Tin Tức (680)


Từ "sát na đốn ngộ" đến thời gian khoảnh khắc và yếu tố bất ngờ trong thơ Haiku Nhật Bản- Hoàng Xuân Vinh

1,823

Phương Tây có rondeau, ballad, sonnet…Phương Đông có Đường thi, cổ phong, có sloka, có Sijo, lục bát…đều là những thể thơ cổ ngắn gọn, nhỏ nhắn, xinh xắn như lá trên cành. Các thể thơ trên đều được ghi nhận như những thành tựu đỉnh cao trên hành trình văn học và thi ca cổ điển của từng dân tộc và cả thế giới. Trong vườn thơ ca ấy có thể thơ Haiku của Nhật Bản với 17 âm tiết (5-7-5) là thật đơn sơ và dung dị. Có thể ví von Haiku như chiếc lá bé nhỏ nhất trên cội cành xum xuê của cổ thụ ngàn thơ.

Tại sao ngày xưa và cả đến ngày nay, không chỉ người Nhật mà cả thế giới Đông-Tây đều yêu thích và lựa chọn thể thơ này làm phương tiện nghệ thuật hữu hiệu để trao gửi nhận thức, tâm tư tình cảm hay để nhằm mài sắc, khai mở tuệ giác mà đạt đại ngộ như các thiền sư thời trước?

Chúng ta có thể tìm ra được thật nhiều câu trả lời với nhiều phần trăm chính xác cho câu hỏi trên. Một trong những đáp án thú vị nhất đó chính là yếu tố bất ngờ và hiệu quả thẩm mỹ kỳ lạ do nó mang lại. Trươc khi giải mã cấu từ bất ngờ của những bài thơ Haiku, có lẽ cần thiết phải có những hiểu biết cơ bản về cơ sở triết học thâm sâu của nét đẹp nghệ thuật đặc thù này. Đó chính là khái niệm “sát-na đốn ngộ”trong tư tưởng triết học Phật giáo Thiền tông.

  1. Từ “sát-na đốn ngộ”của Thiền tông…

Đi vào đời sống tâm linh tín ngưỡng của người Nhật trên đảo quốc xa xôi này từ rất sớm, khoảng thế kỷ thứ VI, Phật giáo nói chung và Thiền tông nói riêng từng bước thấm dần vào mọi ngóc ngách đời sống văn hóa tinh thần Nhật Bản, hòa lẫn vào tín ngưỡng Shinto khởi nguyên và tín ngưỡng Cái Đẹp của người Nhật. Haiku là một thể loại văn học thấm đẫm vị Thiền. Nếu phân tích từ góc nhìn nội dung tư tưởng, ta sẽ thấy Haiku phát lộ tinh thần Phật giáo Thiền tông trong các cảm thức thẩm mỹ: sabi (Tịch), wabi (Đà), aware (Bi), yugen (Huyền) và Karumi (Khinh), trong cả tư tưởng chúng sinh bình đẳng, trong tinh thần vô ngã, vô chấp, vô ngại trong mục đích giác ngộ thâm sâu huyền diệu của Phật giáo. Muốn giác ngộ được chân lý, con người phải bắt đầu từ những sat-na, mỗi sát-na đưa con người xa dần cõi ta bà và đến gần miền Tịnh độ. Đường đi vạn nẻo, đạo lý cũng vô cùng, không phải cầu là được.

Vậy “sát-na đốn ngộ là gì?” Trong các từ điển tiếng Việt, trong ngôn ngữ thuyết giáo nhà Phật và trong cả ngôn ngữ đời thường, chúng ta vẫn thường hay dùng từ “ngộ”. Đó chính là cách hiểu, cách nói vắn tắt, giản dị, mộc mạc từ khái niệm cao siêu “sát-na đốn ngộ”.

