Thomas Armstrong là tác giả của bảy cuốn sách về giáo dục nổi tiếng như: The Myth Of The A. D. D. Child, In Their Own Way, và Awakening Your Child’s Natural Genius. Ông cũng từng tham gia giảng dạy các khóa đào tạo về giáo dục và tư duy đặc biệt, thường xuyên viết về các vấn đề giáo dục và hướng dẫn cha mẹ giáo dục con cái cho các tạp chí nổi tiếng như: Ladies’ Home Journal và Family Circle. Ông sống ở Sonoma County, California.
-------☀️☀️☀️-------
☀️ Phát Triển Nhận Thức Bản Thân Của Bạn
Vào năm 17 tuổi, Ramana Maharshi, một trong những triết gia đương đại lớn nhất Ấn Độ, đã trải qua một sự kiện làm thay đổi cuộc đời ông mãi mãi. Khi đang ngồi một mình trong nhà của người chú ở phía Nam Ấn Độ thì đột nhiên một nỗi sợ hãi mạnh mẽ về cái chết xâm chiếm ông. Hồi ấy, sức khỏe của ông vẫn tốt nhưng cảm giác chắc chắn về việc mình sắp chết đã khiến ông nằm xuống sàn nhà, nín thở trong khi để trí óc đi sâu vào bên trong nhằm khám phá ra ý nghĩa về “cái chết” này. Trong khoảnh khắc đó, ông có một trực giác sâu xa rằng, mặc dù cơ thể mình có thể chết nhưng bản thân ông, ý thức của “cái tôi” vẫn sống. Sau này, ông viết: “Tất cả điều đó không phải là những ý nghĩ ngớ ngẩn. Ý thức về “cái chết” vụt qua tôi sống động khiến tôi đã nhận thức được ngay lập tức mà gần như không cần bất kỳ quá trình tư duy nào. “Cái tôi” là một điều gì đó rất thực, là thứ duy nhất có thật về tình trạng hiện tại của tôi…Sự hấp thụ cái tôi vẫn tiếp tục và không hề bị gián đoạn kể từ thời điểm đó.” Ông không bao giờ gặp chuyện đó nữa. Vài tuần sau, ông chuyển đến một thị trấn sùng đạo ở Tiruvannamalai, nơi ông đã dành hơn năm mươi năm cho hàng nhìn người trên khắp thế giới về con đường khám phá bản thân.
Sự gặp gỡ với cái tôi của Maharshi vô cùng hiếm thấy. Nhưng kinh nghiệm của ông với tất cả sức mạnh biến đổi do nó mang lại, tiêu biểu cho một quá trình mà ở phương diện nào đấy hầu hết mọi người đều đối mặt trong suốt cuộc đời của mình: đó là câu trả lời cho câu hỏi: “Tôi là ai?” Sự tập trung vào việc khám phá này có rất nhiều dạng giải thích khác nhau, với bản thân (hay “bản ngã”, phụ thuộc vào triển vọng của mỗi người) là một thực thể luôn thay đổi không tuân theo một sự mô tả chính xác nào. Đối với một số người, nó là trung tâm điều phối những hoạt động phức tạp mà chúng ta tiến hành trong cuộc sống – đặt kế hoạch, hi vọng, khao khát, tự nguyện, hành động, và thực hiện vô số trách nhiệm mà con người phải gánh vác. Với người khác, nó lại là hệ thống của ý nghĩ chứa đựng tất cả kinh nghiệm của con người và để nhớ lại khi cần thiết giúp con người đối phó với những căng thẳng, mệt mỏi và những tình huống bất ngờ trong cuộc sống. Với người sùng đạo, nó lại là sự tỉnh thức trọn vẹn vượt lên sự trần tục của cái tôi hoặc chính bản năng thấp kém. Tuy nhiên, bất chấp việc nó được định nghĩa như thế nào, “cái tôi” xứng đáng có một vị trí quan trọng trong việc nghiên cứu trí tuệ của con người. Trong chương này, chúng ta sẽ khám phá dạng thông minh thứ bảy và cuối cùng trong thuyết thông minh đa dạng: khả năng nội tâm cá nhân hay dạng khả năng tự nhận thức.
