Other (439)


SỰ HIỆN HỮU CỦA NHỮNG HẠT SƠ CẤP LƯỢNG TỬ VÀ HOA SEN 2000 - MATTHIEU RICARD VÀ TRỊNH XUÂN THUẬN

679

NHỮNG ẢO ẢNH CỦA CÁI THỰC -SỰ HIỆN HỮU CỦA NHỮNG HẠT SƠ CẤP LƯỢNG TỬ VÀ HOA SEN 2000 -

MATTHIEU RICARD VÀ TRỊNH XUÂN THUẬN
 
Tại sao Phật giáo quan tâm đến những hạt sơ cấp, trong khi sự phân tích về chúng hình như không có một tác động lớn vào đời sống hàng ngày của chúng ta? Tuy nhiên, nếu người ta tự hỏi về sự có thật hay không có thật của thế giới bao quanh chúng ta, quan trọng là phải soi sáng bản chất của cái tạo thành "những viên gạch căn bản". Phật giáo không là độc nhất trong việc đặt câu hỏi về cái thấy "hiện thực" những hiện tượng. Sự giải thích vật lý lượng tử theo trường phái Copenhague cũng dẫn chúng ta đến chỗ suy nghĩ rằng những nguyên tử không phải là những "sự vật" mà là những "hiện tượng quan sát được." Tranh luận say sưa giữa mọi thứ, bởi vì nó đặt chúng ta ngay lập tức vào trung tâm của cái mà người ta gọi là vật chất: nếu sự "cứng đặc" của nó được đặt thành nghi vấn, thì những hàng rào khái niệm khác đến lượt chúng và phải sụp đổ.
Matthieu Ricard: Khái niệm về tính toàn thể của những hiện tượng trái nghịch với khái niệm về những thực thể tách biệt có những đặc tính nội tại và tự định nghĩa chính chúng. Chẳng hạn ánh sáng; đôi khi nó biểu lộ như sóng, đôi khi nó biểu lộ như hạt: hai phương diện khác nhau cũng như một cục đá và những làn sóng trên mặt hồ khi ném hòn đá vào.
Trịnh Xuân Thuận: Quả thật, sự khám phá ra lưỡng tính của ánh sáng là một ngạc nhiên lớn cho các nhà vật lý. Còn kinh ngạc hơn, vật chất cũng có lưỡng tính sóng - hạt này. Cái chúng ta gọi là electron, hay mọi hạt sơ cấp, đều có thể khoác lấy dạng sóng.
M. Trong thế giới bình thường, ánh sáng là cái cho phép người ta thấy những hình dạng và màu sắc. Ngồi dưới ánh mặt trời, ánh sáng là sức nóng. Với nhà vật lý, ánh sáng là một phương trình toán học. Có bao nhiêu cách tiếp cận là có bấy nhiêu diễn tả khác nhau. Thực tại ở đâu? Có phải đúng thì phải nói rằng người ta chỉ đơn giản làm việc một tập hợp những tương tác làm phát sinh những hiện tượng thoáng chốc và đằng sau luồng những chuyển hóa không ngừng này, chúng ta không có lý do nào để giả định hiện hữu của một thực tại nội tại, có tự tánh tự định nghĩa chính nó?
T. Những phương diện khác nhau của ánh sáng, có thể tự giải thích nếu người ta chấp nhận rằng nó biểu lộ hai mặt bổ sung nhau: sóng và hạt. Niels Bohr đã gọi khái niệm này là "Nguyên lý Bổ sung". Ông thấy trong tính bổ sung một hệ quả của tương tác không tránh được giữa một hiện tượng và máy đo hiện tượng ấy. Với ông không phải "thực tại" là lưỡng tính, mà là những kết quả của những tương tác thí nghiệm. Bấy giờ người ta có thể nói rằng ánh sáng không có thực tại nội tại bởi vì nó không riêng biệt là sóng hay hạt, mà nó mặc lấy bề ngoài của cái này hay cái kia tùy trường hợp.
Lấy lại những thí dụ Ông đã kể ra, người ta có thể giải thích những màu sắc theo phương diện riêng biệt của ánh sáng. Áo tu của ông có màu đỏ và vàng bởi vì những nguyên tử của áo hấp thụ màu đỏ và màu lục và phản chiếu màu vàng và màu đỏ. Những photon (quang tử) được phản chiếu bởi cái áo đi vào trong mắt chúng ta với một năng lượng và tần số cho chúng ta thấy màu đỏ và màu vàng. Nếu áo của ông chỉ phản chiếu toàn bộ ánh sáng mặt trời mà không biến đổi nó, nó phải có màu trắng của mặt trời.
Về sức nóng của mặt trời, nó cũng có thể tự giải thích theo những hạt ánh sáng. Mỗi hạt có một năng lượng, nhiều hạt đập vào da chúng ta và truyền cho da năng lượng của chúng và được đổi thành sức nóng.
Về phần nhà vật lý nương dựa vào máy đo, ông thấy ánh sáng hoặc là sóng hoặc là hạt. Nếu ánh sáng biểu lộ như là sóng, người ta có thể định hình nó bởi độ dài sóng (khoảng cách giữa hai đỉnh hay hai khoảng giữa của sóng) và tần số của nó (con số đi qua của những đỉnh sóng ở một chỗ nhất định trong một giây). Nếu nó biểu lộ như một hạt, người ta có thể xác định nó bằng năng lượng của nó.
M. Người ta chỉ có thể diễn tả một con số nào đó những đặc tính quan sát được mà chúng không thể cùng hiện hữu ở một khoảnh khắc nhất định Photon không bao giờ là sóng và hạt cùng một lúc. Shantideva đã diễn tả cách đây một ngàn ba trăm năm: "Cái gì xuất hiện bởi sự hội họp của những yếu tố khác, và nó biến mất khi chúng không có mặt, hiện tượng giả tạo này, giống như một phản chiếu, làm sao có tính cách của thực tại?". Vậy thì phải trả lời cho câu hỏi thực tại cố hữu của những hạt này. Người ta có thể nói rằng người ta biết bản thân bản chất của ánh sáng? Một bản chất như vậy có hiện hữu không? Những đặc tính của hạt không phải chỉ là những cách hiểu của một hiện tượng vô thường sao? Electron có phải là điện tích, spin (chuyển động xoay), khối lượng của nó? Toàn bộ những đặc tính có phải là electron? Hay electron hiện hữu ngoài những đặc tính của nó? Nếu nó không phải là đặc tính này hay đặc tính kia, thì nó có còn là electron? Tóm lại, những đặc tính này có tạo thành electron hay chỉ xuất hiện dựa vào phần còn lại của thế giới, gồm cả chính chúng ta?
Một trong những câu hỏi cổ điển của Phật giáo là: "Có phải một hạt sở hữu những đặc tính của nó như một nhà nông sở hữu một con bò hay như một người sở hữu thân thể của nó?" Trong trường hợp thứ nhất, điều đó muốn nói rằng electron và những đặc tính của nó là những thực thể khác biệt; trong trường hợp thứ hai, những đặc tính thuộc về electron: cho rằng nó sở hữu những đặc tính thì lại nói rằng một người có hai thân, thân nó là và thân nó sở hữu. Nếu electron là mỗi một trong những đặc tính của nó, thì sẽ có nhiều electron bằng số những đặc tính. Trong trường hợp này, thực thể electron trở thành nhiều.
