Other (439)


Phát triển Kinh tế và Văn hóa

13,513

PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ VĂN HOÁ

Tất cả chúng ta đều đồng ý là sự phát triển kinh tế càng ngày càng tăng sau đổi mới đã làm cho cuộc sống dân chúng khá lên, và đến năm 2010 chúng ta sẽ thoát khỏi nhóm các nước đói nghèo. Nhưng không nhiều người chú trọng vào văn hóa, như là động lực của kinh tế, như ý kiến của UNESCO.

Không chỉ là động lực mà văn hóa còn là định hướng và là kết quả nhân văn của một nền kinh tế lành mạnh. Bởi vì văn hóa là yếu tố căn bản nhất để định nghĩa con người: con người là một sinh vật có văn hóa.

Ít người thấy rõ sự tác động đó của văn hóa vào kinh tế. Thí dụ tai nạn giao thông, chủ yếu do thiếu văn hóa, không chấp hành luật lệ giao thông, say sưa, chạy ẩu, giành khách… đã làm giảm 1,5 - 2% GDP mỗi năm ở nước ta. Còn nhiều tệ nạn xã hội làm cho đất nước nghèo đi như xả rác gây ô nhiễm, phá rừng, bệnh AIDS… 

Chỉ lấy một thí dụ như: dịch cúm gia cầm ở Bạc Liêu, Cà Mau. Xem ti vi mới thấy nếu vịt chết mà chịu khó đốt hay chôn thì chắc lây lan ít, thay vì thế lại vất bừa trên kênh lạch. Chúng ta sẽ mất bao nhiêu tiền để ngăn chặn và dứt trừ nạn dịch? Mỗi năm ngành đường sắt tốn 800 triệu để thay kính vỡ trên toa vì bị ném đá từ dưới đường.

Chỉ lo phát triển kinh tế mà ít chú trọng đến phát triển văn hóa thì xây dựng một lại phá gần nửa, có thêm thì lại mất cái không đáng mất. Giàu có chưa chắc đã có một cuộc sống tốt đẹp nếu không có một trình độ văn hóa tương đương. Có những người ngoại thành bán đất, mua xe cho con cái rồi chạy ẩu, chết. Cha thì uống rượu nhiều sanh đau gan, chết. Còn nội thành thì có khi hư hỏng ăn chơi.

Người ta kính trọng một nước hay một con người không chỉ do một yếu tố duy nhất là giàu mà còn nhiều yếu tố khác: nước đó có bao nhiêu Nobel về khoa học hay văn chương, hiện có bao nhiêu nhà làm phim, bao nhiêu nhà nghệ thuật, bao nhiêu nhà trí thức có tiếng nói ảnh hưởng đến dân chúng, có nhà chính trị kinh tế nào làm thay đổi vận mệnh của một đất nước?

Khi xây dựng kinh tế, văn hoá là một yếu tố quyết định. Nhìn sang Tây phương, một số nhà xã hội học hàng đầu đã nói chủ nghĩa tư bản là kết quả của cuộc cách mạng công nghiệp và chủ nghĩa Thanh giáo Tin lành (Puritanism) vào cuối thế kỷ XVI (xem Thuyết khổ hạnh và tinh thần của Chủ nghĩa tư bản của Max Weber). 

Ngay thời hiện tại, chủ trương phải làm giàu để giúp đỡ người khác của nền văn hóa tin lành, (trái với Thiên chúa ca ngợi sự nghèo khó, xem đó là một đức hạnh) - vẫn còn ảnh hưởng: 2 tỷ phú giàu nhất và nhì thế giới, trong đó một người là Bill Gates đã cho đi nửa gia tài và nói sẽ cho hết vào cuối đời và một tỷ phú khác đã cho tất cả gia tài vào việc từ thiện. Nếu xem xét kỹ hơn thì ngay cả những đức tính của những nhà kinh tế cũng có phần đóng góp rất lớn cho văn hóa. 

Trong cuốn Nghệ thuật lãnh đạo lấy từ kinh Thánh (The Bile leadership - Nhà xuất bản Tri thức, 2006) của Lorin Woolfe giảng dạy về quản lý và lãnh đạo tại Hiệp hội Quản trị Mỹ AMA, chúng ta thấy những đức tính và khả năng lãnh đạo trong kinh tế được xếp theo mười chương: 1. Chính trực và lương thiện, 2. Mục đích, 3. Lòng nhân ái và lòng tốt, 4. Tính khiêm nhường, 5. Kỹ năng giao tiếp, 6. Kỹ năng quản lý hiệu quả công việc, 7. Phát triển đội ngũ, 8. Lòng can đảm, 9. Công bằng và bình đẳng, 10. Phát triển đội ngũ lãnh đạo.

