Other (439)


Mùa xuân của tâm linh - Nguyễn Thế Đăng

15,634

Mùa xuân làm mới lại trời đất, thiên nhiên và cả con người: tất cả như được nạp vào sinh khí mới. Từ rất xưa, con người đã biết tự làm mới lại thân lẫn tâm của mình trong mỗi dịp Tết. Hầu như không ai lại không biết nương theo mùa Xuân để tự làm mới mình. Với người không biết tự làm mới lại thân và tâm của mình, hay làm mà chưa đủ, thế là đã bỏ qua một cơ hội làm mới lại của trời đất và con người. Vua Trần Nhân Tông khi mở đầu một buổi giảng pháp đã từng nói:

Quyên kêu từng chặp, trời trăng sáng

Chớ để tầm thường xuân luống qua.

Với người vẫn thực hành hàng ngày một pháp môn nào đó của Phật giáo, họ tự biết làm sao để tự làm mới lại tâm trí mình, có thêm ánh sáng và rộng mở, làm mới lại tình thương, những thệ nguyện, niềm hỷ xả, sự hướng về người khác (kể cả tổ tiên của mình…) chỉ bằng một thời thực hành như thường ngày. Có khác chăng là trang trọng hơn, đặc biệt hơn, vì là dịp Tết. Ở đây chúng ta nói về cái Tết chung cho mọi người.

 

Lúc nhỏ, mỗi dịp Tết tôi được bà ngoại (vì gia đình tôi sống với bên ngoại) dặn dò ngày mồng một Tết chớ làm bể chén, rớt đũa, chớ làm dơ nhà vì không được quét trong ba ngày Tết, chớ ồn ào tinh nghịch, chớ giành giựt nhau, chớ nói những lời thô nặng, chớ gắt gỏng, biểu lộ tính xấu ra bên ngoài.. Lúc đó, vài người lớn nói rằng phạm vào những điều ấy là “xui” cho cả năm. Khi lớn lên, tôi mới nhận ra những điều kiêng cữ ấy chính là sự “thúc liễm” thân tâm để làm cho mình có thể sống một cách tốt đẹp nhất trong những ngày Tết, làm đà tiến cho một cuộc sống tốt đẹp kéo dài suốt năm. Những kiêng cữ ấy giữ cho thân tâm mình được sự trọn vẹn, sự nguyên sơ tươi mới, không hư hỏng để đón Tết, hưởng Tết. Còn những điều tích cực nữa: tâm hồn cởi mở không câu chấp, trân trọng, nói lời êm đẹp, thăm và chúc Tết, lì xì, giúp đỡ, lòng tốt, không nghĩ xấu, nghĩ bậy, nhớ ơn cha mẹ ông bà tổ tiên, cầu nguyện, cúng cho những cô hồn, cho những vị thần đất đai… Tất cả những tốt đẹp của cuộc sống bình thường đều được thể hiện ra trong ngày Tết, và mọi thứ tiêu cực (ích kỷ, nhỏ nhen, hiềm khích, tranh giành, nghĩ xấu…) đều phải được chôn giấu đi. Càng lớn, chúng ta càng thấy rõ những điều tốt đẹp của đời sống bình thường đều có trong những phạm trù của Phật giáo. Như những sự tốt đẹp sơ lược ở trên, nói theo Phật giáo, là tâm an định, trí tuệ do buông xả, ái ngữ, bố thí, lợi hành, đồng sự, tâm vô ngại, từ bi hỷ xả, thành tâm, thiện ý, nhẫn nhục, cầu nguyện, chúc phúc, hồi hướng… Có điều trong Phật giáo chúng được làm rõ nghĩa, phân tích trong nhiều mặt và có những phương pháp để khai triển, phát huy những phẩm chất ấy.

Tết là một lễ thiêng liêng để người ta mặc cho thân và cả tâm một bộ quần áo mới, tốt đẹp nhất cho mình và cho cuộc đời. Những người có trải nghiệm sâu sắc vào giờ giao thừa đều có thể nâng tâm thức mình lên một mức độ tốt đẹp nhất, xả bỏ những cảm xúc tiêu cực để tìm thấy lại và phát huy những phẩm tính thuần hậu nhất của tâm. Nếu duy trì được một trạng thái tâm tươi mới trẻ trung như vậy, tiếp tục sau lúc giao thừa, khi mà những phẩm tính của tâm hầu như không còn bị hoàn cảnh điều kiện hóa, duy trì được cái mà Phật giáo gọi là “sơ tâm” không những chỉ trong vài ngày Tết mà trải qua tháng và năm, chúng sẽ trở thành những phẩm tính  của tâm hồn chúng ta, những ý nghĩa của cuộc đời chúng ta. Chúng ta buồn khổ, oán trách những xúc cảm tiêu cực suốt cả đường đời chỉ bởi vì chúng ta đã đánh mất cái sơ tâm ấy.