Từ điển Nho-Phật-Đạo giải thích: Sát-na (Ksana) là “thuật ngữ Phật giáo dùng để chỉ quãng thời gian ngắn nhất”. Còn “đốn ngộ” là thuật ngữ Phật giáo chỉ việc không cần tu hành lâu dài, mà dựa vào linh tính bõng nhiên giác ngộ Thiền lý, nắm vững tôn chỉ của Phật…Phái Nam tông (1) đề xướng đốn ngộ”[1]. Kết hợp hai thuật ngữ trên ta có thể hiểu một cách tổng hợp và ngắn gọn: “Đốn ngộ”là một thuật ngữ của Thiền học có nghĩa là “lập tức giác ngộ, tức khắc giác ngộ”. Sự bừng ngộ này xảy ra trong khoảng thời gian cực ngắn mà tiếng Sanskrit gọi là ksana [2, 170].

2…đến thời gian khoảng khắc và yếu tố bất ngờ trong thơ Haiku

Từ một kiến thức lý luận cơ bản như vậy, soi vào thế giới nghệ thuật thơ Haiku, ta mới thấy sự muôn màu của cuộc sống và chân lý. Sát-na đốn ngộ làm nên đặc trưng thẩm mỹ của Haiku, thành bản chất nghệ thuật của thể loại thơ cổ điển này, là cơ sở tạo nên yếu tố bất ngờ có thể được xem như cái cốt lõi của cấu tứ bài thơ, tạo ra cái duyên độc đáo và sức thu hút kỳ lạ của những bài thơ bé cỏn con này.

Nếu sơ bộ làm công việc thống kê, dù không có một con số cụ thể, chỉ bằng cảm tính và nhẩm tính, cũng có thể khẳng định hơn một nửa số bài Haiku có chứa yếu tố bất ngờ trong thời gian khoảnh khắc. Đó chỉ là những bài thơ mà yếu tố bất ngờ ẩn tàng nắp kín, phát hiện được hay không còn tùy thuộc vào cảm nhận, tiếp nhận của bạn đọc. Khảo sát yếu tố bất ngờ trong thơ Haiku thường gần với việc phát hiện thời gian khoảnh khắc . Việc tiếp cận những bài thơ nhỏ bé này để khai thác yếu tố bất ngờ cũng không đơn giản. Có nhiều con đường đưa ta vào Haiku vạn nẻo và không có cái bất ngờ nào giống cái bất ngờ nào cả!

Xuất phát từ vị trí, điểm nhìn và trạng thái cảm xúc, ta thấy có ba chủ thể chính được đưa vào tư thế bất ngờ, đó là chủ thể thẩm mỹ, khách thể thẩm mỹ và độc giả. Có bài thơ chủ yếu sự bất ngờ xảy ra cho một trong ba chủ thể trên, nhưng phần lớn các bài đều tạo hiệu quả bất ngờ cho cả ba chủ thể, nhất là chủ thể thẩm mỹ-người sáng tạo nghệ thuật và độc giả-người thưởng thức, đồng cảm và đồng sáng tạo. Xét về cấu tứ bài thơ và kết cấu thứ tự các câu thơ, phần lớn yếu tố bất ngờ thường rơi vào câu thơ thứ ba-câu thơ có vai trò kết thúc bài thơ, nhưng lại mở ra chân trời cảm xúc và suy tưởng. Tuy nhiên, việc khảo sát qua các bản dịch thơ vốn không phải lúc nào cũng có thể đạt chữ “tín”lẫn chữ “nhã”, nên chúng tôi tránh sự khẳng định thứ tự câu thơ một cách tuyệt đối khi chưa có điều kiện đối chiếu với nguyên tác. Yếu tố bất ngờ không phải là nét đặc điểm nghệ thuật duy nhất của thơ Haiku, nên khi cảm thụ một bài thơ cụ thể, việc lấy ra một yếu tố bất ngờ chỉ là một thao tác phân tích nghệ thuật có tính ước lệ. Trên thực tế, trong quá trìnhcảm thụ phân tích, cần phải thấy mối liên kết thầm lặng giữa các phạm trù thi pháp thơ Haiku trong mối quan hệ tổng hòa các cảm thức thẩm mỹ. Cũng cần phải xác địnhrằng, Haiku trước hết là thi ca chứ không phải kinh kệ, cho nên chúng ta đừng nhầm lẫn, tránh đồng nhất Thi và Thiền. Có những nhà thơ là người của cửa thiền như Basho, Chiyoni, Ryokan…cũng có rất nhiều thi nhân là người thế tục. Nhưng điều đó không quan trọng bởi vì “Phật tại bản tâm”. Vì vậy ta có thể lọc ra, hứng lấy một chút hương vị Thiền trong các bài Haiku một cách tự nhiên mà không cần định danh Haiku là Thiền Thi. Đã biết Thiền vốn “bất lập văn tự”, vậy cứ thế mà cảm, mà tri, mà ngộ, tránh áp đặt mọi giáo lý cho thi ca. Hơn nữa, trong Haiku còn rất đậm dấu ấn của Thần đạo (Shinto), Đạo giáo và tín ngưỡng Cái Đẹp của người Nhật. Và trong mỗi chủ thể thẩm mỹ sáng tạo là hình tượng tác giả cũng khó phân định rạch ròi hai bản thể thiền sĩ và thi nhân. Thiền sư ngộ đạo, nhà thơ cứ ngộ đời. Đạo và đời vốn dĩ đâu phải là hai con đường song song vô tận?

