Các anh chị em thân mến, tôi rất vui đã có dịp trò chuyện với các bạn. Trước tiên, tôi luôn luôn muốn nói rõ là khi tôi nói chuyện với mọi người, xin các bạn hãy nghĩ về bản thân mình với tư cách là một con người. Điều này có nghĩa là, ví dụ như, đừng nghĩ rằng “Tôi là người Thuỵ Sĩ”, “Tôi là người Ý”, hay “Tôi là người Pháp”. Người phiên dịch cho tôi không nên nghĩ anh ấy là người Pháp! Tôi cũng không nên nghĩ rằng mình là người Tây Tạng. Hơn nữa, tôi không nên nghĩ về bản thân tôi là một Phật tử, bởi vì thông thường, trong các bài nói chuyện của tôi, cách sống một cuộc sống hạnh phúc, ít phiền não, dựa trên nền tảng là một con người.
Mỗi cá nhân trong bảy tỷ người đều muốn có một cuộc sống hạnh phúc, và mỗi một người đều có quyền lợi để đạt được mục tiêu này. Nếu chúng ta nhấn mạnh vào khác biệt thứ yếu như “Tôi là người Tây Tạng”, thì điều này có vẻ như tôi quan tâm nhiều hơn về Tây Tạng. Và “Tôi là một Phật tử” tạo ra một cảm giác gần gũi với các Phật tử khác, nhưng tự nhiên lại tạo ra một khoảng cách nhỏ đối với các tín ngưỡng khác.
Loại quan điểm này thực sự là nguồn gốc của vấn đề, bao gồm nhiều vấn đề và bạo lực lớn mà con người đã đối mặt trong quá khứ, và tiếp tục đối mặt trong thế kỷ thứ hai mươi mốt này. Bạo lực sẽ không bao giờ xảy ra, nếu bạn xem người khác là con người, giống hệt như bạn. Không có lý do gì để giết hại lẫn nhau; nhưng khi quên đi sự hợp nhất của nhân loại mà lại tập trung vào sự khác biệt thứ yếu như “đất nước tôi” và “đất nước họ,” “tôn giáo của tôi” và “tôn giáo của họ” thì chúng ta tạo ra sự phân biệt và quan tâm nhiều hơn đối với những người và tín đồ tôn giáo của riêng ta. Rồi thì chúng ta không quan tâm tới quyền lợi của người khác, thậm chí không tôn trọng sự sống của người khác. Rất nhiều vấn để chúng ta đối mặt hiện nay nảy sinh từ cơ sở đó, khi đặt quá nhiều trọng tâm và tầm quan trọng vào sự khác biệt thứ yếu.
Hiện nay, phương thuốc duy nhất cho vấn đề này là cách suy nghĩ hợp lý ở cấp độ con người, không có sự phân chia ranh giới hay rào cản. Ví dụ khi tôi nói chuyện, nếu tôi xem mình là một Phật tử Tây Tạng và có lẽ hơn thế nữa, nếu tôi nghĩ mình là “Đức Dalai Lama” thì điều này sẽ tạo ra khoảng cách giữa thính chúng và tôi, đó là điều dại dột. Nếu tôi thực sự quan tâm tới hạnh phúc của các bạn, tôi phải nói chuyện với các bạn ở cấp độ anh chị em trong nhân loại, cùng là con người như tôi. Trên thực tế thì chúng ta giống nhau về mặt tinh thần, tình cảm và thể chất. Quan trọng hơn nữa, mọi người đều muốn có một cuộc sống hạnh phúc, không phải chịu bất cứ nỗi khổ nào, và tôi cũng vậy, nên chúng ta sẽ nói chuyện ở mức độ này.
Đạo đức thế tục có mối liên hệ rất mật thiết với các yếu tố sinh học, nhưng niềm tin tôn giáo là điều mà chỉ có con người mới có. Đức tin đã phát triển trong nhân loại, nhưng chắc chắn nó không phải là một yếu tố sinh học. Đạo đức thế tục bao trùm toàn bộ dân số bảy tỷ người. Như tôi đã đề cập hôm qua, trong số bảy tỷ người đó, một tỷ người đã chính thức tuyên bố họ là người vô thần, rồi nếu chúng ta nghĩ đến sáu tỷ người được xem là có tín ngưỡng, có rất nhiều người đồi bại. Nào là các vụ bê bối, bóc lột, tham nhũng, lừa đảo, nói dối và áp bức. Tôi tin rằng điều này xảy ra là vì con người thiếu niềm tin chân chính vào nguyên tắc đạo đức. Thế thì thậm chí tôn giáo cũng được sử dụng cho những mục đích sai trái. Dù có đề cập về vấn đề này trong ngày hôm qua hay không, đôi khi tôi thực sự cảm thấy rằng tôn giáo dạy chúng ta cách hành động theo đạo đức giả. Chúng ta nói những điều tốt lành như tâm “từ ái” và “bi mẫn,” nhưng trên thực tế, chúng ta không hành động như thế, và có rất nhiều sự bất công.
