JETSUNMA – ĐẠO SƯ CAO QUÝ
TÁI SINH Ở PHƯƠNG TÂY – Ký Giả VICKI MACKENZIE
Tôi còn nhớ mấy năm trước trên một tờ báo có đăng tin một phụ nữ một phụ nữ được chính thức công nhận là một cao tăng hóa thân (Tulku) và bà đã ngày đêm cầu nguyện cho hòa bình thế giới. Mẫu tin ngắn này vẫn được tôi ghi nhớ trong đầu cho đến nay, khi bắt đầu việc tìm hiểu về những tulku ở phương Tây thì tôi quyết định đi tìm bà.
Tìm cho ra bà là một nhiệm vụ thật khó khăn. Tôi không nhớ tên bà, từ ngày được chính thức công nhận năm 1988, bà ít xuất đầu lộ diện. Tôi phải nhờ nhiều người Tây Tạng quen biết ở Hoa Kỳ tìm kiếm mới ra manh mối. Tên bà là Jetsunma Ahkon Norbu Lhamo. Bà tạo lập một trung tâm tu học ở ngay ngoại thành của thủ đô Washington...Đó là một tòa biệt thự sang trọng hai tầng sơn trắng với mái hiên ở mặt trước rất rộng được chống đỡ bởi 6 cây cột to lớn oai vệ như một câu lạc bộ của giới nhà giàu ở khu ngoại ô. Hai bên đường đi vào là hai dãy cờ phấp phới trên những cột cờ lớn và xung quanh là những thảm cỏ xanh rờn, vườn hoa, chậu cảnh rất đẹp mắt. Nhìn lên mái nhà ta thấy hình ảnh hai con nai vàng ôm bánh xe Pháp, biểu tượng của xứ Tây Tạng. Ở gần cửa là tấm biển đề tên bằng Tạng ngữ: Kunzang Odsal Palyul Changchub Choling. Dịch sang tiếng Anh là The Fully Awakened Glorious Dharma Continent Of Absolube Clear Light nên trung tâm được gọi tắt là “KPC” -Trung tâm tu học Phật Giáo Tây Tạng lớn nhất ở Mỹ.
Trung tâm có hai nơi thờ phụng...Chánh điện là nơi cử hành nghi lễ và là nơi giảng dạy Phật pháp... chính giữa phòng là một cái bệ giữ một Mạn đà la rất lớn có những cái tháp nhỏ màu vàng ở dọc chân bệ. Tượng Ngài Liên Hoa Sinh (Padma Sambhava), vị sáng lập Phật giáo Tây Tạng, được đặt sát một vách tường. Trước tượng ngài là một khối thủy tinh tròn, khối thủy tinh lớn nhất ở trung tâm. Thật là một quang cảnh ngoạn mục khác thường - một sự kết hợp giữa hai nền văn minh Âu - Á: một phòng khách lộng lẫy theo kiểu phương Tây là một nơi thờ phụng uy nghi theo lề lối Đông Phương.
Nơi thờ phụng thứ hai đẹp đẽ lạ lùng hơn, là một nơi làm nhà nguyện, ngày đêm cầu nguyện cho hòa bình thế giới… Ở bức tường đối diện trưng bày 1002 tượng Phật nhỏ xếp ngay hàng thẳng lối như một đội ngũ đang nghiêm trang chứng minh cho những sinh hoạt Phật sự được diễn ra ở giữa phòng... Nhìn sang một bức tường khác... nơi trưng bày 21 tượng Nữ thần Tara sơn màu vàng, ngự trên những chiếc khay nhiều tầng trông trang nghiêm như một công đường phán xét tâm linh do các ngài chủ trì... Trong phòng chỉ có tiếng thì thầm của một vị sư ngồi trên bồ đoàn cầu nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc, quyện vào lời cầu kinh của bà Jetsunma phát ra từ một máy ghi âm tha thiết cung thỉnh chư Phật ngự đến đạo tràng này. Cả căn phòng dường như thấm nhuần trong một đạo lực mạnh mẽ.
