I
Thầy dạy, tụng kinh là để thả dòng nước tâm của mình vào biển đại nguyện của các Đại Bồ Tát, vào biển Tâm của chư Phật. Tụng kinh, trì chú hay niệm Phật như một công việc thiền định, nghĩa là tâm mình tương ưng với tâm giải thoát của các bậc giác ngộ trong trì tụng. Tụng kinh là thể nhập: “Cảm ứng đạo giao nan tư nghì”.
Y như lời dạy, trong thời tụng kinh sáng, khi thời kinh kết thúc, tôi nhìn những tượng Phật và ảnh của các vị Tổ Tây Tạng mà mình lễ lạy trước khi đi vòng ra sau xá hậu Tổ. Những hình ảnh mà tôi thấy nó ngời sáng trong nhận thức của mình, tất cả nó đẹp mà mình tự cảm nhận chớ không thể diễn đạt. Khi tâm thức của bạn ở một mức độ đơn giản đơn sơ thì bạn sẽ trực tiếp thấy tâm bạn, thấy cảnh vật đồng điệu cùng với sự đơn sơ đó, nó bộc lộ giản dị, sáng ngời và không biết sao để diễn tả. Khi tâm bạn trong vắt vô niệm thì tánh giác lộ bày, nó bày hiện nơi bạn và bạn nhìn mọi thứ xung quanh, không gian cây cảnh, hình tượng, sự việc đẹp xấu gì cũng thấy nó hoàn hảo lạ lùng và tất cả chỉ có một vị là: Tánh Giác.
Chỉ có cảm giác là cái một, chỉ cái Một hiện hữu! Thiền sư Đạo Nguyên dạy: “Muốn thấy cái như vậy thì bạn phải là người như vậy”. Khi bạn là người như vậy, bạn sẽ tức khắc thấy cái như vậy, và bạn sẽ hiểu và cảm nhận mọi thứ như vậy.
Ngay khi những chuyện đó xảy ra, tôi nghĩ tới chữ làm quen mà Phật giáo Tây Tạng định nghĩa: Thiền là làm quen. Làm quen là một hành động rất đời thường, ngay từ ngữ đó đã nói lên hết ý nghĩa của nó, làm quen là làm quen với cái gì? Làm quen với cái đã có sẵn. Tâm thức tôi xưa kia đóng khung trong một cái ta, một trung tâm, cho nên tôi nhận thức mọi việc bị bao phủ, và bị sai khiến của cái ta này, cái thấy chỉ có một trung tâm này nó làm chủ và dấy tạo cả cuộc đời sanh tử phiền nhiễu, và nhiều đời sanh tử nữa.
Bây giờ, làm quen là làm quen với cái ngược lại, những lúc thiền định, tâm vô niệm, trong sáng chúng ta bắt đầu của sự làm quen với con người không mặt mũi mà thiền sư Lâm Tế gọi là: vô vị chân nhân.
Làm quen thuần thục với người này, người bất động này, người thoát ra sự ràng buộc của tư tưởng vọng niệm này, hay người không còn bị: tâm, ý, và ý thức làm chủ này.
Bước làm quen thứ hai là chính người rỗng rang thanh tịnh này, nơi đó chính là nền tảng, nơi phát sinh ra mọi hoạt dụng của tâm, chúng ta phải làm quen ở một mức độ mới, năng động hơn, rộng lớn hơn: “Sanh tức vô sanh”, đang khi sanh không có sanh. Tâm, ý, và ý thức khi đó là dụng của người vô sanh này. Đó là cái mà chúng ta cần phải làm quen.
Cuối cùng làm quen là nhận biết xưa nay mọi thứ đã “như vậy”, theo cách nói của ngài Đạo Nguyên. Hay như kinh Pháp hoa nói: Đều đã thành Phật đạo.
