Bài Viết (701)


KINH VIÊN GIÁC - CHƯƠNG BỒ TÁT PHỔ NHÃN

969

BỒ TÁT PHỔ NHÃN THƯA HỎI VỀ CHÁNH KIẾN.

Bấy giờ, Bồ tát Phổ Nhãn ở trong đại chúng, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, nhiễu quanh bên phải ba vòng, quỳ thẳng chấp tay mà bạch Phật rằng:

Thế Tôn đại bi, xin diễn nói cho các Bồ tát trong hội này cùng tất cả chúng sanh đời rốt sau thứ lớp tu hành của Bồ tát. Phải tư duy thế nào? Phải an trụ giữ gìn (trụ trì) thế nào? Với chúng sanh chưa ngộ phải hành phương tiện nào để đều được khai ngộ?

Bạch Thế Tôn! Khi nghe Phật nói Tam muội này, chúng con nếu không có phương tiện chân chánh và suy nghĩ chân chánh thì tâm sanh mê muội, bèn chẳng thể ngộ nhập tánh Viên Giác. Xin Phật từ bi vì chúng con và chúng sanh đời rốt sau mà tạm nói phương tiện tu hành.

Nói xong, năm vóc làm lễ sát đất. Cầu thỉnh như vậy lập lại ba lần.

💞 ĐỨC PHẬT NÓI PHƯƠNG TIỆN TU HÀNH.

Bấy giờ Thế Tôn bảo cùng Bồ tát Phổ Nhãn:
Lành thay! Lành thay! Thiện nam tử! Các ông có thể vì các Bồ tát và chúng sanh đời rốt sau thưa hỏi Như Lai thứ lớp tu hành, suy nghĩ, trụ trì, cho đến tạm nói các thứ phương tiện. Nay các ông lắng nghe, ta sẽ nói rõ.
Khi ấy Bồ tát Phổ Nhãn hoan hỷ vâng lời dạy, cùng cả đại chúng yên lặng lắng nghe.

Thiện nam tử! Các Bồ tát mới học và chúng sanh đời rốt sau muốn cầu Tâm Viên Giác thanh tịnh Như Lai, cần phải chánh niệm, xa lìa các huyễn. Trước theo hạnh Xa ma tha (pháp chỉ) Như Lai, kiên trì giới cấm, sắp xếp an ổn trong chúng, ngồi thiền nơi tĩnh thất.

💞 QUÁN THÂN NHƯ HUYỄN.

Thường liên tục nhớ nghĩ như vầy: Thân hiện giờ của ta do bốn đại hoà hợp mà có. Tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, não… chất dơ bẩn đều thuộc về đất. Nước bọt, máu mủ, nước mắt, mồ hôi, đờm dãi, tinh khí, nước tiểu… đều thuộc về nước. Nhiệt độ trong thân thuộc về lửa. Chuyển động thuộc về gió.

Bốn đại lìa nhau thì cái thân hư vọng này có được chỗ nào? Bèn biết thân này rốt ráo không có thực thể, hoà hợp mà có tướng, thật đồng như huyễn hoá”

💞 QUÁN TÂM NHƯ HUYỄN.

Bốn đại duyên sanh bèn vọng có sáu căn. Sáu căn bốn đại trong ngoài hợp thành mà vọng có duyên khí, tích tụ ở trong, dường như có tướng duyên theo, giả gọi là tâm.

Thiện nam tử! Cái tâm hư vọng đó nếu không có sáu trần bèn chẳng thể có. Bốn đại phân rả thì không trần nào có thể có. Các thứ duyên theo trần ở bên trong, mỗi thứ đều tiêu tan, rốt ráo không có tâm duyên nào có thể thấy.

💞 HUYỄN DIỆT, TÁNH GIÁC HIỆN.