Tôn giáo nói về những điều tốt đẹp theo phương thức truyền thống, nhưng đó không phải là cách nó thực sự kết nối với tấm lòng của bạn. Đó là vì con người thiếu nguyên tắc đạo đức, hay thiếu niềm tin vào giá trị của nguyên tắc đạo đức. Không cần biết một người có đức tin hay không, chúng ta cần phải suy nghĩ một cách nghiêm túc hơn về cách giáo dục mọi người về các nguyên tắc đạo đức này. Rồi sau cùng, bạn có thể bổ sung thêm tôn giáo, và nó sẽ thật sự trở thành một tôn giáo chân chính. Như tôi đã đề cập ngày hôm qua, tất cả các tôn giáo đều nói đến những giá trị này.
Trong thế kỷ trước, khi con người giết hại lẫn nhau, cả hai phía đều cầu nguyện với Thượng Đế. Thật là nan giải! Thậm chí ngày nay, đôi khi bạn thấy các xung đột nhân danh tôn giáo, và tôi nghĩ cả hai phía đều cầu nguyện với Thượng Đế. Đôi khi, tôi nói đùa rằng, như vậy có lẽ Thượng Đế sẽ bối rối! Làm sao Ngài có thể quyết định được khi cả hai phía đều cầu nguyện với Ngài, tìm kiếm một sự ban phước lành? Điều này thật khó khăn. Một lần ở Argentina, trong một cuộc thảo luận với các nhà khoa học và một số lãnh đạo tôn giáo, mặc dù không phải là một hội nghị liên tôn giáo, tôi đã gặp một nhà vật lý học tên là Maturana. Ông ấy là thầy giáo của Varela, người đã quá cố, và tôi đã gặp ông trước đó ở Thuỵ Sỹ, rồi ở Argentina, nhưng từ đó thì không gặp ông nữa. Trong buổi nói chuyện của mình, ông nói rằng là một nhà vật lý, ông không nên phát triển tâm bám chấp vào lĩnh vực khoa học của riêng mình. Vì vậy, đây là một khẳng định tuyệt vời và khôn ngoan mà tôi đã học hỏi được.
Là một Phật tử, nhưng tôi không nên bám chấp vào Phật giáo, bởi vì tâm bám chấp là một cảm xúc tiêu cực. Khi bạn có tâm bám chấp, quan điểm của bạn trở nên thiên vị. Một khi đã có tâm thiên vị, bạn không thể nhìn sự việc một cách khách quan. Đó là lý do tại sao đối với những người tham gia vào các cuộc xung đột nhân danh tôn giáo, trong hầu hết các trường hợp, tôi nghĩ lý do thực sự không phải là đức tin tôn giáo, mà vì lợi ích kinh tế hay chính trị. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, chẳng hạn như những người theo trào lưu chính thống, họ trở nên quá gắn bó với tôn giáo của mình, rồi vì thế mà không thể thấy giá trị của các truyền thống khác.
