MẤY NGUỒN SUỐI PHÁT SINH RA TRIẾT LÝ
KARL JASPERS (1883-1969)
Khởi điểm hay nguồn suối
Nếu nói về khởi điểm thì triết lý đã khởi phát thành lịch sử có hệ thống từ hai ngàn năm trăm năm nay và trước nữa, dưới hình thức tư tưởng huyền thoại.
Đó là khởi điểm, nhưng nguồn suối thì khác[1].
Khởi điểm theo thời gian vật lý chỉ cung cấp cho hậu lai những thành tích tinh thần đã thâu hoạch được. Trái lại, NGUỒN SUỐI (ta cần nói ở đây) là nguyên ủy phát sinh động lực liên miên thác đầy con người triết lý. Nhờ nó, triết lý ngày nay mới gọi được là thiết yếu và triết lý ngày xưa mới có lý do lịch sử của nó.
Mấy nhận xét cố hữu về NGUỒN SUỐI triết lý
Vây có thể nói có nhiều nguồn suối phát sinh triết lý như:
- có ngạc nhiên, thường con người mới tìm tòi để hiểu biết.
- có biết hoài nghi không dám chắc tâm đối với những điều mình biết, con người mới bó buộc kiểm thảo và tìm đạt cho tới những gì chính xác, minh bạch.
- sau cùng một đôi khi có bị lung lạc và tự cảm thấy mình như sa sảy, con người mới biết tự vấn.
Đó là những yếu tố thường được gọi làNGUỒN SUỐI CỐ HỮU của triết lý, Nhưng chúng ta cần mình giải thêm.
1) Platon chủ trương rằng: nguồn suối phát sinh triết lý là biết ngạc nhiên, ví dụ khi nhìn “cảnh tượng hùng vĩ của các vì tinh tú, của mặt trời và thiên khung” con người còn ước muốn thám hiểm cả hoàn vũ. Từ đó phát sinh ra triết lý “như một tặng vật quí báu nhất thần minh dành cho con người!”
Aristote cũng nói: “Chính sự ngạc nhiên thúc đẩy con người triết lý: thoạt tiên họ bỡ ngỡ trước những sự vật kỳ lạ họ bắt gặp; dần dà tiến xa hơn họ đặt những câu hỏi về biến tượng của mặt trăng, về sự vận chuyển của mặt trời và các tinh tú, sau cùng về sinh thành của vũ trụ”.
Ngạc nhiên là đường dẫn tới trí thức vì ngạc nhiên là biết mình dốt. Và nhờ đó, thái độ hiểu biết ở đây rất thuần túy (biết để biết) “chứ không phải để cầu lợi”. Vì triết lý còn là sự phản tỉnh để thoát ly mọi ràng buộc với cuộc sống tầm thường hằng ngày. Phản tỉnh ấy xuất hiện là khi nhìn sự vật, trời đất vũ trụ với thái độ vô tư, ta tự hỏi: “tất cả những cái đó có nghĩa gì không? tại sao chúng có? Hỏi thế nhưng ta không cầu lợi, chỉ hỏi vì cần hỏi, thế thôi!”
2) Nhờ bỡ ngỡ và ngạc nhiên mà biết được một ít sự thật rồi, nhưng biết chưa chắc chắn thì còn phải hoài nghi. Quả thế, ta biết rất nhiều nhưng nếu kiểm thảo lại ta sẽ thấy không có gì xác đáng cả ví dụ những tri giác đều bị giác quan chi phối nên chúng có thể lừa dối ta, vì thực sự chúng không phù hợp với những thực tại ngoại tại, những tri giác ta có về chúng.