Tóm lại, lấy một lý luận của Chandrakirti, electron không hiện hữu thực sự bởi vì 1) electron không phải là những đặc tính của nó, 2) nó không phải khác với những đặc tính của nó, 3) nó không phải là nền tảng của những đặc tính của nó, 4) những đặc tính của nó không tạo thành nền tảng của nó, 5) nó không phải là chủ sở hữu những đặc tính của nó, 6) nó không phải là cái toàn thể đơn giản của những đặc tính của nó. 7) nó không phải là hình tướng của những đặc tính của nó. Nếu nó không đồng nhất với những đặc tính của nó và nó cũng không tách lìa khỏi chúng, bấy giờ những đặc tính ấy không gì khác hơn là những nhãn hiệu của tâm thức, và sự hiện hữu của chúng có bản chất quy ước. Alan Wallace viết: "Chúng không có hiện hữu nội tại nào, điều ấy không phải muốn nói rằng chúng hoàn toàn không hiện hữu. Những thực thể mà chúng ta nhận dạng thì hiện hữu trong liên hệ với chúng ta và chúng hoàn thành những công việc chúng ta giao phó. Nhưng, như chúng ta đã định nghĩa, sự hiện hữu của chúng dựa vào những định danh và khái niệm mà chúng ta gán cho chúng."
T: Để nói đến điện tích, spin hay khối lượng của một electron, phải đo những đặc tính này. Thế nên, khi không có đo lường, electron có dạng sóng và không thể diễn tả theo hạt. Vậy nên người ta không thể gán cho nó một khối lượng hay một điện tích.
M. Như thế, không thận trọng khi xác nhận rằng kết quả của quan sát này phản ánh rõ ràng những đặc tính nội tại của một "vật", điều ấy sẽ hiển nhiên bởi sự quan sát của chúng ta.
T: Theo dụng cụ đo của tôi, electron sẽ xuất hiện như một hạt, có một điện tích, một spin và một khối lượng, hoặc như một sóng mà những khái niệm này là vô nghĩa. Hành động quan sát cũng chịu trách nhiệm về sự mờ nhòe lượng tử mà tôi đã nói và được bày tỏ bởi nguyên lý bất định của Heisenberg, nghĩa là không thể xác định chính xác cùng một lúc vị trí và vận tốc của electron. Để định vị cái người ta giả thiết là một electron, phải soi sáng nó. Năng lượng của ánh sáng tùy thuộc độ dài sóng của nó, và cái sau này xác định độ chính xác của vị trí electron. Nếu năng lượng ánh sáng tăng lên, độ dài sóng của nó giảm và những viền quanh của electron thành rõ ràng. Nhưng những photon của ánh sáng này truyền năng lượng của chúng cho electron và làm nhiễu sự chuyển động của nó khi năng lượng tăng. Như thế chúng ta đối diện với một lưỡng nan: chúng ta càng giảm sự mờ nhòe của vị trí của electron bằng cách soi sáng nó với những photon năng lượng cao thì chúng ta càng làm nhiễu nó và làm tăng sự mờ nhòe của chuyển động của nó. Ngược lại, khi chúng ta soi sáng nó với một ánh sáng năng lượng yếu, chúng ta ít làm nhiễu chuyển động của nó nhưng làm tăng sự mờ nhòe của vị trí nó. Chính hành động xác định lại làm nảy sinh sự bất định. Nói đến một thực tại khách quan hiện hữu mà không có sự quan sát nào là vô nghĩa. Người ta chỉ có thể tri giác một thực tại chủ quan của electron dựa vào người quan sát và dụng cụ đo của người ấy. Hình tướng thực tại ấy khoác vào thì nối kết không thể chia tách với sự hiện diện của chúng ta. Chúng ta không phải là những khán giả thụ động trước vở kịch náo nhiệt của thế giới những nguyên tử, mà là những diễn viên dự phần hoàn toàn.
M. Sự kiện người ta có thể diễn tả ánh sáng như sóng hoặc hạt chứng tỏ rằng đặc tính này không loại trừ đặc tính kia và cũng không vốn có sẵn nơi một biến cố mà người ta tưởng tượng là một photon. Không có cái gì vừa là một viên sỏi vừa là sóng, một vật có vị trí và một hiện tượng mơ hồ trong không gian.
T: Hay, chính xác hơn, để lấy lại lời của Heisenberg, "hai hình ảnh này loại trừ lẫn nhau một cách tự nhiên, bởi vì một sự vật không thể cùng lúc vừa là hạt (trong một thể tích rất nhỏ) vừa là sóng (một trường trải ra trong không gian), nhưng hai cái là bổ sung cho nhau."
M: Điều đó dạy chúng ta về bản chất tối hậu của hạt này, một thực tại như thế có hiện hữu không. Chẳng phải hạt, chẳng phải sóng, cũng chẳng thực tại nào khác của vũ trụ này hiện hữu tự thân. Người ta không thể xác nhận rằng hạt hiện diện trước khi có sự quan sát, phải thế không?
T: Trước khi đo, người ta chỉ có thể nói đến một sóng của xác suất.
M. Nếu người ta hiểu hạt là cái gì có thể có một thực tại nội tại, và nếu nó không hiện hữu trước khi có quan sát thì không có gì có thể đưa nó thành hiện hữu. Làm thế nào một thực thể chứa trong nó mọi phẩm tính thật như người ta gán cho có thể thình lình từ hư vô mà thành hiện hữu? Khi một hạt xuất hiện, hoặc nó không có hiện hữu riêng, hoặc nó là sự sáng tạo từ hư vô (ex nihilo).
T: Tuy nhiên, quả là có một sóng. Có cái gì đó. Không phải là trống không hoàn toàn!
M: Phật giáo không nói trống không hoàn toàn - đó là một quan điểm hư vô chủ nghĩa, đoạn kiến - mà là "trống không hiện hữu riêng biệt, trống không tự tánh". Chính vì thế mà theo những trường hợp, theo bối cảnh thí nghiệm, một hiện tượng không thật có thể xuất hiện khi thì như một hạt, khi thì như một sóng.
T: Sự tranh luận của chúng ta giống như quan điểm của Einstein chống lại giải thích của trường phái Copenhague của vật lý lượng tử. Sự giải thích này, do Niels Bohr, Werner Heisenberg và Wolfgang Pauli đề nghị, nói rằng "những nguyên tử tạo thành một thế giới của những tiềm năng hay những khả tính, hơn là những sự vật và sự kiện". Nó rất xa cách với thuyết duy thực của Einstein.
Heisenberg tóm tắt những phê bình của Einstein như vầy:
"Lối giải thích này không diễn tả cho chúng ta cái gì thực sự xảy ra, độc lập với những quan sát, hay trong khoảng giữa chúng. Nhưng phải xảy ra cái gì đó, không thể nghi ngờ... Nhà vật lý phải giả thiết rằng ông ta nghiên cứu một thế giới mà ông ta không tạo ra và sẽ hiện diện, căn bản là không đổi, dù khoa học không có ở đó."
Và Heisenberg trả lời:
"Người ta dễ dàng thấy rằng điều mà phê bình này đòi hỏi, đó lại một lần nữa là hữu thể học duy vật già nua... Đòi hỏi rằng "diễn tả cái đang xảy ra" trong tiến trình lượng tử giữa hai quan sát kế tiếp nhau là một mâu thuẫn phụ thêm, bởi vì chữ "diễn tả" ám chỉ sự sử dụng những khái niệm cổ điển, khi những khái niệm ấy không thể áp dụng trong khoảng cách giữa hai sự quan sát... Hữu thể học duy vật đặt nền trên ảo tưởng rằng loại hiện hữu, "thực tại" trực tiếp của thế giới bao quanh chúng ta, có thể ngoại suy cho đến cấp độ của nguyên tử. Vậy thì sự ngoại suy này là không thể."