Khẳng định của Maturana đối với tôi là một lời khuyên có giá trị lớn. Kết quả của việc gặp gỡ nhiều người là tôi ngưỡng mộ nhiều truyền thống khác và tất nhiên, tôi hy vọng mình không phải là người theo trào lưu chính thống hay cuồng tín. Đôi khi, tôi đề cập đến chuyện có một lần, tôi đã tới Lourdes ở miền Nam nước Pháp. Như một người hành hương, tôi đến trước một bức tượng của Chúa Giê-Su và có một ít nước thánh. Tôi đứng trước bức tượng và ngẫm nghĩ rằng qua bao nhiêu thế kỷ, hàng triệu người đã tham quan nơi này, tìm kiếm sự an ủi, với một số người đau ốm, nhờ có đức tin và sự ban phước lành nào đó, họ đã được lành bệnh, tôi nghe như vậy. Vì thế nên tôi suy ngẫm về những điều này và có lòng cảm kích sâu sắc đối với Cơ đốc giáo (Christianity), và nước mắt chực trào ra. Một lần khác, một điều kỳ lạ xảy ra ở Fatima, Bồ Đào Nha (Portugal). Chúng tôi có một thời gian ngắn để hành thiền trong im lặng trước một tượng nhỏ của Đức Mẹ Mary, bao quanh chúng tôi là các tín đồ Công giáo và Cơ Đốc giáo. Khi tôi và tất cả những người khác sắp sửa đi, tôi quay đầu lại và tượng Đức Mẹ thực sự mỉm cười với tôi. Tôi nhìn đi nhìn lại và đúng như thế, Đức Mẹ đang cười. Tôi cảm thấy Đức Mẹ dường như có nhận thức về tinh thần bất bộ phái của tôi! Tuy nhiên, nếu tôi dành nhiều thời giờ hơn để thảo luận về triết lý với Đức Mẹ, có lẽ điều phức tạp hơn có thể phát sinh!
Dù sao đi nữa, tâm bám chấp, ngay cả bám chấp vào đức tin của riêng mình cũng không tốt. Đôi khi, tôn giáo tạo ra nguyên nhân xung đột và chia rẽ, đây là một vấn đề hoàn toàn nghiêm trọng. Tôn giáo đáng lý là một phương pháp để tăng trưởng lòng bi mẫn và tha thứ, là phương thuốc cho tâm sân hận và thù hằn. Vì vậy, nếu tôn giáo lại tự tạo ra thêm thù hận với các đức tin tôn giáo khác thì điều này giống như liều thuốc đáng lẽ được dùng để chữa bệnh, lại tạo thêm bệnh tật. Vậy thì phải làm sao? Tất cả những điều đau buồn này chủ yếu là do sự thiếu niềm tin vào nguyên tắc đạo đức, nên tôi tin rằng chúng ta cần những phương pháp thực hành và các yếu tố khác nhau để tạo ra một nỗ lực thực sự, nhằm thúc đẩy đạo đức thế tục.
Bây giờ, tôi sẽ nói về đạo đức thế tục. Tôi có quen biết cựu Phó Thủ Tướng Ấn Độ, Advani. Một dịp nọ, ông đề cập là có một nhóm nhân viên truyền hình Canada phỏng vấn ông và hỏi rằng điều gì là nền tảng cho việc thực thi dân chủ thành công ở Ấn Độ. Ông trả lời rằng qua hàng nghìn năm ở Ấn Độ, đất nước này đã có truyền thống luôn luôn tôn trọng các truyền thống khác, dù có sự tranh luận hay quan điểm khác nhau. Ông nói với tôi rằng khoảng ba nghìn năm trước đây, Charvaka, hay quan điểm triết học “hư vô” đã phát triển ở Ấn Độ. Những người Ấn Độ có quan điểm triết học khác đã chỉ trích và lên án quan điểm này, nhưng những người theo quan điểm Charvaka vẫn được gọi là “rishi,” nghĩa là hiền triết. Đây là dấu hiệu cho thấy dù có sự bất đồng ý kiến hay tranh luận sôi nổi, nhưng vẫn có sự tôn trọng lẫn nhau. Điều này có nghĩa là chúng ta cũng phải tôn trọng những người vô thần nữa.
Hôm qua, tôi nói rằng một số bạn bè của tôi, một số là tín đồ Cơ đốc giáo và một số là tín đồ Hồi giáo, có một chút dè dặt với danh từ “chủ nghĩa thế tục” này. Tôi nghĩ đó là vì trong cuộc cách mạng Pháp hay cách mạng Bolshevik (Bôn-sê-víc), đã có một xu hướng chống lại tôn giáo. Nhưng tôi muốn có một sự phân biệt rõ ràng giữa tôn giáo và các tổ chức tôn giáo, đây là hai điều khác nhau. Làm sao một người nào hiểu lý lẽ có thể chống lại tôn giáo? Tôn giáo có nghĩa là lòng từ ái và bi mẫn, và không ai có thể chỉ trích những điều này. Tuy nhiên, tổ chức tôn giáo lại là một điều khác. Trong các cuộc cách mạng Pháp và Bolshevik, trong cả hai trường hợp này, giai cấp thống trị đã thực sự lạm dụng công chúng. Thêm vào đó, giai cấp thống trị cũng đã nhận được sự ủng hộ tối đa từ các tổ chức tôn giáo, vì vậy, việc phát triển quyết tâm chống lại giai cấp thống trị gồm có cả việc chống lại các tổ chức tôn giáo là điều hợp lý. Do đó, đã có một xu hướng chống lại tôn giáo hay Thượng Đế.