Khi tâm bạn thật sự an định theo cái nghĩa là mọi thứ bạn nhận thấy đều vô sở đắc, không thể được như trong kinh Bát Nhã dạy. Chỉ cần không thể được, bạn an trú trong đó đủ mạnh bạn sẽ thấy sơn hà đại địa này chỉ có một vị là: vô sở đắc! Không thể được!
Khi tâm bạn thật sự là ánh sáng như Phật giáo Tây Tạng gọi là tánh giác Rigpa, hay như ngài Lâm Tế gọi tất cả chỉ là trò đùa của quang ảnh (tất cả hình tướng đang hiển bày chỉ là trò đùa của ánh sáng), thì bạn sẽ cảm nhận thế giới sống này, sơn hà đại địa, đi đứng nằm ngồi, ánh nắng mặt trời, ánh sáng của đêm trăng, từng chiếc lá, từng ngọn cây, từng giọt sương, mỗi mỗi đều là một vị ánh sáng, một vị cho nên thiền sư Đạo Nguyên mới nói phải là người như vậy mới thấy như vậy. Bạn là ánh sáng trọn vẹn bạn sẽ thấy tất cả là ánh sáng.
Khi tâm bạn tràn đầy bi mẫn thì bạn sẽ cảm nhận thế giới sống này là tràn đầy lòng bi mẫn và tình thương.
Vấn đề ở đây là tâm bạn có tràn đầy hay chưa?
Việc tu hành của chúng ta để làm gì?
Chỉ để làm quen! Và làm quen cái gì?
Làm quen với Phật quả đã có sẵn, làm quen để nó tràn đầy.
Có thể cái thấy, khi tâm an định là do chúng ta công phu phá những che chướng của tâm thức mà trở về, và thấy cả những tư tưởng sanh ra trong tâm an định đó (sanh tức vô sanh), hai khả năng nhận thức đó được gọi là Tịnh Quang Con theo Phật giáo Tây Tạng, hay như Đại Thừa Khởi Tín Luận gọi là: Thủy Giác, là cái giác do chúng ta công phu tu hành phát hiện ra.
Còn cái gọi là: Tịnh Quang Mẹ, là Bản Giác theo Đại Thừa Khởi Tín thì xưa nay đã “như vậy”, chúng ta dù mê lầm hay giác ngộ thì xưa nay các pháp đã sẵn giải thoát tự chính nó, chúng ta làm quen là làm quen với tự giải thoát có sẵn này, như vậy mới nói: người đã thấy vàng rồi thì tất cả đều bằng vàng. Con sư tử bằng vàng thì một sợi lông cũng bằng vàng.
Tịnh Quang Mẹ, và Bản Giác là cái mà chúng ta phải làm quen, khi chúng ta thật sự là người như vậy, chúng ta sẽ làm quen được với cái đã vốn sẵn như vậy.
Trong kinh Pháp Hoa, Phẩm Như Lai thọ lượng nói thọ lượng của Như Lai là vô lượng, tuổi thọ đó như trong Kinh Di Đà gọi là vô lượng thọ vô lượng quang. Nếu là vô lượng thọ vô lượng quang, thì trước khi chúng ta sinh ra chúng ta điên đảo trong sanh tử này thì Phật A Di Đà đã có sẵn trong trời đất rồi! Ngài là cái quả đã có sẵn, như trong kinh Pháp Hoa hay nhắc tới câu: Đều đã thành Phật đạo. Hoặc ví dụ về anh cùng tử, anh lang thang nhưng anh chính là con của ông trưởng giả, anh là chủ nhân của tất cả gia tài sự nghiệp mà anh đang sinh sống, anh lang thang ăn xin vì không biết ra điều đó.
Trong kinh Lăng Nghiêm dạy: Như Lai Tạng thì trùm khắp pháp giới, tùy theo nghiệp chúng sanh mà ứng hiện, như vậy cái thấy chúng sanh là cái thấy theo nghiệp nhưng tất cả đều lưu xuất từ Như Lai Tạng. Nó lưu xuất ra bảy đại: đất, nước, gió, lửa, thức, không, kiến. Tất cả thế giới mà chúng ta mê đắm, thế giới sống trào lộng sanh tử này đều là quả Phật, đều đã thành Phật đạo, chúng ta phải khám phá và làm quen với sự thật này.