Bước vào phòng khách là một phụ nữ người Mỹ trông bình thường như trăm ngàn phụ nữ Mỹ khác, nhưng ngoài vẻ lanh lợi tươi tắn, ở nơi bà Jetsunma Ahkon Norbu Lhamo toát ra một vẻ dịu hiền, ân cần, thân thiện... nói chung, khuôn mặt với cái miệng hơi trễ, cặp mắt hình hạt hạnh nhân, cộng thêm tay bà không ngừng lần chuỗi, ta thấy bà giống người Tây Tạng...Theo truyền thống Đông Phương cổ xưa, bà được tặng danh hiệu “Jetsunma”, một danh xưng còn cao quý hơn “Rinpoche” dành cho những vị hóa thân nam giới…Người ta nói rằng, bà đã chứng đắc quả vị cao nên có thể tự mình chọn nơi tái sinh của mình, có thể thuyết Pháp mà không cần qua một thời gian tu học Phật pháp. Thật là một thành quả hiếm có.
Khác với những vị hóa thân mà tôi đã được gặp, người Tây Tạng cũng như người phương Tây, bà Jetsunma Ahkon Norbu Lhamo không được ai khám phá lúc còn nhỏ, bà cũng không được tu học ở trong một tu viện Tây Tạng nào để những tiềm năng có dịp phát triển. Bà đã tự mình tu tập, âm thầm lập nên sự nghiệp hoằng pháp của mình ở ngay giữa nước Mỹ mà không cần một trợ giúp nào. Trung tâm hoằng pháp KPC với những thảm cỏ đẹp đẽ, những phòng ốc tuyệt vời và một tăng thân gồm cả nam lẫn nữ tu về đây theo bà tu học đã nói lên sự thành công ấy. Bà quả là một nữ tu đặc biệt.
Gặp được bà thật là một điều may mắn. Và tôi rất nôn nóng được nghe câu chuyện của vị Dakini người Mỹ này (Dakini là Thánh nữ hay Thiên nữ trong hệ thống thần linh của Tây Tạng).
Bà bắt đầu với câu: “Tôi chỉ là một cô gái lớn lên ở Brooklyn”. Bà sinh trưởng trong một gia đình nghèo và đã gặp nhiều khổ nhục... Tôi không biết gì về người cha ruột nhưng cha dượng là người Công giáo. Ông bà ngoại tôi là người Do Thái gốc Áo và Hà Lan. Khi mẹ tôi lấy dượng, bà không muốn theo đạo Công giáo, bà nghĩ Nhà thờ Tin lành Hà Lan có thể dung hòa giữa Do Thái giáo và Công giáo nên bà quyết định đi nhà thờ này.
Bà là một đứa trẻ hướng về đời sống tâm linh, từ nhỏ bà đã có lòng sùng kính đức Giêsu và điều đó còn kéo dài cho đến bây giờ. Bà nói: “Tôi rất sùng kính ngài, tôi nghĩ ngài là một trong những vị Bồ Tát lớn của nhân loại”. Nhưng đồng thời bà rất thích tượng Phật. “Tôi thường mua tượng Phật, khi thì đưa cho mẹ, khi thì giữ cho mình... Tôi thích sự giản dị của Phật giáo. Mặc dù hồi ấy tôi không biết gì về Phật giáo, nhưng tôi vẫn cảm thấy đạo Phật rất gần gũi, rất đời thường”. Vào năm 10 tuổi, bà đã có những giấc mơ về những cảnh giới thần tiên. Và bà đã đọc lên những lời cầu nguyện do bà tự chế.
Jetsunma chỉ cho biết năm 17 tuổi cảnh sát khuyên bà nên rời khỏi nhà...Theo lời khuyên của cảnh sát, bà bỏ nhà đi về Florida và lập gia đình ở đây. Sau khi đứa con đầu lòng ra đời, bà cùng chồng con dọn về một nông trại hẻo lánh ở North Carolina. Xa cuộc sống ồn ào ở đô thị, xa không khí nặng nề của gia đình cha mẹ, những khả năng tiềm ẩn trong bà bây giờ mới bắt đầu khởi phát.
