Bát Nhã và Bát Nhã Tâm Kinh
Bát Nhã Ba La Mật Ða Tâm Kinh là một cuốn Kinh rất phổ cập trong mọi giới Phật Tử. Các Tông phái như Thiền Tông, Tịnh Ðộ Tông, Mật Tông, các vị Tu sĩ và các hàng cư sĩ đều đọc tụng, tu trì. Có thể nói đây là một phẩm Kinh phổ cập bậc nhất. Lý do của sự phổ cập nầy là phẩm Kinh rất ngắn gọn mà chứa đựng trọn nghĩa lý thâm diệu của tư tưởng Bát Nhã. Lại nói về phương diện thực hành, Tâm Kinh có thể dùng để trì tụng hàng ngày, hoặc dùng làm đề mục thiền quán.
Theo lịch sử Phật Giáo, Bát Nhã là một trong hai tư tưởng lớn nhất của Phật Giáo. Hai tư tưởng đó là Thật Hữu và Không Quán. Tư tưởng Thật Hữu được nói lên ở các Kinh A Hàm và tư tưởng Không Quán được nói lên trong các Kinh điển Bát Nhã.
Trường phái Bát Nhã hay Không Tuệ được khai triển đầu tiên từ giáo lý Vô Ngã. Giáo lý Vô Ngã là hệ luận của tư tưởng Duyên Khởi do chính Ðức Phật truyền dạy. Theo giáo lý nầy, tất cả đều do nhân duyên hòa hợp sinh ra cho nên là không thật có. Tư tưởng Bát Nhã phát triển sớm nhất ở Trung Ấn do Ðại Chúng Bộ. Vào thế kỷ thứ 1 trước Tây lịch, Tiểu Phẩm Bát Nhã được thành lập. Ðến thế kỷ thứ 1 sau Tây lịch, Ðại Phẩm Bát Nhã thành tựu. Tư tưởng Bát Nhã nhằm vào mục đích dẫn đến sự thể nghiệm cái thấy trực tiếp tướng chân thật của các pháp (các đối tượng của nhận thức) bằng cách vượt qua những giới hạn của mọi phạm trù. Cái thấy nầy được gọi là Trí Tuệ Bát Nhã hay Không Tuệ và đối tượng thấy của cái thấy nầy là Thực Tướng Không. Phương pháp khai thị và dẫn độ trong hệ thống Bát Nhã là dùng phương pháp phủ định để khẳng định. Sự soi sáng nầy đi từ cái thấy rằng các pháp - tâm và sắc - là không. Chúng, là đối tượng của nhận thức, đã là không thì chủ thể nhận thức cũng là không. Quán sát đến tận cùng cả hai đều không, không bắt, không nắm thì thể nhập vào Không Tuệ. Không Tuệ là một kinh nghiệm, không phải là một kiến thức, một sự hiểu biết hay một cảm giác. Cái thấy của Không Tuệ là không ta, không ngoại cảnh, cũng không ngoan không. Bấy giờ hiển lộ một kinh nghiệm của trạng thái trơn tru, rỗng suốt.
Sau Phật nhập diệt khoảng bảy trăm năm, Ngài Long Thọ thuộc Ðại Chúng Bộ xiển dương tư tưởng Trung Quán tức Thật Tướng Ðại Thừa Giáo. Triết lý Trung Quán lấy Trung Quán Luận của Ngài Long Thọ làm trọng tâm, khai triển tư tưởng Thật Tướng Bát Nhã, lấy Trung Ðạo Thật Tướng làm chính quán. Các phái Phật giáo Trung Hoa về sau như Tam Luận Tông, Thiên Thai Tông, Thiền Tông đều thuộc vào hệ thống Thật Tướng Luận.
Tư tưởng trung tâm của Trung Quán nằm ở bốn câu tụng:
Nhân duyên sở sanh pháp
Sở thuyết tức thị không
Thị danh vi giả danh
Diệc danh Trung Ðạo nghĩa.
(Các pháp do nhân duyên sanh
Cho nên gọi là Không
Không cũng chỉ là giả gọi
Nên gọi là Trung Ðạo)
Theo các vị Cổ Ðức, thể nhập vào Chính Kiến Trung Ðạo là thấy được Thực Tướng “đương thể tánh không, vô ngại duyên khởi” của các pháp (Tánh mọi hiện tượng ngay trong hiện tiền là rỗng không, các pháp nương nhau mà hiện hữu trong những mối liên hệ không vướn ngại.)
Triết học Trung Quán mà Ngài Long Thọ dùng để thuyết minh giáo lý Tánh Không của Bát Nhã đặt cơ sở trên Bát Bất (Tám Phủ Ðịnh) hay Bát Bất Trung Ðạo. Ðó là bốn cặp phủ định:
Bất sinh, bất diệt
Bất thường, bất đoạn
Bất nhứt, bất dị
Bất lai, bất xuất.
(Không sinh, không diệt
Không thường còn, không chấm dứt
Không đồng nhất, không khác biệt
Không đến, không đi.)