Chúng ta thấy có những nhà quản lý kinh tế thành công với những tư tưởng thật đẹp. Max De Pree, cựu chủ tịch hãng Herman Miller đã viết: “Mục tiêu của tôi là khi người ta nhìn vào chúng tôi không chỉ là một tập đoàn mà là cả một nhóm người làm việc thân thiết trong một mối quan hệ giao ước với nhau, họ sẽ nói, “những người này là món quà cho tâm hồn”. Kế nghiệp ông là Kermit Campbell, đã bổ sung rằng sứ mệnh thật sự của công ty không phải là tạo ra sản phẩm mà là “giải phóng tâm hồn con người”. Nhưng cũng trong cuốn sách này L. Woolfe nói: “Thời kỳ nhà tiên tri Jeremiah là thời kỳ suy tàn hơn cả nước Mỹ cuối thế kỷ XX” (trang 38).

Bây giờ nhìn trở lại văn hóa Việt Nam. Chúng ta không phải mặc cảm gì cả: nền văn hóa đó đã sinh ra những nhân vật như Trần Thái Tông và Trần Nhân Tông, những vị đã ba lần chiến thắng Nguyên Mông (chuyện mà cả thế giới Đông và Tây không thể làm được vào lúc đó), đã đưa xã hội Việt Nam đến đỉnh cao về mọi mặt ở tầm thế giới.
Chúng ta hãy xem bài thơ của Trần Quang Khải, lời bạt trong Thượng Sĩ Ngữ Lục của thượng tướng Trần Khắc Chung chúng ta sẽ thấy các quan võ ấy văn hóa cao như thế nào. Hai vị vua ấy là lý tưởng của Platon: nhà vua đồng thời là nhà hiền triết.
Sở dĩ bây giờ chúng ta cảm thấy thua kém thiên hạ vì chúng ta vẫn chưa hiểu nên chưa ứng dụng được những gì mà hai nhà vua ấy hay những vua đời Lý đã làm. Chúng ta chưa hiểu chỗ “bất biến” của các vị (cái bất biến không phải chỉ riêng các vị mà là của cả dân tộc), và do đó chưa thể “ứng với vạn biến” của thời đại ngày nay.

Tại sao nước Mỹ có những nhà kinh tế hàng đầu với những tư tưởng nhân văn như thế, với những phương tiện mà không nước nào có được, lại không thể tạo ra một xã hội lý tưởng? Hẳn là vì văn hóa, vì bảng giá trị sống còn thiếu những điều căn bản nào đó, và vì triết học có những lỗ hổng lớn ở nhân sinh quan và bản thể luận. Có lẽ vì thế mà những triết gia hàng đầu của Tây phương ở thế kỷ XX như Karl Jasper, Martin Heidegger… những nhà triết học như  Heinzich Zimmer, Francois Jullien… đều tìm hiểu, đối thoại với và tìm cách bổ sung bằng minh triết Đông phương. Hiện giờ Phật giáo đang phát triển mạnh ở Âu Mỹ, không chỉ bằng những quan niệm lý thuyết mà chủ yếu là bằng sự thực hành có phương pháp, chúng ta không biết có lấp đầy những lổ hổng chết người đó không. Cái đó cũng tùy thuộc vào vận mệnh của những nước đang đứng đầu và đang phát triển khoa học kỹ thuật và sự sung túc vật chất.

Văn hóa là động lực và cũng là mục tiêu của kinh tế, chính trị và xã hội. Chả thế mà theo Platon, lý tưởng là một nhà vua đồng thời là một triết gia. Ở Đông phương, một minh quân lý tưởng là một nhà hiền triết, với Trung Hoa là đạo “nội thánh ngoại vương”. Văn hóa có khi là yếu tố quyết định trong phương thức tiến hành hoạt động chính trị, xã hội và kinh tế. Như Mahatma Gandhi, khi tranh đấu cho nền độc lập Ấn Độ đang bị Anh cai trị, ông đã chọn sách lược bất bạo động là một yếu tố văn hóa Ấn Độ nói chung và Phật giáo nói riêng. Lịch sử cho thấy sách lược đó có kết quả nhanh chóng, bớt hao tổn, và đem lại cái mà ngày nay gọi là “cả hai cùng thắng”.

Hiện giờ khoa học kỹ thuật là tài sản chung của nhân loại, nhưng sử dụng khoa học kỹ thuật đó như thế nào là vấn đề văn hoá. Chẳng hạn có những nước giàu nhờ chế tạo và buôn bán vũ khí, hay trả cho công lao của công nhân và nông dân quá rẻ. Kinh tế không thể tự mình giải quyết được hố ngăn cách giữa một số quá ít quá giàu và đa số nghèo, như một số nước giàu nhất cho thấy, mặc dù họ cũng đứng nhất về những lý thuyết kinh tế. Phải chăng chúng ta đều cần những yếu tố văn hóa để kinh tế không là sự chia rẽ con người và có sự ổn định bền vững. 

Sử dụng khoa học kỹ thuật thế nào để đưa lại hạnh phúc chân thực cho con người, đó là định hướng của văn hóa. Chúng ta thấy khoa học kỹ thuật là chung, thế giới là “phẳng”, nhưng Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Trung Quốc đều có hướng đi riêng, độc lập nhưng không cô lập, và họ đã khá thành công. Đó là bản sắc văn hóa. Họ giàu có lên nhưng vẫn giữ được sự ổn định xã hội, ít ly dị, gia đình vẫn là tế bào căn bản của xã hội, những phong tục, lễ lạt và tính tình vẫn không thay đổi nơi cốt lõi.