Cả đến những hình thức tư tưởng của ta cũng chỉ là hình thức riêng của trí năng chúng ta. Chúng lại cấu kết với nhau thành những mâu thuẫn nan giải. Luôn luôn quyết lý này phản lập với quyết lý khác. Vì vậy nếu muốn triết lý, ta phải biết hoài nghi và phải hoài nghi đến cùng. Làm thế, một là chỉ có việc hoài nghi và tư tưởng không thể tiến nữa cũng không còn gì đứng vững trước thái độ hoài nghi toàn diện nữa; hai là phải tìm ra được một căn bản đích xác tuyệt đối, bất kháng. Như với Descartes: “tôi suy tư, vậy, tôi có” là một căn bản bất kháng, khi ông khám phá thấy rằng: mọi cái khác đáng phải hoài nghi cả. Ông luận lý: đối với những điều tôi biết nếu tôi có hoàn toàn sai lầm đi nữa, nhưng về sự kiện “tôi có” không tài nào bao giờ tôi lầm được, dầu có ai cố ý đánh lừa tôi,
Tóm lại, hoài nghi có phương pháp như vậy lại đẻ ra óc biết phê bình những điều ta biết, vậy nếu không hoài nghi triệt để, thì không bao giờ triết lý thực thụ được. Nhưng điều cần là phải biết hoài nghi giúp ta khám phá được căn bản bất kháng lúc nào và như thế nào?
3) Trong khi tìm hiểu vạn vật ngoại tại và hoài nghi tất cả để khám phá ra một căn bản bất kháng. Những lúc ấy tôi còn bận bịu với ngoại tại, chưa suy tưởng đến bản thân tôi, tới cứu cánh, tới hạnh phúc và sự giải thoát của tôi. Trong những lúc đó tôi lại như muốn quên bặt tôi đi, dễ hiểu biết những gì mới lạ.
Nhưng khi nào tôi bắt đầu ý thức về tôi, trong hoàn cảnh của tôi, thì mọi sự sẽ thay đổi.
Epictète, một triết gia khắc kỷ đã nói: “nguồn suối triết lý là nhờ khi ta thấy ta nhu nhược và bất lực”. Vậy làm thế nào thoát ly tình trạng bất lực đó? Nhà hiền triết ấy trả lời: “tôi phải bỏ qua những gì tôi bất lực vì lẽ tất nhiên không làm nổi. Ngoài ra những gì xem ra tôi có khả năng làm được, thì tôi phải vận dụng hết nghị lực tinh thần của tôi để làm cho kỳ được, nhất là những gì tôi quan niệm ra, tôi phải thực hiện cả nội dung, cả hình thức của chúng dưới ánh sáng minh bạch và tự do”.
Thân phận con người, những hoàn cảnh giới hạn bất dịch[2].
Hãy chú ý qua tới số phận chúng ta thì thấy ngay rằng nó bị giam hãm trong những hoàn cảnh cố định. Hết hoàn cảnh này lại đến cơ hội khác. Mỗi cơ hội đều là một cơ hội không bao giờ trở lại. Tự tôi tôi có thể dấn thân thay đổi một hoàn cảnh.
Nhưng có những hoàn cảnh thiết yếu không thể thay đổi, tuy bên ngoài có vẻ thay đổi chút ít hay ra như chúng không phô trương hết tiềm lực của chúng. Đó là những hoàn-cảnh giới-hạn bất-dịch như chết, đau-khổ, chiến đấu, lệ thuộc những cảnh ngộ bất ngờ, luẩn quẩn trong xiềng xích của tội lỗi. Những hoàn cảnh nền tảng của cuộc đời ấy, ta gọi là những giới hạn bất dịch, tức là những hoàn cảnh bất khả vượt và bất khả di dịch. Ý thức vì chúng là khám phá ra được nguồn suối sâu thẳm nhất, khích lệ con người triết lý. Ý thức ấy có giá trị ngang hàng với ngạc nhiên và hoài nghi nói trên. Nhưng thường ngày, ít khi chúng ta nghĩ tới những giới hạn ấy. Chúng ta nhắm mắt sống không đếm xỉa gì tới chúng, tưởng rằng chúng ta không phải chết, chúng ta không tội lỗi và chúng ta không vật vờ trôi theo số mệnh. Rồi chỉ lo những chuyện trước mắt và nhằm mưu sinh, chúng ta mới trù tính công việc làm ăn mà thôi.