M. Một triết gia Phật giáo không thể đồng ý với sự giải thích sau.
T. Tôi cũng theo quan điểm của Heisenberg. Tôi đã nói những thí nghiệm lượng tử luôn luôn đúng, không sai lầm. Einstein đã đi con đường sai, và thuyết duy thực duy vật của ông không đứng vững được. Theo Bohr và Heisenberg, khi chúng ta nói đến những nguyên tử hay electron, chúng ta phải không tưởng tượng những thực thể hiện hữu tự chúng, với những đặc tính xác định như vận tốc, vị trí, quỹ đạo.
Khái niệm "nguyên tử" chỉ là một phương tiện thuận lợi để làm việc. Bohr còn nói không thể vượt khỏi những sự kiện và kết quả của những thí nghiệm đo lường: "Sự diễn tả của chúng ta về bản chất không có mục đích phát hiện bản tánh của những hiện tượng, mà chỉ khám phá đến mức" khả dĩ những tương quan giữa nhiều phương diện của hiện hữu chúng ta."
M: Francois Jacob xác nhận: "Rõ ràng là sự diễn tả nguyên tử của nhà vật lý không phản ảnh chính xác và bất biến một thực tại còn che giấu. Đó là một mô thức, một trừu tượng hóa, kết quả của nhiều thế kỷ nỗ lực của các nhà vật lý đã tập trung vào một nhóm nhỏ những hiện tượng để thiết lập một miêu tả gắn bó về thế giới. Sự diễn tả nguyên tử có vẻ là một sáng tạo hơn là một khám phá."
T: Schrodinger đặt chúng ta cảnh giác với một sự vật chất hóa nguyên tử và những cái cấu thành: "Tốt hơn chớ xem một hạt như một thực thể thường hằng, mà như một biến cố khoảnh khắc. Đôi khi những biến cố này tạo thành những chuỗi khiến có ảo tưởng là những đối vật thường hằng."
M: Cái vòng lửa quay của một ngọn đuốc không phải là một vật. Thế giới những hiện tượng được tạo dựng bằng những biến cố nhưng chúng không thể ở đồng nhất với chính chúng trong hai khoảnh khắc kế tiếp, nếu không như vậy chúng sẽ đông cứng mãi mãi. Những khoảnh khắc này là điểm, không có độ dài, và những biến cố không thể có hiện hữu riêng biệt, vô tự tánh. Thế nên không gì có thể xác nhận rằng một ngày nọ người ta sẽ biết toàn bộ những tính cách của "biến cố hạt", bởi vì cái này xuất hiện với chúng ta cách nào đó bởi trò chơi của nương dựa lẫn nhau, đồng nghĩa với "không có tự tánh".
T: Nương dựa lẫn nhau, tương thuộc bởi hành vi quan sát?
M: Nương dựa lẫn nhau giữa những hiện tượng và chủ thể mà chúng xuất hiện, và nương dựa lẫn nhau giữa mọi hiện tượng của vũ trụ. Điểm quan trọng ở đây là những tính cách bên ngoài của những hiện tượng không thuộc của riêng chúng. Chẳng hạn, khi người ta nói khối lượng tương đương với năng lượng và có thể chuyển hóa thành năng lượng, điều đó cũng phát biểu rằng khối lượng không phải là một đặc tính bất khả phân với biến cố hạt.
T: Vâng, bản chất của vật chất, cũng như của ánh sáng, không phải là bất biến. Năng lượng có thể được chuyển hóa thành vật chất, như vẫn xảy ra trong những máy gia tốc hạt. Năng lượng này có thể đến từ một khối lượng (theo công thức nổi tiếng E=mc2 của Einstein) hay từ một chuyển động. Trong trường hợp sau, điều đó muốn nói rằng đặc tính của một vật có thể được chuyển thành vật. Ngược lại, vật chất có thể được chuyển thành năng lượng: như cái làm cho mặt trời chiếu sáng. Chính khi chuyển hóa một phần rất nhỏ khối lượng hydro (0,7%) của nó thành ánh sáng (các photon) mà mặt trời nuôi dưỡng sự sống trên trái đất.
M: Tất cả điều đó cho thấy chẳng phải cái này hay cái kia trong những đặc tính loại trừ lẫn nhau ấy tạo dựng một cách nền tảng hiện tượng photon hay hạt. Nếu ngược lại là đúng thì những đặc tính ấy phải luôn luôn hiện diện.
Thực tại không tùy thuộc những khái niệm cứng chắc mà chúng ta gán cho những sự vật. Để cho một hiện tượng biểu lộ, không cần thiết nó phải xuất sanh từ một thực tại tiềm ẩn có tự tính riêng. Chúng ta phải vượt khỏi những giới hạn thuộc khái niệm làm cho chúng ta nghĩ rằng cái gì đó phải là hiện hữu hoặc một cách nội tại cố hữu hoặc hoàn toàn không hiện hữu. Có một con đường giữa, được tượng trưng bằng hình ảnh một ảo ảnh và một giấc mộng. Sự kiện huyễn ảo không ngăn cản một hiện tượng vận hành. Một phản chiếu trong tấm gương có thể xuất hiện và biến mất, tự chuyển hóa nhiều cách và truyền những thông tin khác nhau, ngay cả không có cái gì thực sự hiện hữu trong tấm gương.
T. Một người theo phái Platon sẽ trả lời ông rằng thế giới trong tấm gương chỉ là phản chiếu của thế giới thật. Phương diện hạt không nền tảng hơn phương diện sóng. Trong nghĩa này, người ta có thể nói rằng chẳng phải ánh sáng chẳng phải vật chất sở hữu những đặc tính nội tại và bất biến. Những đặc tính này tùy thuộc vào người quan sát và máy đo, và trong nghĩa này, có thể xem là "huyễn ảo", vì vô thường.
M. Vật lý có sẵn sàng nói electron chỉ là một trò chơi của những tương quan, và nó không sở hữu phương diện nền tảng nào?
T. Nếu những tương quan là sự tương tác giữa người quan sát và đối tượng được quan sát, những tương tác và chuyển hóa giữa những hạt sơ cấp (chẳng hạn một proton hợp với một electron để cho một neutron và một neutrino) và tương tác giữa vật chất và ánh sáng, thì tôi đồng ý.
M. Những tương quan, tôi hiểu không chỉ những tương quan giữa những vật khác nhau và hiện hữu nội tại, mà một mạng lưới những tương quan và điều kiện hóa lẫn nhau, trong đó những đặc tính bên ngoài của một hiện tượng sanh ra từ toàn bộ những hiện tượng, gồm cả ý thức.
T. Điều đó khiến tôi nhớ đến những lời của Heisenberg: "Thế giới xuất hiện như một tấm vải dệt bằng những biến cố trong đó những tương quan đủ loại xen kẻ nhau, tạo thành một tổng thể."
M. Ông ấy nói rõ những biến cố, chứ không phải những thực thể khách quan. Một hạt có vẻ biệt lập khỏi cái toàn thể vì chúng ta nghiên cứu nó trong một vòng giới hạn bởi một nghi thức thí nghiệm, nhưng không có đặc tính nào của một phần tử của toàn thể ấy là căn bản, bởi vì không có cái gì là tính cách của nó.
T. Không có cái gì là tính cách của nó một cách nội tại, độc lập với mọi đo lường. Những hiện tượng không thể tách lìa với những điều kiện chứng nhận của chúng. Theo giải thích cơ học lượng tử của Copenhague, nói đến "thực tại khách quan" là vô nghĩa.