Bà kể lại những biến cố khác thường xảy ra trong đời bà: “Tôi bắt đầu có những giấc mơ kỳ lạ - cả đời tôi hay mơ thấy những giấc mơ kỳ lạ. Và trong giấc mơ thường có người bảo tôi phải làm việc này, việc nọ. Và hàng loạt những sự kiện lạ lùng xảy ra. Những người trong giấc mơ thường bảo tôi phải để ý đến một tín hiệu đặc biệt nào đó. Người đầu tiên tôi gặp trong giấc mơ là một bà già. Trông bà như mụ phù thủy ở trong một cái tháp nhỏ của một tòa lâu đài cổ. Bà này đặt một vòng tròn lên trán tôi rồi nói: “Đây là con người thật của cô; bây giờ đã đến lúc cô phải bắt đầu sống cuộc đời thật của mình”...Ba ngày sau, tôi mơ thấy nông trại mà chúng tôi đang ở nhưng phía trước cửa nhà có rất nhiều xe đậu. Rồi một trận bão thổi tới, và bầu trời trở nên xanh, một màu xanh lục rất lạ. Ba ngày sau giấc mơ ấy - dường như chuyện gì cũng sẽ ra từng giai đoạn ba ngày - tôi đi mua sắm và có mấy người bạn lái xe theo tôi trở về nhà, và ngay khi ấy có một trận bão thổi tới. Trong giấc mơ tôi đã nghe một giọng nói. “Khi con thấy hiện tượng này là lúc con cần bắt đầu thực tập thiền quán”.
Jetsunma không chỉ ngạc nhiên trước những sự việc xảy ra, bà còn tự hỏi tại sao những chuyện này lại xảy đến với một cô gái mới 19 tuổi... hơn nữa, cô không biết gì về thiền quán. Jetsunma kể tiếp:
“Tôi bước ra hiên trước, nhìn quanh xem có giống quang cảnh tôi thấy trong mơ không thì thật đúng như vậy. Yên chí, tôi đi vào phòng ngủ và lên giường nằm! Tôi biết rằng nếu tôi cầu xin được hướng dẫn cách ngồi thiền thì tôi sẽ được chỉ dẫn trong giấc mơ. Và đó là bước đầu của chương trình huấn luyện tâm linh của tôi. Một chương trình huấn luyện không theo một quy ước nào, và đặc biệt cho riêng một mình tôi mà thôi”.
Điều đầu tiên tôi được ‘chỉ dẫn’ là tôi phải nguyện từ nay về sau làm bất cứ việc gì cũng là vì lợi lạc cho nhiều người. Cho nên, mỗi lần ngồi thiền là tôi đọc câu thệ nguyện như sau: “Con nguyện đem đời con dâng hiến phục vụ mọi người, con sống chỉ là để làm lợi lạc cho mọi người”. Jetsunma không biết rằng đó là lời nguyện trong Phật giáo Tây Tạng với thuật ngữ Phật Giáo Tây Tạng. Và cứ thế mỗi ngày Jetsunma thiền định và mò mẫm tìm hiểu những gì mình cần làm. Tôi hình dung ra một vòi nước - nước đã có sẵn, tôi chỉ cần vặn vòi là có nước. Tôi cố gắng hướng lòng mình về một niệm từ bi, một lòng thương người rộng lớn.
Một thời gian sau, Jetsunma cảm thấy không khám phá ra điều gì mới lạ theo lối thiền quán nữa thì bà lại cầu nguyện xin được hướng dẫn. Bà lại mơ một giấc mơ đặc biệt và bà được hướng dẫn là phải quan sát mọi cơ hội, mọi sự việc có thể xảy ra cho bà.
Bà kể: “Tôi thiền định về điều đó. Tôi quan sát những thứ đó: Giấc mơ, hi vọng và cuối cùng, thấy những thứ đó thật là vô vị. Cuối cùng rồi cũng đi đến cái chết. Tôi bắt đầu thấy theo đuổi những thứ này thật vô nghĩa”.
Bà suy nghĩ về cuộc đời mình, suy nghĩ về hướng đi cho đời mình, nhưng nghĩ đi nghĩ lại thì con đường nào cũng dẫn đến cái chết. Và từ đó bà quyết định từ bỏ không theo đuổi những giấc mộng thế gian. Theo danh từ nhà Phật thì bà đã đạt tới hạnh xả bỏ - không còn tham luyến những nỗi thăng trầm, vinh nhục của đời sống thế gian… “Tôi đã bỏ cuộc chơi”, bà nói: “tôi bỏ đi vì ở đây không còn gì cả”. Và từ đấy, đề mục thiền quán của bà chuyển sang một hướng khác, một hướng thẳng tới thế giới của một mật giáo thần bí, đi tìm nguồn gốc của chân lý.
Trong giấc mơ tiếp theo, tôi được hướng dẫn quán niệm câu hỏi: “Nếu những thứ tôi sở hữu trên đời này không đáng gì vì chúng không trường cửu, vậy thì cái gì đáng giá?” Và bỗng dưng bà thấy mình đang chiêm nghiệm về một thực thể tuyệt đối, một chân lý rốt ráo, một tuệ giác bản nhiên, một đề tài thiền quán rất sâu sắc và rất khó của Phật giáo.