Ngoài ra đối với những hoàn-cảnh giới-hạn bất-dịch ta lại phản ứng một cách khác: hoặc ta lơ là chúng đi, hoặc không lơ là được mà phải nhìn mặt chúng thì ta thường đâm ra thất vọng rồi tự hồi phục[3], nghĩa là (nhờ ý thức về giới hạn bất dịch) ta thay đổi quan niệm về Hữu và do đó ta mới sống là chính ta.
Trần gian không có gì đáng tin cậy cả
Có thể hiểu rõ thân phận con người hơn, nếu nhận thức được rằng: trần gian này không có gì đáng tin cậy cả. Khi ta không thắc mắc ra như trần gian này có lý do tự tại của nó rồi. Nên khi vui sướng, ta vui hết cỡ, không còn e dè chi nữa, chỉ biết có hiện tại. Cả khi đau khổ, nhu nhược, bất lực, ta lại chỉ biết thất vọng, nhưng khi giờ phút thất vọng qua đi, ta tự lãng quên, rồi lại buông theo nhàn lạc.
Qua những biến cố trên, con người càng ngày càng thêm kinh nghiệm: bị đe đọa, họ tìm thế đứng, họ chế ngự thiên nhiên, tổ chức cộng đồng để bảo đảm cuộc sống.
Chiến thắng thiên nhiên con người bắt thiên nhiên phục vụ mình với sự giúp đỡ của tri thức và kỹ thuật.
Tuy có chế ngự được thiên nhiên phần nào nhưng vẫn còn những bất ngờ có thể xẩy ra. Mà bất ngờ còn thì nguy hiểm vẫn còn! Và nếu vậy con người vẫn thất bại trên mọi bình diện: con người vẫn phải làm ăn lam lũ, già cỗi, bệnh tật và chết chóc. Những căn bệnh ấy không bao giờ diệt trừ hết được. Tuy chế ngự được thiên nhiên cũng đã đem lại phần nào bảo đảm nhưng thực ra muốn giảm thiểu được một phần nghìn muôn vàn bấp bênh. Hơn nữa, để thu hẹp và chấm dứt những mâu thuẫn giữa người với người, người ta đã tổ chức những cộng đồng để tương hỗ tương trợ cho nhau.
Tuy nhiên vẫn chưa hết bấp bênh: Vì công bình, tự do chỉ có thể có trong mỗi quốc gia là khi mỗi công dân biết cư xử với công dân khác, hợp với tinh thần tương thân tuyệt đối. Chỉ trong trường hợp ấy mọi người như một mới có thể cùng nhau đề phòng sự bất công có thể xẩy đến cho mỗi người. Nhưng trong thực tế chưa bao giờ có như thế cả! Tinh thần đoàn kết có sức thu hút rất nhiều người chung quanh một nhân vật duy nhất giữa bao nhiêu đồng loại khác trong những giờ phút nghiêm trọng, thất vọng nhất, đã chỉ có thể có được trong những đoàn người rất hạn hẹp hay nơi một vài cá nhân lẻ tẻ. Không một chính phủ, không một giáo hội. Không một tổ chức xã hội nào có thể là bảo đảm tuyệt đối cả mộng đẹp ấy chỉ có thể xẩy ra ở thời bình khi không có trở ngại gì cả.
Sau cùng trong trần gian lừa đảo này, có lẽ còn sót lại được một ít bảo đảm đáng tin cậy, đáng tín nhiệm như: quê hương đất tổ, cha mẹ tổ tiên, anh em chị em, bạn hữu và người bạn trăm năm. Hơn nữa còn cả một nền truyền thống dài dòng như tiếng mẹ đẻ, tín ngưỡng, những sáng tác của các tư tưởng gia, của thi nhân và nghệ sĩ. Nhưng tất cả nền truyền thống ấy đều không đem lại một bảo đảm nào đó. Nên chúng cũng không đáng tin cậy. Vì thực ra chúng vẫn còn là những công trình của loài người chứ chưa thấy Thượng đế đâu cả. Nên truyền thống nào cũng vẫn còn làm ta thắc mắc nghĩa là trong khi hướng về truyền thống, con người còn phải tìm được ở chính mình bảo đảm sự Hữu và nghị lực nơi chính mình.