M. Đó cũng là định nghĩa của tánh Không. Có một câu nổi tiếng và tinh túy trong Phật giáo: "Sắc là Không và Không là sắc". Những hiện tượng là Không, là trống không. Bản chất của những hiện tượng biểu lộ là trống không, và nhờ sự trống không này, sự vắng mặt của hiện hữu độc lập này mà chúng có thể biểu lộ và chuyển hóa. Bạn có thấy điều đó mâu thuẫn với vật lý hiện đại?
T. Không, hai quan điểm tương hợp, mặc dù sự trình bày thì khác nhau. Những nhận xét của ông khiến tôi nhớ một lý thuyết thịnh hành những năm sáu mươi, tuyên bố rằng không có những hạt sơ cấp. Mỗi hạt được tạo thành từ tất cả các hạt khác và có một ít của tất cả các hạt trong mỗi hạt: A được tạo thành bởi B và C, B bởi A và C, và C bởi A và B. Henry Stapp, chẳng hạn, viết: "Một hạt sơ cấp không phải là một thực thể có thể phân tích do có một hiện hữu độc lập. Đó là, trong yếu tính, một trò chơi những tương quan trải dài đến những sự vật khác." Lý thuyết này được nói là của Bootstrap, không được ưu chuộng nữa, thiếu chứng cứ thực nghiệm. Sơ đồ một hệ thống những hạt càng lúc càng sơ cấp - những phân tử, những nguyên tử, những electron và nhân nguyên tử, những proton và neutron, những quark - xem ra diễn tả tốt hơn những quan sát của chúng ta về những hiện tượng nguyên tử và hạ nguyên tử.
M.Tuy nhiên, một số triết gia về khoa học như Bernard d' Espaqnat và Michel Bitbol nói sơ đồ này như một tổng quát hóa quá độ của những tri giác thô của chúng ta, phối hợp với một khuynh hướng vật chất hóa những hiện tượng. Vị thứ hai xác nhận rằng những hiện tượng lượng tử có thể được giải thích "ít ra cũng tốt khi dùng một kiểu mẫu thay thế không giả thiết một yếu tố hạt nào". Đồng vọng tiếng với Schrodinger đã nói rằng "lý thuyết nguyên tử hiện đại đã lao vào một khủng hoảng chưa có tiền lệ," Bitbol tiếp theo: "Chẳng phải những đụng chạm trên những tấm màn cũng chẳng phải những dấu vết trong những phòng nhận dạng cũng chẳng phải những hình ảnh gợi ý được cung cấp bởi kính hiển vi hiệu ứng đường hầm chứng minh được cái chúng hình như đang chứng minh... Chúng ta phải chớ quên rằng trong vật lý lượng tử theo nghĩa rộng, khả tính cá thể hóa những đối tượng ở cấp độ nguyên tử bị giới hạn vào những trường hợp thí nghiệm rất riêng biệt, và hoàn toàn khiếm khuyết từ giây phút những điều kiện này không đầy đủ nữa. Chẳng hạn, trong một số tình huống, diện tích của một hạt không thể được diễn tả nếu nó được định vị trong chỉ một điểm." Ông cũng kể ra Quine khi ông này tự hỏi những lý thuyết lượng tử có bắt buộc vật lý học một sự quay ngoắt khá trọn vẹn để "đe dọa không chỉ một hữu thể học yêu chuộng những hạt sơ cấp, mà còn đe dọa chính câu hỏi hữu thể học, vấn đề "có cái gì" hay không."
Với nhà vật lý Laurent Natele, ông nhận xét: "Một số nhà triết học đi xa hơn, kết luận sự không hiện hữu tự thân của mọi sự vật, từ vật chất đến tinh thần. Nếu chúng ta đi ngược lại lịch sử của tính tương đối đến Copernic về tư tưởng Tây phương và những khoa học vật chất, thì tuyên bố đầu tiên trong tư tưởng Đông phương là đến Siddharta Gautama, cách đây hai ngàn năm trăm năm. Người ta tìm thấy trong triết học Phật giáo một suy nghĩ về tính tương đối về sự trống không của mọi sự vật, hậu quả của sự không hiện hữu tự thân của chúng, sự hiện hữu của chúng chỉ có trong những liên hệ giữa chúng. Người ta có thể ca ngợi một trực giác như thế, xem như một thị kiến bên trong về mục đích xa, có thể là không thể đạt tới, đề nghị một khoa học đặt nền trên tính tương đối. Ở đó không có chủ nghĩa hư vô nào, không có sự phủ nhận thực tại và hiện hữu, mà hơn nữa một cái thấy sâu xa chính bản tánh của hiện hữu. Nếu những sự vật không hiện hữu theo cách tuyệt đối, tuy nhiên có hiện hữu, thì bản chất của chúng phải tìm trong những tương quan kết hợp chúng. Chỉ hiện hữu những liên hệ giữa những sự vật, chứ không chính những sự vật. Vậy thì chúng trống không nội tại, và phải quy giản thành tổng thể những liên hệ của chúng với thế giới còn lại. Chúng là những liên hệ này...Vật lý tương lai có thành công đặt thành phương trình cái khởi lên từ một thị kiến thuần túy triết học?"
T. Người ta không thể bác bỏ rằng phương pháp quy giản nhắm đến giải thích tất cả mọi hiện tượng của thế giới theo những hạt sơ cấp đã đem lại nhiều thành công, và một số những nhà vật lý như Steven Weinberg bảo vệ một cách nồng nhiệt cho chủ nghĩa quy giản. Nhưng phương pháp này có những giới hạn nào đó, nhất là trong liên quan những đặc tính đột khởi của một số hệ thống mà những phẩm tính không thể được giải thích bởi sự cọng lại đơn giản những yếu tố cấu thành của chúng. Những cách khác để hiểu cái thật, như những cách ông vừa đề cập, là cần thiết.
Để trở lại sự vắng mặt của một thực tại khách quan, phải xác định rằng nó được cảm thấy một cách thực nghiệm trong thế giới những hạt. Nếu thực tại được diễn tả bởi những xác suất trong thế giới nguyên tử và hạ nguyên tử, chúng ta không cảm thấy sự không xác định này ở cấp độ những sự vật của đời sống. sau cùng, những vật thể vĩ mô như cái bàn hay quyển sách này được làm bằng những hạt phục tùng sự mờ nhòe lượng tử. Tại sao cuốn sách không thình lình ra ở ngoài vườn? Những định luật của cơ học lượng tử nói rằng về nguyên tắc một biến cố như vậy có thể xảy ra, nhưng khả năng ấy yếu đến độ cần phải một vĩnh cửu. Sở dĩ như vậy bởi vì những vật vĩ mô được tạo bằng một con số nguyên tử quá lớn (một cuốn sách chứa khoảng 10 mũ +25 và trái đất khoảng 10 mũ +50) cho nên những ngẫu nhiên thành vô hiệu. Sự mờ nhòa lượng tử không có với những vật vĩ mô.
Đâu là biên giới giữa thế giới vi mô nơi sự mờ nhòe lượng tử thống trị và thế giới vĩ mô nơi sự bất định mất quyền hạn? Đến bây giờ những nhà vật lý còn chưa có thể xác định biên giới này, mặc dầu họ thử đẩy lùi những biên giới của thế giới lượng tử mỗi ngày.