Thậm chí ngày nay, nếu có một vài cách bóc lột xảy ra trong các tổ chức tôn giáo, bao gồm cả cộng đồng Phật giáo Tây Tạng, thì chúng ta phải chống lại điều này. Về cách thực hành của bản thân tôi, cách đây hai năm, tôi đã chấm dứt truyền thống trong bốn thế kỷ mà vị Dalai Lama tự động trở thành nhà lãnh đạo thế tục lẫn tâm linh của người Tây Tạng. Tôi đã chấm dứt định chế này một cách tự nguyện, vui vẻ và tự hào. Những điều như thế thực sự làm tổn hại giá trị chân thật của tôn giáo, hay Phật pháp. Vì thế, chúng ta phải phân biệt rõ ràng giữa tổ chức tôn giáo và các phương pháp thực hành và thông điệp tôn giáo thực sự.
Theo sự hiểu biết của người Ấn Độ về chủ nghĩa thế tục, không bao giờ có một ý nghĩa tiêu cực đối với tôn giáo, mà đúng hơn là sự tôn trọng đối với tất cả các tôn giáo, và tôn trọng tất cả những người vô thần. Tôi nghĩ điều này rất khôn ngoan. Làm sao chúng ta có thể thúc đẩy điều này? Bằng cách thuyết giảng? Không. Vậy có lẽ là bằng cách cầu nguyện? Không, mà là bằng phương pháp giáo dục, đúng vậy. Chúng ta đã học hỏi chương trình giáo dục về vệ sinh thân thể, vậy thì tại sao không có giáo dục về vệ sinh cảm xúc hay tinh thần, về kiến thức đơn giản về cách chăm sóc một tâm thức lành mạnh? Không cần phải nói về Thượng Đế hay kiếp sau, hay về Đức Phật hoặc niết bàn, mà chỉ đơn giản về cách phát triển thành một người hạnh phúc. Một người hạnh phúc sẽ tạo ra một gia đình hạnh phúc, và gia đình hạnh phúc sẽ xây dựng một cộng đồng hạnh phúc. Do đó, tôi nghĩ chúng ta cần một số bài học về vệ sinh cảm xúc.
Vệ sinh cảm xúc là gì? Nó có nghĩa là trông nom các yếu tố có thể phá hủy sự bình tĩnh hay tâm an lạc. Các yếu tố này giống như căn bệnh tâm thần, bởi vì chúng không chỉ tiêu diệt tâm an lạc và lành mạnh, mà còn hủy hoại khả năng phán đoán hiện trạng thực tế nữa. Điều này sẽ tạo ra nhiều thiệt hại, bởi vì khi tâm tràn đầy sân hận, bạn không thể nhìn thấy thực tại và tâm bạn sẽ trở nên thiên vị. Hơn nữa, với tâm bám chấp, bạn cũng không thể nhìn thực tại một cách chính xác. Đây là một căn bệnh của tâm. Bản chất thực sự của tâm chúng ta là sự tỉnh thức, nên bất kỳ các yếu tố tinh thần nào làm giảm khả năng tỉnh thức đều là một điều tiêu cực.
Vì vậy, vệ sinh cảm xúc là giảm thiểu các loại cảm xúc này và duy trì khả năng tinh thần sáng suốt và an tĩnh, đó là một tâm thức lành mạnh. Để thực hiện điều này, trước tiên, chúng ta cần phải trưởng dưỡng và phát triển sự quan tâm về việc thực hiện điều này. Nếu không có sự quan tâm, bạn không thể ép buộc mọi người làm việc đó. Không có luật pháp hay hiến pháp nào có thể buộc mọi người làm việc này. Nó phải xuất phát từ sự nhiệt thành cá nhân, điều chỉ phát sinh khi bạn nhìn thấy giá trị của việc thực hiện nó, và đây là những giá trị chúng ta có thể giảng dạy.