☀️ Khái Niệm Cái Tôi.
Nếu chúng ta bảo một đứa trẻ 3 tuổi chỉ vào mình, gần như chắc chắn đứa bé sẽ chỉ tay vào rốn. Còn đứa trẻ lớn hơn hoặc người lớn thường sẽ chỉ tay về phía ngực hoặc đầu. Trong hơn 2.500 năm trở lại đây, những tranh luận về vị trí của bản ngã đã trải qua rất nhiều sự thay đổi và chưa thể đi đến thống nhất khi một số người khẳng định tim hoặc gan là nguồn gốc của tính cách cá nhân, còn những người khác lại cho rằng tuyến yên hoặc một số cơ quan khác liên quan tới não mới là nguồn gốc chủ yếu của ý thức. Việc chỉ rõ bản chất của cái tôi còn khó khăn hơn nhiều so với việc xác định vị trí của nó trong cơ thể con người.
Có lẽ nguyên nhân chủ yếu khiến chúng ta không thể đi đến một định nghĩa nhất quán về bản ngã nằm ở chỗ đối tượng nghiên cứu chính là chủ thể lại đi tìm hiểu về bản thân nó. Theo một cách khác: nếu các tôi quá đơn giản đến nỗi chúng ta có thể hiểu được nó thì chúng ta lại quá đơn giản đến nỗi không thể hiểu được mình. Vào năm 500 trước công nguyên, những đại sư của đạo Phật coi cái tôi như một khái niệm. Họ cho rằng không có cái tôi hữu hình tồn tại ở trung tâm của ý thức, chỉ có suy nghĩ, cảm xúc, cảm giác và ý tưởng là gắn chặt với ảo giác của cá nhân. Gần đây, những nhà tâm lý về nhận thức đã móc nối những đường thẳng giống nhau của ý nghĩ để chỉ ra rằng cái tôi không khác gì hơn một bản đồ tâm lý hoặc hệ thống bản đồ rất phức tạp cho phép chúng ta tổ chức thông tin về thế giới hiệu quả hơn.
Một viễn cảnh tâm lý đương đại khác lại đưa ra giả thuyết rằng trên thực tế có một cái tôi thực phát triển bên ngoài sự tác động của môi trường và những ảnh hưởng đáng kể khác. Cái tôi thực là nguồn gốc cơ bản của sự sáng tạo, sức sống, tính tự phát và sự dâng trào cảm xúc bên trong của một người. William James đã tổng kết ý kiến về cái tôi này hay nhất khi ông viết: “Tôi luôn nghĩ rằng cách tốt nhất để xác định tính cách của một người là phải tìm ra quan điểm tinh thần đặc trưng khiến anh ta bất chợt cảm thấy sâu sắc và mạnh mẽ nhất sức sống và sự linh lợi trong bản thân mình. Vào những giây phút như vậy luôn có một giọng nói vang lên: “Đây thật sự mới chính là tôi!” Theo như nhà tâm lý James Masterson, tác giả cuốn The Search For The Real Self (Đi Tìm Cái Tôi Đích Thực) thì cái tôi thực được cấu thành bởi một số yếu tố sau:
• Khả năng chiêm nghiệm mọi cảm giác thật sâu sắc cùng với niềm hăng hái, phấn khích và tự phát;
• Năng lực quyết đoán;
• Khả năng tự tôn;
• Khả năng xoa dịu cảm giác đau đớn trong bản thân;
• Khả năng đưa ra và coi trọng với những cam kết trong công việc cũng như các mối quan hệ;
• Khả năng sáng tạo và giao thiệp sâu rộng; và
• Khả năng chịu đựng sự cô đơn.