Tôi không diễn tả điều đó bằng lời, nhưng tôi biết điều tôi chiêm nghiệm không phải về Thượng Đế, không phải về một ông già ngồi trên ngai. Điều tôi chiêm nghiệm cho đề mục thiền quán là một tinh túy trùm khắp, hình tướng và không hình tướng của vạn Pháp, nhất như, không phân biệt. Tôi thấy chân giá trị là ở đây và những hành động biểu hiện tình thương chỉ là một hình thức thể hiện chân lý ấy.
Tôi thấy những gì Jetsunma vừa thổ lộ với tôi thật là khác thường. Đó là những gì mà đại sư Du già, những học giả trong các tu viện Tây Tạng phải học hỏi trong nhiều năm mới có thể đi đến những kết luận đó. Vậy mà ở đây Jetsunma, một thân một mình, sống trong một nông trại hẻo lánh ở tiểu bang North Carolina, không sư phụ, không sách vở nghiên cứu, cũng không biết gì về một chủ thuyết nào, bà đã khám phá ra hai sự thật cần thiết là Trí tuệ và Từ bi, là đôi cánh của nền Phật giáo Tây Tạng, là đôi cánh giúp ta bay thẳng đến bờ Giác Ngộ.
Không có đôi cánh này, bạn không thể nâng mình lên khỏi mặt đất được. Thật là một thành quả đáng khâm phục!
Nhưng bà còn đi xa hơn nữa. Trong khi vẫn tiếp tục hành trì thiền quán về Từ bi và tính cách bất nhị hay tướng “Không” của vạn pháp, bà bắt đầu thiền quán về tự nguyện hiến thân thể mình, từng bộ phận một.
Bà vừa cười vừa nói rằng: “Chuyện này nói ra thì nghe lạ lắm, nhưng tôi nằm xuống, tôi không biết mình phải ở tư thế ngồi khi thực tập lối thiền quán này và nhìn xuống hai bàn chân rồi nói ra lời: “Được rồi, hai bàn chân tôi, mười ngón chân đây”. Tôi thật sự nhìn xuống hai bàn chân mình và nghĩ đến công dụng của hai chân như đi, chạy, nhảy, móng chân mọc. Tôi suy ngẫm đến tất cả những điều tốt đẹp mà hai chân có thể làm cho tôi. Khi tôi suy ngẫm đến công dụng tối hậu của chúng thì thấy không có gì cả! Rồi tôi nguyện: “Tôi hiến dâng hai chân tôi cho thể tính tuyệt đối để khi tôi bước, chân tôi hòa với thể tính này”. Và cứ thế, bà hiến dâng toàn bộ thân thể mình. Bà dừng lại lâu hơn ở những bộ phận bà thấy gần gũi như cái đầu, bà nói: “Không ai muốn hiến đi cái đầu của mình. Cái đầu giống như pháo đài cuối cùng giữ gìn cá tính của mình. Tôi cũng đặc biệt chú ý đến bộ phận của riêng phụ nữ và hai cái tay, không ai muốn lìa bỏ chúng.”
Lúc ấy bà không biết là bà đang thực tập một pháp đặc biệt gọi là pháp Chod, một pháp thiền quán rất uyên thâm của Tây Tạng khi mà mình hòa đồng thân thể với tính ‘Không’. Đây là một sự dâng hiến hoàn toàn.
Jetsunma tiếp tục thiền tập một mình như thế trong nhiều năm. Bà nói bà ngồi mấy tiếng liền trong mỗi buổi hành thiền... Công phu thiền tập của bà mỗi ngày một tiến bộ, và vào khoảng 30 tuổi bà đã trải qua một kinh nghiệm tâm linh, một dấu hiệu báo cho biết thời điểm bà cần hành động đã bắt đầu.
Bà không muốn kể chi tiết, chỉ nói vắn tắt rằng sau một thời gian dài hành trì thiền quán, bà chợt ngộ ra rằng bà không được nghĩ đến đời sống riêng tư của mình nữa, rằng bà ra đời là để phục vụ chúng sinh. Bà không tâm sự với ai về sự khám phá này nhưng thật lạ lùng, đúng vào thời điểm này, người ta bắt đầu tìm đến bà.