Bây giờ, chúng ta sẽ xem xét lãnh vực khoa học. Trước đây, khoa học hiện đại chỉ tập trung vào các vấn đề mà con người có thể đo lường. Tôi nghĩ trong khoảng thời gian cuối của thế kỷ hai mươi và hiện nay, thời gian đầu của thế kỷ hai mươi mốt, con số các nhà khoa học thực sự quan tâm tới tâm thức và cảm xúc ngày càng gia tăng, bởi vì tâm thức và cảm xúc có một mối liên hệ rất chặt chẽ, khi nói đến sức khỏe. Một số nhà khoa học nói rằng “tâm thức lành mạnh, cơ thể khỏe mạnh.” Các nhà khoa học y tế cũng nói rằng sự sợ hãi, giận dữ và thù hận liên tục thực sự ăn mòn hệ thống miễn nhiễm của chúng ta, trong khi trên cơ bản, một tâm thức từ bi hơn sẽ duy trì, thậm chí có thể tăng cường sức lực cho một cơ thể khỏe mạnh. Hiển nhiên, chúng ta biết rằng đối với những người cảm thấy hạnh phúc, ảnh hưởng tích cực đối với cơ thể rất lớn.
Trong đời tôi, vào tuổi mười sáu, tôi đã nhận lãnh nhiều trách nhiệm, và tình hình rất khó khăn. Rồi ở tuổi hai mươi bốn, tôi đã mất quê hương, và giờ đây, trải qua phần lớn cuộc đời như một người tỵ nạn. Trong thời gian này, đã có rất nhiều nỗi đau thương và vấn đề bên trong Tây Tạng. Nhiều người đặt nhiều hy vọng và niềm tin nơi tôi, nhưng tôi bất lực. Tuy nhiên, tâm an lạc đã cho phép tôi nhìn tất cả sự việc một cách thực tế hơn. Như ngài Tịch Thiên (Shantideva) đã nói, nếu có thể vượt qua khó khăn thì không cần phải lo lắng, còn nếu như gặp một tình huống khó khăn mà không có khả năng nào để vượt qua thì lo lắng quá nhiều chẳng có lợi ích gì. Điều này rất thực tế, vì thế nên tôi đã áp dụng nó.
Điều quan trọng là xem xét sự việc một cách thực tế hơn, đồng thời xem chúng là những việc tương đối. Bất kỳ điều gì xảy ra cũng có thể có một số tác động tích cực. Trong trường hợp của mình, tôi đã trở thành một người tỵ nạn, nhưng nhờ vậy, tôi đã có cơ hội gặp gỡ rất nhiều người và học hỏi nhiều quan điểm khác nhau. Tôi đã gặp những người ăn mày, các nhà lãnh đạo, học giả từ các lĩnh vực khác nhau, và cả những người chống lại tôn giáo. Điều này rất hữu ích, bởi vì nếu vẫn còn sống ở Tây Tạng, tôi nghĩ kiến thức của tôi chỉ bằng một nửa hiện nay. Vậy nên từ một khía cạnh nào đó, đây là một loại thảm kịch lớn, nhưng theo một khía cạnh khác thì điều này đã đem lại rất nhiều cơ hội tốt. Nếu chúng ta nhìn vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau, chúng ta sẽ cảm thấy ổn thỏa. Điều xấu có thể xảy ra, nhưng cũng có thể có một số điều tốt đẹp trong đó.
Trong quá khứ, người Tây Tạng đã bị cô lập chút ít, nhưng bây giờ, suy nghĩ của họ đã mở mang hơn nhiều. Qua nhiều thế kỷ, người Tây Tạng đã sống trong một đất nước như đang ngủ mê, nhưng bây giờ thì họ đã tỉnh dậy. Đó là một điều tốt! Thế nên bạn thấy đó, nếu như nhìn sự việc ở góc độ khác nhau, bạn có thể tìm ra một vài điều tích cực. Đó là một sự hỗ trợ lớn để duy trì tâm an lạc. Ngày nay, nhiều bạn bè cũ nói với tôi rằng khuôn mặt trẻ trung của tôi vẫn trông giống như khi tôi mới gặp họ, nên một số người hỏi tôi về bí quyết trẻ trung lâu dài. Tôi thường nói với họ rằng giấc ngủ tám hay chín tiếng giúp cho tâm an lạc. Thực sự thì đây chắc chắn là một yếu tố, nhưng lợi ích thực sự là khi tâm thức và trạng thái tinh thần của chúng ta tương đối tĩnh lặng và trầm tĩnh.