Masterson chỉ ra rằng cái tôi thực vẫn sống bền bỉ qua cả thời gian và không gian. Ông nói: “Cho dù lúc thăng hay trầm, tâm trạng vui hay buồn, chịu thất bại hay đạt được thành công, cái tôi thực vẫn luôn tồn tại tận sâu bên trong con người ngay cả khi họ đã lớn lên và trưởng thành.”
Tuổi ấu thơ là thời điểm vô cùng quan trọng cho sự phát triển của cái tôi. Một đứa trẻ luôn nhận được đầy đủ tình yêu thương, sự cổ vũ động viên, mô hình vai trò bền vững và “tấm gương” thích hợp (sự rạng rỡ trong mắt của người mẹ nói lên rằng “Con là điều kỳ diệu!”), sẽ phát triển khái niệm cái tôi theo hướng tích cực và luôn khẳng định được cái tôi thực của đứa bé. Nhưng, đứa trẻ lớn lên trong một gia đình chỉ toàn những nỗi sợ hãi, chán nản, căm ghét, hoặc hờ hững sẽ tiến tới hình ảnh cái tôi tiêu cực và sẽ theo nó tới tuổi trưởng thành cùng với những hậu quả đáng buồn. Điều này có thể dẫn đến sự hình thành một “cái tôi sai lệch”: một mặt nạ khắt khe và cầu toàn người ta dùng để ngăn cách mình với thế giới hoặc để bảo vệ chính mình khỏi cảm giác vô dụng và thiếu thốn. Tới một mức độ nào đó, đứa trẻ bị lạm dụng nghiêm trọng về thể chất hoặc cảm xúc có thể phải chịu đựng sự tổn thương nghiêm trọng, dẫn đến sự tan rã sâu sắc của cái tôi giống như nhiều trường hợp trở nên bệnh hoạn về tinh thần.
Mặc dù vậy, ngay cả giữa những cá nhân bình thường thì việc phát triển vài “cái tôi phụ” từ khi còn nhỏ vẫn tương đối phổ biến như một cách để đối phó với những sức ép và căng thẳng không thể tránh khỏi ở tuổi trưởng thành. Các trường phái tâm lý mô tả đặc điểm của những cái tôi theo nhiều cách khác nhau, như liệu pháp tâm lý tổng thể, đề cập tới “kẻ thống trị” và “người bị áp bức” nhận biết về vai trò của trẻ em, cha mẹ và người lớn, và phân tích tâm lý tìm ra xung đột bản năng, bản ngã, siêu ngã và lý tưởng của bản ngã phải là các thành phần cơ bản của tính cách.
Trong trường phái tâm lý thực chứng, một phương pháp chữa bệnh do chuyên gia tâm thần học người Ý Roberto Assagioli, phát triển người bệnh cung cấp tên của họ theo các loại tính cách phụ, như “đứa trẻ hư”, “phù thủy”, “kẻ lầm đường”, “Suzie yếu đuối” và “nhà kiểm soát tư tưởng.” Những “tiểu bản ngã” này tồn tại cùng với một cái tôi nền tảng của chúng ta, thường vẫn còn ở dạng tiềm thức trước khi thể hiện thành thành động khi bị kích động ở mức nhỏ nhất. Bài tập sau đây sẽ giúp bạn xác định những cái tôi phụ này và nhận biết rõ hơn ý niệm của cái tôi “cốt lõi” hoặc cái tôi đích thực.
☀️ Khám Phá Bản Thân
Tìm những vật liệu để tạo ra một bức tranh cắt dán, bao gồm hồ, kéo, sơn màu, phấn vẽ màu, bút chì, tạp chí và sách báo cũ cùng một tờ giấy lớn. Sau đó, bạn vẽ, viết và dán các bức hình lên tờ giấy theo từng khía cạnh của bản thân. (Bạn cũng có thể dán cả bản sao của các bức ảnh chụp bạn ở các khoảng thời gian khác nhau.) Ở giữa tờ giấy viết và dán hình ảnh phù hợp với cái tôi nền tảng hay đích thực của bạn - chính là ý niệm cái tôi mà bạn cảm thấy khi bên trong bạn căng tràn sức sống nhất. Tiếp đó, tìm ra những tính cách phụ hoặc “những tiểu bạn ngã” đặc trưng và miêu tả chúng thành lời cũng như hình ảnh xung quanh hình ảnh cái tôi đích thực của bạn.
