“Để dòng truyền thừa không gián đoạn, Pháp được truyền phải thanh tịnh. Để Pháp được thanh tịnh, phải có chân Đạo sư”.
Trong truyền thống Phật Giáo Tây Tạng có bốn dòng phái lớn: Nyingma (Cổ Mật – Mũ đỏ), Kagyu (Mũ đen), Gelug (Mũ vàng), và Sakya. Các dòng phái lớn này còn chia thành nhiều nhánh nhỏ. Các dòng truyền thừa đều có chung một nguồn gốc là giáo lý của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Tuy mỗi dòng truyền thừa đều phát xuất từ một vị tổ riêng biệt nhưng về căn bản giáo lý là giống nhau. Giáo lý dòng Mũ đen được Đức Phật Kim Cương Trì truyền xuống cho Tổ Tilopa là người Ấn Độ. Sau đó giáo pháp được truyền xuống tới ngài Naropa (cũng là người Ấn Độ). Ngài Naropa đã vượt qua tất cả 24 thử thách và thọ được toàn bộ các giáo lý do Tổ Tilopa trao truyền. Sau đó giáo lý được truyền tới Tổ Marpa. Ngài Marpa sinh ra tại Tây Tạng và sau đó Ngài sang Ấn độ ba lần để học giáo lý. Ngài học giáo lý, tu trì liên tục trong suốt 16 năm theo Tổ Naropa và đạt được chứng ngộ sau nhiều thử thách cam go. Ngài nổi tiếng là đại dịch giả đã dịch từ tiếng Phạn sang tiếng Tây Tạng phần giáo lý căn bản của Kim Cương Thừa được gọi là giáo lý dòng Nhĩ truyền (“Whispering Lineage”). Đệ tử nối Pháp của Tổ Marpa là ngài Milarepa. Đệ tử của Tổ Milarepa là ngài Gampopa. Tổ Gampopa đầu tiên tu theo dòng Kadampa. Sau khi gặp Tổ Milarepa ngài Gampopa thọ Pháp, thực hành Đại thủ ấn và chứng đắc. Giống như hai dòng sông hòa vào làm một, Ngài đã thọ giáo lý của cả hai dòng Kadampa và Kagyupa rồi tổng hợp giáo lý của cả hai dòng lại hòa thành một.
Tổ Gampopa có nhiều đệ tử trong đó có bốn đệ tử chính là Dusum Khyenpa (sáng lập ra dòng Karma Kagyu), Barompa, Stalpa, Phagmo Drupa . Ngài Phagmo Drupa cũng có rất nhiều đệ tử, trong đó có 500 đệ tử đạt chứng ngộ cao nhất và có những chiếc lọng vàng trên đỉnh đầu, nhưng Ngài vẫn nói rằng đệ tử của Ngài chưa đầy đủ. Chỉ khi Ngài Jigten Sumgon, tới từ miền đông Tây tạng, xuất hiện và thì Ngài Phagmo Drupa mới nói rằng đệ tử của Ngài đã đầy đủ.
Khi đức Phagmo Drupa hấp hối, từ trong tim của Ngài một chày kim cương vàng bay ra và tan hòa vào trong tim của ngài Jigten Sumgon. Lúc đó tất cả mọi người đều nhìn thấy. Và nói với ngài Jigten Sumgon rằng : “Con sẽ là người thừa kế ta”. Sau khi Ngài Phagmo Drupa viên tịch, Tổ Jigten Sumgon thay Guru lãnh đạo dòng truyền thừa. Ngài có được sự tiên tri từ Bổn sư của Ngài rằng: “Con phải chuyển tới Drikung”. Tổ Jigten Sumgon đã làm theo lời Sư phụ dặn và tới Drikung Thil, phía đông của Lhasa (60km từ Lhasa) – nơi sau này Tu Viện chính của dòng Drikung được xây dựng. Ngài đã được một con bò Yak cái dẫn đường ; khi đến nơi thì con bò biến mất. “Dri” có nghĩa là “con bò Yak cái”. Cái tên “Drikung” của dòng truyền thừa xuất hiện từ đó. Một nguồn gốc khác của chữ “Drikung” có từ một vị thượng thư của vua Songsen Gampo có tên là Dri Serukhung Ston. Vị này sống trong vùng vì thế tên “Drikung”xuất phát từ đó.
Ngài Jigten Sumgon, tổ của dòng Drikung, là hóa thân của Ngài Long Thọ và được gọi là Long Thọ thứ hai. Trong Tu viện của Ngài Jigten Sumgon thời đó lúc đầu có 100.000 vị tăng và con số đó còn tiếp tục tăng lên. Vào thời đó các tu viện thường rất lớn, lớn đến nỗi bầu trời vốn màu xanh nhưng vì quá nhiều tăng sĩ nên màu áo vàng hắt lên nền trời khiến cho bầu trời ngả sang màu vàng. Do vậy mỗi khi muốn thông báo vấn đề gì đó thì phải cho người lên đỉnh núi đánh cồng (gong) thì mới thông báo được cho cả một vùng rộng lớn.