Trong kinh Kim Cang nói: “Tất cả pháp đều là Phật pháp”. Cũng chẳng khác nào cái ấn “Đều đã thành Phật đạo” hay trong kinh Duy Ma Cật nói: “Khéo phân biệt các tướng nơi nghĩa đệ nhất chẳng động”, cũng chẳng khác.
Khi ngài ở Duy Ma Cật từ trong thành Tỳ Da Ly đi ra, hỏi ông từ đâu lại, ông nói: “Từ đạo tràng mà lại”. Tất cả: “Đều đã thành Phật đạo”. Dâm, nộ, si, là giải thoát. Phiền não tức Bồ đề. Sắc tức thị Không.
Đều đã thành Phật đạo!
II
Nhìn từ quả thừa, đều đã thành Phật đạo, các thiền sư Việt Nam ngày xưa đã thấy như thế nào?
Thiền sự Cảm Thành Sơ tổ dòng Vô Ngôn Thông, khi được hỏi:
_Thế nào là Phật?
Đáp:
_Ở khắp tất cả chỗ.
Thế nào là Phật pháp?
Đáp:
_Chưa từng che dấu,
Đó là cách nói: Đều đã thành Phật đạo.
Thiền sư Thường Chiếu dòng Vô Ngôn Thông cũng dạy:
“Đạo vốn không nhan sắc
Ngày ngày lại mới khoe
Ngoài đại thiên sa giới
Chỗ nào chẳng là nhà.”
Cũng là cách nói: Đều đã thành Phật đạo.
Thiền sư chân Không đời thứ mười sáu dòng Tỳ ni đa lưu chi.
“Diệu bản thênh thang rõ tự bày,
Gió hòa thổi dậy khắp ta bà
Người người nhận được vô vi lạc,
Nếu được vô vi mới là nhà.”
Đều đã thành Phật đạo.
Và bài kệ truyền pháp của Thiền sư Thủy Nguyệt Thông Giác đời 36 tông Tào Động:
“Núi dệt gấm nước vẻ hình
Suối ngọc chảy, tuôn rượu đà tô
Bờ cúc nở hoa hoàng oanh hót
Nước trong sóng biếc cá Điệp nhào
Trăng sáng rỡ ràng ông chài ngủ
Trời soi rừng rực kén nằm nhô.”
Đó là cách diễn đạt thật thi vị, sống động, thế giới sống này:
Đều đã thành Phật đạo!
Cả đất nước Việt Nam này, người Việt từ xưa đã tu hành và làm quen với: Đều đã thành Phật đạo. Chúng ta là con cháu, chúng ta phải xem đây là bổn phận nối tiếp của mình.
Những truyền nhân!
Hãy xem đều đã thành Phật đạo như một công án, và thao thức với nó cho đến khi chúng ta phá được con người nhỏ hẹp bị qui định bởi thân tâm hữu hạn lầm chấp của mình, sự lầm chấp làm cho thế giới sống của chúng ta bị phân mãnh, cắt xén, chia chẽ mà chúng ta không thấy là tất cả xưa nay: Đều đã thành Phật đạo.
III
Tôi là một Phật tử, tôi có nhiều năm và nhiều công sức để tịnh hóa tâm dơ nhiễm của mình, tôi may mắn gặp được thầy học đạo, tôi may mắn gặp được chúng và thăng trầm cùng với sự thăng trầm của chúng, tôi thiết tha tu tập hằng ngày, cuộc đời này đã nhồi nặn tôi qua ba chặng khó, vì nó mà người tu hành phải bao lần chết đi sống lại.
Thứ nhất, tâm Vô niệm, tâm không niệm tưởng nhưng sáng tỏ, thấu suốt.