Trong chương trình văn học lớp 10 cơ bản có tám bài Haiku được giới thiệu. Trong đó, bài số 1 và số 2 được phân tích nhiều nhất với điểm sáng thẩm mỹ là sát-na đốn ngộ và yếu tố bất ngờ.

Đất khách mười mùa sương

      Về thăm quê ngoảnh lại

      Edo là cố hương. (Basho)

Sinh ra ở Iga, gắn bó nhiều với Kyoto và đôi lần dừng chân ở Edo, bấy giờ là thủ phủ của chính quyền Tokugawa, hình như Basho cứ ngỡ Edo là quê người đất khách. Hơn mười năm sương gió được Edo bao bọc, thi nhân vẫn ngóng vọng về Iga quê mẹ. Cho đến một ngày từ biệt Edo, chính trong cái phút giây từ biệt ấy, nhà thơ mới thảng thốt nhận ra Edo từ đây đã trở thành cố hương, điều đó có nghĩa là bao mùa sương qua, Edo đã là quê hương thương yêu trong ta mà ta nào có biết. Cái khoảnh khắc quay đầu ngoảnh lại ấy thật cảm động và bất ngờ biết bao! Nhà thơ Giả Đảo đời Đường hơn 800 năm trước trong bài thơ “Độ Tang Càn” khi qua sông, bến Tang Càn khuất bóng, cũng hốt nhiên nhận ra “khách xá Tịnh Châu dĩ thập sương”đã trở thành “Tịnh Châu thị cố hương”.

Chim đỗ quyên hót / ở kinh đô / mà nhớ kinh đô. (Basho).

Người Nhật gọi chim đỗ quyên là chim thời gian (hotutughisu). Đó là một thi liệu truyền thống mang tính ước lệ cao, vừa có ý nghĩa nhớ nước thương nhà, lại có ý nghĩa tiếc nuối thời gian, hối tiếc cho cái vô thường đã qua, đã mất. Chính cái khoảnh khắc giao mùa xuân-hè ấy, nghe một tiếng chim thời gian mà hốt nhiên thi nhân nhận ra nỗi nhớ tiếc khôn nguôi một không gian xưa trong một thời gian quá khứ. Nếu ở bài thơ trên, phút ra đi nhà thơ mới ngộ Edo là quê hương, là cố hương, thì ở bài này yếu tố bất ngờ lại mang một nội hàm có dáng vẻ kháclạ chưa kìa, chưa xa mà đã nhớ, đang ở mà sao lại da diết tiếc thương! Có lẽ vì trong cái tiếng kêu khắc khoải của con chim thời gian ấy, có kinh đô của hơn hai mươi năm trước, có kinh đô của hiện tại đong đầy và có cả kinh đô của ngàn sau, có ta-Basho của tuổi ngoài hai mươi trai trẻ, có ta nay của xấp xỉ ngũ tuần tóc chớm bạc và biêt đâu có cả ta của thiên thu vĩnh cửu. Nhịp thời gian chợt dừng lại trong một điểm thời gian ấy, khi con chim đỗ quyên kia nức nở hót bên thềm. Bài thơ giúp bạn đọc của ngàn sau ngộ ra một điều sâu sắc: trong cái hiện tại của ta có cái quá khứ mà ta nâng niu trân trọng và cái hiện tại này rồi cũng sẽ là quá khứ tiếc thương của một ngày mai không xa trên dòng thời gian miên viễn.