Thiện nam tử! Nơi chúng sanh kia do huyễn thân diệt nên huyễn tâm cũng diệt. Do huyễn tâm diệt nên huyễn trần cũng diệt. Do huyễn trần diệt nên sự việc “huyễn diệt”cũng diệt. Sự việc “huyễn diệt” diệt nhưng cái chẳng phải huyễn (tánh Viên Giác) chẳng diệt. Thí như lau gương, bợn nhơ hết thì ánh sáng hiện.

Thiện nam tử! Phải biết thân tâm đều là bợn nhơ hư huyễn, tướng nhơ vĩnh viễn diệt thì mười phương đều thanh tịnh.

💞 TÁNH GIÁC VỪA TỊCH VỪA CHIẾU: TỊCH TỊNH VÀ NHƯ HUYỄN.

Thiện nam tử! Ví như ngọc báu ma ni thanh tịnh ánh chiếu ra năm màu tùy mỗi phương mà hiện, thế nhưng những người ngu si không biết, thấy ngọc ma ni thật có năm màu.

Thiện nam tử! Cũng như vậy tánh Viên Giác thanh tịnh ứng hiện ra nơi thân tâm tùy theo mỗi loại, thế mà người si mê lại cho rằng Viên Giác thanh tịnh thật có tướng thân tâm, do đó chẳng thể xa lìa huyễn hóa.

Thế nên ta nói thân tâm là bợn nhơ hư huyễn. Đối trị, xa lìa bợn nhơ hư huyễn gọi là Bồ tát. Nhơ hết đối tiêu, thì không có cái gì gọi là đối trừ bợn nhơ hư huyễn.

Thiện nam tử! Bồ tát và chúng sanh đời rốt sau chứng được các huyễn nên các ảnh tượng huyễn hoá diệt mất. Bấy giờ liền được thanh tịnh không có phương khắp cả hư không vô biên.

💞 TÁNH VIÊN GIÁC HIỆN THÌ CĂN, TRẦN, THỨC, TẤT CẢ CÁC TƯỚNG THẾ GIAN VÀ XUẤT THẾ ĐỀU THANH TỊNH.

Tánh Giác tròn đầy sáng suốt đã hiện ra nên hiển bày tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh thì cái thấy trần thanh tịnh. Cái thấy thanh tịnh thì căn mắt thanh tịnh. Căn mắt thanh tịnh thì thức mắt thanh tịnh. Thức thanh tịnh thì cái nghe trần thanh tịnh. Cái nghe thanh tịnh thì căn tai thanh tịnh. Căn tai thanh tịnh thì thức tai thanh tịnh. Thức thanh tịnh thì cái biết trần thanh tịnh. Như thế cho đến mũi, lưỡi, thân, ý cũng đều thanh tịnh.

Thiện nam tử! Căn thanh tịnh thì sắc trần thanh tịnh. Sắc thanh tịnh thì thanh trần thanh tịnh. Hương, vị, xúc, pháp cũng lại như vậy.

Thiện nam tử! Sáu trần thanh tịnh thì địa đại thanh tịnh. Địa đại thanh tịnh thì thủy đại thanh tịnh. Hỏa đại, phong đại cũng lại như vậy.

Thiện nam tử! Bốn đại thanh tịnh thì mười hai xứ, mười tám giới, hai mươi lăm cõi đều thanh tịnh. Bởi vì tất cả thế giới đều thanh tịnh nên mười lực, bốn vô sở úy, bốn vô ngại trí, mười tám pháp bất cọng của Phật, ba mươi bảy phẩm trợ đạo đều thanh tịnh. Như thế cho đến tám vạn bốn ngàn môn đà la ni, tất cả thanh tịnh.

💞 TẤT CẢ TƯỚNG ĐỀU LÀ VIÊN GIÁC.

Thiện nam tử! Tất cả đều là thật tướng, tánh vốn thanh tịnh, thế nên một thân thanh tịnh. Một thân thanh tịnh thì nhiều thân thanh tịnh. Nhiều thân thanh tịnh như thế cho đến mười phương chúng sanh đều là Viên Giác thanh tịnh.

