Other (439)


TẠI SAO CHÚNG TA KHÔNG BẮT NHỊP ĐƯỢC VÀO KHOẢNH KHẮC HIỆN TẠI?

909

Chúng ta không thể nhận biết được từng khoảnh khắc hiện tại, bởi vì tâm chúng ta không bình thản.

Người xưa nói “Bình thường tâm thị Đạo” (Tâm bình thường là Đạo), tâm chúng ta không thể bình thường được bởi nhiều lẽ.

Thứ nhất, tập quán sinh hoạt bận rộn với nhịp sống hiện tại đã làm cho tâm chúng ta mang vác rất nhiều việc trong ngày, cho nên chúng ta, lúc nào, ngày nào, giờ nào, tháng năm nào; cũng luôn chạy đua và bận bịu quá nhiều.
Sự đa đoan này là thói quen của một cộng đồng, chúng ta nhìn xung quanh mình, thấy ai cũng bận rộn; cho nên mình tưởng rằng như vậy là mình sống đúng mốt, hợp thời; hóa ra chỉ là cộng nghiệp của nhiều người mà thôi. Sự thật này chỉ là sự trói buộc tinh vi, hình thành nên cả thế giới sống, mà chúng ta không thấy được, trong đó không có ai sống ngược với sự bận rộn ru ngủ chết người này.

Thứ hai, chúng ta đang ở trong thời đại công nghệ thông tin tràn ngập cuộc sống, ngay khi chúng ta đối mặt với thế giới bận rộn mà mình đang sinh sống đây, nhất là những người ở nơi thành thị, chúng ta có một mối bận tâm lớn nữa, nó nằm trong chiếc điện thoại của mình.
Bây giờ, ngoài sự dính mắc vào đời sống hiện diện rộn ràng, chằng chịt diễn ra trước mắt; chúng ta chuyển hướng dính mắc để chui vào trong chiếc điện thoại của mình, thấy chiếc điện thoại nó nhỏ nhưng nó là cả thế giới thượng vàng hạ cám được đóng gói trong đó. Có khi, bạn bè hẹn gặp nhau để uống cà phê, thay vì nói chuyện chia sẽ với nhau vui buồn của cuộc sống, mỗi người lại chú mục vào chiếc điện thoại. Mỗi người có một thế giới riêng trong khi đang cùng nhau trên một bàn cà phê, cùng nhau trên một vùng đất, cùng nhau đang hít thở một bầu không khí chung; nhưng chúng ta bỏ sự hiện diện trực tiếp với cuộc sống này, mà lại chui vào một thế giới ảo khác, xa thực tế, và đắm mình trong sự mê hoặc của nó.