M: Có thể bởi vì biên giới này không hiện hữu. Sự bất định không biến mất, nó chỉ trở nên không thể tri giác trong những hoàn cảnh vĩ mô của chúng ta. Cũng như thế, trong đời sống bình thường, chúng ta không tri giác những hiệu quả của tính tương đối của không - thời gian, bởi vì chúng ta dời chỗ từ cái này sang cái khác với một vận tốc quá thấp so với ánh sáng, nhưng tính tương đối này không ngừng hiện hữu: chiếc xe đạp của chúng ta giảm kích thước khi chúng ta bắt đầu chạy, nhưng sự biến đổi này quá nhỏ đến độ một người đứng yên không thể thấy.
Khả năng, dù rất nhỏ, cuốn sách này thình lình biến mất khỏi cái bàn chứng tỏ rằng không có sự khác biệt nền tảng giữa cái vĩ mô và cái vi mô. Ngay cả, ở cấp độ của chúng ta, chúng ta ở trong một hoàn cảnh riêng biệt mà sự bất định là không không thể tri giác đối với những giác quan của chúng ta, điều ấy không bác bỏ bản chất lượng tử của thế giới. Henry Stapp, lý thuyết gia lượng tử mà bạn đã nhắc đến, viết: "Điểm quan trọng của định lý Bell là nó trình bày rõ cho thế giới vĩ mô song đề mà hiện tượng lượng tử đặt ra... Điều ấy chứng tỏ rằng những ý tưởng bình thường chúng ta có về thế giới thiếu sót sâu sắc, ngay cả ở cấp độ vĩ mô."
Vấn đề chính của những nhà duy thực là hòa giải những khám phá của vật lý lượng tử với thực tại hàng ngày của thế giới vĩ mô. Những nhà vật lý không ngừng lắc lư giữa cái này và cái kia, khi thì nói những hạt và sự vật là thật, khi thì tính bổ sung và bất định xứ, trong khi chỉ rút ra những kết luận của lượng tử để chuyển hóa cái nhìn thấy cá nhân về thế giới là đủ.
Tại sao có một sự khác biệt giữa hữu thể học giữa vĩ mô và vi mô tạo thành cái vĩ mô, cái này chỉ là một trải rộng của cái kia? Cái gì đột khởi khi vi mô trở thành vĩ mô? Một cấu trúc, nghĩa là một tập hợp những tương quan của những hàm số có sự tương tục và có thể chuyển hóa những hiện tượng. Tuy nhiên những hàm số này không cho được một thực tại bổ sung cho cấu trúc này và những yếu tố của nó. Nếu những hạt không phải là những "sự vật", thực tại thô cũng không là một "sự vật", dù bề ngoài và tính chất của nó.
T. Trong trường hợp này, người ta có thể tự hỏi tại sao và như thế nào cái vĩ mô hoạt động. Chúng ta được bao quanh bởi những vật vĩ mô với những vị trí và vận tốc xác định, không tuân theo định lý bất định của Heisenberg và không có lưỡng tính sóng hạt trong thế giới nguyên tử và hạ nguyên tử.
M. Sự cứng đặc của chúng chỉ đánh lừa con mắt: một vấn đề bậc thang trong thời gian và không gian. Theo Phật giáo, đó chỉ là vấn đề ngưng đọng trong khoảnh khắc của một hệ thống những liên hệ. Một giấc mộng kéo dài trăm năm không có thực tại hơn một giấc mộng dài một phút.
Cách diễn tả thế giới của chúng ta bị quy định bởi sự kiện kinh nghiệm hàng ngày của chúng ta chỉ cho phép quan sát ở bậc thang vĩ mô, khiến có nhiều vững chắc. Nếu chúng ta thường có thế giới vi mô dưới mắt, chúng ta sẽ không cho thế giới bên ngoài là cứng đặc. Theo một số nhà vật lý như Laurent Nottale, sự không tương thích bề ngoài giữa cơ học cổ điển và những hiện tượng lượng tử chỉ là một vấn đề "tính tương đối của bậc thang."
Chúng ta hãy lấy một thí dụ được dùng trong phân tích Phật giáo, một cái lều. Nếu tháo cái lều, tách lìa tấm vải, những cọc và dây, lều không còn nữa. Rồi đến những sợi vải, rồi phân tử, nguyên tử, hạt và năng lượng không thể nhìn thấy. Ở đó người ta ở giữa đường của hiện hữu và không hiện hữu, và trí năng mất chân đứng. Từ đó sự suy xét kết luận tính không có thực tại của mọi sự, không có chỗ nâng đỡ, không có sự vật. Khi phân tích không có vật cũng không có chỗ nâng đỡ, nó không tự biểu lộ nữa và tất cả những xây dựng của tâm thức lặng xuống, như những sóng trên nước.
Sự di chuyển này, từ cái lều đến không thực tại của các hạt, và ngược lại, từ các hạt đến cái lều, không trình bày một sự chẳng tương tục nào chứng minh sự phân biệt căn bản giữa vi mô và vĩ mô. Như những bản văn Phật giáo nói: "Thiếu khảo sát với một tinh thần phê phán, chúng ta chấp nhận dễ dàng những sự vật như chúng xuất hiện với chúng ta". Số lượng không là vấn đề, và một tỷ hạt cũng không có thực tại hơn chỉ một hạt. sự không có thật của một hạt là một bằng cớ đủ cho sự không có thực của những hiện tượng vĩ mô. Khi một người đã chết, không cần giết một lần thứ hai.
Nagarjuna tuyên bố trong Ratnamala: "Chúng ta càng xa thế giới, nó càng có vẻ thật đối với chúng ta. Chúng ta càng đến gần, nó càng ít có thể nắm bắt, như một ảo ảnh không có thực tại sờ nắm được."
Nếu một hạt sơ cấp không phải là tấm vải, không là cọc, không có hơi ấm, không có màu sắc, nó không phải là tôi không là cái khác. Như vậy nó thoát khỏi tâm thức gây ra sự bất toàn của chúng ta với thế giới mà khi vật chất hóa nó bèn có khổ đau. Đó là điều Shantideva diễn tả khi nói về hiểu biết vượt khỏi tư tưởng vọng động: "Khi không phải cái thực tại cũng không phải cái không thực tại trình hiện nữa với tâm thức, bấy giờ vắng mặt mọi bước đi khác có thể, tâm thức thoát khỏi những khái niệm được bình lặng."
T. Tôi không thấy sự mâu thuẫn căn bản nào giữa những quan kiến khoa học với Phật giáo về thực tại của những hạt sơ cấp. Chúng ta phải xem chúng như những tiềm năng mà chỉ vật chất hóa khi có sự can thiệp của đo đạc hay ý thức của người quan sát. Người ta không tách lìa khỏi tiến trình quan sát một thực tại hoàn toàn độc lập hay một xác định riêng cho đối tượng.
Vậy thực tại không thể tách thành chủ thể và đối tượng. Đó là quan kiến của trường phái Copenhague được đa số nhà vật lý chấp nhận.
Quan niệm hạt sơ cấp chắc chắn gắn liền với quan niệm nguyên tử. Phật giáo cũng có xem xét quan niệm nguyên tử này không?
M. Nhiều thế kỷ trước kỷ nguyên Thiên Chúa giáo, vào thời các triết gia Hy Lạp, Phật giáo đã đi vào một phân tích lý luận về quan niệm nguyên tử này, mà theo ngữ nguyên, là "phần tử không thể chia nữa". Nhưng có lẽ bạn có thể nhớ những ý tưởng của Leucippe và Democrite, những vị Hy Lạp đầu tiên tạo ra quan niệm này.