Basho đã từng làm kinh ngạc đến  ngẩn ngơ một nhóm người yêu thơ trên đường thiên lý mà ông tình cờ gặp gỡ. Để lại một bài thơ kỷ niệm nhân duyên hội ngộ, mực chưa kịp ráo, người đã tiếp tục hành trình, chỉ còn lại một vầng trăng tỏa sáng, không dùng một từ “tròn”mà viên mãn một trời thơ.

Vầng trăng non dại / Theo tôi từ độ ấy / Có ai ngờ đêm nay. (Basho)

Nhiều bài Haiku xuất hiện cảm từ, hô ngữ “A!” như một tiếng reo vui trước một sự xuất hiện bất ngờ của một khách thể thẩm mỹ đáng yêu nào đó.

Dầu đã cạn / tôi xếp sách đi ngộ / ai chiếc gối ngời ánh trăng. (Basho)

Bài thơ không thể nói mà ta biết rằng thi nhân đã mải mê đọc sách đến rất khuya. Và đến lúc định ngả lưng xuống gối thì bất ngờ thay, đẹp quá đến nỗi nhà thơ phải reo lên: “A! chiếc gối ngời ánh trăng”. Một sự xuất hiện bất ngờ của một người bạn đến cũng thật bất ngờ, một vẻ đẹp bất ngờ và huyền diệu quá! Đó là sự tương giao đồng cảm tuyệt vời giữa con người và vũ trụ mà ta thường bắt gặp trong nhiều bài haiku nhưng chưa bao giờ ta hết bất ngờ, ngạc nhiên và thích thú!

Nếu vầng trăng tra cán / a rạng ngời / chiếc quạt. (Sokan)

Thật là một phát hiện, một liên tưởng ngộ nghỉnh!

Nữ sĩ Thiền ni Chiyoni cũng đã có lần reo lên như vậy:

Al /Asagao / Dây gầu vương hoa bên giếng /Đành xin nước nhà bên.

Câu đầu tiên là một sự xuất hiện quá đỗi bất ngờ của những bông hoa leo Asagao (tức hoa triêu nhan-nghĩa là gương mặt buổi sáng) khi Chiyo một sáng tinh mơ ra giếng thơi múc nước, bất ngờ gặp một đóa triêu nhan nở trong sương sớm. Câu thứ hai là một vẻ đẹp đến bất ngờ khi sức sống mãnh liệt khiến Asagao bò đến quấn quít vào sợi dây gàu bên giếng. Cái mảnh mai xanh non dịu dàng của loài dây leo bỗng làm mềm mại hóa dây gầu xù xì thô ráp. Sự tương phản và tương hợp ở đây kết hợp thật hài hòa để làm nên một cái đẹp tự nhiên tinh khiết đến bất ngờ. Câu thứ ba lại là một sự bất ngờ khác. Chỉ cần nói “đành xin nước nhà bên”, nhân vật trữ tình đã có một hành động đẹp thầm lặng và bất ngờ. Bài thơ có nhiều khoảng trống vắng. Chấm phá trên nền trống vắng ấy là cái đẹp bất ngờ của tự nhiên và của cả cách ứng xử, sự nâng niu trân trọng cái đẹp của con người, của những tâm hồn Nhật Bản.