Trong hai ngày viếng thăm trung tâm KPC,... tôi được dịp gặp gỡ vài thiền sinh của bà như ông Wib Middleton, một trong những thiền sinh đầu tiên. Bây giờ ông giữ chức giám đốc hành chính của trung tâm. Ông là một người vui tính, cởi mở. Tôi hỏi ông nghĩ gì về việc hoằng Pháp của Jetsunma, vị hóa thân nữ phương Tây đầu tiên.
Ông nói: “Chúng tôi gặp bà năm 1981, lúc bấy giờ gia đình bà đã dọn về Washington. Chúng tôi, một nhóm chừng 10 người, có thể gọi là thuộc nhóm người Thời Đại Mới. Khi chúng tôi gặp bà, chúng tôi thấy bà rất lạ. Bà nói nhiều về tâm thức của hành tinh, về sự nhanh nhạy của hành tinh hoặc độ rung cảm của số không - cụm từ và dùng để nói đến tính “Không” (emptiness). Thật là những ý tưởng rất mới lạ.
Chúng tôi đến xin bà hướng dẫn chúng tôi và bà sẵn sàng nhận lời. Vậy là chúng tôi họp mặt mỗi tuần một lần ở phòng khách nhà bà. Bà bắt đầu chỉ cho chúng tôi phương pháp thiền tập, tiếp theo là phần thảo luận do bà hướng dẫn. Bây giờ nhìn lại, tôi thấy bà dùng phương pháp dạy dỗ rất hay, lúc nào bà cũng tìm cách giúp đỡ những người có những nhu cầu đặc biệt... Bà rất khiêm nhường, lúc nào cũng nói như xin lỗi học viên rằng mình không phải một người thầy giỏi, mình không có tài cán chuyên môn gì. Tuy vậy, chúng tôi vẫn thấy ở bà có nhiều đức tính nội tâm và bà có thể bước sang những tầng ý thức khác, ông Wib nói.
Chúng tôi lập một trung tâm có tên là “Center For Discovery And New Life”, bầu được ban quản trị và có biểu tượng riêng. Sau đó trung tâm lớn dần. Mỗi tuần có hai lớp, rồi ba lớp. Càng ngày những bài giảng của bà càng có ý nghĩa thâm sâu. Bài giảng của tuần này sâu sắc hơn bài giảng của tuần trước. Mỗi khi đến phòng họp, chúng tôi nghĩ chắc bà không thể nào chọn đề tài sâu sắc hơn bài lần trước nhưng rồi bà vẫn làm chúng tôi ngạc nhiên. Bà nói về bản chất của tâm, về tính Không, về những thân vi tế. Vào thời điểm ấy chúng tôi dùng ngôn ngữ siêu hình của phương Tây để diễn đạt những quan điểm của phương Đông. Chúng tôi không hề nghĩ chúng tôi là Phật tử.
Ông Wib kể tiếp: Một người bạn giới thiệu một Lạt ma Tây Tạng tên Kunzang Lama đến từ một tu viện ở miền Nam Ấn Độ. Ông đem thảm đi bán để gây quỹ cho tu viện của ông. Ông mang theo một cuốn album đầy ảnh trẻ con Tây Tạng, phần nhiều là mấy chú Lạt ma tí hon thiếu thốn đủ mọi thứ, quần áo, sách vở, và thực phẩm. Hôm ấy chúng tôi bằng lòng giúp đỡ coi như một dự án từ thiện.
Thấy hình mấy chú tiểu Tây Tạng quá dễ thương và học viên cũng thấy rằng đây là một dịp tốt để thực hành những gì họ học với Jetsunma. Ngay từ buổi đầu, bà thường nhấn mạnh về lòng thương người, về những nỗi khổ niềm đau của kiếp nhân sinh và tìm cách giúp cho con người bớt khổ. Bà nói, sở dĩ người ta khổ vì người ta phân biệt, vì người ta tách mình ra riêng. Bà nói về ý thức cộng đồng - tức là ý thức được rằng chỉ có một nguyên lý vận hành thôi. Và chỉ như vậy ta mới hiểu được mình và mọi người qua tình thương và lòng tử tế. Bà nói nhiều về bổn phận phải quan tâm và săn sóc trái đất và những sinh vật sống trên trái đất.