Tóm lại, hình như một bàn tay vô hình mà có uy tín luôn luôn chỉ thị cho ta rằng: không được tin cậy và thỏa mãn với thực tại trần gian nào cả.
Nghĩa là bàn tay ấy chỉ cho ta một cái gì khác ở bên ngoài trần gian này.
Cảm nghiệm thất bại và bắt đầu ý thức
Những hoàn-cảnh giới-hạn bất-dịch như chết bất ngờ, tội lỗi và không thể tin cậy thế gian, tất cả đều nói lên thất bại của tôi.
Vậy trước sự thất bại tuyệt đối, hiển nhiên, bất kháng ấy, tôi phải làm gì?
- Chủ nghĩa khắc kỷ (Stoїcisme) khuyên nhủ con người hãy trở về sống theo tự do là tự do tư tưởng. Nhưng tự do tư tưởng cũng không đủ, triết lý khắc kỷ đã lầm. Họ đã không nhìn thấy bất lực tận căn của con người. Họ không nhận thấy rằng tư tưởng còn lệ thuộc, vì tự nó tư tưởng không có nội dung, phải căn cứ vào một cái gì khác nó.
Chủ nghĩa khắc kỷ cũng đã không thấy rằng: con người tư tưởng lắm khi còn có thể ra điên!
Nếu vậy chủ nghĩa khắc kỷ đẩy ta vào thế cô đơn: tự do tư tưởng mà vô căn-cứ. Ở đây, mọi hi vọng đều tiêu tan hết, vì con người không còn thể tự ý cố gắng chiến thắng được chính mình, không còn thể tự mình hoàn toàn hi sinh vì mình bằng một tinh yêu tha thiết và sau cùng không thể chờ đợi và hi vọng gì khác nữa.
Nhưng ước vọng của chủ nghĩa khắc kỷ phải là triết lý một cách chính đáng, nghĩa là con người phải tự mình cảm nghiệm được những hoàn-cảnh giới-hạn bất-dịch, nhờ đấy họ mới được thúc bách để đi tìm sự Hữu trong nhữngthất bại của họ. Vì kinh nghiệm rằng mình thất bại là một điểm quyết liệt cho mọi con người: tuy trong thực tế lắm khi con người, không nhìn thấy thất bại và thất bại có thể tiêu diệt họ, nhưng con người vẫn có đủ khả năng nhìn thẳng mặt thất bại, thấy nó luôn luôn hiện diện là một giới hạn thường xuyên mà đời mình thường vấp phải. Rồi một là bằng nhiều giải pháp, bằng những trấn an tưởng tượng, họ phản kháng lại thất bại; hai là ngược lại, họ thẳng thắn đón nhận thất bại và giữ im lặng đối với những thất bại như đối với một cái gì huyền bí không giải nghĩa nổi.
Tóm lại, tương lai của con người tùy thuộc thái độ họ đối với thất bại.
Thực vậy, khi chạm trán với những hoàn-cảnh giới-hạn bất-dịch, một là con người bắt gặp hư vô, hai là bên trên cuộc đời phù vân mấy đi nữa, con người vẫn còn linh cảm một sự Hữu trường tồn thực sự. Nên sự thất vọng (trước những thất bại) có thì xuất hiện ở đời này là chính biểu hiệu rằng ở bên ngoài cuộc đời còn cái gì khác.
Nói khác đi, ước vọng con người là muốn được giải thoát.