Ðó là biện chứng dùng phủ định, phủ định tất cả để đạt đến Trung Ðạo. Trung Ðạo bây giờ cũng là chân lý ở ngoài mọi khái niệm, mọi giả lập.
Tuyệt đối không một sự vật gì ở thế giới hiện tượng có sự hiện hữu thật sự và trọn vẹn, tất cả chỉ là giả lập. Cũng thế, mọi thuyết lý về thế giới hiện tượng là những thuyết lý về những cái không thực của những thuyết giả không thực với những tư tưởng không thực. Phương tiện của Trung Luận dùng để thuyết minh Tánh Không như vậy cũng là không thực và do đó có tính cách nghịch hành.
Tuy nhiên, nếu thế giới hiện tượng tất cánh là không thì Không là thực tại. Không ở ngay đây và bây giờ, bao trùm tất cả. Không có sự khác biệt giữa Không và thế giới hiện tượng. Và Niết Bàn ở ngay chỗ thể nhập vào Tánh Không đó, Niết Bàn ở mọi nơi và mọi lúc.
Hiểu như thế, chúng ta sẽ hiểu được Tâm Kinh Bát Nhã, một bản Kinh mà trọng tâm là phủ định tất cả để xiển dương một cái thấy trơn tru rỗng suốt không bị ngăn ngại.
Kinh điển Bát Nhã bắt đầu truyền vào Trung Hoa từ thời Hán Linh Ðế. Các Kinh Bát Nhã được dịch sang Hán văn tổng cộng có 747 quyển.
Ðại Bát Nhã Kinh do Ngài Huyền Trang dịch vào đời Ðường Trinh Quán gồm có 600 quyển, phân ra thành “bốn chốn, mười sáu hội” (tứ xứ thập lục hội). Phần lớn các Kinh Bát Nhã hiện đều còn tồn tại như các Kinh Thập Vạn Tụng Bát Nhã, Bát Thiên Tụng Bát Nhã, Nhị Vạn Ngũ Thiên Tụng Bát Nhã.
Bát Nhã Tâm Kinh là tập hợp tinh yếu của cả hệ thống Bát Nhã vĩ đại kia. Kinh nầy có thể nói là tâm tủy, cốt lõi của tư tưởng Bát Nhã.
Sự liên hệ giữa Tâm Kinh và Bát Nhã, ngoài tư tưởng, chúng ta còn có thể thấy trong văn bản. Nhiều đoạn trong Tâm Kinh gần như nguyên văn của Ðại Phẩm Bát Nhã, như những đoạn sau đây trong Ðại Phẩm:
“Xá Lợi Phất! trong tánh không của sắc, không có sắc, trong thọ, tưởng, hành, thức cũng không có sắc. Xá Lợi Phất, sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, sắc tức là không, không tức là sắc, thọ tưởng hành thức không khác không, không không khác thọ tưởng hành thức.... Xá Lợi Phất, tướng không đó của các pháp, không sanh không diệt, không nhơ không sạch, không tăng không giảm. Không có quá khứ, không có vị lai, không có hiện tại, như thế trong không không có sắc, không thọ tưởng hành thức, không có mắt... không có thế giới được nhìn thấy... cho đến không có thế giới của ý thức, không có vô minh, cũng không có sự chấm dứt của vô minh, cho đến không lão tử... không có Khổ Thánh Ðế, không có Tập Diệt Ðạo Thánh Ðế, không chứng đắc cũng không có quán niệm...”
(Xá Lợi Phất, sắc không trung vô hữu sắc, thọ tưởng hành thức trung vô hữu sắc. Xá Lợi Phất, sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc, thọ tưởng hành thức bất dị không, không bất dị thọ tưởng hành thức... Xá Lợi Phất, thị chư pháp không tướng, bất sanh bất diệt, bất nhiễm bất tịnh, bất tăng bất giảm. Phi quá khứ, phi vị lai, phi hiện tại, như thị không trung vô sắc, vô thọ tưởng hành thức, vô nhãn xứ... vô nhãn giới... nãi chí vô ý thức giới, vô vô minh, diệc vô vô minh tận, nãi chí vô lão tử... vô Khổ Thánh Ðế, vô Tập Diệt Ðạo Thánh Ðế, vô đắc vô hiện quán...)(Phẩm Quán Chiếu thứ ba.)
“Là đại thần chú, là vô thượng chú, là chú không gì sánh, là vua trong hết thảy các chú... có thể hàng phục hết thảy mà không khởi lên sự hàng phục hết thảy”
(Bát Nhã Ba La Mật, thị vô thượng chú, thị vô đẳng đẳng chú, thị nhất thiết chú vương... năng hàng phục nhất thiết, bất vi nhất thiết chi sở hàng phục.)(Phẩm Công Ðức thứ ba mươi hai.)
“Bát Nhã ba la mật, là đại thần chú, là chú không gì hơn, là chú không gì sánh... có thể trừ được hết thảy pháp dữ, có thể cùng với hết thảy pháp lành."
(Bát Nhã Ba La Mật, thị đại thần chú, thị vô thượng chú, vô đẳng đẳng chú... năng trừ nhất thiết bất thiện, năng dữ nhất thiết thiện pháp.) (Phẩm Hộ Trì thứ ba mươi bốn.)