Thứ hai, sanh tức vô sanh, tâm Vô niệm nhưng nó nhận biết từ đâu tư tưởng khởi sanh. Chỉ cần nhận biết được một niệm nó sanh từ đâu diễn tiến như thế nào và chấm dứt ra sao là bạn đã làm chủ vô minh. Đó là lời dạy của Karmapa thứ Chín trong quyến Đại Ấn Thiền Xóa Tan Bóng Tối Vô Minh, nxb Thiện Tri Thức.
Thứ ba, đều đã thành Phật đạo. Mọi thứ đã an bày, tất cả xưa nay là như vậy như trong kinh Pháp Hoa: “Tướng chân thật của các pháp nghĩa là: các pháp tướng như vậy, tánh như vậy, thể như vậy, lực như vậy, tác như vậy, nhơn như vậy, duyên như vậy, quả như vậy, báo như vậy, trước sau rốt ráo như vậy”.
Đó là ba cái khó mà người Phật tử nào, theo tôi cũng phải làm quen với nó trong cuộc đời tu hành của mình.
1. Làm quen với tâm vô niệm
Làm quen với tâm vô niệm là khi bạn nhận ra tâm vô niệm này, có thể là trên bồ đoàn lúc bạn đang ngồi thiền, hoặc trong một thời gian dài bạn thực hành pháp tịnh hóa tâm thức mình. Đến một thời điểm, một thoáng bạn bắt gặp tâm vô niệm, khi đó như người xưa nói “Thân tâm thoát lạc”, là bạn nhận biết ngoài cái mà xưa nay mình đang sống có tâm có thân, mình tưởng đó là mình, bỗng nhiên không như vậy, bạn bị rơi khỏi tình chấp, và bạn thoát khỏi cái tôi giả lập ảo tưởng đeo bám bạn xưa nay.
Chúng ta phải tập sống làm quen như là một thái độ sống, một kỹ năng sống. Nếu chúng ta chạm được tâm vô niệm chúng ta quan sát nó. Vô niệm là như thế nào? Là không có tư tưởng, tâm lúc này sáng tỏ, rõ suốt, an lạc? Phải quan sát và làm quen với tâm này.
Vô niệm kéo dài được bao lâu? Khi trạng thái vô niệm này không còn nữa, thì cái gì lúc này, bây giờ vẫn còn? Sự thấu suốt trong sáng của tâm vẫn còn? Sự an lạc? Mỗi mỗi chúng ta phải quan sát làm quen và sống nó.
Bạn làm quen với tâm vô niệm như vậy, cái ta tạm thời sụp đỗ, bộ mặt thật xưa nay hiện diện, bạn phải làm quen với bộ mặt thật này. Bạn chạy đến thầy mình hoặc một người hướng dẫn nào đó để trình sở ngộ của mình và để được hướng dẫn, vì tâm vô niệm này nó tuy là nền tảng, nó có sẵn đó nhưng do tập khí của chúng ta nhiều đời chúng ta sẽ thấy nó rồi mất nó như người xưa dạy giống như bị “sốt cách ngày” vậy. Nó khi có khi không bất định, hoặc thấy đó rồi mất, mãi sau mấy tháng, mấy năm mới thấy lại được; hoặc có thể nó mãi mãi là kỷ niệm của đời bạn mà bạn không thấy lại lần thứ hai, nếu không có người hướng dẫn.
Bạn phải có công phu hàm dưỡng nó, mà chính thầy hoặc thiện tri thức đi trước có kinh nghiệm sẽ dìu dắt chỉ bảo cho bạn.
Khi được hướng dẫn, bạn sẽ có cách thường xuyên liên hệ được với tâm vô niệm, bạn làm quen nó và an trú trong nó. Nhờ thầy và sự hướng dẫn của thầy, niềm tin của bạn vào vị thầy đó, lực của vị đó, cảm hứng của vị đó, làm cho bạn có thể thường xuyên liên hệ được với tâm vô niệm mà bạn đã biết.