Các tôn giáo thế giới hứa hẹn cống hiến một lý thuyết bảo đảm đích xác và do đó một giải thoát thực sự. Đường lối ấy bó buộc mỗi cá nhân phải tự hoán cải. Điều ấy triết lý không làm được. Nhưng đúng ra triết lý cũng nhằm siêu vượt trần gian. Nếu vậy có khác gì biện pháp giải thoát (do tôn giáo đề nghị)?
Ba nguồn suối nguyên thủy và thông cảm
Theo những điều nói từ đầu tới đây, ngạc nhiên, hoài nghi, thất bại là những nguồn suối phát sinh ra triết lý. Trong mỗi trường hợp, bắt đầu con người cảm thấy bị lung lạc, rồi họ mới cảm thấy cần đi tìm một hướng.
Như nhờ sức thúc đẩy của ngạc nhiên, Platon, Angtote mới đi tìm yếu tính của sự Hữu.
Qua muôn vàn bất xác và khả nghi, Descartes mới tìm ra được một chính xác bất khả nghi.
Qua muôn ngàn đau khổ của cuộc đời; các triết gia khắc kỷ mới đi tìm sự bình an cho tâm hồn.
Tuy trong lịch sử nhân loại mỗi lần thể hiện dưới những biểu thị và ngôn ngữ khác nhau nhưng mỗi kinh nghiệm trên đều đích thực cả. Phải nhận thức được sự cần thiết của chúng trong lịch sử nhân loại ta mới đi sâu được tận nguồn của chúng và mới thay chúng còn hiện diện trong ta.
Tóm lại, tất cả ba cố gắng triết lý nói trên, đều cùng chung một mục đích là tìm cho mình một căn bản vững chãi, tức là sự Hữu sâu thẳm và vĩnh cửu.
Nhưng xét cho kỳ cùng thì có lẽ cả ba nguồn suối ấy không một cái nào là hoàn toàn nguyên thủy và bất khả thay thế hẳn được. Ví dụ như khi ngạc nhiên trước sự Hữu thì tinh thần ta có được nâng cao thật. Nhưng đáng tiếc là vì đó con người lại thường muốn thoát tục hay miệt mài với vài thứ Siêu hình mờ ảo!
Rồi đến sự chân xác bất kháng, nó cũng chỉ có giá trị cho việc ta tìm hiểu Vũ-trụ bằng những phương pháp khoa học thực nghiệm thôi.
Sau cùng đến thái độ bất khuất của khắc kỷ cũng chỉ có một giá trị tương đối. Vì những giờ phút gặp tai họa hay điêu đứng hoàn toàn, lòng quả cảm ấy cũng tỏ ra không đủ khả năng và sinh lực giải thoát được ta.
Tóm lại, ngạc nhiên để đạt tới hiểu biết, hoài nghi để đạt tới đích xác và tình trạng cảm nghiệm thấy mình sa đọa đã được giải thoát cả ba nguồn suối ấy vẫn chưa nêu được hết lý do thúc đẩy ta triết lý ở thời đại này. Vì thời đại chúng ta là thời đại dòng lịch sử đang liên tục đã bị cắt đứt. Hơn nữa, thời này là thời đổ nát như chưa từng thấy, thời đại đầy bấp bênh, u uẩn không thể dự đoán. Tay cả ba động cơ phát sinh triết lý vừa nói trên đều có giá trị cả, nhưng vẫn không đủ. Chúng còn lệ thuộc vào một điều kiện khác là sự Thông cảm giữa người với người.
Thực vậy, trong lịch sử tự ngàn xưa giữa người với người vẫn đã có những giây liên hệ mật thiết như những đoàn thể người trong đó mỗi người có thể tín nhiệm lẫn nhau, hay những thể chế, hay tinh thần cộng đồng. Một con người sống lẻ loi mấy cũng vẫn cảm thấy được đoàn thể nâng đỡ.
Nhưng ngày nay, sự liên đới ấy đã suy sụp hẳn; lý do là vì càng ngày người ta càng không hiểu nhau nữa. Họ gặp nhau, rồi lạnh lùng chia tay nhau. Như thế làm gì còn thành tín, còn cộng đồng nào vững chãi, và đáng tín nhiệm nữa?