Có khi vì quá xúc động trước cái đẹp quá lồng lộng, quá bất ngờ, nhà thơ chỉ còn biết thốt lên:

Kìa Tùng Đảo (Matshushima) / ô kìa Tùng Đảo / kìa Tùng đảo! (Basho)

Còn nhiều lắm những cái đẹp bất ngờ trong một khoảnh khắc nào đó của cuộc sống bỗng nhiên xuất hiện.

Bông hoa đỏ rụng / giữa phân ngựa / cháy thành ngọn lửa. (Buson)

Phân ngựa hay bao nhiêu hình ảnh mộc mạc, xù xì thô ráp xấu xí khác đều vào thế giới haiku để thành thơ, thành cái đẹp của cuộc đời. Đám phân ngựa bẩn thỉu nghèo nàn kia cũng là cái đẹp, càng đẹp hơn khi nó hài hòa cùng bông hoa đỏ kiêu sa để bùng lên thành ngọn lửa nóng ấm, sáng chói, huyền bí như một vị thần.

Cùng với hai hình ảnh vừa tương phản vừa tương hợp kỳ lạ, ta còn có một bức tranh thủy mặc đẹp đến bất ngờ trong cái nhìn vô chấp của thiền sư:

Con quạ ô / sớm mai trong tuyết / đẹp không ngờ. (Basho)

Đó có thể là phút gặp gỡ bất ngờ giữa tử đằng và người lữ khách mệt mỏi bụi đường , là duyên kỳ ngộ giữa hoa và người:

Mỏi gót lang thang / đêm tìm quán trọ / gặp hoa tử đằng. (Basho)

Cũng là phút gặp gỡ tình cờ đó, nhưng rồi cũng bất ngờ vụt mất nhau trên đường đời xa ngái:

Ngoái cổ ngó lại, / người tình cờ gặp / đã bụi mù lạc mất. (Shiki)

Có thể là cuộc hội ngộ chào đón quá bất ngờ đến đau lòng người về quê cũ:

Về làng cũ, / những bụi hoa xưa / xỉa gai ra đón. (Issa)

Nhưng cũng có thể là một món quà dễ thương đến bất ngờ của mùa đông:

Cơi lửa lên nào, / tôi có mòn quà kỳ diệu / nắm tuyết trắng phau. (Basho)

Và khi đông qua, xuân đến lại một cảnh đông vui đáng yêu bất ngờ khác:

Tuyết tan / làng quê ngập tràn / trẻ con. (Issa)

Rồi mặt trời đỏ xuất hiện mang một sức mạnh thiêng liêng thật hùng vĩ và bất ngờ:

Mùa hoa mơ ơi / con đường núi mọc / bỗng nhiên mặt trời. (Basho)

Hay một âm thanh bất ngờ của cuộc sống:

Bão giông nguôi ngớt / cổ thụ vắng ngắt / tiếng ve sầu. (Shiki)

Một đêm băng giá mùa đông, một điêu huyền diệu đã xảy ra:

Bất ngờ ta thức / cùng đêm băng giá /khi vò nước vỡ. (Basho)

“Thức”ở đây không còn là một trạng thái sinh lý mà là một khái niệm tinh thần. Tiếng vò nước vỡ giữa đêm dài thanh vắng buốt giá mang đậm cảm thức Sabi (Tịch) không chỉ là một tiếng vang của cuộc sống mà còn là âm thanh của sâu thẳm tâm linh và của đêm huyền diệu. Đó là khoảnh khắc bất ngờ đốn ngộ đưa con người hòa vào vô tận trời đêm, vô cùng cuộc sống.

Thiền sư Ryokan lại làm ta phải bật cười khi ông mừng rỡ như đứa trẻ thơ vì:

Kẻ trộm kia, / đã không lấy đi / vầng trăng nơi cửa sổ.

Thật là một niềm vui bất ngờ và ngộ nghĩnh! Làm sao tên trộm lấy đi được vầng trăng? Mà có ai lại xem trăng là của riêng mình chứ!