Khi được tin Penor Rinpoche - Vị trụ trì ở tu viện bên đó được xưng tụng là ngài Padma Norbu Rinpoche, gọi tắt là Penor Rinpoche là vị truyền thừa thứ XI của dòng Palyul của phái Nyingma của Phật giáo Tây Tạng...Ngài là một Lạt ma rất cao cấp - Ngài đã thành lập nhiều trung tâm hoằng hóa ở Châu Á... muốn ghé thăm Washington để được gặp và cảm ơn những ân nhân đã giúp đỡ nhiều đệ tử nhỏ của ngài nhân chuyến đi hoằng hóa đầu tiên ở Hoa Kỳ.
Jetsunma kể lúc bà gặp Penor Rinpoche ở sân bay…đám đông tản ra và khi tôi thấy ông ấy thì nước mắt tôi tự nhiên tuôn trào!.. Tôi thấy mình như một con ngốc, nước mắt ràn rụa. Tôi nhìn ông và tự nhủ: “Ôi, đây là tâm tôi... là trí tôi đây... là tất cả đây rồi”. Bà hạ giọng: “Không biết cô sẽ cảm thấy thế nào khi mà cô nhìn thấy được mọi thứ diễn ra trước mắt mình? Khi thấy ngài, tôi biết đây là người cả cuộc đời tôi tìm kiếm. Rồi nước mắt tôi trào ra”
Tôi không hiểu và xin bà giải thích rõ ràng hơn. “Ngài Liên Hoa Sinh, vị sáng lập Phật giáo Tây Tạng, đã từng nói: “Ta sẽ xuất hiện như một người Thầy của con, một người Thầy mà con có một quan hệ đặc biệt giúp con hiểu được bản tính của tâm mình. Khi con gặp vị này, con như nhìn thấy khuôn mặt của chính mình và khuôn mặt này sẽ làm cho tâm con rung động. Đó là lúc con bắt đầu nhớ lại”.
Bà giải thích ngắn gọn về vai trò của một Đạo sư (guru) trong đạo Phật. Bà nói: “Guru là vị có một lòng từ mẫn bao la, và lòng từ mẫn này như một mảnh của cái khóa dán Velcro”, bà dùng ngôn ngữ phương Tây để diễn đạt một tư tưởng của phương Đông. Khóa dán Velcro thì phải có hai mảnh mới dính lại được, thì đây cũng vậy, ta phải đã từng học hỏi với Đạo sư này ở kiếp trước rồi. Vì thế không phải bỗng nhiên mà Thầy biết tên mình, hiểu về mình. Ở Thầy tỏa ra một đạo lực, lòng tử tế và tình thương bao la của Thầy như phát ra một luồng vi ba, và người đệ tử sẽ cảm nhận được âm thanh này. Và như vậy, người đệ tử sẽ theo Thầy.
“Âm thanh ấy rất vi tế nhưng rất mãnh liệt, có thể thay đổi cả cuộc đời của người đệ tử trong một khoảnh khắc như thế này”. Vừa nói bà vừa búng ngón tay. Nghe đến đây bỗng nhiên tôi nhận ra rằng bà đang nói về bà cũng là một đạo sư. Bà nói tiếp: “Âm thanh này sẽ thay đổi cuộc đời của người đệ tử. Nó có thể thay đổi cả thế giới. Âm thanh vi tế nhất mà mãnh liệt, nhất là lòng từ của hạnh Bồ Tát. Người đệ tử sẽ cảm nhận được âm thanh này theo tâm tư của mình.”
Suốt một tuần lễ, Penor Rinpoche hỏi han từng người xem Jetsunma đã dạy họ những gì. Cuối cùng thì Jetsunma cũng gặp riêng ông và bà biết ông là Thầy của mình và xin sám hối vì đã nhận dạy thiền sinh mà không hề có chút học hỏi nào từ các vị Thầy.
Penor Rinpoche nhìn thẳng vào mắt bà và nói: “Kiếp trước con đã từng thực hành hạnh Bồ Tát, một người sống để phục vụ người khác, để giúp chúng sinh được giải thoát. Con miên mật thực tập hạnh Bồ Tát đến độ ở những kiếp sau, con không hề quên. Con sẽ luôn nhớ điều đó. Nó ăn sâu trong tâm khảm và con sẽ không thể quên được”. Ông không nói rõ bà là Bồ Tát gì. Ông chỉ khuyến khích bà tiếp tục công việc bà đang làm, và ông cũng xác quyết rằng bà đã đi đúng đường, những gì bà dạy cho học viên là những điều họ cần, chỉ vậy thôi. Tưởng chừng như bà không cần phải làm những gì to tát.