Một ngày kia, Tổ Jigten Sumgon nói với tất cả các vị tăng trong Tu viện: “Tất cả các con phải nhập thất tu tập, ta sẽ lo lắng và quản lý Tu viện. Nếu các con không đi thì chính Ta sẽ đi nhập thất và các con ở lại trông coi Tu viện”. Sau đó Ngài bí mật rời khỏi Tu viện và tới một hang động để nhập thất, không ai biết Ngài ở đâu. Sau đó các vị Daka, Dakini từ ba nơi chốn linh thiêng gắn với thân, khẩu, ý của đức Chakra Samvara tới thỉnh Ngài Jigten Sumgon gửi những hóa thân của Ngài tới ba nơi đó để ban truyền Giáo Pháp. Sau khi Tổ Jigten Sumgon gửi các hóa thân của Ngài tới ba nơi đó để truyền Pháp rồi thì các vị Daka, Dakini lại thỉnh Ngài ở lại với họ và không đi đâu nữa. Lúc đó Ngài nói rằng Ngài vẫn còn các đệ tử ở nhà và Ngài muốn tổ chức một đợt nhập thất cho họ. Ngài đề nghị triệu tập mọi người đến ba địa điểm linh thiêng đó: thứ nhất là núi thiêng Kailash, thứ hai là Sari, thứ ba là Lapchi. Mỗi địa điểm có 55 525 vị Tăng sĩ đến nhập thất. Tổng số tăng sĩ nhập thất lên tới gần 180.000 người, một con số khổng lồ mà đời nay khó có thể tin được.
Dòng Drikung Kagyu đã được thành lập từ cách đây 865 năm, sớm hơn một chút nhưng cùng thế hệ với dòng truyền thừa Drukpa Kagyu. Ngài Phagmo Drupa nắm giữ 8 dòng truyền thừa: Drikung Kagyu, Drukpa Kagyu, Yazang Kagyu, Shugseb Kagyu, Taglung Kagyu, Trophu Kagyu, Yerpa Kagyu, Smarpa Kagyu. Hiện giờ chỉ còn bốn dòng truyền thừa thuộc Kagyupa là Drikung Kagyu, Drukpa Kagyu, Taglung Kagyu, Barom Kagyu. Hai dòng mạnh nhất, về số lượng, hiện nay là Drukpa Kagyu và Drikung Kagyu, còn hai dòng Taglung Kagyu và Barom Kagyu ít hơn về số lượng. Các dòng kia không còn tồn tại nữa.
Dòng Drikung Kagyupa- một trong tám “nhánh” Phật giáo Mật Tông Tây Tạng lớn nhất của trường phái Kagyu. Kagyu là dòng phái Khẩu truyền ( đôi khi được gọi là nhĩ truyền ) do chư đạo sư truyền lại trực tiếp cho đệ tử chứ không qua văn tự. Đan viện chính và đầu tiên của dòng Drikung Kagyu là Tu Viện Drikung Thil, được thành lập năm 1179 do Drigung Kyobpa Jikten Gönpo Rinchen Päl (1143-1217) khoảng 150 km về phía Đông Bắc Lhasa. Dòng Drikung Kagyu được truyền bá rộng rãi tại các thung lũng miền Trung, Bắc và Ấn độ. Từ khi thiết lập tu viện Drikung Thil đến nay, dòng Drikung được giữ gìn qua các Pháp Chủ.
Dòng pháp Drikung Kagyu nổi danh với pháp môn Đại Pháp Chuyển Di Thần Thức Siêu Sanh Tịnh Độ.
Phật Kim Cương Trì Vajradhara
Đức Phật Kim Cương Trì Vajradhara là Đức Phật nguyên thủy, hiện thân của tất cả chư Phật trong ba đời và là tinh túy của tam thân – thân của chư Phật. Đức Phật Kim Cương Trì cũng biểu trưng cho Pháp thân Phật và khía cạnh tuyệt đối của sự giác ngộ.
Phật Vajradhara là sự biểu lộ cao nhất của giác ngộ, sự đại diện thấy được của Pháp thân. Nghĩa đen của “Vajra” là kim cương, nhất là trong phương diện cứng chắc không thể bể nát của nó. Trong nghĩa cao hơn, Vajra để chỉ bản tánh nội tại của giác ngộ – sự hợp nhất bất khả hoại và bất khả phân của trí huệ siêu việt và lòng bi vô hạn, cũng như lạc tối thượng và tánh không tối hậu.
Là sức mạnh vũ trụ tối cao khởi từ cõi giới Pháp thân, Vajradhara tượng trưng sức mạnh hợp nhất tối thượng và nguồn bi mở khắp. Trong Vajradhara mọi hình tướng Báo thân, mọi phẩm tính và công năng của chúng được thống nhất. Từ đó Vajradhara được diễn tả là sự thống nhiếp toàn khắp của mọi thuộc tính của giác ngộ.