Trong giông bão, / áo rơm người chèo chống, / hóa áo hoa đào. (Basho)

Cái đẹp bất ngờ ấy giúp ta ngộ ra, nhận ra sức mạnh và vẻ đẹp của người lao động, lam lũ vất vả mà vẫn hết sức lãng mạn, tao nhã, thanh cao.

Ngày đầu xuân / sao mà tôi nhớ / chiều thu cô đơn. (Basho)

Sự chuyển đổi tâm trạng kỳ lạ trong bài thơ đã tạo nên một cảm xúc ngược chiều bất ngờ trong cả chủ thể và khách thể trữ tình.

Dưới cây lao xao / chén canh, đĩa cá / đều vương hoa đào. (Basho)

Bài thơ là một bữa tiệc bất ngờ, bửa tiệc hoa! Cũng theo tín ngưỡng của người Nhật, nếu hoa đào rơi vào cốc chén của người thưởng hoa, người ấy sẽ có đượclộc xuân và niềm vui bất ngờ.

Còn biết bao bài thơ Haiku chứa đựng trong chúng những khoảnh khắc bất ngờ muôn màu muôn sắc, muôn hình muôn vẻ. Trong đó có những bài thơ yếu tố bất ngờ không phát lộ tường minh mà tàng ẩn thật sâu xa:

Áo cũ / con ếch nhảy vào / vang tiếng nước xao. (Basho0

Bước nhảy của con ếch nhỏ đã đánh thức cả vũ trụ tịch liêu. Sự yên tĩnh tuyệt đối của mặt nước, của không gian, của thời gian, của vũ trụ chỉ trong một tích tắc bỗng dưng bị phá vỡ. Rồi cũng chỉ trong chớp mắt, vạn vật lại trở về trạng thái lặng yên vĩnh cửu. Lắng nghe dư âm, lặng nhìn dư ba, thiền sư hốt nhiên đốn ngộ ta và vũ trụ này là nhất thể khởi nguyên.

Tiếng thủy âm trong bài thơ này cũng giống như âm vang tiếng đồng vọng trong bài thơ sau:

Tôi vỗ bàn tay / dưới trăng mùa hạ / tiếng dội về ban mai. (Basho)

Nhiều bài thơ của Basho đẹp và sinh động như một bức tranh tả cảnh, có vẻ như không liên quan gì đến “đốn ngộ” với “bất ngờ”!

Trên cành liễu nghiêng,

con bướm đổi chỗ

mỗi lần gió lên. (Basho)

Thực ra, khi quan sát động thái của con bướm trong tương quan với cành liễu và cơn gió, thiền sư đã thấy con người và con bướm kia là một. Cuộc sống là một dòng biến chuyển không ngừng, ta hãy như con bướm kia trên cành liễu nghiêng trong trạng thái cân bằng an nhiên tự tại. Cám ơn cánh bướm bé nhỏ đã mở lối vào đường Thiền thênh thang, vào đường đời gập ghềnh vạn nẻo!

Đến từ cuộc sống rồi tan biến vào cuộc sống, mang hơi thở và nhịp đập của cuộc đời, Haiku vì thế chứa đựng trong nó yếu tố bất ngờ là một điều giản dị, tự nhiên, dể hiểu và thuận lý. Tìm hiểu về sát-na đốn ngộ, thời gian khoảnh khắc và yếu tố bất ngờ trong thơ Haiku chính là con đường học thuật dẫn dắt đến thế giới nghệ thuật thơ Haiku, thế giới của cái Đẹp, của văn hóa Phù Tang. Nó giúp ta tiếp cận và giải mã được một kiểu cấu tứ độc đáo của Haiku và góp phần khẳng định sức sống, sức hấp dẫn kỳ lạ của thể thơ bé nhỏ nhất trong thế giới rộng lớn này. Và hình như còn nhiều hơn thế nữa, nó giúp ta giác ngộ được bao điều sâu sắc, mở ra trươc mắt ta thế giới Cái Đẹp muôn màu và dẫn dắt ta tìm được sự bình tâm an lạc trên mọi nẻo đường đạo lẫn đường đời.