Tuy nhiên Lục Tổ dạy: “Đạo vốn thông lưu chớ không trệ ngại”, hoặc “Nào ngờ tự tánh hay sanh muôn pháp”
Hay các thiền sư vẫn dạy:
“Đừng tưởng vô tâm chính là đạo
Vô tâm còn cách một lớp rào!”
Hoặc lời dạy của Padmasambhava vị tổ của Phật giáo Tây Tạng, trong quyển Những Kho Tàng từ Đỉnh Cây Tùng Xù, nxb Thiện Tri Thức.
“Chớ nhìn những tư tưởng là lỗi lầm.
Như những sóng trên đại dương,
Bất kỳ tư tưởng nào có thể sanh khởi
Trong tánh không tịch diệt vốn là tâm con
Chỉ là sự phô diễn của pháp tánh.
Con có thể quyết chắc điều đó.”
2. Làm quen với: sanh tức vô sanh
Chúng ta phải làm quen với sanh tức vô sanh. Khi tâm vô niệm không được bao lâu, niệm sẽ khởi sanh, hãy nhận biết khi bỗng có một niệm khởi sanh. Nó bắt đầu ở đâu diễn ra và chấm dứt tại đâu? Nó chấm dứt trong tâm vô niệm của bạn, hay trong sự sáng suốt tỉnh giác bất động của tâm bạn? Cứ quan sát, cảm nhận. Niệm tưởng là ánh sáng của tâm hay niệm tưởng ở ngoài tâm? Nó hiện trong ánh sáng vô niệm của bạn hay nó như có người quan sát niệm và niệm bị quan sát? Nó là hai hay chỉ là tánh giác sáng tỏ của bạn biểu hiện từ vô niệm? Bạn phải xác quyết và tự tìm câu trả lời.
Tại sao nói niệm và vô niệm là bất nhị (sắc tức thị Không)? Tánh Giác và mọi biểu hiện của nó là bất nhị? Chúng ta phải làm quen với mọi ngỏ ngách của tâm thức, chúng ta không bỏ qua cơ hội nào cả, cả trong lúc ngồi thiền, tụng kinh, kinh hành, lúc làm việc, lúc lái xe, mọi biểu hiện trong cuộc sống có phải là bất nhị với Tánh Giác?
Chúng ta phải làm quen với nó và tự xác quyết nó, và khi nội lực tu hành của chúng ta đủ mạnh thì Tánh Giác sẽ bạch hóa mọi hình tướng. Chỉ toàn là một vị: Tánh Giác.
Điều gì là căn cơ cho cái thấy này? Cái gì là nền tảng để bạn có thể chấp nhận không an trú vào tâm vô niệm tịch diệt, mà nhận ra khởi tưởng là giải thoát? Đó là cái mà tôi không nhớ ngài Trungpa hay Eckhart Tolle gọi là: “Cảm thức rộng mở”. Nó là một tâm vô niệm nhưng không phải vô niệm chết, mà nó có lương tri, có từ bi, có xúc cảm, chính lòng từ bi mới không chấp nhận sự tịch diệt vắng lặng, mà từ bi là động lực khởi lên từ vô niệm là tánh giác, đó là Phật tánh, nó bắt đầu thấu suốt một niệm, thấu suốt chính nó, thấu suốt đời sống hình tướng, thấu suốt tất cả.
Vì nó biết ra: sanh tức vô sanh, thế giới hình tướng trào lộng trong sanh tử khổ đau kia là vô sanh. Chúng ta có được, bắt gặp được một niệm sanh từ đâu diễn tiến và tiêu mất ở đâu, là chúng ta có cách để nhận biết thế giới tương đối muôn màu muôn vẻ này, nó là sự trưng bày của tâm vô niệm mà thôi!
Kinh nghiệm lớn nhất trong giai đoạn làm quen này là gì?
