, chúng ta trải lòng mình ra đến tất cả chúng sinh hữu tình vì tất cả đều đã từng ít nhất một lần là mẹ của ta. Như vậy ta sẽ phát triển được tình thương yêu đối với tất cả chúng sinh, rồi tình thương yêu này sẽ tiếp tục phát triển thành tâm Bồ-đề.
Phương pháp quán chiếu thứ hai là “hoán chuyển ngã tha”. Đầu tiên, hãy quán chiếu mình và các chúng sinh khác đều khao khát được yêu thương, đều không muốn bị não hại. Nhờ vậy ta có thể trưởng dưỡng tâm từ bi. Khi tâm từ bi lớn hơn, hãy thực hiện quán chiếu theo cách đặt các chúng sinh khác cao hơn bản thân mình - đây chính là tâm Bồ Tát. Nguyện nhận hết những đau khổ của họ về mình và hiến tặng cho họ tất cả những hạnh phúc, những điều tốt đẹp mà mình có.
Từ những tình yêu đơn sơ ban đầu sẽ dần dần hình thành tâm từ bi. Và điểm mấu chốt của tâm từ bi chính là sự cảm thông và khả năng thấu hiểu được đau khổ của mọi chúng sinh. Một người có lòng từ ái, biết thương yêu và nghĩ tưởng đến sự đau khổ của người khác, luôn mong muốn họ được hạnh phúc là một người có sự khởi đầu rất tốt đẹp, là một người rất đáng trân quý. Những người luôn tỏa ra tình thương yêu, sự ấm áp, dịu dàng đối với mọi người, luôn mong mỏi mọi điều trở nên tốt đẹp, mong muốn người khác bớt được nhiều đau khổ, được hạnh phúc, đó là những người có sức cảm hóa rất lớn.
Nếu chúng ta khéo quan sát hơn thì trong cuộc sống ta sẽ thấy có rất nhiều người bị thiệt thòi, đau khổ, yếu đuối cần sự che chở của chúng ta, như những người già, người đang đau ốm, bệnh tật... Khi chúng ta ghé đến cáctrung tâm người khuyết tật, các bệnh viện, trại mồ côi... ta sẽ thấy rất nhiều người bất hạnh. Gặp họ, tự nhiên chúng ta sẽ phát khởi lòng thương yêu và cho dù tình cảm ấy vẫn còn thô sơ nhưng đó là nhân khởi đầu rất tốt đẹp cho việc phát triển tâm Bồ-đề.
Qua đó ta thấy, tâm Bồ-đề rất cần một mảnh đất vững chắc để có thể phát triển – đó là tình thương yêu đối với đồng loại, với những người bất hạnh cần che chở. Từ tình thương yêu đó ta sẽ phát khởi được tâm từ bi, rồi từ tâm từ bi ta sẽ phát khởi được tâm Bồ-đề. Từ tâm Bồ- đề tương đối là mong muốn tất cả chúng sinh được thành quả Phật cho đến tâm Bồ-đề viên mãn tức là tâm Bồ-đề của một vị Phật.
Cần lưu ý: Chúng ta phải thực hành theo trình tự. Ước muốn hạnh phúc và thoát khỏi đau khổ cho những người thù ghét hãm hại, gây chướng ngại cho mình, rồi mới đến tất cả chúng sinh hữu tình. Lúc nào cũng phải có hai phần: ước muốn hạnh phúc và thoát khỏi đau khổ. Bồ Tát là những người luôn cầu mong cho những ai thù ghét mình, gây chướng ngại cho mình gặp được hạnh phúc. Họ là những người đã vượt qua được chướng ngại của tâm. Bồ Tát thương yêu kẻ thù của mình – hoàn toàn khác với những chúng sinh phàm tục. Chúng ta phải thấy rõ không phải chỉ riêng mình hay một aiđó đặc biệt mà là tất cả các chúng sinh, không sót một ai, đều sẽ thành Phật.