Ngài là hiện thân của sự tinh túy siêu việt của Phật tính với tay phải trì giữ chày Kim cương (biểu thị phương tiện), tay trái của Ngài giữ linh (biểu hiện trí tuệ). Hai tay bắt chéo trước ngực, Kim cương trì là sự đại diện tuyệt đối của Bất nhị và tánh Không đó là Mahamudha (Đại ấn), sự hợp nhất vĩ đại – sự chứng thực tuyệt đối. Đây là mục đích tối thượng mà tất cả các hành giả đều tinh tiến nỗ lực vươn tới.
Trong Truyền thống Mới, Ngài là Đức Phật nguyên thuỷ, nguồn mạch của mọi tantra. Trong Truyền thống Cũ, Vajradhara tượng trưng cho nguyên lý của vị Thầy như bậc trì giữ giác ngộ của giáo lý Kim Cương Thừa.
Trong mật thừa, Đức Phật Kim Cương Trì là tâm điểm của dòng truyền thừa Kagyu bởi vì tổ của dòng là Đức Tilopa đón nhận trực tiếp giáo pháp Kim Cương Thừa từ Đức Kim Cương Trì, đức Báo thân Phật. Trong dòng Nyingma, Đức Kim Cương Trì được coi là bất khả phân với Đức Liên Hoa Sanh. Trong hiển thừa, ngài chính là vị cư sĩ vĩ đại Duy Ma Cật đã giúp Phật Thích Ca dạy dỗ các đại đệ tử và bồ tát 2500 năm trước.
Tilopa (988 – 1069)
Ngài Tilopa (988 – 1069) hiện thân trong một gia đình Bà la môn ở Đông Bengal, Ấn Độ. Khi còn là một cậu bé chăn cừu, Ngài đã hạnh ngộ Bồ Tát Long Thụ, đón nhận các giáo pháp Đại Thừa căn bản và được Bồ Tát Long Thụ cử làm người trị vì vương quốc ở Bhalenta. Sau nhiều năm sống trong nhung lụa giàu sang, Tilopa quyết định từ bỏ vương quốc để xuất gia tu hành. Ngài thụ giới tỳ kheo tại Mật viện Somapuri ở Bengal và bắt đầu sự nghiệp tu học tại đây.
Sau đó trong một linh kiến của mình, Tilopa tiếp thọ chỉ thị của một vị Dakini về con đường đốn ngộ mật giáo và được truyền toàn bộ giáo pháp Chakrasamvara Tantra.
Ngoài ra, Tilopa còn được thụ nhận rất nhiều giáo pháp từ các đại đạo sư mật thừa như: Đại dịch giả Acharya Charyawa và Thành tựu giả Lawapa. Ngài tinh thông pháp Bardo (trạng thái trung ấm giữa chết và tái sinh), Phowa (chuyển di tâm thức), Tummo (nội hỏa) cùng vô số các giáo pháp khẩu truyền khác. Mặc dù Tilopa có rất nhiều các đạo sư giác ngộ hiện thân trong loài người nhưng bản sư của Ngài là Đức Phật Kim Cương Trì, Ngài là bậc Thầy trực tiếp truyền cho Tilopa nhiều giáo pháp mật thừa trong đó có cả pháp tu Mahamudra.
Tilopa đã chí tâm kiên định suốt mười hai năm để hành trì các giáo pháp này, Ngài có một vị yogini phối ngẫu bí mật. Sau đó, Ngài ra khỏi tự viện, sống ẩn dật trong suốt quãng đời còn lại và đã trở thành một Đại đạo sư trứ danh. Trong số đệ tử của mình, Tilopa đã chọn Naropa làm người kế tục dòng truyền thừa.
Naropa (1016 – 1100)
Đại Thành Tựu Giả Naropa sinh ra trong một gia đình quý tộc ở xứ Bengal, Ấn Độ. Lòng khao khát tìm cầu khai mở tâm linh của Ngài mạnh mẽ đến mức ngay từ khi mới lên tám, Ngài đã lên đường đi Kashmir để học đạo và thụ tam quy ngũ giới với đạo sư Arya Akasha.
Khi Naropa trở về sau các chuyến tham học Phật Pháp, cha mẹ ép buộc Ngài phải cưới công chúa Bà la môn. Tuy nhiên, cuộc sống gia đình chỉ kéo dài trong tám năm. Naropa luôn nhất tâm chỉ tưởng tu hành Phật Pháp do đó đã bày tỏ chí hướng tâm linh của mình với công chúa và nàng đồng ý không cản trở con đường tu hành của Ngài.
Naropa thụ giới sa di tại Lạc Viên Tự viện (Happy Garden Monastery), sau đó thụ giới Tỳ kheo tại Kashmir. Ngài an trú tại tự viện Pullahari để tiếp tục tu học, ngoài ra Ngài thụ nhận thêm các giáo pháp và tu tập tại trường Đại học Nalanda ở gần đó.
Với trí tuệ, tài hùng biện và sự hiểu biết tâm linh, Naropa được phong làm viện trưởng Đại học Nalanda danh tiếng – nơi Ngài trở thành vị Bảo Hộ Trấn Cửa Phương Bắc. Ngài thường phải tranh biện với các phái ngoại đạo và luôn giành phần chiến thắng.