Hãy để ý cho kỹ, khi chúng ta đã sống mặc nhiên dính mắc trong thế giới nhiều bận rộn và ràng buộc như vậy, để ý kỹ, chúng ta mới thấy rằng, từ ở đâu xa xưa mình đã tập nhiễm một thói quen là luôn luôn dung dưỡng sự sai lầm này của tâm thức mình.
Dung dưỡng tâm thức nghĩa là sao?
Nghĩa là, đối với người mê đọc báo hay bàn luận, thì họ đọc báo, tìm hay dở đem chất chứa vào trong tâm, hoặc xem các chương trình thời sự, rồi chờ sáng mai ra gặp những người bạn và đàm luận, thậm chí có khi nổi nóng với việc làm của ai đó bên Mỹ, bên Pháp, bên Nhật, bên Tàu, hoặc ở đâu đó xa lắc chẳng liên quan với mình, mình cũng chẳng giải quyết chuyện gì được, chỉ làm cho tâm mình bực dọc tự chuốc lấy đau khổ vướng mắc thôi.
Có người thích xem phim, nhất là phim nhiều tập, mình ghiền một nhân vật, một cốt truyện, một tình tiết; khi tới giờ chiếu phim là mình phải ngồi lại để xem sự việc diễn tiến như thế nào; tâm thức bệnh hoạn của mình lúc nào nó cũng đòi ăn, nó giành thị trường của nó. Rồi mình lại chìu chuộng nó, nghe theo sự ham thích mê đắm của nó, mình chính là nó; nó rũ mình bôn ba hết chuyện trong nhà đến chuyện ngoài đường, hết chuyện trong nước đến chuyện thế giới, hết chuyện bạn bè đến chuyện hàng xóm xã hội… chúng ta bị mắc bệnh trầm trọng là nuông chiều và tập cho tâm thức chúng ta ăn quá nhiều thứ trong ngày.
Cho nên, khi khả năng ăn của nó đã nhuần nhuyễn, có thể nhai nuốt mọi thứ mà nó ham thích rồi, chúng ta bị nó sai khiến, không lúc nào chúng ta yên thân mà chúng ta buộc phải chạy tới chạy lui, chúng ta phải bận rộn, nắm bắt nhịp sống này để cho tâm thức háo ăn của chúng ta được no đủ, thỏa mãn.
Chúng ta không bao giờ ngồi yên, chúng ta phải bật ti vi, chúng ta phải đọc cái gì đó, chúng ta phải nghe cái gì đó, chúng ta phải gọi cho ai đó… chúng ta đã quên rằng thật sự chúng ta không phải là con người ồn ào và luôn luôn dính mắc đó, chúng ta không chịu bình thản sống, chúng ta không chịu sự tự do.
Nếu chúng ta là một con rối như vậy mà chúng ta chưa bao giờ ý thức được sự sa đọa, sự trói buộc vô hình đã hình thành thói quen hư hỏng của mình; mình không biết rằng mình đáng bệnh nặng, hỏi sao mình không chịu thức tỉnh mình để thoát khổ cho được?
Một tập quán sống mà chúng ta luôn luôn đem thân mình chạy đôn chạy đáo trong suốt thời gian mình mở mắt (trừ khi ngủ, chưa chắc khi ngủ tâm mình có thật sự ngủ hay không, hay vẫn chạy đôn chạy đáo trong giấc mơ này qua ác mộng nọ?), cả ngày bận rộn chìu theo sự ăn nuốt của tâm thức như vậy, cho đến khi đồng hồ sinh học của thân lên tiếng, khi thân ngáp dài, ngáp dắn, khi mà chúng ta mở mắt không lên nổi nữa; tâm thức của chúng ta vẫn còn muốn ăn, mà cơ thể của chúng ta không bắt kịp nổi sự ham muốn của tâm, cơ thể đã lên tiếng rã rời, chúng ta mới thật sự buông tay với bận rộn, và chúng ta ném mình vào giấc ngủ để phục hồi sinh lực.

Làm sao để làm chủ tâm thức?

Phải bình thản!
Muốn có tâm bình thản phải biết tiết chế sự ham muốn, một trong những kinh nghiệm mà các bạn thường hay bỏ qua là tâm mình như thế nào, ngay khi vừa thức giấc, lúc đã qua được một giấc ngủ dài. Điều đầu tiên lúc mở mắt ra, tâm của bạn rất bình thản, khoảnh khắc đó là khoảnh khắc để các bạn có thể chiêm nghiệm tâm thức tự do của bạn như thế nào? Rồi mọi thứ lại ùa tới, trận cuồng phong của cuộc đời bận rộn lên tiếng, và bạn lại cuốn theo nó một cách không chủ định, bạn lại làm mồi cho một ngày sanh tử.
Sanh tử nướng bạn một ngày nữa, một ngày nữa, và cả cuộc đời bạn là cuộc đời sanh tử; chỉ vì bạn hay thường xuyên được tiếp cận tâm thức tự do này, tâm thức bình thản này, nhưng bạn bị cuốn theo cơn cuồng phong mà cuộc đời bạn vô tình mặc định là: khi nào còn sống còn thở, là mình phải bắt nhịp chạy theo nó.
Bạn luôn luôn bỏ qua sự bình thản muôn thuở, sự tự do muôn thuở của tâm, mà có khi trực tiếp sống với nó, bạn cũng không nhận thức được điều này.
Hãy lắng nghe sự bình thản, khi nào bạn được nghỉ ngơi thư giản trong một chuyến du lịch, trong những ngày nghỉ cuối tuần, trong những dịp được dự các ngày tu hành ở chùa. Hãy tập lắng nghe để bắt nhịp với sự bình thản vốn có này của tâm, sự bình thản vốn có này của mọi vật trong tất cả các thời khắc.
Cơ hội đến với chúng ta rất lớn trong những ngày nghỉ ngơi, khi mà chúng ta buông hết tất cả việc làm hằng ngày, chúng ta thư giãn thân và tâm, chúng ta rời đường đua vô tận của cuộc đời; chúng ta không quan tâm đến sự thôi thúc thèm ăn nuốt của tâm thức mình. Hãy đặt cuộc đời của chúng ta xuống để yên nghỉ, tỉnh thức và lắng nghe nó. Chúng ta thật sự thư giãn, quan sát, nhận diện, tận hưởng sự bình thản và tự do của tâm. Chúng ta phải thường xuyên nhận biết điều này; để chúng ta thoát qua hết những thói quen tưởng tượng chết người mà chúng ta mang vác, gồng gánh, chịu đựng.