Thông thường, chúng ta nhìn sự vật và hiện tượng bằng con mắt thế gian. Phụng dưỡng cha mẹ, báo hiếu cho cha mẹ đơn thuần bằng thuốc thang, thực phẩm, quần áo, nhà cửa, phương tiện đầy đủ – đó là một cách báo hiếu rất tốt. Tuy nhiên, như thế vẫn chưa được sâu sắc, chưa thể hiện trí tuệ. Vì cách báo hiếu sâu sắc nhất, tốt nhất đối với những người mẹ đã từng chăm lo cho mình là báo hiếu bằng Pháp.
Như chúng ta đã biết, khi đức Phật Thích- ca ra đời được một tuần thì mẹ ngài qua đời. Sau khi giác ngộ, ngài đã lên cung trời Đao-lợi của vua trời Đế-thích (Indra) để thuyết pháp cho mẹ trong vòng 3 tháng và giúp mẹ Ngài đạt được chứng ngộ. Đó chính là báo hiếu bằng Pháp. Chúng ta là những Phật tử, những người con của đức Phật lại càng nên noi gương Ngài. Cũng như thế, cách báo hiếu tốt nhất đối với tất cả các bà mẹ chúng sinh của ta là giúp họ đến với Chánh pháp và đạt được giác ngộ giải thoát càng sớm càng tốt.
Người ta thường nghĩ: “Làm sao tôi có thể báo hiếu cho cha mẹ mình hay giúp đỡ các hữu tình khác bằng Pháp, khi tôi vẫn còn là một con người bình thường, đầy khiếm khuyết.” Cần phải có lòng tin vào bản thân mình. Trong mỗi chúng ta đều có đầy đủ các khả năng để đạt đến quả Phật viên mãn. Ta có được thân người quý báu, lại sở hữu đầy đủ thân, khẩu, ý là những phương tiện hoàn hảo. Vì vậy, không có lý do gì khiến ta không tin rằng mình có thể thành Phật hay giúp chúng sinh khác thành Phật.
Đức Phật trước đây cũng là một chúng sinh bình thường. Thế nhưng nhờ có lòng tin và hành trì đúng đắn nên ngài đã thành Phật.
Tuy nhiên, hiện giờ những năng lực của các con còn ở dạng tiềm năng. Chỉ có một cách khiến chúng hiển lộ thành năng lực thật sự thông qua một con đường duy nhất, đó là thực hành giáo lý. Cũng như một đứa trẻ, khi vừa ra đời thì mọi năng lực đều ở dạng tiềm năng. Nếu giáo dục không tốt sẽ làm uổng phí cuộc đời của nó. Cũng đứa trẻ đó nhưng ở trong môi trường tốt đẹp sẽ phát triển thành người có đạo đức, tài năng. Thậm chí nếu gặp thuận duyên người ta có thể đạt được quả Phật viên mãn chỉ trong một đời.
Ta nhắc lại cho các con một lần nữa về tâm Bồ-đề. Tâm Bồ-đề là tinh túy của tất cả 84.000 pháp môn của chư Phật. Vì sao tâm Bồ-đề lại quan trọng đến như vậy? Vì động cơ của chúng ta khi làm việc gì đó chính là nhân của mọi sự. Nếu nhân sai lầm sẽ sinh ra quả sai lầm, nếu nhân đúng đắn sẽ sinh ra quả đúng đắn. Và quả gặt được của nhân (tâm Bồ-đề) là đạt được mọi điều chúng ta mong ước (sở cầu như ý). Chúng ta ước muốn được giác ngộ, chúng ta sẽ được giác ngộ giải thoát. Chúng ta ước muốn chúng sinh hạnh phúc, tất cả chúng sinh sẽ được hạnh phúc. Và người có trí tuệ sẽ sớm nhận biết được rằng phải giúp tất cả chúng sinh đạt đến quả Phật viên mãn thì mình mới có thể đạt đến quả Phật viên mãn. Có nhân là tâm Bồ-đề thì mới có quả là quả Phật.