T. Khái niệm nguyên tử là một trong những căn bản của lịch sử khoa học. Nhà vật lý Mỹ Richard Feynman thậm chí tuyên bố rằng nếu tất cả hiểu biết khoa học biến mất trong một thảm họa, thì khái niệm duy nhất mà người ta cần giữ gìn cho các thế hệ tương lai sẽ là: "Mọi sự được làm bằng những nguyên tử, những hạt nhỏ sống động bằng một chuyển động không ngừng."
Năm 1869, Mendeleiev đã có một trực giác thiên tài tổ chức những nguyên tố hóa học theo trọng lượng nguyên tử của chúng. Như pháp thuật, những nguyên tố cùng những đặc tính hóa học được sắp thẳng hàng thành những nhóm bảy, bây giờ người ta gọi là bảng tuần hoàn các nguyên tố. MỘt sự sắp hàng như thế chỉ có thể hiểu nếu mỗi nguyên tố làm bằng chỉ một loại nguyên tử. Khi Mendeleiev thiết lập bảng, mới chỉ có sáu mươi ba nguyên tố trên chín mươi hai nguyên tố hiện giờ đã biết.
M. Quan niệm những hạt không thể phân chia nữa và thường hằng là những cấu thành của vật chất đã có ở Ấn Độ từ thời những triết gia Hy Lạp đầu tiên, bởi vì những nhà tư tưởng Phật giáo đã bác bỏ nó. Họ nói, để không thể phân chia được nữa, một hạt phải quy giản thành một điểm không có chiều kích.
T. Điều đó là một hình ảnh, vì họ không biết khái niệm những điểm hình học.
M. Họ phân tích như vầy: nếu chấp nhận những hạt không thể phân chia nữa xây dựng nên vật chất thì chúng phải hợp lại với nhau. Hai hạt không thể phân chia được làm sao tiếp xúc được với nhau? Ở đây cần nhớ đó là một thí nghiệm trong tư tưởng.
Tất cả những phần tiếp xúc đồng thời hay dần dần? Nếu dần dần, mặt phía tây sẽ chạm với mặt tây của hạt kia. Nhưng nếu một hạt có mặt phía tây và mặt phía đông thì không thể nói là không phân chia được nữa. Còn nếu nói chúng không có mặt, không có phần tử thì chúng không có chiều kích. Nếu thế, cách duy nhất để chúng tiếp xúc là hòa lẫn với nhau. Nếu hai hạt có thể hòa với nhau, thì ba hạt tại sao không? Một trái núi và vũ trụ có thể hòa lẫn với một hạt. Thực tại thô không thể tụ lại cũng không thể trương nở. Lý luận đưa đến vô lý này đã dẫn các triết gia Phật giáo nói rằng các hạt như các điểm không thể phân chia không thể tạo dựng thành vũ trụ.
T. Người ta sẽ trả lời những hạt không cần tiếp xúc để tạo thành vũ trụ.
M. Trong trường hợp này, họ nói rằng có một khoảng trống giữa hai hạt, và bởi vì các hạt không có chiều kích nên vô số hạt, tất cả vũ trụ có thể cư trú giữa hai hạt. Điều này bác bỏ quan niệm nguyên tử.
T. Theo khoa học, chúng ta đã thấy, vật chất có thể được cho là có tính cách "không thật" trong ý nghĩa nó không có một thực tại thường hằng và nhất là có thể chuyển hóa thành năng lượng.
M. Đức Phật, cách đây khoảng hai ngàn rưởi năm, rồi những nhà chú giải lớn Nagarfuma và Aryadeva (thế kỷ thứ 2), Vasnbandhu (thứ 4) và Chandrakirti (thứ 8) đã đề cập đến những vấn đề này.
T. Quan niệm nguyên tử tiếp cận nhau làm ra vật chất không xa lắm với vật lý hiện đại. Bây giờ chúng ta biết rằng nguyên tử hầu như trống không. Nhân gồm 99,9% khối lượng nguyên tử nhưng chỉ chiếm phần triệu của phần tỷ của thể tích của nó. Phần còn lại chỉ là một đám mây xoay vòng của những electron. Vật chất có vẻ liên tục với chúng ta bởi vì đôi mắt của chúng ta không thể thấy gì ở bậc thang nguyên tử, phần trăm của phần triệu xen ti mét.
T. Hạt được gọi là "electron" được gọi là "hỗ phách" trong tiếng Hy Lạp. Người Hy Lạp đã khám phá rằng hỗ phách có một khả năng hấp dẫn huyền bí khi người ta chà nó với len.
Nhưng điều ngạc nhiên hơn là kết quả thí nghiệm của một nhà vật lý Anh, Ermest Rutheford, năm 1910: Khi 'oanh tạc' những tấm lá vàng mỏng với những hạt rất mạnh, phần rất lớn những hạt đi qua lá vàng như không có gì, nhưng một phần rất nhỏ (0,01%) phản chiếu lại và trở lại điểm xuất phát. Đó cũng như một viên đạn bị một tờ giấy phản chiếu lại! Trước thí nghiệm Rutheford, những nhà vật lý nghĩ rằng những nguyên tử chiếm hầu hết không gian của một vật rắn. Nếu như thế thì không có hạt nào được phóng ra dội trở lại. Vậy phải có trong nguyên tử một hạt nhân cứng đặc để dội trở lại những hạt. Ngày nay chúng ta biết rằng nhân so với thể tích của nguyên tử chỉ bằng một hạt lúa trong sân bóng đá. Như thế, mọi vật chất ở quanh chúng ta, cái bàn này, cái ghế này, những bức tường ngày hầu như trống rỗng. Lý do độc nhất khiến chúng ta không thể vượt ngang qua bức tường hầu như trống không này như tiểu thuyết gia Marcel Aymé nói là bởi sự kiện những nguyên tử liên kết với nhau bằng lực điện từ. Vậy thì quan niệm về cái trống không lại khởi lên, không phải cái trống không nguyên sơ mà chúng ta đã nói, cái trống không đã sanh ra vũ trụ vật chất, mà là cái trống không của những nguyên tử. Điều ngạc nhiên nhất là Leucippe và Démocrite cũng đã nói đến sự trống không khi đưa vào quan niệm nguyên tử.
M. Nhưng cái trống không này rất khác với cái trống không đầy năng lượng của vật lý hiện đại và cái Không Phật giáo đã nói, nó không phải là một vắng mặt của "cái gì đó", mà là một vắng mặt của "bản chất riêng", của "tự tánh".
T. Những triết gia Hy Lạp nghĩ rằng cái trống không bao quanh những nguyên tử, trong khi Rutherford khám phá rằng cái trống không ở trong chính những nguyên tử.
M. Thật ra thì hầu như giống nhau: chỉ cần thay thế chữ "nguyên tử" bằng chữ "nhân" là đủ. Nhưng nhân nguyên tử cũng chẳng phải là một thực thể không thể phân chia.
T. Không. Bây giờ chúng ta biết rằng những nhân nguyên tử được làm bằng những proton và neutron liên kết với nhau bằng lực nguyên tử mạnh. Proton và neutron là những hạt rất giống nhau, trừ điện tích của chúng. Proton mang điện tích dương, bằng và ngược với điện tích của electron. Như tên của nó, neutron không có điện tích. Neutron cho vật chất một sự vững chắc và làm cho sự vật không tan rã trước mắt chúng ta. Nếu nhân nguyên tử chỉ tạo bằng proton, nó sẽ nổ, bởi vì những hạt cùng điện tích đẩy nhau. Những cuốn sách trên kệ phía sau ông, tách trà trên bàn và những hoa hồng trong vườn sẽ tan rã tức thì.