Sự trầm tĩnh thậm chí giúp bạn vượt qua những việc như phẫu thuật. Khi tôi có phẫu thuật túi mật, việc này thực sự hoàn toàn nghiêm trọng. Sau đó, bác sỹ phẫu thuật nói với tôi rằng thông thường, cuộc giải phẫu chỉ mất mười lăm tới hai mươi phút, nhưng trường hợp của tôi rất nặng và phẫu thuật của tôi mất đến gần ba tiếng đồng hồ, bởi vì túi mật của tôi đã sưng lên gần gấp hai lần kích cỡ thông thường, có rất nhiều mủ. Nhưng tôi đã hồi phục trong vòng năm ngày, chỉ có vậy thôi. Vì thế, thái độ lạc quan và trầm tĩnh thực sự giúp ích cho việc duy trì cơ thể khỏe mạnh, thậm chí khi có điều gì không may xảy ra, bạn sẽ hồi phục khá nhanh chóng. Thái độ trầm tĩnh thực sự là một yếu tố rất quan trọng đối với sức khỏe tốt.
Tôi cũng sẽ đề cập ở đây, nửa đùa vui, nửa chọc ghẹo rằng một số quý cô trẻ thích tiêu khá nhiều tiền cho mỹ phẩm. Một số quý cô dùng khá nhiều màu sắc trên khuôn mặt – xanh da trời, xanh lá cây và những màu khác. Trông không đẹp lắm, nhưng họ nghĩ nó rất đẹp! Dường như mọi người chú ý tới vẻ đẹp bên ngoài nhiều hơn. Trong một buổi nói chuyện với công chúng ngày hôm nọ, một quý cô có mái tóc màu xanh da trời, rất lạ thường. Vì thế, tất nhiên là tôi đã trêu chọc cô ấy rằng tóc màu xanh da trời không nhất thiết là đẹp! Dĩ nhiên là vẻ đẹp bên ngoài quan trọng, nhưng điều quan trọng nhất là vẻ đẹp nội tâm. Các quý cô tiêu rất nhiều tiền cho vẻ đẹp ngoại hình, xin hãy quan tâm chút ít tới vẻ đẹp nội tâm của mình, điều này sẽ tốt hơn nhiều!
Chúng ta đang nói về các phát minh khoa học. Tâm bình an thực sự rất quan trọng. Nền tảng của tâm bình an là sự tự tin và sức mạnh nội tâm, xuất phát từ việc thực hành lòng từ ái và bi mẫn, với ý thức tôn trọng người khác và quan tâm đến hạnh phúc của họ. Đây là đạo đức thế tục.
Từ mẫu giáo tới đại học, chúng ta có thể giáo dục về tâm thức và cách chăm sóc cảm xúc của mình. Đây là một chủ đề rộng lớn, có rất nhiều sự giải thích về tâm thức và cảm xúc của chúng ta, và sự liên hệ giữa chúng. Chúng ta có thể thấy một loại nhân quả, mà nếu có một điều gì đó xảy ra trong một phần của tâm thức, thì một điều khác sẽ xảy ra ở một nơi khác. Để đối phó với việc này, chúng ta cần phải nghiêm túc cân nhắc cách mà tâm thức và toàn thể não bộ liên hệ với nhau.
Chủ đề rộng lớn này rất đáng nghiên cứu. Trong những năm gần đây ở nước Mỹ, các nhà khoa học đã thực hiện các thí nghiệm dựa trên thông tin này, và một số kết quả khá cụ thể đã xuất hiện. Kết quả là hiện giờ, đã có các chương trình giáo dục giảng dạy về đạo đức thế tục. Hiện nay, chúng tôi cũng quan tâm đến việc phác thảo một bản giáo trình về đạo đức thế tục, dựa trên chủ nghĩa thế tục, có thể phù hợp với lãnh vực giáo dục thế tục.
Các thính giả, đặc biệt là các nhà giáo dục và nhà tư tưởng có mặt ở đây nên suy nghĩ nhiều hơn về vấn đề này, và nếu có cơ hội thì nên thảo luận về chủ đề này. Hiện nay, hệ thống giáo dục có vẻ thiếu các bài học về đạo đức thế tục, nên đa số công chúng dựa vào các bài giảng tôn giáo đối với đề tài này. Dĩ nhiên, đó là một điều tốt, nhưng còn có những người không quan tâm đến tôn giáo, và cảm thấy khó chấp nhận các khái niệm tôn giáo. Điều này tạo ra sự khó khăn. Do đó, chúng ta cần phải tìm ra một phương pháp thế tục, để nó được chấp nhận một cách phổ quát.