Nhưng mặc dầu thế, ngày nay cũng như ngàn xưa, sự liên hệ giữa người với người vẫn là một sự cần thiết quyết liệt: tôi muốn thành thực tìm hiểu người khác nhưng không thể, vì tín ngưỡng của tôi lại đụng chạm với mặt tín ngưỡng khác, đang khi tôi tin chắc rằng chỉ có chân lý của tôi là tuyệt đối đúng. Đến nỗi lắm khi cùng đường, ra như chúng ta bó buộc phải tranh đấu mà không bao giờ hi vọng hòa giải. Lúc ấy, một là phải đầu hàng, hai là bị tiêu diệt. Nhưng những người ủy mị, thụ động, không có lập trường thường để hòa giải nhau mà hòa giải trong mù quáng hay trong cố chấp thách đố nhau.
Những điều đó không phải không đáng kể hay không quan hệ. Có thể chúng không quan hệ, nếu sống cô lập tôi cũng có được chân lý vững chãi và đầy đủ. Mỗi khi đau khổ vì không thông cảm được với người khác, hay mỗi khi sướng thỏa vì thành thật thông cầm được, cả hai trường hợp ấy đều không có nghĩa gì trên bình diện triết lý, nếu tôi chỉ bo bo vào tư lợi của tôi và sống cô lập, khư khư tin ở chân lý của tôi.
Tại sao thế? Vì tôi chỉ sống khi sống với người khác. Một mình, tôi không là gì cả.
Nên thông cảm không phải thông cảm bằng lý trí với lý trí, hay bằng tinh thần với tinh thần, mà còn bằng hiện sinh với hiện sinh. Với sự thông cảm này những ý nghĩa và giá trị do những sự vật vô linh đem lại chỉ được coi là những trung gian, ở đây, cả thái độ biện hộ cho nhau, cả thái độ tấn công nhau, đều không phải để chinh phục, chiến thắng nhau mà là để gần gũi nhau.
Tóm lại, ở đây tranh đấu là tranh đấu trong tình huynh đệ. Nhưng vừa tranh đấu vừa thỏa thuận trao đổi khí giới cho nhau. Chỉ trong thông cảm như thế mới chắc chắn sống thật sự, vì ở đây con người tự do sống bên cạnh con người tự do, đối lập mà không hằm hừ nhau, vì đã hòa hợp với nhau rồi. Như vậy những mối dây liên hệ với người khác chỉ còn là những con đường để gần gũi nhau trong từng giây phút quyết liệt và cả hai đều đòi hỏi bên kia phải nêu những thắc mắc cốt tử. Chính trong thông cảm, mọi chân lý khác mới được thể hiện và ở đây tôi mới thực là tôi, vì tôi không còn sống hời hợt mà là sống trọn ý nghĩa cuộc đời.
Thiên chúa chỉ thể hiện ra một cách gián tiếp và cũng qua tình yêu giữa người với người. Sự đích xác cố nhiên có tính cách đặc thù và tương đối nên phải được ghép vào toàn cuộc. Chủ nghĩa khắc kỷ chuộng thái độ trống rỗng và khe khắt.
Tóm lại, thái độ nền tảng trên đây tôi đã trình bày theo ngôn ngữ lý thuyết, nhưng nó đã bắt rễ khi con người cảm thấy khổ tâm vì không thông cảm được với người khác, và khi họ cảm thấy cần phải thông cảm; sau cùng khi họ nghiệm thấy rằng có thể có được một tranh đấu huynh đệ giữa người với người để liên kết họ lại với nhau ở tận tâm can.
Từ nay phấn khích triết lý này cũng do ba nguồn suối nói trên mà phát xuất. Cả ba nguồn suối ấy chỉ có nghĩa là do thái độ của chúng đối với việc thông cảm: hoặc là chúng khích lệ hoặc là chúng ngáng trở thông cảm.