Bạn càng an trú trong tánh giác chừng nào, bạn càng hoạt động vì cộng đồng nhiều chừng nào thì hiệu quả mở rộng tâm giải thoát của bạn càng mạnh và càng trùng hợp càng tương ưng với tâm của các bậc giác ngộ chừng đó. “Trí tuệ như ánh sáng mặt trời, còn từ bi mang ánh sáng này đi xa” đó là lời dạy của một vị Tổ Sư Tây Tạng. Đây là công hạnh tịnh Phật quốc độ thành tựu chúng sanh như trong kinh dạy.
Như vậy, vô niệm hay tịch diệt là một lối thoát hẹp, nó xa rời thế giới hình tướng, nó thanh tịnh và giải thoát.
Nhưng, sanh tức vô sanh là giải thoát rộng, nó bao dung tất cả thế giới hình tướng, nó là mặt trời Tánh giác, nó vừa thiêu hủy, vừa làm minh bạch tất cả những phiền não, nó soi sáng tất cả thế giới hình tướng đang luộm thuộm lặn ngụp trong sanh tử. Nó thấy được bản chất của mọi hiện tượng trong và ngoài tâm, mọi vận động đều từ tâm vô niệm, đều từ tánh Không. Nó thấy qua ánh sáng của Tánh giác thường xuyên ra vào nơi sáu căn, bằng cái nhìn từ góc độ vô niệm đang khi sanh tức chẳng sanh.
Bởi vì tánh giác đã hiển lộ, tất cả chỉ là Tâm, tất cả chỉ là Tánh Giác, không hai không khác. Các tư tưởng là sự lóe sáng của Tánh Giác, và các hình tướng chính là Tánh Giác.
Khi bạn đã an trú trong bản tánh của tâm đủ lâu đủ mạnh, khi mà bạn đã làm quen với nó đủ nhiều, thắm thiết, gắn bó, thì bạn ngồi một thời thiền trong một giờ bạn sống dằng dặc trong tánh giác Rigpa, trong sự trong sáng của nó. Trong đó có khi không có niệm tưởng, hoặc bạn có thể nghĩ về vấn đề gì đó trong Phật pháp, bạn có suy nghĩ gì thì nó cũng là sự động dụng của Tánh Giác, khi đó bạn đã thuần thục trong sanh tức vô sanh, bạn đã thật sự làm quen với cách thế này của tâm: Sanh tức vô sanh.
Tánh Không mà bạn làm quen đã có cánh, nó có thể bay đi bất cứ đâu, nhưng dù có bay đi đâu xa xôi mấy nó vẫn là tánh Không, cho nên càng bay bạn càng mang tánh Không đi rộng khắp, tha hồ cho bạn chinh phục, chiêm nghiệm. Sanh tức vô sanh là vậy.
Giống như một ly nước đã tràn, khi mà bạn đã tràn trề sinh lực của Giác Tánh, thì bạn sẽ thấy như người xưa dạy về hậu thiền định, không ngồi thiền nữa thì bản tánh cũng hiển lộ, bạn nhìn thấy mọi thứ trong cuộc sống này bày hiện tâm Thiền, bạn phải làm quen và tự hỏi sao mọi thứ lại có thể tốt đẹp đến không ngờ như vậy?
Cảm giác biết ơn có khi tràn ngập nơi bạn, tràn đầy xúc động!
Có khi, buổi sáng bạn thức dậy, đánh răng xong, xung quanh cảnh vật đã là cảnh Thiền rồi!
Tất cả đều tốt đẹp hết nếu chúng ta tu hành và biết được Tâm, làm quen với nó cho tới chín muồi, thì chúng ta sẽ thấy được tất cả.
Tâm bạn lật lên cũng được úp xuống cũng được, an định cũng được mà khởi tưởng cũng được. Bạn phải làm quen với nó với mọi tình huống và dần dà bạn cảm thấy không ở đâu, cảnh nào, trở ngại nào, mà không phải là sự hiện diện của Tánh giác. Bạn phải làm quen với nó.