Như ta đã nói ở trên, tâm Bồ-đề là tinh túy tất cả pháp môn của chư Phật. Thế nên, có được tâm Bồ-đề thì chúng ta có thể thâm nhập được tất cả các pháp.
Ngoài ra, các con phải chú ý vào ba yếu tố từ, bi và tâm. Từ có nghĩa là thương yêu. Muốn phát triển thương yêu, ta phải biết bản chất của nó là gì. Trước tiên đó là sự cảm thông với người khác. Vì cảm thông được với đau khổ của người khác chúng ta mới có thể khởi phát được tâm từ, sự thương yêu. Một cách khác nữa để phát triển tâm từ là bắt đầu quan tâm chăm sóc người khác. Do sự quan tâm và chăm sóc, ta sẽ dần dần cảm thông và từ đó phát khởi tâmtừ. Tâm từ, tâm bi và tâm Bồ-đề như nước cam lồ, có thể xoa dịu sự nóng rực của lửa sân hận, làm tan đi băng giá lạnh buốt của thù hằn. Từ tâm từ chúng ta mới có thể khởi phát tâm bi.
Khi chúng ta yêu thương người khác thật sự thì chúng ta mới có thể phát khởi được ước muốn cho họ thoát khổ. Và dĩ nhiên với trí tuệ của người học Phật, cách thoát khổ toàn hảo nhất chính là đạt giác ngộ viên mãn. Tâm bi chính là ước muốn cho tất cả chúng sinh sớm đạt được Phật quả. Khi tâm từ và tâm bi đã phát khởi chính là lúc tâm Bồ-đề phát khởi.
Một điều quan trọng nữa, đó là biết được tâm của mình. Biết được tâm mình, biết được động cơ khi hành động vốn không phải là một việc dễ dàng. Động cơ vụ lợi cá nhân hay động cơ xuất phát từ tâm Bồ-đề trong sáng? Để nhận biết được tâm mình chúng ta phải tu học. Người ta có thể làm rất nhiều điều nhìn từ bên ngoài có vẻ rất tốt như bố thí, trì giới, trì chú v.v... nhưng nếu thật tâm không khao khát tất cả việc đó sẽ đem lại giác ngộ giải thoát cho bản thân mình và cho tất cả chúng sinh thì lợi lạc thu được rất ít ỏi. Ngược lại nếu ta làm việc đó với khát khao giải thoát mãnh liệt và trong sáng thì quả chúng ta thu được là vô lượng.
Tu là chuyển hóa tâm. Tâm cần phải được chuyển hóa. Thông thường, với phàm tâm khiđược người khác khen ngợi các con cảm thấy rất thích thú. Ngược lại, ta sẵn sàng nổi sân hận với những ai chê bai mình. Là một hành giả, ta cần suy xét theo cách khác. Cần quán chiếu xem lời khen đó có đem lại ích lợi gì cho việc tu tập hay không? Tương tự, chúng ta phải quán chiếu những lời chê bai xem chúng có khiến ta chậm tiến trên đường tu hay không? Có ảnh hưởng gì đến chuyện đạt giác ngộ giải thoát không? Qua sự tu tập, tâm ta sẽ dần trở nên mạnh mẽ và những lời khen chê của thế gian sẽ không còn ảnh hưởng đến chúng ta nữa.
Nếu muốn tu tập hạnh Bồ Tát, lúc nào ta cũng phải tự đặt mình ở vị trí thấp hơn người khác và luôn chăm lo cho người khác. Một điều đặc biệt nên tránh là không được lợi dụng những ưu điểm, lợi thế của mình cũng như của người khác để mưu cầu lợi ích cho cá nhân mình. Điều này là đi ngược với đạo pháp.
Có ba thành tố quan trọng đối với người tu để mọi cách hành xử đều đem lại phước đức lớn lao:
1. Phát tâm Bồ-đề trong tất cả mọi hành động (làm vì ai, vì điều gì)
2. Thực sự bắt tay hành động, tu trì
3. Hồi hướng (cho hết thảy hữu tình chúng sinh đều đạt đến Phật quả)
🍁 Kỷ Luật Của Việc Học Pháp
“Kỷ luật người tu hướng đến là kỷ luật bên trong - kỷ luật của tâm.”