Tại sao, trong một công việc, ngồi thiền, nghe pháp, tụng kinh, sám hối…mà chất lượng của mỗi chúng ta tiếp cận nó khác nhau, trọn vẹn hay chỉ một phần, hay thấy việc này quá xa lạ, quá sức thực hành của mình; tại sao chất lượng lại khác nhau? Bởi vì bạn chưa chuẩn bị để cho tâm bạn bình thản với mọi biến động của cuộc đời. Chỉ có sự bình thản mới là nền tảng dung chứa hết tất cả mọi hành động trên, và hơn nữa những hành động trên xưa nay vốn là bình thản, bạn chỉ cần thấy tâm bạn bình thản thì sẽ bắt nhịp được với sự bình thản của cái toàn thể nơi bạn và xung quanh bạn. Nó chỉ có một vị: bình thản!
Tôi sáng nay phải ngồi thiền, tôi luôn nhớ việc này, tôi sẽ ngủ sớm bằng bất cứ giá nào. Tôi đã chuẩn bị tâm thế của mình hoàn toàn đầy đủ, và sáng nay tôi ngồi thiền trong sự sung sức của thân, trong sự bình thản của tâm, và việc ngồi thiền của tôi sẽ trọn vẹn, sau đó tôi đi, tôi đứng, tôi làm việc sẽ trọn vẹn, tôi làm một với cuộc sống. Tôi dễ dàng có cơ hội làm một với thực tại, tôi dễ bắt nhịp vào thực tại, tôi không thấy mình ngăn cách với thực tại; bởi vì tôi thoát khỏi sự bận rộn; tôi bình thản vì thực tại cũng bình thản như tôi.

Khi bạn đến nghe một vị thầy giảng, tại sao mà mình không thể nào cảm nhận nổi những lời dạy của thầy?
Bởi vì, bạn chưa chuẩn bị để nghe. Thân bạn đang còn thiu thiu buồn ngủ, vì đêm qua bạn thức khuya cho tâm thức bạn đang ăn chia món khoái khẩu khi trò chuyện với bạn bè thân thiết nào đó, cho dù câu chuyện đó là nói về Phật pháp, cũng là cách bạn chìu theo sự ồn ào và ham ăn của tâm thức bạn mà thôi.
Có quá nhiều cuộc chạy đua cứ diễn ra hằng ngày trong đời bạn, bạn như anh Angulimala (Vô Não), cứ chạy mãi trong sanh tử, bởi sự thôi thúc ham ăn của tâm thức bạn, cho nên bạn chưa bao giờ dừng lại, bạn không thể bình thản thì bạn còn cách xa với Pháp.
Bạn không thể nào cảm nhận Pháp qua lời dạy của một vị thầy, qua cây cỏ, hoa lá, đất trời; ngày đêm lúc nào cũng nói thỏ thẻ với bạn; tất cả muôn pháp chung quanh bạn như một dàn hợp xướng lúc nào cũng trổi lên khúc nhạc tưng bừng về Pháp, nhưng bạn không bao giờ nhận ra điều đó, chỉ vì bạn chưa bao giờ bình thản. Bạn tự mình tách ra khỏi dàn hợp xướng muôn thuở đó để chạy hoài trong sanh tử.