Mặc dù xuất chúng về phương diện giáo lý Phật Pháp nhưng Ngài nhận thấy mình rất kém cỏi về phương diện tu tập đạo tâm. Vì vậy, một vị Dakini đã xuất hiện trước Ngài, giảng dạy về tầm quan trọng của thiền định và khuyên Ngài thỉnh giáo Đại Đạo Sư Tilopa, người có thể khai thị cho Ngài thực chứng bản tâm.
Sau bao nhiêu thử thách cuộc hành trình hướng về phương Đông, cuối cùng Naropa cũng hạnh ngộ Bản Sư Tilopa. Naropa đã phải vượt qua mười hai thử thách lớn và mười hai thử thách nhỏ để tịnh hóa ác nghiệp và những ám chướng. Nhờ sự gia trì của Tilopa và sự tịnh hóa của chính mình, Naropa thực chứng được bản tâm quang minh tịch tĩnh, thể nhập tự tính Vajradhara. Sau khi thành tựu giác ngộ huy hoàng, Naropa truyền dạy Phật Pháp cho vô số đệ tử ở rất nhiều nơi đặc biệt tại vùng Kashmir, nơi có rất nhiều ngôi tự viện do chính Ngài xây dựng. Trong lịch sử Phật Giáo, Ngài Tilopa và Naropa đều là trong số tám mươi tư Đại thành tựu giả.
Trong số những đệ tử thành tựu của Naropa, Đại dịch giả Marpa kế tục dòng truyền thừa Naropa và là Đấng hoằng truyền toàn bộ giáo pháp vào Tây Tạng.
Marpa (1012 – 1096)
Marpa sinh trưởng tại Chukhyer miền Nam Tây Tạng. Ngài học tiếng Phạn và thụ nhận một số giáo pháp từ Lama Drogmi Lotsawa thuộc dòng Sakya. Không bằng lòng với sự tu học này, Marpa quyết định bán hết tất cả tài sản của mình lấy vàng để đi Ấn Độ tìm cầu giáo pháp và truyền bá về Tây Tạng.
Trên chuyến hành trình tới Ấn Độ đi qua Nepal, Marpa đã gặp gỡ và thụ nhận giáo pháp từ hai đệ tử của Ngài Naropa là Kantapa và Pentapa. Marpa có ấn tượng sâu đậm với hai Ngài đến nỗi quyết định tìm gặp trực tiếp Naropa xin được thụ pháp. Marpa tu học dưới sự chỉ giáo của Naropa trong suốt nhiều năm. Ban ngày Ngài thụ pháp, ban đêm chuyên tâm hành trì, vì vậy Ngài thành thục cả hai phương diện giáo lý và thực hành của Đại Thừa cũng như Kim Cương Thừa. Cuối cùng, Naropa truyền cho Marpa làm người kế tục dòng truyền thừa Tây Tạng và huyền ký rằng: Dòng truyền thừa của Ngài sẽ hưng thịnh ở Miền Đất Tuyết.
Vì lợi ích của người dân Tây Tạng, Marpa thực hiện nhiều cuộc hành trình đến Ấn Độ, Nepal và mang rất nhiều giáo pháp về Tây Tạng, chuyển dịch từ tiếng Phạn sang tiếng Tạng. Ngài đã vượt qua vô vàn khó khăn thử thách, nhiều khi suýt mất mạng trong cuộc hành trình gian nan tìm cầu Phật Pháp. Ngài hạnh ngộ vô số bậc đạo sư trong đó Naropa và Maitripa là hai đại đạo sư quan trọng nhất.
Mặc dù Ngài là bạch y cư sĩ, đã lập gia thất nhưng sự chứng ngộ của Ngài là vô song, thanh tịnh không chút nhiễm ô giống như hoa sen mọc lên từ bùn lầy. Đối với Ngài, luân hồi và niết bàn là bất nhị, hết thảy sắc tướng thế tục với Phật tính đều không khác. Vì thế, Ngài có thể vẫn sống trong cuộc đời trần lụy mà không bị nhiễm ô. Marpa thực sự đã đốn chứng thể Kim Cương Trì hay Phật tính ngay trong một đời.
Ngài phiên dịch rất nhiều giáo pháp Mahamudra, Kim Cương Thừa sang tiếng Tạng đồng thời hoằng dương giáo pháp rộng khắp. Ngài đã chọn Milarepa làm người kế tục dòng truyền thừa.
Milarepa (1052 – 1135)
Đại hành giả yogi Milarepa sinh trưởng tại tỉnh Gungthang miền Tây Tây Tạng. Ngài là con trai của một chúa đất giàu có tên là Mila Sherab Gyaltsen. Nhưng năm lên bảy tuổi, cha Ngài lâm trọng bệnh và qua đời, trước đó ông đã giao phó toàn bộ gia sản và gửi gắm vợ con mình cho chú thím của Milarepa rồi dặn dò khi nào Milarepa trưởng thành thì chú thím phải trả lại tài sản cho Milarepa và cô em gái.