Sự phát triển tư tưởng trong kinh điển Bát Nhã đi từ Nguyên Thủy đến Tiểu Thừa, rồi từ Tiểu thừa phát triển lên Ðại thừa. Tâm Kinh Bát Nhã liên hệ mật thiết với Ðại Phẩm Bát Nhã, thuộc về Trung kỳ Bát Nhã, tư tưởng từ Tiểu Thừa chuyển sang Ðại Thừa. Quá trình phát triển tư tưởng Bát Nhã khởi từ Hiện Tượng Không Quán, phủ nhận sự hiện hữu của các hiện tượng các pháp, đoạn trừ tâm chấp pháp, tiến lên phá trừ luôn cái thấy hai bên (nhị biên): nầy là tốt kia là xấu, nầy là sở trường kia là sở đoản, nầy là lớn kia là nhỏ..., và tiến đến sự thể nhập vào Trí Tuệ Hoàn Toàn Bình Ðẳng tức Chơn Không Bát Nhã.
Về nội dung của bản Tâm Kinh có thể tóm lược lại như sau:
Mở đầu, Kinh giới thiệu vị Thuyết Pháp Chủ và cũng là hành giả của pháp môn: đó là Ngài Quán Tự Tại Bồ Tát. Ngay trong đoạn mở đầu nầy, giáo pháp của Kinh được nêu lên: công năng và lợi ích của sự hành trì Bát Nhã: Trí Tuệ (soi thấy năm uẩn là không) và Giải Thoát (vượt thoát tất cả khổ ách.)
Phần hai cũng là phần chính của Kinh: dùng luận lý phủ định để minh thị tư tưởng Không. Sau đó, lấy tinh thần tôn giáo để đưa vào.
Sự minh thị tư tưởng Không chia làm ba phần: Nhân Gian Quan, Thế Giới Quan và Tu Chứng Quan.
Nhân Gian Quan khởi đi từ đối tượng vật chất là sắc pháp. Sắc pháp do duyên khởi nên biến hoại không ngừng nên là không, nhân duyên sanh các pháp cho nên không phải là không, vừa không vừa không phải là không nên sự trực nhận được thật tướng là Trung Ðạo. Sắc pháp tức là không cho nên là không, không tức là sắc pháp tức là huyễn hóa cho nên là giả, quán sát như vậy tức là Không Giả Quán. Sau cùng, quán sát đến các hiện tượng tinh thần: thọ, tưởng, hành, thức cũng thảy đều như vậy.
Thế Giới Quan : minh định thể của mọi sự vật, mọi hiện tượng trong vũ trụ đều là không, và tính chất của bản thể Không đó là tuyệt đối: không sanh, không diệt, không dơ, không sạch, không tăng, không giảm. Sau khi xác định rằng thực thể của vũ trụ là Không, Kinh dẫn vào ba môn Không Quán: Ngũ Uẩn Không Quán, Thập Nhị Xứ Không Quán, Thập Bát Giới Không Quán.
Ngũ Uẩn Không Quán là quán về sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Thập Nhị Xứ Không Quán là quán về sáu căn và sáu cảnh. Sáu căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý, và sáu cảnh là sáu đối tượng của sáu căn: cảnh giới của mắt, cảnh giới của tai.... Thập Bát Giới là sáu căn, sáu cảnh và sáu thức. Sáu thức là sự biết của mắt, sự biết của tai, sự biết của mũi, sự biết của lưỡi, sự biết của thân, sự biết của ý.
Tu Chứng Quan: Ðạo lý Mười Hai Nhân Duyên của các bậc Duyên Giác gồm trong hai chiều lưu chuyển (vô minh và lão tử) và hoàn diệt (sự chấm dứt vô minh và sự chấm dứt lão tử) thảy đều là không thật, là giả lập. Quán sát đến pháp Tứ Diệu Ðế: hai pháp lưu chuyển là Khổ và Tập và hai pháp hoàn diệt là Diệt và Ðạo cũng chỉ là những giả lập. Rốt đến giáo pháp về sự tu chứng của Bồ Tát là Trí và Ðắc cũng rốt ráo là không, có nghĩa là Lục Ðộ Vạn Hạnh (nhân tu hành) và Trí Tuệ (quả tu chứng) cũng hoàn toàn là rỗng không.
Ði đến chỗ tuyệt cùng lý giải về Không, Kinh mở ra một chân trời Trí Tuệ: Trí Tuệ Bát Nhã, Trí tuệ của chư Phật. Chân trời nầy nằm bên kia một hố thẳm không bờ bến tức là Không và chiếc thuyền chở hành giả qua bờ bên kia cũng là Không.
Chân lý Không thẳm sâu kia chứa đựng những công đức cao tột, công đức nầy có thể tiêu trừ tất cả khổ ách. Và cuối cùng đức Quán Tự tại nói chân ngôn tối thượng để hộ trì tạng Trí Tuệ Bát Nhã thẳm sâu.
Nguyên Hảo