Bạn sẽ là con người khác hẳn, con người có cảm nhận tinh tế hơn khi bạn đang sống trong thế giới sống này. Bạn lắng nghe không gian, lắng nghe bầu trời lắng nghe từng chiếc lá giọt sương, từng vẻ đẹp của cuộc sống quanh bạn. Nó chính là bạn, bạn với thiên nhiên là một, bạn cảm nhận và thưởng thức nó một cách hoàn hảo say đắm bởi vì bạn đã không còn tách biệt với cái gì nữa. Bạn thưởng thức cuộc sống này, mọi vẻ đẹp của nó bày hiện bất kể hình thù của nó thật đẹp hoặc nó có xấu xí tới đâu bạn cũng có thể chiêm ngưỡng nó trọn vẹn như nó chính là nó trong nhận thức rộng mở của bạn.
Làm quen, làm quen!
3. Đều đã thành Phật đạo,
Sau cùng chúng ta làm quen: Đều đã thành Phật đạo.
Khi mà chuyện trong nhà trong cửa đã xong, bạn đã dọn mình trong sạch để chuẩn bị đi dự một buổi tiệc lớn của pháp giới, đó là khi bạn đã thật sự nhận biết khả năng của bạn và làm quen với nó trong tu tập đủ lâu, đủ lực, đủ rõ ràng, nghĩa là khi Tịnh Quang Con hay cái thấy của bạn về Tánh Giác đã đủ, bạn sẽ nhận ra:
Đều đã thành Phật Đạo.
Tịnh Quang Con bắt gặp Tịnh Quang Mẹ, Thủy Giác bắt gặp Bản Giác, “Không gian bên trong và không gian bên ngoài là một”.
Chúng ta chỉ có thể kết thúc ở đây bằng câu nói mà trong kinh điển hay nhắc tới là: Tự thọ dụng.
Hay thầy tôi hay dạy là: “Cả ngày toàn là phép lạ!”
Tất cả những công việc tu hành của bạn, mọi gian khổ của bạn đã tích tập nhiều đời để leo lên đỉnh núi Giác Tánh, khi đã lên trên đỉnh rồi với cái nhìn bao quát, mọi sự đều thông suốt và rõ ràng, mọi cảnh mọi vật đều giải thoát, bạn chỉ chiêm ngưỡng, thưởng thức và chia sẽ điều này với mọi người mà thôi.
Hưng tâm Đại Bi!
Tự thọ dụng, vì tất cả: Đều đã thành Phật đạo!
Khi một người chạm tới tâm thực của mình gọi là thấy Tánh, trong kinh gọi là nhập địa, bước đầu tiên đi vào Pháp thân. Người đó tràn trề niềm vui, vì lâu nay trôi trong dòng sông sanh tử không có chỗ nào để dừng trụ, kiến Tánh là đặt được, chạm được chân vào đất liền, biết rằng dưới chân mình là đất, đất tâm thanh tịnh, đất tâm sáng suốt, mình không bị trôi đi như bao nhiêu đời trong dòng sông sanh tử nữa. Niềm hoan hỷ vui sướng tràn đầy khi mình chạm được đất thật.
Nhưng khi làm quen đủ lâu với bản tánh của tâm, khi mà tâm thức dơ nhiễm được bạch hóa dần, bạn thường xuyên đứng trên đất thật, bạn sẽ tới một giai đoạn là Tánh Giác hiển lộ, nó ròng rặc một vị, nó bày hiện qua: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, bạn; tâm bạn nhuốm trọn Tánh Giác.
Lòng bạn lúc nào cũng rừng rực, Tánh Giác bộc lộ, bạn cảm nhận mà không biết nói sao, thế giới sống tràn ngập niềm vui và an lạc, bạn thấy cuộc sống này tràn đầy niềm vui, tràn đầy hân hoan. Tại sao cuộc đời này ý nghĩa đến vậy? Tại sao lại dễ dàng như vậy? Bạn chỉ tự cảm nhận sự bày hiện này tràn đầy từ tâm, từ không gian, từ cuộc sống. Bạn sống, thưởng thức mà không biết nói cùng ai.