Nhưng rồi ông làm Jetsunma giật mình khi ông nói bà phải mua một trung tâm thật sự, một nơi để thờ phụng: “Ông nói với tôi rằng: Không cần sợ hãi lo lắng, tôi sẽ đi xem nhiều nơi nhưng sẽ mua được một ngôi nhà mà hiên trước có nhiều cột lớn. Bà đã nghĩ mình không thể mua nổi nhưng rồi sẽ mua được. Cứ tin đi, đừng sợ. Sau này tôi sẽ có nhiều trung tâm như vậy ở khắp nơi trên toàn cầu”.
Một năm sau khi gặp Penor Rinpoche, bà thấy nhớ vị Thầy, người đã ảnh hưởng sâu đậm đến cuộc đời của bà. Bà quyết định đi Ấn Độ viếng tu viện Bylakuppe của Thầy, ở bang Karnataka.
Khi gặp lại Thầy ở tu viện, bà xin Thầy được thọ giới Bồ Tát... Bà xin Thầy chọn cho bà một pháp danh... Rồi đến một ngày khi mặt trăng ở vào một điểm đặc biệt, Penor Rinpoche gọi Jetsunma đến và tuyên bố: “Hôm nay ta sẽ đặt tên cho con”. Ông viết tên vào một mảnh giấy, cuộn lại, ấn con dấu riêng của mình lên, lấy một dải lụa trắng, biểu tượng cho sự tôn kính, bọc lại rồi trao cho Jetsunma. Ông nói: “Tên con là Ahkon Norbu Lhamo”.
Qua người thông ngôn, vị Lạt ma trưởng lão tuyên bố: “Bây giờ tôi long trọng tuyên bố con là em gái của Kunzang Sherab. Tên của vị ấy là Ahkon Lhamo. Con và Kunzang Sherab đã thành lập dòng tu Palyul. Ta chính thức công nhận con là hóa thân của bà ấy”.
Với mấy lời giản dị này, Penor Rinpoche đã làm sáng tỏ cuộc đời khác thường của Jetsunma, và giải thích được những khả năng đặc biệt của bà. Điều này cuối cùng giúp cho chúng ta hiểu được tại sao một phụ nữ không được học hỏi gì về Phật giáo nói chung, không biết gì về Phật giáo Tây Tạng nói riêng, không sư phụ, không chịu ảnh hưởng của ai, lại tự mình quyết định hành thiền một cách miên mật trong nhiều năm và đã mở mang được tâm trí cao thâm. Bà còn có tâm nguyện giúp đỡ người khác và có khả năng giúp những người muốn tìm hiểu về đời sống tâm linh được dịp học hỏi về tâm linh.
Sau đó, Penor Rinpoche làm lễ chính thức trao truyền áo mão cho Jetsunma Ahkon Lhamo. Và tin tức một phụ nữ 39 tuổi được công nhận là hóa thân của một vị Thiên Nữ Tây Tạng nổi tiếng lan đi rất nhanh. Giới truyền thông truyền hình đổ xô về trung tâm KPC. Tờ International Herald Tribune đăng ở trang đầu “Xin giới thiệu Ahkon Norbu Lhamo, một vị thánh Tây Tạng”. Tờ Washington Post nêu tin “Một sự tái sinh vô tiền khoáng hậu”. Hình ảnh bà cũng thấy xuất hiện trong tuần san nổi tiếng People. Những tạp chí lớn ở Nhật và ở Đức cũng đăng tải đầy đủ câu chuyện hy hữu này.
Tôi thấy thật là hạnh phúc được trao đổi với Jetsunma về sự vận hành của luân hồi và nhân quả dưới con mắt một người phương Tây. Bà nói cùng thứ tiếng với tôi, là một người hiểu rõ mối nghi của những đầu óc phương Tây đối với những chuyện huyền bí này, và cũng là người đã thấu triệt lý luân hồi nhân quả ở cấp cao.
Jetsunma nói: “Nhân quả hay Nghiệp (karma) là một định luật rất đơn giản. Lối sống của ta, cách hành xử của ta là do tâm ta điều khiển. Bất cứ chuyện gì xảy đến cho ta cũng có một nguyên nhân của nó, mà nguyên nhân này nằm trong dòng tâm thức của ta”.