Thế nhưng sau khi cha Ngài mất, người chú và người thím xấu xa tước đoạt toàn bộ gia tài, họ còn bắt ba mẹ con Milarepa phải làm việc như những kẻ nô bộc trên đồng ruộng mà không được trả công. Khi Milarepa lớn lên, chú thím không những không trả lại gia sản mà còn cho rằng đó là phần mà cha Ngài phải trả nợ cho họ. Tức giận và cảm thấy bị sỉ nhục, mẹ của Milarepa gửi Ngài đi học huyền thuật để trừng phạt những kẻ vong ân bội tín.
Chẳng bao lâu sau, Milarepa thành thục quyền năng huyền thuật hủy diệt và trong khi trả thù chú thím, Ngài đã sát hại rất nhiều người vô tội. Vô cùng hối hận trước những ác nghiệp của mình, Ngài quyết định đi tìm thầy học đạo để tịnh hóa tội chướng. Milarepa gặp Đạo sư Lama Rongton dòng Nyingma và được truyền trao giáo pháp Dzogchen. Nhưng vì Lama Rongton nhận thấy Milarepa có nhân duyên đời trước với Marpa nên Ngài khuyên Milarepa đi tìm gặp Marpa, người có thể dẫn dắt Milarepa đến bờ đại giải thoát.
Để tịnh hóa những ác nghiệp của Milarepa, đại đạo sư Marpa bắt Milarepa phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ khó khăn trước khi dạy Ngài giáo pháp. Tự một mình Milarepa xây dựng tòa nhà hình tròn ở phương đông, tòa nhà bán nguyệt ở phương tây, tòa nhà hình tam giác ở phương bắc và tòa nhà hình vuông ở phương nam. Nhưng cứ hễ vừa sắp xây xong tòa nhà nào thì Marpa lại bắt phá đi, xây lại theo hướng khác. Cuối cùng, sau khi Milarepa hoàn thành xong một tòa nhà cao chín tầng theo sự chỉ dạy của Marpa, Marpa mới chính thức bắt đầu truyền dạy giáo pháp cho Milarepa, và xem Milarepa như người con tâm huyết của mình.
Milarepa tu tập với lòng dâng hiến sâu xa, với tâm đại xả ly và sẵn sàng chấp nhận khó khăn thử thách. Ngài trở thành du sĩ Yogi quan trọng nhất vào thời đại đó và thành tựu đại giác ngộ ngay trong một đời. Gampopa và Rechungpa là hai đại đệ tử trứ danh của Ngài. Gampopa được ví như mặt trời còn Rechungpa được ví như mặt trăng. Gampopa được chọn làm người kế tục dòng truyền thừa Milarepa.
Gampopa (1079 – 1153)
Gampopa sinh ra trong bộ tộc Nyi tại Nyal thuộc miền Nam Tây Tạng. Ngài được phụ thân nuôi dưỡng, dạy dỗ thành một thầy thuốc. Năm 16 tuổi, Gampopa đã là một thầy thuốc trứ danh và một đại học giả tinh thông về Mật Thừa. Gampopa lập gia đình và có hai con nhưng vợ con Ngài đều bị chết trong một đại dịch. Sự trải nghiệm thương đau này đã khiến Gampopa xả bỏ đời sống thế tục, xuất gia tu hành.
Năm 25 tuổi, Gampopa thụ giới Tỳ kheo từ Khenpo Lodan Sherab ở Maryul. Sau đó, Ngài đến miền trung Tây Tạng học giáo pháp Kadampa và bắt đầu nhập thất tĩnh tu thiền định.
Lần đầu tiên nghe thánh danh Milarepa, Ngài lập tức cảm thấy trong mình trào dâng lòng sùng kính sâu xa và nhận ra rằng Milarepa chính là đức Bản sư tiền định của mình. Gampopa bán hết nông trang lấy vàng cho chuyến đi tìm gặp Milarepa ở miền Tây Tây Tạng. Milarepa nhận ra Gampopa chính là đệ tử và truyền trao toàn bộ giáo pháp dòng Kagyud cho Ngài. Sau khi thụ giáo với Milarepa, Gampopa đi tới Dagpo để nhập thất tu tập thiền định trong nhiều năm và xây dựng ngôi tự viện Dagla Gampo.
Gampopa đã trước tác rất nhiều kinh luận quan trọng như: ‘Giải Thoát Trang Nghiêm Bảo’ và ‘Thành Tựu Đạo Thù Thắng Bảo Man Tập’. Đây là hai trong số những cuốn luận nổi tiếng nhất của Ngài cho tới tận ngày nay. Bốn đại đệ tử của Gampopa thành lập nên bốn truyền thừa là: Karma, Phagdru, Shangpa và Darom. Sau này, từ Phagmodrupa (Phagdru) lại thành lập tám truyền thừa của dòng Kagyud là: Lingre, Drikung, Taglung, Yasang, Trophu, Shugseb, Yelba và Martsang.