Nhìn một cách sâu hơn, tất cả mọi nền văn hóa, mặc dầu có những ưu khuyết điểm riêng, đều có hướng đi chung khiến cho tất cả đều “đồng quy nhi thù đồ” (khác đường nhưng quy hướng về một chỗ, lời của Khổng Tử). Mọi nền văn hoá đều có giá trị chung, ước mơ chung là làm cho con người hoàn thiện hơn, cao đẹp hơn, hiểu biết hơn, nhiều yêu thương hơn… Chỗ đồng quy đó là Chân Thiện Mỹ. Mặc dầu có những điểm yếu, điểm mạnh riêng, có trình độ cao thấp khác nhau, nhưng tất cả đều nhắm đến Chân Thiện Mỹ cho nhân loại và hành tinh này. 

Chính vì ước mơ chung đó nên văn hóa là tác nhân có thể đưa đến đối thoại (nền văn hóa không thể và không muốn đối thoại, không thể và không muốn cùng đưa nhau tiến bộ là một nền văn hoá kém, chưa tiến bộ, nhất là trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay), đưa đến cảm thông, đưa đến hòa hợp, đưa đến “tứ hải giai huynh đệ” (bốn biển là anh em, lời của Khổng giáo) cho thế giới. Đây là điều khoa học kỹ thuật và những thành tựu kinh tế không thể làm, bởi vì một thế giới đồng dạng về mặt vật chất, xe hơi, điện thoại di động, internet… mà chưa có tinh thần đối thoại, khoan dung, cảm thông, tinh thần cùng hướng về Chân Thiện Mỹ, tinh thần văn hóa, thì vẫn chưa thể cùng sống hạnh phúc nơi trái đất nhỏ hẹp này được.

Nguyễn Thế Đăng

Theo Thư viện Hoa sen http://old.thuvienhoasen.org/phattrienkinhtevavanhoa.htm

13,513

Ngày xuân mượn một bài thơ của Vương Duy để tặng những người xa quê hương - Hoang Phong

Ngày Tết là một dịp để trở về với gia đình, với bè bạn, với làng xóm, với quê hương, và nếu mở rộng lòng mình hơn nữa thì ngày Tết cũng

13,672
Đốn Ngộ và Vô Niệm - D. T. Suzuki - Việt dịch: Thích Nhuận Châu

Như thế, giáo lý đốn ngộ đã có nền tảng từ Nam tông của Huệ Năng, và chúng ta phải nhớ rằng cái hốt nhiên hay cú nhảy tối hậu nầy không

15,776
Milarepa Hướng Dẫn Một Thanh Niên Giác Ngộ Chân Tâm - Viet Nalanda

Một ngày nọ, khi Milarepa đang ở trong hang động một mình thì hai vị khách tìm đến hỏi han.- Ông ở một mình à? Ông không thấy cô đơn sao?- Tôi

1,364
Tỉnh thức dưới cái nhìn của khoa thần kinh học - DAVID ROCK, Đổ Hoàng Tùng dịch

Mới đây, Daniel Gilbert (tác giả quyển sách tuyệt vời có tựa là “Stumbling on Happiness”) và Matthew Killingsworth, học trò của ông, đã đưa ra một nghiên cứu khẳng định điều

1,773
NGƯỜI PHẬT TỬ TRƯỚC DỊCH BỆNH COVID-19 Ngọc Diệp thực hiện

ĐĐ.Thích Trí Minh, Bác sĩ Chuyên khoa cấp I,tốt nghiệp Đại học Y Dược TP.HCMTrước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp do Covid-19, để hiểu rõ hơn về dịch bệnh

930
Top Bài Viết
Quan Hệ Thầy Trò
Niệm Tự Bạch

QUAN HỆ THẦY TRÒ Theo Tinh thần Kinh Kế thừa Chánh pháp Thầy, vầng mây bậc, thong dong, núi cao biển rộng Con, cánh nhạn chiều, chân trời sải cánh, dõi theo Thầy,

33,376
Giữ giới là lựa chọn tự do
Phật học Ứng Dụng

Giữ giới là lựa chọn tự do  Giới luật của Phật giáo có nghĩa là: “Anh đừng tự làm thương tổn mình, anh đừng tự làm hại mình”. 1. Tự do của lệ thuộc

32,798
Đạo Phật là gì?
Niệm Tự Bạch

Đạo Phật là gì Lama Zopa and Lama Yeshe Khi bạn tìm hiểu về đạo Phật tức là bạn đang tìm hiểu về con người thật của mình, về bản chất của tâm trí

32,704
Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa
Tìm Hiểu & Học và Hành

Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa(VHPG) Mọi kinh nghiệm của chúng ta, kể cả giấc mộng, khởi lên từ vô minh. Đây là một tuyên bố làm hoảng hốt

32,489
Chùa Việt
Sách Đọc