Bài tập này có thể giúp bạn hiểu rõ khái niệm cái Tôi và đề ra kế hoạch phát triển ý niệm các Tôi. Hầu hết những nhà chuyên môn về khám phá bản thân đều đồng ý rằng xây dựng một hình ảnh cái Tôi tích cực thường bao gồm một quá trình giải thoát bản thân khỏi sự kìm hãm của các Tôi nhỏ bé (“đứa trẻ hư”, “người cầu toàn”, “cô gái lười biếng”, v.v…) Và dần dần tìm ra cái Tôi cốt lõi của mình. Dưới đây là một số gợi ý để định hướng hình ảnh cái Tôi tích cực:
• Tránh khiến mình rơi vào suy nghĩ tiêu cực.
• Mỗi ngày hãy làm một điều gì đó để tu dưỡng bản thân.
• Viết ra 20 câu nói tích cực về mình và thường xuyên tự nói với mình những câu đó.
• Tạo ra những hình ảnh tinh thần về cái tôi đích thực.
• Đặt bản thân trong những mô hình vai trò tích cực.
• Đọc những cuốn sách về sự tự lực để củng cố ý niệm cái tôi tích cực đang rõ nét lên trong bạn.
Như Dorothy Corkille Briggs, tác giả cuốn Celebrate Yourself (Hãy Ca Ngợi Bản Thân), đã viết: “Hình ảnh cái tôi - con người thực của bạn - thật ra chính là toàn bộ những điều người khác nhìn nhận và đối xử với bạn và những điều bạn rút ra khi so sánh bản thân với mọi người. “Bằng cách tập trung vào nền tảng tinh thần của sức sống, sinh lực và sáng tạo cá nhân, bạn có thể thoát khỏi sự kìm hãm của hình ảnh cái tôi tiêu cực và tìm thấy sự giải thoát trong một ý niệm bản ngã sâu và rộng hơn”.
☀️ Tiến Tới Mục Tiêu
Chìa khóa quan trọng để phát triển một hình ảnh cá nhân tích cực đòi hỏi việc trau dồi một năng lực làm chủ bản thân, hay cái mà nhà tâm lý học Robert W. White gọi tên là tư tưởng cá nhân - cảm giác chủ quan tạo ra ấn tượng chúng ta có với thế giới. Lúc còn là một giáo viên, tôi phát hiện ra rằng những bài tập khám phá bản thân giống như ở trên thường không thực sự hữu ích trừ khi chúng gắn liền với cảm giác đã hoàn thành sau khi sinh viên đạt được mục tiêu đã đề ra.
Việc phát triển khả năng làm chủ bản thân rất quan trọng để giúp con người xây dựng một ý thức cá nhân nhất quán. Nhà nghiên cứu về trí thông minh thuộc trường Đại học Yale, Robert Sternberg đề cập tới loại năng lực bên trong này như dạng thông minh về chế ngự bản thân. Theo Sternberg, kĩ năng này đòi hỏi “khả năng quản lý bản thân hàng ngày để đạt được hiệu quả cao nhất. Những ví dụ… bao gồm khả năng xác định mức độ quan trọng của nhiệm vụ, khả năng tìm ra những cách có hoặc ít hiệu quả để thực hiện nhiệm vụ và khả năng thúc đẩy bản thân để đạt được thành quả cao nhất.”