Phagmo Drukpa (1100 – 1170)
Phagmo Drupa sinh ra trong một gia đình nghèo làm nghề không lương thiện ở tỉnh Kham miền Đông Tây Tạng. Mặc dù vậy, Ngài không hề bị ảnh hưởng bởi nghề nghiệp của gia đình. Ngay từ trước khi hạnh ngộ Gampopa, Phagmo Drupa đã có đầy đủ những phẩm chất của một Thành tựu giả. Trong mọi cử chỉ hành động, Ngài đều khiêm cung và bình đẳng với tất cả mọi người bất kể địa vị xã hội như thế nào, bất kể giàu hay nghèo. Ngài đặc biệt từ bi thương xót những người gặp cảnh ngộ bất hạnh và thường hay bố thí tài vật cho họ mặc dù ngay bản thân mình cũng không có đủ. Mặc dù đã đạt được những thành tựu như vậy nhưng Phagmo Drupa vẫn cảm thấy mình cần sự chỉ dạy của một bậc Thầy giác ngộ. Do đó, Ngài viếng thăm tự viện Dagla Gampo. Ngay giây phút hạnh ngộ Gampopa và sau một thời gian đàm đạo ngắn, Phagmo Drupa lập tức chứng ngộ bản tâm trí tuệ và hoàn toàn thực chứng viên mãn chân lý tuyệt đối. Trong những ngày tiếp theo, Ngài hoàn toàn thành thục đốn chứng Mahamudra.
Jigten Sumgon (1143-1217)
Đây là vị tổ lừng danh là đấng bảo hộ ba cõi trong Phật giáo Tây tạng. Ngài lập ra dòng truyền thừa Drikung Kagyupa và đại tu viện Drikung Thil Tây Tạng cho đến ngày nay.
Đức Jigten Sumgon sinh năm 1143 tại tỉnh Kham miền đông Tây tạng trong gia đình Drugyal Kyura. Ngài đã thành quả vị Phật ngay trong đời này và là đệ tử tâm đắc nhất của đức Phagmo Drupa. Khi ngài nghe tên đức Phagmo Drupa ngài đã tràn trề tâm hỉ lạc và nhận ra đây chính là vị thầy của mình. Ngài được đức Phagmo Drupa ấn chứng là đệ tử Chân Truyền của ngài.
Trong vô số kiếp trước, Jigten Sumgon ra đời là Chakravartin (Chuyển Luân Vương) Tsib-Kyi Mu-Khyu. Là thân phụ của một ngàn công chúa nhưng ngài đã từ bỏ vương quốc, giác ngộ và được gọi là Đức Như Lai Lurik Dronma. Mặc dù ngài đã đạt được Giác ngộ, sau này ngài thị hiện là Bồ Tát Kunsar Wangkur Gyalpo. Vào thời của Đức Phật Kashyapa (Ca Diếp), ngài thị hiện là người thợ gốm Gakyong. Vào thời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, ngài thị hiện là Licchavi bất nhiễm, bậc bất khả phân với chính Đức Phật. Sau này, ngài sinh ra là Đạo sư Nagarjuna (Long Thọ). Qua những lần nhập thế này, ngài đã làm lợi lạc cho Phật pháp và vô số chúng sinh. Như thế, để tinh túy của Phật pháp có thể phát triển, ngài được sinh ra trong một gia đình tôn quý thuộc bộ tộc Kyura ở Tây Tạng. Thân phụ của ngài là Naljorpa Dorje, một đại hành giả Yamantaka, và thân mẫu là Rakyisa Tsunma. Nhiều dấu hiệu kỳ diệu đã xuất hiện khi ngài ra đời. Từ thân phụ, ngài học giáo lý Yamantaka, đọc và viết thông thạo khi ngài lên bốn tuổi. Từ người chú là Tu viện trưởng Ra-Dreng Gom-Chen vĩ đại, Đức Khorwa Lung-Khyer và những vị Thầy khác, ngài học nhiều Kinh điển và tantra (Mật điển). Vào lúc này ngài được gọi là Tsunpa Kyab, và sau này là Dorje Pal.
Việc Jigten Sumgon xuất hiện đã được tiên tri trong nhiều Kinh điển và Mật điển. Chẳng hạn như trong Kinh Yeshe Yongsu Gyepa có nói: “Nơi rặng núi tuyết ở phương bắc sẽ xuất hiện một bậc tên là Ratna Shri. Ngài sẽ làm lợi lạc cho Giáo Pháp của ta và lừng danh khắp ba cõi.” Trong Kinh Gongdu có nói: “Ở một nơi tên là Dri, Cội nguồn của Giáo Pháp, Ratna Shri sẽ xuất hiện vào Năm Hợi. Ngài sẽ tập hợp một trăm ngàn Tỳ kheo. Sau đó, ngài sẽ đi tới Cõi Phật Ngonga. Ngài sẽ được gọi là Đấng Thiện Thệ Trắng Bất Nhiễm và sẽ có một đoàn tùy tùng đông đảo.” Trong Gyalpo Kaithang có nói: “Từ Tu viện Samye vinh quang về hướng đông bắc, tại mội nơi tên là Drikung, cội nguồn của Giáo Pháp, Đức Pháp Vương Trisong Desen sẽ ra đời trong năm Hợi là Đấng Thiện Thệ Ratna Shri. Ngài sẽ tập hợp một trăm ngàn Bồ Tát. Ngài sẽ đi tới Cõi Phật Ngonga và được gọi là Đấng Thiện Thệ Trắng Bất nhiễm. Trong Cõi Phật đó, ngài sẽ trở thành Đức Vua Đại Viên mãn.” Như thế ngài đã được tiên tri thật rõ ràng.