Nếu chúng ta chịu suy xét cho thật kỹ tâm thức này của chúng ta, nó có hai phương diện.
Một là nó rất ồn ào, lúc nào tu tưởng cũng khởi cũng diệt ở bên trong.
Hai là nó luôn luôn có thái độ với mọi thứ đang diễn ra.
Chính vì có thái độ cho nên nó sinh ra yêu ghét. Và khi sinh yêu ghét thì nó có thu vào và bỏ ra. Khi có thu vào và bỏ ra thì nó là sự ăn nuốt. Hay nói theo duy thức là bất cứ cái gì có tác ý là có lưu giữ vào tàng thức, chỉ trừ tâm bạn bình thản thì sự lưu giữ này biến thành Bạch tịnh thức (kho thanh tịnh).
Tâm thức của chúng ta chỉ có một trò đó, nó diễn ra từ ngày này qua ngày khác. Chúng ta không biết điều đó để tìm cho ra, nhận thức cho ra khoảng lặng của tâm thức, hay khoảnh khắc bình thản của tâm, hay khoảnh khắc đương niệm, (Nhất thời Phật tại), hay cái gì là nền tảng phát sinh ra mọi thứ đó; thì chúng ta cứ như một con ma biết đi; bởi vì chúng ta phó mặc cho sự ồn ào của tâm, phó mặc cho sự háo ăn của tâm mà không biết rằng, sự thật, tâm chúng ta là bình thản thoát khỏi những ham muốn thúc đẩy không ngừng nghỉ đó.

Cuối cùng, bạn không bình thản thì mọi hành động, mọi việc làm đều là chìu theo sự ồn ào của tâm thức bên trong bạn hay là sự ăn nuốt để thỏa mãn sự háo ăn của tâm thức bạn. Nếu bạn khởi tâm tu hành mà không có sự bình thản này là nền tảng, bạn vẫn nằm trong vòng quay của ồn ào và ăn nuốt của tâm thức; thậm chí kể cả khi bạn nói pháp hay thuyết pháp (nếu có), hoặc bình luận trên facebook cũng là sự ồn ào và sự ăn nuốt!
Bạn không bình thản là bạn đang phó mặc cho con ma sanh tử làm chủ mọi hoạt động sống của bạn. Bởi vậy trong nhà thiền thường ví von là: “Chỉ một con mắt lẻ”. Con mắt lẻ đó là sự bình thản, khi bạn bình thản bạn sẽ nhận biết được sự ồn ào của tâm bạn nó diễn đủ trò không ngoài sự bình thản của bạn, khi bạn bình thản bạn sẽ nhận biết sự thôi thúc nắm bắt hay từ bỏ của tâm thức bạn.
Bình thản chính là tấm gương, không có cái gì có thể qua được sự trong sáng của tâm bình thản, và cũng không có gì lưu lại ở tâm bình thản, bởi vậy mới có câu: “Bình thường tâm thị đạo”.

Khi chúng ta đã biết được bộ mặt vừa ồn ào vừa ham ăn của tâm thức của chúng ta rồi, thì tâm chúng ta đã an ổn phần nào; bởi vì chúng ta đã xác định được nguyên nhân tạo nên cuộc đời sanh tử này.
Từ hiểu biết này, chúng ta tạo nên một kỷ luật thực hành, người xưa hay gọi là thời khóa. Chúng ta phải ngủ sớm, ngủ sớm là cách bỏ đói sự ham ăn của tâm thức, ngủ sớm sẽ làm cho cơ thể của chúng ta được nghỉ ngơi. Khi đã nghỉ ngơi đầy đủ chúng ta sẽ thức giấc trong một trạng thái đầy đủ sung mãn và bình thản. Cơ hội để chúng ta quan sát nhận diện và sống được với tâm thật, hay tâm bình thường sẽ xảy ra nhiều hơn và chúng ta tập làm quen với sự bình thản này, sự giải thoát này của tâm.
Nghỉ ngơi theo giờ giấc kéo theo sự công phu của chúng ta không dật dờ nữa tỉnh nữa mê khi ngồi thiền, khi tụng kinh, khi niệm Phật, khi trì chú…; nói chung có kỷ luật giờ giấc về thân đã kéo theo sự bỏ đói tâm thức và một chuỗi những phát sinh tốt lành sẽ diễn ra; chúng ta lần lần thay đổi tập quán sống của mình. Chúng ta sẽ cảm thấy yêu đời hơn, và yêu đời hơn nữa khi chúng ta bắt nhịp được với khoảnh khắc hiện tại, hay đương niệm; đó là sự thực hành của chúng ta đúng hướng, để chúng ta có thể nhận biết cuộc sống này đâu là thật đâu là giả.