Mô Phật! Thật lạ lùng!
Phép lạ!
Bài viết này là một chia sẽ mà tôi muốn gửi đến mọi người, cha ông chúng ta ngày xưa tu hành đã làm được, những vị thầy chúng ta hiện tại tu hành đã làm được, và chính chúng ta tu hành và làm được, mặc dù con đường phía trước chúng ta vẫn còn rất dài xa, nhưng khi chúng ta thật sự chạm đến đất tâm là chúng ta không còn bị chi phối bởi không gian và thời gian nữa.
Mỗi ngày, việc tu hành của chúng ta đi tới thành công này đến thành công khác, chúng ta đứng trên đất tâm thì càng ngày chúng ta càng vững, chúng ta luôn là người chiến thắng. Các bạn nào có duyên, gắn bó và thao thức với con đường giải thoát. Các bạn nào có niềm tin, có nhiệt quyết thực hành, có nổ lực hoạt động tu tập cho mình và cho cộng đồng, chúng ta chắc chắn sẽ thành công. Đây là phần quà quý giá nhất, là gia tài của chính các bạn, nếu các bạn tin và thực hành, chúng ta tất sẽ thành công!
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Ngoài kia, không gian của mùa xuân theo trời đất hiển bày, tết đang về với mọi người, mọi nhà, bài viết này xin cho phép con cúng dường tất cả những vị thầy, những người thầy luôn là ngọn đèn sáng của trí tuệ và từ bi, và trong sinh hoạt sống hằng ngày của thầy luôn là tấm gương cho chúng con noi theo, thầy là nguồn cảm hứng cho chúng con sống, thực hành tu tập, thầy lúc nào cũng dạy bảo và dìu dắt chúng con.
Xin hồi hướng công đức này đến mọi gia đình, tất cả huynh đệ bạn bè tu hành gần xa, và cả những người không biết tu hành là gì.
Chúc cho mọi người ngày nào cũng Tết, vì xưa nay tất cả: Đều đã thành Phật đạo!
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Tánh Hải
THANH THẢN TRẦN BỈ NGẠNLang thang qua mặt đất nàyHọc từ những đám mây bay không ngừngDừng chân bên suối mùa xuânPhút giây trầm lắng lặng bừng tinh anhNhư sương lượn chẳng
Những sử liệu đã dẫn đủ để cho chúng ta kết luận được rằng các nhà sư Ấn Ðộ đã trực tiếp đến nước Việt Nam để truyền bá Phật Giáo và
Tại Đông Bắc Ấn Độ có một tiểu bang đặc biệt tên gọi là Bihar. Trong Bihar có một thành phố nay đã tàn tạ mang tên Vương Xá (Rajgir). Ngày xưa
Ngoài vitamin thiết yếu quen thuộc như A, E trẻ con thành thị thời hiện đại có thể cũng đang thiếu vitamin N, tức nature (thiên nhiên).Năm 2005, tác giả người Mỹ
WikiLeaks cables: the Dalai Lama is right to put climate change first The Guardian [Saturday, December 18, 2010]
QUAN HỆ THẦY TRÒ Theo Tinh thần Kinh Kế thừa Chánh pháp Thầy, vầng mây bậc, thong dong, núi cao biển rộng Con, cánh nhạn chiều, chân trời sải cánh, dõi theo Thầy,
Giữ giới là lựa chọn tự do Giới luật của Phật giáo có nghĩa là: “Anh đừng tự làm thương tổn mình, anh đừng tự làm hại mình”. 1. Tự do của lệ thuộc
Đạo Phật là gì Lama Zopa and Lama Yeshe Khi bạn tìm hiểu về đạo Phật tức là bạn đang tìm hiểu về con người thật của mình, về bản chất của tâm trí
Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa(VHPG) Mọi kinh nghiệm của chúng ta, kể cả giấc mộng, khởi lên từ vô minh. Đây là một tuyên bố làm hoảng hốt