Đến đây là hết. Bây giờ đến phần câu hỏi.
Hỏi: Thưa Ngài, trong lời bình luận cuối cùng, Ngài có đề cập tới thắc mắc mà tôi sắp nêu ra, nhưng để có câu trả lời đầy đủ, tôi sẽ đặt câu hỏi lại, nếu Ngài không ngại. Đối với việc giảng dạy đạo đức thế tục ở trường học và đại học, Ngài có làm việc với ai để phát triển một chương trình giảng dạy phù hợp không? Nếu có, Ngài có tổ chức giáo dục hay tài chính nào để ủng hộ cho mình không?
Đức Dalai Lama: Ở Ấn Độ, với sự giúp đỡ của một số trường đại học tại Delhi, chúng tôi đã bắt tay vào việc phác thảo một bản giáo trình, giống như tôi đã đề cập ở trên. Chúng tôi cũng có Viện Tâm Thức và Đời Sống (Mind and Life Institute). Ở Mỹ, các thành viên cá nhân trong các lĩnh vực chuyên môn của họ tại các nơi như Đại học Wisconsin, Đại học Emory, Đại học Stanford và một số nơi khác nữa cũng đã áp dụng chương trình giáo dục đạo đức thế tục. Chúng tôi đã mở rộng tổ chức này ở châu Âu. Chúng tôi muốn sớm thành lập một tổ chức ở Delhi hay gần đó. Đến nay, chúng tôi chỉ mới thực hiện những điều này. Một khi đã chuẩn bị xong giáo trình, sau đó, có lẽ chúng tôi có thể đào tạo một số giáo viên, và điều gì đó sẽ xảy ra. Có lẽ điều này đáng thực hiện, chúng tôi sẽ xem nó đi đến đâu.
Hỏi: Thưa Ngài, tôi yêu hành tinh này và tất cả mọi thứ tạo ra nó như trái đất, cây cối và động vật, và chúng ta, những con người quyến rũ. Nhưng con người luôn luôn phá hủy hành tinh này, có lẽ bằng những điều rất nhỏ nhặt và đơn giản như chỉ mua các chai nhựa, và những điều lớn hơn, quan trọng hơn như phá rừng. Tôi biết mình phải kiên nhẫn, nhưng khi tôi thấy những việc này, khi nhìn thấy sự sống đang chết dần và tổn thương, có rất nhiều nỗi tức giận xuất phát từ trong bụng và tôi muốn đấu tranh. Vì thế, câu hỏi của tôi là, đó có phải là sự giận dữ lành mạnh không? Liệu tôi có thể đấu tranh bằng tình thương hay không?
Đức Dalai Lama: Tâm sân, như tôi đã đề cập ở trên, có liên hệ với động cơ. Vì thế, giận dữ xuất phát từ sự quan tâm tới một điều gì đó, hay người khác là một việc, và giận dữ vì thù hận thúc đẩy là một điều hoàn toàn khác.
Hỏi: Thưa Ngài, cảm ơn Ngài đã có mặt ở đây. Thật tuyệt vời khi được gặp và lắng nghe Ngài nói. Tôi có một câu hỏi rất đơn giản. Nếu ngày mai, Ngài có thời gian rảnh rỗi để làm bất cứ việc gì, Ngài sẽ muốn làm gì? Xin cảm ơn.
Đức Dalai Lama: Thông thường, bất cứ khi nào có thời gian, tôi sẽ đọc Kinh Phật, chủ yếu bằng tiếng Tây Tạng. Trong Phật giáo Tây Tạng, chúng tôi có 300 tập giáo pháp. 100 tập là lời của Đức Phật, gần giống như Kinh Thánh. Rồi chúng tôi có 200 tập luận giải khác, nên tôi luôn nói với người Tây Tạng rằng đó không phải là đối tượng để thờ phụng mà là các bản văn để học hỏi. Khi nói với người khác về điều này, chính bản thân tôi cũng cố gắng đọc những cuốn sách này. Tôi nghĩ trong 300 tập này, đến nay, có lẽ tôi mới đọc được khoảng 30 đến 40 tập, nên còn rất nhiều sách tôi chưa nghiên cứu, và có lẽ nếu có hai ngày rảnh rỗi thì tôi muốn đi tới nơi nào có núi tuyết. Tôi muốn nhìn thấy nhiều tuyết!
