Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (5)


Xem mục lục

Vào tháng 6 năm 1961, Krishnamurti bắt đầu soạn một bản tường thuật hằng ngày về nhận thức và tâm thái của ông. Trừ khoảng hai tuần bỏ không, ông đã để ra bảy tháng trời. Ông viết rõ ràng, bằng bút chì, hầu như không bôi xóa. Bảy mươi bảy trang đầu của bản thảo, ông đã viết trong một quyển sổ tay nhỏ; và từ đó cho đến cuối sách (trang 323 của bản thảo), ông viết trên tập giấy rời, lớn hơn. Bài tường thuật bắt đầu đột ngột và cũng chấm dứt đột ngột. Chính Krishnamurti cũng không thể nói cái gì đã thúc đẩy ông viết. Trước đó ông chưa hề viết một bài tường thuật nào, và sau đó cũng thế. 

Bản thảo đã được sửa chữa rất ít. Có sửa lỗi chánh tả, có thêm thắt vài dấu chấm câu cho mạch văn sáng sủa; những chữ tắt và tượng hình ông đã dùng không có thay đổi, và được viết lại nguyên chữ, một số được bỏ đi và vài chữ được thêm vào trong dấu ngoặc. Về mọi mặt, bản thảo được ghi lại ở đây y như lúc viết. 

Một trong các chữ đã dùng cần được giải thích: tiến trình (tiếng Pháp là “processus”, tiếng Anh là “process”). Vào năm 1922, lúc 28 tuổi, Krishnamurti đã trải qua một chứng nghiệm tâm linh làm biến đổi cuộc đời ông, kéo dài những năm tháng đau đớn mãnh liệt và hầu như liên tục trong đầu và cột sống của ông. Bản thảo cho ta biết rằng tiến trình, danh từ ông đặt cho nỗi đau kỳ lạ đó, kéo dài thêm gần 40 năm nữa, dù sau đó có phần thuyên giảm. 

Tiến trình là một hiện tượng vật lý, không nên nhầm lẫn với một tâm thái mà trong BÚT HOA ông gọi là phép lành, bờ bên kia, cái vô lượng vô biên. Ông không bao giờ dùng một loại thuốc an thần nào trong tiến trình, không bao giờ ông dùng rượu hoặc các chất kích thích, ma túy, và từ 30 năm nay ông không uống trà hoặc cà phê. Tuy trường chay suốt cuộc đời, ông vẫn tuân theo một chính sách dinh dưỡng vừa đủ và hoàn toàn cân bằng. Theo ý ông, ép xác cũng như lợi dưỡng đều làm hư hoại đời sống tinh thần. Thật ra ông có chăm sóc thân thể (ông luôn luôn chỉ rõ sự khác biệt giữa thân và ngã), giống như một sĩ quan kỵ binh chăm sóc con tuấn mã của mình. Ông không bao giờ bị động kinh, hoặc bị một trạng thái vật lý đặc biệt nào có thể đưa đến ảo ảnh hoặc những hiện tượng tâm linh khác; ông không hành trì theo một hệ thống thiền định nào. Mọi việc này sẽ được trình bày cốt để bất kỳ độc giả nào cũng đều hiểu rằng những tâm thái của Krishnamurti không thể, hoặc không bao giờ gây ra bởi các chất kích thích hoặc bởi sự kiêng ăn khổ hạnh. 

Trong bài tường thuật lạ lùng này, chúng ta đọc được cái mà ta có thể gọi là phun trào từ nguồn mạch giáo huấn của Krishnamurti. Tất cả cốt tủy lời dạy của ông đều ở đấy, tuôn trào từ nguồn mạch tự nhiên của ông. Như chính ông đã viết trong những trang sau: “Mỗi lần đều có cái mới trong phép lành này, một tính chất mới, một hương vị mới, nhưng lại bất biến”. Cũng vậy, lời dạy tuôn phát từ ông không bao giờ như cũ, dù cho được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Giống như cỏ cây, sông núi, mây trời, ánh nắng, chim chóc, hoa lá, dù được ông tả đi tả lại biết bao nhiêu lần, vẫn luôn luôn mới mẻ, bởi vì mỗi lần ông nhìn là với đôi mắt không bao giờ quen thuộc xưa cũ, mỗi ngày đều có một nhận thức mới mẻ để trao truyền đến chúng ta. 

Ngày 18-6-1961, ngày mà ông bắt đầu viết, ông đang ở tại Nữu Ước với bạn bè, số 87 đường Đông. Từ Luân Đôn, nơi ông sống trong 6 tuần và nói chuyện 12 lần, ông đã bay đến Nữu Ước ngày 14-6. Trước khi đến Luân Đôn, ông đã ở La Mã và Florence, và trước nữa ông đã ngụ tại Ấn Độ suốt 3 tháng đầu năm, và đã nói chuyện ở Tân Đề Ly và BomBay. 

MARY LUTYENS---

Nguyên tác: The Krishnamurti’s Notebook 

Dịch theo bản Pháp ngữ: Carnets de Krishnamurti của Marie Bertrande Maroger.

Xem mục lục