Đức Jigten Sumgon nổi danh là một Đạo sư của Lý Duyên Khởi. Vào lúc Đức Phagmodrupa nhập Niết bàn, một chày kim cương vàng năm chấu hóa hiện từ trung tâm tim của ngài và tan hòa vào trung tâm tim của Jigten Sumgon. Tất cả những đệ tử khác đều chứng kiến điều này. Jigten Sumgon hiến cúng mọi vật sở hữu của ngài để làm lợi lạc cho tu viện và giúp xây dựng một bảo tháp kỷ niệm rộng lớn cho Đạo sư của ngài.
Ngài thực hành thiền định tại Động Echung trong bảy năm. Giống như cách ma quân xuất hiện như những chướng ngại cho Đức Phật vào thời điểm Ngài thành tựu giác ngộ và Tsering Chenga cùng những người khác nỗ lực gây trở ngại cho Milarepa; nghiệp quả sau cùng của Jigten Sumgon đã xuất hiện và ngài bị mắc bệnh cùi. Vô cùng tuyệt vọng, ngài nghĩ: “Giờ đây ta nên chết ở chốn cô tịch này và chuyển di tâm thức của ta.” Ngài lễ lạy một pho tượng của Đức Avalokiteshvara (Quán Thế Âm) mà Thầy Phagmodrupa đã gia hộ nhiều lần. Vào cái lạy đầu tiên, ngài nghĩ: “Trong số chúng sinh, ta là kẻ tệ hại nhất.” Khi lễ lạy lần thứ hai, ngài nghĩ: “Ta đã có mọi giáo lý của Đạo sư, kể cả giáo huấn bardo và pháp chuyển di tâm thức, và cần phải vô úy trước cái chết.” Sau đó, khi nhớ lại rằng những chúng sinh khác không có những giáo lý này, một lòng bi mẫn mãnh liệt phát khởi trong ngài. Trong tâm thái đó, ngài ngồi xuống và phát triển những tư tưởng bi mẫn đối với chúng sinh. Bệnh tật đã rời khỏi ngài, như những đám mây bị thổi dạt khỏi mặt trời và ngay lúc đó ngài đạt được Phật quả.
Sau đó ngài tới Drikung Thil. Năm ngài ba mươi bảy tuổi, ngài thiết lập Drikung Jangchubling, tu viện lớn nhất và là trụ xứ chính của Drikungpa Kagyupa ở Tây Tạng. Ở Tây Tạng, có chín đại Hộ Pháp. Trong số đó, Barlha, Sogra, Chuphen Luwang, Terdrom Menmo, và Namgyal Karpo đã lễ lạy dưới chân Jigten Sumgon, thọ giới nguyện Cư sĩ, và thệ nguyện bảo vệ giáo lý và hành giả của Dòng Drikung Kagyu.
Năm Bổn Tôn Chakrasamvara là thực hành Bổn Tôn chính yếu của Jigten Sumgon và đôi khi ngài đã hiển lộ trong thân tướng này để đào tạo các đệ tử có tâm thức phức tạp. Trong một tiên tri về Jigten Sumgon có nói: “Một trăm ngàn Bậc vĩ đại hóa thân (Tulku) sẽ tụ hội.” Ở đây. “Tulku” có nghĩa là các ngài là tu sĩ và giữ giới hạnh hoàn hảo, và “Bậc vĩ đại” có nghĩa là tất cả các ngài là những Bồ Tát. Trong những tiểu truyện khác có nói rằng Jigten Sumgon đã viếng thăm tất cả các Cõi Phật trong chốc lát, nhìn thấy chư Phật như Đức Phật A Di Đà và Đức Phật Bất Động, và nghe giáo lý của các ngài. Chính Jigten Sumgon nói rằng thậm chí những người có cơ hội tới Layel, ở Drikung, sẽ không bị sinh trong những cõi thấp, và những ai khẩn cầu ngài – dù ở gần hay từ xa – sẽ được gia hộ, và việc thiền định của người ấy sẽ phát triển kiên cố hơn nữa. Ngài cũng nói rằng tất cả chúng sinh sống trong núi non ở Drikung, ngay cả những con kiến, sẽ không bị sinh trong những cõi thấp một lần nữa. Từ cốt tủy của những giáo huấn Kinh điển và Mật điển, Jigten Sumgon ban giáo lý do đệ tử của ngài là Chenga Sherab Jungne (Chenga Drikung Lingpa) biên soạn thành một bản văn tên là “Gongchig”, gồm 150 chủ đề và 40 phụ lục.