Ít người phát triển được toàn bộ năng lực làm chủ bản thân. Điều này có thể thấy ở số lượng tương đối nhỏ những kế hoạch quan trọng thực sự được duy trì qua các năm. Chuyên gia về động lực học Dennis Waitly nhận xét: “Rõ ràng là hầu hết mọi người dùng nhiều thời gian lên kế hoạch cho một bữa tiệc Giáng Sinh và kỳ nghỉ lễ hơn là cho cuộc đời của họ. Với việc thất bại trong việc đặt kế hoạch, họ thật sự đang sẵn sàng để thất bại.”
Nhìn vào những người đạt được thành tựu to lớn trong xã hội, chúng ta có thể thấy rằng họ đều sở hữu khả năng định hướng bản thân này và biết cách sử dụng nó để giúp họ đạt được mục tiêu đã đề ra. Ví dụ như Benjamin Franklin, khi mới chỉ 20 tuổi đã lập ra một kế hoạch tổng thể cho tương lai của mình. Nó gồm các nguyên tắc chỉ đạo về tính tiết kiệm, trung thực, cần cù và liêm chính. Về sau, nhìn lại cuộc đời, ông viết rằng nó “đã theo suốt cuộc đời tôi.” Một biểu tượng khác, chủ tịch Chrysler trước đây – Lee Iaccoca, trong cuốn tự truyện của mình, ông đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc đặt ra những mục tiêu ngắn hạn và sắp xếp thời gian hiệu quả. Ông viết: “Từ hồi còn là sinh viên, tôi đã luôn làm việc chăm chỉ suốt cả tuần và vẫn luôn cố gắng dành những ngày cuối tuần cho gia đình và giải trí,” “Mỗi tối chủ nhật, bằng cách hoạch định ra những điều cần hoàn thành trong tuần tới tôi lại có được động lực để đi tiếp.”
Tất nhiên, việc chỉ liệt kê ra các mục tiêu không bảo đảm rằng bạn sẽ đạt được chúng. Quá trình này còn bao gồm một số yếu tố khác nữa. Trước tiên, mỗi cá nhân phải chọn cho mình những mục tiêu có thể thực hiện được. Một số người đề ra mục tiêu chính trong cuộc đời là “giành được giải Nobel hòa bình” thì gần như chắc chắn sẽ bị thất bại. Biết được điểm mạnh cũng như hạn chế của mình chính là một thành phần quan trọng của dạng thông minh về nhận thức bản thân (một năng lực mà bạn sẽ phát triển khi đọc và làm theo những bài tập trong cuốn sách này). Bằng cách chọn những mục tiêu ở mức độ “khó khăn vừa phải”, bạn có thể chắc chắn rằng chúng ta vừa thách thức mà vẫn có thể đạt được.
Điều này dẫn đến một tiêu chí quan trọng thứ hai của quá trình đặt mục tiêu: mục tiêu của bạn phải đáng khao khát. Charles Garfield, tác giả cuốn Preak Performers (Những Nhà Trình Diễn Đỉnh Cao), viết rằng “một người có thể vạch ra chín mươi chín… mục tiêu nhưng chính sự phấn khích vì biết rằng những mục tiêu này có ý nghĩa sâu sắc với bạn mới xóa tan đi thái độ băn khoăn của bạn. Hãy chắc chắn rằng mục tiêu bạn đề ra phải xuất phát từ những thôi thúc của bản thân chứ không phải từ một phần kế hoạch của người khác.
Cuối cùng, mục tiêu ấy nên có thời hạn, để bạn biết khi nào đạt được nó. Sử dụng ngôn ngữ cụ thể, rõ ràng để một miêu tả điều bạn định làm và khi nào bạn định hoàn thành nó (không phải” “Tôi sẽ kiếm rất nhiều tiền” mà là: “Tôi sẽ kiếm được 75 nghìn đô la một năm khi trở thành chuyên gia trang trí nội thất vào năm 1998”). Bài tập sau đây sẽ giúp bạn bắt đầu quá trình đặt mục tiêu và rèn luyện khả năng định hướng bản thân.