Phút giao thừa, chúng ta dễ dàng cảm nghiệm sự thiêng liêng của trời đất, xã hội con người và phần thiêng liêng trong tâm hồn chúng ta. Chúng ta sẵn sàng xóa bỏ những tỵ hiềm, xích mích, giành giựt… và độ lượng, trân trọng với tất cả. Chúng ta sẵn sàng biến cuộc đời mình thành một lời chúc phúc cho cả thế giới này. Chúng ta dễ dàng rộng mở lòng mình để cảm thông, để chia sẻ, để làm lợi lạc cho mọi người, mọi vật. Chúng ta dễ dàng cảm nhận được sự tinh khiết thanh cao của tâm hồn mình và sự tinh khiết thanh cao của mọi sự (Phật giáo gọi là “bổn lai thanh tịnh”). Chúng ta dễ dàng mở rộng toàn bộ thân tâm mình để hợp với tất cả sự sống, một sự sống vừa bao la vừa trong sạch, thiêng liêng. Vào lúc ấy chúng ta dễ dàng bắt gặp con người thật của mình và tìm thấy đời sống đích thực, cái đời sống không phải được nhìn bằng một cái tâm rối loạn, xung đột, phân tán mà bằng một cái tâm trong sáng, an bình và hợp nhất. Lúc đó chúng ta và cả trời đất như mới được khai sinh, tất cả đời sống là một cái gì mới mẻ chưa từng có. Thậm chí cho cả sau này và lúc chết, hẳn chúng ta cũng chỉ ra đi với một tâm thức rộng mở, thanh thản, tinh khiết và đấy ắp an vui như vậy.

Giờ đây, một mùa Xuân nữa lại về, đó cũng chỉ là một mùa Xuân  “tầm thường” như những mùa Xuân khác. Có khác chăng là Xuân Đinh Hợi thay vì Xuân Bính Tuất, có khác chăng là mỗi năm chúng ta thêm già đi một tuổi, mỗi năm xã hội lại bỏ bớt đi một ít lễ nghi, tập tục mà rồi chẳng còn mấy ai nhìn thấy sự diệu kỳ của chúng. Nhưng nếu chúng ta biết tỉnh thức lắng nghe những phẩm chất tốt đẹp đang biểu hiện từ trong lòng ra thành những tiết điệu của văn hóa và văn minh, và hơn nữa, nếu chúng ta được hướng dẫn rồi tự mình giữ gìn, nuôi dưỡng, khai triển, phát huy trong suốt cuộc sống của mình, chúng ta sẽ biết được ý nghĩa của đời sống là gì, và chắc chắn, vì ý nghĩa đích thực đó mà chúng ta đã có mặt ở cõi đời này. Chúng ta sẽ sống được một mùa Xuân vĩnh cửu, một mùa Xuân “không nở không tàn, không bao giờ tận”, tất cả không gian và thời gian đều là xuân, “chỉ là xuân”; chúng ta sẽ biến toàn bộ đời sống thành một mùa Xuân, mỗi khoảnh khắc là một mùa Xuân, như Thiền sư Chân Không (1046 – 1100) đã từng nói:

Xuân đến xuân đi nghi xuân tận

Hoa tàn hoa nở chỉ là xuân.

 

Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 25 | NGUYỄN THẾ ĐĂNG

15,634

TA CÓ THỂ LÀM GÌ KHI BỊ KIỆT SỨC? - WHAT CAN I DO ABOUT BURNOUT? (Phật giáo song ngữ Việt - Anh)

Tuần này, chồng tôi, anh ấy tên Fred và tôi đang đứng trong một căn phòng nhỏ không có cửa sổ với bác sĩ thú y, xem phim chụp X-quang của một

674
By The 17th Karmapa, Teachings on The Three Principal Aspects of the Path

When ignorance is defined as the root of samsara, and it becomes something we talk about and discuss, we are actually distancing ourselves from our own ignorance. Why? Because in thinking of

514
Lịch sử nhân loại - KARL JASPERS (1883-1969)

LỊCH SỬ NHÂN LOẠIKARL JASPERS (1883-1969)Lịch sử quan trọng như thế nào?Không có gì thiết yếu cho ta hơn lịch sử để ta biết ta, vì nó mở ra cho ta những

1,075
DI SẢN STEPHEN HAWKING ĐỂ LẠI TRƯỚC KHI MẤT

Nhà bác học Stephen Hawking đã nộp báo cáo khoa học cuối cùng vào 10 ngày trước khi qua đời, một công trình đặt nền tảng cho việc khám phá vũ trụ

981
Lịch Sử Các Dòng Truyền Thừa Xuất Gia của Phật Giáo Nguyên Thủy - Trần Ngọc Phú chuyển ngữ

Alexander Berzin, tháng Tám 2007Trần Ngọc Phú chuyển Việt ngữ; Lozang Ngodrub hiệu đínhPhật giáo du nhập vào Tích Lan (Sri Lanka) lần đầu tiên vào năm 249 trước Công Nguyên, qua

1,382
Top Bài Viết
Quan Hệ Thầy Trò
Niệm Tự Bạch

QUAN HỆ THẦY TRÒ Theo Tinh thần Kinh Kế thừa Chánh pháp Thầy, vầng mây bậc, thong dong, núi cao biển rộng Con, cánh nhạn chiều, chân trời sải cánh, dõi theo Thầy,

33,376
Giữ giới là lựa chọn tự do
Phật học Ứng Dụng

Giữ giới là lựa chọn tự do  Giới luật của Phật giáo có nghĩa là: “Anh đừng tự làm thương tổn mình, anh đừng tự làm hại mình”. 1. Tự do của lệ thuộc

32,798
Đạo Phật là gì?
Niệm Tự Bạch

Đạo Phật là gì Lama Zopa and Lama Yeshe Khi bạn tìm hiểu về đạo Phật tức là bạn đang tìm hiểu về con người thật của mình, về bản chất của tâm trí

32,704
Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa
Tìm Hiểu & Học và Hành

Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa(VHPG) Mọi kinh nghiệm của chúng ta, kể cả giấc mộng, khởi lên từ vô minh. Đây là một tuyên bố làm hoảng hốt

32,489
Chùa Việt
Sách Đọc