Nhân quả hay Nghiệp nghe có vẻ rắc rối nhưng chính luật nhân quả vốn rất đơn giản. Gieo gì, gặt ấy. Điều mà mình cần đối đầu - nhưng mình không ý thức được - là tập khí nhiều đời, là tích lũy nghiệp của mình. Mà tập khí là do nhân quả tạo ra. Chúng ta giải đãi, lười biếng nhiều ngày nhiều tháng thì thành nghiệp (thói quen)... Tập khí lâu đời thành nghiệp. Chúng ta phải tranh đấu để hoán chuyển những nghiệp xấu. Chúng ta phải tin sâu Phật pháp, phải nhờ một vị Thầy hướng dẫn cho chúng ta khống chế được những thói hư tật xấu. Chúng ta phải sáng suốt cầu xin: “Con hoàn toàn bị nghiệp chi phối. Xin Phật chỉ cho con một con đường tu tập để vứt bỏ những nghiệp chướng sâu dày, để con không còn bị nghiệp dẫn dắt”.
Ta sẽ bị trôi lăn trong vòng sinh tử luân hồi cho đến khi ta làm chủ được cái nghiệp của mình. Chúng ta hoàn toàn bị nghiệp lực chi phối, đời sau ta tùy thuộc vào những hành động tạo nghiệp của ta ở đời trước. Quan niệm cho rằng chết rồi được Tái sinh là một lối thoát tuyệt diệu thật là một niềm tin sai lầm.
Đối với Phật tử, quan niệm chết rồi được lên Thiên đàng là một quan niệm quá đơn giản... Quan điểm của đạo Phật tin rằng nếu mình chưa chứng đắc thì sự Tái sinh của mình sẽ bị nghiệp đưa đẩy. Khi đã đạt đến quả vị chứng ngộ rồi ta mới có thể lựa chọn Tái sinh.
Lúc nào ta cũng chạy theo những thứ mà ta lầm tưởng là hạnh phúc. Nhưng nếu ta dừng lại, ngưng nghĩ được trong một giây phút, quên cái “tôi” to lớn của mình, không chạy theo dục lạc, để tâm được rỗng rang buông bỏ tham luyến thì ta sẽ cảm thấy không còn cần gì nữa. Nếu ta cảm nhận được giây phút bình an này, ta sẽ hiểu. Trí huệ sẽ hiển bày.
Đây là Jetsunma, một giảng sư, một người truyền đạt chân lý tâm linh; đây là một người thành đạt vô sư, một hóa thân khiêm hạ đang tìm cho mình một đời sống bình thường.
Tôi hỏi Jetsunma câu cuối cùng: “Bà ước muốn đạt được những thành tựu gì trong đời này?” Bà nói với giọng cười đặc biệt của mình: “Thật là không tưởng tượng được tất cả những việc tôi muốn làm.Tôi muốn trung tâm được đón nhận cả những người không phải Phật tử. Tôi muốn tạo dựng một thánh địa cho mọi người đến chiêm bái, hành hương... một nơi mà họ có thể thấy và sờ mó được cái tâm của Đức Phật…
Tôi muốn xây một an dưỡng đường, một nơi mà những bệnh nhân tin sâu Phật Pháp có thể đến để được chết một cách an bình, để được cầu nguyện, hành lễ theo nghi thức tôn giáo…
Tôi muốn thành lập một trường học cho trẻ em không phân biệt tôn giáo, để dạy chúng những đức tính như không cạnh tranh, sự tử tế, sự hợp tác, sự tự tại, biết tôn trọng trái đất, biết luật nhân quả, biết thương yêu. Chúng tôi đã bắt đầu khởi công thực hiện dự án này.
Tôi muốn thành lập một tu viện cho cả Tăng lần Ni…
Tôi muốn thành lập một đại học Phật giáo ở đây cho những ai muốn học hỏi về giáo lý của Phật ở cấp cao…
Như bà nói, lý do bà tái sinh là để phổ biến giáo lý của Đức Phật dưới nhiều dạng thức, là để phục vụ tha nhân, để giúp cho nhân loại vơi bớt nỗi khổ, niềm đau. Và như ta đã thấy, Jetsunma Ahkon Lhamo đang sống rất tốt với vai trò và sứ mệnh của mình.
- Trích: “Tái Sinh Ở Tây Phương”
Tác giả: Vicki Mackenzie
Dịch giả: Nguyên Ngọc Hoàng Thị Quỳnh Hoa
NXB: Lao Động, 2011.