☀️ Mục Tiêu
Trên một tờ giấy trắng, liệt kê ra 10 mục tiêu quan trọng bạn muốn đạt được trong cuộc sống cá nhân và Nghề nghiệp của bạn. Viết chúng ta càng chi tiết càng tốt và chắc chắn rằng chúng là những mục tiêu quan trọng với bạn và có thể đạt được. Sau đó sắp xếp những mục tiêu, mục tiêu quan trọng nhất xếp ở đầu và ít quan trọng nhất xếp ở dưới. Lấy một tờ giấy thứ hai và cho những mục tiêu quan trọng nhất từ danh sách của bạn sang phần đầu tờ giấy mới này (bao gồm cả thời hạn bạn định sẽ đạt được mục tiêu đó bên cạnh). Viết ra tất cả những điều bạn cần làm để hoàn thành mục tiêu này (hãy suy nghĩ cùng với một người bạn nếu cần). Ở tờ giấy thứ ba, sắp xếp những điều cần làm này theo một trật tự bắt buộc để hoàn thành chúng (cái gì bạn cần làm trước, cái gì cần làm thứ hai,…) Sau đó, bắt đầu thực hiện hành động ở đầu bảng danh sách. Sau khi bạn làm xong, đánh dấu nó lại. Duy trì quy trình này tới khi bạn đạt được mục tiêu của mình. Để giúp bạn trong quy trình của mình, hãy viết lên một tấm thiếp câu nói vui sau của Goethe: “Bất cứ điều gì hoặc giấc mơ nào bạn có thể thực hiện, hãy bắt đầu nó. Tính táo bạo luôn đi cùng với thần hộ mệnh, sức mạnh và sự may mắn. Hãy bắt đầu nó ngay đi nào!” Giữ tấm thiếp đó trên bàn hoặc tìm cho mình một đoạn văn khác mang lại cảm hứng cho bạn giúp bạn tiến tới mục tiêu.
Trích “7 Loại Hình Thông Minh” Tác giả: Thomas Armstrong - Dịch giả: Mạnh Hải, Thu Hiền
NXB: Lao Động, Năm 2007
Từ khi còn trẻ, tôi đã có tư duy mang tính triết học về con người, về giới kinh doanh. Ngoài sách chuyên ngành, những cuốn sách gối đầu giường của tôi
Tên thường gọi: Ngọc Đức.Địa chỉ: 41/22 Nguyễn Bảo, phường 6, TP. Vũng Tàu, Bà Rịa - Vũng Tàu.ĐT: 064 83993.Tịnh xá toạ lạc tại số 41/22 đường Nguyễn Bảo (số cũ:
Tên thường gọi: Thiền viện Liễu ĐứcThiền viện tọa lạc ở ấp 1A, xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, với diện tích đất khoảng 1,4 hecta. ĐT: 061.841382. Thiền
Nam Kinh, Trung Quốc – Ngày 12-6, qua truyền hình và Internet, hàng triệu người ở Trung Quốc đã theo dõi các nhà lãnh đạo Phật giáo và nhà khảo cổ
_Thưa thầy, thầy giảng về tâm tìm nó thì không thấy nó đâu hết, thông thường người nào cũng nói là mình có tâm hết, nhưng mà theo cách thầy dạy nãy
QUAN HỆ THẦY TRÒ Theo Tinh thần Kinh Kế thừa Chánh pháp Thầy, vầng mây bậc, thong dong, núi cao biển rộng Con, cánh nhạn chiều, chân trời sải cánh, dõi theo Thầy,
Giữ giới là lựa chọn tự do Giới luật của Phật giáo có nghĩa là: “Anh đừng tự làm thương tổn mình, anh đừng tự làm hại mình”. 1. Tự do của lệ thuộc
Đạo Phật là gì Lama Zopa and Lama Yeshe Khi bạn tìm hiểu về đạo Phật tức là bạn đang tìm hiểu về con người thật của mình, về bản chất của tâm trí
Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa(VHPG) Mọi kinh nghiệm của chúng ta, kể cả giấc mộng, khởi lên từ vô minh. Đây là một tuyên bố làm hoảng hốt