Để trở lại sự bác bỏ hiện hữu của những hạt không thể phân chia của Phật giáo, nó dính dáng với một số quan niệm hay khám phá của vật lý hạ nguyên tử, nhưng nó trái nghịch với những cái khác. "Lý thuyết chuẩn" xác nhận sự hiện hữu của những hạt không thể phân chia, được gọi là "quark", là những viên gạch sơ cấp của chính những hạt. Nhà vật lý Mỹ Murray Gell - Mann, đã đặt tên cho chúng ta quark, và ba là con số cần thiết để tạo thành một proton hay một neutron, điện tích của chúng là phân số (+-1/3 hay +-2/3).
Lý thuyết quark được chấp nhận chung, bởi vì nó thành công với đặc tính của hàng trăm hạt. Đa số những hạt này chỉ sống một phần nhỏ của giây. Chúng không xuất hiện trong vật chất quanh ta, nhưng sanh ra từ những va chạm của những hạt trong máy gia tốc. Tất cả như Mendeleiev đã lập bảng tuần hoàn.
M. Tất cả điều đó hình như trở lại với một quan kiến vật chất hóa, mặc cho tính bổ sung sóng/hạt và sự giải thích Copenhague.
T. Thật vậy, còn phải xem những hạt quark có thật sự hiện hữu hay chỉ là những thực thể lý thuyết được tạo ra để có thứ tự trong thế giới những hạt. Năm 1968, những nhà vật lý đã dùng máy gia tốc dài ba ngàn hai trăm mét của đại học Stanford để phóng những chùm hạt rất mạnh về những proton, với hy vọng làm chúng vỡ và giải phóng những hạt quark. Nhưng không có thành công nào. Tuy nhiên cách những hạt chạm nảy trên những proton hình như chứng minh rằng những cái này có một cấu trúc và tạo bằng ba thực thể nhỏ như điểm.
Tại sao không thể quan sát những hạt quark ở trạng thái tự do? Vì sự tương đương giữa năng lượng và vật chất, năng lượng tỏa ra làm sanh một cặp quark/ phản quark. Có hai điều: 1) Quark mới sanh ra thế chỗ cho cái đã thoát ra để tức thời tái tạo proton, và 2) phản quark hợp với quark thoát ra để làm thành một hạt mới gọi là "méson". Những hạt quark không bao giờ có thể tự do. Chúng ta không bao giờ thấy chúng. Thử rút những hạt quark khỏi một proton, đó như thử tách riêng một cực của một nam châm: nếu cắt đôi nam châm, người ta lại có hai nam châm và mỗi cái có cực nam và cực bắc.
M. Nếu một hạt quark có thể tương tác với một hạt phản quark để tạo thành một méson, nó đã mất bản sắc của nó. Bấy giờ người ta có thể tiếp tục xem nó là cái cấu thành căn bản của vật chất không?
T. Đó chính là điều Gell. Mann giả định, bởi vì không cần thiết phải giả thiết rằng những hạt quark được làm bằng những thực thể còn nhỏ hơn để hiểu những tính cách của proton, nertron và hàng trăm hạt khác và để tổ chức thế giới những hạt theo một sơ đồ hợp lý. Đây còn là "dao cạo của Occam". Phương pháp luận khoa học cốt ở giải thích một số lớn nhất các sự kiện với ít nhất những giả thiết. Một giả thiết mới chỉ cần đưa vào nếu còn những hiện tượng chưa được giải thích.
M. Không cần giả định rằng những hạt quark được làm bằng những thực thể nhỏ hơn là một việc; tuyên bố chúng là những viên gạch căn bản của vật chất và không thể phân chia là một việc khác. Bảng tuần hoàn của Mendeleiev đã cho phép giải thích theo một sơ đồ đơn giản và hợp lý những tính cách của những thực thể hóa học, nhưng điều đó không có nghĩa những nguyên tử của những thực thể ấy là không thể phân chia. Tất cả điều chúng ta có thể nói, là hạt quark không thể phân mảnh bằng năng lượng của những cuộc dội bom mà chúng ta có thể làm lúc này. Nhưng điều đó có phải là hạt quark không thể phân chia nữa không? Nó có một chiều kích không?
T. Vì chúng không thể thấy nên người ta không có ý tưởng nào về chiều kích của chúng, ngoài việc một hạt quark phải nhỏ hơn một proton, cở 10 mũ -13 centimet. Về phần có thể phân chia không, đó chắc chắn là một định đề của lý thuyết.
M. Sự diễn tả này có một phương diện làm yên tâm cho những người chủ trương "chủ nghĩa duy thực", và nó cung cấp những biểu thị tiện lợi để diễn tả thực tại theo hình ảnh của tri giác chúng ta về những hiện tượng vĩ mô, nhưng phải không quên rằng những hạt quark cũng phải chịu tính bổ sung sóng/hạt. Chúng ta trở lại với sự bàn luận về thực tại của những hạt này.
Thái độ vật chất hóa, liên hệ với những tri giác thông thường của chúng ta, theo Phật giáo là nguồn gốc của sự không tương xứng giữa bản chất những hiện tượng và cách chúng ta tri giác chúng, đã được một số nhà khoa học và triết gia về khoa học nhấn mạnh. Heisenberg nói rằng "những nguyên tử không phải là những sự vật", và "hữu thể học duy vật nghỉ ngơi trên ảo tưởng rằng loại hiện hữu này, "thực tại" trực tiếp của thế giới quanh chúng ta, có thể ngoại suy đến trật tự của độ lớn nguyên tử. Sự ngoại suy này là không thể."
Bitbol viết rằng "chủ nghĩa nguyên tử không phải là giới hạn của một thủ tục từ những hiện tượng đến sự giải thích tối ưu của chúng; nó dựa vào một tấm lưới những thảo luận về những hiện tượng và hướng dẫn hoạt động thí nghiệm tham dự vào định nghĩa của chúng," và "lý thuyết nguyên tử thực ra là một trường hợp đặc biệt của một khuynh hướng rộng lớn hơn muốn đặt nền sự xuất hiện trên một vũ trụ hình tướng."
Tôi kể ra những phát biểu này để cuối cùng nhắc nhở rằng, ngay cả nếu nó không là đa số, sự phê phán chủ nghĩa duy thực là một phong trào có ý nghĩa trong khoa học hiện đại, như đã luôn luôn có trong triết học Phật giáo. Rõ ràng rằng số những người đương thời khó khăn khi rút ra mọi hậu quả của giải thích Copenhaque và tính toàn thể của những hiện tượng được chứng minh bởi những thí nghiệm EPR. Nếu đó là bản chất của những hiện tượng, sự thấu hiểu nó phải biến đổi sâu xa quan niệm của chúng ta về thực tại thô _ chính chúng ta và thể giới quanh ta.
Đó là một phương pháp tiến hành của Phật giáo, không chỉ là một yếu tố của hiểu biết, mà còn là sự thực hành chuyển hóa cá nhân. Sự phân tích dẫn đến hiểu biết về tánh Không thoạt nhìn có vẻ rất trí thức, nhưng sự chứng ngộ trực tiếp phát xuất từ đó giải thoát chúng ta khỏi những bám luyến của chúng ta và kéo theo những dội lại sâu xa trên cách sống của chúng ta.
(Hết chương 5 Những ảo ảnh của cái thật)
- Vô tận trong lòng bàn tay _ Matthieu Ricard và Trịnh  Xuân Thuận _ Fayard 2000.
BAN BIÊN TẬP TẠI ĐÂY VÀ BÂY GIỜ DỊCH
679