Tóm lại, triết lý bắt nguồn tự khả năng ngạc nhiên, biết hoài nghi, biết cảm nghiệm những hoàn-cảnh giới-hạn bất-dịch, nhưng sau cùng bao hàm được tất cả, phải kể tới ước vọng thông cảm thật sự. Điều đó đã thấy rõ ngay ban đầu, vì triết lý đã thiết yếu muốn được phổ biến, diễn tả ra, để ai ai cũng nghe và hiểu được. Vì bản chất triết lý là phải được truyền bá ra cho người khác. Đặc điểm ấy phải gắn liền với sự thật của nó. Nhờ thông cảm mục đích của triết lý muốn đạt được vì ở đây mọi chủ đích khác cũng mới thực hiện được như: tìm hiểu hữu, soi sáng tình yêu, gặp được sự an tĩnh hoàn bị.
[1] Khởi điểm (Anfang): điểm bắt đầu như điểm trong hình học và vật lý học theo không gian. Nếu hiểu triết lý bắt đấu theo lối đó thì không đi tới Nguồn suối (Urspring) của nó được, vì ở đây không những sự bắt đầu phải hiểu theo chiều mặt mà còn phải hiểu theo chiều sâu nhiều hơn.
[2] Hoàn-cảnh-giới-hạn-bất-dịch (Grenzsituation: có một hoàn-cảnh- giới-hạn nền tảng vì hễ là người thì ai ai cũng luôn luôn sống tùy cảnh. Nhưng trong lòng tùy cảnh ấy có bốn hoàn-cảnh-giới-hạn đặc thù khác là đau khổ và chết, rồi chiến đấu và tội lỗi.
[3] Hồi phục (Wiederherstellung) bản dịch Pháp dịch là Conversion. Theo đó có thể hiểu ngay về một sự “trở về” theo nghĩa tôn giáo, ít ra một cách nào đó. Nhưng đây phải hiểu là trở về với chính mình đừng sống tản lạc (divertissement) như Don Juan.
Thứ Hai, 10/10/2011, 06:11 (GMT+7) 12 triệu người Việt mắc các chứng tâm thầnTT - Tại VN, số người mắc các triệu chứng bệnh về tâm thần là 15% (khoảng 12 triệu người), đối
Ngắm nhìn trái đất ban đêm là một trong những công việc yêu thích của các du hành gia trên trạm vũ trụ ISS. Những nhà khoa học có thể sử dụng
Nguồn Gốc Và Ý Nghĩa Chiếc Áo Cà Sa Chữ cà-sa có nguồn gốc từ tiếng Phạn kasaya. Nhưng thật sự chữ kasaya trong tiếng Phạn không có nghĩa gì là áo
🌍 Hãy thắp sáng thế giới với nụ cười của bạn, vì bạn không bao giờ biết ai đang bị kẹt nghẻn, nơi nào đang tối tăm._Krexy🌍 Bạn được sinh ra để
✅Những gì chúng ta làm thường xuyên. Nó là thói quen tuyện vời chứ không phải một hành động. _ Aristotle✅Đức hạnh tuyệt vời là kết quả của thói quen. Chúng ta
QUAN HỆ THẦY TRÒ Theo Tinh thần Kinh Kế thừa Chánh pháp Thầy, vầng mây bậc, thong dong, núi cao biển rộng Con, cánh nhạn chiều, chân trời sải cánh, dõi theo Thầy,
Giữ giới là lựa chọn tự do Giới luật của Phật giáo có nghĩa là: “Anh đừng tự làm thương tổn mình, anh đừng tự làm hại mình”. 1. Tự do của lệ thuộc
Đạo Phật là gì Lama Zopa and Lama Yeshe Khi bạn tìm hiểu về đạo Phật tức là bạn đang tìm hiểu về con người thật của mình, về bản chất của tâm trí
Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa(VHPG) Mọi kinh nghiệm của chúng ta, kể cả giấc mộng, khởi lên từ vô minh. Đây là một tuyên bố làm hoảng hốt