Thiện nam tử! Một thế giới thanh tịnh thì nhiều thế giới thanh tịnh. Nhiều thế giới thanh tịnh như thế cho đến suốt cả hư không, trùm khắp ba đời, tất cả bình đẳng thanh tịnh chẳng động.

💞 TÁNH TƯỚNG ĐỀU CHẲNG ĐỘNG.

Thiện nam tử! Hư không bình đẳng chẳng động như thế, ngay đây biết tánh Giác bình đẳng chẳng động. Như thế cho đến tám vạn bốn ngàn môn đà la ni bình đẳng chẳng động, ngay đây biết tánh Giác bình đẳng chẳng động.

💞 TÁNH VIÊN MÃN KHẮP CẢ PHÁP GIỚI, TƯỚNG CŨNG VIÊN MÃN KHẮP CẢ PHÁP GIỚI.

Thiện nam tử! Tánh Giác đầy khắp thanh tịnh chẳng động, tròn đầy nên không có ngằn mé, ngay đây biết sáu căn thanh tịnh đầy khắp pháp giới. Căn đầy khắp ngay đây biết sáu trần thanh tịnh đầy khắp pháp giới. Trần đầy khắp ngay đây biết bốn đại thanh tịnh đầy khắp pháp giới….như thế cho đến tất cả môn đà la ni thanh tịnh đầy khắp pháp giới.

Thiện nam tử! Do tánh Diệu Giác này đầy khắp nên tánh căn tánh trần không hoại, không tạp….như thế cho đến các môn đà la ni không hoại không tạp. Như trăm ngọn đèn chiếu sáng trong một căn nhà, ánh sáng mỗi ngọn đèn đầy khắp, không phá hoại tạp loạn lẫn nhau.

💞 TẤT CẢ VỐN LÀ TÁNH GIÁC.

Thiện nam tử! Vì thành tựu tánh Giác nên phải biết Bồ tát chẳng dính dáng pháp ràng buộc, chẳng mong cầu pháp giải thoát, không chán bỏ sanh tử, không ưa mến Niết bàn, chẳng kính người giữ giới, chẳng khinh người phá giới, chẳng trọng người tu lâu, chẳng khinh người mới học.

Vì sao thế? Vì tất cả vốn là Giác vậy.

Ví như ánh sáng con mắt thấy suốt cảnh hiện tiền, ánh sáng ấy đầy khắp không có chỗ yêu ghét. Vì sao thế? Thể của ánh sáng vốn không hai, nên không có ưa ghét vậy.

💞 CÁI THẤY RỐT RÁO TRONG TÁNH GIÁC.

Thiện nam tử! Các Bồ tát và chúng sanh đời rốt sau tu tập tâm đây được thành tựu thì thật ra trong ấy không có tu cũng không có thành tựu, vì tánh Viên Giác vốn chiếu khắp, tịch diệt không hai. Trong tánh Viên Giác đó trăm ngàn vạn ức vô số thế giới chư Phật như cát sông Hằng giống như hoa đốm giữa hư không lăng xăng khởi diệt, chẳng phải ‘tức’ chẳng phải ‘lìa’, không ràng buộc không giải thoát.

Mới biết chúng sanh xưa nay thành Phật, sanh tử Niết bàn giống như giấc mộng đêm qua.

💞 CÁI NHÌN KHẮP CẢ: PHỔ NHÃN

Thiện nam tử! Như giấc mộng đêm qua, phải biết sanh tử Niết bàn không khởi không diệt, không đến không đi. Chỗ chứng ấy không được không mất, không lấy không bỏ. Người chứng ấy không làm ra, không ngừng dứt, không để mặc, không trừ diệt. Trong cái chứng ấy không người chứng không chỗ chứng, rốt ráo không có sự chứng, cũng không có ai chứng: trọn cả pháp tánh bình đẳng chẳng hoại.