Đức Karmapa (Thứ Nhất) Dusum Khyenpa đã tới Drikung sau khi viếng thăm Daklha Gampo. Tại Bamthang ở Drikung, Jigten Sumgon và các đệ tử đã đón tiếp ngài thật nồng nhiệt. Vào lúc đó Đức Karmapa nhìn Jigten Sumgon như Đức Phật, và hai đệ tử chính của ngài như Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên được các A La Hán vây quanh. Khi họ trở về Serkhang, Chánh điện, Đức Karmapa lại nhìn thấy Jigten Sumgon như Đức Phật, cùng với hai đệ tử của ngài xuất hiện như Đức Di Lặc và Đức Văn Thù, vây quanh là các Bồ Tát. Vì thế Dusum Khyenpa bày tỏ lòng sùng mộ lớn lao và thọ nhận nhiều giáo lý. Đức Karmapa cũng nhìn thấy toàn vùng Drikung như Mạn đà la của Chakrasamvara.
Vào năm Hỏa-Ngưu, ở tuổi bảy mươi lăm, Jigen Sumgon nhập Niết bàn để khuyến khích những người lười biếng thực hành Pháp. Nhục thân của ngài được hỏa thiêu vào ngày mười ba của tháng Vaishaka (tháng kỷ niệm sự kiện Đức Phật đản sanh, đạt được Giác ngộ và nhập Niết bàn). Chư thiên tạo những đám mây cúng dường và những trận mưa hoa từ không trung đổ xuống ngập tới đầu gối của mọi người. Lửa hoàn toàn không ảnh hưởng gì tới chiếc sọ của ngài và bộ não của ngài xuất hiện như Mạn đà la của Sáu mươi Hai Bổn Tôn Chakrasamvara. Hình ảnh này rõ ràng như thể do một người thợ khéo làm ra. Trái tim ngài cũng không bị lửa làm hư hỏng, đã biến thành một màu vàng tuyệt đẹp. Điều này cho thấy ngài là một hóa thân của chính Đức Phật. Tương tự như thế, vô số xá lợi đã xuất hiện.
Hiện nay Jigten Sumgon an trụ tại Cõi Phật Phương Đông Toàn Khắp Vĩ đại, bao quanh là vô số đệ tử trong trái đất này là những người đã chết với lòng sùng mộ mãnh liệt đối với ngài. Khi những người như thế mất đi, họ sẽ lập tức được tái sinh ở đó và khi đó Jigten Sumgon ân cần đặt bàn tay lên đầu họ, gia hộ và đón chào họ ở đó.
Nguồn: Trích từ Những Lá Cờ Cầu nguyện: Cuộc Đời và Giáo lý Tâm linh của Jigten Sumgon do Khenchen Konchog Gyaltsen biên soạn.
Bản dịch Việt ngữ của Thanh Liên
Namo Buddha~Namo Guru “OM PRAVISHAYA BHAGAVAN MAHASUKA-MOKSHAPURAM SARVASIDDHI- SUKA-PRADAM PARAMAHASUKA-UTTAMASIDDHYA JAH HUM BAM HOH PRASIDDHYASVA” OM AH HUM HOH HAM-KSHA-MA-LA-VA-RA-YA HUM PHAT.OM HRAM HRIM HRIM HRUM HRLIM HRAH HUM PHAT.OM PHREM VISH
Kinh Lăng Nghiêm dạy, Như Lai Tạng thì trùm khắp pháp giới, tùy theo nghiệp chúng sanh mà ứng hiện, Như Lai Tạng ứng hiện ra thất đại: đất, nước, gió, lửa,
Sau thất bại trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, những người thành lập công ty liên doanh đã có sự tiến công dữ dội vào thị trường Nhật Bản. Tôi thành
CEO của Facebook, Mark Zuckerberg đã tiết lộ rằng chuyến đi tới Ấn Độ do lời khuyên của Steve Jobs đã đóng một vai trò rất quan trọng trong sự phát triển
Triết gia Đức, Gottfried Wilhelm Leibniz (1646-1716) là một khuôn mặt lỗi lạc trong lịch sử triết học phương Tây. Ông có nhiều đóng góp trong lãnh vực toán học, lô gíc,
QUAN HỆ THẦY TRÒ Theo Tinh thần Kinh Kế thừa Chánh pháp Thầy, vầng mây bậc, thong dong, núi cao biển rộng Con, cánh nhạn chiều, chân trời sải cánh, dõi theo Thầy,
Giữ giới là lựa chọn tự do Giới luật của Phật giáo có nghĩa là: “Anh đừng tự làm thương tổn mình, anh đừng tự làm hại mình”. 1. Tự do của lệ thuộc
Đạo Phật là gì Lama Zopa and Lama Yeshe Khi bạn tìm hiểu về đạo Phật tức là bạn đang tìm hiểu về con người thật của mình, về bản chất của tâm trí
Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa(VHPG) Mọi kinh nghiệm của chúng ta, kể cả giấc mộng, khởi lên từ vô minh. Đây là một tuyên bố làm hoảng hốt