Chú thích:

1. Nam tông ở đây là Thiền phái Nam tông do Lục tổ Huệ Năng xướng xuất tại Bảo Lâm tự ở Tào Khê

 Tài liệu tham khảo

  1. Lao Tử và Thịnh Lê, Từ điển Nho-Phật-Đạo, Nxb Văn học, Tp. Hồ Chí Minh, 2001.
  2. Nguyễn Thị Bích Hải, Văn học Châu Á  trong trường phổ thông, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2002.
  3. Nhật Chiêu, Thơ ca Nhật Bản, Nxb Giáo dục, Tp. Hồ Chí Minh, 1998.
  4. Nhật Chiêu, Basho và thơ Haiku, Nxb Văn học, Tp. Hồ Chí Minh, 1994
  5. D.T. Suzuki, Thiền luận, Nxb Tp. Hồ Chí Minh, 1998.
  6. www.google.com.vn

Hoàng Xuân Vinh

Theo: Tạp chí VHPG 104

1,823

Krishnamurti Nói Về Cái Chết - Thích nữ Tuệ Dung dịch

Sáng nay ta theo con đường đi xuống. Mùa xuân đang ngự trị, trời xanh diệu kỳ không một gợn mây, nắng xuân ấm áp. Ta rất sảng khoái. Lá cây lấp

1,091
Chùa Tây Tạng

Chùa Tây Tạng Tên thường gọi: Tây Tạng. Địa chỉ: Phường Chánh Nghĩa, thị xã Thủ Dầu Một, Bình Dương. ĐT: 0650 3823020. Chùa toạ lạc trên một ngọn đồi thấp thuộc

1,474
Losar – Lễ hội năm mới của người dân Tây Tạng

Giác Ngộ - Nhận lời mời của Giám đốc Hệ thống phát hành Văn hóa phẩm Phật giáo Hoàng Thần Tài, chúng tôi đến tham dự tiệc buffet chào mừng Lễ hội Losar – Lễ

20,626
Thiền và trí thức - BS Đỗ Hồng Ngọc

Một hôm, nhạc sĩ Dương Thụ mời tôi đến Cà phê thứ 7 của anh trò truyện một bữa cho vui. Được thôi. Tôi vẫn thỉnh thoảng đến chỗ anh để uống

1,515
Hòa bình trong năm giới

Hòa bình trong năm giớiLịch sử loài người luôn luôn có chiến tranh, đến độ học lịch sử là học về những cuộc chiến tranh. Hòa bình là điều khó khăn đối

15,198
Top Bài Viết
Quan Hệ Thầy Trò
Niệm Tự Bạch

QUAN HỆ THẦY TRÒ Theo Tinh thần Kinh Kế thừa Chánh pháp Thầy, vầng mây bậc, thong dong, núi cao biển rộng Con, cánh nhạn chiều, chân trời sải cánh, dõi theo Thầy,

33,376
Giữ giới là lựa chọn tự do
Phật học Ứng Dụng

Giữ giới là lựa chọn tự do  Giới luật của Phật giáo có nghĩa là: “Anh đừng tự làm thương tổn mình, anh đừng tự làm hại mình”. 1. Tự do của lệ thuộc

32,798
Đạo Phật là gì?
Niệm Tự Bạch

Đạo Phật là gì Lama Zopa and Lama Yeshe Khi bạn tìm hiểu về đạo Phật tức là bạn đang tìm hiểu về con người thật của mình, về bản chất của tâm trí

32,704
Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa
Tìm Hiểu & Học và Hành

Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa(VHPG) Mọi kinh nghiệm của chúng ta, kể cả giấc mộng, khởi lên từ vô minh. Đây là một tuyên bố làm hoảng hốt

32,489
Chùa Việt
Sách Đọc