Hỏi: Thưa Ngài, Ngài nói về sáu tỷ người có đức tin và có lẽ một tỷ người vô thần trên hành tinh này. Tôi có ấn tượng rằng có một nhóm thứ ba, bao gồm những người không còn cảm thấy thực sự thoải mái đối với tổ chức tôn giáo truyền thống của mình, nhưng cũng không phải là người vô thần, và họ đang tìm kiếm một hình thức tâm linh bên ngoài tổ chức tôn giáo. Ngài có lời khuyên gì cho họ?
Đức Dalai Lama: Nhiều năm trước ở Stockholm, tôi gặp một nhóm nhỏ. Họ không ủng hộ các tôn giáo hay truyền thống hiện có, nhưng vẫn tìm kiếm một hình thức tâm linh nào đó. Đúng là có những người như vậy. Tuy nhiên, tôi thấy cái mà bạn gọi là “thời đại mới” (“new age”), hay rút tỉa một chút ở đây, một chút ở kia và tạo ra một sự pha trộn lớn, không có ích cho lắm!
Tôi nghĩ nếu chúng ta không chỉ thỏa mãn với nhu cầu vật chất của bản thân, mà còn nỗ lực tìm kiếm giá trị sâu sắc hơn thì rất tốt. Phân tích cuộc sống của chúng ta là điều đáng làm, và nhận ra rằng hạnh phúc không xuất phát từ sự toại nguyện bằng giác quan. Như khi âm nhạc nổi lên thì bạn thấy thỏa mãn, nhưng khi nó ngừng lại thì bạn không còn cảm giác thỏa mãn nữa. Ở mức độ tinh thần, để có một cảm giác mãnh liệt về đức tin hay lòng bi mẫn – sự thỏa mãn bắt nguồn từ điều này sẽ tồn tại dài lâu hơn nhiều.
Hỏi: Đối với Ngài, điều gì là quan trọng nhất trong cuộc sống của một con người?
Đức Dalai Lama: Tôi luôn luôn nói với mọi người rằng mục đích căn bản trong đời sống của chúng ta là có một cuộc đời hạnh phúc. Hiện tại, để đạt được hạnh phúc hay niềm vui, ta không nên chỉ phụ thuộc vào kinh nghiệm hay khả năng giác quan, mà nên dựa vào trạng thái tinh thần. Vì vậy, như tôi vẫn thường nói, chúng ta cần chú ý hơn tới các giá trị nội tâm. Cảm ơn các bạn rất nhiều.
Đức Dalai Lama thứ Mười Bốn
Alexander Berzin chuyễn ngữ
http://www.berzinarchives.com
Những kinh nghiệm tôi học được từ quá trình tham gia trực tiếp vào việc điều hành trở thành những nguyên lý, nguyên tắc chân phương phải gìn giữ, điều nào cũng
TÂY PHƯƠNG ĐÃ TIẾP NHẬN ĐẠO PHẬT NHƯ THẾ NÀOTừ thân thế mù mờ… Hiện nay Phật giáo được xem là tôn giáo phát triển nhanh nhứt ở Tây phương và theo những
Trí thông minh cảm xúc (Emotional Intelligence, hoặc Emotional Quotient – EQ) cao là một lợi thế giúp nâng cao khả năng tập trung và huy động nguồn lực để giúp một
Sanmay Ved nghĩ rằng phần thưởng thực sự của anh là được sở hữu tên miền trang chủ Google.com dù chỉ trong một phút. Anh cho biết mình không hề quan tâm
Thực hành thiền định là một cách thể nhập trọn vẹn đời sống của mình, không một chút dè dặt. Khi thiền định, khi ngồi xuống và ghi nhận mà không đánh
QUAN HỆ THẦY TRÒ Theo Tinh thần Kinh Kế thừa Chánh pháp Thầy, vầng mây bậc, thong dong, núi cao biển rộng Con, cánh nhạn chiều, chân trời sải cánh, dõi theo Thầy,
Giữ giới là lựa chọn tự do Giới luật của Phật giáo có nghĩa là: “Anh đừng tự làm thương tổn mình, anh đừng tự làm hại mình”. 1. Tự do của lệ thuộc
Đạo Phật là gì Lama Zopa and Lama Yeshe Khi bạn tìm hiểu về đạo Phật tức là bạn đang tìm hiểu về con người thật của mình, về bản chất của tâm trí
Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa(VHPG) Mọi kinh nghiệm của chúng ta, kể cả giấc mộng, khởi lên từ vô minh. Đây là một tuyên bố làm hoảng hốt