Thân Loan Thánh Nhân - DANH TĂNG PHẬT GIÁO - JEAN ERACLE - Nguyễn Xuân Chiến dịch

(Tìm hiểu về Chân tông Nhật bản và vị tổ sư khai sáng)Thân Loan thánh nhân hiển nhiên là một nhân vật phi thường mặc dù Ngài thường tự gọi mình là

1,272
TRÍ THÔNG MINH TƯƠNG TÁC CÁ NHÂN - Thomas Amstrong

William Shakespeare, Jane Addams, và Lyndon Johnson là những tính cách hoàn toàn khác biệt. Tuy nhiên có một điểm chung xuyên suốt cuộc đời ba nhân vật kiệt xuất này là

830
Thân xác và ... tự do - BÙI VĂN NAM SƠN

THÂN XÁC VÀ…TỰ DOBÙI VĂN NAM SƠNTrở lại với quan niệm về con người, ta không thể không nhắc đến René Descartes (1596-1650) và Immanuel Kant (1724-1804). Ông trước được tôn vinh

1,371
SỰ SỐNG LÀ THIÊNG LIÊNG - - Nguyễn Tường Bách

Nepal chỉ là một nước nhỏ nằm giữa hai cường quốc khổng lồ và đông dân nhất thế giới, đó là Ấn Độ và Trung Quốc. Với một dân số khoảng 30

19,766
Vài câu chuyện ở An Phú Đông - Nhất Như Thị Giới

(Ảnh trên, và bài trên Tạp chí VHPG)Chiếc phà máy nhỏ đưa chúng tôi qua con sông đục và nhiều lục bình. Bên đó là phường An Phú Đông của quận 12.

2,884
Top Bài Viết
Quan Hệ Thầy Trò
Niệm Tự Bạch

QUAN HỆ THẦY TRÒ Theo Tinh thần Kinh Kế thừa Chánh pháp Thầy, vầng mây bậc, thong dong, núi cao biển rộng Con, cánh nhạn chiều, chân trời sải cánh, dõi theo Thầy,

33,392
Giữ giới là lựa chọn tự do
Phật học Ứng Dụng

Giữ giới là lựa chọn tự do  Giới luật của Phật giáo có nghĩa là: “Anh đừng tự làm thương tổn mình, anh đừng tự làm hại mình”. 1. Tự do của lệ thuộc

32,813
Đạo Phật là gì?
Niệm Tự Bạch

Đạo Phật là gì Lama Zopa and Lama Yeshe Khi bạn tìm hiểu về đạo Phật tức là bạn đang tìm hiểu về con người thật của mình, về bản chất của tâm trí

32,719
Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa
Tìm Hiểu & Học và Hành

Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa(VHPG) Mọi kinh nghiệm của chúng ta, kể cả giấc mộng, khởi lên từ vô minh. Đây là một tuyên bố làm hoảng hốt

32,508
Chùa Việt
Sách Đọc