Thiện nam tử! Các Bồ tát như vậy tu hành, như vậy thứ lớp, như vậy tư duy, như vậy trụ trì, như vậy phương tiện, như vậy khai ngộ, như vậy cầu pháp, cũng chẳng mê muội.

💞 BÀI KỆ TRÙNG TUYÊN

Bấy giờ Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa này nên nói kệ rằng:
Phổ Nhãn ông nên biết
Tất cả các chúng sanh
Thân tâm đều như huyễn
Thân tướng thuộc bốn đại
Tâm tính về sáu trần
Bốn đại mỗi thứ lìa
Cái chi là hòa hợp?
Như thế tiệm tu hành
Tất cả đều thanh tịnh
Chẳng động, khắp pháp giới
Không: làm, dừng, mặc, diệt
Cũng không có người chứng.
Tất cả thế giới Phật
Giống như hoa hư không
Ba đời đều bình đẳng
Rốt ráo không đến đi.
Bồ tát mới phát tâm
Và chúng sanh đời sau
Muốn cầu Phật nhập đạo
Phải như vậy tu tập.

969

TRUNG THỰC VÀ NHÂN HẬU - HUNGKAR RINPOCHE

“Nếu chúng ta không trung thựcThì những điều chúng ta làmSẽ gây ra tai họa, thiệt thòi rất lớn –Cho đất nước, cho xã hội, cho gia đìnhVà cho chính bản thân.”Muốn

940
TRẢI TÂM TỪ BI KHI NIỆM PHẬT

Pháp sư Tịnh Không* * *Hỏi: Bạch Hòa thượng, phương pháp nào bên cạnh pháp niệm Phật nào giúp hành giả mau đạt đến trạng thái nhất tâm?Đáp: Trong việc tu học

1,173
PHẬT TÂM – LONGCHEN RABJAM

NHỮNG TRÍCH DẪN TỪ KINH ĐIỂN HIỂN BÀY PHẬT TÁNHKinh Arya-atyayjnana nói:Nước ở trong đấtVẫn trong sạch nguyên vẹn.Trong những nhiễm ô phiền não, trí huệ bổn nguyênVẫn không nhiễm ô cũng

1,122
Khoa học hiện đại và con đường Phật giáo

Khoa học hiện đại và con đường Phật giáo   Nguyễn Thế Đăng Khoa học phương Tây như chúng ta biết hiện nay phát xuất từ văn minh Hy Lạp. Vào khoảng 500

16,283
TÍNH CÁCH TỨC THỜI, TẠI ĐÂY VÀ BÂY GIỜ CỦA TỊNH ĐỘ TÔNG

1/ Tịnh Độ tông là Đại thừa.Ngoài ba kinh chuyên dạy về Tịnh độ của Phật A Di Đà (Kinh Phật Thuyết Vô Lượng Thọ, Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật và

20,130
Top Bài Viết
Quan Hệ Thầy Trò
Niệm Tự Bạch

QUAN HỆ THẦY TRÒ Theo Tinh thần Kinh Kế thừa Chánh pháp Thầy, vầng mây bậc, thong dong, núi cao biển rộng Con, cánh nhạn chiều, chân trời sải cánh, dõi theo Thầy,

33,393
Giữ giới là lựa chọn tự do
Phật học Ứng Dụng

Giữ giới là lựa chọn tự do  Giới luật của Phật giáo có nghĩa là: “Anh đừng tự làm thương tổn mình, anh đừng tự làm hại mình”. 1. Tự do của lệ thuộc

32,815
Đạo Phật là gì?
Niệm Tự Bạch

Đạo Phật là gì Lama Zopa and Lama Yeshe Khi bạn tìm hiểu về đạo Phật tức là bạn đang tìm hiểu về con người thật của mình, về bản chất của tâm trí

32,723
Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa
Tìm Hiểu & Học và Hành

Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa(VHPG) Mọi kinh nghiệm của chúng ta, kể cả giấc mộng, khởi lên từ vô minh. Đây là một tuyên bố làm hoảng hốt

32,511
Chùa Việt
Sách Đọc