Nói về kỷ luật của việc học pháp là chúng ta đang đề cập đến một thái độ kiên định tuyệt đối đối với Chánh pháp. Tuyệt đối ở đây có nghĩa là không thay đổi, bất thối chuyển - một sự tinh tấn cao độ. Thông thường khi chúng ta thực hành Pháp thì cũng quy y, cũng phát tâm Bồ-đề, cũng thọ giới v.v... Nhưng tâm Bồ-đề ấy chưa mãnh liệt, chưa đủ tha thiết, sự tinh tấn chưa đủ dũng mãnh, sự kiên định với con đường mình đã chọn chưa đủ chín chắn. Thế nên, ta rất dễ dàng thối chí. Hôm nay ta phát tâm tu tập và lễ lạy nhiệt thành nhưng ngày mai do một chướng duyên gì đó ta lại cảm thấy mệt mỏi và lần lữa, trì trệ...
Nếu thật sự ta đủ lòng chuyên tâm với giáo Pháp, đủ kiên định với con đường mình đã chọn thì ta sẽ trở nên rất mạnh mẽ. Ta sẽ trở nên “bất thối chuyển”. Và lúc đó, bất cứ khi nào, bất cứ ở đâu, ta cũng chỉ có một mục tiêu duy nhất là Giáo pháp.
Khi chúng ta bắt đầu đến với Giáo pháp, đó chỉ mới là sự yêu thích tạm thời. Ví dụ, khi các con đến một đạo tràng, thấy đạo tràng trang trí tôn tượng, pháp khí và thangka rất đẹp nên phát khởi sự thích thú. Hoặc như khi các con gặp một vị Rinpoche và nghĩ rằng “À, vị này nhìn rất từ bi, hiền hậu”, “Vị này giảng pháp hay quá!”... rồi từ đó sinh lòng mến mộ. Ở giai đoạn khởi đầu, như vậy là tốt. Tuy nhiên, nếu sau đó cả cuộc đời chúng ta chỉ dừng lại ở sự “thích” hoặc “không thích” thì đó là điều rất nông cạn, chưa phải trí tuệ đích thực, chưa phải là phát nguyện mãnh liệt, chưa phải là tâm Bồ-đề.
Nói về kỷ luật, thông thường chúng ta giữ kỷ luật đều vì danh, vì lợi hay vì những mục đích thế tục khác. Đó không phải là loại kỷ luật mà người tu hướng đến. Kỷ luật người tu hướng đến là kỷ luật bên trong, kỷ luật của tâm. Khác xa với kỷ luật của thế gian, kỷ luật trong Phật giáo là loại kỷ luật giải thoát.
Khi nói về pháp tu trong Phật giáo thì có thể chia ra Hiển giáo và Mật giáo. Hiển Giáo bao gồm Nguyên thủy và Đại thừa, còn Mật giáo thì có Kim Cang thừa. Pháp tu của Kim Cang thừa có thể đối trị với tất cả mọi loại xúc tình tiêu cực – ngũ độc (tham lam, sân hận, si mê, kiêu mạn, đố kỵ) – từ mức độ thô tới mức độ vi tế nhất. Tuy chia như vậy nhưng tất cả tông phái của Phật giáo đều thống nhất rằng: việc tu hành thì phải thứ tự từng bước một, khôngthể thiếu trình tự hoặc đốt cháy giai đoạn. Vì tất cả chúng sinh luôn đầy dẫy nghiệp lực và xúc tình tiêu cực, nên để được thanh tịnh thì ta phải tuần tự từng bước dẹp dần các tham nhiễm từ thô lậu nhất cho đến vi tế nhất. Và một lỗi thông thường mà người Phật tử hay mắc phải là khuynh hướng thiếu nghiêm túc, đốt cháy giai đoạn. Nhiều người nghĩ rằng chỉ cần biết một chút giáo lý của Nguyên thủy, một chút của Đại thừa và một chút của Kim Cang thừa là đủ. Suy nghĩ này thật sai lầm!