Bình thản tuyệt đối là gì?

Bình thản tuyệt đối là không có ai bình thản cả, vì không có ai cho nên nhận thức bình thản không có thái độ đối với cuộc sống, đối với mọi sự mọi việc, không có thái độ cho nên không có yêu ghét nắm bắt lấy bỏ.
Sự bình thản của tâm sẽ tương thông với sự bình thản của vạn pháp, của cây cỏ, của hoa lá, của đất trời vạn vật; hay trong kinh nói là: “Tâm bình thì thế giới bình”. Vì khi tâm của bạn bình thản bạn sẽ thấy được thế giới cũng bình thản và hoàn hảo, ngay cả sự ồn ào của tâm thức bạn bây giờ cũng là giải thoát, sự ồn ào tưng bừng dễ chịu nhiều sắc màu, chứ không phải bình thản là một tâm thức đã chết.

Tất cả đều trôi chảy sống động, đó là nhịp sống mới mẻ, luôn luôn mới mẻ, nhịp sống bình thản rất nhiều lời nhưng lại không lời.

Có ai hỏi nó như thế nào?
Như người xưa trả lời:
“Cha anh là đàn ông, mẹ anh là đàn bà!”

Vậy thôi!
Chúng ta hãy bình thản đi!

Rằm tháng giêng năm Đinh Dậu, 2017
Tánh Hải

909

Các nhà khoa học vừa phát hiện hai gene giúp người..

Tại sao người Tây Tạng sống được trên mái nhà thế giới ?Các nhà khoa học vừa phát hiện hai gene giúp người Tây Tạng tồn tại trong bầu không khí loãng

15,110
Bác sĩ 5 USD

Bác sĩ 5 USDTT - Trong khi phần đông người dân Mỹ đến khám bác sĩ với tâm trạng lo ngại chi phí đắt đỏ vào thời buổi kinh tế khó khăn

14,017
GIÁO DỤC PHẬT GIÁO - CON ĐƯỜNG CHUYỂN HOÁ TOÀN DIỆN - Nguyễn Thế Đăng

Đây là điều đi gần với sự học ở Đông phương (ĐP), cụ thể là Phật giáo và Khổng giáo. Trong Luận ngữ, chương đầu tiên Học nhi, Khổng Tử đã nói

13,313
150 năm thuyết tiến hóa – Từ Darwin đến ngày nay

Những bài cùng tác giảNăm 2009 là năm kỷ niệm 150 năm ngày xuất bản quyển sách On the origin of species (“Nguồn gốc các loài”) của Charles Darwin, một công trình

15,202
Vũ trụ toàn ảnh – Một kỷ nguyên khoa học mới

To see a World in a Grain of SandAnd a Heaven in a Wild Flower,Hold Infinity in the palm of your handAnd Eternity in an hour.Dịch nghĩa:Để  thấy Vũ trụ trong một

907
Top Bài Viết
Quan Hệ Thầy Trò
Niệm Tự Bạch

QUAN HỆ THẦY TRÒ Theo Tinh thần Kinh Kế thừa Chánh pháp Thầy, vầng mây bậc, thong dong, núi cao biển rộng Con, cánh nhạn chiều, chân trời sải cánh, dõi theo Thầy,

33,374
Giữ giới là lựa chọn tự do
Phật học Ứng Dụng

Giữ giới là lựa chọn tự do  Giới luật của Phật giáo có nghĩa là: “Anh đừng tự làm thương tổn mình, anh đừng tự làm hại mình”. 1. Tự do của lệ thuộc

32,795
Đạo Phật là gì?
Niệm Tự Bạch

Đạo Phật là gì Lama Zopa and Lama Yeshe Khi bạn tìm hiểu về đạo Phật tức là bạn đang tìm hiểu về con người thật của mình, về bản chất của tâm trí

32,703
Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa
Tìm Hiểu & Học và Hành

Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa(VHPG) Mọi kinh nghiệm của chúng ta, kể cả giấc mộng, khởi lên từ vô minh. Đây là một tuyên bố làm hoảng hốt

32,487
Chùa Việt
Sách Đọc