Trong đời thường, nếu ta muốn trở thành một thầy thuốc giỏi để có thể giúp ích cho đời thì ta phải học hành rất kỹ lưỡng từ thấp lên cao, càng ngày càng sâu sắc hơn, càng lúc sở học càng đầy đủ hơn cho đến khi hoàn thiện. Lúc đó ta mới có thể ra đời làm thầy và có thể giúp đỡ người khác. Ngược lại, nếu ta học nóng vội, học thiếu trình tự, học đốt giai đoạn thì sẽ gây hại cho người khác và cho chính bản thân ta.
Cũng thế, trong việc tu hành đức Phật đã truyền dạy cho chúng ta rất tỉ mỉ, chi tiết và chặt chẽ, từ thấp lên cao – thứ tự từng bước một. Và bao giờ cũng vậy, điều đầu tiên các bậc thầy luôn nhấn mạnh là chúng ta cần phải có một nền tảng vững chắc. Khi nền tảng đã vững chắc thì ta mới có thể xây tiếp ngôi nhà của mình. Vì thế, nếu chúng ta muốn giúp đỡ tất cả chúng sinh, trước hết ta cần phải tu học. Cho đến khi có được năng lực thật sự thì ta mới có thể giúp đỡ họ được.
Ta nói ra điều này sẽ khiến các con cảm thấy nhàm chán, thế nhưng đối với các con điều quan trọng nhất hiện giờ, việc phải làm cho tốt trước tiên chính là quy y.
Trích “Tâm Yếu Đường Tu”
Tác giả: Sonam Jorphel Rinpoche & Garchen Ripoche
Dịch giả: Hiếu Thiện - Tâm Bảo Đàn, NXB Tôn Giáo
_Thưa thầy, thậy dạy lúc trước đến giờ con có một thắc mắc đó thầy? như nói tâm khi nó tịch diệt, thì nói tịch diệt tức là lúc đó tâm nó
_Thưa thầy, con hỏi chỗ mà niệm sanh tức chẳng sanh._Bởi vì mình chưa thấy rõ cái đang sanh tức chẳng sanh là gì, cái đang sanh tức chẳng sanh đó là
Tên thường gọi: Linh Sơn.Địa chỉ: Thị trấn Núi Sập, huyên Thoại Sơn, An Giang.ĐT: 076 710702.Chùa thường được gọi là chùa Phật bốn tay, toạ lạc thị trấn Núi Sập, huyện
Uống gì để phòng nhiễm phóng xạ?Người dân trên quần đảo Nhật Bản, đang đối mặt với mối đe dọa bị nhiễm phóng xạ. Nhà chức trách đã phát ngay cho mọi
Daisaku Ikeda là một triết gia Phật giáo , nhà giáo dục , tác giả và nhà thơ . Ông là chủ tịch thứ ba của Tổ chức Phật giáo Soka Gakkai
QUAN HỆ THẦY TRÒ Theo Tinh thần Kinh Kế thừa Chánh pháp Thầy, vầng mây bậc, thong dong, núi cao biển rộng Con, cánh nhạn chiều, chân trời sải cánh, dõi theo Thầy,
Giữ giới là lựa chọn tự do Giới luật của Phật giáo có nghĩa là: “Anh đừng tự làm thương tổn mình, anh đừng tự làm hại mình”. 1. Tự do của lệ thuộc
Đạo Phật là gì Lama Zopa and Lama Yeshe Khi bạn tìm hiểu về đạo Phật tức là bạn đang tìm hiểu về con người thật của mình, về bản chất của tâm trí
Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa(VHPG) Mọi kinh nghiệm của chúng ta, kể cả giấc mộng, khởi lên từ vô minh. Đây là một tuyên bố làm hoảng hốt